Mấy chục năm qua tôi đã đón đủ các loại Tết tây, Tết ta nhưng đọng lại trong tôi lâu hơn cả vẫn là những cái Tết nghèo.
Tục gói và nấu bánh chưng vào dịp Tết là sự thể hiện nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc - Ảnh minh họa
Cái Tết tôi nhớ nhất lại là cái Tết nửa vui nửa buồn hồi đầu thập niên 1980.
Tết năm đó tôi đang được ở với ông bà nội ở Ân Thi thuộc tỉnh Hải Hưng mà sau này tách thành Hưng Yên và Hải Dương. Tôi thích ở với ông bà nhất vì được chiều. Học bao nhiêu thì học mà không học thì thôi, ông bà chẳng bao giờ ép. Chơi thì cứ thoải mái đi.
Bố tôi bận làm việc trên Hà Nội và không có tài gà trống nuôi con. Mẹ tôi đã mặc cả với bố tôi từ Tết trước là bố tôi phải nuôi ông con trai lớn là tôi, còn mẹ tôi chỉ nuôi hai cô em gái thôi. Bố tôi chắc buồn lắm còn tôi thì vui vì vậy là có cơ hội lên thủ đô, chẳng còn cảnh viết xấu là bị vụt thước kẻ vào tay nữa.
Vậy là trong năm học lớp sáu đó tôi đã chuyển trường không phải lên thủ đô mà còn về chỗ quê hơn nữa, từ thị xã Hưng Yên về luôn Ân Thi. Thay vì đưa tôi lên Hà Nội, bố tôi đã thông minh nghĩ ngay ra cách đưa tôi về nhờ ông bà chăm. Tôi có thoáng buồn vì mộng lên thủ đô đã tan đi nhanh chóng nhưng sau đó là những chuỗi ngày vui bất tận. Tôi được thoải mái đi lấy nhựa mít để bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng. Mới hơn 10 tuổi đã tự đi câu tôm, câu cá về rang lên ăn và tự thấy mình siêu quá. Tôi từ thị xã về học vẫn giỏi hơn các bạn trường làng nên được các bạn quý. Có bạn gần như sáng nào cũng rủ tôi qua nhà ăn cơm rang và cùng đi học để ôn bài chung.
Dịp giáp Tết là lúc tôi được thức khuya, dậy sớm cùng bà đi chợ phiên. Bà tôi buôn mắm tôm và nước mắm từ Hải Phòng về quê bán. Sáng sáng hai bà cháu dậy từ bốn, năm giờ sáng gánh hàng đi bộ cả tiếng đồng hồ để kịp tới các chợ bầy hàng bán. Chợ ngày đó không họp cả tuần mà chỉ một, hai hay ba phiên một tuần tùy chợ nên bà tôi phải đi khắp nơi. Nhiều hôm gặp trời mưa, hai bà cháu đi dép được một đoạn thì chỉ còn chân đất vì dép gặp bùn đất dính không nhấc chân lên được.
Chợ Tết hiển nhiên là vui hơn với đủ thứ mùi - đào, quất, rau mùi, hành lá và cả mùi ngô luộc mà bà tôi thường mua về thưởng cho tôi sau những lúc tôi ngồi trông hàng cho bà. Ông bà tôi cũng có đất canh tác và dịp Tết đến cũng là lúc thu hoạch su hào, bắp cải, hành, mùi đem bán lấy tiền mua tôm cá, măng miến, mứt Tết và những thứ khác. Những món khoái khẩu của tôi khi đó là cá kho, dưa muối và bánh chưng. Nhưng Tết năm đó nhà tôi không có bánh chưng.
Ông nội tôi phụ trách việc luộc bánh chưng. Bà tôi và người thím nấu các món khác. Tôi chạy quanh, thỉnh thoảng được nhờ giúp việc vặt như lấy thêm một ít rơm vào bếp hay đổ thêm ít trấu. Ông tôi điếc nặng. Có lẽ nhờ thế mà ông bà tôi sống khá hoà thuận. Bà cáu gắt ông cũng chẳng biết. Cáu lắm bà ghé sát tai ông nói thì ông cũng chỉ "cái nhà bà này" rồi thôi. Tôi chẳng thấy ông to tiếng bao giờ. Còn bà lúc nào cũng bắt nạt ông. Năm đó ông vừa luộc bánh chưng vừa gà gật. Thế là trộm nó bê cả cái nồi đi lúc nào không biết. Ông chạy đôn chạy đáo đi tìm nhưng làm sao thấy. Bà thì chửi cho thằng trộm "đi đằng đông chết đằng đông, đi đằng tây chết đằng tây" và cho nó ăn rất nhiều món ngon và bổ. Nhưng mất vẫn hoàn mất. Tết đến vẫn không có bánh chưng. Nhưng có mấy bánh pháo tét. Sáng mồng một mùi hoa bưởi quyện với mùa pháo đón chào năm mới mà mọi thứ chẳng có gì mới. Tôi thế nào cũng được tiền mừng tuổi. Bố mẹ tôi thể nào cũng sẽ cãi nhau trong mấy ngày Tết. Tôi thể nào cũng chui ra sau nhà giỏng tai nghe Chí Cường đọc chuyện Thuỷ Hử trên Đài phát thanh Bắc Kinh phát đi từ đài nhà hàng xóm. Mọi ngày tôi thường sang nhà người ta nghe nhưng Tết đến bà bảo không nên sang. Tôi thể nào cũng về nhà thím Hảo, người tôi quý chẳng kém gì mẹ. Thật tiếc sau này tôi không còn gặp thím nữa. Con trai thím về nhà bà ngoại chơi và ngã xuống ao. Bà ngoại thuê người gọi hồn cậu em bốn tuổi của tôi và người ta bảo hồn em từ ao đi lên vì có vết chân trên tro mà họ rải lên tấm gỗ bắc từ ao lên. Chú thím tôi chia tay ít lâu sau đó.
Từ quê nội, tôi lên xe đạp về quê ngoại cùng mẹ. Hai quê cách nhau hơn chục cây số và có hè ông nội và tôi đã đi xe căng hải về thăm ông ngoại. Đi và về trong ngày mà không hiểu sao ngày đó tôi chẳng ngại ngần gì, ông bảo đi là đi. Món ăn nhà nghèo ngày Tết đâu cũng giống nhau – gà luộc, xôi gấc, giò, chả… Tôi còn khoái món đốt pháo. Kiếm được quả pháo đùng có ngòi dài, bật lửa đốt, chạy một đoạn rồi bịt tai xem nó nổ là khoái lắm.
Mẹ tôi về Tết chớp nhoáng đảo nhoàng rồi đi. Bác gái, bố và chú tôi ở lâu hơn. Nhưng khoảng mồng ba, mồng bốn là hết Tết, mọi người lại đổ đi các nơi kiếm ăn. Bà lại kéo tôi lên nhà một ông thầy cúng để dâng lễ cầu mong một năm yên ấm cho cả nhà. Thế rồi Tết hết, năm mới đã đến, cả nhà lại chỉ còn hai ông bà và tôi. Ông ngày ra đồng, bà chạy chợ, tôi đến trường. Tối về bà lại đọc cho tôi mấy câu :
Ngày trước có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung…
Giờ Tết đã khác xưa. Gần 20 năm qua tôi hầu hết đều xa nhà mỗi khi Tết đến. Tôi giờ cũng đã có con lớn và đối với chúng Giáng Sinh quan trọng hơn cả. Tết ta đến chúng vẫn đi học, tôi vẫn đi làm. Nhưng năm nào tôi cũng vẫn làm mâm cơm cúng mời ông bà không quản xa xôi sang ăn Tết với tôi. Năm nay tôi sẽ báo với ông bà cậu con cả của tôi đã được Đại học Cambridge của Anh nhận vào học ngoại ngữ, tiếng Đức và tiếng Ý trong bốn năm từ tháng 9/2019 trong đó có một năm học tại Đức. Ông bà tôi sẽ mừng và vui cả năm vì trong nhà giờ đã có người vào được trường hàng đầu thế giới.
Năm mới cũng xin kính chúc quý độc giả vạn sự như ý và xin được nghe những kỷ niệm về Tết của mọi nhà.