Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/02/2019

Mùa Xuân qua những ca khúc bất hủ

Thanh Phương

Bên cạnh ca khúc "Ly rượu mừng" (mà đến đầu năm 2016 mới được cho phép hát ở Việt Nam !), cứ mỗi Tết đến, những ca khúc quen thuộc của mùa Xuân lại rộn ràng cất lên trong các chương trình văn nghệ mừng năm mới. Đại đa số các sáng tác bất hủ về chủ đề Xuân đều là những bài hát có từ trước năm 1975.

xuan1

Thiếu nữ áo dài và hoa đào trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam (Ảnh chụp ngày 22/01/2017) Reuters

Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, hôm nay chúng tôi xin mời quý vị điểm qua một số bản nhạc Xuân tiêu biểu, với sự tham gia của giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải tại Paris.

Một trong những ca khúc xưa nhất về mùa Xuân, chắc ai cũng biết, đó là "Xuân đã về" (1950) của nhạc sĩ Minh Kỳ. Với giai điệu nhịp nhàng và tiết tấu rộn ràng, "Xuân đã về" miêu tả thật sống động cảnh vật mùa xuân trên cánh đồng quê Việt Nam. Nghe ca khúc này, ai cũng cảm thấy lòng phơi phới, yêu đời.

Và chắc cũng không ai mà không biết đến ca khúc vui tươi, rộn ràng không kém, đó là "Anh cho em mùa Xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ thơ Kim Tuấn :

Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở

Chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố

Mắt buồn vịn ngọn cây...

Tuy ra mắt từ năm 1962, nhạc phẩm này vẫn được nhiều người ưa thích, và tiếp tục được nhiều ca sĩ trình bày, kể cả trong giới trẻ hiện nay. Bài hát được viết theo điệu tango, nhưng cũng nhiều người hát theo điệu Cha Cha Cha cho nó sôi động hơn.

Nhưng bên cạnh đó, có những ca khúc tuy không được phổ biến nhiều bằng, nhưng cũng là những sáng tác rất hay về mùa Xuân, như ghi nhận của nhạc sĩ Trần Quang Hải :

"Ví dụ như "Xuân Thôn Dã" hoặc "Xuân Miền Nam" của ông Văn Phụng cũng rất là hay, còn Hoàng Trọng cũng có một bài rất nổi tiếng, đó là bài "Gió Mùa Xuân Tới". Một bài khác cũng được nhiều người biết đến, do nữ ca sĩ Thu Hương từng hát, đó là bài "Gái Xuân" của Từ Vũ, phổ thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và sau này cũng được nhiều ca sĩ hát.

Còn bài "Mộng Chiều Xuân" của ông Ngọc Bích là một trong bài hát về Xuân theo điệu tango. Ngay như ông Phạm Đình Chương cũng có viết một bài vào năm 1953, đó là "Xuân Tha Hương". Bài này cũng rất nổi tiếng, nhưng điệu nhạc hơi buồn, vì ông nói đến lúc mới di cư vào Nam, còn nhớ về quê mẹ, cho nên được viết theo cung thứ, buồn hơn là bài "Ly Rượu Mừng".

xuan2

Nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy

Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải, cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một người có rất nhiều sáng tác về mùa Xuân, mà tiêu biểu là ca khúc "Xuân Ca" :

"Phạm Duy là người sáng tác rất nhiều bài Xuân nổi tiếng, như bài "Xuân Ca", được nhiều người hát, hay bài "Hoa Xuân" "Tuổi Xuân". Nhưng có một bài mà tôi còn đặt nghi vấn là bài "Bến Xuân", viết chung với ông Văn Cao, nhưng trong tất cả các tài liệu, họ chỉ đề "Bến Xuân" là của Văn Cao. Theo tôi, bài này do cả hai người viết trước năm 1954. "Bến Xuân" là một bài hát rất hay, rất êm dịu, nhẹ nhàng, chứ không phải là nhạc tranh đấu".

Bài hát : Bến Xuân - Tiếng hát Khánh Lý những năm 1980's (Nguồn : Trần Mạnh Hà, 29/03/2009)

Đa số những ca khúc về mùa Xuân sáng tác trước năm 75 đều phản ánh một thời kỳ chiến tranh máu lửa và gắn liền với mùa Xuân là hình ảnh của anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, theo ghi nhận của nhạc sĩ Trần Quang Hải.

Một số ca khúc Xuân trước năm 75 cũng phản ánh tâm trạng của người lính phải sống cảnh xa nhà trong những ngày Tết, vì họ phải ở lại tiền đồn heo hút để canh giữ cho người dân được đón năm mới trong thanh bình, mà tiêu biểu nhất chính là "Xuân này con không về"của nhạc sĩ Nhật Ngân, nhạc phẩm bất hủ vốn gắn liền tên tuổi của cố danh ca Duy Khánh. Nhạc sĩ Trần Quang Hải nhắc lại :

"Nhạc sĩ Nhật Ngân viết bài "Xuân này con không về" với dòng nhạc đặc biệt miền Trung, nhạc ngữ rất là miền Trung, âm giai cũng là miền Trung. Thành ra những người nào miền Trung khi hát thì đều làm thoát ra được cái hình ảnh đó, mà anh Duy Khánh là một trong những ca sĩ gốc miền Trung, có một giọng hát rất truyền cảm và gây ra một ảnh hưởng rất lớn trong giới tân nhạc Việt Nam.

Tôi nghĩ đó là một bài về mùa Xuân với một hình ảnh không có gì là hy vọng. Nói rằng "Xuân này con không về" có nghĩa là con phải ở lại đó, hoặc có thể là con bỏ thây nơi sa trường. Đó là những hình ảnh rất đẹp mà anh Duy Khánh đã lột tả được và đã đem bài đó đi khắp nơi trong miền Nam. Tôi thấy đó là một đóng góp rất lớn".

Tuyệt đại đa số các nhạc phẩm nổi tiếng về mùa Xuân đều là sáng tác ở miền Nam trước năm 75, nhưng đặc biệt có một ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao, ra đời sau thời điểm đó, trong nhiều năm tưởng đã bị chìm vào quên lãng, nhưng cuối cùng cũng được cho phép hát công khai và dần dần cũng trở thành bất hủ, đó là bài "Mùa Xuân Đầu Tiên", được Văn Cao sáng tác vào dịp Tết Bính Thìn (1976). Nhạc sĩ Trần Quang Hải kể lại số phận ba chìm bảy nổi của ca khúc này :

"Sau năm 75, tờ báo Sài Gòn Giải Phóng đặt ông Văn Cao viết bài đó và đăng đầu tiên trong số Xuân Sài Gòn Giải Phóng. Nhưng lúc đó, tất cả những bài hát của Văn Cao đều bị cấm. Cho tới gần 20 năm sau mới được hát trở lại. Ông có nói với người là Văn Thao : "Cha viết bài này là muốn mừng cho đất nước được thống nhất và nhân dân được đoàn tụ. Nhưng cái đó chỉ là ước mơ thôi, sau đó thì không được như thế.

Tới khi ông ấy mất vào ngày 20/07/1995, lúc đó tất cả nhạc của ông Văn Cao được hồi phục. Trong buổi lễ 49 ngày ông Văn Cao mất, có một người đứng ra hát "Mùa Xuân Đầu Tiên", được nổi tiếng từ đó, đó là ca sĩ Thanh Thúy, khi ấy mới 17 tuổi. Bài hát này sau đó được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, phần lớn là ở miền Bắc hơn là trong miền Nam".

Cũng rơi vào buổi giao thời tương tự như "Mùa Xuân Đầu Tiên", đó là "Điệp Khúc Mùa Xuân", một bài hát có tiết tấu nhanh, nhưng vẫn dịu dàng, thích hợp với không khí vừa náo nức vừa mơ màng của những ngày Xuân, với niềm mong ước "tình xuân ơi xin dệt mối yêu thương, từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng". Nhạc sĩ Trần Quang Hải cho biết thêm vài chi tiết về sáng tác này của nhạc sĩ Quốc Dũng, một trong những người đầu tiên viết những ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt vào đầu thập niên 1970 ở miền Nam :

"Quốc Dũng đã sáng tác rất nhiều bài và đặc biệt là bài "Điệp Khúc Mùa Xuân", viết theo điệu nhạc kích động, sáng tác vào tháng 10/1974, nhưng được nổi tiếng vào thời gian sau 75, được người ở miền Nam hát rất nhiều. Bảo Yến, vợ đầu tiên của Quốc Dũng, đã hát bài này đầu tiên và sau đó được hàng chục ca sĩ khác nối tiếp nhau hát, tại vì bài này có tiết tấu phù hợp với sở thích của giới trẻ. Có thể nói đây là một trong những bài nổi tiếng nhất về mùa Xuân sau 75 tại Việt Nam".

Chương trình đặc biệt đón Xuân Kỷ Hợi đến đây làm chấm dứt. RFI Việt ngữ rất cám ơn nhạc sĩ Trần Quang Hải tham gia vào chương trình và nhân đây xin chúc toàn thể quý vị thính giả một năm mới an khang thịnh vượng.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 04/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)