Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/04/2019

Thay nhựa bằng lá chuối để gói : thay đổi từ hành động nhỏ

RFA tiếng Việt

Ý tưởng vừa nêu nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng cũng như người tiêu dùng tại Việt Nam vì cho rằng giải pháp này có thể hạn chế được phần nào ô nhiễm.

lachuoi1

Hình ảnh lá chuối được gói các loại thực phẩm nông sản trong siêu thị. Screen Capture from Laodong.vn

Các đại diện siêu thị của một số thương hiệu tại Việt Nam nói với truyền thông rằng, trong những ngày qua họ đã thử nghiệm thay việc gói các loại nông sản bằng nilong sang lá chuối và được hưởng ứng mạnh mẻ từ người tiêu dùng và họ sẽ thí điểm liên tục việc này trong một tháng, sau đó sẽ có nghiên cứu kế hoạch ra toàn bộ hệ thống.

Một số người dân cho rằng, họ hoàn toàn ủng hộ việc thay đổi này để hạn chế được phần nào đó các loại rác nhựa.

"Tôi cũng ủng hộ điều đó bởi vì giờ nilong nhiều quá thì cũng không tốt và giờ mấy đứa trẻ lớn lớn mà mấy cái này cũng không tốt, nên tôi ủng hộ lấy lá chuối thay cho cái này đó".

Một người dân khác chia sẻ :

"Mình cũng quan tâm thôi chứ giờ mỗi lần mình lên tv coi thấy những rác này kia nó không có thải, rã ra thì mình thấy vậy cũng đau lòng lắm chứ giờ thực tế nó vậy rồi".

Phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường ENTEC nói với chúng tôi rằng, ông và cũng như các chuyên gia môi trường đều ủng hộ việc đó, ông giải thích :

"Thời gian vừa qua do người dân sử dụng túi nilong nhiều quá nên mới có một phong trào là dùng lá chuối, lá sen mà xưa kia ông bà ta sử dụng và sau khi gói đồ ăn mang về thì ta bỏ lá chuối, lá sen đi thì đó là chất phân hủy sinh học được cho nên có thể giảm được lượng nhựa sử dụng. Cho nên đây là hướng rất là thân thiện với môi trường và người dân cũng như các nhà khoa học ủng hộ việc này".

Chúng tôi liên lạc với anh Nguyễn Anh Thảo, chủ cửa hàng bán nông sản "Tiệm Rau của Ba" tại thành phố Hồ Chí Minh và cũng là cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình này từ những ngày đầu khai trương. Anh cho biết :

"Hiện tại em rất là vui vì em là một trong những người làm tiệm đầu tiên của Việt Nam mình sử dụng lá chuối để bọc lót bảo quản cũng như là đóng gói bán ra thì tiệm em đã có ý định ngay từ đầu thành lập tiệm ấy nên em nghĩ đây cũng không phải là phong trào mà là một sự thay đổi của tiệm và thay đổi hoàn toàn không sử dụng bao nilong để không thả rác ra môi trường và đó là mục đích ngay từ đầu của tụi em".

Ngoài ra, anh Nguyễn Anh Thảo còn cho biết thêm hiện tại tiệm của anh được thiết kế theo kiểu rất Việt Nam, tức có nghĩa là sử dụng mọi nguyên liệu tự nhiên như rỗ, rá, gỗ, rơm, rạ, lá chuối để mọi người có thể hiểu dần về việc bảo vệ và thân thiện môi trường.

Đại diện của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TpHCM hay còn gọi là Saigon Co.op nói với báo chí rằng, việc chuyển sang sử dụng lá chuối gói thực phẩm được phát triển rộng rãi thì sẽ giúp người nông dân ở các vùng trồng có thêm thu nhập từ việc cung cấp nguồn lá chuối.

Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết điều đó hoàn toàn chắc chắn "Xưa kia khi họ trồng chuối lấy trái xong thì cây họ bỏ đi và toàn bộ cành cây lá đó không làm gì cả thì bây giờ lại có thêm nguồn thu nhập và chắc là họ không chặt bỏ cây chuối chưa ra trái, ra quả đâu mà chỉ những cây sau khi thu hoạch xong rồi, trước khi họ sẽ bỏ hết đi nhưng bây giờ có thể tận dụng được".

lachuoi2

Thực phẩm nông sản tại Tiệm Rau Của Ba. Courtesy of Tiem rau của Ba

Anh Nguyễn Anh Thảo thừa nhận việc sử dụng nguồn lá chuối để gói hàng có thể sẽ làm đội chi phí lên ; nhưng vì muốn kêu gọi mọi người nói không với nilong nên anh sẵn sàng chấp nhận giảm bớt lợi nhuận.

"Riêng về chi phí thì việc gói lá chuối sẽ đội chi phí của em lên chứ, chi phí mua lá chuối nè, chi phí về cách vệ sinh bảo quản lá chuối, nhân công buổi sáng để gói lá chuối thì nó đẩy chi phí lên cao. Lá chuối thì anh cũng biết vùng ven của Sài Gòn là một vùng rất là thuận lợi Hóc Môn, Củ Chi, Long An là những vùng lá chuối rất là nhiều nên tiệm em tận dụng những nguồn lá chuối ở đó thì về nguồn hàng thì không sợ thiếu, chỉ riêng về chi phí thì nó tốn kém hơn. Hiện tại mục tiêu của tụi em là không sử dụng bao nilong nên em hoàn toàn không tính giá gốc của lá chuối vào các sản phẩm của mình, em kêu gọi mọi người nên xài và em chấp nhận, lợi nhuận của em có thể thấp xuống nhưng nói không với bao nilong là e làm ngay từ đầu".

Anh Nguyễn Anh Thảo cho rằng anh cần hành động hơn là hô hào nên anh muốn tiên phong về việc này.

""Từ khi người ta có bao nilong người ta nghĩ nilong như là một cuộc cách mạng vì nó làm mọi thứ quá tiện lợi và người ta sử dụng nó như là một thói quen không thể bỏ, mà Việt Nam là một trong những nước mà thải nilong rác thải nhựa ra thuộc hàng top của thế giới, những năm trở lại đây thì người ta lại quan tâm đến môi trường nhiều hơn thì người ta lại hô hào, kêu gọi bảo vệ môi trường nói không với bao nilong nhưng thật chất không hành động vẫn diễn ra như vậy và vẫn là thói quen. Nhất là những nơi như chợ siêu thị hay là những hệ thống bán lẻ ra thì từ đó em nghĩ em hãy hành động hơn là hô hào, kêu gọi nên em xây dựng như vậy".

Ngoài ra, anh Nguyễn Anh Thảo còn cho biết thêm hiện tại các siêu thị cũng đã bắt đầu làm theo nhưng anh cũng còn rất băn khoăn vì không biết các hệ thống siêu thị làm theo trào lưu để quảng cáo hay thật sự là người ta muốn làm và muốn thay đổi.

Đồng ý với quan điểm của anh Thảo, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết

"Thói quen thay đổi rất lâu nhưng cũng phải từ từ, bây giờ trước mắt có những người đi tiên phong họ làm cái đó, nó sẽ góp phần làm cho nhận thức của người dân ngày càng phát triển nhiều hơn thôi. Trong giai đoạn đầu thì có thể nhiều người chưa quen nhưng dần dần thời gian sau nếu chúng ta tuyên truyền tốt thì người ta quen và cái xu hướng người ta sử dụng lá chuối để gói đồ ăn. Tôi nghĩ xu hướng này không chỉ ngày một ngày hai đâu mà cần phải có một thời gian để người ta dần thay đổi nhận thức".

Một người tiêu dùng nói rằng, đi siêu thị người ta gói bằng gì và bán như thế nào thì mình mua thế đó chứ không ý kiến được gì, gói bằng nilong hay gói bằng lá chuối cũng vậy cho nên biện pháp để thay đổi là đầu tiên cần cấm sản xuất nilong thì người ta sẽ không xài nữa, chứ còn sản xuất thì người ta vẫn còn xài.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 04/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)