Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

05/04/2019

Toutankhamon và kho báu Pharaon Ai Cập cổ đại "tái xuất" Paris

Thùy Dương

Sau đợt triển lãm ở Los Angeles, Hoa Kỳ, với khoảng 700.000 khách tham quan, triển lãm "Toutankhamon, Kho báu của Pharaon" mở cửa tại Paris từ ngày 23/03/2019 đón công chúng tới chiêm ngưỡng khoảng 150 cổ vật vô giá, trong đó có khoảng 60 cổ vật lần đầu tiên được chính quyền Cairo cho phép đưa ra khỏi Ai Cập.

aicap1

Một trong 150 cổ vật được trưng bày tại triển lãm Toutankhamon, kho báu của Pharaon tại Paris 23/03-15/09/2019.lavillette.com

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/09/2019 và nhà tổ chức hy vọng số khách sẽ vượt xa con số 1,2 triệu người, đưa "Toutankhamon, Kho báu của Pharaon" vào top các triển lãm đông khách nhất lịch sử nước Pháp.

Toutankhamon, niềm đam mê của người Pháp

Thực ra, "Toutankhamon, Kho báu của Pharaon" được giới thiệu tại Paris chỉ là một chặng trong tua triển lãm vòng quanh thế giới cho đến năm 2024, qua 10 thành phố, từ Los Angeles, Paris, Luân Đôn, Sydney và 6 thành phố khác cho đến nay vẫn chưa được công bố. Tại Paris, kho báu của Toutankhamon được giới thiệu tại phòng trưng bày rộng khoảng 2.000m² tại Grande Halle de la Vilette.

150 cổ vật được trưng bày nằm trong số hơn 5.000 cổ vật được nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy nguyên vẹn cách nay một thế kỷ, vào năm 1922, trong một hầm mộ hiếm hoi chưa từng bị xâm phạm trước đó tại Thung lũng của các vị vua. Cũng chưa có hầm mộ của Pharaon nào được tìm thấy với nhiều cổ vật như hầm mộ Toutankhamon.150 cổ vật cho đến trước triển lãm được lưu giữ và trưng bày tại một bảo tàng ở quảng trường Tahrir, Cairo. Do bảo tàng đóng cửa, khi được đưa trở lại Ai Cập vào năm 2024, các cổ vật sẽ được đưa về trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng mới có tên gọi Đại Bảo Tàng Ai Cập, gần kim tự tháp Gizeh.

Một tuần trước khi triển lãm chính thức được khai trương, báo chí Pháp tiết lộ nhà tổ chức đã bán được 130.000 vé. Và chỉ một tuần sau ngày khai trương, số vé bán ra đã đạt hơn 200.000 vé. Ông Dominique Farout, cố vấn khoa học của ban tổ chức triển lãm - nhà nghiên cứu về Ai Cập, giảng viên Viện Khéops và trường Louvre, chuyên về lịch sử các nền văn minh, lịch sử nghệ thuật, khảo cổ, bảo tàng học … thuộc trường đại học danh tiếng ENS Paris - nhấn mạnh trên đài France Inter ngày 19/03/2019 :

"Dù gì thì trong quá khứ người Pháp cũng luôn có sở thích về Ai Cập cổ đại, từ cách nay nhiều thế kỷ. Ở Pháp, lúc nào cũng như vậy. Và cứ cách một thời gian, sở thích đó của người Pháp lại được đánh thức dậy".

Quả đúng là người Pháp có niềm đam mê dành cho nền văn minh Ai Cập cổ đại kỳ bí, kim tự tháp, pharaon, Toutankhamon… Đây cũng không phải là triển lãm đầu tiên về Pharaon được tổ chức tại Pháp. Đợt triển lãm thu hút đông du khách nhất mọi thời đại ở Pháp chính là triển lãm về Ai Cập cổ đại được tổ chức cách nay hơn hơn nửa thế kỷ, vào năm 1967, tại Petit Palais, Paris, với hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan, cho dù chỉ có 50 cổ vật được trưng bày. Cho tới nay, vẫn chưa có cuộc triển lãm nào có sức hút mãnh liệt như vậy. Nhờ số khách đông kỷ lục, cuộc triển lãm 1967 được vinh danh là "triển lãm thế kỷ". Năm 2012, triển lãm "Toutankhamon, hầm mộ và kho báu" tại Cung triển lãm, cửa ô Versailles cũng thu hút được 250.000 lượt người xem.

Niềm đam mê Ai Cập cổ đại của người Pháp còn được thể hiện qua nhiều công trình, tác phẩm, tiêu biểu nhất như Kim tự tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre, vừa tròn 30 năm tuổi hôm 30/03/2019 và được mệnh danh là viên kim cương trong lòng Paris, minh chứng cho sự hài hòa giữa kiến trúc cổ điển và phong cách hiện đại.

Ngoài ra, còn phải kể đến cột tháp Obélisque, dựng từ cột đá Luxor có từ thế kỷ XIII, trước Công Nguyên, cao 22m, nặng 230 tấn, từ đền Luxor, món quà của Ai Cập tặng cho nước Pháp, đã được đặt trang trọng tại quảng trường Concorde vốn ẩn chứa nhiều ý nghĩa lịch sử và cũng là quảng trường lớn nhất Paris.

Con đường đến sự sống vĩnh hằng của Toutankhamon

Vậy lần này, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những gì để thỏa lòng đam mê và hiếu kỳ ? 150 cổ vật được chọn lọc kỹ càng tái hiện lịch sử cuộc đời của hoàng đế Toutankhamon, sinh vào khoảng năm 1342 trước Công Nguyên, lên ngôi vua năm 8 tuổi và qua đời khi mới 18 tuổi. Du khách sẽ được ngắm nhìn từ các vật dụng của Toutankhamon, thời thơ ấu, khi trị vì, cho tới các món đồ tháp tùng vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập cổ đại trong chuyến lữ hành đi tìm cuộc sống vĩnh hằng bên kia thế giới.

Điều này đã được nhà nghiên cứu Dominique Farout khẳng định : "Như quý vị thấy đấy, chúng ta có các món đồ trang sức, các yếu tố ma thuật, các món đồ chỉ phục vụ tang lễ, mang tính tôn giáo …, những hiện vật liên quan đến chính cuộc đời của Toutankhamon, thời thơ ấu của nhà vua. Tôi nghĩ rằng các hiện vật được trưng bày lần này là phiên bản giản yếu thực thụ và rất tuyệt vời của tất cả các cổ vật đã được tìm thấy trong hầm mộ Toutankhamon".

Từ ngai vàng, bình hoa, hòm rương, đồ trang sức, các bức tượng, đến những đồ vật mang tính nghi lễ, tôn giáo đều lung linh ánh vàng. Điều đáng tiếc là hai cổ vật có thể coi là "át chủ bài" để thu hút du khách là xác ướp của pharaon và mặt nạ tang lễ đúc từ 111 kg vàng đậy trên quan tài chứa xác ướp của Toutankhamon lại không được trưng bày tại triển lãm.

Lý do rất đơn giản là xác ướp của Toutankhamon dễ vỡ, dễ hỏng nên không thể vận chuyển khỏi Ai Cập, còn mặt nạ vàng ròng thì giờ đây đã bị cấm "xuất cảnh". Mặt nạ nổi tiếng này đã từng được triển lãm tại Paris năm 1967 và góp phần vào thành công của "triển lãm thế kỷ".

Tuy nhiên, du khách vẫn có thể phát huy trí tưởng tượng khi ngắm nhìn bản sao của mặt nạ. Và bù lại, du khách cũng được chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm chưa từng được giới thiệu cho công chúng, ngay cả ở Ai Cập, chẳng hạn tượng những người lính canh gác phòng tang lễ trong hầm mộ Toutankhamon.

aicap2

Các cổ vật được trưng bày tại triển lãm Toutankhamon, Kho báu của Pharaon đều lấp lánh ánh vàng.© Vincent Nageotte

Ngoài các hiện vật được đưa từ Ai Cập sang Pháp, còn có một cổ vật quý thuộc sở hữu của bảo tàng Louvre, Paris. Đó là tượng thần Amon, vị thần bảo hộ pharaon Toutankhamon - một trong những tác phẩm có giá trị nhất trong bộ sưu tầm ai Ai Cập cổ đại của Louvre. Là bảo tàng hàng đầu thế giới, Louvre được chính quyền Cairo tín nhiệm đề nghị phối hợp tham gia triển lãm. Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris giải thích về sự hiện diện của bức tượng thần Amon tuyệt đẹp tại triển lãm "Toutankhamon, kho báu của Pharaon" :

"Tôi tự nhủ là nếu nhà chức trách Ai Cập muốn Louvre tham gia, thì chúng tôi phải suy nghĩ xem có điều gì đó xứng tầm để đặt cược vào triển lãm này. Và tôi tự hỏi mình rằng tại sao bảo tàng Louvre không cử một đại sứ. Bộ sưu tầm hiện vật của bảo tàng Louvre là một trong những bộ sưu tầm Ai Cập cổ đại lâu đời nhất ở Châu Âu và trên thế giới. Khu trưng bày hiện vật của Ai Cập cổ đại có từ năm 1827, cách nay gần 200 năm. Vậy thì tại sao chúng tôi lại không cử một đại sứ tới triển lãm về Ai Cập ? Ý tưởng này làm chúng tôi hài lòng, thu hút chúng tôi. Và chúng tôi đã cho mang bức tượng này tới trưng bày tại triển lãm".

Nghệ thuật trưng bày

Những cổ vật liệu đã được phục chế trước khi đem ra trưng bày tại Paris ? Đương nhiên là có. Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris nhấn mạnh đài France Inter : "Đối với một cuộc triển lãm, chẳng hạn sau khi đã lựa chọn các cổ vật để trưng bày … chúng tôi phải xem xét, kiểm tra tình trạng của các hiện vật, để biết được phải có các điều kiện vận chuyển và lắp đặt như thế nào. Việc lựa chọn các tác phẩm trưng bày phụ thuộc vào khả năng có thể vận chuyển chúng đến nơi khác được hay không.

Tất cả những điều đó phải được cân nhắc, tính toán trước. Và đúng là phải phục chế các hiện vật trước khi làm cho chúng trở nên bền chắc hơn nếu có dịp trước khi mang ra trưng bày ở triển lãm (…) Nhưng phục chế không có nghĩa là thêm các chi tiết, không bao giờ được làm như vậy. Người ta làm cho chúng chắc chắn hơn, bền vững hơn".

Đương nhiên 150 cổ vật là trung tâm thu hút sự chú ý của khách thăm quan, nhưng không thể không nói tới một yếu tố tôn vinh giá trị của các cổ vật và góp phần đảm bảo cho du khách cảm nhận hết vẻ đẹp của kho báu của Toutankhamon : nghệ thuật xắp xếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật tại triển lãm lần này.Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris giải thích :

"Cần nói rõ ngay là nghệ thuật trưng bày là do các ủy viên đặc trách tổ chức triển lãm quyết định. Họ chính là các quản đốc bảo tàng của Ai Cập phụ trách triển lãm và công ty Mỹ phụ trách tua triển lãm vòng quanh thế giới. Chúng tôi không tham gia, nếu có thì cũng là gần như không đáng kể, vào công tác xắp đặt, tổ chức trưng bày. Trong một không gian trưng bày khá rộng, bên trong các tủ kính có các hiện vật được bày trang trọng ở chính giữa và khách tham quan đi vòng quanh được để ngắm nhìn hiện vật từ mọi góc độ".

Về cách xắp xếp này, nhà nghiên cứu Dominique Farout, cố vấn khoa học của ban tổ chức triển lãm cho biết thêm : "Trên thực tế, tại các bảo tàng cũ hiện nay ở Cairo được đặt trên các khay trưng bày mà người xem thường thì không thể nhìn thấy mặt sau, còn ở đây, chẳng với các món đồ trang sức, khách tham quan nhìn thấy được cả mặt còn lại. Tôi khuyên quý vị nên ngắm chúng cả từ phía sau. Thật khó có thể tin được, nhưng nhìn từ mặt sau chúng cũng đẹp tuyệt vời như mặt trước mà người ta hay ngắm vậy (…)

aicap3

150 hiện vật tại triển lãm tại La Vilette nằm trong số hơn 5.000 cổ vật được nhà khảo cổ Carter tìm thấy nguyên vẹn năm 1922 tại hầm mộ Toutankhamon.

Các món đồ trang sức đẹp một cách phi thường, khác lạ. Những người thợ chế tác một cách khéo léo, tinh tế. Có rất nhiều chi tiết tinh xảo ở mặt mà chúng ta thường không nhìn thấy. Đó là mặt áp vào cơ thể. Và ở triển lãm lần này, chúng ta nhìn thấy tất cả. Còn về các tủ kính trưng bày, tôi choáng ngợp về chất lượng tủ kính. Đó là kính không phản quang, không gây bóng lóa. Người xem ở trong phòng tối đen, nhưng đồng thời mọi thứ lại được chiếu sáng, nhìn được rất rõ ràng".

Khoản tiền thu được từ vòng triển lãm tại 10 thành phố lớn sẽ được dành cho Đại Bảo Tàng Ai Cập, ở cao nguyên Gizeh, góp phần đóng góp vào số tiền khổng lồ 1 tỉ đô la chi cho việc xây dựng và hoạt động của bảo tàng. Nhưng một trong những mục tiêu lớn khác của nhà chức trách Ai Cập khi "mạo hiểm" đưa các cổ vật vô giá rời đất nước đi chu du vòng quanh thế giới là nhằm thu hút sự chú ý của công chúng toàn cầu đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Chưa biết liệu triển lãm lần này sẽ hấp dẫn người Pháp đến đâu, nhưng ngay từ ngày mở cửa triển lãm, sau khi được đắm chìm trong không gian huyền bí, hư hư, thực thực, nhiều du khách đã mong muốn sớm được đến Ai Cập để thỏa nỗi đam mê về Ai Cập cổ đại, về vị vua Toutankhamon nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 05/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)