Quốc gia là một tình cảm, một đồng thuận, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.
Khi tôi quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh, tôi chưa có định hướng gì rõ ràng cả.
Câu nói thách thức của ba tôi-người đã phải vào tù cải tạo chỉ vì cái hàm sĩ quan biệt phái-cứ vang vang trong đầu tôi : "Chấm dứt cộng sản xong thì tạo ra chế độ gì ? Đường lối thế nào ?".
Ông hay thách thức tôi. Có lẽ ông quá hiểu tôi, tôi chỉ bộc lộ hết sức mình khi gặp những câu hỏi khó, một loại lừa ưa nặng.
Cho đến trước ngày tôi đọc được cuốn Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, tôi vẫn lục tìm khắp tất cả các trang mạng, xem tất cả mọi học thuyết chính trị để tìm con đường cho mình(và bây giờ vẫn vậy, đọc lý thuyết chính trị là một thú vui của tôi).
Kiến thức tôi tăng dần.
Tôi làm quen với khái niệm đa đảng vào lúc học lớp 8. Đến lớp 10, tôi đọc được một cương lĩnh của một đảng mà theo tôi là xuất sắc nhất tôi từng đọc.(và sau này tôi mới biết đó thực chất là một tổ tình báo trá hình, những người được họ kết nạp, kể cả người ngoài đảng hợp tác với họ đều bị bắt trong khi ông tổng thư kí luôn chạy thoát hoặc chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam)
Cương lĩnh đề cập nhiều lĩnh vực, sau này khi trình độ chính trị tăng lên thì tôi thấy nó khá sơ sài nhưng lúc đó với tôi là quá đủ. Nhưng tôi chú ý đến một điểm, một điểm mà sau này tôi cảm thấy rất sai lầm.
Cương lĩnh đó nói rằng, nếu đảng này cầm quyền, họ sẽ đáp ứng các nguyện vọng của các dân tộc thiểu số ,nhưng đồng thời sẽ buộc đổi tên tất cả những địa danh đặt theo tiếng dân tộc thiểu số thành tiếng Việt.
Lúc đó tôi chỉ thấy điều này hơi lạ, nên tôi đem nó thảo luận với ba. Ba tôi, với đầu óc của một người đã học qua rất nhiều sách Trung Hoa, thấm nhuần tư tưởng Khổng giáo, tỏ vẻ rất ủng hộ quan điểm trên. Ông phân tích rằng không thể để người sắc tộc thiểu số khi sinh ra đã thấy vùng mình sống có cái tên khác vùng của người Kinh, họ sẽ hình thành ý thức đòi độc lập. Ông còn đi xa hơn nữa khi khẳng định với tôi rằng chính quyền đáng lẽ nên tìm cách xóa bỏ luôn ngôn ngữ của các sắc tộc thiểu số, để họ hoàn toàn bị người Kinh đồng hóa.
Tôi đã cho là ông đúng, và tấm tắc khen cái "chiêu đồng hóa "này.
Sau này, khi hiểu thêm về chính trị, tôi mới tự đặt câu hỏi : Tại sao nước Mỹ với đủ thứ dân tộc, dân da trắng nói tiếng Anh không dùng "chính sách đồng hóa" mà nước Mỹ không hề phân liệt ra thành nhiều nước ? Họ lại ngày càng mạnh ?
Tôi đã không hiểu, bởi vì trong đầu tôi, khái niệm quốc gia vẫn chỉ là một mảnh đất và một dân tộc. Cái khái niệm đó ăn vào trong đầu tôi, bám dính chặt trong đó, tới nỗi dù nguyên cả một Liên Bang Hoa Kỳ to đùng đập thẳng vào, nó vẫn bám dính ở đó và sản xuất ra câu giải thích đầy tính chống chế : "Mỹ là ngoại lệ thôi, tụi khác người ấy mà".
Tôi đã nhận ra tôi sai. Và ba tôi cũng vậy, không biết từ lúc nào. Tôi còn nhớ hôm giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam, tôi nói với ba là tôi quyết tìm lại công lý cho dân tộc Lạc Hồng. Ba đốp lại : "Lạc Hồng nào ? Mình có phải giống Lạc Hồng đâu ?".
Tôi sững người. Dòng họ của tôi gốc ở Trung Quốc, sang đây khai khẩn đất hoang, sinh sống từ mấy trăm năm trước. Dĩ nhiên thời gian đó đủ lâu để chúng tôi trở thành người Việt một trăm phần trăm. Nhưng nếu nói tôi thuộc giống Lạc Hồng thì không đúng. Và giống Lạc Hồng, sau mấy ngàn năm, qua đủ thời kỳ cũng đã lai tạp rất nhiều rồi. Mà Lạc Hồng cũng chỉ là tổ tiên trong câu chuyện kể của người Kinh mà thôi.
Thậm chí khi nói đến người Kinh, thực ra chúng ta cũng chỉ đang nói đến một nhóm người đã lai tạp rất nhiều rồi. Nhưng dường như trong tiềm thức, người ta vẫn nghĩ thực tế nước Việt Nam là của người Kinh.
Quốc gia đâu chỉ là một dân tộc ? Quốc gia nên là, và phải là, một cái gì đó rộng rãi hơn thế, bao dung hơn thế. Quốc gia đôi khi không cần phải có quan hệ máu mủ. Một người thuộc dân tộc nước ngoài được nuôi dạy ở Việt Nam vẫn có thể yêu Việt Nam, sống rất Việt Nam, cống hiến cho Việt Nam và hiển nhiên, là một người Việt Nam.
Quốc gia có thể chỉ là một thỏa hiệp, như trong trường hợp Liê Bang Hoa Kỳ, một thỏa hiệp sống chung giữa những vùng được gọi là tiểu bang, trong đó các vùng chung sống và giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau.
Quốc gia là một nơi mà ở đó, người ta cảm thấy vui khi đồng bào gặp chuyện vui, thấy đau khổ khi đồng bào chịu đau khổ. Những nơi mà con người ta có thể bỏ qua nỗi đau của nhau để giẫm đạp lên nhau, hay tệ hơn, để có cơ may thoát khỏi nhau, những nơi đó không xứng được gọi là quốc gia.
Quốc gia có khi chỉ giản dị là một giấc mơ với những con người ngày đêm cống hiến hết mình cho giấc mơ đó.
Quốc gia là một tình cảm, một đồng thuận, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.
Quốc gia như vậy, mới đáng sống và đáng để cống hiến.
Yến Vương (Việt Nam, tháng 12/2016)