"Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký" do "Ban Tổ chức Triển lãm & Hội thảo Trương Vĩnh Ký" thực hiện được phát hành vào tháng 9/2019 là một tin vui !
Thiệp mời Ra mắt Kỷ Yếu Trương Vĩnh Ký.
Tập sách in nhiều màu, đẹp, dày 464 trang. Ngoài phần hình ảnh ghi lại khung cảnh, tài liệu trưng bày và hoạt động trong cuộc "Triển lãm và hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký" tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tám tháng trước đây (8/12/2018), Kỷ Yếu gồm có ba phần :
Phần I là những bài thuyết trình, kể cả diễn văn khai mạc và đúc kết, đã được trình bày trong cuộc hội thảo ;
Phần II là bốn bài nghiên cứu, hai bản Việt dịch di cảo của Trương Vĩnh Ký, một bài tản mạn cùng với một tài liệu vừa được tìm thấy, bài hát chính thức của trường Trương Vĩnh Ký, "Chant du Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký" được sáng tác vào cuối thập niên 1930 ;
Phần III là Thư tịch. Góp mặt trong Kỷ Yếu là những học giả, nhà văn, nhà báo, dịch giả, luật sư, nghệ sĩ trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Trung Quân, Trần Văn Chi, Bùi Vĩnh Phúc, Phan Đào Nguyên, Phạm Phú Minh, Nguyễn Văn Tố, Nguyên Ngọc, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Bích Thu, Cam Vũ, và Phương Nghi. Đặc biệt, phần Thư tịch khá dài, đến 60 trang, là một công trình sưu khảo có giá trị, chỉ dẫn đầy đủ về các tác phẩm và di cảo của Trương Vĩnh Ký, các bài nghiên cứu về ông và danh mục các thư viện trong và ngoài nước còn giữ Gia Định Báo và Thông Loại Khóa Trình, do bà Phạm Lệ Hương, một chuyên gia về thư viện, lập nên.
Hình bìa kỷ yếu.
Thành thật mà nói, tuy cũng thuộc dân viết lách và nghiên cứu, nhưng từ trước đến nay, nói đến Trương Vĩnh Ký thì tôi cũng chỉ biết một cách rất hời hợt, và đại khái. Tập Kỷ Yếu đã làm tôi giật mình về sự thờ ơ, vô tình của mình. Hóa ra, Trương Vĩnh Ký không chỉ là một con người, một học giả, mà là một sự kiện, một dấu mốc văn hóa và lịch sử mà thiếu nó, ta sẽ mất đi một bước ngoặt quan trọng và quyết định trong nền văn hóa nước nhà. Với 10 bài nghiên cứu dài hơi và công phu cùng với bản Việt dịch một số di cảo của Trương Vĩnh Ký, tập Kỷ Yếu đã dựng nên một chân dung đúng đắn và tích cực về Trương Vĩnh Ký. Nó chỉ nhằm một mục đích duy nhất, nói theo Phạm Phú Minh, người đứng ra điều hành dự án này, là để "góp phần cho một cái nhìn đúng về một nhân vật có công lao lớn đối với văn hóa đất nước…"
Quả là như thế. Tất cả các bài viết đều xoay quanh con người và sự nghiệp văn hóa của ông.
Về con người Trương Vĩnh Ký, theo Nguyễn Văn Sâm, nhà ông nghèo, ông "sống một cuộc đời cặm cụi viết và in sách trong hoàn cảnh khó khăn về tài chánh" (tr. 26), (1) và do đó, "không đủ tiền tiếp tục in tạp chí Thông Loại Khóa Trình cho đến nỗi phải đóng cửa tờ báo và… khi chết thì chôn trong miếng đất của bà suôi hiến cho" (34) vào năm 1898. Bùi Vĩnh Phúc cho biết thêm, ông "từ chối vào quốc tịch Pháp dù được giáo dục theo đường lối, cách thức làm việc, phương pháp khoa học của Âu Tây, được trọng vọng và trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp"(47). Về mặt kiến thức và tri thức, Trần Văn Chi nhận định, "Tuy được đào tạo rất hệthống của giáo hội Cơ Đốc giáo từnhỏtrong nền văn hóa phương Tây, song Trương Vĩnh Ký vẫn có một căn cơ khá bền vững về văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống văn hóa ở Nam Kỳ" (45). Đề cập đến tư cách, Phan Đào Nguyên cho biết, nếu đọc kỹ những gì ông viết, "Từ con người nà y toát ra một vẻ điềm đạm, an nhiên, một sự thăng bằng và tự tin, nhưng đồng thời cũng là một sự khiêm tốn tuyệt vời. Tài cao như vậy, học rộng như vậy, nhưng suốt đời ông chỉ nhận mình là một người thầy mà thôi" (390).
Về sự nghiệp, theo Nguyễn Văn Tố, thì "toàn bộ những nghiên cứu Pétrus Ký đeo đuổi từ thuở trai trẻ ban đầu cho đến những ngày cuối cùng của ông đều nhằm vào một đối tượng duy nhất, là nền văn học của nước An Nam xưa, mà một phần đã bị biến mất, nhưng mỗi một mảnh nhỏ còn lại đều đáng được nâng niu sưu tập gìn giữ" (195) (…) "Xu hướng nhân văn dồi dào toát ra từ các nghiên cứu Hán học của ông khiến ông gần gũi với đồng bào của mình, trong khi một số nhà nho lại thích xa lánh họ để sống trong một tình trạng cô lập khinh khỉnh"(199).
Trong lịch sử văn hóa dân tộc thời hiện đại, Trương Vĩnh Ký có lẽ là người đã thực hiện được nhiều cái "đầu tiên" nhất : xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên, người đầu tiên in và xuất bản các truyện nôm văn vần của nước ta bằng chữ quốc ngữ, người đầu tiên sáng tác văn xuôi bằng chữ quốc ngữ. Chính vì vậy, Trương Vĩnh Ký đã"tạo ra nhiều công trình học thuật và văn hóa theo tinh thần "tân học", mà rõ nhất là "vai trò của ông trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ, lúc ban đầu là công cụ của thực dân song về sau trở thành công cụ của nền văn hóa hiện đại Việt Nam", theo Trần Văn Chi (45).
Đề cập đến số lượng, Nguyễn Văn Sâm cho biết, Trương Vĩnh Ký đã "để lại một số tác phẩm mà có người kể không thôi những cái tựa đề cũng phải mất 30 trang…" và "tất cả đều có giá trị văn hóa, giáo dục, góp phần vào sự thúc đẩy việc đi lên của dân tộc Việt" (26, 27). Bùi Vĩnh Phúc nhấn mạnh đến công lao của ông về mặt ngôn ngữ, theo đó, "qua việc phiên âm, chú giải Truyện Kiều, nói riêng, và qua bao nhiêu công trình mà ông đã thực hiện để phổ biến và phát huy tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, nói chung, là một vùng quặng mỏ lớn mà chúng ta, những kẻ đi sau còn có thể tiếp tục khám phá. Đó là một thứ "khảo cổ học" về ngôn ngữ" (78). Thú vị nhất là Bùi Vĩnh Phúc đã sử dụng kiến thức chuyên môn về ngữ âm và ngữ nghĩa của mình để giải thích, đối chiếu và so sánh sự khác biệt về ngữ âm và ngữ nghĩa giữa chữ dùng trong phần phiên âm và chú giải mà Trương Vĩ nh Ký đã soạn và chữ dùng ngày nay. Ông cũng giải thích những chữ khá lạ đối với chúng ta trong phần kể lại tích truyện Kim Vân Kiều như "Túy Kiều" (không phải Thúy Kiều), "hai đứa gái", "chải-gở", "lịch sự" hay "xáp việc"…
Cũng đề cập đến ngôn ngữ, nhưng dưới một nhãn quan khác, Phạm Xuân Đài nhận định, "Một thứ chữ âm thầm hiện diện trên đất nước từ hai thế kỷ trước", "kiên nhẫn chờ đợi thời điểm chính mình xuất hiện để đóng vai trò hệ trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc này" (236). Mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 19, thứ chữ đó mới gặp được "điểm hẹn lịch sử" : sự xuất hiện của Trương Vĩnh Ký. Và rồi, Trương Vĩnh Ký "là người duy nhất vào thời điểm ấy làm cả một khối công việc nặng nề cho một quốc gia, cốt để xoay chuyển nền học thuật và văn hóa từ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ", mà "ngày nay dù xu hướng chính trị như thế nào, "không một kiểu cố tình bóp méo, ngang ngược nào có thể phủ nhận nó", (112) theo Phạm Xuân Đài. Ngôn ngữ, dù do ai chế ra, cũng chỉ là một dụng cụ. Cái tài của Trương Vĩnh Ký là đã biến thứ ngôn ngữ vốn chỉ dùng để giảng đạo trong một cộng đồng nhỏ thành một dụng cụ phổ thông dùng trong một cộng đồng lớn lao hơn nhiều là toàn dân tộc để duy trì và phát triển văn hóa.
Một trong những điểm lý thú khác, gây ấn tượng nơi tôi là bản dịch hoàn chỉnh của Nguyễn Bích Thu về lá thư mà Trương Vĩnh Ký gửi cho ông Blancsubé giải thích về việc những người An Nam từ chối gia nhập quốc tịch Pháp. Nội dung lá thư, được trình bày và phân tích rạch ròi, chí lí, đầy kiến thức và đầy cả tấm lòng, cho thấy Trương Vĩnh Ký, dù được nuôi dưỡng trong một không khí văn hóa hoàn toàn khác với số đông, lại nắm vững được hiện thực Việt Nam, tâm hồn Việt Nam không những ngay thời đại ông sống mà còn từ cội rễ xa xưa trong lịch sử.
Để giải thích tại sao những người không theo Thiên Chúa giáo lại khước từ gia nhập quốc tịch Pháp, Trương Vĩnh Ký vạch rõ rằng "giới trí thức Nho học, những người theo Khổng Giáo và Phật Giáo, nghĩa là đại đa số, khác biệt một cách chủ yếu với thành phần trên [Thiên Chúa giáo] do những tin tưởng và tôn giáo cũng như do gia phong và nguyên tắc xã hội. Chính đây sẽ là nơi cố thủ của những chống đối cứng rắn nhất, đối với những lợi ích mà chính quyền Pháp đã rộng rãi ban phát với việc gia nhập quốc tịch Pháp" (145).
Cuối lá thư, Trương Vĩnh Ký đã nhắc lại ý chí bất khuất, tự cường và độc lập của tổ tiên : "Trung Hoa, sau bao nhiêu cố gắng, đã thành công trong việc áp đặt chữ viết, văn chương, tôn giáo và luật pháp lên trên chúng tôi ; nhưng người An Nam dù thua trận không bao giờ bằng lòng theo kẻ thắng trận hay thay đổi tên của nước mình (149). Mặt khác, dù là người đạo Thiên Chúa, ông đã có những nhận xét khách quan về việc cấm đạo thời nhà Nguyễn. Theo ông, "Mục đích của vua An-Nam cũng không khác mục đích của biết bao vua chúa các nước văn minh khác đã cố gắng theo đuổi sự thống nhất tôn giáo trong vương quốc mình" (…) "Vả lại, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, việc cấm đạo ở An-Nam không bao giờ đưa tới những vụ thiêu sống như từng thấy rải rác trong lịch sử các dân tộc khác". (dẫn theo Nguyễn Văn Sâm, 33).
Như thế, Trương Vĩnh Ký đã không những không biến niềm tin tôn giáo riêng của mình thành một thành kiến trong nghiên cứu học thuật, mà ngược lại, suy xét mọi vấn đề lịch sử, văn chương xã hội bằng một cái nhìn khách quan, luận lý và khoa học của một người trí thức tiếp thu đầy đủ phong cách nghiên cứu của Tây phương. Làm được những điều tích cực trong một hoàn cảnh đầy tiêu cực như thế là một điều đáng ngạc nhiên và đáng khâm phục.
Một ngạc nhiên lý thú khác là ba bài viết của luật sư Phan Đào Nguyên. Bằng cách sử dụng kiến thức sâu rộng về ngữ học, văn chương, sử học, luận lý học, xã hội học và tâm lý học, kể cả nghiên cứu về văn phong và bút tự, đồng thời đối chiếu với cuộc đời thực của Trương Vĩnh Ký, Phan Đào Nguyên tìm cách làm sáng tỏ hai điều. Một là, dịch đúng ý nghĩa của câu tiếng Latin "sic vos non vobis" vốn được dịch sai lầm là "ở với họ mà không theo họ", mà cả hai phe bênh và chống Trương Vĩnh Ký đều sử dụng. Theo tác giả, "Câu "sic vos non vobis" thật ra có nguồn gốc từ những vần thơ của thi hào Virgil. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì "sic" có nghĩa là "như vậy", "vos" là các anh, "non" là không, "vobis" là "cho các anh". Toàn thể câu văn, do đó, có nghĩa đen là "như vậy, các anh, không phải cho các anh…". Còn nghĩa bóng hay nghĩa thông dụng ngày nay của câu này là "nhưng không phải cho tôi", hay "nhưng không phải cho mình" (92, 93). Hai là, minh oan cho Trương Vĩnh Ký về một lá thư mà ông không hề viết, k êu gọi người Pháp vào xâm chiếm Việt Nam để giải thoát cho những người Thiên Chúa giáo, được ký bằng một cái tên từa tựa tên ông là Petrus Key. Sau khi nghiên cứu cách hành văn, nét chữ viết cũng như đối chiếu với các sự kiện lịch sử, Phan Đào Nguyên đi đến kết luận rằng bà Pauline Jaricot, người sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin, tổ chức truyền giáo lớn nhất tại Việt Nam hồi đó, "chính là người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhiều nhất" (385, 386). Bài viết minh oan công phu và sắc bén này là một phản biện với sử gia Vũ Ngự Chiêu, người đã đưa lá thư này ra công luận từ năm 1996. Trong ước muốn được biết sự thật, tôi rất mong được nghe hồi đáp tích cực từ sử gia Vũ Ngự Chiêu về bài phản biện này của Phan Đào Nguyên, để được sáng tỏ thêm về hành trạng của Trương Vĩnh Ký.
Cũng như mọi giai đoạn khác, bất cứ một nhân vật nào có ảnh hưởng sâu xa vào giòng lịch sử, thì bao giờ cũng để lại những nghịch lý. Nói gì cho xa, ngay cả những người sống cùng thời với chúng tôi, những tên tuổi một thời vang danh, ai cũngthấy, nghe, chứng kiến và được ghi lại đầy đủ mà vẫn còn vô số điều ngộ nhận kiểu này hoặc kiểu khác đến nỗi khi bàn về những nhân vật đó, ta vẫn còn có lắm điều lấn cấn. Huống gì là Trương Vĩnh Ký, sống cách xa chúng ta đến cả thế kỷ rưởi, lại trong một hoàn cảnh lịch sử mịt mù, rối rắm thì tránh sao khỏi bị hiểu lầm. Hiện nay trong nước, theo Nguyễn Trung Quân, "dưới một chế độ toàn trị vốn chỉ xem duy vật sử quan là lối duy nhất để đánh giá nhân vật lịch sử" khiến cho "rất nhiều danh nhân Việt Nam, có nhiều vị sinh và mất trước khi chủ thuyết cộng sản ra đời đã bị kết án, vùi dập nặng nề", nghiên cứu một cách công bình và khách quan cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký vẫ n còn là điều cấm kỵ. Chẳng hạn như mới đây, cuốn sách "Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ" của Nguyễn Đình Đầu chưa kịp phát hành, đã bị cấm lưu hành. Vô ích ! Văn hóa là cái còn lại duy nhất sau khi tất cả đã mất đi. Nó tràn trề trong cuộc sống, trong văn chương nghệ thuật, và trong cả chính trị. Thích hay không thích, thù ghét hay ủng hộ, văn hóa vẫn cứ chi phối ta như thường. Cái gì liên hệ đến văn hóa bao giờ cũng mang ý nghĩa tích cực cũng là điều dĩ nhiên. Chính vì thế, sự ra đời của "Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký" không bị ràng buộc bởi thiên kiến, tuyên truyền phe phái, mưu đồ chính trị hay dưới sự chỉ đạo của một thế lực nào, là một đóng góp quý báu thêm vào kho tàng nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký trong công cuộc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trước khi kết thúc, người viết có điều cần nói thêm. Mới nửa năm trước đây, tập Kỷ Yếu này tưởng đã có một số phận khác. Vì người dồn hết tâm lực cho dự án này, anh Phạm Phú Minh, đột ngột bị bác sĩ bảo là nên buông, vì lý do sức khỏe. Anh đã buông, nhưng rồi không buông được. Nhờ thế, nó ra đời y như… số phận đã định trước của nó.
Mừng thay !
Trần Hữu Thục
Nguồn : VOA, 28/08/2019
Ghi chú :
(1) Tất cả các con số nằm trong ngoặc đơn là để chỉ số trang những trích đoạn từ trong tập Kỷ Yếu.