Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

11/09/2019

Chuyện gia đình một cô dâu Việt ở Xứ Đài

Thi Châu

Câu chuyện về hai mẹ con người Đài Loan gốc Việt được truyền thông và mạng xã hội loan đi khá nhiều trong những ngày qua. Theo đó thì đứa con gái nghèo, học giỏi trong một gia đình người Việt Nam nhập cư, có ước mơ giản dị là một cái bàn học đàng hoàng cho một khởi đầu mới trong ngôi trường Trung học quốc gia Nữ sinh cao cấp Gia Nghĩa. Đây là một trong những ngôi trường tốp đầu của Đài Loan.

co1

Em Huỳnh Tú Trân và mẹ nhận quà là chiếc bàn học từ Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan Phan Văn Trung Courtesy of FB Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan Phan Văn Trung

Sau khi đọc được thông tin trên báo, Bộ trưởng Giáo dục Phan Văn Trung đã tặng cho em gái chiếc bàn gỗ mới do đích thân ông mang tới để thay cho chiếc bàn xập xệ mà em hay ngồi dưới tán cây để ôn bài.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do tìm đến tận nơi và tường trình.

__________________

Không có địa chỉ cụ thể về nơi sinh sống của người phụ nữ họ Nguyễn và đứa con vượt nghịch cảnh, ngoài những hình ảnh trên báo chí và thông tin ít ỏi về khu trồng mía của công ty đường quốc gia, tôi vẫn đánh liều đặt vé tàu cao tốc từ Đài Bắc xuống Gia Nghĩa, một huyện ở phía Tây Nam của hòn đảo.

Người phụ nữ Tây Ninh mất chồng một mình nuôi 2 đứa con

Khác với tưởng tượng của tôi, nhà của chị không khó để tìm khi tôi đưa cho tài xế taxi xem qua phóng sự mà truyền thông địa phương đưa tin.

Vừa tới cánh đồng trồng mía bạt ngàn của công ty đường Đài Loan đã nghe tiếng cưa cắt kim loại ầm ĩ, khoảng 20 người hối hả tất bật vào ra căn nhà xập xệ hơn 20m2, có gì đó khác với vẻ bình dị của một vùng quê.

Những người Đài Loan của một tổ chức từ thiện đang ở đây, chung tay dọn dẹp, sửa chữa ngôi nhà cũ và dựng lên một ngôi nhà container ngay phía trước - có 2 phòng ngủ dành cho 2 đứa con của người phụ nữ Việt Nam di dân.

Chị cảm thấy bất ngờ, lúng túng khi nghe tôi hỏi chị bằng tiếng Việt vì quanh vùng này không có người Việt Nam và bấy lâu nay chỉ toàn truyền thông địa phương đến làm phóng sự về cuộc sống của chị.

co2

Container được làm thành phòng ở cho hai con chị Nguyễn Thị Xuân Mai Photo : RFA

Chị bắt đầu câu chuyện của mình khi luôn tay phụ giúp đưa những món đồ cũ trong nhà ra ngoài dành chỗ cho công nhân sửa chữa.

"Người ta làm từ thiện cho mình, cái này là miễn phí hết. Cái ông này xem như là giúp đỡ 2 năm nay rồi, ổng giúp đỡ xem như là mỗi tháng ông đem gạo và này kia lại cho mẹ con mình.

Đất này xem như là của nhà nước không phải là của mình, hồi đó ở không tốn tiền, nhưng giờ là phải đóng tiền. Rồi cái ông này nè, mình hỏi xem có thể giúp cho mình một căn phòng không, thì ổng nói được".

Cô gái Nguyễn Thị Xuân Mai 16 năm trước sống ở một vùng quê nghèo của tỉnh Tây Ninh. Khi mới 20 tuổi chị được môi giới giới thiệu lấy chồng người Đài Loan tên Huỳnh Xuân Phúc.

Hai người dắt díu nhau về đây, làm ruộng trồng trọt để mưu sinh từ dạo đó và 2 đứa con cả nếp lẫn tẻ lần lượt ra đời.

Những tưởng cuộc sống khó khăn có thể trôi qua khi hai vợ chồng cùng nhau làm lụng thì anh Phúc, chồng chị chẳng may đổ bệnh và qua đời vào năm 2012.

"Như mất đi cánh tay rồi, mình suy nghĩ từ đó giờ có hai cánh tay mà giờ còn một cánh thì làm sao giờ, làm gì cũng không lên hết, cái gì cũng học lại từ đầu.

Cuộc sống khó khăn thì cũng phải chịu thôi chứ sao giờ, khó khăn thì mình cũng phải đi làm kiếm tiền nuôi 2 đứa nhỏ.

Chính phủ Đài Loan cũng có hỗ trợ, đi học thì con được giảm học phí phân nửa.

Một tháng mình đi làm ngày nào thì lấy tiền ngày đó, nếu như đi làm 20 ngày thì 20 ngàn (Đài tệ), 15 ngày thì 15 ngàn, mỗi ngày một ngàn nhưng không cố định.

Không đủ no thì cũng chịu chứ sao giờ, không đủ thì ăn nhín nhín (cười)", chị Mai ví việc người thương của chị qua đời như mất đi một phần cơ thể.

Nói là vậy nhưng công việc đồng áng của chị kiếm không đủ 10 ngàn Đài tệ một tháng tức là hơn 300 đô la Mỹ và rất vất vả để nuôi hai đứa con. Cho đến một ngày…

Đến câu chuyện của người con gái vượt khó

Ngày anh Huỳnh Xuân Phúc qua đời, em Huỳnh Tú Trân khi đó chưa đầy 9 tuổi. Khi đó em quỳ bên quan tài của cha và hứa sẽ lo cho mẹ và em có một cuộc sống đủ đầy.

Bẵng đi một thời gian 7 năm sau đó, bao thiếu thốn rồi cũng đến ngày đơm hoa kết trái khi em thi đậu vào ngôi trường Trung học quốc gia Nữ sinh cao cấp Gia Nghĩa, ngôi trường có truyền thống gần 100 năm và câu chuyện của em được nhiều người biết đến.

Cuộc trò chuyện của tôi và em qua thông dịch là người mẹ thi thoảng lại bị gián đoạn vì có người biết chuyện đến thăm, họ đưa cho em và mẹ "hồng bao" để giúp phần nào cho cuộc sống.

Trân không biết tiếng Việt và tôi không biết tiếng Trung, cho nên mẹ em bất đắc dĩ là cầu nối.

Em dẫn tôi vào ngôi nhà xập xệ của mình và chỉ cho tôi một khoảng trống là nơi gia đình cùng ăn cơm, sinh hoạt và cũng là chỗ ngủ của hai chị em.

Nhìn sơ qua căn phòng tôi không nghĩ đó là một ngôi nhà của người Việt cho đến khi nhìn thấy tờ lịch Chúc mừng năm mới có hình 2 cô gái mặc áo dài, đội nón lá có từ năm 2005, tức là 2 năm sau ngày cô Nguyễn Thị Xuân Mai lấy chồng.

co3

Bên trong căn nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân Mai Photo : RFA

Chiếc bàn học được Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan tặng hôm trước được xếp vào một góc do nhà em đang được nhiều người hảo tâm sửa chữa.

Trong bài đăng trên trang Facebook của mình, Bộ trưởng Phan viết : "Tất cả những đứa trẻ phải vật lộn qua nghịch cảnh là nguồn tự hào cho chúng tôi". Ông viết rằng mặc dù môi trường không thuận lợi, với sự kiên trì và chăm chỉ của mình Trân đã được nhận vào học tại trường trung học quốc gia dành cho nữ sinh Gia Nghĩa.

Tôi hỏi em có ước mơ gì không, em nói : "Sau này em muốn trở thành luật sư hoặc làm hướng dẫn viên du lịch để có cuộc sống tốt hơn".

Em có biết gì về Việt Nam không ? - Tôi hỏi.

"Em cũng muốn biết về Việt Nam nhiều lắm, có dịp em cũng muốn tới Việt Nam. Em biết là Việt Nam có nhiều cảnh đẹp giống Đài Loan, em cũng muốn đi", Trân trả lời.

Ở Việt Nam còn có bà ngoại và cậu mợ của em, chẳng trách khi tôi đề nghị em nói một vài từ tiếng Việt em bập bõm :

"Xin chào, ăn cơm chưa, ăn rồi, mua thớt… em kêu mẹ, bà, em trai, cậu hai, mợ hai, bà ngoại, tắt đèn ngủ, đi tắm…"

Chứng kiến cảnh nhiều người đến chung tay sửa chữa, dựng nhà container cho gia đình, cô bé cảm thấy rất vui, tuy nhiên theo em như vậy là đủ rồi.

"Em cảm thấy vui mừng vì trời nóng như vậy mà có nhiều người đến giúp mình. Em cảm ơn mấy cô, mấy chú theo dõi, giúp đỡ.

Em cảm thấy như vậy là cũng đủ đối với mình rồi, nhưng còn có các hoàn cảnh khác còn khổ hơn em, nên quý vị có thể giúp đỡ thêm cho những người khác. Em không ước mơ gì thêm".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan cũng nói thêm là, ngoài việc kết hợp các nhóm liên quan và nguồn lực xã hội để giúp đỡ gia đình, ngôi trường nữ sinh Gia Nghĩa sẽ trao học bổng cũng như cung cấp những xuất ăn miễn phí cho cô nữ sinh vượt khó.

Chia tay chị Mai và bé Trân để trở lại Đài Bắc mà còn vương vấn mãi cái tình của người Đài Loan khi dưới cái nóng hơn 30 độ C, nhiều người trong số đó là người lớn tuổi vẫn chung tay dựng nhà cho người mẹ Việt Nam di cư.

Cô phát thanh viên người Đài Loan đang làm cho một đài truyền hình địa phương khi biết tôi là là đồng hương của chị Mai cứ bảo tôi đừng lo lắng, vì người Đài sẽ giang rộng vòng tay giúp đỡ gia đình họ.

Thi Châu

Nguồn : RFA, 11/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 774 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)