Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/01/2020

Bài Tây, nghệ thuật bói toán và giải trí tại Châu Âu

Gwenael Beuchet

Đúng theo tập quán của người Việt thường đi xem bói vào dịp đầu năm, tạp chí mừng xuân Canh Tý của RFI Việt ngữ mời quý thính giả cùng bước vào thế giới huyền bí, huyền diệu và huyền hoặc của trò bói bài Tây, bài Tarot qua triển lãm tại bảo tàng ở Issy-les-Moulineaux, cách không xa trụ sở của Đài.

baitay1

Áp phích triển lãm Cartomancie, bảo tàng Musée de la Carte à Jouer, Issy-les-Moulineaux, Pháp. museecarteajouer.com

Trưởng ban tổ chức triển lãm, ông Gwenael Beuchet lần lượt điểm lại những cột mốc quan trọng trong lịch sử của nghệ thuật bói toán tại Châu Âu. Cho đến ngày 07/06/2020, bảo tàng quốc gia Pháp, Musée Français de la Carte à Jouer, nơi hơn 11.000 bộ bài trên khắp thế giới được lưu giữ, tổ chức triển lãm mang tên Cartomancie, entre mystère et imaginaire, tạm dịch là Bói bài, giữa thế giới huyền bí và huyền hoặc.

Nào là cái bàn từng thuộc về bà thầy bói nổi tiếng nhất của Pháp hồi thế kỷ 19, Mademoiselle Lenormand, nào là bộ bài Tarot từng xuất hiện trong bộ phim James Bond Live and Let Die, cũng có khá nhiều những bức tranh sơn dầu hay vẽ bằng mực đen với nhân vật chính là "bà thầy bói". Đôi khi bói toán chỉ đơn thuần là một trò chơi, một khoảnh khắc để giải trí tại tư gia, nhưng cũng có lúc người ta đi xem bói ở ngoài chợ, nơi có đông người đến nỗi các bà thầy bói phải dùng một ống sáo dài để rỉ tai riêng với thân chủ.

Nhưng không chỉ có thế, bói bài cũng là một nét văn hóa ăn sâu vào đời sống "từ vua quan cho đến hạng bình dân" tại Châu Âu là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sĩ trong mọi thể loại nghệ thuật. Bói bài là cả một thế giới riêng biệt, là đề tài nghiên cứu xuất phát từ hơn 300 năm trước.

Cẩm Nang về phương pháp bói bài của Jean Baptiste Alliette là cuốn sách đầu tiên phát hành năm 1770 đúc kết lại ngôn ngữ riêng biệt của những con bài. Từ những nghiên cứu này mà ai cũng mong rút được con Ách Cơ, vì đó là điềm lành báo trước một tin vui và sự thành đạt. Con 7 Rô sẽ đem đến cho bạn một sự thay đổi nhưng coi chừng miệng tiếng. Bài Chuồn thể hiện sự may mắn, còn Đầm Bích thường chỉ về một người đàn bà nhỏ nhen và ích kỷ.

Gwenael Beuchet, người phụ trách triển lãm tại bảo tàng Issy-les-Moulineaux, dành thời gian giới thiệu với thính giả của RFI Việt ngữ về cuộc triển làm này và ông đã nhấn mạnh đến những mục tiêu nhắm tới :

Gwenael Beuchet : Bói bài là một nghệ thuật được cho là để nhìn thấu những điều huyền bí. Từ trước đến nay, thầy bói thường xem chỉ tay, nhìn vào bã cà phê để đoán hạn may hay rủi, các nhà chiêm tinh thì lấy lá số tử vi. Đến thế kỷ 18 người ta bắt đầu bói bài. Đó là bài Tây hay bài Tarot. Tarot là một công cụ mới của các nhà bói toán.

Triển làm này đưa chúng ta ngược thời gian, cùng nhìn lại lịch sử của những bộ bài Tây và nhất là ngành bói toán. Chung quanh nghệ thuật bói toán này có rất nhiều những huyền thoại và có thể nói trí tưởng tượng của con người rất là phong phú.

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đúng hay sai, tin hay không tin. Triển làm này nhằm chỉ ra rằng bài Tây đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu thế hệ, nó đã được đưa vào văn chương, vào hội họa hay thi ca. Bói bài trước hết là một trò chơi với nhiều hình ảnh sống động. Tất cả những yếu tố đó khơi dậy sự tò mò của những người chung quanh. Nét đa dạng đó là mục đích chính của triển làm tại bảo tàng chúng tôi lần này".

RFI : Triển lãm luôn luôn cho thấy tính chất bói toán dị đoan và giải trí của môn bói bài gắn liền với nhau. Vậy trò bói toán đó du nhập vào Châu Âu từ bao giờ và đến khi nào đã trở nên phổ biến ?

Gwenael Beuchet : Dấu vết của những con bài đầu tiên tại Châu Âu được xác định vào quãng thế kỷ 16. Tuy nhiên, từ thế kỷ 14, người ta đã bắt đầu chơi bài, thí dụ như là tại Tây Ban Nha. Nhưng khi đó người ta chỉ đánh bài chứ ít có bằng chứng về những chuyện bói toán. Phải đợi đến thế kỷ 18, công chúng mới biết nhiều và mới có xu hướng bói bài, nhìn vào những lá bài để đoán về tương lai.

Những người đi xem bói hay bói cho người khác là những người có học thức và đối với họ, đây trước hết là một trò giải trí, một công việc nghiên cứu. Đến thế kỷ 19, đi xem bói trở thành một hiện tượng trong xã hội.

Triển lãm về thế giới "huyền bí và huyền hoặc" từ những bộ bài Tây, giới thiệu rất nhiều những tài liệu cổ, những bản biên khảo của những tên tuổi trong lĩnh vực này như nhà văn người Thụy Sĩ Court de Gébelin, hay thi sĩ Pháp Stanislas de Guaita... Rồi cũng có tác phẩm Arcane 17 của văn hào André Breton mà trong đó có bốn lá bài Tarot của danh họa Roberto Matta (Tình Yêu, Mặt Trăng, Cỗ Xe và Ngôi Sao).

Ngoài ra đã có rất nhiều hình ảnh về nhân vật "bà thầy bói". Họ thường ăn mặc như người du mục Bohémien, váy dài màu sắc rực rỡ, đầu chít khăn, tai đeo những chiếc khuyên thật to và thường có một con mèo hay con cú ở bên cạnh. Đó là những con vật có đôi mắt nhìn xuyên thủng màn đêm, nhìn thấu đủ mọi chuyện.

Một điều lạ là chỉ thấy các "bà thầy bói" và thân chủ của họ đa phần là phụ nữ thường đến xem về đường tình duyên và gia đạo.

RFI : Thưa ông Beuchet, nhờ đâu bói toán ngày càng trở nên thịnh hành ? Ai cũng thích đi xem bói ?

Gwenael Beuchet :Bài Tarot là một công cụ làm mê hoặc không biết bao nhiêu người. Mỗi lá bài đều có những hình vẽ rất đẹp, chúng vừa cầu kỳ vừa tinh vi. Mỗi nét vẽ đều mang nặng một ý nghĩa biểu tượng và đều có một ngôn ngữ riêng.

Ở thế kỷ 19, người ta gắn liền bài Tarot với truyền thuyết Ai Cập. Bà thầy bói nổi tiếng nhất thời đó là Mademoiselle Lenormand. Bà này được hoàng hậu Josephine, vợ của hoàng đế Napoleon đệ Nhất, tin cậy. Người ta đồn thổi rằng bà thầy bói này biết hết mọi chuyện thâm cung bí sử của triều đại Pháp thời bấy giờ. Bà ta nổi tiếng đến mức trở thành đối tượng để cảnh sát phải theo dõi. Bà ta viết rất nhiều sách hướng dẫn về nghệ thuật bói bài. Cần nói thêm rằng thời nào, nghề thầy bói cũng làm mê hoặc từ nhà vua cho đến dân đen.

Tại Pháp chẳng hạn ở vào những năm 1960-1970, tên tuổi của bà thầy bói Madame Soleil nổi lên như cồn. Dưới thời tổng thống François Mitterrand, bà thầy Elizabeth Teissier thường xuyên lui tới điện Elysée. Thả bước đến cuối gian trưng bày, có thể nói triển lãm Cartomancie, entre mystère et imaginaire là giao điểm của nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau. Đồng thời đây là một môn có sức lôi cuốn rất mạnh với người lớn đã đành mà cả với trẻ nhỏ. Con nít cũng có màn rút bài, bốc thăm, bói quẻ để đoán xem trong ngày có bị cha mẹ rầy là hay không hay sẽ được bánh kẹo nếu gặp vận hên.

RFI : Thưa ông Beuchet, có lẽ điều thú vị nhất là với triển làm này, rõ ràng, là "bói bài" không chỉ thu hẹp ở việc giải đoán về vận hạn tương lai ?

Gwenael Beuchet : Ở đây chúng ta điểm lại những gì đã biết chung quanh nghệ thuật bói bài qua hơn ba thế kỷ, tính từ thế kỷ 18 trở đi. Bói bài thực ra là một phạm trù rất phong phú chứ không đơn thuần là rút một lá bài rồi từ đó thẩm đoán vận mệnh.

Ta thấy rằng với năm tháng, nghệ thuật bói bài ở Châu Âu đã đi theo bốn hướng khác nhau : một là để đoán về tương lai, hai là có hẳn một trường phái, họ nhìn vào những lá bài Tây hay bài Tarot để tìm hiểu những điều huyền bí và thiêng liêng mà những con người trần tục không thấy được. Hướng phát triển thứ ba của nghệ thuật xem bói bài là để tìm hiểu về cá tính về của mình. Những con bài là trung gian để nói lên những điều thầm kín về nội tâm. Trường phái này xem bài Tây hay bài Tarot như những phương tiện để giải mã về tâm lý của người đi xem bói vậy.

Sau cùng thì thời nào cũng vậy, những bộ bài trước hết là không gian để các nghệ sĩ trổ tài, bởi mỗi lá bài là một bức họa tinh vi, là một trang nghệ thuật chứa đựng cả lịch sử của môn mà chúng ta thường gọi một cách chung chung là "Cartomancie - bói bài"

RFI : Xin thành thật cảm ơn ông Gwenael Beuchet, phụ trách và điều hành triển lãm Cartomancie, entre mystère et imaginaire - Bói bài, giữa thế giới huyền bí và huyền hoặc.

Trong suốt thời gian triển lãm, bảo tàng về các bộ bài giải trí Musée Français de la Carte à Jouer còn tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa như các buổi hội thảo, văn nghệ chung quanh nghề bói toán và các bà thầy bói. Nhưng bạn chớ nhầm, bảo tàng ở Issy-les-Moulineaux không phải là nơi để xin một quẻ bói đầu năm.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 25/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gwenael Beuchet
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)