Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

25/01/2020

Khánh Ly : "Thiên hạ càng văn minh, càng đi đến chỗ hủy diệt cái đẹp ? !"

Nguyễn Mạnh Hà

Cuộc gặp năm 18 tuổi với Trịnh Công Sơn đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Khánh Ly. Ông là trường học và cũng là sự nghiệp của bà. Họ cùng nhau viết nên một phần đẹp đẽ của lịch sử tân nhạc.

khanhly1

Khánh Ly khẳng định những buổi hát ở trong nước chỉ là phương tiện để làm việc thiện nguyện.

Sắp sang tuổi 75, Khánh Ly vẫn thường xuyên về nước, không chỉ hát mà còn để làm những công việc khiến bà cảm thấy bình an. Song vẫn có một số người dường như không mong muốn điều đó…

Hát chỉ là phương tiện

Cũng phải mất hơn hai tháng từ khi liên lạc với người trợ lý của Khánh Ly, tôi mới hẹn được bà tại một khách sạn nhỏ xinh trên phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Chỉ ít ngày nữa là Tết…

Về Việt Nam liên tục kể từ tháng 5/2014, Khánh Ly bày tỏ mong muốn được gặp gỡ khán giả khắp các vùng miền. Bà lập quỹ từ thiện Vòng Tay Nhân Ái và khẳng định những buổi hát ở trong nước chỉ là phương tiện để làm việc thiện nguyện :

"Mọi người đi nghe hát, quý mình thì đi với mình, thăm các cơ sở tôn giáo, các trại mồ côi, những người già, người tàn tật… Tất cả những nơi nào mình có thể đến được và những người ở đó sẵn sàng đón mình. Đó mới là mục đích chính. Đi cũng được khá nhiều…".

Trước đây, bà vẫn cho các chương trình ca nhạc từ thiện "mượn giọng", "mượn tên" để gây quỹ, còn giờ bà muốn được đến tận nơi.

"Không quyên góp, chỉ kêu gọi bằng hữu, ai có lò bánh mì thì cho bánh, ai có nhà in sách thì cho các em sách đọc... Có nhiều nơi, trao quà rồi mình tự rút tiền túi ra gửi tặng những người bảo mẫu trông coi trẻ mồ côi", Khánh Ly kể.

"Lúc nào còn hát được thì cứ hát, còn đi được đến những nơi đó thì cứ đi, đi bây giờ là trễ đó. Nhưng tại mình cũng phải đợi cho gia đình yên ổn đã. Con cái vợ con nhà cửa xong xuôi hết, thì mình mới có thể đi làm những việc này được".

Giọng nói vẫn sang sảng, lưng thẳng, đi lại nhanh nhẹn, vẫn mẫn tiệp trước hàng nghìn người. Nhưng khán giả ít gặp bà trên sân khấu lớn, còn ca khúc hit gần đây nhất của bà có lẽ là "Nếu có yêu tôi" ra đời từ cách đây cũng gần 20 năm.

Khánh Ly hát ở Hà Nội (Live Concert Khanh Ly) - Courtesy of Dân Trí (10/05/2014)

Như bất kỳ nghệ sĩ nào, bà cũng muốn tiếp tục những dự án nghệ thuật cho riêng mình, nhưng : "Tuổi già nó khác. Không thể nào 75 tuổi mà đi đọ sức với những người trẻ. Mình làm trong khả năng còn lại của mình thôi, không dám hy vọng nhiều, không mơ ước gì lớn hơn nữa đâu. Chỉ như thế này thôi, mà được như thế này cho đến hết đời cũng đã là may mắn lắm rồi".

"Nếu mọi người đồng ý cho mình làm công việc thiện nguyện, đó cũng là mọi người nghĩ đến mình, quý mình và khuyến khích mình", bà nói.

"Vì có nhiều người có những câu hỏi buồn cười lắm : Có nhiều tiền để làm gì ? Đi làm từ thiện để làm gì ?" Bà nhắc lại hai câu hỏi từng gây tranh cãi của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ và người dẫn chương trình Tạ Bích Loan, rồi so sánh :

"Ở ngoại quốc, người ta đi làm công tác xã hội nhiều lắm, đâu có bị ai chỉ trích. Người ta được sự khuyến khích của tất cả mọi người, nhất là những người không thể đến được những nơi như vậy, họ giúp đỡ tiền bạc, phương tiện để những người khác đi".

"Nhiều khi đi đến nơi mấy em tàn tật, mình nghĩ trong bụng nếu là mình, mình cũng xin chết đi, tại vì thấy sống mà khổ quá, đau đớn quá. Đi đến những nơi đó rồi về nhiều khi ăn không được, mặc cái áo đẹp nhiều khi cũng cảm thấy mình có lỗi", bà kể.

Bà thấy mình cũng như những người "đồng trang lứa", thường tìm đến chùa, đến nhà thờ, làm những công việc từ thiện để những ngày cuối của đời được nhẹ nhàng, bình an.

"Phải là người mất mát gì đó, phải là người khổ thì mới cảm thông, chia sẻ được với những cái khổ của người khác", Khánh Ly nói.

"Nếu ai cũng ngồi trên đống tiền như vậy thì nó dễ quá, nói cái gì cũng được cả. Nhưng cứ thử nghèo đi, cứ thử khổ đi, cứ thử đói đi, thử bệnh tật đi, thì mình có thể nhìn thấy được : Nếu mình đau bao nhiêu, người đó đau bấy nhiêu".

Tôi mới tò mò hỏi, vậy trong những tháng năm đã sống, thời điểm nào bà cảm thấy khổ nhất.

Im lặng một lúc : "Hình như lúc nào cũng khổ cả… Đến gần với người không may, hay ví dụ theo dõi truyền hình thấy ở bên Úc cháy như thế, thấy những con vật bị chết, tự nhiên mình cảm thấy buồn bã, thương lắm, mà không làm gì được.

"Ở đời tử biệt sinh ly, cho nên nếu trong gia đình mình có người thân phải đi cũng là lẽ thường. Có nhiều cảnh đời, có nhiều cái khổ đau còn gấp trăm ngàn lần mình, mình chưa đáng gì đâu. Thành ra đừng kêu".

Hẳn bà nhớ tới thời điểm chồng bà, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan qua đời cách đây 5 năm.

khanhly2

Với Khánh Ly, hát phải coi như một tôn giáo của riêng mình.

Ước chết trên sân khấu

Phải 2 năm sau khi về hát ở Hà Nội, Khánh Ly mới tới được với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh. Bà diễn tả sự đón nhận của khán giả nơi mình từng thành danh : "Người Sài Gòn bây giờ không phải là người Sài Gòn xưa nữa. Những người cùng thời với mình hoặc đã chết, hoặc đi xa, hoặc ở nhà. Thành ra nhiều khi những người mình muốn gặp thì không gặp được.

"Những người trẻ hơn, ở những thế hệ sau này là từ đâu đến. Và ca nhạc bây giờ không phải là nhu cầu, mình có cảm tưởng như thế, tức là nó không cần thiết cho người ta như miếng cơm manh áo. Không biết cái sự tha thiết của người ta đối với nhạc Việt Nam, đối với nhạc sĩ, ca sĩ có còn như hồi xưa không, hay là mỗi thời một khác.

"Thiên hạ càng văn minh thì hình như càng đi đến chỗ hủy diệt những cái đẹp, phải không ? ! Hay mình bi quan quá. Hay tại tự mình cho cái nghiệp dĩ của mình là đẹp. Hát phải coi như một tôn giáo của riêng mình, phải trân trọng, phải tôn thờ, phải sống với nó, chết với nó. Thành ra ước gì mà chết trên khấu nhỉ ? !" - bà nói ra ước muốn của mình với vẻ hào hứng như đứa trẻ nói về món quà nó hằng ước ao và tin rằng mình xứng đáng có được.

khanhly3

Khánh Ly biểu diễn và giao lưu tại ĐH Văn Hóa Hà Nội, tháng 4/2016.

Khánh Ly từng tâm sự, nếu có kiếp sau sẽ vẫn làm ca sĩ.

Bà xác nhận : "Làm ca sĩ sướng quá chứ, phải không ? Bây giờ đi chỗ nào cũng thấy karaoke hết, mọi người rất yêu hát, không cần biết hát hay hay dở, cứ hát cái đã. Đó là điều rất đáng yêu. Người ta hát là muốn bộc lộ cảm xúc, cảm nghĩ của người ta, những vui buồn, kỷ niệm, tâm trạng. Mình phải hoan nghênh, khuyến khích mọi người hát".

Thực tế hát karaoke hoặc bật nhạc to cho cả làng cả tổng nghe, đặc biệt vào dịp lễ Tết, đang là một thứ vấn nạn gây phiền nhiễu ở Việt Nam, nhất là các tỉnh từ miền Trung trở vào.

Khánh Ly hóa ra cũng thích hát trong những không gian nhỏ, như ở nhà hoặc quán cà phê.

Theo Khánh Ly : "Khi bạn hát ở chỗ quá lớn, người tổ chức sẽ sung sướng vì thu được tiền, nhưng người hát sẽ cảm thấy lạc lõng lắm. Mình đứng đây mà khán giả xa tắp đằng kia. Người ta không thấy mình, mình không thấy người ta. Cái thú vị khi hát một bài tình ca, là mình nhìn được vào mắt người nghe, mình trao đổi được- những gì chân thật, từ trái tim mình".

Rồi tự nhiên bà vẽ ra cảnh một ông già đứng ở ga xe lửa, trời mùa đông, bên bờ sông : "Ông hát một câu nào đó để nhớ về quê nhà của mình. Ông là người lưu lạc, di tản khắp nơi. Thấy cảm động không, lúc đó là nước mắt chảy ra thôi. Chỉ cần một người khách đứng lại và lắng nghe ông hát. Đó là hạnh phúc lớn nhất của ông ấy rồi…"

Tôi muốn biết lần đầu tiên bà hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt là trong không gian nào. Nhưng bà không nhớ hoặc cũng có thể là không muốn nhớ.

Bà lái câu chuyện sang hướng khác : "Tập bài cho mình, ông nói hát cái giọng này không được, phải tập lại. Mình không có những dụng cụ để tập giống như ngoại quốc, thì thò đầu ra ngoài cửa và la, hát giọng từ bụng".

Nhà ở Đà Lạt xa nhau, nên Khánh Ly tha hồ luyện giọng. Chỉ có điều cả tháng sau đó bà bị sưng họng, khan tiếng, không hát được.

Trịnh Công Sơn không thích bà hát giọng mũi. "Phải hát bằng giọng thật, thì phải gào lên thôi", bà nhớ lại. "Nhờ vậy mà hát được nhạc của ông. Khi mà hát được nhạc của ông rồi thì sướng lắm. Ở Đà Lạt mà, ra ngoài đồi, tha hồ la, không ai nghe, không ai để ý".

Điều gì đã khiến bà đi theo và hầu như chỉ hát nhạc Trịnh Công Sơn từ năm 1967, Khánh Ly lý giải : "Vì lúc đó có những phong trào nhạc Trịnh Công Sơn, khắp mọi nơi, từ quân nhân, học sinh, sinh viên tới công chức. Nhạc của ông lan tràn, len lỏi khắp mọi nơi, về cả thôn quê nữa. Và khi mình đi hát, họ chỉ đòi hỏi nhạc Trịnh Công Sơn thôi".

Đó là đi diễn, còn bà vẫn hát nhiều tác giả khi thu băng đĩa. Rõ ràng, Trịnh Công Sơn được biết đến nhiều sau khi mời được Khánh Ly hợp tác. Bà không hẳn khẳng định điều đó : "Chắc vậy, nhưng mình không dám nói vậy… Được biết đến nhiều là tại mình đi các nơi, hát nhiều, chứ không phải tại hay. Không dám nhận hay. Bây giờ nhiều người hát (nhạc Trịnh) hay".

khanhly4

Khánh Ly trong đêm nhạc kỷ niệm 55 năm sự nghiệp tại Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 9/2017.

Trịnh Công Sơn đồng thời cũng biến đổi giọng hát Khánh Ly. Vì sau khi luyện giọng để thể hiện ra chất Trịnh Công Sơn, bà không còn là Khánh Ly thuở ban đầu. Rồi khi quay lại hát các nhạc sĩ khác, bà có cảm thấy khó hòa nhập, tôi thắc mắc. Bà công nhận : "Cũng khó. Thí dụ bây giờ mình hát với những người mà hát cao quá đó, mình hát giọng thật của mình không nổi thì im thôi, chứ không thể hát giọng óc theo được".

Trịnh Công Sơn chính là thầy dạy thanh nhạc duy nhất của Khánh Ly. Khi còn nhỏ, ở Hà Nội, bà được mẹ cho học piano. "Nhưng được vài ngày thôi, bị bà xơ Tây đánh sợ quá, không học được. Nhưng mà thôi, biết nhiều quá nhiều khi không tốt đâu, rồi lại chẳng làm được cái việc gì thành hồn cả. Thôi mình chuyên tâm vào một việc, nhất nghệ tinh nhất thân vinh là thế đó. Đây cũng là cách mình ngụy biện thôi", Khánh Ly nở nụ cười dí dỏm.

Bố mất khi cô bé Mai (Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai) lên 5, tầm 10 tuổi bà đã không còn ở với mẹ. "Tại không nói được với mẹ, tại mình hư thôi", thoáng chút ngập ngừng.

"Con cái không thể nào đổ tội cho cha mẹ được. Cho nên bị mẹ la, bị mẹ đánh thì tới ở với bà nội ở Sài Gòn. Bà nội xót cháu, vì bố mất, mẹ có gia đình khác".

Nhưng bà chỉ nuôi cháu 2 năm, rồi Khánh Ly đi hát. Bà tự đến các sân khấu, xông lên hát. "Tự nhiên như người Hà Nội thôi", bà nhớ lại. "Thế rồi có một bà già là chủ một nightclub ở Đà Lạt xuống Sài Gòn tìm ca sĩ. Ca sĩ thời đó ít lắm mà trụ được ở Sài Gòn có nghĩa người ta có tiếng rồi, ai đi lên Đà Lạt làm gì".

Khánh Ly theo bà già ấy lên Đà Lạt năm 1962, hai năm sau gặp Trịnh Công Sơn. Đến 1965 thì bặt tin. "Ông ấy đi đâu không biết. Ông ấy chả thắc mắc về mình, mình cũng chả thắc mắc gì về ông ấy cả. Tôi định sống trên Đà Lạt, 67 về Sài Gòn là về chơi thôi, tình cờ gặp lại ông Trịnh Công Sơn, ông Sơn mới rủ đi hát. Thế mới có ngày hôm nay", thoáng một nét cười.

Giải oan cho Trịnh Công Sơn để làm gì ?!

Những "tín đồ" của Trịnh Công Sơn hẳn không ngừng tiếc nuối vì ông chẳng để lại một cuốn tự truyện hay hồi ký chính thức nào. Giá kể có tự truyện Khánh Ly đọc cũng đỡ.

Nhưng tác giả (tương lai) tuyên bố : "Mình có cái gì đâu mà viết… Người ta người ta đặt cọc tiền rồi đó. Mà tôi phải trả lại. Xấu hổ quá viết không được. Viết ra nhiều cái nó ngượng lắm, mà nó đụng chạm nhiều lắm trong giới ca sĩ. Có những người đã chết rồi, mình nói ra bây giờ có lợi gì cho mình đâu. Thôi để cho người ta yên đi.

"Thí dụ bây giờ mình giải oan cho ông Trịnh Công Sơn, ông Sơn không phải là cộng sản đâu (ông ấy đâu có được người quốc gia công nhận, mà cũng đâu có được cộng sản công nhận)- để làm cái gì ? ! Thôi để tất cả mọi chuyện cho yên. Nhưng mà chưa biết được…"

khanhly5

Khánh Ly giữa những thương yêu, hâm mộ.

Ngại người nọ người kia là một lý do, nhưng cái đáng ngại hơn cả là đụng chạm chính trị, tôi phỏng đoán. Bà gật đầu : "Mình phải viết ra sự thật, tất cả sự thật. Mình giấu diếm thì không được. Thành ra tôi phải suy nghĩ dữ lắm". Nếu có viết, Khánh Ly muốn sách được ấn hành khi bà còn sống : "Và tôi muốn nhưng người tôi đề cập đến phải còn sống. Nếu tôi nói sai, ông lên tiếng đi. Nhiều ít gì mình cũng sòng phẳng với mọi người, với cuộc đời một chút".

Việc Khánh Ly về nước diễn liên tục cũng làm mếch lòng một số người ở hải ngoại. "Bị chống đó, bị tẩy chay đó, nhưng mà chịu vậy thôi", bà nói. "Có những người không phải là cha mẹ của mình nhưng tự cho họ cái quyền lên án mình, chỉ trích mình, không cho mình cái này cái kia".

Bà nói không biết những người đó là ai, nhưng cũng chấp nhận cái lẽ ở đời : làm vui lòng tất cả là không thể. "Có những lý do mình không thể nói được, không thể nào nói, thôi làm ơn cho tôi đi hát, cho tôi sống đi. Nếu ai (muốn) hiểu mình thì qua những công việc mình làm, người ta sẽ hiểu là mình về để làm gì", Khánh Ly nói.

Nhưng nếu là show của bạn bè, làm tại gia, chừng trăm khán giả, bà vẫn có thể đến hát. Thu nhập có thể giảm nhưng không có nghĩa là Khánh Ly im tiếng. "Mình im là tại mình muốn im thôi", bà cho hay.

"Mình không muốn chường mặt ra nữa. Có những buổi đi hát là muốn gặp bạn bè, khán giả cho vui. Nếu không vui thì không đi nữa, ở nhà. Mình yên rồi, đâu có mong cầu cái gì nữa đâu. Một người 75 tuổi giờ chỉ còn chờ lăn xuống đồi thôi".

khanhly6

Trước 30 Tết, Khánh Ly đã có mặt ở nhà với con gái. Bà nhớ mấy chục năm không có Tết đã qua : "Tết, Giáng sinh là đi hát. Mở mắt ra thì thấy mình ở một nơi khác, trong một gia đình khác, mình chỉ đến ở trọ 1-2 ngày và ăn ké một cái Tết hay Giáng sinh. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân lắm, nhưng nó là nghề nghiệp, công việc mình phải làm. Những ngày Tết mình mình đi mang lại niềm vui cho mọi người, nhưng trong lòng mình buồn, một thân một mình xách va-li đi. Đến lúc hết Tết, mọi người hết vui rồi, thì mình về nhà cho chồng con cái vui muộn thôi".

"Ngày xưa không có Tết thì bây giờ vẫn không có Tết", bà khẳng định. "Từ lúc chồng tôi mất, Tết nào cũng hai mẹ con lủi thủi thôi. Nhà có sẵn một cây đào đằng trước, chỉ mua hoa về dâng cho Đức Mẹ, để bàn thờ chồng và một cặp bánh chưng là hết. Không ai tới, mình cũng không mời ai. Có những lúc mình rất thích bạn bè đông, nhưng có những lúc mình cảm thấy những giây phút được một mình tĩnh lặng bình yên rất thú vị".

Khánh Ly vẫn tự mình làm mọi việc trong ngôi nhà "nhỏ bằng cái bếp của người ta" mà vợ chồng bà gom góp mua từ năm 1980 mà bà khẳng định sẽ không bao giờ bán. "Làm gì có chuyện có người giúp việc, không thể", bà kể.

"Ở nhà, thời ông chồng còn, mình cũng nấu cơm, giặt giũ, làm vườn, đổ rác, rửa chén, lau nhà, làm tất cả mọi công chuyện bình thường. Thì bây giờ cũng thế thôi, để cho con đi làm. Hồi xưa hầu chồng, bây giờ hầu con".

Còn nhiều thắc mắc chờ bà giải đáp nhưng đã đến giờ bà phải đi ăn cơm khách. "Tôi cũng ngại lắm, nhưng không từ chối được", bà nói. Mấy ngày sau, thấy bà xuất hiện trong sự kiện cuối năm của một tập đoàn lớn ở Hà Nội.

Tôi thì vẫn mong được thấy "nữ hoàng chân đất" tái xuất trên những sân khấu lớn trong những chương trình riêng để tôn vinh bà như hồi 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Bài viết, thực hiện sau cuộc phỏng vấn với ca sỹ Khánh Ly hôm 14/01/2020, thể hiện quan điểm, văn phong của cây bút Nguyễn Mạnh Hà, gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Mạnh Hà
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)