"Parasite" và đạo diễn Bong Joon-Ho
Oscars lần thứ 92 đã qua đi đúng một tuần. Nhưng có lẽ với đoàn làm phim "Parasite" nói riêng và những người dân Hàn Quốc nói chung, niềm hạnh phúc và tự hào sẽ còn đọng lại khá lâu, khi bộ phim cùng lúc đoạt 4 giải quan trọng : Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film và Best Picture.
Bộ phim "Parasite" cùng lúc đoạt 4 giải quan trọng : Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film và Best Picture.
Lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc đoạt giải Oscars, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Oscars, một bộ phim không nói tiếng Anh đã đoạt giải Best Picture.
Trước đó bộ phim đã giành được hàng loạt giải thưởng lớn : là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt Cành Cọ Vàng (Palme d'Or) tại Liên hoan phim Cannes tháng 5/2019, Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (the Golden Globe Award for Best Foreign Language Film), Giải thưởng BAFTA cho Phim hay nhất không phải bằng tiếng Anh (the BAFTA Award for Best Film Not in the English Language).
Như mọi giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật, giải Best Picture của Oscars không phải năm nào cũng xứng đáng, có những năm rõ ràng phim đoạt giải không bằng một phim khác nằm trong số 5 lựa chọn cuối cùng. Nhưng năm nay chiến thắng của "Parasite" thật sự thuyết phục, mặc dù trước đó, khi "Parasite" lần lượt đoạt các giải Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film, tôi đã nghĩ có lẽ giải Best Picture sẽ thuộc về "1917" của Sam Mendes chăng.
Nhưng đúng là "1917" mặc dù rất ấn tượng với người xem về mặt technique-bộ phim được quay với những cảnh quay dài (long takes) và những chuyển động máy được dàn dựng công phu để tạo hiệu quả của một cảnh quay liên tục duy nhất (a single continuous shot), khiến người xem có cảm giác nhập cuộc hơn với những gì đang diễn ra trên màn ảnh ; về mặt hình ảnh với phần cinematography của Roger Deakins, được đánh giá là một trong những nhà quay phim tài năng nhất hiện nay, và phần dựng cảnh (production design) của Dennis Gassner-vừa đạt được độ chân thật về lịch sử, hoành tráng trong những bối cảnh lớn, lại vừa đạt được yêu cầu của đạo diễn là làm cho bộ phim có vẻ như được quay liên tục. Nhưng dẫu sao cốt truyện của "1917" vẫn bị mỏng.
Trong khi đó, phần mạnh của "Parasite" là toàn bộ từ cốt truyện, chi tiết (mọi chi tiết đưa ra đều có chuẩn bị kỹ, khớp vào nhau, không có chi tiết nào thừa), phần diễn xuất, và sự pha trộn tài tình giữa chất bi-hài và cả hồi hộp, bạo lực của thể loại phim kinh dị hài (dark comedy thriller film).
Câu chuyện phim kể về một gia đình nghèo sống trong tầng hầm ở một khu lao động đã tìm cách thoát khỏi sự túng bấn, bần cùng bằng việc chụp lấy cơ hội có được và lập mưu kế để cả nhà được vào làm việc cho một gia đình thượng lưu giàu có, nhưng rồi có những sự bất ngờ nằm ngoài kế hoạch của họ xảy ra, dẫn đến những bi kịch đẫm máu và nước mắt.
Chiến thắng của Bong Joon-ho không hề là sự bất ngờ nếu nhìn lại cả chặng đường sự nghiệp của ông
Chiến thắng của Bong Joon-ho là cả một chặng đường sự nghiệp
Bong Joon-ho, nickname trong nghề là Bong Tae-il, sinh năm 1969, không phải là một tên xa lạ gì đối với với những người yêu điện ảnh nói chung và điện ảnh Hàn Quốc nói riêng.
Để đi đến chiến thắng lịch sử của điện ảnh Hàn và cả lịch sử của giải thưởng Oscars ngày hôm nay, đạo diễn Bong Joon-ho đã thực hiện nhiều phim thành công lớn, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Các bộ phim của Bong Joon-ho đa dạng về thể loại. Gần như mỗi phim, Bong Joon-ho lại thử nghiệm một thể loại mới. "Barking Dogs Never Bite" (2000) là dark comedy-drama, "Memories of Murder" (2003)-crime-dramma film, "The Host" (2006)-monster film, "Mother" (2009) và "Sea fog" (2014)-drama film, "Snowpiercer" (2013)-science fiction thriller film, "Okja" (2017)-action-adventure film, "Parasite" (2019)- dark comedy thriller film.
Sự lựa chọn đề tài, chất liệu, ý tứ để hình thành kịch bản phim cũng rất phong phú. "Barking Dogs Never Bite", còn có tên là "A Higher Animal" hay "A Dof of Flanders" lấy cảm hứng từ một câu chuyện thú cưng ở Châu Âu rất phổ biến ở các khu vực của Đông Á. "Memories of Murder" dựa trên câu chuyện có thật về vụ giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc xảy ra giữa năm 1986 và năm 1991ở tỉnh Gyeonggi, với thủ phạm không bao giờ bị bắt. "Sea Fog/Haemoo" được chuyển thể từ vở kịch sân khấu cùng tên, dựa trên câu chuyện có thật về 25 người Hoa gốc Hàn Quốc nhập cư bất hợp pháp, đã bị chết ngạt trong bể chứa của tàu đánh cá Taechangho. Thi thể của họ đã bị các thủy thủ tàu dìm xuống vùng biển phía Tây Nam Yeosu vào ngày 7.10.2001. "Snowpiercer" thì lại dựa trên tiểu thuyết đồ họa Le Transperceneige của Pháp, của Jacques Lob, Benjamin Legrand và Jean-Marc Rochette…
Có vẻ như Bong Joon-ho thích tìm tòi, thử nghiệm, không phải dạng đạo diễn trung thành với một thể loại, đề tài, hoặc phong cách, dạng "đạo diễn-tác giả" mà người xem rất dễ dàng nhận ra phim của họ. Bong Joon-ho cũng sẵn sàng làm phim thương mại, những bộ phim như "The Host" hay "Snowpiercer" có doanh thu khá lớn, trong khi vẫn có những bộ phim đoạt giải trong nước hay đi dự tranh giải tại các liên hoan phim quốc tế.
Có thể nhiều người sẽ thích những phim khác nhau của Bong Jon-ho, nhưng cá nhân tôi, ngoài "Parasite", tôi rất ấn tượng với "Memories of Murder" (2003) và "Mother" (2009).
"Memories of Murder", như vừa nói ở trên, dựa trên một câu chuyện có thật về một vụ giết người hàng loạt ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Cái xác đầu tiên được phát hiện là của một cô gái, bị hiếp, bị giết, sau đó bị bỏ trong một cái cống rãnh gần một cánh đồng.
Đội thám tử địa phương với Park Doo-man chịu trách nhiệm chính, chưa từng bị đối phó với vụ án nghiêm trọng như vậy, bị choáng ngợp. Bằng chứng chính được thu thập không chính xác, các phương pháp điều tra của cảnh sát bị ghi ngờ, và công nghệ pháp y của họ gần như không tồn tại. Seo Tae-yoon, một thám tử từ Seoul, tình nguyện giúp đỡ họ.
Các thám tử đã gần như tin chắc rằng một công nhân của một nhà máy, người từng có thời gian phục vụ trong quân đội và chỉ di chuyển đến khu vực này một thời gian ngắn trước khi các vụ án xảy ra, là thủ phạm. Nhưng họ không có đủ bằng chứng để bắt anh ta và thêm một vụ giết người nữa lại xảy ra, lần này họ cũng lại chậm hơn kẻ thủ ác một bước.
Nhiều năm sau, Park Doo-man, bây giờ là một doanh nhân, dừng lại trước hiện trường tội ác đầu tiên-cái cống rãnh bên đường và được một cô bé cho biết chỗ này gần đây cũng đã được viếng thăm bởi một người đàn ông khác, trông bình thường, với khuôn mặt không cảm xúc. Cô bé hỏi anh tại sao người đàn ông nhìn vào mương, và anh ta nói với cô rằng anh ta hồi tưởng lại những điều mình đã làm ở đó từ rất lâu rồi. Bộ phim kết thúc với cận cảnh của Park Doo-man khi anh một lần nữa sững sờ nhận ra mình lại vừa để vuột mất kẻ thủ ác. Và cuối cùng thì vụ án vẫn không được tìm ra.
"Mother" là câu chuyện về một người mẹ đơn thân, có đứa con trai duy nhất, Do-joon, thuộc loại thiểu năng trí tuệ, bình thường hiền lành, ngây ngô, nhút nhát, vô hại như một đứa trẻ con nhưng dễ nổi khùng, mất kiểm soát nếu có ai đó chọc ghẹo về sự khuyết tật trí tuệ của mình. Một ngày, một nữ sinh trung học được phát hiện đã chết và được phơi trên một mái nhà trong thành phố, gây sốc cho cư dân và gây áp lực cho cảnh sát vì không đủ năng lực để tìm ra kẻ giết người. Với những bằng chứng khá rõ ràng tại hiện trường, cảnh sát bắt giữ Do-joon vì tội giết người.
Người mẹ, bàng hoàng và không tin rằng Do-joon có khả năng giết người, đã tự mình đi tìm sự thật để chứng minh sự vô tội của con trai. Nhưng một khi sự thật được tìm ra, liệu cô có đủ dũng cảm để đối diện với nó ?
Trong cả hai bộ phim, đạo diễn Bong Joon-ho đã dẫn dắt người xem đi theo những câu chuyện khó đoán trước với những chi tiết, tình huống mới liên tục xuất hiện, có lúc như lái người xem đi theo một hướng khác, tưởng là vậy mà không phải là vậy. Phim của Bong Joon-ho thường ngồn ngộn chi tiết. Trong cả hai phim, cái kết đều bất ngờ, và để lại vị đắng chát hoặc nỗi buồn day dứt.
Cả hai bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim Hàn Quốc và quốc tế.
Khi nhìn lại hàng loạt bộ phim của Bong Joon-ho thì có thể thấy thành công của "Parasite" ngày hôm nay không hề là một sự bất ngờ cho bao nhiêu năm làm nghề và luôn nỗ lực hết mình của ông.
Điện ảnh Hàn Quốc - Điện ảnh Việt Nam
Chiến thắng của Bong Joon-ho nói riêng và điện ảnh Hàn Quốc ngày hôm nay là cả một chặng đường dài xây dựng một trong những nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu.
So với nền công nghiệp âm nhạc K-pop, nền công nghiệp thời trang hay làm đẹp, lan rộng và có sức ảnh hưởng hầu khắp thế giới, sự thành công ở mức độ quốc tế của nền điện ảnh Hàn Quốc có phần chậm hơn. Nhưng cho đến bây giờ thì họ đã có những đạo diễn điện ảnh được biết đến rộng rãi trên thế giới với những giải thưởng quốc tế.
Như Lee Chang-dong, sinh năm 1954, trong đó bộ phim mới đây, "Burning " (2018) của ông được chọn dự thi Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Oscars lần thứ 91 ; mặc dù không được đề cử, nó đã trở thành bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào danh sách shortlists 9 phim cuối cùng.
"Burning" cũng giành được giải thưởng của các nhà phê bình quốc tế Fipresci tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 71, Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong Hiệp hội phê bình phim Los Angeles và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong Hiệp hội phê bình phim Toronto.
Đạo diễn Kim Ki-duk, sinh năm 1960, với hàng loạt bộ phim nổi tiếng như "Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring" (2003), "3-Iron" đoạt Sư tử Bạc cho giải Best Director tại Liên hoan phim Venice lần thứ 61, "Samaritan Girl" (2004) đoạt Gấu Bạc cho Best Director tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, "Arirang" (2011) giải Un Sure Regard tại Liên hoan phim Cannes 2011, "Pietà" (2012) đoạt Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice lần thứ 69 năm 2012…
Hay Park Chan-wook, sinh năm 1963 với những bộ phim 'Thirst" (2009), "The Handmaiden" (2016), "The Vengeance Trilogy', bao gồm "Sympathy for Mr. Vengeance" (2002), 'Oldboy" (2003) và "Lady Vengeance" (2005). Trong đó "Oldboy" đoạt giải Grand Prix tại Cannes 2003 hay "The Handmaiden" đoạt Best Foreign Language Film tại nhiều Liên hoan phim ở Boston, Dallas, Los Angeles, New York, San Fanscisco…
Nói tóm lại điện ảnh Hàn Quốc đang có một thế hệ đạo diễn vàng sinh vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, chưa kể lứa đạo diễn trẻ hơn, sinh vào những năm 70 như Na Hong-jin, Yeon Sang-ho, Lee Byung-hun, Lee Jeong-beom…
Thành công đó không phải ngày một ngày hai mà có. Nó là kết quà của nhiều năm xây dựng nền công nghiệp làm phim, đào tạo vun đắp tài năng trong một môi trường làm phim thuận lợi.
Một môi trường thuận lợi là điều kiện để cho mọi tài năng phát triển và thăng hoa. Môi trường thuận lợi đó là gì. Là tự do sáng tác, không bị trói tay bịt mồm bởi một chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo và ngu xuẩn trong một thể chế độc tài. Là có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển từ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, phim trường. Là luật pháp rõ ràng, chặt chẽ để bảo vệ tác phẩm, tác quyền. Là khâu đào tạo : trường lớp, giảng viên, tài liệu, điều kiện học tập, thực hành...những người làm điện ảnh có cơ hội học hỏi, tiếp cận với những nền điện ảnh khác nhau trên thế giới và những tác phẩm điện ảnh tinh hoa từ xưa đến nay…
(Cũng có những ngoại lệ như điện ảnh Iran, điều kiện kiểm duyệt còn khe khắt hơn cả Việt Nam vì là một quốc gia Hồi giáo, ví dụ không có cảnh "nóng", không có những cảnh khỏa thân, thậm chí không có cả một nụ hôn đúng nghĩa, không bạo lực, chết chóc…, bên cạnh đó, nền công nghiệp điện ảnh cũng như điều kiện học hành cũng không phải thực sự đủ tốt, nhưng phim Iran vẫn giành được rất nhiều giải thưởng lớn trên thế giới từ khoảng vài thập niên qua. Đó là vì những nhà làm phim Iran, rất tài năng, đã có sự lựa chọn, giải quyết rất thông minh để né kiểm duyệt và tạo ra một dòng phim riêng, phong cách riêng không lẫn vào với các nước khác-lựa chọn những chủ đề nhỏ, bối cảnh đơn giản, cốt truyện không phức tạp, không quá tốn kém…và quan trọng nhất, không "học đòi", bắt chước ai cả)
…và Việt Nam
Việt Nam có những lợi thế là cả một kho đề tài với chất liệu phong phú, dữ dội của một quốc gia đã và vẫn đang trải qua quá nhiều bi kịch, cả thời chiến lẫn thời bình. Các nhà làm phim Việt Nam không cần phải tưởng tượng, hư cấu gì, cuộc sống xã hội với quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều phi lý trớ trêu, bất công xã hội hay tội ác diễn ra hàng ngày… đủ cho mọi thể loại phim. So với những bi-hài kịch trong xã hội Việt Nam thì mâu thuẫn giàu nghèo, giai cấp trong "Parasite" thực sự chưa là gì cả. Chưa kể kho tàng văn hóa chưa được khai thác của một đất nước có lịch sử lâu đời, có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, hơn 8.000 lễ hội một năm và bao nhiêu truyền thống phong tục văn hóa.
Tôi cũng tin rằng Việt Nam không thiếu tài năng. Thế giới chưa biết gì nhiều về Việt Nam. Chỉ cần đi sâu khai thác những câu chuyện, những vấn đề của Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là sẽ trở nên độc và lạ đối với người xem trên thế giới. Chỉ có điều những người làm phim Việt Nam đừng nghĩ rằng để "độc", "lạ", "mới" là phải khai thác những đề tài về sex, đồng tính, bạo dâm gì đó chẳng hạn, những cái đó thế giới người ta làm đầy, chả có gì mới cả.
Song Việt Nam dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo sẽ khó mà có được những tên tuổi lớn và những tác phẩm lớn vì Việt Nam không có một môi trường thuận lợi. Không chỉ đối với điện ảnh là lĩnh vực không chỉ cần có tài năng mà phải có tiền, có kỹ thuật, phương tiện đầy đủ, mà ngay cả âm nhạc, văn học, hội họa, hay thậm chí báo chí Việt cũng không thể cất cánh nổi trong một chế độ độc tài, ngu dân, lãnh đạo thì hầu hết là những kẻ ngu dốt, xôi thịt, không biết thưởng thức văn học nghệ thuật.
Song Chi
Nguồn : RFA, 16/02/2020songchi's blog