Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra sẽ xem xét về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi.
Cục Điện ảnh Việt Nam kiểm duyệt phim Ròm nhưng phim đã chiến thắng giải cao nhất của hạng mục New Currents tại liên hoan phim năm 2019
Xung quanh vấn đề này tôi cho rằng công tác quản lý điện ảnh cần có một tầm nhìn khai phóng.
Điện ảnh tạo xu hướng
Điểm quan trọng của điện ảnh là khả năng tạo xu hướng.
Nhớ lại hơn chục năm trước, vào năm 2006, cặp vợ chồng ngôi sao điện ảnh quốc tế Brad Pitt và Angelina Jolie đã đến Việt Nam, đi xe máy lượn chơi trên phố Sài Gòn.
Những hình ảnh về chuyến đi của cặp đôi ngôi sao truyền đi khắp thế giới đã đem dấu ấn tạo ra nhận thức Việt Nam là nơi đáng đến.
Đặc biệt hơn sang năm 2007 họ nhận con nuôi một bé người Việt.
Sự việc có khả năng tác động đến nhận thức công chúng thế giới giúp thấy được Việt Nam là nơi đáng để gắn kết sinh sống làm ăn.
Những sự kiện như vậy không dừng lại kết thúc khi xong việc, mà còn tạo ra những xu hướng, đó là xu hướng cho khách du lịch và thương nhân tìm đến.
Ở Việt Nam đáng tiếc công tác điều tra xã hội học còn hạn chế nên đã không có nghiên cứu đánh giá xem sau chuyến đi của cặp ngôi sao Brad Pitt và Angelina Jolie đã góp phần làm tăng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ra sao.
Xét một cách rộng hơn, điện ảnh với tính chất hấp dẫn của những bộ phim gắn với những ngôi sao, cũng là điểm tạo ra xu hướng.
Đầu tiên là tạo xu hướng trong giới điện ảnh, sau đó sẽ lan tỏa ra giới truyền thông, văn hóa và doanh nhân.
Vài năm trước hẳn nhiều người đã cảm thấy rất thú vị khi phim Kong được quay tại Việt Nam có những thước phim mang hình ảnh đồi núi đầm nước Ninh Bình đến với người xem thế giới.
Mặc dù không có nghiên cứu thống kê nhưng có thể hình dung bộ phim cũng đã giúp đưa đến một lượng du khách quốc tế nhất định đến Việt Nam.
Nhưng sau đó tôi thấy hết sức đáng tiếc khi có thông tin đoàn làm phim 'Nhiệm vụ bất khả thi', một loại phim hành động ăn khách của Mỹ, đã từ bỏ kế hoạch quay phim tại Việt Nam.
Lý do được biết là khi đoàn làm phim muốn thuê một chuyến bay trực thăng để khảo sát vùng đồi núi phía bắc để lấy bối cảnh làm phim nhưng đã bị từ chối không thực hiện được.
Đó thực sự là một việc bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh vẻ đẹp đất nước rất đáng tiếc mà nếu muốn đạt được trong điều kiện thông thường nhà nước muốn quảng bá hình ảnh đất nước sẽ phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của.
Phim Hai Phượng kỷ lục phòng vé Việt Nam, gây ấn tượng ở Mỹ
Không chỉ vậy, sự việc đó có thể còn gây sự đứt gãy đối với một xu hướng tìm đến làm phim tại VN.
Đối với một đất nước đang trên đà hội nhập phát triển với thế giới thì Việt Nam rất cần phải chắt chiu nắm bắt những cơ hội để phát triển.
Luật điện ảnh hiện nay cần tạo ra không gian rộng rãi cho các hoạt động phim ảnh quốc tế.
Nên giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý như Bộ văn hóa thể thao và du lịch trong việc phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim quốc tế đến VN.
Điện ảnh để truyền thông
Để thấy được những gì mà điện ảnh có thể đem lại cho đất nước và nhìn ra những việc cần làm, hãy thử hình dung so sánh Việt Nam với một đất nước như Bangladesh.
Không có nhiều người Việt khi được hỏi sẽ trả lời được Bangladesh nằm ở đâu trên bản đồ thế giới.
Không mấy người Việt biết được ở đất nước Bangladesh có người nổi tiếng nào như cầu thủ, ngôi sao hay lãnh đạo chính trị danh tiếng nào.
Cũng hiếm người Việt biết được đất nước Bangladesh có danh lam thắng cảnh nào hay lịch sử đất nước có gì đáng lưu ý.
Nếu có tiền cũng ít người Việt nghĩ đến việc du lịch đến Bangladesh.
Có thể nói rất nhiều người hầu như không biết gì về Bangladesh, mà nếu muốn thì cần tra cứu trên google.
Trong khi đó Bangladesh không phải là một nước nhỏ, dân số của họ chừng 150 triệu người, đông hơn gấp rưỡi Việt Nam.
Đặt vấn đề như vậy để nhận ra rằng nhiều quốc gia trên thế giới giống như Bangladesh được rất ít người dân các nước khác biết đến.
Tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên" đã quy tụ hàng chục nhà làm phim nổi tiếng như : Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn...
Trong khi đó phim ảnh là một cách để truyền thông.
Thực tế là nếu có điều kiện đi du lịch thế giới và có một quyết định đi du lịch đến Bangladesh thì rất có thể một quyết định như vậy sẽ dựa vào thông tin sự kiện kiểu như vợ chồng ngôi sao điện ảnh Brad Pitt và Angelina Jolie mới tới nơi này.
Hoặc do xem một bộ phim có cảnh quay đẹp về đất nước Bangladesh.
Như thế, nếu chính phủ Bangladesh muốn thế giới biết đến mình thì phải quảng cáo về đất nước để thu hút khách du lịch và đầu tư.
Và nếu có một đoàn làm phim Mỹ muốn đến quay phim ở đây thì chính phủ Bangladesh hẳn là nên trân trọng đón chào coi đó là dịp để quảng bá đất nước mình.
Lãng phí một dịp như vậy trong khi bản thân đất nước như vậy thì quả là vô trách nhiệm đến dường nào.
Cũng cần hiểu là truyền thông về một đất nước không chỉ có phim ảnh mà còn báo chí.
Nhưng truyền thông qua phim ảnh gắn liền với cảm xúc tích cực qua sự hấp dẫn hay ho của phim.
Thay vì thông tin đến với thế giới qua những vụ việc tiêu cực như thiên tai ngập lụt.
Bởi vậy, để đánh giá được giá trị của điện ảnh đối với phát triển quốc gia, nhất là đối với những nước như Việt Nam, cần có một góc nhìn có thể giúp hiểu đúng về đất nước mình, để biết chắt chiu và thấy được những việc cần làm.
Những bộ phim điện ảnh mới đây của người Việt như phim Vị, phim Ròm của những đạo diễn trẻ bộc lộ tài năng đáng trân trọng, như đạo diễn làm phim Ròm chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Cả hai phim đã đạt giải liên hoan phim quốc tế, được đánh giá cao năng lực sáng tạo của nhà làm phim, nhưng khi về nước đều bị cơ quan quản lý nhà nước đánh giá là có vi phạm này nọ rồi bị xử phạt.
Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra đời của những bộ phim hay khác của người Việt, do thiếu sự trân trọng tài năng.
Từ đó làm giảm đi cơ hội quảng bá đất nước con người Việt Nam ra thế giới.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước hiện nay, tôi không thấy có điều gì phải cản trở sự tự do tự chủ mạnh mẽ trong làm phim.
Những lo ngại lý giải cho việc phải quản lý phim ảnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội hoàn toàn có thể được bù đắp giải quyết bằng giá trị đem lại của điện ảnh cho phát triển kinh tế và tiến bộ về văn hóa khi đã được tự do.
Để tốt cho nền điện ảnh cũng như tốt cho cả đất nước hiện nay, công tác quản lý điện ảnh cần có một tầm nhìn khai phóng.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 24/10/2021
"Parasite" và đạo diễn Bong Joon-Ho
Oscars lần thứ 92 đã qua đi đúng một tuần. Nhưng có lẽ với đoàn làm phim "Parasite" nói riêng và những người dân Hàn Quốc nói chung, niềm hạnh phúc và tự hào sẽ còn đọng lại khá lâu, khi bộ phim cùng lúc đoạt 4 giải quan trọng : Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film và Best Picture.
Bộ phim "Parasite" cùng lúc đoạt 4 giải quan trọng : Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film và Best Picture.
Lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc đoạt giải Oscars, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Oscars, một bộ phim không nói tiếng Anh đã đoạt giải Best Picture.
Trước đó bộ phim đã giành được hàng loạt giải thưởng lớn : là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt Cành Cọ Vàng (Palme d'Or) tại Liên hoan phim Cannes tháng 5/2019, Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (the Golden Globe Award for Best Foreign Language Film), Giải thưởng BAFTA cho Phim hay nhất không phải bằng tiếng Anh (the BAFTA Award for Best Film Not in the English Language).
Như mọi giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật, giải Best Picture của Oscars không phải năm nào cũng xứng đáng, có những năm rõ ràng phim đoạt giải không bằng một phim khác nằm trong số 5 lựa chọn cuối cùng. Nhưng năm nay chiến thắng của "Parasite" thật sự thuyết phục, mặc dù trước đó, khi "Parasite" lần lượt đoạt các giải Best Original Screenplay, Best Director, Best International Feature Film, tôi đã nghĩ có lẽ giải Best Picture sẽ thuộc về "1917" của Sam Mendes chăng.
Nhưng đúng là "1917" mặc dù rất ấn tượng với người xem về mặt technique-bộ phim được quay với những cảnh quay dài (long takes) và những chuyển động máy được dàn dựng công phu để tạo hiệu quả của một cảnh quay liên tục duy nhất (a single continuous shot), khiến người xem có cảm giác nhập cuộc hơn với những gì đang diễn ra trên màn ảnh ; về mặt hình ảnh với phần cinematography của Roger Deakins, được đánh giá là một trong những nhà quay phim tài năng nhất hiện nay, và phần dựng cảnh (production design) của Dennis Gassner-vừa đạt được độ chân thật về lịch sử, hoành tráng trong những bối cảnh lớn, lại vừa đạt được yêu cầu của đạo diễn là làm cho bộ phim có vẻ như được quay liên tục. Nhưng dẫu sao cốt truyện của "1917" vẫn bị mỏng.
Trong khi đó, phần mạnh của "Parasite" là toàn bộ từ cốt truyện, chi tiết (mọi chi tiết đưa ra đều có chuẩn bị kỹ, khớp vào nhau, không có chi tiết nào thừa), phần diễn xuất, và sự pha trộn tài tình giữa chất bi-hài và cả hồi hộp, bạo lực của thể loại phim kinh dị hài (dark comedy thriller film).
Câu chuyện phim kể về một gia đình nghèo sống trong tầng hầm ở một khu lao động đã tìm cách thoát khỏi sự túng bấn, bần cùng bằng việc chụp lấy cơ hội có được và lập mưu kế để cả nhà được vào làm việc cho một gia đình thượng lưu giàu có, nhưng rồi có những sự bất ngờ nằm ngoài kế hoạch của họ xảy ra, dẫn đến những bi kịch đẫm máu và nước mắt.
Chiến thắng của Bong Joon-ho không hề là sự bất ngờ nếu nhìn lại cả chặng đường sự nghiệp của ông
Chiến thắng của Bong Joon-ho là cả một chặng đường sự nghiệp
Bong Joon-ho, nickname trong nghề là Bong Tae-il, sinh năm 1969, không phải là một tên xa lạ gì đối với với những người yêu điện ảnh nói chung và điện ảnh Hàn Quốc nói riêng.
Để đi đến chiến thắng lịch sử của điện ảnh Hàn và cả lịch sử của giải thưởng Oscars ngày hôm nay, đạo diễn Bong Joon-ho đã thực hiện nhiều phim thành công lớn, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Các bộ phim của Bong Joon-ho đa dạng về thể loại. Gần như mỗi phim, Bong Joon-ho lại thử nghiệm một thể loại mới. "Barking Dogs Never Bite" (2000) là dark comedy-drama, "Memories of Murder" (2003)-crime-dramma film, "The Host" (2006)-monster film, "Mother" (2009) và "Sea fog" (2014)-drama film, "Snowpiercer" (2013)-science fiction thriller film, "Okja" (2017)-action-adventure film, "Parasite" (2019)- dark comedy thriller film.
Sự lựa chọn đề tài, chất liệu, ý tứ để hình thành kịch bản phim cũng rất phong phú. "Barking Dogs Never Bite", còn có tên là "A Higher Animal" hay "A Dof of Flanders" lấy cảm hứng từ một câu chuyện thú cưng ở Châu Âu rất phổ biến ở các khu vực của Đông Á. "Memories of Murder" dựa trên câu chuyện có thật về vụ giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử của Hàn Quốc xảy ra giữa năm 1986 và năm 1991ở tỉnh Gyeonggi, với thủ phạm không bao giờ bị bắt. "Sea Fog/Haemoo" được chuyển thể từ vở kịch sân khấu cùng tên, dựa trên câu chuyện có thật về 25 người Hoa gốc Hàn Quốc nhập cư bất hợp pháp, đã bị chết ngạt trong bể chứa của tàu đánh cá Taechangho. Thi thể của họ đã bị các thủy thủ tàu dìm xuống vùng biển phía Tây Nam Yeosu vào ngày 7.10.2001. "Snowpiercer" thì lại dựa trên tiểu thuyết đồ họa Le Transperceneige của Pháp, của Jacques Lob, Benjamin Legrand và Jean-Marc Rochette…
Có vẻ như Bong Joon-ho thích tìm tòi, thử nghiệm, không phải dạng đạo diễn trung thành với một thể loại, đề tài, hoặc phong cách, dạng "đạo diễn-tác giả" mà người xem rất dễ dàng nhận ra phim của họ. Bong Joon-ho cũng sẵn sàng làm phim thương mại, những bộ phim như "The Host" hay "Snowpiercer" có doanh thu khá lớn, trong khi vẫn có những bộ phim đoạt giải trong nước hay đi dự tranh giải tại các liên hoan phim quốc tế.
Có thể nhiều người sẽ thích những phim khác nhau của Bong Jon-ho, nhưng cá nhân tôi, ngoài "Parasite", tôi rất ấn tượng với "Memories of Murder" (2003) và "Mother" (2009).
"Memories of Murder", như vừa nói ở trên, dựa trên một câu chuyện có thật về một vụ giết người hàng loạt ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Cái xác đầu tiên được phát hiện là của một cô gái, bị hiếp, bị giết, sau đó bị bỏ trong một cái cống rãnh gần một cánh đồng.
Đội thám tử địa phương với Park Doo-man chịu trách nhiệm chính, chưa từng bị đối phó với vụ án nghiêm trọng như vậy, bị choáng ngợp. Bằng chứng chính được thu thập không chính xác, các phương pháp điều tra của cảnh sát bị ghi ngờ, và công nghệ pháp y của họ gần như không tồn tại. Seo Tae-yoon, một thám tử từ Seoul, tình nguyện giúp đỡ họ.
Các thám tử đã gần như tin chắc rằng một công nhân của một nhà máy, người từng có thời gian phục vụ trong quân đội và chỉ di chuyển đến khu vực này một thời gian ngắn trước khi các vụ án xảy ra, là thủ phạm. Nhưng họ không có đủ bằng chứng để bắt anh ta và thêm một vụ giết người nữa lại xảy ra, lần này họ cũng lại chậm hơn kẻ thủ ác một bước.
Nhiều năm sau, Park Doo-man, bây giờ là một doanh nhân, dừng lại trước hiện trường tội ác đầu tiên-cái cống rãnh bên đường và được một cô bé cho biết chỗ này gần đây cũng đã được viếng thăm bởi một người đàn ông khác, trông bình thường, với khuôn mặt không cảm xúc. Cô bé hỏi anh tại sao người đàn ông nhìn vào mương, và anh ta nói với cô rằng anh ta hồi tưởng lại những điều mình đã làm ở đó từ rất lâu rồi. Bộ phim kết thúc với cận cảnh của Park Doo-man khi anh một lần nữa sững sờ nhận ra mình lại vừa để vuột mất kẻ thủ ác. Và cuối cùng thì vụ án vẫn không được tìm ra.
"Mother" là câu chuyện về một người mẹ đơn thân, có đứa con trai duy nhất, Do-joon, thuộc loại thiểu năng trí tuệ, bình thường hiền lành, ngây ngô, nhút nhát, vô hại như một đứa trẻ con nhưng dễ nổi khùng, mất kiểm soát nếu có ai đó chọc ghẹo về sự khuyết tật trí tuệ của mình. Một ngày, một nữ sinh trung học được phát hiện đã chết và được phơi trên một mái nhà trong thành phố, gây sốc cho cư dân và gây áp lực cho cảnh sát vì không đủ năng lực để tìm ra kẻ giết người. Với những bằng chứng khá rõ ràng tại hiện trường, cảnh sát bắt giữ Do-joon vì tội giết người.
Người mẹ, bàng hoàng và không tin rằng Do-joon có khả năng giết người, đã tự mình đi tìm sự thật để chứng minh sự vô tội của con trai. Nhưng một khi sự thật được tìm ra, liệu cô có đủ dũng cảm để đối diện với nó ?
Trong cả hai bộ phim, đạo diễn Bong Joon-ho đã dẫn dắt người xem đi theo những câu chuyện khó đoán trước với những chi tiết, tình huống mới liên tục xuất hiện, có lúc như lái người xem đi theo một hướng khác, tưởng là vậy mà không phải là vậy. Phim của Bong Joon-ho thường ngồn ngộn chi tiết. Trong cả hai phim, cái kết đều bất ngờ, và để lại vị đắng chát hoặc nỗi buồn day dứt.
Cả hai bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim Hàn Quốc và quốc tế.
Khi nhìn lại hàng loạt bộ phim của Bong Joon-ho thì có thể thấy thành công của "Parasite" ngày hôm nay không hề là một sự bất ngờ cho bao nhiêu năm làm nghề và luôn nỗ lực hết mình của ông.
Điện ảnh Hàn Quốc - Điện ảnh Việt Nam
Chiến thắng của Bong Joon-ho nói riêng và điện ảnh Hàn Quốc ngày hôm nay là cả một chặng đường dài xây dựng một trong những nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu.
So với nền công nghiệp âm nhạc K-pop, nền công nghiệp thời trang hay làm đẹp, lan rộng và có sức ảnh hưởng hầu khắp thế giới, sự thành công ở mức độ quốc tế của nền điện ảnh Hàn Quốc có phần chậm hơn. Nhưng cho đến bây giờ thì họ đã có những đạo diễn điện ảnh được biết đến rộng rãi trên thế giới với những giải thưởng quốc tế.
Như Lee Chang-dong, sinh năm 1954, trong đó bộ phim mới đây, "Burning " (2018) của ông được chọn dự thi Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Oscars lần thứ 91 ; mặc dù không được đề cử, nó đã trở thành bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào danh sách shortlists 9 phim cuối cùng.
"Burning" cũng giành được giải thưởng của các nhà phê bình quốc tế Fipresci tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 71, Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong Hiệp hội phê bình phim Los Angeles và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong Hiệp hội phê bình phim Toronto.
Đạo diễn Kim Ki-duk, sinh năm 1960, với hàng loạt bộ phim nổi tiếng như "Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring" (2003), "3-Iron" đoạt Sư tử Bạc cho giải Best Director tại Liên hoan phim Venice lần thứ 61, "Samaritan Girl" (2004) đoạt Gấu Bạc cho Best Director tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, "Arirang" (2011) giải Un Sure Regard tại Liên hoan phim Cannes 2011, "Pietà" (2012) đoạt Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice lần thứ 69 năm 2012…
Hay Park Chan-wook, sinh năm 1963 với những bộ phim 'Thirst" (2009), "The Handmaiden" (2016), "The Vengeance Trilogy', bao gồm "Sympathy for Mr. Vengeance" (2002), 'Oldboy" (2003) và "Lady Vengeance" (2005). Trong đó "Oldboy" đoạt giải Grand Prix tại Cannes 2003 hay "The Handmaiden" đoạt Best Foreign Language Film tại nhiều Liên hoan phim ở Boston, Dallas, Los Angeles, New York, San Fanscisco…
Nói tóm lại điện ảnh Hàn Quốc đang có một thế hệ đạo diễn vàng sinh vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, chưa kể lứa đạo diễn trẻ hơn, sinh vào những năm 70 như Na Hong-jin, Yeon Sang-ho, Lee Byung-hun, Lee Jeong-beom…
Thành công đó không phải ngày một ngày hai mà có. Nó là kết quà của nhiều năm xây dựng nền công nghiệp làm phim, đào tạo vun đắp tài năng trong một môi trường làm phim thuận lợi.
Một môi trường thuận lợi là điều kiện để cho mọi tài năng phát triển và thăng hoa. Môi trường thuận lợi đó là gì. Là tự do sáng tác, không bị trói tay bịt mồm bởi một chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo và ngu xuẩn trong một thể chế độc tài. Là có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển từ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, phim trường. Là luật pháp rõ ràng, chặt chẽ để bảo vệ tác phẩm, tác quyền. Là khâu đào tạo : trường lớp, giảng viên, tài liệu, điều kiện học tập, thực hành...những người làm điện ảnh có cơ hội học hỏi, tiếp cận với những nền điện ảnh khác nhau trên thế giới và những tác phẩm điện ảnh tinh hoa từ xưa đến nay…
(Cũng có những ngoại lệ như điện ảnh Iran, điều kiện kiểm duyệt còn khe khắt hơn cả Việt Nam vì là một quốc gia Hồi giáo, ví dụ không có cảnh "nóng", không có những cảnh khỏa thân, thậm chí không có cả một nụ hôn đúng nghĩa, không bạo lực, chết chóc…, bên cạnh đó, nền công nghiệp điện ảnh cũng như điều kiện học hành cũng không phải thực sự đủ tốt, nhưng phim Iran vẫn giành được rất nhiều giải thưởng lớn trên thế giới từ khoảng vài thập niên qua. Đó là vì những nhà làm phim Iran, rất tài năng, đã có sự lựa chọn, giải quyết rất thông minh để né kiểm duyệt và tạo ra một dòng phim riêng, phong cách riêng không lẫn vào với các nước khác-lựa chọn những chủ đề nhỏ, bối cảnh đơn giản, cốt truyện không phức tạp, không quá tốn kém…và quan trọng nhất, không "học đòi", bắt chước ai cả)
…và Việt Nam
Việt Nam có những lợi thế là cả một kho đề tài với chất liệu phong phú, dữ dội của một quốc gia đã và vẫn đang trải qua quá nhiều bi kịch, cả thời chiến lẫn thời bình. Các nhà làm phim Việt Nam không cần phải tưởng tượng, hư cấu gì, cuộc sống xã hội với quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều phi lý trớ trêu, bất công xã hội hay tội ác diễn ra hàng ngày… đủ cho mọi thể loại phim. So với những bi-hài kịch trong xã hội Việt Nam thì mâu thuẫn giàu nghèo, giai cấp trong "Parasite" thực sự chưa là gì cả. Chưa kể kho tàng văn hóa chưa được khai thác của một đất nước có lịch sử lâu đời, có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, hơn 8.000 lễ hội một năm và bao nhiêu truyền thống phong tục văn hóa.
Tôi cũng tin rằng Việt Nam không thiếu tài năng. Thế giới chưa biết gì nhiều về Việt Nam. Chỉ cần đi sâu khai thác những câu chuyện, những vấn đề của Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là sẽ trở nên độc và lạ đối với người xem trên thế giới. Chỉ có điều những người làm phim Việt Nam đừng nghĩ rằng để "độc", "lạ", "mới" là phải khai thác những đề tài về sex, đồng tính, bạo dâm gì đó chẳng hạn, những cái đó thế giới người ta làm đầy, chả có gì mới cả.
Song Việt Nam dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo sẽ khó mà có được những tên tuổi lớn và những tác phẩm lớn vì Việt Nam không có một môi trường thuận lợi. Không chỉ đối với điện ảnh là lĩnh vực không chỉ cần có tài năng mà phải có tiền, có kỹ thuật, phương tiện đầy đủ, mà ngay cả âm nhạc, văn học, hội họa, hay thậm chí báo chí Việt cũng không thể cất cánh nổi trong một chế độ độc tài, ngu dân, lãnh đạo thì hầu hết là những kẻ ngu dốt, xôi thịt, không biết thưởng thức văn học nghệ thuật.
Song Chi
Nguồn : RFA, 16/02/2020songchi's blog
Trong khuôn khổ hoạt động của giải Cánh diều 2016, buổi tọa đàm "Những vấn đề của sáng tác điện ảnh, phim truyền hình hiện nay" đã được Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 9-4 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Nhiều vấn đề về thực trạng làm phim hiện nay đã được đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Bức tranh điện ảnh Việt Nam được người trong giới phác họa cho thấy tính nghiệp dư thể hiện rất rõ trong các khâu làm phim hiện nay
Nhà làm phim thường "đi lạc"
Theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, những năm gần đây, điện ảnh đã huy động được nguồn lực lớn thuộc thành phần tư nhân tham gia, thúc đẩy sự phát triển số lượng tác phẩm. Thế nhưng, điều đáng tiếc là số lượng tác phẩm tăng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng. Những tác phẩm có chiều sâu, giá trị nghệ thuật cao trở nên hiếm hoi.
NSND Ngọc Giàu và NSND Thanh Nam trong phim "Sài gòn anh yêu em"- phim đoạt giải vàng Giải thưởng Cánh diều 2016. (ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nhận định này là xác đáng bởi trong 19 phim tranh giải tại Cánh diều năm 2016, có đến 2/3 chất lượng trung bình, đặt nặng yếu tố thị trường. Kịch bản được xác định là khâu yếu nhất và cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường điện ảnh ảm đạm doanh thu.
"Phim Việt ngày nay đa thể loại, chủ đề rộng, bao quát các khía cạnh cuộc sống, phản ánh nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Vấn nạn hài nhảm đã giảm nhưng cái cười được thiết kế kém duyên, cài cắm không đúng chỗ. Thêm vào đó, yếu tố hài xen lẫn nhiều đoạn khiến giá trị tác phẩm không cao, thiếu chiều sâu. Khâu yếu nhất là kịch bản. Chỉ có một số kịch bản tương đối tốt nhưng mặt bằng chung là yếu, cần được cơ quan quản lý quan tâm" - Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Luân Kim đánh giá.
Phim truyền hình cũng không khá hơn ở khâu kịch bản khi cứ loay hoay chạy theo các chủ đề có tính thương mại nhưng dễ gây nhàm chán cho khán giả. Do cố ý kéo dài số tập để tìm kiếm quảng cáo, phim truyền hình Việt dài dòng đến mức gây cảm giác khó chịu.
"Phim Việt đúng là rất thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim như người đi đường không có bản đồ hoặc có mà không rõ ràng. Vì thế, họ thường xuyên đi lạc ; đường dây cốt truyện không cân bằng phần mở đầu và kết thúc" - đạo diễn Việt Linh chỉ rõ.
Nhà báo Cát Vũ cũng đồng tình với các nhận định trên và cho rằng tiến bộ kỹ thuật giúp khâu âm thanh, hình ảnh phim Việt tốt hơn nhưng nội dung lại tệ. Những câu chuyện nuôi cảm xúc người xem trở nên ít đi, cách kể thường lộn xộn, đôi lúc quá đà để chọc cười khán giả. Dường như người làm phim có tay nghề tới đâu xài tới đó, không tự bồi dưỡng, nâng cao nên vốn chưa chuyên nghiệp lại càng tụt dốc theo thời gian. Đội ngũ diễn viên triển vọng cũng không có đất "dụng võ", một phần vì kịch bản tệ. Họ chẳng thể tỏa sáng được với những tác phẩm thiếu sức hút công chúng.
Nhiều sai sót sơ đẳng
"Trong 50 phim sản xuất năm 2016, có 42 phim ra rạp. Tôi được biết không quá 10 phim hoàn vốn và có lãi. Phim càng dở càng thua lỗ nặng. Số lượng phim bùng nổ trong năm 2016 là vì năm 2015 có một phim lập kỷ lục doanh thu. Nhiều đạo diễn nghiệp dư, nhà sản xuất nửa mùa lập tức đổ xô làm phim, cho ra các sản phẩm hài nhảm, vô bổ. Đây là một mùa phim thất bại !" - nhà báo Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh, nhận xét.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng các phim nghiêng về yếu tố thương mại với kiểu làm trò chọc cười khán giả đã cũ mòn, tác động tiêu cực đến thị trường. Họ chạy theo cái hài tầm thường và ngụy biện rằng để thu hút khán giả nhưng với đà này thì sẽ mất luôn lượng khán giả còn lại. Ngoài khâu yếu nhất là kịch bản, về chuyên môn dàn dựng, cả đạo diễn lẫn diễn viên cũng không khá hơn.
"Đạo diễn còn nghiệp dư, lẫn lộn giữa sân khấu, điện ảnh, truyền hình nên chưa tạo ra được tác phẩm tròn trịa. Diễn viên là đối tượng đáng thương nhất bởi đôi lúc họ còn chẳng biết khóc hoặc cười vì lý do gì. Hình ảnh và âm thanh nhờ sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại đã tốt hơn nhưng có dấu hiệu bị lạm dụng. Tôi thấy hiếm có phim sử dụng tốt thủ pháp không tiếng động ở những đoạn đắt" - đạo diễn Thanh Vân phân tích.
Cảnh trong phim "12 chòm sao : Vẽ đường cho yêu chạy", một trong ít phim thương mại được ghi nhận làm chỉn chu cũng là phim nhận được giải đạo diễn xuất sắc Giải thưởn Cánh diều 2016 (Nguồn : Cắt từ phim)
Sự thiếu chuyên nghiệp, gây hậu quả trong phim Việt từng được cảnh báo nhưng nó vẫn hiển hiện qua cả những sai sót cơ bản về bối cảnh, thiết kế... Gần đây, một số lỗi sơ đẳng trong tác phẩm gây xôn xao công luận cũng nói lên sự cẩu thả trong làm nghề. Đó là vụ lấy nhầm ảnh của bà Tống Mỹ Linh làm di ảnh trong phim "Dạ cổ hoài lang", lấy nhầm ảnh ca sĩ Hàn Quốc Shim Chang Min làm ảnh thờ trong phim "Thề không gục ngã". Ngoài ra, còn một số lỗi khác ở khâu thiết kế như lấy ảnh vua sư tử trong phim "Lion King" vào trang phục trong phim "Mỹ nhân" hoặc điện thoại thông minh xuất hiện trong phim "Trần Trung kỳ án"...
"Tôi thấy đấy là những lỗi sơ đẳng, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không thể đổ thừa hoàn cảnh hay nói khán giả soi mói. Đôi lúc, những lỗi tưởng rất nhỏ lại gây ra hậu quả khôn lường, tổn thất vật chất và uy tín lớn. Đấy là những lỗi hoàn toàn tránh được trong quá trình dựng phim. Cả ê - kíp hẳn phải thấy sơ sót của mình nhưng để nó tồn tại và xuất hiện trên truyền hình hoặc màn ảnh rộng thì quá tệ" - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương thẳng thắn. Diễn viên Thanh Trúc đồng tình : "Đúng là thiếu chuyên nghiệp. Trong công việc làm phim, sự hợp sức của cả một tập thể, sự chuyên nghiệp của từng bộ phận là đòi hỏi cần thiết".
Phim Việt đang trong quá trình phát triển. Nhiều khâu trong quá trình làm phim không được đào tạo chính quy mà chủ yếu nghề dạy nghề. Vì thế, việc nâng tính chuyên nghiệp bằng sự tự học, tự rèn luyện, rút kinh nghiệm là giải pháp tối ưu để giúp phim Việt hạn chế nhiều lỗi "cười ra nước mắt".
Minh Khuê