Thái Thanh hát "Nghìn trùng xa cách" của Phạm Duy. Bản ghi âm trước năm 1975 tại Sài Gòn.
*********************
Vĩnh biệt tiếng hát Đệ nhất danh ca Thái Thanh (1934-2020)
Tiếng hát Đệ nhất danh ca Thái Thanh (1934-2020)
Giọng hát vượt thời gian Thái Thanh đã qua đời tại Mỹ vào lúc 11g20 ngày 17/3/2020 (giờ địa phương), hưởng thọ 86 tuổi. Thông tin này đã được người thân gia đình cố nhạc sĩ Phạm Duy thông báo.
Thái Thanh, tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934, là giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam.
Bà được công chúng yêu mến, được giới âm nhạc tôn vinh là "giọng hát vượt thời gian". Bà đi hát từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, nổi tiếng cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình, trước khi chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh từ thập niên 1950.
Thái Thanh không qua học một trường lớp nào, tự luyện thanh theo lối dân ca đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp và sau này tạo ra một cách hát pha trộn Đông - Tây của riêng mình.
Gia đình Thái Thanh có nhiều người thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, chị của bà là Phạm Thị Quang Thái cũng là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Thái Hằng. Anh trai bà Phạm Đình Chương, là một nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam và cũng là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Thái Thanh trở thành em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông lấy Thái Hằng làm vợ. Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp trong gánh hát Thăng Long, được nhạc sĩ Phạm Duy huấn luyện. Tiếng hát của Thái Thanh sau đó thực sự được chắp cánh, chinh phục cả giới trí thức lẫn bình dân.
Thái Thanh được coi là "Đệ nhất danh ca" của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975, và tên tuổi của bà cũng đặc biệt gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Năm 2000 Thái Thanh bị tai biến mạch máu não, năm 2002 bà tuyên bố giải nghệ, dẫu sau đó vẫn tham gia một số chương trình. Sự ra đi của bà là một mất mát lớn với nền âm nhạc Việt Nam.
Quý khán giả yêu mến ca sĩ của trung tâm Diễm Xưa Productions hãy để lại nhận xét, góp ý để giúp kênh cải thiện nội dung tốt hơn.
Chúc quý vị nghe nhạc vui vẻ !
Nguồn : Diễm Xưa Productions
****************
Thái Thanh qua đời : Nghìn trùng xa cách, bà ra đi an lành !
Trần Nhật Vy, Tuổi Trẻ, 19/03/2020
Nữ danh ca Thái Thanh, sau một thời gian dài nằm bệnh, đã qua đời hồi 11g50 ngày 17/3/2020 tại Orange County, Nam California, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi.
Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc.
Ca sĩ Thái Thanh
Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5/8/1934 tại Hà Nội, là con út trong một gia đình anh em đều nổi tiếng trong giới tân nhạc.
Bà bắt đầu được nhiều người biết đến từ năm 14 tuổi khi xuất hiện trong ban hợp ca Thăng Long do các anh chị của bà thành lập.
Ban hợp ca này gồm 4 anh em của bà là Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Băng Thanh, trong vùng kháng chiến chống Pháp tại Khu 4.
Thái Thanh (trái) cùng hai thành viên của hợp ca Thăng Long - Phạm Đình Chương (giữa) và Phạm Đình Viêm - Ảnh tư liệu
Giọng ca cao vút trời phú
Năm 1951, bà cùng gia đình vào miền Nam sinh sống, từ đó bà đổi nghệ danh là Thái Thanh cho giống với người chị là Thái Hằng. Ban đầu, bà thường hát chung với Thái Hằng. Về sau, khi đã "cứng cáp", bà bắt đầu hát đơn ca.
Với giọng ca cao vút trời phú dù không kinh qua bất cứ trường lớp âm nhạc nào, bà bắt đầu nổi tiếng về hát tình ca từ năm 1954 đến 1975 và gắn liền tên tuổi với nhiều tác phẩm của người anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy.
Dù tự học qua sách vở và lớn lên trong vùng dân ca Bắc Bộ, đặc biệt là quan họ, chèo, chầu văn, bà đã tạo được một giọng hát rất riêng.
Bà đã biến sàn diễn ca nhạc trở thành nơi thể hiện bản thân, biến ca khúc trở thành bộ phim hay một vở kịch dẫn dắt người nghe vào thế giới của riêng mình. Sau này, một số ca sĩ đã ảnh hưởng giọng hát của bà như Mai Hương, Ánh Tuyết, Quỳnh Giao và đặc biệt là con gái bà - ca sĩ Ý Lan.
Trong những năm 1950 - 1970, giọng ca Thái Thanh hầu như chiếm lĩnh các chương trình ca nhạc trên hệ thống phát thanh, truyền hình ở Sài Gòn. Ngoài ra bà còn xuất hiện khá thường xuyên tại vũ trường Đêm Màu Hồng, một vũ trường ăn khách ở Sài Gòn trước 1975.
Với riêng tôi, một trong những bài Thái Thanh ca để lại nhiều ấn tượng là Tình hoài hương của Phạm Duy, khiến người nghe vừa sống lại một trời kỷ niệm ở quê nhà vừa thổn thức với âm nhạc qua giọng hát của bà.
Một trong những bài Thái Thanh ca để lại nhiều ấn tượng là Tình hoài hương của Phạm Duy
Bà cũng khiến người nghe khó quên qua các ca khúc Ngày xưa Hoàng thị, Chiều về trên sông, Hội trùng dương, Nghìn trùng xa cách, Xuân ca...
Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật : nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ. Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.
Nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhận xét
Thấm được hồn thơ trong nhạc bản
Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh và có 5 người con với ông, trong số đó có 2 người con gái theo nghề hát là Lê Thị Ý Lan (ca sĩ Ý Lan) và Lê Thị Quỳnh Dao (ca sĩ Quỳnh Hương). Sau năm 1985, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư và tiếp tục nghiệp ca hát cho đến khi sức khỏe không cho phép.
Với nhiều ca sĩ, bà là giọng ca thần tượng khó có người thay thế. Còn với ca sĩ Khánh Ly : "Kể ra trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh".
Nhà nghiên cứu âm nhạc người Pháp Georges Etienne Gauthie nhận định trong cuốn Nghĩ về nghệ thuật của Thái Thanh viết năm 1972 : "Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời" - mà Baudelaire đã nói - dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn.
Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe...
Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu".
Với khán giả của âm nhạc nói chung, sự ra đi của Thái Thanh, dù biết rằng không thể nào tránh khỏi, vẫn là một mất mát khó bù đắp. Mất mát một "lời nói tình yêu".
Nghìn trùng xa cách, bà ra đi an lành !
Trần Nhật Vy
Nguồn : Tuổi Trẻ, 19/03/2020
********************
Vĩnh biệt Thái Thanh, huyền thoại của nền ca nhạc Việt Nam
Hoài Hương, VOA, 19/03/2020
Danh ca Thái Thanh, "tiếng hát vượt thời gian", qua đời ngày 17/3/2020 tại Quận Cam, bang California, Hoa Kỳ, nơi bà định cư từ năm 1985 sau khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Sự ra đi cua bà, ở tuổi 86, là một sự mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, để lại nhiều tiếc thương cho những người yêu nhạc thuộc nhiều thế hệ cả ở trong và ngoài nước.
Thân thế và sự nghiệp
Tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, Thái Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội.
Xuất thân từ một gia đình gồm nhiều nghệ sĩ lừng danh trong làng âm nhạc Việt Nam, là em gái của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ca sĩ Thái Hằng- vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, Thái Thanh nổi tiếng từ khi bắt đầu đi hát vào năm 16 tuổi.
Bà di cư vào Nam vào năm 1951 cùng với gia đình chị Thái Hằng và anh rể Phạm Duy, và trở thành một trong những ca sĩ lừng danh của miền Nam trước năm 1975.
Năm 1956, Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh ở Sài Gòn. Hai vợ chồng ly dị vào năm 1965 sau khi đã có 5 con, 3 gái và hai trai.
Những ca khúc nổi tiếng
Tiếng hát của Thái Thanh gắn liền với nhạc của Phạm Duy. Từ nhạc quê hương tới tình ca, trường ca, nhạc của Phạm Duy đã cất cánh với giọng ca và lối trình diễn độc đáo của Thái Thanh.
Nhũng bản nhạc đã đi vào lòng người gồm có : Nửa hồn thương đau, Áo anh sứt chỉ đường tà, Bà mẹ Gio Linh, Đôi mắt người Sơn Tây, Kỷ vật cho em, Tình ca, Tình Hoài Hương, Quê nghèo, Kỷ niệm, Cỏ hồng… Ngoài nhạc Phạm Duy. Thái Thanh còn được biết đến qua các nhạc phẩm của Văn Cao như Suối mơ, Buồn tàn thu, Bến Xuân..., và những bài như Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu... của Đặng Thế Phong.
Những nhạc phẩm đó phát đi thường xuyên trên làn sóng của đài phát thanh và truyền hình Sài-gòn đã đưa người nghệ sĩ lên đỉnh cao danh vọng.
Những năm cuối đời
Hai cô con gái nối gót mẹ theo đuổi con đường nghệ thuật là ca sĩ Ý Lan và ca sĩ Quỳnh Hương, hai cô con gái hiếu thảo đã cùng gia đình chăm sóc cho mẹ trong những năm cuối đời.
Bà KL, từng là hàng xóm của Ý Lan ở Quận Cam, California, cho VOA-Việt ngữ biết rằng trong nhiều năm từ khi Thái Thanh dọn về ở với Ý Lan, bà đã nhiều lần được gặp Thái Thanh khi hàng ngày, nữ danh ca một thời vang bóng được người nhà dẫn đi dạo quanh khu phố để thư giãn và ngắm hoa.
Người hàng xóm kể rằng có lần gặp Thái Thanh được phu quân của ca sĩ Quỳnh Hương dẫn đi dạo, và hai người vừa đi bộ vừa nghe nhạc…Thái Thanh, nhưng những năm sau cùng Thái Thanh ít khi xuất hiện hơn do tuổi cao và sức yếu.
Báo Thanh Niên dẫn lời ca sĩ Quỳnh Hương cho biết Thái Thanh đã 3 lần bị đột quỵ và lần nào cũng sau sự ra đi của những người thân yêu.
Thái Thanh, thần tượng của nhiều thế hệ yêu nhạc
Rời Hà Nội từ lúc 17 tuổi, nhưng giữa lòng Sài-gòn, Thái Thanh dường như không bao giờ mất đi cái phong cách của người con gái Hà Thành xưa, với lối trang điểm nhẹ nhàng và trang phục trang nhã.
Từng sinh sống ở Sài-gòn, thủ đô của miền Nam thời Thái Thanh đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nguyên Tổng Biên tập báo Thanh niên Nguyễn Công Khế mô tả giọng ca của Thái Thanh "mượt mà như nhung lụa", giọng ca "làm cho những người Việt yêu thêm đất nước mình", khi ông chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự ra đi của giọng ca mà thế hệ ông "không một ai có thể lãng quên".
Trong những lần tâm sự với giới hâm mộ, Ý Lan, từng nói rằng đối với Ý Lan, "Thái Thanh vừa là mẹ, vừa là thầy lại vừa là thần tượng".
Nghệ sĩ Nam Lộc thương tiếc Thái Thanh
Trao đổi với VOA vào chiều ngày 18/3, một nghệ sĩ quen biết gia đình Thái Thanh từ thời ở Sài-Gòn, Nam Lộc, nói :
"Đây có lẽ là một niềm thương nhớ chung cho tất cả những ai yêu âm nhạc và đặc biệt cho anh chị em nghệ sĩ chúng tôi, một người đàn chị đáng quý từ tài năng cho đến đức tính, chúng tôi đã mất đi một nghệ sĩ gương mẫu".
Nam Lộc nói ông may mắn được Thái Thanh chọn hát nhạc phẩm đầu tay của ông viết chung với nhạc sĩ Tùng Giang, bài "Anh đã quên mùa thu", bài hát giờ đã trở thành "bài hát kỷ niệm".
"Sáng hôm nay nghe lại, lòng rất là bồi hồi nhưng cạnh đó là niềm hãnh diện lớn lao vì được một trong những ca sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam hát bài ca nhỏ bé của mình",
Từ khi sang định cư bên Mỹ, Nam Lộc nói Thái Thanh xuất hiện có chừng mực, chỉ xuất hiện khi nào cần xuất hiện, đúng hoàn cảnh và đúng vị trí, chứ không nhận lời mời để xuất hiện ‘rộng rãi’. Nam Lộc nói điều đó khiến ông càng kính phục người nghệ sĩ đi trước, luôn luôn đặt nghệ thuật lên trên hết, trên tư lợi cho cá nhân hay gia đình.
Nguyễn Nguyễn Studio - Anh đã quên mùa thu (Tùng Giang) - Thái Thanh, Quỳnh Giao, Ý Lan, Lê Đại.
Đi hát từ năm 14 tuổi, Thái Thanh là thần tượng của nhiều thế hệ người yêu âm nhạc từ Bắc chí Nam. Với giọng ca "không có đối thủ" và phong cách biểu diễn lôi cuốn, người nghệ sĩ này dường như đã vượt ra khỏi các rào cản ý thức hệ, vùng miền, để thật sự trở thành một biểu tượng của âm nhạc và văn hóa Việt Nam.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 19/03/2020
**********************
Thái Thanh - Một ngôi sao vừa rơi !
Nguyễn Ngọc Già, 19/03/2020
Sau 1975, nữ danh ca Thái Thanh từ chối trình diễn các bản nhạc đỏ theo yêu cầu của chế độ cộng sản Việt Nam. Sự việc đó khiến bà sống ẩn dật, cho đến mười năm sau - 1985 - giới mộ điệu âm nhạc mới được thấy bà xuất hiện trở lại trên xứ người.
Đó là quãng thời gian rất xưa - 35 năm về trước - tính đến năm nay, 2020 - nữ danh ca Thái Thanh - một Ngôi Sao âm nhạc Việt Nam đã rơi xuống trong khoảng không vô tận của vũ trụ mênh mông !
Giọng hát Thái Thanh - một giọng hát soprano nghiêng hẳn về kỹ thuật hát Opera - vốn không mang tính đại chúng. Tuy nhiên, sự khéo léo và tinh tế trong cách hát của bà, khi thêm "chất" Chầu Văn, "chất" Quan Họ, bỗng nhiên tạo cho người nghe một cảm giác lạ và mới.
Thái Thanh - Một giọng hát tinh khôi, trong như pha lê.
Giọng Thái Thanh thánh thót như giọt mưa thu rơi trên mái hiên những ngôi nhà xưa cũ mang dáng vẻ trầm tư mặc tưởng. Những quãng âm được cất lên - từ thanh đới Thái Thanh - khác xa tiếng lảnh lót của những chị "văn công giải phóng" trong "Cô Gái Vót Chông" nghe the thé như tiếng quạ ; hoặc giả "Bình Trị Thiên Khói Lửa" gợi lên nỗi đau đầy máu, nước mắt với cảnh vật hoang tàn đổ nát đến rợn người...
Đó là may mắn của bà Phạm Thị Băng Thanh, khi buộc phải "xa Hà Nội năm lên mười bảy, (chắc là) khi vừa biết yêu"...
Mỗi nốt nhạc, mỗi ca từ của nhạc sĩ là "mỗi giọt" nỗi niềm mà họ cậy nhờ ca sĩ chuyển tải tới khán thính giả.
Thái Thanh - một trong những ngôi sao âm nhạc Việt Nam - đã thành công vang dội như tiếng kèn trumpet trong vai trò đó. Có lúc giọng bà rền vang như tiếng Saxophone của nghệ sĩ Tấn Quốc, những dịp khác người nghe lại thấy tiếng réo rắt đến nỉ non đứt ruột từ nhạc công điêu luyện với chiếc Vĩ Cầm - vốn là nhạc cụ dây ra đời sớm nhất trong thế giới âm nhạc.
Nếu Thái Thanh không rời khỏi Hà Nội sau 1954, chắc chắn Việt Nam sẽ nghe thấy tiếng "tù và hàng tổng" hay tiếng còi xe lửa gầm gừ, hoặc giả tiếng tu hú hay giọng kền kền réo vang quanh những xác chết !
May mắn thay ! Hạnh phúc thay ! Cho người Việt Nam !
Nữ danh ca Thái Thanh đã tạ thế ! Một Ngôi sao âm nhạc đã rơi !
Chắc ở đâu đó, Thái Thanh vẫn đang thầm thì và khắc khoải "Hẹn Hò" một kiếp sau để tiếp tục nghiệp cầm ca với đủ cung bậc vui-buồn-sướng-khổ và một kiếp người đa đoan - kiếp người Việt Nam !
Kính tiễn bà Phạm Thị Băng Thanh !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 19/03/2020 (nguyenngocgia's blog)
*******************
Giọng hát vượt thời gian Thái Thanh qua đời ở Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi
Ngọc Diệp, Tuổi Trẻ, 18/03/2020
Giọng hát vượt thời gian Thái Thanh đã qua đời tại Mỹ vào lúc 11g20 ngày 17/3 (giờ địa phương), hưởng thọ 86 tuổi. Thông tin này đã được người thân gia đình cố nhạc sĩ Phạm Duy thông báo.
Danh ca Thái Thanh.
Thái Thanh, tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934, là giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam. Bà được công chúng yêu mến, được giới âm nhạc tôn vinh là "giọng hát vượt thời gian".
Bà đi hát từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, nổi tiếng cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình, trước khi chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh từ thập niên 1950. Thái Thanh không qua học một trường lớp nào, tự luyện thanh theo lối dân ca đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp và sau này tạo ra một cách hát pha trộn Đông - Tây của riêng mình.
Gia đình Thái Thanh có nhiều người thành danh trong lĩnh vực âm nhạc, chị của bà là Phạm Thị Quang Thái cũng là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Thái Hằng. Anh trai bà Phạm Đình Chương, là một nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam và cũng là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Thái Thanh trở thành em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông lấy Thái Hằng làm vợ. Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp trong gánh hát Thăng Long, được nhạc sĩ Phạm Duy huấn luyện. Tiếng hát của Thái Thanh sau đó thực sự được chắp cánh, chinh phục cả giới trí thức lẫn bình dân.
Thái Thanh được coi là "Đệ nhất danh ca" của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975, và tên tuổi của bà cũng đặc biệt gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Năm 2000 Thái Thanh bị tai biến mạch máu não, năm 2002 bà tuyên bố giải nghệ, dẫu sau đó vẫn tham gia một số chương trình.
Sự ra đi của bà là một mất mát lớn với nền âm nhạc Việt Nam.
Ngọc Diệp
Nguồn : Tuổi Trẻ, 18/03/2020
*****************
Danh ca Thái Thanh đã về chốn "Nghìn trùng xa cách"
Lê Viết Thọ, BBC, 18/03/2020
Nữ danh ca Thái Thanh vừa giã từ cõi tạm ngày 17/3/2020 (giờ Nam California), hưởng thọ 86 tuổi.
Nữ danh ca Thái Thanh (phải) và con gái - ca sĩ Ý Lan
Dẫu biết, thời gian gần đây, sức khỏe danh ca Thái Thanh đã yếu, dẫu vẫn biết, sinh ly là chuyện thường hằng, nhưng sự ra đi của tiếng hát vượt thời gian này không khỏi để lại một ngậm ngùi…
Ngậm ngùi là bởi, tiếng hát Thái Thanh, không định khung trong những danh vị, như danh ca, tiếng hát vượt thời gian, hay "chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ", như nhận định của Thụy Khuê trong một tiểu luận, nay ra đi để lại một khoảng trống không thể bù đắp.
Nhạc sĩ Ngô Tín, trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC News tiếng Việt, thì gọi Thái Thanh là 'Tiếng hát trường cửu', theo cái nghĩa, đó là tiếng hát không thể và không bao giờ bị vượt qua. Hơn thế, bà là một tượng đài nghệ thuật thực sự, cũng theo lời nhạc sĩ Ngô Tín, hiện sống tại Mỹ.
"Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"
Tự luyện giọng theo các lối dân ca và tự đọc sách nhạc tiếng Pháp, rồi đi hát và thành công từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, rồi vang danh cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Thái Thanh, nghệ danh mà bà lấy từ thập niên 1950 gắn liền với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như những bản nhạc tiền chiến, nhạc tình miền Nam.
Đó là tiếng hát mà theo nhận xét của Jimmy - Nhựt Hà - từ chương trình 'The Jimmy show' (Saigon Entertainment Television) về các nghệ sĩ miền Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt, kết hợp giữa dân ca Bắc Bộ với opera phương Tây ; giữa giọng nữ cao có kỹ thuật điêu luyện đến mức khiến ta không còn nhận ra đâu là kỹ thuật, với tình cảm dạt dào, rất có hồn trong từng ca từ và nốt nhạc, dễ đi vào lòng người.
"Nghe Thái Thanh hát 'Người đi qua đời tôi', nhất là ở câu kết, cô hát bằng tất cả tình cảm của mình, rất nức nở"- Jimmy - Nhựt Hà nói.
Dược sĩ Đoàn Trực, 49 tuổi, ở Nam Califfornia, một người hâm mộ tiếng hát Thái Thanh, thì nhận xét rằng, tiếng hát của bà "đại diện cho một nền âm nhạc hòa quyện những tinh túy của Âu Châu và Á Đông. Giọng hát, phong thái, tính cách của người ca sĩ tài danh đại diện cho một nền văn hóa quý phái, cao thượng và nhân văn của dân tộc Việt Nam".
Tự tiếng hát ấy đã mở ra một trường phái là vậy.
Nhưng đâu chỉ có thế ?
Nhạc sĩ Ngô Tín trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt cho rằng, tự thân tiếng hát thôi không đủ, mà điều quan trọng là tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với những bước đi của lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XX, từ những ngày kháng chiến, đến khi về Thành, vào Nam hay ra hải ngoại.
Nhạc sĩ Ngô Tín thì phân tích, "Thái Thanh sinh ra trong một gia đình văn nghệ gắn với ban Hợp ca Thăng Long với người anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chị là ca sĩ Thái Hằng [vợ nhạc sĩ Phạm Duy- NV]. Dòng máu văn nghệ như vậy là đã hun đúc ngay từ trong gia đình. Thái Thanh là người chuyên chở dòng nhạc của Phạm Duy, mà những sáng tác của Phạm Duy đã theo những bước đường lịch sử của đất nước, nên tiếng hát Thái Thanh đi theo cùng vận nước là vậy. Cho nên, với tôi, Thái Thanh qua tiếng hát của mình, đã trở thành mẫu người tiêu biểu cho vận nước, một tượng đài, chứ không chỉ bằng tiếng hát đơn thuần không thôi".
Có lẽ cũng bởi nhận xét như thế, nên khi nghe tin bà qua đời, nói như nhạc sĩ Trần Quang Nam, trong bút đàm với BBC News tiếng Việt, đồng ý với nhận xét ''khi nghe tin Thái Thanh mất, nhiều người ngậm ngùi không chỉ vì tin bà mất, mà là thương tiếc cho một thời đã qua".
Nhạc sĩ Trần Quang Nam viết tiếp : "Thái Thanh là một huyền thoại, một hình tượng và là một tiêu chuẩn trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc, đặc biệt là những trường ca của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Thương… cũng là nhưng di sản của âm nhạc Việt Nam, thì những di sản đó khi đi đến người nghe, đã phải có Thái Thanh ở trong đó !"
"Giọng hát, cuộc đời ca hát của cô chính là một di sản lớn !" - nhạc sĩ 65 tuổi, tác giả 'Mười năm tình cũ', cư dân California từ năm 1975, lúc sau này về Việt Nam mở quán cà phê và sinh hoạt văn nghệ, nhấn mạnh.
Thần tượng của nhiều thế hệ
Nhạc sĩ Ngô Tín, khi hay tin danh ca Thái Thanh qua đời, cũng tâm sự với BBC News tiếng Việt rằng, ông đã nghe tiếng hát Thái Thanh từ rất lâu, khi ông còn nhỏ và đi học ở Quy Nhơn.
Ngày đó, ông đi dạy học, chơi đàn, nhưng thay đổi đã đến khi ông nghe 'Chuyện tình buồn' (Phạm Duy, thơ Pham Văn Bình) qua tiếng hát Thái Thanh. Điều khiến ông quyết tâm trở thành người viết nhạc là sau khi ông nghe ca khúc này.
"Đó là năm 1973, tôi còn ở Quy Nhơn. Một lần, tôi nghe Thái Thanh hát 'Chuyện tình buồn' đã tạo cho tôi một xúc cảm thật đặc biệt. Và tự dưng, tôi cảm thấy trong tôi có một nguồn động lực, để quyết tâm rằng, tôi phải trở thành người viết nhạc. Từ đó, tôi đã chuyển từ guitar classic và flamenco qua sáng tác".
"Năm 2007, tôi gom 10 ca khúc yêu thích nhất trong số gần 200 ca khúc mà tôi đã sáng tác để ra mắt CD 'Em bây giờ mắt biếc'. Lễ ra mắt diễn ra tại California, trong đó, Ý Lan [con gái danh ca Thái Thanh] hát tới 4 bài. Ngày ra mắt album cũng là ngày tôi vinh danh cô Thái Thanh - người đã trở thành động lực thôi thúc tôi trở thành nhạc sĩ - trước khán phòng khoảng 500 người, như một lời cảm ơn. Hôm đó, danh ca Thái Thanh cùng Ý Lan và chi Tuyết Mai lên sân khấu tặng hoa".
Nhạc sĩ Ngô Tín tâm sự : "Nhưng không chỉ là động lực, khi nghe những bài hát mà Thái Thanh thể hiện thì cũng như là tôi đã chọn cho mình một hướng đi rồi. Từ đó, những tình khúc mà tôi viết được định hình theo hướng đó. Tiếc là sau này, danh ca Thái Thanh đã lớn tuổi, nên những ca khúc của tôi không còn có cơ hội được thể hiện qua tiếng hát của cô ; nhưng bù lại, Ý Lan lại là người chuyên chở nhiều ca khúc của tôi nhiều nhất".
Còn nhạc sĩ Trần Quang Nam thì kể rằng, ông chỉ gặp Thái Thanh một lần, nhưng hình như lúc nào Thái Thanh cũng như một người thân, bởi "tôi sinh ra và lớn lên trong hầu như mỗi ngày với tiếng hát của chị, ở đài phát thanh, ở truyền hình, ở mọi nơi có tiếng hát của chị !".
Với một người thuộc thế hệ sau, Jimmy- Nhựt Hà biết đến tiếng hát Thái Thanh ngay từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam qua những băng nhạc mà ba anh thường nghe và đã ái mộ tiếng hát của cô từ đó.
Những 'món nợ' ân tình
Jimmy - Nhựt Hà nói rằng, việc anh chưa thực hiện được một chương trình riêng với danh ca Thái Thanh, để khán giả được nghe 'tiếng hát vượt thời gian' này tâm tình, khiến anh thấy tiếc nuối :
"Ngay từ những ngày đầu làm Jimmy Show, tôi rất muốn được làm một tập về danh ca Thái Thanh. Jimmy có liên lạc với gia đình, nhưng lúc đó sức khỏe của cô Thái Thanh không cho phép. Bởi vậy, từ chiều đến giờ, Jimmy rất buồn và tiếc nuối vì chưa làm được một tập để khán giả nghe cô Thái Thanh tâm tình. Nếu gia đình đồng ý, Jimmy sẽ thực hiện một tập tưởng niệm danh ca Thái Thanh", Jimmy nói.
Còn nhà báo Nguyễn Vy Túy, từ Úc châu, thì lại nói rằng, ông cũng như nhiều người Việt tỵ nạn vẫn còn 'mắc nợ' tiếng hát Thái Thanh.
Bởi theo ông, một giọng ca có ảnh hưởng vào các giai đoạn trong đời mình",từ lúc bé thơ đã nghe 'Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi', đến lúc biết yêu mà dang dở 'người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người', rồi khi phải bỏ nước ra đi : 'Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười'... mà mình lại chưa mua một dĩa CD gốc của ca sĩ ấy, hay đến xem họ trình diễn, hoặc tặng họ một bó hoa... để tỏ lòng ngưỡng mộ, thì thực sự mình còn mắc nợ họ".
"Đối với người Việt hải ngoại, thời gian Thái Thanh còn kẹt trong nước khiến ai nấy ngậm ngùi, nhớ thương. Nhưng đến khi cô ấy ra được hải ngoại lại rất hiếm khi xuất hiện trên các sân khấu. Riêng dân Việt tại Úc thì chưa có lần nào hân hạnh đón tiếp 'giọng hát vượt thời gian' ấy đến thăm. Vậy thì chúng tôi vẫn còn nợ Thái Thanh là như vậy".
"Thôi thì, riêng tôi trả nợ bằng cách cầu cho giọng ca ấy được an nhiên nơi miền vĩnh phúc", nhà báo Nguyễn Vy Túy nói với BBC News tiếng Việt.
Lê Viết Thọ
Nguồn : BBC, 18/03/2020
*********************
Nữ danh ca Thái Thanh qua đời, hưởng thọ 86 tuổi
VOA, 18/03/2020
Thái Thanh, người được biết đến là "tiếng hát vượt thời gian", đã qua đời tại Hoa Kỳ ngày thứ Ba 17/3/2020, báo chí trong và ngoài nước đều loan tin với nhiều tiếc thương.
Ca sĩ Thái Thanh nổi tiếng với ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị.
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin danh ca Mỹ gốc Việt Thái Thanh qua đời", Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 18/03/2020.
Báo chí dẫn lời người nhà của danh ca Thái Thanh cho biết bà qua đời vào giấc gần trưa ngày 17/3/2020 tại nhà riêng ở Quận Cam, bang California.
Thái Thanh thuộc một gia đình gồm nhiều nghệ sĩ, ca nhạc sĩ lớn trong làng âm nhạc Việt Nam. Bà là mẹ của ca sĩ Ý Lan, em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, em gái của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Đi hát từ năm 14 tuổi, bà nổi tiếng từ Bắc vào Nam. Sự ra đi cua bà là một sự mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, để lại nhiều tiếc thương nơi giới hâm mô trong và ngoài nước.
*****************
Tiếng hát vượt thời gian : Thái Thanh qua đời ở tuổi 86
Đ.D, Người Việt, 18/03/2020
Nữ danh ca Thái Thanh, người được mệnh danh "tiếng hát vượt thời gian", vừa qua đời lúc 11 giờ 50 phút sáng Thứ Ba, 17/3/2020, tại Little Saigon, theo MC Trần Quốc Bảo, một người quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ người Việt ở hải ngoại, nói với nhật báo Người Việt.
Nữ danh ca Thái Thanh. (Hình : rfa.org)
Nhật báo có gọi điện thoại cho ca sĩ Ý Lan, ái nữ của danh ca, và để lại lời nhắn nhiều lần, nhưng chưa được hồi âm.
Nữ danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 Tháng Tám, 1934 tại Hà Nội, trong một gia đình mà hầu hết người thân đều là những tên tuổi gạo cội của làng âm nhạc Việt Nam.
Theo "music.quehuong.org", "thân phụ của bà là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông sinh được hai người con trai là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long".
"Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con, trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy ; con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tức ca sĩ Hoài Bắc, và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh".
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), qua một bài viết hồi năm 2014, nhân dịp nữ danh ca 80 tuổi, "nhờ ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà nồng đượm các làn điệu dân ca quê hương… về sau do tự học sách nhạc của Pháp mà tiếng hát đặc biệt của bà lại hòa trộn được giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam".
"Giới phê bình đánh giá âm vực trong lời ca của Thái Thanh độc nhất vô nhị, từ cách luyến láy da diết tình quê cho đến giọng ngân du dương sang trọng. Thái Thanh được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của dòng tân nhạc Việt Nam, tiếng hát của bà được đánh giá là ‘đệ nhất danh ca’ của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975", RFA viết tiếp.
Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng kể từ thập niên 1950 cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. tiếng hát đó đã ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình.
Ngoài ra, bà còn được đặc biệt chú ý khi cùng các anh thành lập ban hợp ca Thăng Long.
Riêng trong địa hạt vũ trường, tên tuổi Thái Thanh được nhắc nhở đến nhiều khi cất tiếng hát tại vũ trường Ðêm Mầu Hồng vào đầu thập niên 1970.
Nữ danh ca lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh vào khoảng giữa thập niên 1950, nhưng sau này chính thức ly dị khi người con gái đầu lòng là nữ ca sĩ Ý Lan mới được 8 tuổi.
Ngoài Ý Lan là một trong những nữ ca sĩ thành danh tại hải ngoại, một người con gái khác của Thái thanh là Quỳnh Hương, cũng là một giọng ca nổi tiếng và là một MC duyên dáng.
Nhờ thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của bà ngoại, con gái của Ý Lan hiện cũng đang là một tiếng hát trẻ nhiều triển vọng.
Sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, bà ở lại quê nhà cho đến năm 1985 chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ.
Sau khi ra đến hải ngoại, những năm đầu tiên, Thái Thanh được coi là một trong những ca sĩ được mời đi lưu diễn nhiều nhất, cùng một lúc tiếng hát này được mời thu thanh trên nhiều CD của trung tâm Diễm Xưa. Sau đó Thái Thanh mở lớp dạy hát tại cùng địa điểm dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở Orange County.
Năm 1999, bà quyết định giải nghệ khi được 65 tuổi. Sự kiện này được đánh dấu bằng một đêm trình diễn đặc biệt của bà cùng với các con và cháu.
Những ca khúc làm nên tên tuổi của nữ danh ca Thái Thanh phần nhiều là do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác hoặc phổ nhạc như "Tình Hoài Hương", "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Trả Lại Em Yêu", "Nửa Hồn Thương Đau", "Nghìn Trùng Xa Cách", "Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng", và "Kỷ Vật Cho Em"… và của một số nhạc sĩ khác.
Đ.D.