Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/04/2020

Mùa xuân vĩnh hằng trong Vivaldi

Hoài Dịu

Giữa bể cả thơ nhạc thênh thang, có cuộc gặp gỡ xúc cảm tưởng chừng như tình cờ đã để lại cho chúng ta một kiệt phẩm mà giá trị nghệ thuật của nó vẫn giữ trọn màu tươi tắn như vừa mới chào đời, đó là Tổ Khúc Bốn Mùa của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violon người Ý Antonio Lucio Vivaldi, tính đến nay có tới hơn 1000 phiên bản trình tấu và được biểu diễn nhiều nhất hành tinh.

vivaldi01

Bốn Mùa và Vivaldi đã đi vào lịch sử âm nhạc như một biểu tượng chuẩn mực của trường phái baroque. Ông Karol Beffa, nhà lý luận và nhà soạn nhạc đánh giá "Đó là thứ âm nhạc có sự tương phản mạnh mẽ về tính kịch : giữa những sắc thái forte (mạnh) và piano (nhẹ), giữa những đoạn tutti lúc mà cả dàn nhạc cùng chơi và những đoạn chỉ có một nhóm nhạc cụ hay một cây đàn độc tấu… Sự đối lập nhau này chính là trái tim của âm nhạc baroque".

Vivaldi, một nhà soạn nhạc thành công rực rỡ đặc biệt ở thể loại concerto (một thể loại âm nhạc viết cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc) người đã làm hậu thế kinh ngạc trước một di sản đồ sộ : trong hơn 1000 tác phẩm có 450 bản concerto có tiêu đề và không tiêu đề. Khi mà violon được coi là niềm kiêu hãnh của nước Ý thời bấy giờ, thì sự ra đời của 12 bản concerto cho violon opus số 8 là điều rất dễ giải thích.

Bốn Mùa nằm trong số 12 concerto tinh hoa, mở đầu với lời tựa "sự thử thách giữa hòa thanh và khám phá" trình diễn bởi violon 1, (bè violon chơi ở âm vực cao nhất), violon 2, viola, phần basse continuo (bè basse trình diễn theo số hiệu của hợp âm, hòa thanh) được chơi bằng violoncelle, contrebasse và clavecin.

Tác phẩm xuất bản năm 1725 và thực sự nổi tiếng khắp Châu Âu vào đầu 1728. Tổ khúc bao gồm bốn bản concerto, mỗi bản có tiêu đề thứ tự theo vòng quay của đất trời : concerto số 1 mang tên Mùa Xuân, tiếp theo Mùa Hạ, qua Mùa Thu và kết thúc vào Mùa Đông. Điều khiến người nghe nhạc thích thú ở đây là Vivaldi đã đưa vào từng bản nhạc một cách khéo léo những đoạn sonnet (1 thể loại thơ) để miêu tả. Cụ thể hơn, có đoạn ông đã ghi những chi tiết tương ứng với lời thơ để giải thích ngay trên bản nhạc (vd : chỗ nào là tiếng chó sủa, tiếng chim cu, tiếng gà gáy…)

Trong tạp chí âm nhạc tuần này, tôi xin chỉ mạn bàn về bản concerto số 1 Mùa Xuân, là bản nhạc mở đầu của tổ khúc, mở đầu một vòng luân hoàn của vũ trụ.

Này đây mùa xuân, lũ chim vui tươi mời gọi

Những dòng suối, quyện vào hơi thở nhẹ tênh của làn gió mát

Chảy trong tiếng thì thầm dịu dàng

Ý thơ thật tươi rói, quyện hòa vào nhịp điệu tràn trề nhựa sống, khiến ai không thể chối bỏ cảm giác rạo rực, hưng phấn khi chúa xuân về. Mùa Xuân được chia thành ba chương, mỗi chương tương ứng với một đoạn sonnet do chính Vivaldi tự ứng tác.

Chương 1 (Allegro, giọng Mi trưởng) Giai điệu chủ đạo đôi khi bừng sáng ở cây violon độc tấu, lúc lại dạt dào cùng toàn bộ dàn nhạc. Nếu tinh ý, ta thoảng nghe đâu đó những tia chớp lóe sáng được khắc họa bằng tiếng đàn violon độc tấu hay tiếng sấm ầm ì từ bè contrebasse.

Chương 2 (Largo, giọng Đô thăng thứ), minh họa khổ thơ 3 câu, xuất hiện violon độc tấu, mô tả đàn cừu say ngủ, trong khi viola hóa thân làm tiếng chó sủa văng vẳng đâu đây.

Chương 3 (dana pastorale) viết theo âm hưởng đồng quê, trở lại với tốc độ nhanh. 

Quả là bậc thầy khi Vivaldi có thể hòa tan hoàn toàn nét cọ của mình vào thế giới âm thanh, ở đây là đàn dây (violon, viola, violoncel, contrebasse). Trong đó phần độc tấu đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với Vivaldi. Bởi lẽ ông vốn dĩ là một tay chơi violon điêu luyện, mặt khác âm sắc của nó chính là tông màu chủ đạo trong bức họa mang tên Mùa Xuân.

Vivaldi - Les Quatre Saisons - những đoản khúc hay nhất

Hãy cùng nghe tiếng chim líu ríu cùng nhau, qua kỹ thuật sử dụng các nốt lặp lại, trille (chơi xen kẽ hai nốt kề nhau với tốc độ nhanh, hay còn gọi là láy) và mordant (âm vỗ)... Làm sao có thể tin rằng, ta có thể cảm nhận ngay cả sự chuyển mình của cơn dông đang về, nhờ vào hàng chuỗi hợp âm rải dồn đuổi. Dàn nhạc và phần độc tấu lúc thì chơi xen kẽ, thoạt lại lắng im như thể đang đối thoại với vạn vật và không gian. Tất cả cùng tạo nên một bức tranh đắp nổi sinh động và chân thật.

Những nghệ sĩ chơi violon chuyên nghiệp không ai không muốn thử sức mình một lần với bản concerto Mùa Xuân và tổ khúc Bốn Mùa nói chung. Có hàng trăm bản ghi âm tác phẩm này nhưng tôi thực sự bị cuốn hút trước lối trình diễn ngẫu hứng từ nghệ sĩ Nigel Kenedy (người Anh), hơn nữa bởi lối chơi đôi khi bông đùa và phong cách khoáng đạt của anh.

Cũng có thể, nhiều người khác lại thích hơn sắc thái đậm chất Ý của dàn nhạc thính phòng mang tên Il Giardino Armonico. Bản thu âm của họ đã từng được France Musique đánh giá là một trong những sản phẩm hay nhất kể từ 25 năm trở lại đây.

Mùa tái sinh của sự sống dần gõ cửa, xuân sẽ tràn đầy khắp nẻo, muôn mặt trong hồn người, hồn trời đất. Âm nhạc, hội họa, thơ ca hay gì đi nữa cũng không nằm ngoài vòng quay của vũ trụ. Mùa xuân trước lùi xa, để lại xuất hiện rực rỡ hơn, tươi mới hơn, và cũng như vậy Mùa Xuân của Vivaldi ngày nay và về sau luôn được diễn tấu ở nhiều sắc thái độc đáo, phong cách mang tính khám phá nhiều hơn. Đó là giá trị không đổi của sự phát triển nghệ thuật bền vững và vĩnh hằng.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 04/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Dịu
Read 843 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)