Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/05/2020

Lời Mẹ dặn

Chu Văn

Mẹ tôi qua đời ngày cuối năm âm lịch 1975. Từ đó, nhà tôi hầu như không còn Tết nữa. Nếu lấy 75 làm cột mốc để tính, thì bao nhiêu năm tôi mất mẹ cũng là bấy nhiêu năm tôi mất nước. Như tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra nhận xét : "Bất cứ ký ức nào cũng có tính tương tác. Nhớ, dù là nhớ một kỷ niệm hoàn toàn riêng tư, cũng vẫn liên hệ với một cái gì khác. Qua việc nhớ, do đó, chúng ta nối kết bản ngã và môi trường chung quanh, nối kết quá khứ và hiện tại, cá nhân và tập thể, cái riêng và cái chung". Với tôi, nỗi nhớ mẹ luôn đi kèm với mất nước và mất nhiều thứ.

metoi1

Mẹ tôi chỉ là một bà mẹ quê dốt nát thất học. Ảnh minh họa 

Những năm cuối thập niên 50, ở bậc tiểu học, ngày nào chúng tôi cũng chào cờ, hát quốc ca và cũng "học biết" về chủ nghĩa cộng sản như một chủ nghĩa "tam vô" : vô tôn giáo, vô tổ quốc, vô gia đình. Thời thái bình "cửa còn bỏ ngỏ", tôi chẳng hiểu gì về chủ nghĩa tam vô ấy.

Lên trung học, đầu thập niên 60, tôi được xem cuốn phim "Chúng tôi muốn sống", nhớ mãi cảnh đấu tố ngoài Bắc, đoàn người lên tàu há mồm di cư vào Nam và nhứt là hình ảnh cuối cùng khi tài tử Lê Quỳnh bị cá mập cắn đứt chân… Nhưng một giáo sư người Pháp của tôi, không rõ có chịu ảnh hưởng của cánh tả tại nước Pháp vào thời đó không, nói với tôi rằng cuốn phim chỉ là một trò tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa ; theo ông, làm gì có những cảnh khủng khiếp như thế.

Tôi tạm cho rằng bài học sơ đẳng về "Chủ nghĩa Tam vô" và "Chúng Tôi Muốn Sống" là những tuyên truyền cần thiết trong một đất nước đang phải chiến đấu một mất một còn với những người cộng sản. Tuy biến cố 30 tháng Tư 75 xảy đến như một cuộc tận thế, tôi vẫn còn nuôi chút hy vọng rằng cộng sản Miền Bắc khác với cộng sản Miền Nam. Những ngày đầu khi bóng dép râu và mũ tai bèo xâm nhập mọi hang cùng ngõ hẻm, mấy ông cán bộ "Ba Mươi" đi trấn an dân làng chúng tôi rằng làm gì có thứ chủ nghĩa Tam vô. Họ giải thích : "Cứ nhìn chúng tôi đây, chúng tôi cũng có vợ con, cũng đến nhà thờ, cũng đi lễ chùa".

Nhưng quả như cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã cảnh giác "Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm", có sống với người cộng sản thì mới biết được thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Thật vậy, cứ nhìn vào cuộc bách hại tàn bạo đối với các tôn giáo tại Việt Nam kể từ 75 đến nay cũng đủ để biết mấy ông cộng sản có "vô tôn giáo" hay không ? Về chủ trương tiêu diệt, khống chế hay "công cụ hóa" tôn giáo của các chế độ cộng sản, những chuyện đã và đang xảy ra tại Việt Nam và những chứng liệu lịch sử tại các nước cộng sản là sự thật "hai năm rõ mười" không thể chối cãi được.

Còn chuyện những người cộng sản có "vô tổ quốc" hay không, những khẩu hiệu như "tổ quốc xã hội chủ nghĩa" hay "yêu tổ quốc là yêu xã hội chủ nghĩa" là lời tự thú "thưa ông tôi ở bụi này", khỏi cần phải dông dài bàn cãi nữa.

Riêng về chủ trương "vô gia đình" của người cộng sản, điều ấy xem ra cũng rõ như ban ngày. Còn nhớ dạo tháng Giêng năm 2002, trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time, ấn bản Á Châu, khi được hỏi về những đồn đãi rằng ông là con của ông Hồ Chí Minh, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh liền "phán" rằng : "Ở Việt Nam, mọi người đều là con của Bác Hồ". Tôi tức muốn ói máu khi nghe câu nói xấc xược và mất dạy này. Mẹ tôi có ăn nằm với tên tội đồ của dân tộc ấy đâu mà bảo rằng tôi là con của hắn ta. Khi Hồ Chí Minh viết hồi ký dưới bút hiệu Trần Dân Tiên để tự xưng là "Cha Già Dân Tộc" của cả nước, hẳn ông đã có ý gạt bỏ vai trò làm cha của người đàn ông Việt Nam và xóa bỏ mọi ranh giới và chức năng của gia đình. Hậu quả của chủ trương "vô gia đình" ấy, như ông bà chúng ta đã nói, là tình trạng "con không cha như nhà không nóc" mà chúng ta đang chứng kiến trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Nhưng điều đáng nói nhứt trong chủ trương "vô gia đình" của chủ nghĩa cộng sản chính là hoàn toàn chối bỏ thiên chức của người mẹ trong gia đình. Trong tuyển tập "Nước Mỹ lạnh lùng", tác giả Huy Phương đã giải thích : "Tự trong tiềm thức, Mẹ là nơi tìm về cuối cùng cũng là nơi yên bình nhất của cuộc sống, vì vậy mà phần đông người ta khi gặp hoạn nạn hay trước giờ phút lâm chung, một cách vô thức, đều bật ra tiếng kêu "Mẹ". Mẹ là tiếng bập bẹ đầu lòng với âm môi "m" trong miệng đứa bé, nên tiếng "mẹ, má, mạ (Việt), mẫu mù (Hoa), mom, mother (Anh), maman, mère (Pháp), mama, madre (Tây Ban Nha)… và tất cả ngôn ngữ trên thế giới đều bắt đầu bằng âm môi bập bẹ đầu tiên là "m". Thật là lạ lùng và nghịch lý vì sao con cái và dòng họ "nhà thơ vĩ đại Tố Hữu" lại bật ra tiếng nói đầu đời là Staline được ?".

Quả thật, trong xã hội cộng sản, tiếng gọi thân thương "Mẹ" đã hoàn toàn biến mất khỏi tự điển và văn chương. Ở Miền Bắc, kể từ khi những người cộng sản áp đặt chủ trương "vô gia đình", theo tác giả Huy Phương, "Tính từ năm 1945 cho đến năm 1975, không có một khoảng đất trống nào dành cho Mẹ, vì văn nhân thi sĩ bận lo ca tụng Đảng, ca tụng Bác. Đó là sự thật, Miền Bắc có thể hãnh diện có 365 bài thơ, nhạc ca tụng Bác và Đảng nhưng không hề có một dòng ca tụng Mẹ. Nếu có Mẹ là Mẹ chở bộ đội sang sông, mẹ bắn máy bay Mỹ, chứ không có mẹ mang nặng đẻ đau, cù lao chín chữ (1).

Trong đợt "cải cách ruộng đất" ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1948, khi cần đấu tố thì những thằng con hoa chân múa tay có thể lý luận rằng "chúng mày ngủ với nhau mà sinh ra thằng tôi chứ đâu có ơn nghĩa gì". Trong khi cả nước theo Đảng tiến lên giành thắng lợi, Mẹ vẫn là một điều gì xa xỉ, xa vời và tiểu tư sản". Dĩ nhiên, mẹ bị khinh thường thì cha cũng bị chối bỏ. Cố Giám mục Lê Đắc Trọng, giám mục phụ tá tổng giáo phận Hà Nội, có kể lại chuyện xảy ra trong thời Cải Cách Ruộng Đất như sau : "Một phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày. Chị nói với bố : "Ông có biết tôi là ai không ?". Người cha ngậm ngùi trước nhìn đứa con dứt ruột của mình mà nói : "Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ". Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đó đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế ? Cứ đó mà luận ra những người khởi xướng" (2).

Trước năm 1945 ở Miền Bắc và trước năm 1975 ở Miền Nam, đứa trẻ Việt Nam nào cũng thuộc lòng bài học đạo đức vỡ lòng :

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như suối trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Sau năm 1945 ở Miền Bắc và sau năm 1975 ở Miền Nam, trẻ con Việt Nam chỉ còn biết có "5 điều Bác Hồ dạy" :

Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh tốt

Khiêm tốn thực thà dũng cảm"

(Dĩ nhiên khiêm tốn và thực thà như Hồ Chí Minh - Trần Dân Tiên !)

Công ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên được thay thế bằng "ơn Bác và Đảng" ! Trẻ con được dạy "căm thù" và noi gương thứ đạo đức "dối trá" của người muốn làm "cha thiên hạ".

Mỗi dạo Tháng Tư Đen, tôi nhớ ngày mất nước, tôi nhớ mẹ tôi và tôi cũng nhớ đến bao nhiêu nỗi mất mát mà người Việt Nam phải hứng chịu trong chế độ cộng sản. Ngày nay, kinh tế có phát triển, những tiện nghi vật chất có được nâng cao, nhưng cái chủ nghĩa "tam vô" mà tôi đã học được ở bậc tiểu học ngày xưa vẫn còn đó. Không có chiếu chỉ cấm đạo, nhưng tự do tôn giáo hiểu theo đúng nghĩa của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các công ước quốc tế về các quyền tự do cơ bản của con người, vẫn chưa được nhìn nhận và tôn trọng đầy đủ ; các tôn giáo vẫn còn bị kìm kẹp và biến thành công cụ trong tay những kẻ vô đạo.

Tổ quốc thân yêu vẫn còn bị những con người "vô tổ quốc" mang ra mặc cả đổi chác với ngoại bang. Nền tảng của gia đình là đạo đức chỉ còn là một lỗ hổng không đáy. Tựu trung, cái mất lớn nhứt của đất nước tôi chính là đánh mất cái linh hồn của dân tộc. Linh hồn ấy đã bị những kẻ chủ trương "tam vô" đem bán đi để đổi lấy quyền lực và tư lợi cá nhân.

Mỗi dạo Tháng Tư Đen, tôi nhớ ngày mất nước, tôi nhớ mẹ tôi và tôi cũng nhớ lời mẹ tôi dạy dỗ. Có lần, một chủ bút của một tờ báo tại London, Anh Quốc gởi đến cho thủ tướng Winston Churchill một danh sách của những người đã từng là thầy dạy ông và xin ông duyệt xét. Trong danh sách ấy, người chủ bút hỏi thủ tướng Churchill ai là người thầy tuyệt vời nhứt của ông. Thủ tướng Anh trả lời : "Người đó là mẹ tôi".

Mẹ tôi không được đạo đức như thánh nữ Monica để suốt một đời ăn chay và cầu nguyện cho con mình là thánh Augustino từ bỏ cuộc sống trụy lạc và trở về với đường ngay nẻo chính.

Mẹ tôi không được mẫn cán như bà mẹ của ông Mạnh Tử : thấy con học thói xấu nơi phố chợ liền dọn nhà về gần trường cho con học đòi nết tốt.

Mẹ tôi không được cương quyết như mẹ của ông Mahatma Gandhi để tuyên bố không nhìn mặt con vì tật nói dối.

Mẹ tôi cũng không được như mẹ của tổng thống Washington để ông luôn tìm đến ngồi bên cạnh mỗi khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Mẹ tôi cũng không được như mẹ của ông Phùng Quán thời Nhân văn Giai phẩm để có thể khuyên con :

"Con ơi,

Trước khi nhắm mắt

Cha con dặn con suốt đời

Phải làm một người chân thật

Con ơi, một người chân thật

Thấy vui muốn cười cứ cười

Thấy buồn muốn khóc là khóc

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu". 

Mẹ tôi chỉ là một bà mẹ quê dốt nát thất học. Bà "đạo đức" theo kiểu "kinh kệ suốt ngày" mà tôi không thích mấy. Bà chẳng có lời vàng ngọc nào để lại cho tôi. Tôi chẳng thấy mẹ tôi có tài năng hay nhân đức nào để đề cao. Nhưng với tôi, cũng như với thủ tướng Churchill, mẹ tôi là người thầy tuyệt vời nhứt của tôi, bởi vì tôi biết rằng bà dạy tôi nên người bằng cuộc sống vất vả hy sinh của bà. Cũng như mọi người mẹ Việt Nam bình thường khác, mẹ tôi đã hy sinh cả đời là để cho con cái được nên người.

Mẹ tôi chưa từng biết thế nào là Ngày Hiền Mẫu. Mẹ tôi mất quá sớm để tôi được đền ơn báo nghĩa. Nhưng tôi tin rằng bên kia thế giới, mẹ tôi hẳn phải mỉm cười mãn nguyện mỗi khi thấy tôi cố gắng sống cho ra người "chân thật" : không vì một chút bã quyền lực, danh lợi mà dối trá hay hãm hại người khác.

Chu Văn

(07/05/2020)

(1) Huy Phương, Nước Mỹ Lạnh Lùng, Nam Việt 2006

(2) Lê Đắc Trọng, "Chứng từ của một giám mục", Diễn Đàn Giáo Dân, 2009, trg 383

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 785 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)