Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

15/04/2017

Cấm rồi không cấm : đáng buồn cho trình độ cán bộ lãnh đạo đảng

Tổng hợp

Con đường xưa em đi và bốn ca khúc sáng tác trước 1975 được hát trở lại (Tuổi Trẻ, 15/04/2017)

Bài hát Con đường xưa em đi và bốn ca khúc sáng tác trước năm 1975 khác (Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú) đã chính thức được hát trở lại.

Ngày 14/4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên.

cam1

Bài hát Con đường xưa em đi của Châu Kỳ

Lý do được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra là chưa đủ cơ sở tạm dừng phổ biến 5 bài hát : Con đường xưa em đi, Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú.

Trước đó, cũng trong ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Vương Duy Biên có công văn gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn, yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát trên.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 mà trước đó đã được cấp phép phổ biến.

V.V.Tuân

***************************

Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ xúc động vì bài ‘Con đường xưa em đi’ được gỡ bỏ lệnh cấm (Một Thế Giới, 15/04/2017)

cam2

Bà Kha Thị Đàng cùng chồng nhạc sĩ Châu Kỳ lúc ông còn sống

Vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ - ba Kha Thị Đàng đã tỏ ra vô cùng cảm kích và xúc động sau khi nhận thông tin Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có văn bản yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi quyết định cấm 5 ca khúc trước 1975 trong đó có bài "Con đường xưa em đi" của chồng bà, nhạc sĩ Châu Kỳ.

Bà Kha Thị Đàng cho biết, khi được người thân thông báo bài hát Con đường xưa em đi của chồng bà được phép lưu hành trở lại bà không quá bất ngờ vì biết đây chỉ là ca khúc có nội dung về tình yêu đôi lứa thì trước sau gì cơ quan chức năng cũng thẩm định trở lại. "Từ khi có lệnh cấm, tôi rất buồn, nhưng tôi luôn giữ niềm tin rằng nó sẽ được lưu hành trở lại và hôm này sự thật đúng với những gì tôi nghĩ" – Bà Kha Thị Đang nói.

cam3

Hằng ngày bà Đàng vẫn đọc báo để theo dõi diễn biến liên quan đến ca khúc của chồng

"Tôi vô cùng cảm kích và quá xúc động trước quyết định hợp tình, hợp lý và rất nhân văn của các anh ở trên Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đối với di sản âm nhạc của chồng tôi. Qua đây tôi cũng xin cảm ơn đến các cấp lãnh đạo, các nhà báo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng khán giả cả nước đã yêu quý, ủng hộ và bảo vệ bài hát Con đường xưa em đi của anh Châu Kỳ không bị rơi vào quên lãng".

Bà Kha Thị Đàng cho biết, trong những ngày qua, tất cả mọi người trong gia đình bà luôn mang một tâm trạng khá buồn. Con trai lớn của bà là anh Châu Tài ngày ngày lên mạng để đọc tin tức về số phận bài hát Con đường xưa em đi của cha nhưng không có tin tức gì lạc quan thêm nên anh quay qua an ủi động viên mẹ.

cam4

Bà Kha Thị Đàng tại nhà riêng

"Tôi đắn đo nhiều lần định đứng ra làm thủ tục xin cấp phép lại, nhưng rồi tôi nghĩ đây là bài hát đã từng được cấp phép biểu diễn ở nhiều chương trình rồi kể cả trên đài của nhà nước. Nếu tôi đi làm giấy xin cấp phép thì vô hình trung tôi chấp nhận quyết định cấm bài hát của cơ quan quản lý nhà nước vừa qua là quyết định đúng. Nếu tôi đi xin cấp phép lại thì chẳng lẽ tôi "tố cáo" những người cấp phép cho Con đường xưa em đi trước đó là…sai (?). Tôi suy nghĩ dữ lắm, và cuối cùng tôi quyết định để cho công chúng lên tiếng chứ tôi không tự đứng ra làm thủ tục xin cấp phép lại". 

Trong niềm xúc động của mình, một lần nữa bà Kha Thì Đàng gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã yêu quý và bảo tồn tác phẩm Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ.

 "Tôi và gia đình, các con tôi vô cùng cảm kích quyết định của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc cho lưu hành lại bài hát Con đường xưa em đi của anh Châu Kỳ" – Đó là câu nói được bà Kha Thị Đàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trao đổi với chúng tôi.

Bà Kha Thị Đàng năm nay 80 tuổi, hiện đang ở cùng con trai ở Q.9, Thành phố Hồ Chí Minh, do tuổi già không còn đi làm việc được nữa, bà sống dựa vào nguồn thu từ tiền tác quyền âm nhạc của chồng - cố nhạc sĩ Châu Kỳ. 

Tiểu Vũ 

*************************

Ca khúc xưa không có tội ! (Người Lao Động, 15/04/2017)

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cho rằng quá khứ đã qua nên khép lại. Việc thẩm định lại các tác phẩm nghệ thuật phải hết sức cân nhắc để tránh gây tổn thương cho tác giả

Phóng viên : Ông là nhạc sĩ có nhiều sáng tác trước năm 1975. Vừa qua, trước việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Nghệ thuật biểu diễn) cấm lưu hành 5 bài hát ra đời ở miền Nam trước năm 1975 : "Cánh thiệp đầu Xuân", "Rừng xưa", "Chuyện buồn ngày Xuân", "Con đường xưa em đi", "Đừng gọi anh bằng chú", ông có suy nghĩ gì ?

cam5

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân Ảnh : THANH HIỆP

Mặc Thế Nhân : Tôi nhận thấy nội dung các bài hát này không có vấn đề gì. Âm nhạc và ca từ của chúng đều theo dòng nhạc phổ biến lúc bấy giờ tại miền Nam, nếu không muốn nói là công chúng yêu nhạc dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc lòng.

Lâu nay, quy định xin - cho đặt ra với dòng nhạc xưa này được hiểu là những người làm việc tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thực thi trọng trách của mình. Với những bài hát đã được phép phổ biến, tất nhiên tác giả và gia đình họ đều vui mừng vì đứa con tinh thần của mình được cấp giấy "khai sinh" một lần nữa. Sợ nhất là ca sĩ tự sửa lời bài hát đưa đi trình duyệt để nhanh chóng được cấp phép mà không thông qua sự cho phép của tác giả.

Việc thẩm định lại những tác phẩm nghệ thuật của các cấp có thẩm quyền phải hết sức cân nhắc để tránh gây tổn thương cho tác giả. Ca khúc xưa, theo tôi, không có tội !

Việc cấm lưu hành 5 ca khúc được dư luận rất quan tâm, nhất là khi "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm trong số ca khúc chưa được cấp phép phổ biến khiến giới văn nghệ sĩ hoang mang. Những ca khúc hay như vậy đã là nền tảng cho nền âm nhạc một thời. Điều đó không thể chối bỏ. Tất nhiên, có nhiều bài không phù hợp, đòi hỏi cơ quan thẩm định phải chọn lọc một cách nghiêm túc, công bố một cách minh bạch, lập hẳn danh sách những bài hát cho phép và chưa cho phép lưu hành. Ca sĩ, nhà sản xuất chương trình cứ dựa theo đó mà làm.

Có dư luận cho rằng đa số ca khúc có nội dung liên quan đến lính chế độ Sài Gòn trước năm 1975 của một số nhạc sĩ cùng thời với ông là những sáng tác chẳng đặng đừng ?

- Hồi đó, Bộ Văn hóa chế độ cũ kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác về lính. Những ca khúc được viết về lính sẽ ưu tiên được phổ biến. Vì vậy, rất nhiều ca khúc đề tài quê hương, tình yêu đã lồng vào vài ca từ liên quan đến lính. Cũng như thời hòa bình, lúc chúng ta hưởng ứng sáng tác những ca khúc viết về đề tài xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...

Quá khứ đã qua nên khép lại. Những ca khúc dính đến đề tài lính chế độ cũ, như "Con đường xưa em đi" có câu "chiến trường anh bước đi" đã được sửa lại là "lối mòn anh bước đi" mà gia đình đã đồng ý để phổ biến trong thời bình, tôi thấy hợp lý. Vấn đề chính là tác giả bài hát và gia đình đã có sự đồng thuận để chỉnh sửa.

Trước xu hướng nhạc xưa trỗi dậy, nhất là dòng nhạc boléro, ông có suy nghĩ gì ?

- Tôi không có khái niệm nhạc xưa, nhạc nay hay bất cứ khái niệm nào khác để nhận định về nhu cầu giải trí của công chúng. Bởi lẽ, mẫu số chung lớn nhất của công chúng chính là sự nhìn nhận tác phẩm hay và dở. Bản nhạc hay là bản nhạc mang giá trị bền bỉ, ca từ, giai điệu chạm vào trái tim người nghe. Còn ca khúc dở thì khỏi bàn.

Có quá nhiều trại sáng tác, cuộc thi sáng tác theo chủ đề nhưng đời sống của ca khúc thì èo uột hoặc có khi "chết" ngay khi nó được trao giải thưởng. Vậy đã rõ, một ca khúc đủ chuẩn nghệ thuật phải được nhạc sĩ thai nghén, dưỡng chất đầy đủ để nó chạm được đến cõi lòng người nghe.

Sức hấp dẫn của những chương trình "nhạc xưa", trong đó có boléro thời gian gần đây, theo tôi, chỉ là đánh bóng giá trị cũ. Thế nhưng, càng về sau càng có nhiều ca sĩ, chương trình truyền hình lạm dụng quá, làm cho nó lê thê, ủy mị hoặc hiểu không đúng về boléro.

Xét trên bình diện làm mới những ca khúc cũ, tôi thấy không hay cho lắm. Tâm lý người Việt khó chịu thay đổi những gì đã định hình trong lòng mình, trong khi dòng nhạc xưa đang bị đưa vào phần phối âm mới, trẻ trung, sôi động, thậm chí hip hop, nghe chói tai.

Các dòng nhạc chẳng có sự lên xuống và cũng không có sự lấn át nào trong cuộc sống vì biết đâu ngày mai, công chúng lại thích dòng nhạc khác. Trước khi boléro rộ lên, nhạc trẻ có màu sắc Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường. Theo tôi, dòng nhạc nào đáp ứng được thị hiếu công chúng tại thời điểm đó thì nó được họ đón nhận.

Hình như giới sáng tác trẻ bây giờ không viết được những ca khúc boléro hay như các nhạc sĩ thời trước ? Ông có thấy vậy không ?

- Giới sáng tác trẻ đã bắt đầu chuyển hướng viết về boléro, như trường hợp Thái Thịnh với ca khúc "Duyên phận". Với hơn 43 triệu người truy cập trên mạng xã hội tính đến nay, đó là một hiện tượng.

Công chúng có cái lý của mình bởi ca khúc hay, có giai điệu dễ nghe, dễ thuộc thì họ chọn. Giá trị của một nhạc sĩ là sau thành quả đó, họ sẽ viết tiếp ca khúc hay hơn. Ví dụ như tôi, khi "Cho vừa lòng em" ra đời nhận được lời khen ngợi, nhiều hãng đĩa ký hợp đồng độc quyền, tôi tự đặt mục tiêu cho mình phải viết bài "độc" hơn. Với tôi, sự đam mê chính là đối trọng của mình.

Điều ông rút ra trong quá trình sáng tác âm nhạc là gì ?

- Làm công việc gì cũng phải có nền tảng để phát triển. Khó mà lèo lái cảm xúc của người nghe theo một hướng nào, trừ khi sáng tác đó hay. Nhạc sĩ cần nhận thấy mình nên sáng tác dòng nhạc nào dễ đi vào lòng người theo thời gian. Ca khúc đó sẽ là ký ức lưu giữ về thời gian, về cuộc sống mà tác giả đã trải nghiệm.

Thực tế hiện nay cho thấy chúng ta có nhiều sáng tác trong trạng thái bí đề tài, ca từ quá đỗi bình thường nên khó có đời sống. Tôi mong mỏi thế hệ sáng tác trẻ hiện nay khi viết phải dựa theo cảm xúc chứ đừng theo sự đặt hàng, ràng buộc của những hợp đồng. Như thế sẽ khó tạo được cảm xúc đối với người nghe bởi nốt nhạc được viết không bằng sự rung động của con tim nhạc sĩ.

Ghi chú :

Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt. Bút danh Mặc Thế Nhân được ông giải thích có ý nghĩa là "góp giọt mực cho đời" chứ không phải theo nghĩa đen như nhiều người nhầm tưởng. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân còn sử dụng bút danh khác là Nhã Uyên, Phan Trần để sáng tác.

Mặc Thế Nhân bắt đầu sáng tác từ năm 1958, ca khúc đầu tiên là "Trăng quê hương". Một số tác phẩm tiêu biểu của ông : "Cho vừa lòng em", "Ngày xuân vui cưới", "Chuyện buồn tình yêu", "Mùa Xuân cưới em", "Em về với người", "Trả lại anh"… Ca khúc nổi tiếng "Cho vừa lòng em" đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện như : Sĩ Phú, Elvis Phương, Chế Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Lệ Quyên... Trong đó, theo nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, ông thích nghe ca sĩ Hương Lan hát nhất.

Thanh Hiệp thực hiện

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuổi Tre, Người Lao Động
Read 1183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)