Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

15/06/2020

Khổ luận 5 : Đồng bào xa… Việt kiều gần…

Lê Hữu Khóa

Khổ trong nghèo, khốn trong cực, nhọc trong nhục

Khổ luận 5 : Đồng bào xa… Việt kiều gần…

Đồng bào xa… Việt kiều gần…

Khi điều tra thực địa để được vào sâu thực tế vô gia cư qua phương pháp quan sát và phỏng vấn… thì một chuyện thật lạ đã hiện lên : các mảnh đời Việt chân trời cửa bể lại tụ họp, quây quần, gần gũi, khắng khít bên nhau bất chấp khoảng cách địa lý… bất chấp mọi định kiến kẻ giầu người nghèo, kẻ sang người thấp. Đó là trường hợp các Việt kiều phương xa về thăm quê hương, cứ tưởng là họ thăm gia đình xong thì họ đi du lịch ; cứ nghĩ là họ ăn mặc tha hồ, sắm sửa xa hoa, tiêu xài kênh kiệu… Nhưng không đâu ! Việt kiều lẳng lặng đi bộ một mình trên các vỉa hè… có người ngồi trên xe đi quanh phố… Sáng họ thấy người vô gia cư tàn tật này bán vé số bên ngã tư… Trưa thấy một mẹ già ăn xin giữa nắng cháy… Chiều thấy hai anh em lang thang dắt nhau đi bán bánh… Tối thấy cả một gia đình quỵ gục giữa công viên mà "chưa ăn uống gì cả"…

Thế đạo của ý thức đã đánh thức đạo đức của nhận thức, nơi hội học về quan hệ xã hội biến thành xã hội học về mạng lưới tương trợ (réseau d’entraide), nơi mà triết học luân lý về đoàn kết cộng đồng biến thành triết học về mạng lưới tình thương (réseau de bonté). Một chuyện không hề lý thuyết, các Việt kiều này tìm một trung gian địa phương rồi chuyển tiền giúp đỡ đồng bào vô gia cư. Một chuyện không hề mơ hồ trung gian địa phương làm cầu nối có kế toán, sổ sách. Một chuyện không hề viễn vông, khi kẻ gia nhận tiền thì chứng từ của biên lai, chứng tích của vidéo. Một chuyện không hề xa vời rất cụ thể kẻ gia cư nhận tiền giải thích mình sẽ sử dụng số tiền nhận để làm chuyện gì ? Đầu vào phương án nào ?

Một gia đình bên Mỹ yêu cầu trung gian địa phương tặng 30 triệu đồng cho một bà mẹ có đứa con trai bị liệt não, dùng số tiền để chăm lo thuốc men cho cùng chăm lo sức khỏe cho chính bà. Một Việt kiều của Canada yêu cầu trung gian tặng 20 triệu đồng cho một bà cụ đã gần 80 tuổi lại phải nhặt bao nylon, thùng carton cả đêm… mà bán không được 50 ngàn đồng một ngày. Một Việt kiều tại Úc nhờ trung gian tặng 50 triệu đồng tới một ông cụ bán vé số, bị cụt cả hai chân, phải di chuyển bằng xe đẩy thấp sát đất… Còn bao Việt kiều nữa ? Không ít ! Còn bao người vô gia cư nữa cần được giúp đỡ ? Nhiều lắm !

Một chính quyền không chăm lo được an sinh xã hội cho đồng bào mình mà biết được các câu chuyện này Đồng bào xa…Việt kiều gần này thì phải biết nhục ! Một chính quyền không chăm sóc được công ích hội cho dân tộc mình biết được các câu chuyện này Đồng bào xa…Việt kiều gần này thì phải thẹn ! Nếu không biết nhục, không biết thẹn, thì chắc là loài vô tri trước đạo lý này của tổ tiên Việt :

Ở đời ở kiếp chi đây

Coi nhau như bát nước đầy thì hơn !

kho1

khuya

Bãi tạnh bè khuya thân vắng vóc

Phiêu linh trần thân tán tụ

Ánh sáng vật vờ theo kiếp lạc

lưng người vó lạc nhân sinh.

Tuổi trọng rời nhà… tuổi già ngoài đường…

Trên một đất nước mà người nghiên cứu không dựa được vào các thống kê để làm cơ sở cho các phân tích định lượng, thì quá trình đào sâu các phân tích định chất từ quan sát tới phóng vấn sẽ dẫn tới : phương pháp hồi ký, nơi mà cá nhân được phỏng vấn sẽ không trả lời các câu hỏi, mà tự kể lại cuộc đời của mình. Kể lại một cuộc đời ở tuổi cao, tuổi trọng, tuổi già với nhiều kinh nghiệm cuộc sống, với nhiều thể nghiệm về lòng người, với nhiều trải nghiệm về gia đình, thân tộc, láng giềng… mang ý nghĩa của một tổng kết đôi : tổng kết về cuộc đời mình cùng lúc tổng kết luôn về xã hội mình đang sống.

Vì vậy tư liệu của hồi ký cá nhân luôn là chất liệu để biết, để hiểu, để thấu về quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội của cá nhân đó. Qua các hồi ký thì chính kẻ nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền về chủ đề gia cư phải phân tích giải thích được định chế chính trị và các cơ chế xã hội mà làm nên quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội nơi mà cá nhân có quan hệ thường nhật với gia đình, thân tộc, láng giềng… Đây là phương pháp luận từ dưới hồi ký cá nhân tìm đường lên cao tới định chế chính trị, đây cũng chính là phương pháp luận của vi mô hồi ký cá thể tìm lối lên cao tới các cơ chế xã hội, nơi mà chứng từ qua nhật ký của các cụ vô gia cư giới thiệu một thực tế xã hội đang là thảm cảnh của một dân tộc, nơi có một chế độ độc tài nhưng bất tài đã để bao người lớn tuổi phải sống như "bụi đời" trên đường phố. Một bác tuổi đã hơn 70 phải rời gia đình của mình tại một vùng bị ngập mặn, nơi đây chính con cái của bác đã nói thẳng với bác không con thể nuôi bác được nữa, thế bác lẳng lặng rời nhà, lên thành Hồ để thành kẻ vô gia cư, vì "không muốn là gánh nặng cho con cái". Đây là một cụ đã gần 80 tuổi rời miền Trung bị chính con cái mình đuổi ra khỏi nhà đã "già không có ích gì lại tốn cơm tốn gạo" của chúng, thế là bác khăn gói lần mò vào thành Hồ để sống lây lất trên vỉa hè. Có bác đã bồng bế trên tay ban ngày, đắp chăn bảo vệ đứa cháu nội của mình hàng ngày… qua năm tháng tổng kết hồi ký đời mình mà kẻ nghiên cứu về chủ đề này nghe như bác đang kể cuộc đời của những người khác : "Tôi phải nuôi cháu… vì bố nó bỏ nhà theo vợ bé… mẹ nó bỏ con theo trai…".

Giáo Việt trao cho các thế hệ trẻ hình ảnh của những ông lớn tuổi của mình biểu tượng "gần đất xa trời" để nhắn nhủ với con cháu là với tuổi trọng cha mẹ, ông bà sẽ rời chúng ta, chúng ta phải sống đúng đạo làm con để được sống đúng đạo làm người khi cha mẹ, ông đã "tuổi già sức yếu". Giáo lý Việt xác chứng là cha mẹ, ông bà đã "sống khôn thác thiêng" nên chúng ta mới "khôn lớn thành người" như ngày hôm nay, tại sao bây giờ, con cái lại đẩy, đuổi, xua, lùa cha mẹ, ông bà ra đường để mặc cha mặc mẹ sống trên vỉa hè góc phố. Cha mẹ, ông bà giờ đây trong cõi lạnh của cõi lẻ, một loại địa ngục trần đất ! Khi cha mẹ, ông bà sát đất trong màn trời, sát đất trước khi vào lòng đất, thì nhân phẩm của các đứa con của cha mẹ, ông bà này đã bị chôn từ lâu rồi !

kho2

Nhắm

Tôi nhắm mắt, xuôi tay, duổi chân rồi

Giao cả quyền làm người cho gió dựng,

bão đẩy ra khỏi chân trời kiếp vụng.

Sinh tồn : thùng rác… bãi rác… đống rác…

Khi hội học của phương pháp luận trực quan (observation directe) khi được song hành cùng dân tộc học của phương pháp luận quan sát tham gia (observation participante) là theo dõi các sinh hoạt của kẻ vô gia cư để hiểu các phương cách sinh nhai, để thấu các cách thức sinh tồn thường ngày của họ. Nơi đây, xã hội học vi mô (microsocologie) về hành tác của cá nhân sẽ cho xuất hiện xã hội học vĩ mô (macrosocologie) về tổ chức của một xã hội, từ định chế tới cơ chế của chế độ chính trị độc tài nhưng bất tài trong an sinh xã hội, một tổ chức độc trị nhưng không biết quản trị công ích xã hội, mới để hàng triệu đồng bào của mình vô gia cư, và nhiều người trong số đông này phải sống nhờ thùng rác… bãi rác… đống rác… Rác là nơi phế thải những đồ dụng, vật dụng, kể cả thức ăn dư thừa hay hư thối mà một người, một gia đình, một xóm, một thành phố phải vất đi, vậy mà chính các thùng rác… bãi rác… đống rác… vẫn ngày ngày nuôi sống các kẻ vô gia cư không tiền, không nghề, không có thức ăn… Phải sinh sống để sinh tồn, tại đây sinh ra các ngữ pháp phải sống sót của những đồng bào vô gia cư : "đi moi rác để sống", "đi đào rác để kiếm ăn", "đi lục rác để sống qua ngày"… đó là những câu chữ của các đồng bào gia cư : "sống nhờ rác" ! Họ nói với tủi nhục thì quyền độc đảng phải nghe các lời này trong điếm nhục ! Động từ "bới rác để sống" mà chính Việt tộc sẽ phải : cúi đầu rơi nước mắt ! Nhưng chuyện rơi nước mắt là chuyện rất bình thường của cảm động khi tim người thắt lại dẫn tới phải khóc trong cảm xúc tức khắc… trong nhiều ngày… giữa ban ngày…rồi giữa khuya, khi nghĩ về những đồng bào vô gia cư phải "bới rác để sống". Khi một kẻ nhà cao cửa rộng, sinh sống xa hoa trong phung phí, ngồi trên xe nhìn thờ ơ trong vô cảm các đồng bào vô gia cư đang sống nhờ rác ; khi họ vào tiệm ăn thì ăn uống với sơn hào hải vị, mà nhìn các đồng bào gia đang "ăn xin", không những không giúp đỡ họ lại những tục ngôn khinh miệt, những bại ngữ miệt thị, thì chính đây mới là : loài rác rưởi !

Hãy dùng triết học đạo đức sánh vai cùng tâm lý học hành vi để phân biệt được hai loại người : thành phần thứ nhất là các đồng bào vô gia cư phải "sống nhờ rác" họ không hề mất nhân phẩm, mặc bạo quyền lãnh đạo-tà quyền tham quan-ma quyền tham đất đã cướp mất đất lẫn nhà của họ. Loại thứ hai là loài rác rưởi, chúng xa hoa trong tham ô, chúng phung phí trong tham nhũng, chúng cờ gian bạc lận bằng chính tà quyền của chúng để tham tiền, chúng có tiền qua hành động bất lương, chúng của qua hành tác bất chính, nên chúng bất nhân trong cách ăn mặc lẫn ăn uống, bọn này đã mất nhân phẩm lẫn nhân cách từ lâu rồi. Vì chúng chưa hề có nhân từ nhân tâm làm nên nhân lý nhân tính của chúng ; chúng chưa hề có nhân đạo nhân nghĩa làm nên nhân bản nhân văn của chúng ; chúng chưa hề nhân vị nhân quyền làm nên nhân tri nhân trí của chúng. Và những ai "ăn bám", "ăn ké", "ăn theo", "ăn hùa",

"ăn chung" với bọn này, nên rất thận trọng ! Đừng để mất hệ nhân (nhân từ, nhân tâm, nhân lý, nhân tính, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn, nhân vị, nhân quyền, nhân tri, nhân trí) như loài rác rưởi này, thực chất của chúng chỉ loài sinh trùng, não trạng sinh thì không sao phạm trù hóa được : nhân phẩm !

kho3

Thức hay ngủ ?

Tâm thức mở sâu hình hài lang bạt

Giao tâm huyết cho mùa biền biệt nhân tâm.

Vô gia cư vì phải rời… đất chết

Một nhóm người ngủ cùng một vỉa hè giữa phố thị, khi điều tra thực địa dùng phương pháp phỏng vấn đào sâu nguyên nhân về thảm họa không nhà, màn trời chiếu đất, thì mới biết được là họ chỉ mới quen biết nhau, họ không cùng quê quán, không cùng địa phương, nhưng họ cùng một nguyên nhân là họ phải rời quê cha đất tổ của họ giờ đã thành đất chết :

* Người đàn ông này đã hơn 50 tuổi, rời Hà Tĩnh sau thảm họa môi trường gây ra bởi Formosa, mới vào thành Hồ được một năm.

* Người đàn bà kia tới từ Hậu Giang, sau khi đất ruộng của gia đình bà đã chết vì ngập mặn, vào thành Hồ được ba năm.

* Gia đình này rời Quảng Ngãi sau khi "không còn gì để ăn", vào thành Hồ được sáu tháng.

* Mẹ con kia rời Long An sau khi "không còn gì để làm", vào thành Hồ mới ba tháng…

* Cha con nọ rời một làng quê miền Bắc nay gợi là "làng ung thư" cạnh nhà máy nhiệt điện, sau khi gia đình đã mất đi 2 người…

Trên một quê hương Việt xưa kia là : gấm vóc, nay nhiều làng ung thư, ngày ngày thêm nhiều vùng là đất chết : người chết, súc vật chết, cây cỏ chết, nguồn nước chết… Một quê hương mà tuyên truyền ngu dân tự xảo ngôn trong điếm luận là môt quê hương : "chưa bao giờ được như thế này !", giờ đây Nội, thành Hồ hai thành phố bị ô nhiễm hàng đầu trong thống kê của thế giới. Trên một quê hương mà đồng bào phải bỏ quê, bỏ nhà vì phải bỏ cõi chết, để phải nhận oan kiếp màn trời chiếu đất thì mọi tuyên truyền mị dân phải biết xấu hổ ! Trên một đất nước mà dân tộc đó phải bỏ đất, bỏ vườn như phải bỏ vực chết, để phải chịu tủi phận đầu đường xó chợ thì mọi tuyên giáo ngu dân phải biết độn thổ !

Oan khiên chất chồng lên các mảnh đời chung vỉa hè khi gục quỵ, chung góc phố khi mệt lả… Chung vỉa để chung kiếp cư ! Ai hãnh diện trước thảm trạng này ? Chỉ bọn loài mới hãnh diện trên thảm cảnh của đồng loại ! Một đất nước với bao đứa con tin yêu đấu tranh cho tự do, công bằng, bác ái bằng dân chủ nhân quyền, một sớm một chiều bị bắt bớ, đầy, trở thành các nhân lương tâm, bị nhốt chung với các loại hình sự. Nơi chỉ một câu của Tô Thùy Yên đã tổng kết được oan khiên của Việt tộc hiện nay : "chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau".

Một chính quyền độc tài nhưng bất tài trong quản lý công ích xã hội, một chính phủ độc trị nhưng không biết quản trị an sinh xã hội đã : "đem dân bỏ xó", một tội mà tổ tiên Việt đã kết án một cách rành mạch nhất về loại vô loài : đem con bỏ chợ !

kho4

Đau

Làm đau thêm nỗi đau cho máu ngược dòng nỗi khổ

Làm loạn nỗi lo cho nỗi lòng quỵ thân ngủ ngất.

Bao đời, bao kiếp… vô gia cư

Khi điều tra xã hội học cá nhân không dừng ở số phận một người vô gia cư, mà được xã hội học gia đình tới để trợ lực để đào sâu thêm hệ vấn đề của hội học liên thế hệ ; thì tại đây xuất hiện những hàm số về tính liên kết trong nội hàm liên tục của kiếp vô gia cư, trong những năm dài qua nhiều thế hệ trong cùng một gia đình, mà tất cả đều phải chịu thảm cảnh vô gia cư.

Tại đây, giáo lý gia đình bình thường thủa nào : "tứ đại đồng đường", bốn thế hệ chung một mái ấm, giờ đã bị nghèo đói về kinh tế luôn song lứa với áp bức của bạo quyền từ chuyện mất đất-mất nhà mà phải lê trên đất để sống, phải lết trên đất để ăn, phải gục trên đất để ngủ. Đây là hình ảnh nhân kiếp "tứ đại tan đồng đường nát". Đó cũng hình ảnh nhất của bạo quyền độc đảng-tà quyền tham quan-ma quyền tham tiền sau 45 năm gọi là "thống nhất đất nước", vỗ ngực là : "chưa bao giờ đất nước được như ngày hôm nay", trong xảo ngôn của trá ngữ "phát triển… hạnh phúc… thịnh vượng". Nơi mà xã hội học so sánh về thực cảnh xã hội song hành cùng kinh tế học tổng kết về các bất công trong thu nhập đã cùng nhau nhận ra trong số lượng rất cao các đồng bào vô gia cư đã có không ít các gia đình vô gia cư từ hai, ba thế hệ nay… Hai-ba-thế-hệ mà ông bà bị đuổi khỏi đất, cha mẹ không có nơi định cư, và con cái thì không được học hành tử tế.

Trên thực địa của điền dã, không khó để nhận ra :

* Gia đình này "chuyên nghề ve chai, cha mẹ ngủ đường, con ngủ chợ…".

* Gia đình kia "chuyên nghề nhặt bao nylon, cha mẹ con cái suốt ngày sống trên vỉa hè…".

* Gia đình nọ "chuyên nghề bới rác, ông bà, cha mẹ, con cháu, hôm nay ngủ xóm này, mai ngủ xóm kia…".

* Gia đình này "ba thế hệ làm đủ nghề : ve chai, bao nylon, bới rác, có gì ăn nấy…".

* Gia đình kia "hai ba thế hệ chuyên nghề nhặt sắt vụn, ngủ đâu cũng được…".

* Gia đình nọ "hết già tới trẻ, suốt đời, suốt kiếp, lượm, nhặt, ăn xin, cho gì cũng lấy…".

Số kiếp vô gia cư không chỉ kéo dài một hai ba năm. Nhân kiếp vô gia cư không kéo dài chỉ một đời, mà nhiều đời, qua nhiều thế hệ : khổ thân trong hàng kiếp. Nếu một chính quyền độc tài bất tài không giải quyết được khổ nạn này, thì đừng tham quyền nữa ! Nếu một chính phủ độc trị mà không biết quản trị, không giải quyết được thảm nạn này, thì đừng độc quyền nữa ! Tức là đừng rơi vào : tà lộ của điếm quyền !

kho5

Kiếp

Tại sao cứ dựng bật dậy mỗi bình minh

Để tà dương thấy kiếp mốc meo trong tàn tối.

Thân thẹo… răng rụng… tóc trơ…

Khi hội học phải tận dụng phương pháp quan sát trực tiếp, kế tiếp đến dùng phỏng vấn để hiểu do nguyên nhân, rồi dùng phân tích hiện tượng để giải thích được bản chất, sau cùng là nhập nội vào giải luận, nơi mà lý luận, lập luận, diễn luận trên dữ kiện sẽ tạo được chứng từ… Trong điều tra, điền về những đồng bào gia thì chứng từ chứng nhân, chứng nhân đã thành chứng tích, họ mang ngay trên chứng thân của họ bao nhiêu bịnh tật, bao nhiêu khuyết tật, bao nhiêu thương tích nay hằn sâu trên thân xác của họ.

Hiện tượng luận chứng từ-chứng nhân-chứng tích-chứng thân làm nên hiện tượng học rất cụ thể không hề mơ hồ, rất xác thực không hề viễn vông, rất hình tượng không hề trừu tượng :

* Ông này cụt cả hai chân, cựu chiến binh của Việt Nam Cộng Hòa cũ, bán vé số, không hề có nhà cửa, ăn đường, ngủ chợ…

* Bà kia chột một mắt, nạn nhân của bạo hành gia đình, bị đuổi đi khỏi nhà, giờ sống lay lất với con nhỏ lúc gầm cầu, lúc hè đường…

* Bác nọ mang khuyết tật cột xương sống, ăn xin từ chợ này qua chợ kia, không vợ, không con…

* Dì này cụt tay, không nhà cửa, không con, suốt ngày sống bám chợ này bao lâu nay…

* Anh kia bị tai biến, lúc tỉnh lúc mê, lúc ngủ giữa ngày, lúc khóc giữa đêm, quanh quẩn ở xóm này bao lâu nay…

* Chị nọ bị mù lại phải nuôi hai con nhỏ, không biết từ đâu tới, cứ đứng ở ngã tư ăn xin từ sáng tới tối…

Thực luận chứng tích-chứng thân có các vết thương, có các vết thẹo trên thân thể… Vô gia cư thì khó thân thể toàn vẹn ! người đã mang khuyết tật lúc sinh, kẻ phải tật nguyền bị tai nạn lao động thời thanh niên… Nhưng cũng có người này bị tai nạn giao thông trên đường phố khi đang "ăn xin", bị "xe đụng", "xe cán", "xe tông"… Lại có đồng bào bị nhiều lần tra tấn bởi công an, hiếp đáp bởi côn đồ, hành hung bởi du đảng… Kiếp vô gia cư là kiếp cá nằm trên thớt chờ bao biến nạn, thảm nạn, sẽ gieo "lên đầu", "lên cổ", "lên vai", "lên lưng", "lên thân" của mình, cho tới lúc chết. Địa ngục trần gian là đây !

Gia cư không còn thì thân thể khó toàn vẹn… Mái ấm đã mất thì thân thể sẽ hao mòn… mất mát từng phần… chờ ngày tan thân mất kiếp

Câu chuyện vô gia cư chính là câu chuyện có gia cư của mỗi chúng ta : gặp một đồng bào vô gia cư mù, chột, què, tật, khuyết, mất một phần hay nhiều phần thân thể thì chính nhân phẩm của chúng ta cũng mù, chột, què, tật, khuyết, mất một phần hay nhiều phần ngay trên nhân vị của chúng ta !

kho6

Vực thân

Dong thân dọc biển xa đời

Tay mây, chân sóng, chân trời, vực thân

Lê Hữu Khóa

(18/06/2020)

---------------------


lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 933 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)