Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/06/2020

Space X hay xu hướng tư nhân hóa ngành không gian Mỹ

Thanh Phương

Ngày 31/05/2020, hai phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley của cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA, sau 19 giờ bay trên phi thuyền Crew Dragon của tập đoàn Mỹ SpaceX, đã vào được Trạm Không gian Quốc tế ISS, đánh dấu thành công trọn vẹn của chuyến bay có người lái đầu tiên do một công ty tư nhân thực hiện và cũng là chuyến bay có người lái đầu tiên của ngành không gian Mỹ từ 9 năm qua.

space1

Phi hành gia Mỹ Bob Behnken đến Trạm Không gian Quốc tế ISS trên chiếc phi thuyền Crew Dragon của SpaceX ngày 31/05/2020. VIA Reuters - NASA

Hoa Kỳ cho tới nay vẫn không quên mối nhục, hay đúng hơn là cú sốc, bị Liên Xô qua mặt, khi Iouri Gagarine đã là người đầu tiên bay lên không gian ngày 12/04/1961. Gần một năm sau, ngày 20/02/1962, John Glenn mới là người Mỹ đầu tiên bay trên quỹ đạo vòng quanh Trái Đất giống như Gagarine.

Sau nhiều chuyến bay không người lái và chuyến bay thử nghiệm, phi thuyền của chuyến bay Apollo 11 mới đáp xuống Mặt Trăng ngày 21/07/1969 và Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, rửa được mối nhục của Hoa Kỳ với đối thủ Liên Xô.

Nhưng đến năm 1972, tổng thống Richard Nixon từ bỏ các chuyến bay có người lái lên Mặt Trăng, khởi động chương trình các phi thuyền con thoi đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Trái Đất. Với việc xây dựng Trạm Không gian Quốc tế ISS, bắt đầu từ năm 1998, một dự án 100 tỷ đôla, phần lớn do Hoa Kỳ tài trợ, các phi thuyền con thoi Mỹ được sử dụng liên tục. Nhưng sau tai nạn của phi thuyền con thoi Columbia ngày 01/02/2003, tổng thống George W. Bush quyết định là đến năm 2010 sẽ chấm dứt việc sử dụng các phi thuyền này. Như vậy là sau 30 năm phục vụ, phi thuyền con thoi Mỹ đã bay chuyến cuối cùng vào tháng 7/2011.

Kể từ khi Hoa Kỳ chấm dứt các chuyến bay của phi thuyền con thoi vào năm 2011, các phi hành gia Mỹ phải "đi nhờ" các phi thuyền của Nga để bay lên Trạm Không gian Quốc tế, hiện đang bay với tốc độ 27.000 km/h chung quanh Trái Đất.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 27/05, ông Stefan Barensky, tổng biên tập tạp chí Aerospatium, nhắc lại : 

"Có một sự gián đoạn không ai ngờ trước trong việc đưa các phi hành gia Mỹ lên không gian : Khi quyết định ngưng chương trình các phi thuyền con thoi sau tai nạn Columbia năm 2003, Hoa Kỳ đã dự tính là phi thuyền Orion của chương trình Constellation sẽ tiếp nối các phi thuyền con thoi vào năm 2012. Chương trình Constellation đã không được thực hiện, phi thuyền Orion vẫn đang được phát triển và theo dự kiến sẽ được phóng lên vào năm tới.

Trong khi chờ đợi, phải tìm một giải pháp thay thế, đó là nhờ đến các tập đoàn tư nhân. Ý định này thật ra đã có từ 14 năm qua. Trước đây, NASA vẻ kiểu, thiết kế các phi thuyền và đặt mua các phi thuyền đó từ ngành công nghiệp. Còn bây giờ, thay vì mua phi thuyền, họ mua một dịch vụ, giao cho ngành công nghiệp sản xuất phi thuyền để cung cấp dịch vụ đó. Dĩ nhiên là ngành công nghiệp không thể tự mình làm được, mà NASA đã đầu tư vào rất nhiều để hỗ trợ ngành công nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề nẩy sinh.

Riêng đối với SpaceX, tiến trình diễn ra theo hai giai đoạn : đầu tiên công ty này chế tạo một một phi thuyền để vận chuyển hàng hóa đến trạm không gian quốc tế, đó là phi thuyền Crew Dragon, đã bay từ năm 2012. Đến năm 2014, NASA ký một hợp đồng mới, cải tiến phi thuyền này thành phi thuyền có người lái. Công việc này đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến, vì lẽ ra phi thuyền đã được phóng từ năm 2017"

Hết phụ thuộc vào Nga

Cơ quan không gian NASA như vậy là đã giao cho SpaceX phát triển một loại "taxi không gian", để Mỹ không còn phụ thuộc vào Nga khi cần "đưa đón" các phi hành gia trên không gian. Trong khuôn khổ một hợp đồng giá cố định 3 tỷ đôla, SpaceX cam kết sẽ thực hiện cho NASA 6 chuyến bay khứ hồi đến Trạm Không gian Quốc tế, với 4 phi hành gia trên phi thuyền.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 27/05/2020, ông Léopold Eyharts, cựu phi hành gia Pháp của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) và cũng là một tướng không quân, cho biết :

"NASA đã trở thành khách hàng của SpaceX, nhưng SpaceX cũng có thể bán "ghế" cho các khách hàng tư nhân, các doanh nghiệp hoặc các cá nhân, nếu họ có đủ khả năng tài chính để mua "vé". Hãng Boeing cũng đã được NASA chọn cách đây vài năm để cung cấp dịch vụ vận chuyển phi hành gia. Boeing đã cho bay thử một phi thuyền cách nay không lâu và cũng sẽ cho bay một phi thuyền có người lái trong vài tháng tới. Đây sẽ là một trong hai công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển phi hành gia tư nhân"

Thật ra, từ năm 2012, SpaceX đã chở các kiện hàng lên ISS, nhưng đây là lần đầu tiên NASA giao cho công ty này chở phi hành gia lên không gian. Hôm 31/05, khi đích thân đến trung tâm không gian Kennedy để chứng kiến tên lửa cất cánh, mang theo Bob Behnken và Doug Hurley lên trạm ISS, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, kể từ nay, "tương lai thuộc về ngành công nghiệp không gian tư nhân".

Đối với nhà tỷ phú Elon Musk, người sáng lập tập đoàn SpaceX, đây là bước đầu trong cuộc hành trình "nhằm thiết lập một nền văn minh trên Sao Hỏa", biến nhân loại thành một loài "đa hành tinh". Trước mắt, SpaceX đã đánh bại Boeing, tập đoàn cũng đã được NASA giao phó việc vận chuyển phi hành gia Mỹ trong tương lai. Chuyến bay thử vào năm ngoái của phi thuyền Starliner do tập đoàn máy bay này chế tạo đã thất bại. SpaceX còn là công ty duy nhất trên thế giới thu hồi các tên lửa đẩy, có nghĩa là hôm 31/05, sau khi tên lửa được phóng lên 2 phút 33 giây, tầng một của tên lửa sẽ tách ra và trở về đậu trên một sà lan ngoài khơi bờ biển. Tầng thứ hai sẽ tách ra khỏi phi thuyền Crew Dragon 12 phút sau khi tên lửa được phóng lên.

Nga mất thế độc quyền

Sau chuyến bay thành công của SpaceX, ngành không gian Nga đã mất một thế độc quyền trên không gian. Từ năm 2011, khi Hoa Kỳ chấm dứt các chuyến bay của phi thuyền con thoi, các chuyến bay có người lái chỉ do các tên lửa Soyouz của Nga, an toàn hơn và rẻ tiền hơn, thực hiện. Trong suốt 9 năm qua, toàn bộ các phi hành gia bay lên ISS đều xuất phát từ sân bay vũ trụ Baikonour của Nga, sau khi đã tập luyện trên lãnh thổ nước Nga và …phải học tiếng Nga.

Theo lời ông Léopold Eyharts, kể từ nay các phi hành gia lên Trạm Không gian Quốc tế có một phương tiện thay thế :

"Thay đổi quan trọng với sự tham gia của các phi thuyền tư nhân, đó là kể từ nay có một phương tiện thay thế cho phi thuyền Soyouz. Cho tới nay Soyouz là phương tiện duy nhất, nếu xảy ra trục trặc gì, Trạm Không gian Quốc tế sẽ gặp nhiều vấn đề. Như cách đây hai năm, Soyouz đã gặp sự cố, gây ra một tình trạng phức tạp cho việc vận chuyển các phi hành gia lên trạm không gian. Phía Nga đã khắc phục tương đối nhanh chóng và chỉ vài tháng sau đã có thể đưa các phi hành gia lên trở lại. Nhưng rõ ràng tình hình như vậy rất bấp bênh. SpaceX đã giúp giải quyết vấn đề chính, đó là mang lại một phương tiện thay thế để vận chuyển phi hành gia lên Trạm Không gian Quốc tế".

Thành công của SpaceX buộc ngành không gian Nga phải tăng cường tiềm lực của mình. Lãnh đạo cơ quan không gian Nga Roskosmos, ông Dmitri Rogozine, cho biết cơ quan này dự trù vào mùa thu tới sẽ thử nghiệm tên lửa hạng nặng Angara, sẽ được dùng để thay thế các tên lửa Proton. Nhưng trước mắt, cơ quan không gian Nga Roskosmos sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể. Cho tới nay, mỗi "vé" bay lên ISS, cơ quan NASA phải trả cho Roskosmos khoảng 80 triệu đôla. Nếu kể từ nay Space X chở các phi hành gia Mỹ, mỗi năm Roskosmos có thể bị mất hơn 200 triệu đôla, một số tiền đáng kể đối với ngân sách chỉ có khoảng 2 tỷ đôla của cơ quan này, theo tính toán của chuyên gia Andreï Ionine, Viện Hàn lâm Không gian Tsiolkovski ở Moskva, được hãng tin AFP trích dẫn.

Theo nhà nghiên cứu Isabelle Sourbès-Verger, chuyên gia về các vấn đề không gian, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS của Pháp, cũng được hãng tin AFP trích dẫn, chính nhờ khoản thu nhập từ các chuyến bay chở các phi hành gia Mỹ, mà trong những năm qua Nga đã có thể tiếp tục sản xuất tên lửa Soyouz và duy trì được trọng lượng của họ trong các cuộc thương lượng về ISS.

Thấy giá "vé" của mỗi phi hành gia bay lên không gian trên phi thuyền của Space X là 60 triệu đôla, lãnh đạo cơ quan không gian Nga Roskosmos bèn thông báo là sẽ ông sẽ cố gắng giảm 30% giá "vé" của họ. Nhưng chuyên gia Andreï Ionine tỏ vẻ hoài nghi về sức cạnh tranh của Roskosmos : 

"Space X tiết kiệm bằng cách sử dụng các động cơ giá rẻ và sản xuất gần như toàn bộ các linh kiện. Còn Nga muốn làm như thế thì sẽ phải thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất". 

Ông Ionine nhấn mạnh : do không có phương tiện và cũng do thiếu quyết tâm chính trị, rồi lại bị nạn tham nhũng đục khoét, ngành không gian Nga nay không sáng chế gì mới, chủ yếu chỉ lo hoàn thiện các công nghệ có từ thời Liên Xô. Ấy là chưa kể ngoài SpaceX, ngành không gian Nga nay còn phải đối đầu với sự cạnh tranh từ các tên lửa của Trung Quốc. Các nhà quan sát cũng nhận thấy là tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ quan tâm nhiều đến việc phát triển các khả năng quân sự, nhất là các tên lửa công nghệ cao siêu thanh, hơn là lo củng cố vị thế của một cường quốc không gian.

Xu hướng tư nhân hóa

Về phía Hoa Kỳ, tham vọng không gian thì lại thay đổi tùy theo mỗi tổng thống. Vào năm 2010, tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ chương trình đưa người trở lại Mặt Trăng, nhưng đề ra mục tiêu đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Sao Hỏa vào năm 2035, đồng thời phát triển các tên lửa đẩy để chở các phi hành gia đến ISS. Người kế nhiệm ông, tổng thống Donald Trump lại ra lệnh cho cơ quan NASA trở lại Mặt Trăng từ đây đến năm 2024, trong khuôn khổ chương trình Artemis và chuẩn bị cho các chuyến bay đến Sao Hỏa trong tương lai.

Theo lời ông Léopold Eyharts, việc "tư nhân hóa" dịch vụ đưa phi hành gia lên quỹ đạo chính là nằm trong chiến lược lâu dài của NASA :

"Cần phải thấy rằng, khi giao cho các công ty tư nhân nhiệm vụ vận chuyển phi hành gia lên quỹ đạo thấp, NASA không còn phải bận tâm đến những công việc bình thường, để có thể tập trung sức lực và nguồn tài chính vào chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng hơn, với sự hợp tác của các cơ quan không gian Nga, Nhật, Canada và của Cơ quan Không gian Châu Âu.

Dự án của Mỹ trước mắt đưa các phi hành gia lên trạm nằm trên quỹ đạo của Mặt Trăng, rồi sau đó đặt chân trở lại Mặt Trăng, có thể là trong khoảng 4 hoặc 5 năm nữa, tuy chúng ta cũng phải thận trọng về lịch trình dự kiến. Mục tiêu lâu dài của Mỹ không hẳn là có mặt thường trực trên Mặt Trăng, mà là thực hiện những chuyến bay thường xuyên đến hành tinh này".

Nhưng theo ông Barensky, tổng biên tập tạp chí Aerospatium, tuy SpaceX là tập đoàn tư nhân, chủ nhân của nó, Elon Musk cũng có tham vọng chinh phục không gian không kém gì NASA, đến mức được xem là đối thủ cạnh tranh của cơ quan này :

"Trong việc phát triển phi thuyền Crew Dragon, hay đúng là hai phiên bản của phi thuyền Crew Dragon, NASA đã dự kiến đầu tư khoảng 8 tỷ đôla. Với khoản đầu tư đó, dĩ nhiên là NASA có quyền giám sát chương trình. Cho nên hai bên đã làm việc chung với nhau nhiều. SpaceX là một đối tác thương mại, một nhà cung cấp dịch vụ, nhưng một số người xem tập đoàn này là đối thủ cạnh tranh của NASA, vì Elon Musk cũng có tham vọng chinh phục không gian và đang nỗ lực tài trợ cho dự án của riêng ông để đưa người lên Mặt Trăng, và xa hơn là lên Sao Hỏa, với mục tiêu rõ ràng là lập các khu định cư trên hành tinh này".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 17/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 728 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)