Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/08/2020

Triệt luận 3 : Vùi sáng tạo Việt

Lê Hữu Khóa

triet01

Vùi sáng tạo Việt

Vùi sáng tạo Việt là bạo sách của bạo quyền độc đảng với trận đồ vùi lấp đi sáng kiến Việt biết cứu nước và giữ nước đã có nhân bản của gióng nòi Việt ; là tà sách của tà quyền độc đảng với đồ hình vùi xóa đi sáng tạo Việt đã có nhân phẩm của dân tộc Việt ; là ma sách của ma quyền độc đảng với ma trận xóa tẩy đi sáng lập Việt đã có nhân tri của con người Việt biết lập quốc, vì biết yêu tổ quốc và hy sinh vì tổ quốc.

Vùi sáng tạo Việt là phần III của Triệt luận dựa trên ba chuyên ngành đã làm nên tiến trình khoa học xã hội và nhân văn biết dựa vào liên minh tinh khôi với khoa học thực nghiệm có khoa học thần kinh mệnh danh là khoa học não bộ trợ lực để ba chuyên ngành sau được thăng hoa : giáo dục học, hiện tượng học, tri thức học.

triet02

Lý luận trên tri thức để tri thức -sự hiểu biết- trở thành kiến thức...

Tri luận : tri thức dựng trí thức

Tri luận xin được hiểu là luận trên tri ; lý luận trên tri thức để tri thức -sự hiểu biết- trở thành kiến thức, được mô hình hóa, được công thức hóa qua lập luận, diễn luận giải luận để trở thành lý thuyết luận, từ đó ta có thể dùng lý thuyết như kỹ thuật, như công cụ của trí thức để nhận diện, phân tích, giải thích, phê bình các hiện tượng của nhân sinh, nhân tình, để hiểu rõ về nhân tính, để nhận rõ nhân phẩm, để thấu rõ nhân tri trong nhân thế. Tuổi trẻ soi để có tuổi trẻ sáng, nếu biết soi để sáng, thì phải biết tự soi sáng để trưởng thành, soi sáng để có sáng suốt, có sáng suốt thì sẽ có tỉnh táo, sáng suốt và tỉnh táo luôn là bạn đồng hành với trí khôn, lực của sự thông minh.

Tuổi trẻ trước hết là một thế hệ vào tuổi trưởng thành cùng lúc phải xây dựng tương lai bằng nghềnghệ để làm nên nghiệp của kiếp người. Tuổi trẻ là một thành phần của xã hội, nếu may mắn, sẽ được được hệ thống giáo dục gầy dựng qua học lực để nhận học hàm để có học vị trong xã hội ; qua chuyên ngành để có chuyên môn, để được công nhận là chuyên gia. Tuổi trẻ còn là một nhân tố sinh động của xã hội có hoài bão, nên có lý tưởng vì biết nhận ra các giá trị của nhân tính, nhân phẩm, nhân đạo. Tuổi trẻ chắc chắn là một sinh lực sống động của dân tộc, của đất nước, tiếp nhận những giá trị hay, đẹp, tốt, lành, của tổ tiên, trước là để bảo vệ các giá trị tâm linh của tiền nhân, sau là tìm cách làm hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn, lành hơn những gì mà ông bà, cha mẹ đã làm được trong quá khứ, trong lịch sử.

Cuộc đời của mỗi tác nhân trước hết là thân thể của cá nhân đó, trong thân thể không chỉ có thể lực (nội lực của thể chất), mà còn có tâm lực (nội công của tâm hồn) có cảm xúc, biết cảm động, để được đồng cảm với đồng loại ; trong đó trí lực (nội chất của tri thức) biết lý luận để phân tích, biết lập luận để giải thích, biết diễn luận để phê bình, biết giải luận để nhận diện các giá trị của nhân sinh, nhân tình, nhân thế. Thể lực có thể già theo tuổi tác, nhưng tâm lực không để các chuyện xấu, tồi, tục, dở tác động vào nhân tính, nhân nghĩa, nhân từ, vì nó luôn được trí lực bảo vệ bằng nhân tri, nhân trí, nhân phẩm. Thể lực có thể bị già, nhưng tâm lực không để bị xói mòn, nhờ trí lực soi-để-sáng cả kiếp làm người, để sống sao cho đúng, tức là sống sao cho đáng sống !

Ý niệm khi rời định nghĩa để trở thành khái niệm, sẽ là gốc, rễ, cội, nguồn cho lý thuyết (mô hình tổng hợp của kiến thức tổng kết), từ đó ý niệm chuyển dần thành ý lực, đủ sức cõng, bồng, đội, gánh các hệ thống tri thức để đưa vào ý muốn, rồi tạo tiền đề cho ý định, lấy các hoàn chỉnh, bày các luận chỉnh chu để tạo ra ý nguyện vì biết nghĩ trúng để sống đúng, để kiếp người là cơ may, mà không là nghiệp chướng. Ý nguyện đủ bản lĩnh để tạo ra tâm nguyện làm nền, gốc, cột, trụ cho nhân sinh quan của chúng ta để ta được sống cao, sâu, xa, rộng trong kiếp người.

Ý nguyện đủ tầm cỡ để tạo ra thiện nguyện làm nên chất, thể, vai, vóc cho thế giới quan của chúng ta để ta sống với tha nhân bằng từ tâm, vị tha, bác ái. Ý nguyện đủ gân cốt để tạo ra trí nguyện dùng tri để tạo trí, dùng để tạo luận cho vũ quan của chúng ta, biết lấy tôn trọng chúng sinh để quý yêu muôn loài. Trong một chế độc độc đảng toàn trị, xin ra tham nhũng trị, thì sự thật không còn nguyện vẹn nữa, vì sự thật này đã bị bóp méo ngay từ đầu. Chỉ vì thực chất của chiến dịch chống tham nhũng này mang nội chất của chuyện thanh trừng nội bộ, trong chuyện thanh toán lẫn nhau giữa các lãnh đạo đang có xung đột với nhau vì tư lợi. Chính câu chuyện địa phương tưởng là cục bộ của chùa Ba Vàng hiện nay không còn là một thí dụ đơn lẻ, mà là một trường hợp trong một thực thể, một phần tử của một tổng thể nói lên sự sa đọa của chế độ hiện nay đang thật sự tha hóa Việt tộc.

Sự thật xuất hiện trong xã hội không đơn thuần như sự chứng minh một định đề toán, không thuần chất như giải nghiệm sự thật qua thí nghiệm của các ngành khoa học thực nghiệm hóa, lý, sinh… Sự thật xã hội là một mạng lưới có dây dưa rễ má trong sinh hoạt xã hội, có gốc, rễ, cội, nguồn trong đời sống xã hội, nơi mà quan hệ xã hội bị thao túng bởi những tư lợi ; người ta giấu một sự thật vì người ta có quyền lợi trong sự che giấu đó, là nền cho sự dối trá của kẻ muốn bảo vệ tư lợi của mình. Trí trong quy luật tiến hóa của nhân loại, qua đó ta biết thêm nhiều để hiểu sâu hơn hệ nội (nội chất, nội hàm, nội công) của nhân tính, cụ thể là để thấu suốt hơn số kiếp của con người, thân phận của cá nhân trong nhân thế.

Giáo luận : quá trình tha hóa giáo dục Việt

Một bạo quyền khi có chính quyền sẽ đi từ thô bạo hóa tới bạo động hóa giáo dục vừa qua tuyên truyền, vừa qua công an trị, từ kiểm soát lý lịch tới tẩy não học sinh. Một tà quyền khi nắm chính quyền sẽ đi từ gian lận hóa tới biến chất hóa giáo khoa vừa qua học vị, vừa qua học hàm, từ tráo học thức tới xóa học lực. Một ma quyền khi bám chính quyền sẽ đi từ sa đọa hóa tới vô luân hóa giáo trình vừa qua buôn bằng bán cấp, vừa qua mua chức bán quyền, từ lừa thầy phản bạn tới buôn dân bán nước. Không gian của giáo dục, nguyên tắc của giáo khoa, thời gian của giáo trình, cấu trúc của giáo án trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đang hoàn toàn bị bạo quyền lãnh đạo đưa vào mê lộ ; bị tà quyền tham quan dẫn vào hoạn lộ ; bị ma quyền tham nhũng đẩy vào tử lộ.

Đề nghị nghiên cứu giáo dục học qua trường hợp của Việt Nam, với hậu quả phá sản hoàn toàn của ngành giáo dục hiện nay, qua kinh nghiệm quản lý giáo dục (nhưng phản giáo dục) của Đảng cộng sản Việt Nam, độc đảng trong độc tài nhưng bất tài về tổ chức giáo dục. Giáo dục học giao luận, tức là trao luận qua lý luận, lập luận, giải luận và diễn luận, nơi mà giáo luận có sức thuyết phục phải hợp lý trong hệ thống giáo dục, phải chỉnh lý trong tổ chức giáo dục, từ giáo khoa tới giáo trình, giáo án. Tôi đề nghị chọn ba chuyên ngành vừa có các đóng góp tích cực trong nhiều năm qua tại các quốc gia văn minh đã thành công về giáo dục, mà cũng vì ba chuyên ngành này đã rất sắc nhọn trong lý luận giáo dục. Vì không có giáo luận thì sẽ không có nền tảng cho giáo dục, không có phương pháp cho giáo khoa, không có định hướng cho giáo trình, không có mô thức cho giáo án. Nên, giáo chọn luận vì biết "chọn mặt gởi vàng" :

Khoa học giáo dục là khách quan hóa các kinh nghiệm của giáo dục để chế tác ra một hệ thống giáo dục hợp lý với hiệu quả cao từ đó quản lý quá trình trao truyền kiến thức, tri thức, trí thức… Tại đây chỗ đứng của đạo lý, đạo đức, luân lý cũng được truyền đạt như một quá trình của tri thức nơi mà chân, thiện, mỹ, được trao nhận song đôi với các kiến thức khoa học. Từ đó, cả hai song hành với nhau, không những để đào tạo chuyên môn, mà để hình thành vai trò của công dân trong một xã hội, có giáo dục sáng suốt cùng khoa học, được giáo dưỡng tỉnh táo cùng đạo lý.

Triết chính trị giáo dục, mang nội lực tổng kết của triết học vì có khả năng lý luận và lập luận trước các vấn đề cốt lõi của nhân sinh, biết sánh đôi cùng chính trị học để hiểu giáo dục phải có hệ thống hoàn chỉnh qua chính sách của chính phủ dưới vai trò chủ đạo của chính quyền. Và giáo dục học là kết quả hạ nguồn được định hướng bởi thượng nguồn của lý luận chính trị : dân tộc muốn đào tạo đạo đức gì cho các thế hệ tương lai ? Quốc gia muốn công dân có vai trò gì trong việc bảo vệ và phát triển đất nước ? Nếu không rõ ràng về lý luận, không mạch lạc về lập luận trong chính trị giáo dục thì sẽ thất bại thảm hại trong giáo dục như Việt Nam hiện nay. Biến hệ thống giáo dục là nơi mà bọn đầu nậu giáo dục đột nhập vào các tổ chức giáo dục để mua bằng bán cấp, để chúng lũng đoạn bằng tà quyền của mua chức bán quyền, và khi bọn đầu nậu đã thành bọn đầu cơ trong giáo dục thì chúng sẽ buôn dân, bán nước như trò đùa của chúng !

Xã hội học giáo dục, nghiên cứu tác động của giáo dục vào đời sống xã hội, khảo sát các kết quả của giáo dục vào sinh hoạt xã hội, điều tra về các hậu quả của giáo dục qua các quan hệ xã hội. Nơi đây, giáo dục không những đào tạo ra các công dân có bổn phận với dân tộc, có trách nhiệm với đất nước, từ đấy công dân này không còn là một cá thể riêng biệt, mà đã trở thành chủ thể biết sống chung với cộng đồng qua hợp tác ; biết lao động chung với tập thể qua các phương án xã hội, nhất là chủ thể này có sáng kiến để có sáng tạo ra các đề nghị, các quyết định, các hành động… trợ lực cho xã hội được thăng hoa.

Linh luận : chiều sâu tâm linh Việt tộc

Nếu các giá trị tâm linh sắc về trí tuệ, nhọn về lý trí, thì các giá trị phải là kết quả của một quá trình lập luận cao về tư tưởng, sâu về triết học, tức là rộng về nhân tri, và hề không dính dáng gì tới các chuyện mê tin dị đoan mà học thuật không kiểm chứng được, kinh nghiệm không thí nghiệm trọn vẹn được. Nhưng khi nghiên cứu về các giá trị tâm linh biết củng cố nhân lý, biết phục vụ nhân trí, biết thuyết phục nhân loại tinh anh hơn, giúp nhân sinh tỉnh táo hơn, dìu nhân thế và dắt nhân tình theo các tri thức mà sự sáng suốt của nhân trí giữ vững được các giá trị của nhân đạo, các giá trị tâm linh rất khác các sự thật của khoa học, các chân lý của triết học, các lẽ phải của luân lý tuyệt đối. Các giá trị tâm linh chọn đường đi nẻo về cho riêng nó, tại đây phải hiểu cách định vị (như các chỉ báo) của các giá trị tâm linh, để lần tìm ra cách định nghĩa các các giá trị này :

Chiều sâu của các giá trị tâm linh là chiều cao của linh hồn, một chiều cao biết nâng nhân tri cụ thể là biết yêu theo chiều cao của hướng thiện những gia trị bị xem là tầm thường trong cuộc sống, tại đây minh triết cùng đạo đức biết nhập nội để chế tác ra các giá trị tâm linh ; làm được chuyện mà Platon đặt tên là sự bất tử của linh hồn. Chiều sâu của các giá trị tâm linh luôn bắt đầu bằng sự đánh giá tỉnh táo, sự phân tích sáng suốt, luôn bình tĩnh chọn con đường để thực hiện cái tốt, nó mang theo nguyện vọng làm nên ý chí biến cái tốt thành hiện thực. Socrate phân tích chiều cao của các giá trị tâm linh là ý chí muốn làm tốt cái tốt.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh, không phải là chuyện của lý trí tuyệt đối, càng không phải là chuyện lý trí suông, nó chính là sự cẩn trọng không những là khẳng định các lý trí tốt, mà nó phải trở thành các triết lý của cuộc sống được quyền sống còn, nên nó không cực đoan quyết định, và không bao giờ quá khích trong hành động. Các giá trị tâm linh cũng không phải là chuyện khoa học chính xác, mà là chuyện triết đúng lúc, lý đúng cảnh, luận đúng thời, lấy bối cảnh để hiểu nhân sinh, lấy hoàn cảnh để tìm đáp số, lấy tâm cảnh để tư duy, nên nó tìm cách giải quyết ít nạn nhân nhất, cách trả lời ít đổ vỡ nhất, nó tìm cái hợp lý thấu tình để có lối ra, mà không ai phải là nạn nhân cho thời cuộc. Aristote gọi tên nó là thế giới của sự thông minh làm nên sự thông thái, và lắm lúc nó không lệ thuộc vào thế giới thông suốt sự thật của khoa học.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh chỉ thật sự là giá trị khi nó là sự cẩn trọng trong sáng suốt và là khẳng định của sự can đảm, cẩn trọng ngược với liều lỉnh, can đảm trái với hèn nhát. Các giá trị không bao giờ "liều mạng" để "tử vì đạo""xem rẻ mạng người", nó cũng không hề "ba phải" để "lòn lách" mà làm "nhục kiếp người", nó cẩn trọng cho nhân sinh và nó can đảm bằng chính bản thân nó, nên nó ngược lại hoàn toàn với sự "né tránh" để tồn tại, "lẩn trốn" để "thoát thân", vì nó dụng chân lý, biết dùng sự thật để tạo lối thoát cho những ai "lầm đường lạc lối" sa lầy trong "mê lộ" đang đi tới "tử lộ" mà cứ tưởng đang đi trên "sinh lộ".

Chiều cao của các giá trị tâm linh mang tính tiên tri mà nhân sinh kiểm chứng được, đó là tầm vóc của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cứu cùng lúc nhà Mạc và nhà Nguyễn ra khỏi vũng lầy của vua Lê, chúa Trịnh. Chiều cao của các giá trị tâm linh khi được chứng thực bởi sự cẩn trọng và sự can đảm, Montaigne đặt tên cho nó là sự thông minh linh động biết thích ứng trong biện chứng vì biết giữ trígiữ tâm.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh có trong ý nguyện muốn cái tốt có mặt trong cuộc sống để chống lại cái xấu có cha sinh mẹ đẻ là cái ác ; nhưng các giá trị tâm linh luôn mang theo sự cẩn trọng không những trong định nghĩa thế nào là tốt mà còn bắt con người phải rõ ràng từ cứu cánh tới phương tiện, luôn phải cẩn trọng hơn nữa khi chọn lựa phương tiện, khi đã có cứu cánh tốt rồi. Plotin tin rằng chiều cao của các giá trị tâm linh làm nên đạo đức của ý nguyện muốn làm tốt cuộc sống từ cứu cánh tới phương tiện, từ thượng nguồn của tư duy tới hạ nguồn của hành động.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh khi lấy sự cẩn trọng làm giá trị cho đạo đức, thì nó trở nên sinh động khi phối hợp sự cẩn trọng luôn song hành trong các giá trị của luân lý về bổn phận và trách nhiệm. Các giá trị tâm linh luôn biết điều phối sự cẩn trọng như sức mạnh của tư duy biết cái nào là cái tốt cho mình và cho người khác, nó mang trọn vẹn một quá trình suy ngẫm, nó mang toàn bộ các kết quả tâm định trí định để làm nên thiền định trong tỉnh táo và sáng suốt, mà St Thomas đặt tên cho nó vòng tròn khôn ngoan biết chứa cả hai, vừa cẩn trọng, vừa đạo đức.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh biết dựa vào ý muốn đi tìm tri thức để hiểu sự vận hành của nhân tri, nó luôn song hành cùng với ý nguyện của nhân sinh muốn tồn tại bằng nhân phẩm trong nhân thế, mặc dù nhân loại đang đầy dẫy các xáo trộn, các hỗn loạn của nhân tình. Weber đề nghị muốn có các giá trị này nhân tri phải thấy sự quan hệ chặt chẽ giữa đạo lý của ý chí đạo lý của trách nhiệm, khi cả hai có mặt để phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, thì chính cái trí của cái tri sẽ giúp cuộc sống thấy ra cái sinh của cái , cụ thể là quyền năng của nhân trí sản sinh được các giải đáp lối thoát mới cho nhân lý, để nhân tri nhận ra lối thoát mới cho nhân thế.

Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nội dung lý trí, mà còn là chiều sâu của tư tưởng Việt mang văn hiến riêng của Việt tộc. Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của trí tuệ, mà còn là chiều rộng của lịch sử Việt mang văn minh riêng của Việt tộc. Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nhân phẩm Việt, mà còn là chiều dài của bản sắc Việt luôn biết mở cửa để song hành cùng văn hóa Việt. Cao, sâu, rộng, dài có độ bền của đạo lý đã được thử thách, có độ vững của đạo đức đã biết vượt qua thăng trầm ; đạo lý bền biết đi trên lưng cái cực đoan để vượt thoát cái vô minh, đạo đức vững biết đi trên vai cái quá khích để vượt thắng cái vô tri.

Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện lý thuyết, vì trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu "thấy thương quá" tới tự lời nói thật bình thường của những người có lòng vị tha, muốn chia sẻ tức khắc nỗi khổ niềm đau với tha nhân. Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện trừu tượng, vì trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu "nghe mà thương" tới từ một câu nói ngắn gọn của những người có lòng bao dung, muốn chia sẻ tức thì sự đồng cam cộng khổ với đồng loại.

Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện viễn vông, vì trong quan hệ hằng ngày, mọi người có thể thấu được câu "càng nhìn càng thương" tới từ một phản xạ nhanh nhẹn trong sáng suốt của những người có lòng rộng lượng, muốn chia sẻ tức thời chuyện đồng hội đồng thuyền với đồng bào mình. Đạo Phật biết mang hiện thực này đến để chia sẻ với Việt tôc về vô lượng tâm qua các Tâm kinh : "nhìn đời bằng mắt thương" để làm sáng lên lòng vị tha, lòng bao dung, lòng rộng lượng của Việt tộc.

Câu chuyện tâm linh không quan hệ gì tới câu từ tâm linh bị lạm dụng trong ngôn ngữ hiện nay bị mê hoặc bởi mê tín về cõi âm nào đó mà nhiều thành phần xã hội hiện nay đang bị lôi kéo, để bọn đầu cơ mê tín trục lợi ngay trên mê lộ của họ. Tuệ giác của tâm linh kết hợp thuần thạo sự thật, chân lý, lẽ phải để tạo ra cái đẹp của đạo đức, cái hay của đạo lý, cái tốt của luân lý, từ đó tuệ giác tâm linh luôn ngược hướng, trái chiều với mê tín, vì nó mang sự tỉnh táo của lý trí, sự sáng suốt của trí tuệ, có liên minh cứng cáp là minh triết trong lý luận, có minh luận trong hành động.

Tuệ giác của tâm linh thấy đường đi nẻo về của nhân tính, nhận ra nhân vị nhờ nhân bản, hiểu rõ nhân tri nhờ nhân từ, thấu sâu nhân đạo nhờ nhân nghĩa. Mê tín bị mê hoặc trong mê lộ còn đang mò mẫm dưới chân đồi, thì tuệ giác của tâm linh đã tới đỉnh núi với nhân cách thư thả của nhân tri thư thái để nhận diện mọi chân trời mà không bị một trở lực nào vùi, lấp, che, choáng được. Đó là tuệ giác từ bi của Phật tâm đã nhập vào thơ của Phạm Thiên Thư : "Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ". Nơi đây, nội công tâm linh mang tính thiêng liêng với các giá trị đạo đức tối cao bắt con người lầm đường lạc lối phải suy nghĩ lại, phải cân, đo, đong, đếm lại từ hành vi tới hành động của mình để tìm lại con đường hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý. Nội công tâm linh không phải là chuyện thể lực thuần túy, mà là chuyện của trí lực biết bao dung, là chuyện của tâm lực biết dung thứ : phải dung kẻ dưới mới là lượng trên (Nguyễn Du).

Có tầm vóc, có nội công sẽ có bản lĩnh, nhưng các giá trị tâm linh không cần bản lĩnh của xảo thuật để thành công, cũng không cần bản lĩnh của mưu lược để thoát hiểm, nên không cần luôn bản lĩnh của mưu trí để tồn tại trong tính toán. Các giá trị tâm linh được sống ngay trong ánh sáng của chuyện con người yêu cái đẹp, thích cái hay, quý cái tốt, trọng cái lành, nó vượt lên nên vượt xa chuyện tính toán để lời lỗ, để hơn thua, để đọ tài, để thi sức. Bản lĩnh của các giá trị tâm linh tự tin nên tự tại, tự trọng nên tự do trước mọi mưu kế, mưu đồ, nó đi trên mọi cái đầu của vị kỷ, nó đi xa hơn mọi con tính ích kỷ, vì nó đại trí nên nó thoải mái trên đại lộ của mọi nhân lộ.

Trong khu vực của tam giáo đồng nguyên, khi đánh giá về các loại chiến thắng trên mọi mặt trận từ chính trị tới quân sự, từ văn hóa tới giáo dục, từ luân lý tới đạo đức… người xưa xếp loại từ thấp lên cao : thắng nhỏ là thắng mà phải dùng : lực ; cao hơn là chiến thắng khi biết dụng : trí, cao hơn nữa là dùng : đức, và cao hơn cả là thắng là nhờ : đạo ! Đây là toàn thắng. Đạo của nhân đạo tới từ chính nghĩa có lý luận làm nên chính đạo, mang giá trị của nhân đức, có nhân trí của nhân tính, có nhân lý của nhân vị, có nhân văn của nhân bản, tầm vóc của tâm linh chắc chắn là ở đỉnh cao giữa đức đạo.

Thắng được đối phương với sự khâm phục của đối phương, với tầm vóc giúp đối phương cùng thắng với ta, từ đó đối phương không còn là đối thủ, nên không bao giờ trở thành tử thù với ta. Mà ngược lại, chính đối phương tìm tới ta, tiếp nhân sinh quan vị tha của ta, nhận thế giới quan rộng lượng, đón vũ trụ quan khoan dung của ta ; đây mới là toàn thắng qua đạo ! Thắng vinh quang, thắng bền vững vì biết "cải tử hoàn đồng" cái xấu, tồi, tục, dở giúp nó hóa thân vào cái hay, đẹp, tốt, lành. Hãy nhận ra tầm vóc của Nguyễn Trãi : lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo, để thấy tầm vóc tâm linh Việt tộc.

Khi đi từ trên xuống dưới, bắt đầu bằng đạo, đi tiếp tới đức, qua nẻo của trí, cùng lúc tránh xa lực (bạo lực), mẹo (mưu kế) vì chúng quá thấp so với các yêu cầu của các giá trị tâm linh, nhưng tác giả sẽ đi trên hai con đường luôn cần sự có mặt của tâm linh để vấn nạn các khổ đau mà Việt tộc đã cam nhận trong lịch sử cận và hiện đại của mình. Cấu trúc lý luận của tiểu luận sẽ bắt đầu bằng tâm đạo để đi tìm chiều cao các giá trị tâm linh thừa kế của tổ tiên, nhận diện được sự đặc sắc của các kinh nghiệm tâm linh của Việt tộc, nhất là qua các kinh nghiệm của Thiền tông, từ đời Trần tới cõi tâm linh mà thiền sự Thích Nhất Hạnh đã trao truyền cho thế giới.

Rồi đi tới tâm đức đã có từ lâu trong sáng tác thi ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và tiếp tục trên con đường tâm trí qua nhiều tác giả, nơi mà tâm linh chính là trí lực của nhân lý. Theo chiều sâu lịch sử của Việt tộc, tiểu luận dừng lại trước các oan khiên của đất nước, để hiểu tâm cảnh qua hoàn cảnh của chiến tranh, tâm phận qua hậu quả của nội chiến huynh đệ tương tàn thế kỷ XX vừa qua, cuối cùng là đi sâu vào tâm nạn tới từ bạo quyền độc tài lập nên nhà tù cải tạo sau 1975, giờ đã tới tà quyền là "hèn với giặc, ác với dân" để cảm nhận bi nạn của Việt tộc. Tâm đạo, tâm đức, tâm trí trong các giá trị tâm linh là để giúp người vì quý người. Tâm cảnh, tâm phận, tâm nạn trong các giá trị tâm linh để cứu người vì thương người.

 

Các người đã diệt

Ngữ nghĩa linh hồn của mô thức Hàn Mạc Tử

 

triet3

Các giá trị tâm linh chính là các giá trị biết vượt thoát sự lẻ loi, để vượt thắng chuyện mình bị bỏ rơi ! Ảnh Hàn Mạc Tử qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh

Thi ca với trạng thái tâm linh theo mô thức Hàn Mạc Tử, không có chỗ đứng, ghế ngồi trong thi đàn từ khi các người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trước là cướp chính quyền sau là độc quyền trong độc tài nhưng bất tài trên mọi lĩnh vực của tâm linh. Các người không có một lãnh tụ nào bình phẩm trong đứng đắn, đàng hoàng, tử tế về phạm trù thi ca của linh hồn Việt, trong chế độ của các người không có :

"Anh đứng cách xa hàng thế giới

Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

Em cười anh cũng cười theo nữa

Để nhắn hồn em đã tới nơi".

Trong hoạn nạn, mà trường hợp của Hàn Mạc Tử là hoạn bịnh, khi con người lâm bịnh mà biết đó là trọng bịnh thì chính trong nan bịnh con người đó đã cảm nhận là mình đã gần cái chết hơn gần sự sống, vì cái hoạn giờ đã thật sự thành cái họa. Cái nan bịnh làm tăng khoảng cách giữa người bị bịnh và người không mang bịnh, nó tạo ra cái khoảng cách (thật khốn kiếp) giữa người và người, nên người ta không cách xa nhau hàng ngày, hàng dặm mà cách xa hàng thế giới. Cái thế giới không bị bịnh không nhận ra vì không hiểu được, không thấu được nỗi khổ niềm đau trong thế giới của người lâm trọng bịnh. Bi đát nhất là kẻ mang hoạn bịnh phải tự tìm cách đứng xa những ai không bị bịnh, để tránh kẻ khác phải chịu, phải nhận, phải gánh nỗi khổ niềm đau của mình. Cõi riêng tư của kẻ mang hoạn bịnh là tạo ra sự tự cô lập, rồi vô tình hay cố ý người bịnh sẽ sống trong sự cô độc, rồi nhận chịu chết dần chết mòn trong cô đơn. Bạn ơi, nên bắt đầu suy nghĩ về các giá trị tâm linh của kẻ mang hoạn bịnh trong cô lẻ.

Nhưng các giá trị tâm linh chính là các giá trị biết vượt thoát sự lẻ loi, để vượt thắng chuyện mình bị bỏ rơi ! Thoát để tự mình tạo khoảng cách với nhân sinh, rồi thắng là mình không bỏ nhân tâm, và dụng nhân tâm đó để thấy nhân tình, để tiếp tục yêu nhân thế. Đó là câu chuyện của Hàn Mạc Tử : "Lặng nhìn trong mộng miệng em cười. Em cười anh cũng cười theo nữa", các giá trị tâm linh biết lặng nhìn trong mộng để thấy được miệng em cười, mà cũng là để biết trong nan bịnh mình vẫn tỉnh táo để "mộng", vẫn sáng suốt để nhận ra nụ cười của sự sống. Để làm gì vậy ? Để nhắn hồn em đã tới nơi, để nhắn tâm hồn kẻ không bịnh, đang sống, đang đẹp với nụ cười là đã tới nơi ; mà nơi đây là nơi có tâm hồn của thi sĩ, có linh hồn của kẻ mang trọng bịnh, đang tự gầy dụng một cõi tâm linh để vượt thoát nan bịnh, để vượt thắng hoạn bịnh, để tự cứu mình : Níu hồn ai ? Vì muốn vớt ai ?...

"Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện

Trong lòng và đang tắm máu sông ta

Ta muốn vớt ai ngoài sóng điện

Để nhìn xem sắc mặt với làn da".

Câu chuyện tâm linh là trí tuệ biết tạo ra một vùng tâm cảm mới, với một tư tưởng tinh khiết mới, làm chỗ dựa cho tuệ giác sống với người và không bỏ rơi ai cả, tại đây nhân cách sống đã trao thân gởi phận cho nhân tâm sống. Trí tuệ của tâm linh là lấy nhân tâm sống để điều tiết và điều chế nhân cách sống. Trong tâm lý học ý thức, James tin là có một cái tôi hoàn toàn cá nhân (Moi personnels), giúp ta luôn ở trạng thái sáng suốt nhất của ý thức, luôn gắn bó với sự sống chung quanh, từ đó tạo dựng ra cái tôi chủ động (Moi dynamique) để giữ vững chủ thể ý thức, liên tục có mặt trong nhân tính ; và James đưa ra hình ảnh một con chim vừa biết vượt giông tố, còn biết luôn cách tránh vực sâu, lách núi nhọn. Hàn Mặc Tử sống trọn vẹn với ý thức luôn biết mở rộng vũ trụ quan của chính mình, chính nhờ vũ trụ quan này mà thi sĩ đã tin vào các giá trị tâm linh Ta muốn níu hồn ai, vì Ta muốn vớt ai. Một người mang nan bịnh như Hàn Mặc Tử đã có tầm vóc tâm linh níu để vớt, vì muốn cứu để giữ.

Ý thức của níu-để-cứu đã đi xa và bay cao hơn trọng bịnh của thi sĩ, câu chuyện này vượt xa hơn câu chuyện tự cứu mình, và nó cao hơn câu chuyện về nghệ thuật sống chỉ thấy cái đẹp cho riêng mình. Tư duy tâm linh tạo có dũng lực tạo ra một luồng ý thức để trả lời hai câu hỏi cốt lõi của cuộc đời mỗi người, câu thứ nhất : "Ta muốn gì ?", câu thứ hai : "Ta muốn trở thành loại người nào ?" trong cuộc sống hữu hạn này. Loại câu hỏi dựa trên động từ trở thành, thì động từ này chính là thượng nguồn của mọi hành động thôi thúc các giá trị tâm linh phải nhập cuộc để trợ duyên cho đời, để trợ lực cho người.

Đây là quyền năng làm nên sự bật dậy của tâm linh, thúc Hàn Mặc Tử ra khỏi hoạn bệnh, thoát khỏi nan bịnh, có khi còn vượt thắng cả trọng bịnh, đang băng hoại thể chất của thi sĩ. Nếu có được một giá trị tâm linh mới là sẽ được vào một vũ trụ mới, ngoài cái quỹ đạo của thần chết đang đục mòn thân xác ông :

Hồn hỡi hồn, lên nữa, quá thinh gian

Tìm tới chốn chiêm bao ngoài sự thực.

Nếu có giá trị tâm linh rõ và mạnh thì sẽ có ý thức muốn sống còn, giờ đây đã thành ý lực của chất sống, chan hòa ý nguyện, mang tầm vóc quyết đoán của tâm linh, kịch liệt không để cái chết đe dọa cái sống. Tại đây, ý lực chính là dũng lực của tâm linh, không để cái họa đe dọa cái người :

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều…

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.

Trong tác phẩm Phản xạ tâm lý (Automatisme psychologique), Janet đã nhận ra được là có những tác hành tiềm thức (actes subconscients), làm lệch các quy luật của mọi thể chất đã có chỗ đứng trong thực tế, có lẽ theo tôi thì các tác hành này đi lại để thường xuyên thăm viếng các giá trị tâm linh, giúp ta sống còn qua thử thách thập tử nhất sinh, giúp ta sống sót qua thăng trầm một đi không trở lại trước lãnh thổ của cái chết. Trong các trào lưu nổi bật của khoa học thần kinh, có công trình của Henry Ey đã phân tích được là một con người có ý thức là con người khi nó chủ động được thời gian tính bằng ý thức của chính mình. Từ thời gian tính này, Penrose tin rằng có một nguyên tắc ý thức, giúp chủ thể ý thức làm được chuyện đi ngược dòng thời gian.

Đừng tự cô lập mình mỗi lần đối diện với các giá trị tâm linh, chính sự cảm nhận sâu xa về các giá trị tâm linh muốn : níu ai để cứu ai, có mặt để chế tác ra hai tuyệt chất mới : thanh khí (souffle pur),tinh anh (l’intelligence vive), minh chứng cho sự có mặt của tâm linh muốn giữ cuộc đời, một ý thức về thân phận làm người trước vũ trụ, từ đó tạo nên sự sáng suốt riêng, để tìm tới thanh khí, bằng cái tinh anh :

Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt…

Anh đã gặp hồn em đang chới với…

Chúng ta biến, em ơi thành thanh khí…

Cho tan ra hòa hợp với tinh anh.

Ý lực của tâm linh khi đi tìm thanh khí là để tạo ra cái đồng cảm với vũ trụ, để người được thăng hoa giữa đời. Và trên con đường đi tìm một ý thức mới này, con người còn tạo được một nhân sinh quan mới cho mình, nó không nhỏ hẹp kiểu "ếch ngồi đáy giếng", mà nhân sinh quan này chan hòa trong thế giới quan của níu ai ? Trong vũ trụ quan của cứu ai ? Tâm hồn tấm gương soi :

"Hồn là ai ? Là ai ? Tôi chẳng biết

Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi

Môi đầy hương tôi không ứa ngậm cười

Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng".

Tâm linh có phải là cõi lung linh nhưng long lanh của tâm hồn ? Muốn tìm câu trả lời thì phải đặt một tiền đề là tâm hồn là gì ? Linh hồn là ai ? Mà bao lâu nay, triết học phương Tây cứ đặt nó ngoài thể xác, chắc bẩm là nó cao hơn thân xác, sống còn với thân thể nhưng có nó luôn làm thể hình của cá nhân được nâng lên, cao lên, rồi triết học trân trọng đặt nó vào khu vực của siêu hình học, ở ngoài hình thể vật chất của con người. Rồi bây giờ khoa học não bộ tức là thần kinh học lập lại liên minh với tri thức luận để xếp loại siêu hình học vào các phạm trù của tưởng tượng, tức là phản khoa học, vì tất cả chuyện của con người đều được quyết định bởi bộ óc. Kể cả chuyện tâm hồn rồi linh hồn đều do bộ óc quyết định, con tim chỉ là một bắp thịt giúp máu chuyển động để nuôi các tế bào của thân thể, nó không đóng một vai trò gì cả trong tình yêu, tình thương, tình cảm của tâm hồn, của linh hồn.

Câu chuyện của các giá trị tâm linh không phải là đặt nó trong con tim hay khối óc, cũng không phải là chuyện siêu hình học hay thực hình học của khoa học, mà là chuyện khả năng của trí tuệ, tiềm năng của tuệ giác của con người có làm được chuyện tấm gương soi được thế giới muôn thể, của vũ trụ vạn năng chung quanh ta hay không ? Hình tượng tấm gương muốn soi để thấythấy để hiểu được thế giới muôn thể, của vũ trụ vạn năng, thì bản thân tấm gương này phải có thể lực, trí lực, tâm lực ngang tầm với thế giới, với vũ trụ. Cụ thể là tấm gương này có xứng đáng đứng ngang tầm với bản lĩnh của thế giới quanh ta, không chỉ có con người mà có cả thiên nhiên, môi trường với bao sự sống ; nó có xứng đáng đứng ngang hàng với tầm vóc của vũ trụ đang bao bọc, che chở chúng ta hay không ? Các giá trị tâm linh phải có nội công loại nào ? Để trả lời các câu hỏi này.

Hãy lấy câu chuyện thế giới quan và vũ trụ quan của Hàn Mạc Tử để làm cầu nối giữa tâm hồn và tấm gương, để nhận ra câu chuyện Hàn Mạc Tử là dùng thi ca để nhập nội vào tâm linh học. Một chuyên ngành muốn ra đời thì phải biến các kiến thức của mình thành các lý thuyết luận phổ quát, biến các tri thức của mình thành các phương pháp luận chỉnh chu, biến giải luận của mình thành khoa học luận chỉnh lý. Hãy bắt đầu bằng câu chuyện : Hồn là ai ? Là ai ? Tôi chẳng biết, hồn là tâm hồn hoặc linh hồn vẫn chưa là chuyện hay, mà chuyện hay và lạ ở đây là : Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi, tai sao lại cợt ? Vì cợt là để tìm hiểu xem con người có đủ lực, đủ tài, đủ tầm hiểu Hồn là ai không ? Và, khi con người bắt đầu hiểu được về chuyện tâm hồn, linh hồn tức là câu chuyện của tâm linh (tâm hồn-linh hồn) thì môi đầy hương, và khi hiểu thấu các giá trị tâm linh thì được : Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng !

Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam không hề có hai kinh nghiệm mà cũng là hai vốn quý của Hàn Mạc Tử đã trao cho Việt tộc là mỗi lần ta tìm đến các giá trị tâm linh ta sẽ có một cõi : đầy hương với bao ánh sáng ! Vì các người là những lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, độc tài nhưng bất tài, cái bất tài của các người là cái trống vắng đến thảm hại những ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp trong mô thức thi ca Hàn Mạc Tử.

 

Các người đã diệt

Nhân tâm của mô thức Hữu Loan

 

triet04

Suốt đời nhà thơ Hữu Loan sống chính trực, khí phách 

Trong sự nghiệp cướp chính quyền rồi độc quyền bằng bạo quyền, các người không hề có các định nghĩa lý thuyết về giá trị tâm linh. Đừng xa nhân thế, đừng lánh nhân tình, mà hãy nhìn sâu vào nhân tính để thấy rõ nhân tâm, rồi lấy điểm khởi hành là nhân từ, để đi trên con đường nhân đạo mà tìm tới tâm linh. Hãy dụng chữ nhân vì người-vì đời, để nâng niu các giá trị tâm linh, và các giá trị sẽ xuất hiện rành rành trước mắt chúng ta, với gốc nhân ái của chúng, luôn làm chỗ dựa cho nhân tính, có rễ sâu của của nhân từ qua cái tâm làm nên nhân tâm, bạn ơi, đây chính là địa chỉ, nơi cư trú của các giá trị tâm linh.

Các giá trị tâm linh có nguồn, có cội là nhân tâm, nên các giá trị này không cần tôn giáo để tồn tại, không màng tới tư tưởng để đứng vững, càng không thiết tha gì tới ý thức hệ để hoạt náo nó trong nhân thế, và càng xa lạ với chuyện mê tín, dị đoan nơi mà người ta tưởng tâm linh qua đồn đại là có liên hệ với cõi âm, mà mắt thường không thấy được, và phải nhờ thầy bùa, cô ngải chúng mới xuất hiện.

Có chuyện lạ là các giá trị tâm linh luôn được coi là thiêng liêng, và chuyện thiêng liêng này không hề liên can tới ma quỷ, thánh thần gì cả, nó thiêng liêng ngay trong nhân từ, nhân nghĩa, nhân tâm làm nên nhân thiêng. Tại đây, con người cũng có tầm vóc như Thượng đế, Chúa, Phật, thánh thần… để làm được những điều hay lẽ phải, vì nhân sinh quan của nhân tâm (mà Phật giáo gọi là vô lượng tâm) cũng có bản lĩnh bao la như thế giới, cũng có tầm vóc mênh mang như vũ trụ.

Hãy kể chuyện của bác Hữu Loan, đứa con tin yêu của thi ca cận đại, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim, được quần chúng yêu thơ bầu là bài thơ tình hay nhất của thi ca hiện nay, mà bác cũng là một trong những nạn nhân của bạo quyền độc đảng phản tâm linh. Khi Đảng cộng sản Việt Nam tác yêu tác quái với tà quyền trong sinh hoạt văn nghệ dưới sự đồng lõa của loại thi sĩ tà tâm như Tố Hữu để hãm hại những tác giả của Nhân Văn Giai Phẩm sau những năm của Cải cách ruộng đất, thì số phận thi ca và phần số công dân của bác Hữu Loan đã bị đẩy tới đường cùng. Bác Hữu Loan nhận nghiệp bất đắc dĩ với một nghề mới : "thồ đá", khiêng đá sống qua ngày, mà bác xem như một nghề bình thường, không coi là nhục hình, chấp nhận số kiếp mới với tất cả liêm sỉ của mình, giữa thanh bần có cái cao thượng của thanh bạch, dù đời sống hằng ngày rất thanh đạm, chắc cũng nhờ vào cái tâm của nhân tâm.

Hãy cứ ở lại trong thời kỳ sắc máu của Cải cách ruộng đất 1956-1958, cái tâm của nhân tâm trong bác Hữu Loan đã có : bác cứu vớt một cô gái bị bỏ rơi giữa đời sau khi cha mẹ, gia đình của cô gái này bị các tên đồ tể của cuộc thảm sát này giết hại. Bác còn thành hôn, lập gia đình với cô gái ấy, trước những con mắt cú vọ của đám bút nô ma bùn, trước các lời đe dọa bỉ ổi của đám tuyên giáo ma xó. Và, bác trai cùng bác gái đã thành bạn đời đầy nhân vị trong một chế độ phản nhân văn, chống nhân bản để diệt nhân tính, cặp vợ chồng này bất chấp mọi thù hằn của bạo quyền công an, mọi rình rập của bọn tà quyền văn nghệ, mọi kỳ thị của bọn ma quyền bồi bút.

Tình yêu đầy thử thách này, tình yêu ngập thăng trầm này tự nó mang theo các giá trị tâm linh của nhân tâm, xin bạn hãy cùng tôi gọi nhân tâm của bác Hữu Loan là nhân thiêng, nó thật thiêng liêng vì người-biết-cứu-người, mà không cần tới thượng đế, đạo giáo, thần thánh… Vì giá trị tâm linh này chỉ được chế tác bằng chất tâm của nhân, mà cả đời nó không hề sợ bất cứ một ý thức hệ nào dọa nạt nó, một bạo quyền độc trị nào hăm dọa nó.

Nhân tâm của Hữu Loan chính là nhân thiêng của Việt tộc biết cứu vớt những nạn nhân của bạo quyền trong cải cách ruộng đất, nơi mà các người là những lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam vừa giết người qua đấu tố, vừa triệt nhân tâm Việt qua nhiều thế hệ. Nhân tâm của Hữu Loan đi trên vai não bộ của các người, nhân thiêng của Hữu Loan đi trên đầu não trạng của các người.

 

Các người đã diệt

Những sớm mai xanh của Hoàng Cầm

 

triet005

Nhà thơ Hoàng Cầm

Các người đã truy diệt Hoàng Cầm trong Nhân văn giai phẩm, các người vẫn tiếp tục vùi dập nhân tài thi ca của Việt tộc sau ngày đất nước hết huynh đệ tương tàn, mà thủ phạm cũng chính các người. Các người chắc không sao có tầm vóc để cảm nhận các thi tứ của Hoàng Cầm trong Chào sớm mai :

"Bỏ lại sau lưng hoàng hôn ráng đỏ

Gậy nghiêng mình chào những sớm mai xanh".

Vô tâm linh lại vô giáo lý, các người đâu biết tự đào thật sâu tâm hồn của mình để nhận ra các giá trị tâm linh, vì con đường tự do đang sâu lắng, đang hiện diện trong mỗi chúng ta. Như vậy, muốn đi tìm cõi tâm linh thì hãy tìm ra con đường đi tới cõi đó, muốn nhận ra các giá trị tâm linh, thì phải để đẩy đủ thời gian đi tìm ra các giá trị ấy. Và, trên các nẻo đường đi này, ta đã có niềm tin vui sống để nuôi hy vọng sống vui, với tâm hồn rộng mở, chỉ cần thêm sự nhạy cảm với nỗi khổ niềm đau, với nỗi vui điềm phúc của nhân sinh, lấy sự cảm thông để cõng, bồng, bế, nâng cái nhạy cảm này.

Con đường đi tìm cõi tâm linh, có kho tàng là các giá trị tâm linh, bạn hãy giữ trọn công thức : Hãy làm hơn cái tôi đã có bằng cách vượt cái tôi đang có ! Để tìm bạn, tìm thầy, như tìm các linh hồn mới, cũng chính là sự thông minh mới ; một cái tôi mới và khác sẽ biến cái tôi nhỏ bé trở thành cái tôi mênh mang. Plotin thẩm định là một tâm hồn trọn vẹn biết ở trên cao ! Nhưng không phải ở luôn trên cao, vì là tâm hồn rộng mở nên tâm hồn này lên xuống qua lại, để tiếp người, để nhận đời, để yêu cuộc sống hơn. Hoàng Cầm, chỉ cho Việt tộc con đường đó.

Muốn đi trên một con đường tâm linh hoàn toàn mới này, để tìm cõi tâm linh, có châu báu là các giá trị tâm linh đang đợi ta, thì bạn phải biết : Bỏ lại sau lưng hoàng hôn ráng đỏ, bỏ mà không thương tiếc, vất nó sau lưng để gạt đi khổ lụy của màu đỏ độc tài đảng trị diệt nhân phẩm bằng vô thần, giết nhân tâm bằng vô cảm, qua bao cuộc chiến thảm khóc làm nên màu đỏ của máu, máu của đồng bào, máu của dân tộc... Bỏ nó không khó, vì nó đã đỏ trong hoàng hôn, trong buổi xế chiều của nó, trong giờ tàn gục của nó.

Các người không hề biết chuẩn bị hành lý nhân tâm làm nên nhân phẩm mà thong thả trong thư thái, cứ thong dong trong thảnh thơi, hãy song hành cùng chiếc gậy (nhân tính làm nên nhân tri) của bạn, lấy cái vị tha mà ung dung trong nhân cách, lấy lòng rộng lượng mà nhàn hạ trong nhân dạng, vì bạn đang đi về phía thật đẹp mà : "Gậy nghiêng mình chào những sớm mai xanh".

Các người không biết nghiêng mình chào nhân nghĩa, như chào sự thông minh vừa ra đời, chúng ta sẽ biết đón nhân lý, biết tiếp nhân trí, như tiếp bạn đồng hành tâm giao, đắc khí với ta. Mà chào, tiếp, đón, nhận để làm gì ? Để chữa lành nhân sinh quan của các người đã bao năm bị nghẹn lưỡi bởi tuyên truyền vô minh ; để chữa trị thế giới quan của các người đã bao năm bị què quặt bởi bạo quyền vô tri ; để chữa khỏi vũ trụ quan của các người đã bao năm bị thui chột bởi đảng quyền vô tri.

 

 Các người đã diệt

Những tấm lòng Việt đẹp trong mô thức của Nguyễn Bính

 

triet06

Nhà thơ Nguyễn Bính được tái hiện sinh động qua nét cọ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Tôi đã gặp không biết bao nhiêu là cán bộ, lãnh đạo các cấp khác nhau, tôi nhận ra họ không biết cảm nhận Những tấm lòng Việt đẹp trong mô thức của Nguyễn Bính :

"Em lo gì trời gió…

Em lo gì trời mưa…

Em lo gì mùa hè…

Em tiếc gì mùa thu…

Em cứ yêu đời đi…

Ta cứ yêu đời đi…".

Một bài thơ đẹp trong bình dị của một thi sĩ dễ thương luôn thảnh thơi trong tình yêu thì có giá trị tâm linh gì ? Mang được chiều cao tâm linh nào cho câu chuyện về các giá trị tâm linh ? Chắc là có, vì khi ta soi rọi sâu vào các động từ lo gì rồi tiếc gì để tìm tới các hành động cứ yêu đời đi ta sẽ thấy, sẽ nhận ra các đoạn đường tâm linh của bản lĩnh biết gạt ra khỏi cuộc sống những lo toan (vì có gì đâu mà lo !), để thấu một nội công biết tiếp nhận hành tác : cứ yêu đời đi.

Không lo gì rồi không tiếc gì để cứ yêu đời đi là một thái độ của minh triết, mà cũng là là một hành động dựa trên một động cơ tâm linh, vì không lo, không tiếc gì để yêu đời chính là nội chất của tâm linh. Minh triết đi tìm cái an trong an nhiên tự tại, còn tình cảm khi đi tìm các giá trị tâm linh thì nó đâu muốn an, đâu muốn yên, đâu muốn rút vào chuyện an phận thủ thừa, nó giục con người bằng động từ : cứ yêu vừa can đảm, vừa thiêng liêng ; nhất là yêu đời, yêu sự sống, yêu người… để giành tình cảm thiêng liêng (tâm linh) cho những ai xứng đáng được ta yêu. Sự khác biệt của tâm linh là nó không yên, vì nó muốn long lanh, nó luôn loáng lên để thúc người ta đi về hướng yêu, vì nó biết chắc bẩm là hướng yêu này : vừa hay lại vừa đẹp vì chúng vừa tốt lại vừa lành !

 

Các người đã diệt

Nguồn yêu thương thời Thơ Mới của Xuân Diệu

 

triet07

Muốn tìm nguồn yêu thương của Xuân Diệu thì phải cảm nhận được chuyện có-và-không-có trên cõi đời này để nhận ra chiều hướng tâm linh Việt tộc

Trong hành tác lãnh đạo bằng cuồng quyền của độc đảng, thì không sao các người cảm nhận được nguồn yêu thương trong mô thức Xuân Diệu. Muốn nghiên cứu về tâm trạng của con người, khi con người nhìn lại chính cuộc đời của mình để tự đánh giá mình, thì con người luôn cảm giác là mình yêu trễcảm nhận chậm khi được người khác yêu mình, chính chuyện cảm giác bị trễ-cảm nhận bị chậm này rất cần sự đánh giá về cuộc sống, mà tại đây các giá trị tâm linh là thước đo để đúc kết giá trị một đời người. Triết gia Jerphagnon khi nghiên cứu toàn bộ hệ thống tư tưởng Âu châu để hiểu tại sao các minh sư triết học ngày càng đi sâu vào minh triết để hiểu các giá trị tâm linh.

Nơi đây, minh triết là minh lộ để con người tới được các chân trời tâm linh, tại các chân trời này con người sẽ thấy các kinh nghiệm của nhân phẩm, luôn song hành cùng các trải nghiệm của nhân văn. Tại các chân trời tâm linh này, con người sẽ nhận ra rồi nhận rõ các giá trị của cuộc sống, để hiểu tại sao lại có chuyện trễ, tại sao lại có chuyện chậm ? Platon khi được Jerphagnon soi rọi qua cấu trúc triết học của chính Platon, luôn đi tìm để phân tích quan hệ giữa con người, linh hồn và thượng đế ; nơi mà mỗi con người sống trong cuộc đời như đi trên một con đường, và trên con đường đó con người gặp-nhận-hiểu-thấu nhân vị của linh hồn, nhân sinh qua thượng đế, mỗi lần gặp-nhận-hiểu-thấu như vậy con người luôn tự đặt cho mình câu hỏi tại sao ta gặp-nhận-hiểu-thấu : trễ như vậy, chậm như vậy ?

Augustin là trường hợp mà Jerphagnon ở lại thật lâu trong nghiên cứu của mình, trước hết St Augustin có tất cả các thành công trong xã hội, bằng tinh hoa của học thuật dựa trên tinh anh có trong sự thông minh của ông ; nhưng năm 33 tuổi Augustin đã bỏ tất cả để đi tìm thượng đế, vì nếu nhận ra thượng đế thì sẽ hiểu linh hồn là gì ? Cũng với sự thông minh xuất chúng của mình, Augustin không rơi vào chuyện mê tín, dị đoan, hoang tưởng, mà ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế với tấm lòng kính cẩn tuyệt đối. Nhưng khi ta đọc kỹ tác phẩm Confessions (xưng tội) của ông, người ta nhận ra ông mượn chuyện xưng tội là để vinh danh nhân phẩm của nhân loại. Như vậy, chuyện ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế có thể chỉ là một cái cớ chăng ? Cớ để ông biến đối thoại thành độc thoại, ông độc thoại với thượng đế để đối thoại với đời, với người, với chính thân phận của mình. Một cuộc độc thoại luôn muốn tìm con đường tâm linh để đi lên, lên cao, cao mãi để được ngang tầm với thượng đế. Như vậy sự thông minh làm nên nhân tri có thể hiểu được và thấu được sự thông minh của thượng đế ; cho nên các giá trị tâm linh, tự chúng là những con đường cao tốc, cho phép chúng ta sử dụng tốc độ cao, để tới các đích xa, mà không làm trễ cuộc đời của chính mình, không làm chậm sự thông minh của nhân tri có trong mỗi cá nhân.

Pascal là trường hợp mà Jerphagnon thấy được cái ý thức của con người luôn khiêm tốn để tỉnh táo, luôn khiêm cẩn để sáng suốt, để nhận ra tâm trạng trễ, tâm cảnh chậm khi con người đứng trước các chân lý của khoa học, các sự thật của nhân sinh, các lẽ phải của đạo đức. Pascal luôn tìm định nghĩa để giữ định đề, giữ định đề để không lạc đề khi phân tích và giải thích mọi giá trị, từ toán học tới triết học, từ ngôn ngữ tới nhân sinh. Và khi vào để phân tích và giải thích các giá trị tâm linh, con người sẽ có định hướng qua định nghĩa của ngữ vựng rồi từ đó mà đi tìm ngữ pháp rồi ngữ văn cho các chiều hướng của tâm linh.

Trong không gian học thuật để khảo sát các giá trị tâm linh của Việt tộc, chúng ta không có Platon, St Augustin, Pascal mà cũng không có luôn minh sư như Jerphagnon, vì ngay trên thượng nguồn định đề về thượng đế không có mặt trong văn hiến của Việt tộc, vì chúng ta đã chọn Trời, chọn Phật rồi. Nhưng không phải như vậy là chúng ta không có gì cả ! Không biết gì hết ! Chúng ta có rất nhiều, chỉ cần chúng ta dò lại, xem lại, không qua tư tưởng, không qua triết học, mà qua thi ca. Thí dụ về câu chuyện mình luôn cảm giác là mình yêu trễcảm nhận chậm khi được người khác yêu mình, câu chuyện cảm giác bị trễ-cảm nhận bị chậm, thì ta cứ trở về cõi thơ của Xuân Diệu : Tôi buồn nhìn lá hồng tuôn… Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương…

Ở đây, câu đầu có cái buồn khi nhận ra cái tuôn, tại đây cái rơi, cái tuôn, rụng tràn ngập theo bao sự mất mát, thấy sự vật rơi rụng như tuôn mà không làm gì được, chỉ thấy buồn, buồn vì tiếc, tiếc về sự rơi rụng chính là sự mất mát mà chúng ta không cảm nhận được trọn vẹn trước khi chúng rơi, rụng, tan.

Các người là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam muốn tìm nguồn yêu thương của Xuân Diệu, thì các người còn phải cảm nhận được chuyện có-và-không-có trên cõi đời này để nhận ra chiều hướng tâm linh Việt tộc ; cụ thể là mỗi lần chúng ta đọc để hưởng các tác phẩm của Platon, St Augustin, Pascal, thì chúng ta phải tự trở lại tâm linh Việt để thấy đầy đủ rồi nhận trọn vẹn cái đẹp và cái hay của Xuân Diệu. Từ đây, các người sẽ hiểu là chiều cao tâm linh của nhân loại làm nên chiều sâu tâm linh Việt tộc !

 

Các người đã diệt

Nguồn sinh linh của Trần Dần

 

triet08

Trần Dần qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh

Đây là nạn nhận đầy nỗi khổ niềm đau cả một nhân kiếp đã bị các người là các lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam vùi dập từ phong trào Nhân văn giai phẩm. Nhưng các người không hề hiểu gì về Nguồn sinh linh tràn đạo lý của Trần Dần : "Càng chết tôi càng bất tử". Câu chuyện tâm linh thường hay qua lại giữa cõi sốngcõi chết, nhưng nếu con người định nghĩa đúng về cái sốngcái chết, thì các giá trị tâm linh sẽ giúp con người phân biệt được : cái sống trong chướng nhục và nhận cái chết trong tinh anh. Đó là câu chuyện của bác Trần Dần, bị bạo quyền độc tài đầy đọa nhiều năm sau oan án Nhân văn giai phẩm 1956-1960 ; bị tà quyền văn nô hãm hại liên tục cho tới thế kỷ mới, năm 2000 ; bị ma quyền bút nô trù dập cho tới ngày qua đời.

Nên thi ca của Trần Dần là sự sáng đi tối về của các giá trị nhân tâm sắc nhọn, nhận chướng kiếp và nhận luôn tử kiếp. Khi thế kỷ mới tới, bác đặt câu hỏi : "Ai tăng cửa sinh ? Ai rình cửa tử ?", vì bạo quyền, tà quyền, ma quyền vẫn quanh quẩn bên nhau, quyện lấy nhau để thành âm binh, trùm phủ bóng tối của chúng lên số phận của Việt tộc, chúng rình rập để đe dọa sự sống. Mặc cho âm binh rình rập, nội dung tâm linh có trong thi ca, vì thi ca là ngã tư của bốn nhân tố : tự do đưa nhân tri gặp nhân tính, tự chủ dắt nhân lý gặp nhân phẩm, tự tin dìu nhân tâm gặp nhân từ, tự trọng dẫn nhân cách gặp nhân bản.

Khả năng của hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự trọng) khi nhập nội vào tiềm năng của hệ nhân (nhân tri, nhân tính, nhân lý, nhân phẩm, nhân tâm, nhân từ, nhân cách, nhân bản) sẽ làm nên hùng lực tâm linh, để phân tích sâu xa cõi sinh, cõi tử. Từ đây, cá nhân sẽ thấy mình có cá tính để trở thành cá biệt, để tách xa âm binh ; từ đó lấy số phận của chính mình để tra, suy, xét, đoán nhân sinh, để trả lời cho bạo quyền, tà quyền, ma quyền là mọi sự sống đều thiêng liêng. Mọi sinh vật đều là sinh linh, mỗi sinh mạng đều thiêng liêng, mà không một bạo quyền, tà quyền, ma quyền nào có thể diệt mà không bị truy, phán, phạt, xử, đây là luật và là quyền của tất cả sinh linh muốn sống bằng giá trị tâm linh của mình. Trong lao lý, trong nhục hình, trong khổ sai, chính sinh linh với các giá trị tâm linh của mình đã bắt đầu tra, suy, xét, đoán để giúp lịch sử và pháp luật truy, phán, phạt, xử bọn bất nhân, thất đức qua lời của thi sĩ :

Tha cho tôi. Tôi chưa đánh vỡ gì cả

Tôi chỉ đánh vỡ của mọi người một mảnh sống : đời tôi.

Không ai tin là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thâm thấu những thi từ này !

Và nếu lịch sử cùng pháp luật không thực hiện được công lý truy, phán, phạt, xử, thì chính nhân sinh sẽ bị mất mọi chân trời :

Có những chân trời không có người bay

Lại có những người bay không có chân trời.

Mất chân trời không những là mất tương lai, mà còn mất luôn các giá trị tâm linh, tại đây nếu con người không tự bảo vệ được các giá trị thiêng liêng, thì mất chân trời là mất lối thoát, là mất hẳn nguồn sinh linh của mọi sinh mạng, và sinh linh sẽ rơi vào tay của âm binh. Câu chuyện của khả năng của hệ tự (tự do, tự chủ, tự tin, tự trọng) khi nhập nội vào tiềm năng của hệ nhân (nhân tri, nhân tính, nhân lý, nhân phẩm, nhân tâm, nhân từ, nhân cách, nhân bản) làm nên hùng lực tâm linh, bây giờ đã trở thành sự thông minh của tự do, sự thông thái của nhân tri : đây là định nghĩa về nội chất của tâm linh !

Hãy trao sự thông minh của tự do, sự thông thái của nhân tri các lối thoát về phía chân trời tới các nạn nhân của bạo quyền, tà quyền, ma quyền mà bản chất là tục quyền (ngược hẳn với thanh lực của tâm linh, vì luôn biết giảng thanh khi bị đố tục). Ở phía chân trời, con người không phải cúi đầu trong nhục hình, khoanh tay trong khổ ải, quỳ gối trong đọa đày, mà con người là những cánh chim tự do, tự do bay, tự do lượn, và nhất quyết không chấp nhận chuyện cúi, khoanh, quỳ, gục trong âm khí của âm binh. Rồi từ đó, khởi duyên cho các giá trị tâm linh để các giá trị này khởi xướng tuyên ngôn là không chấp nhận kiếp tù : Hãy thù ghét mọi lao tù nơi thân ta rữa mục.Tôi không tin các người là lảnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thâm thấu những thi từ này !

Khi các giá trị tâm linh được định hình, thì các giá trị này đau đáu trong mất ngủ, vì thao thức với mọi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh, chết đi rồi mà không vơi, không yên trước cái đau của đồng loại : Chết đi tôi vẫn mất ngủ/ Eo ôi, chết vẫn không yên. Tôi không tin các người là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thâm thấu những thi từ này !

Khi thi sĩ lấy cái chết làm điệp khúc cho bài thơ của mình, thi từ chết được nhắc đi nhắc lại, để tạo nên cái không còn sợ chết nữa ! Giờ đây, thi từ chết làm nổi lên, làm thức dậy, làm sống lại nhân phẩm mà không một bạo quyền nào có thể dùng nhục hình mà mô hình hóa nó theo tà khuôn, và đây là tuyên ngôn của hùng lực tâm linh : Càng chết tôi càng bất tử. Khi cái bất tử đã vượt lên cái chết, thì cốt lõi của tâm linh vẫn là sự tha thứ : Hãy ôm lấy thế giới này, tha thứ cho nó. Tôi không tin các người là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thâm thấu những thi từ này !

 

Các người đã diệt

Sung lực tạo hình của mô thức Nguyễn Gia Trí

 

triet09

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh

Có lần nào trong cuộc đời chỉ biết độc đảng trong độc quyền, độc trị trong độc tài nhưng bất tài của các người đã thấy để thấu một tác phẩm sơn mài nào mà có một nghệ thuật vô cùng thoải mái, phóng khoáng đi cùng với một kỹ thuật tinh tế, sắc nhọn, mà tôi chưa gặp trong sơn mài Việt Nam, cũng chưa hề thấy trong sơn mài Nhật Bản hoặc Trung Quốc.

Có lần nào trong cuộc đời chỉ biết cực quyền trong cuồng quyền, xưng danh là vô sản nhưng đích danh là vô học các người nghe được tâm sự của họa sự này : "Vấn đề không phải là trừu tượng hay không trừu tượng, mà đây là tác phẩm thử thách lớn trong cuộc đời nghệ thuật tạo hình qua sơn mài của tôi. Qua bức Âm dương này, tôi muốn thực hiện cho bằng được màu vàng trên cánh con gián, một thử thách đã lấy rất nhiều công sức của tôi".

Trong khi đi tìm cái đẹp mới, thì kẻ sáng tạo đã có ý định là dứt khoát với cái cũ, với ý muốn là cắt các quan hệ với cái cái bình thường, cái thông thường, cái thông dụng, cái thực dụng đã có mặt trong mỹ quan, trong thói quen, trong xã hội. Cái đẹp mới dưới dạng một tác phẩm của sáng tạo, nó cùng lúc tạo một khoảng cách, một tách biệt, một chia lìa với cái cái bình thường, cái thông thường, cái thông dụng, cái thực dụng. Chính đây không những là lối đi của nghệ thuật hiện đại thế kỷ thứ XX, mà còn là ý tưởng của phái siêu thực (surréalisme). Kinh nghiệm hay nhất tại Việt Nam vẫn là của danh họa Nguyễn Gia Trí dùng tự do nghệ thuật của mình để tạo ra cái đẹp mới, để chọn cho mình cái tự chủ, cái tự sinh, cái tự tồn, cùng lúc làm một cuộc khai phá hoàn toàn mới không những trên kỹ thuật sơn mài mà còn mới về tư duy, ý tưởng, lý luận trong sáng tạo ra cái đẹp mới !

 

Các người đã diệt

Tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi của Phạm Duy

 

triet10

Phạm Duy vượt lên cả chuyện thể phách, tinh anh của riêng mình, để tinh hoa hóa môi trường sống của đất nước qua cách tự tình dân tộc của riêng mình

Việt tộc gần với ca khúc của Phạm Duy qua cái đẹp, cái hay, cái cao, cái lành trong âm nhạc bác, tôi tiếp tục trân trọng những cái này trong việc nghiên cứu về dân tộc học, về nhân học của mình mà không để cái mê chấp của thời cuộc làm mờ nhạt đóng góp của đứa con tin yêu này của Việt tộc. Phạm Duy là người Việt hiếm hoi mà tôi thấy tuổi đời không lấn được trí lực. Lý trí khi đã thành sinh lực, nó trở thành tinh anh và tự cho phép nghệ sỹ và trí thức đi trên vai của thời gian, cụ Tiên Điền thi hào của Việt tộc đã đào sâu được chuyện này : "thác là thể phách, còn là tinh anh". Phạm Duy vượt lên cả chuyện thể phách, tinh anh của riêng mình, để tinh hoa hóa môi trường sống của đất nước qua cách tự tình dân tộc của riêng mình, cả đời nghệ thuật của mình Phạm Duy biết "trẻ hóa tình yêu", "thăng hoa yêu đương", cùng vui chia nhau những niềm thương thật hiếm hoi trong cuộc sống. Muốn làm được chuyện này trong gần một thế kỷ phải có hoài bão mạnh, ý tưởng vững, nơi mà trí lực phải dựa vai cùng ý lực, như lời Phạm Duy đã đọc khi giới thiệu đạo ca, khi phổ thơ Phạm Thiên Thư : "ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình", ý Phật và tâm Phật là một. Sinh lực của Phạm Duy đủ vai vóc đồng hành với ý lực, chuyện Phạm Duy làm việc say mê dung hòa với chuyện ăn uống điều độ, sống một ngày với bác thấy rõ được việc này, tránh xa mọi nơi "chén chú, chén anh", kỷ luật tri thức rành mạch với thì giờ trước mắt, chuyện nghỉ ngơi đúng lúc giữ cho tầm vóc tư duy luôn được sáng suốt.

Phạm Duy đã tặng cho chính mình một món quà thật quý, mà thi sĩ Y.Bonnefoy, tầm cỡ loại nam tào của thi ca Pháp trong thế kỷ hai mươi, đã nói rõ được chuyện này "l’esprit sait vaincre la grisaille". Lý trí biết cách thắng cái ảm đạm, cái mờ đục, nó không chấp nhận cái đìu hiu. Không già tức là không lẩm cẩm, mà cũng là không thụ động trước các truy bức trong cuộc sống, cứ đẩy nhân tính gần về phía biên giới của thú tính. Phạm Duy luôn thấy được lối ra mỗi lần cuộc sống bế tắc, sự thụ động hoàn toàn xa lạ với cá tính quyết đoán của bác, không có cá tính này đừng tìm đến nghệ thuật, có cá tính mạnh mới trao truyền được sáng tác, kể cả những sáng tác buồn, kể cả những tác phẩm bi quan. Vì cá tính đánh thức cảm tính, vực dậy linh tính, làm thẳng lưng trí tính, mở đường cho nghệ thuật được thăng hoa ; không rũ tức là không cam nhận tai biến.

Trong chuyện vật đổi sao dời sau 1975, với hằng triệu đồng bào phải bỏ quê cha đất tổ ra đi, Phạm Duy có trong khúc ruột bị cắt điếng vất xa tắp khỏi quê hương đó. Những năm đầu tiên bác cũng hoang mang như mọi người, vì đồng bào di tản của mình bắt buộc phải vượt biên mà dân tộc mình chưa hề có kinh nghiệm vượt biển. Biển đông đã thành một nấm mồ khổng lồ vô hình của bao bạn bè, của bao quyến thuộc… nhưng Phạm Duy không rũ, không gục ; với bầy chim bỏ xứ, chủ động với nhận định "tự do là tiếng loài chim !", phải chọn lựa tự do mới bảo vệ được nhân cách của mình, phải gìn giữ tự do mới che chở được tư cách của mình, đối với nghệ sĩ và trí thức phải ôm ấp tự do mới nuôi nấng được phong cách của mình.

Có lần, Phạm Duy hỏi tôi : "Trong thiền ca, nếu chọn một câu hay nhất thì toi chọn câu nào ?", tôi thảnh thơi nhưng cũng trầm mặc trả lời : "Cháu chọn câu : "Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu, xa miền chiến tranh", cháu chọn câu này vì nó có nội dung hòa hợp, hòa giải dân tộc !". Sau cuộc huynh đệ tương tàn trong thế kỷ hai mươi, đáng lẽ kẻ thắng là người cộng sản phải làm chuyện này, họ không làm lại để kẻ thua trận, bại cuộc làm chuyện này, thì lương tri và nhân phẩm sẽ thuộc về bên thua cuộc. Nhớ lại người xưa thật hay, như Quang Trung Nguyễn Huệ chẳng hạn, từ Nam ra Bắc, giải phóng trọn vẹn tổ quốc, khi tới Thăng Long, thủ đô thương yêu của Việt tộc, không còn một bóng giặc Thanh, vua liền bị vây quanh bởi các kẻ đầy tị hiềm dân tộc, trao tới vua một hồ sơ những người đã hợp tác với ngoại xâm, đưa đẩy vua phải mang họ ra xử, vua đã xé bản tường trình tố cáo đó, lại còn lập ngay đàn giải oan, dứt khoát xóa tất cả vết nhơ trong chuyện huynh đệ tương tàn.

Trong Đảng cộng sản Việt Nam từ khi lập đảng tới khi cướp được chính quyền cho tới ngày nay độc quyền, không có đấng minh quân loại này đã hóa giải chuyện "gà nhà bôi mặt đá nhau" để hòa giải nên chuyện "gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau". Phạm Duy nghe tôi kể xong chuyện hóa giải để hòa giải, bác liền nhắc tôi : "Moi đã làm chuyện hóa giải để hòa giải này từ lâu, hồi còn trẻ giữa cuộc chiến tang thương, trong bài Bên Cầu Biên Giới moi đã thấy hậu quả của chuỵên hận thù : "lòng tôi sao vẫn còn biên giới ?", rồi trong bài Bà Mẹ Gio Linh, ôm đầu đứa con vừa bị giặc chặt, nhưng lòng tràn đầy tình thương đồng loại"xa xa tiếng chuông chùa réo", moi hình dung một viễn ảnh của dân tộc mình mà tâm Phật qua tiếng chuông chùa chan hòa trong không gian ; tình thương đồng loại ngân vang như chuông chùa giữa cuộc sống".

Thái Thanh hát Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy

Nhạc hay là nhạc cảm hóa được mọi tỵ hiềm, cảm nhận được tình thương bao la của việc hóa giải để hòa giải, các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam không đủ tâm, đủ ý, đủ lực để hòa hợp được với dân tộc này, đã chịu quá nhiều thảm hoạ. Phạm Duy không coi chuyến lưu vong sau 1975 vừa qua là vĩnh viễn, phải chấp nhận kiếp lưu đày tới chết, Phạm Duy đã trở lại với quê hương, đã tìm về với dân tộc, không một xảo thuật chính trị nào có thể giật dây được thái độ này. Đừng mơ hồ và cũng đừng đánh lận con đen trên chuyện này, vì nước Việt là của mọi người Việt, không một chế độ nào, không một chính phủ nào, không một ý thức hệ nào thay đổi được chân lý này. Không nản ở đây là không để cho dân tộc này bị chia xé, không để cho đất nước này bị chia cắt, vì "tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời", cho dù "đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu", cùng dân tộc tôi "tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ" ; đó là thông điệp âm nhạc của Phạm Duy.

Nhưng khổ đau cuộc sống hàng ngày trên đất nước đã tới Phạm Duy trọn vẹn, nhờ sức nhận định rành mạch về thời cuộc của bác, lần cuối gặp Phạm Duy tại Sài Gòn, bác tâm sự : "Đối với nghệ sĩ trên đời này chỉ có hai chế độ, chế độ ác và chế độ lành, chế độ này không lành, vì nghệ sĩ không được tự do sáng tác, kể cả tự do gặp gỡ nhau. Moi về đây đã năm năm, bị mổ, bị bịnh, bạn bè không dám tới thăm… nhưng buồn nhất vẫn là chuyện dân tộc mình còn trong lầm than, nhất là về nông thôn, đồng bào mình sống khổ cực lắm cậu à !… Có lẽ moi sẽ trở lại Mỹ, rồi viết tiếp hồi ký, cuốn hồi ký lần này, moi sẽ đặt tựa là : năm năm mặc áo giấy !". Các người là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chắc các người biết ngạn ngữ đi với thầy tu mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, Việt tộc dặn dò, chỉ bảo nhau chuyện này vừa để phòng thân đối với bọn xấu, vừa để thủ thân đối với kẻ ác, cũng vừa để tìm cách lập thân trong một môi trường lành, rồi tu thân trong cái trong. Phạm Duy đi và hát để thấu được số phận của Việt tộc đã nằm trong cái tăm tối của thế kỷ hai mươi, rời khỏi thế kỷ này không biết là mình đang cười hay đang khóc, hài kịch cõng bi kịch trong thế kỷ này vì thảm kịch đã bồng thảm cảnh trong thế kỷ qua, "nước mắt len sau từng nụ cười", vận nước nay mai rồi không biết về đâu ? nhưng đừng chùng bước trong cuộc tầm xuân : "… Người ôm nhân loại trong mình. Cười trong nước mắt cho xuân tình dấy men…".

Nhạc của Phạm Duy cũng dặn thêm cho đời chữ mất, người ta yêu và không ngừng yêu, vì đã bị mất mát nhiều, và biết vui lên khi cuộc sống trở lại bình thường : "Tình xuân chớm nở đêm qua khi mùa chinh chiến đã lùi xa ngoài đời", số phận của một dân tộc đếm bằng mùa chinh chiến. Không chờ, không đợi, sẵn sàng tìm nhau "Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu…" để gặp nhau"Gặp nhau trong vinh dự của đời người…". Không chờ, không đợi để không vội, không hoảng, biết nhận vận tốc của thời gian như biết nhận tuổi đời, nhưng cũng biết thong thả với đời, để được ung dung với thân : "Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi chớ vội gì". Phải tiếp tục sáng tác, phải tiếp tục làm chứng nhân cho sự thật và lẽ phải : "Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn…", cũng chỉ vì : "… lời tôi thay cho tiếng đạn bay… lời tôi khâu vá tình thương... đừng cho ai ăn cướp tình ta… lời tôi sâu như tiếng tình yêu…". Trước sau, bác vẫn không nản : "tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người".

Phạm Duy có nhạc thuật như rừng thẳm mang bao bài thơ vào ca khúc, trao bao thi từ cho ca khúc Việt, trong đó có Phạm Thiên Thư "Chắp tay lạy người cho xin nụ cười". Động tác nghiêm cẩn chắp tay, để khẩn nguyện, để gởi tới tấm lòng thành trên đường đi tìm tới các giá trị cao đẹp của cuộc đời, với hình tượng qua bài Chắp tay hoa, mang hình ảnh cao quý của con người lấy ý nguyện nhân tâm để tạo nên ý lực cho chính mình giữa nhân thế. Đây là một định nghĩa thuộc về hiện tượng luận của các giá trị tâm linh, qua "vô trương bất tín" (không thấy không tin, thấy rồi mới tin), vì thấy một người đang kính cẩn cầu nguyện ta hiểu người đó đang khẩn nguyện, và hình tượng chắp tay, đẹp lại đẹp hơn với nụ cười : Chắp tay lạy người cho xin nụ cười, xin nụ cười như xin sự vui sống để sống vui giữa người, giữa đời, chỉ một nụ cười là cuộc sống giữa người và người vui lên, là sinh hoạt giữa người và người sẽ hay lên, là quan hệ giữa người và người sẽ đẹp lên.

Nụ cười đánh thức chuyện hay, đẹp, tốt, lành của kiếp người, mà nó cũng là dấu hiệu của sự thức tỉnh giúp người biết gần người hơn. Chắp tay lạy trời xin đám mưa rơi, lạy trời được làm mưa để làm mát, làm mát nhân tình, làm sạch nhân thế ; mà Việt tộc còn biết biến mưa thành lửa nữa : "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp". Những câu ca dao tưởng là tầm thường, nhưng nó mang lòng thành của một cõi tâm linh nói lên chuyện "biết ơn", vì khi "biết ơn" là bạn đã đi được một bước để vào cõi tâm linh. Chắp tay lạy đất cho mầm cây tươi ; lạy đất là lạy gốc, rễ, cội, nguồn của chính mình, lạy với sự kính cẩn của kẻ biết được mình đang sống là nhờ : đất, từ đất "đâm chồi, nẩy lộc" làm nên cây trái, nuôi người, nuôi bao sinh vật khác cùng chung sống trong chung vui với mình. Biết nghiêm cẩn để biết, để nhận sự chung sống-sống chung là đã đi được bước thứ hai vào các giá trị tâm linh rồi đấy !

Chắp tay lạy nước cho mát cõi đời, lạy nước thượng nguồn của mọi sự sống, lạy toàn thể quá trình nuôi dưỡng sự sống ; vì nếu không có cõi nước, chắc chỉ còn cõi khô, cằn, gục, quỵ, đang báo tin là sự sống đã ra đi. Nước còn làm mát cõi đời, khi con người đang bị khô trong nhân tính, rồi cằn trong nhân tâm, để gục trong nhân tri, và quỵ trong nhân vị, thì nước còn biết rửa các vết nhơ, các bẩn chất, nước sẽ mang lại cái trong cho nhân tri, và cái sạch cho nhân phẩm. Khi đã lạy người, lạy trời, lạy đất, lạy nước rồi, thì bạn sẽ vừa lạy cung kính, vừa bay trong tự do : "Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng", lạy để được bay cao trên nhân tình, thế thái, bay cao trong nhân nghĩa, trong nhân ái. Cõi tâm linh là cõi cao rộng, chính nó là cõi của tự do, vì nhân vị cao trong nhân quyền rộng.

Khi tâm lực của bạn biết bay cho trời cao rộng, thì tâm trí của bạn đã bay thảnh thơi, bay nhẹ nhàng vào cõi tâm linh đấy :

"Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời

Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời

Đâu không là Phật… đâu chẳng là trời

Xin mở lòng ra cho trời đất hiện

Tâm là đạo quý…

Thần thánh đi rồi… chỉ có lòng thôi

Hiện hữu đây rồi… Không ý không lời…

Tôi không là tôi… người không là người

Lạy cho sạch sầu đời… lạy tất cả hiện hữu diệu vời",

cho vạn vật hiện rõ nguyên hình, hiện sáng nguyên trạng trong cái đẹp tuyệt vời, rồi hòa chung vào Phật, vào trời, vào đất, nơi có tâm của bạn là đạo của cõi tâm linh, không cần thần thánh, chỉ cần lòng thành của chính bạn, trong đó cái tôi cái người đã nhất quán là : một !

Việt tộc xa lạ với các bài quốc ca cổ vũ chuyện diệt thù, việc giết người vì đã chọn thù hằn để diệt đối phương, để bị đánh mất cái đức của cái tâm làm nên cái đạo của cái người. Việt tộc rất xa lạ với các khẩu lịnh sát nhân kiểu Tố Hữu : "nhìn thẳng đầu thù mà bắn", loại khẩu lệnh này gây cho chúng ta cảm giác lờm lợm, buồn nôn, chỉ vì nó không được trợ duyên bằng một chiều sâu tâm linh của cõi người. Chiều sâu tâm linh dặn dò ta là thù cũng là người, hãy vận dụng sự thông minh tâm linh để biến thù thành bạn, vì vậy trong chiến tranh diệt thù bằng cách giết thù là một hành động có thể hiểu được, vì phải giết thù để sống còn, khi thù đang tìm cách giết ta, nhưng khi giết thù rồi thì đừng xem đó là chiến thắng của nhân tâm.

Lõi nhân tâm làm nên cõi tâm linh, như vậy chiến thắng lớn nhất trên cõi người này là chiến thắng cùng với kẻ thù, cùng với đối phương, cùng với đối thủ, cụ thể là song hành cùng kẻ thù để cùng đi về phía chân trời của vị tha : sống giữa đời và sống suốt đời mà không có tử thù ! Nếu thù ai quá đổi tới độ phải thốt lên câu : "không đội trời chung" với kẻ đó, thì đây là một quyết đoán của chủ quan, có thể hiểu được nhưng ta có quyền không chấp nhận nó, chỉ vì nó không mang một giá trị tâm linh vĩnh hằng nào cả, mà ngược lại nó là sự thất bại của cõi người. Vì chuyện sống chung với người là chuyện đội trời chung với người, qua thử thách và cùng người vượt thoát và vượt thắng chuyện thảm sát nhau ; không thực hiện được chuyện này, thì thất bại này sẽ lớn lắm bạn à.

Mỗi lần có những nỗi buồn lo ập đến trong tâm hồn bạn, mang theo bao độc chất của tà quyền đang biến thành ám chất trong cõi người, với loại câu hỏi như sau, làm hỗn loạn tư duy : Tại sao Việt tộc ra nông nổi này ? Người Việt hiện nay chọn vô cảm làm phản xạ trước các nỗi khổ niềm đau với chính đồng bào mình. Tại sao Việt tộc lại đánh để mất đời sống tâm linh của nhân tâm như vậy ? Rồi gọi tên mê tín, dị đoan là tâm linh, biến cõi tín ngưỡng, từ chùa chiền tới lăng miếu, thành nơi buôn thần bán thánh có vụ lợi, để phục vụ cho tư lợi. Tại sao Việt tộc lại cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trước bạo quyền độc tài, trước tà quyền tham quan, trước ma quyền buôn người bán tình ? Mà không vận dụng chiều sâu tâm linh của tổ tiên, để biến nó thành chiều cao cho chính nhân phẩm của mình ; là đứng dậy, là thẳng lưng, là ngẩng đầu, để gạt đi cái bạo, xóa đi cái , vất đi cái ma, để lấy lại cái người vì cõi người.

Các người là lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam có thể trả lời câu hỏi này qua ca khúc Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy : Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người… Việt Nam đem vào sông núi tự do, công bằng, bác ái muôn đời : nên chỉ có thể là nạn nhân của bao tàn phá chiến tranh, bị đổ nát sâu đậm trong tâm hồn như Việt tộc mới thấy hết giá trị của tự do, công bằng, bác ái. Vì ba định đề này là ba tiền đề cho nhân quyền, một nhân quyền bao la, đó là quyền yêu người để yêu mình, yêu đồng loại để yêu đồng bào… yêu muôn đời. Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau, Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu : Việt tộc không đòi xương máu, quyết tâm ra khỏi vòng điêu lụy của xương máu, để kêu to, để kêu xa, để kêu sâu bằng tiếng gọi thương nhau ; trong cõi thương nhau, luôn mang hai giá trị của hạnh phúc mà cũng là hai giá trị của tâm linh yên (và) vui, dài (và) lâu.

Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới, Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời : Việt tộc sẽ đi trên con đường tương lai không bằng sự vô cảm đã bị độc chất của tà quyền ám chụp bao lâu nay, mà chúng ta sẽ đi trên con đường tương lai bằng ý nguyện của lửa thiêng để biến nó thành ý lực đủ sức soi toàn thế giới ; chính sung lực của ý nguyện và hùng lực của ý lực trao tặng cho Việt tộc bản lĩnh biết nguyện tranh đấu cho đời. Việt Nam, Việt Nam… tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người : có bản lĩnh lấy tình yêu làm khí giớinhân phẩm Việt làm cao nhân ái ; có tầm vóc trao tặng tình thương cho muôn nơinhân tâm Việt làm rộng nhân từ, có nội công với tiếng nói đi xây tình ngườinhân đạo Việt đi xa vào nhân bản.

Tại sao giờ đây trong một chế độ độc đảng vô thần, tạo nên vô tri trong xã hội, sinh ra vô cảm trong dân tộc, vì vô giác trước tiền đồ của tổ tiên, đã "vô luân hóa" các giá trị tâm linh của Việt tộc ? Dân tộc dưới tà quyền độc đảng đang đánh mất linh hồn Việt ! Nếu có một ngày nào đó, có một cuộc thăm dò ý kiến về chuyện nên chọn một bài trong ca khúc Việt nào gồng gánh được vai vóc tâm linh Việt, một bài hát có ý lực tâm linh để xây dựng lại tâm hồn Việt đã bị rã nát qua bao cuộc chiến, đã bị một chủ thuyết ngoại lại vô thần (nên vô linh) dùng độc tài vô giác để vùi dập cõi thiêng Việt từ hơn 70 năm qua, thì Việt tộc có thể chọn bài Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy.

Sự chọn lựa này không chỉ cho riêng ai, mà còn vì Việt tộc phải lấy lại chiều sâu tâm linh cho chính mình, để lấy lại chiều cao cho cả thế giới, cho mọi dân tộc, vì Việt tộc biết thương hòa bình vì thương đồng loại, như thương chính đời sống tâm linh của mình, đã bị đổ nát qua bao chiến cuộc vô nhân. Các người đang cuồng quyền trong bạo quyền độc đảng toàn trị, các người hãy bình tâm nghe kỹ bài Việt Nam, Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy, không chỉ vì Việt tộc, mà còn vì cả thế giới này, vì Việt tộc biết thương cả nhân loại này !

Chiều sâu tâm linh giúp Việt tộc nhận ra mọi cõi : cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận… mà sức mạnh của khoa học không nhận ra được, mà giáo dục không nhìn ra được, ngay cả đạo đức của đạo lý và của luân lý cũng không nắm bắt được. Chỉ vì cõi tâm linh là cõi có lực vận hành rộng hơn khoa học, sâu hơn giáo dục, xa hơn đạo đức, nó có đường đi nẻo về của tâm cảnh làm nên tâm cảm, tương tác liên tục với nhân thế để đúc kết ra nhân cảm. Trong nhiều cõi : cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận… mà mỗi cõi có quy luật riêng vì có lập luận riêng, có chuyển động riêng vì có sự vận hành riêng, mà một người đã vào được nhiều cõi và đủ an nhiên tự tại để : nằm đó nằm yên mọi chốn, thì người này yêu cõi sinh nhưng cùng lúc không sợ cõi tử, và người này hiểu cõi hận nhưng không để ai đó xóa đi cõi tình của mình.

Câu chuyện mọi chốn của Phạm Duy là câu chuyện của chính cuộc đời ông, đi nhiều nên sống nhiều, sống nhiều và cũng hận nhiều vì tình nhiều, câu chuyện mà mọi trải nghiệm không hề vô thưởng vô phạt, nó chính là kinh nghiệm của sự sống đã được sống, trong mọi chốn, nên khi tổng kết cuộc đời thì ông kết luận được : tôi nằm đó nằm yên mọi chốn… Cõi tâm linh là cõi của sự sống đã được sống, nó không trên trời rơi xuống, nó không dưới đất trồi lên, thậm chí nó không xuất đầu lộ diện trong đời sống xã hội nếu đời sống xã hội đó không có các giá trị tâm linh trong quan hệ giữa người và người, nếu đời sống đó không có tầm vóc tâm linh trong sinh hoạt người và người.

Mà vắng bóng các giá trị tâm linh thì con người sẽ rời xa nhân tính, rồi sa vào mê lộ nửa nhân tính-nửa thú tính, mang nửa nhân kiếp nhưng bị đày đọa bởi nửa thú kiếp. Vì chỉ biết đói ăn khát uống mà không biết thụ hưởng nhân cảm đã có trong nhân cảnh, vì chỉ biết ăn tươi nuốt sống mà không biết tận hưởng tâm cảm làm nên tâm khảm ! Một cuộc đời mà không được trợ lực bởi các giá trị tâm linh, không được trợ duyên bởi cõi tâm linh của mọi chốn, thì chắc chắn cuộc đời này sẽ chật vì nó hẹp nhân cảm, thì chắc chắn cuộc đời này sẽ cạn vì nó đã để khô tâm cảm.

Tròn như viên đạn đồng đen, chỉ một thi từ mà mang bao khổ nạn của Việt tộc qua bao cuộc chiến, với bao triệu đồng bào đã bị mất đi sinh linh của mình, mà linh hồn Việt đã chịu bao đổ nát, bây giờ lại bị bạo quyền độc tài đã biến thân thành tà quyền độc trị vùi sâu trong vô minh làm ra vô tri, để vô giác tạo ra vô cảm ngay trong tâm khảm Việt. Hãy thấy trong từ : tròn, trong quy trình tròn trịa của nhân sinh, vì chúng ta phải đi cho trọn cái tròn, như để che chở cái hòa sẽ làm nên cái hoàn, nơi quyết lực đi tìm sự hài hòa để loại bỏ chiến tranh, từ đó hoàn tất kiếp người, phải được tròn như lý tưởng của chúng ta quyết tâm bảo vệ sự sống.

Hãy ngừng lâu hơn với từ : khô qua giòng thời gian đã làm ráo đi bao hậu quả của chiến tranh, khô thì ráo đi mọi hận thù, nơi mà mọi oán thù sẽ bốc hơi, vì sự sống mang sung lực biết quên, làm được chuyện quên thù cũ để chế tác nhận thương mới, chiều cao tâm linh biết xa cái hận cũ để tìm những cái yêu mới. Đây là tiềm lực đôi của chiều sâu tâm linh làm nên đạo đức cho nội công tâm linh, biết quên đi những cái xấu, tồi, tục, dở để con người xa rời được những cái thâm, độc, ác, hiểm, từ đó dễ dàng tìm tới những cái hay, đẹp, tốt, lành của các giá trị tâm linh được dựng lên từ gốc, rễ, cội, nguồn của cõi tâm linh cao, sâu, xa, rộng.

Sự thất bại tâm linh vô cùng lớn của bạo quyền độc đảng hiện nay là không làm được chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc, sau chiến cuộc huynh đệ tương tàn 1954-1975, để tạo dựng nên được sự chung sống (anh em một nhà) trên gốc rễ của sự chung chia (hạt muối cắn làm đôi) làm nên sự chung dạng (anh em như thể tay chân), tạo ra từ nguồn cội của sự chung vui (chia ngọt sẻ bùi). Hãy tới cõi tâm linh bằng chính tự do của bạn, bằng chính tâm hồn trong, linh hồn sáng của bạn, hãy đi trên con đường : nhân tính làm nên nhân tình ; nhân từ biết chở che cho nhân nghĩa, từ đó mọi tuyên truyền ngu dân, mọi khẩu lịnh mỵ dân tự nhiên thành bọt bèo, rồi tự biến mất trong cõi sinh, cõi sống của bạn.

Việt Nam có nhạc sĩ Phạm Duy, có thi sĩ Phạm Thiên Thư mà nhiều dân tộc khác mơ mà không có ; câu chuyện ta có mà ta không biết đã là một cái lỗi, nhưng các người là lãnh đạo độc đảng toàn trị biết mà không giữ gìn, nâng niu, chăm sóc là một cái tội ! Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ… sương thì yếu yểu, rơi là tan, nhưng hoa cũng mong manh vậy, vậy mà hoa biết hứng đỡ sương, lấy chính thân mong manh của mình để hứng đỡ cái chóng chày, cái đang phôi pha giữa sự sống. Đây là một bài học quý về giá trị tâm linh, nếu bạn đang yếu lả, đang mong manh, bạn vẫn có thể giúp, có thể cứu những ai yếu hơn mình, mong manh hơn mình.

Tình thương thật cụ thể, vì nó không bỏ quên ai, dù kẻ cứu cũng đầy ngập các khó khăn, các thử thách, các thăng trầm, nhưng phải giúp-cứu-nâng-đỡ kẻ yếu "trước đã", còn mọi chuyện khác thì để "tính sau" ! Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong. Khi cát đang bị nóng, đang bị khát, nếu nhân phẩm là dòng nước trong thì bạn sẽ cứu được vô vàng hạt cát ; chỉ một động thái mở lòng nhân từ để làm dòng nước trong, thì lòng nhân từ này chính là lòng nhân hậu. Muôn loài như mây lam, xin làm trời bát ngát… Hãy thấy trong trạng từ : bát ngát, cái rộng mở của cõi thương, biết thương dung dị vì đã biết thương sâu đậm ; thương để chứa, để nâng, kẻ được thương nhờ vậy mà yên tâm ; bài học tâm linh này, xin được đặt tên là : thương bát ngát !

Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương… Bạn ơi, hoa thắm, mỗi ngày đều cần ánh dương, cần bình minh, cần rạng đông, cái sáng, cái nóng của mặt trời để được ấm thân, để nuôi thân, để "tiến thân" : nở thật sáng cho đời, thật đẹp cho người, thật mạnh cho sự sống. Bài học tâm linh đã nằm sẵn trong vũ trụ hằng ngày : hoa thắm, một sinh thể hữu hình của cái đẹp, được làm nên, được tạo ra bởi cả một vũ trụ của ánh sáng, mang sức nóng của mặt trời để sự sống tự nói lên rằng : sự sống rất đẹp ! Mỗi lần đi tìm các giá trị tâm linh trong cuộc sống, bạn đừng quên ánh dương này, không những đang ở trên đầu bạn, mà ở chung quanh bạn, đang làm ấm, làm sống bao sự sống ! Muôn loài như hương thơm, xin làm cơn gió sớm… Hãy đưa và giữ hương thơm trong cõi sống của bạn, hãy đi cùng với hương thơm trên con các nẻo đường tìm tới các giá trị tâm linh, vì nhận ra được các hương thơmnhân cảm đang sống mạnh trong nhân tính, nhân tri.

Muôn loài như con suối, xin làm biển khát khao… Muôn loài mà chỉ như một con suối, muôn loài này tưởng bao la như cũng thật nhỏ bé, lẩn quẩn trong quanh quất qua lau sậy, vượt ghềnh thác, vì muốn ra được biển cả. Con suối này, muôn loài này, tạo tâm lực bền, trí lực vững để con suối có thể lực mạnh mà tìm đường ra biển. Vì vậy, chính Việt tộc cũng có thể là biển lớn để trợ lực, để trợ duyên, để giúp con suối muôn loài dể tìm đường ra biển, khát khao là động tự trong hành tác của các giá trị tâm linh, luôn tạo các điều kiện hay, đẹp, tốt, lành cho đồng loại, đồng bào, cho muôn loài đi về cõi cao, sâu, xa, rộng của đại dương. Biết mình là suối, nhưng muốn làm biển, đó là hùng lực của tâm linh ! Một động tự khác : Xin làm, không phải cúi đầu đi "xin việc", mà ngẩng đầu để xin làm đẹp cuộc sống bằng các giá trị tâm linh :

Xin làm màu hoa kia hoa vàng trong kiếp sống ; nơi mà hoa tự đẹp không chỉ cho riêng mình trong ích kỷ, mà làm đẹp cho cả cuộc sống, nơi mà tầm nhìn tâm linh làm nên tầm vóc tâm linh, rồi chế tác ra ngay tức khắc các giá trị tâm linh. Xin làm hạt cây nhé hoa cho đời hiện hữu xuân ; làm hạt mầm trong lòng đất, làm hạt cây để cây sẽ được làm cây, để cây sẽ tặng hoa cho đời, dâng trái cho người. Một nghĩa cử mang giá trị tâm linh luôn là một hành động có ngay trên thượng nguồn của mọi sự sống, có trong hạt, có trong mầm, và sự thăng hoa của hạt, của mầm, sẽ làm đẹp đời, sẽ nuôi người.

Đây là cái đẹp sơ nguyên của mọi cái đẹp hiện hữu ; nếu muốn luôn có hiện hữu xuân thì phải chăm lo cái đẹp sơ nguyên ! Xin làm chim gõ mõ gõ tan kiếp thăng trầm ; gõ mạnh, gõ lớn, gõ tan kiếp thăng trầm, cho người bớt khổ, cho đời bớt buồn, cho thăng trầm phải qua đi, cho trầm luân không còn ám kiếp nhân sinh nữa. Đây đích thị là định luận của các giá trị tâm linh đến để xóa đi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh. Thơ của Phạm Thiên Thư nhạc Phạm Duy đưa thật xa nhạc điệu yêu đời ngay trong cõi tâm linh, với giọng hát của Thái Thanh ngân theo giòng đời có tiếng thương muôn loài, có tiếng thương yêu người, có tiếng thương yêu mình : Thương người như thương thân… Thương người như thương mình…

Trong sự nghiệp độc đảng trong toàn trị tự khi cướp chính quyền tới khi độc quyền luôn thiếu chữ thương ; đây là một thảm bại của các người và là thảm họa của nhân kiếp Việt tộc đang bị trùm phủ bởi cuồng quyền của các người.

 

Các người đã diệt

Con chim thiêng hát lời Việt tộc của Trịnh Công Sơn

 

tcs00

"Cái hnh phúc ở trần gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn"... (Trịnh Công Sơn)

Người đã vấn nạn được họa căn của Việt tộc thế kỷ vừa qua, chim thiêng hát lời mệnh bạc, còn là người nghệ sĩ biết dạy tình anh em cho dã thú giữa cuộc chiến tranh mà con người có lúc không giữ được nhân tính. Những câu anh tâm sự với bạn bè, sẽ hiểu Trịnh Công Sơn : "Tôi cần quê hương để sáng tác" ; "Sáng tác là niềm vui lớn nhất để vượt thăng trầm"… Có lần Trịnh Công Sơn tâm sự : "Phải hiểu hai chuyện để sống và sáng tác : chuyện thứ nhất "vắng mợ chợ vẫn đông", không ai trên đời này là tối cần, là không thay thế được ; chuyện thứ nhì "thiền giữa chợ" chấp nhận sống chung với đồng loại, là chấp nhận cái thanh phải chung chạ với cái tục, giữ được cái thanh, vượt lên cái tục… Thiền để tỉnh thức, để giữ lý trí sáng suốt nhưng cũng phải biết là cõi chợ là cõi hỗn nháo, nhưng không loại bỏ nó…", khoa học xã hội và nhân văn gọi những người có "gân cốt" phân tích đó là : chủ thể tri thức (sujet cognitif), biết mình biết người, biết vai vóc của cá nhân, biết tầm vóc của nhân loại.

Chủ thể tri thức tìm được cái lõi của cuộc sống, để khi trở thành chủ thể xã hội (sujet social) sẽ không bị các quy tắc tập thể hủy diệt mình, vì các chế độ độc tài, toàn trị luôn tìm mọi cách để diệt chủ thể. Chủ thể tri thức còn biết bảo vệ được chủ thể tình cảm (sujet affectif) để làm chỗ dựa của đời sống tâm linh cá nhân mình ; chủ động được ba chủ thể này trong chuyện vật đổi sao dời của năm mươi năm đất nước biến loạn vì chiến tranh, dân tộc như bị thôi miên vì các ý thức hệ không đâu, không phải ai cũng làm được. Trịnh Công Sơn tặng cho dân tộc mình vài trăm ca khúc mà tầm cỡ tư tưởng, vai vóc diễn luận nghệ thuật thuộc loại tinh đẩu của ca khúc thế giới.

Chuyện lạ là dân tộc Pháp được nhân loại xem như một dân tộc trí thức, nhưng ca khúc của Pháp không trí thức ; ngược lại có thể nhân loại xem dân tộc Việt Nam chưa trí thức, nhưng qua các sáng tác của Trịnh Công Sơn ca khúc Việt Nam đã rất trí thức. Trí thức theo nghĩa là dùng kiến thức để bảo vệ lý trí, tiếp đó sử dụng kiến thức lẫn lý trí để gây dựng đạo lý, sau cùng biết dựa trên đạo lý để sáng tạo ra cái đẹp, cái hay, cái lành đặt chúng cạnh cái đúng, cái thật, cái trong. Trịnh Công Sơn đã làm được tất cả chuyện này, Trịnh Công Sơn là đứa con tin yêu của dân tộc, trong sử Việt tộc mình chỉ có vài đứa con như vậy thôi.

Trịnh Công Sơn gần gũi gắn bó với thơ, từ ngay trong cách dựng vần tìm nhạc, làm cho biên giới giữa thơ và nhạc như không còn nữa, nhưng anh hiểu Antonio Gamoneda hơn ai hết : "la poésie n’est pas de la littérature. La poésie est révélation", thơ không phải là văn chương mà là chuyện khám phá để khai sáng, khai sáng các chân trời, khai sáng các số phận. Những năm chết chóc trước 1975. Vùng xương khô lên tiếng nói… Trịnh Công Sơn tìm được hình ảnh cho thơ để thơ là thơ, tức thơ là hiện hữu của khai sáng mặc dù kiếp người phù du. Một trăm năm như tiếng thở dài. Ý nghĩa sống giữa chết chóc chiến tranh nhiều khi không vượt được số phận Việt Nam oan khiên đắm chìm trong chuyện huynh đệ tương tàn từ 1954 tới 1975 mới dứt, xin cho mây che đủ phận người.

Các nhạc sĩ khác thích dùng hai chữ hoàng hôn, anh Sơn sử dụng hai từ tà dương, từng lời tà dương là lời mộ địa. Tà dương xuất hiện như đưa đẩy dân mình tới các chân trời thẳm, tới các cõi chìm. Những năm chiến tranh đó Trịnh Công Sơn nói rõ được nỗi đau của dân tộc. Một ngày như mọi ngày. Từng mạch đời trăn trối. Đau nặng từng lời nói. Lời thơ của anh còn vượt lên chuyện kể lể, mà theo Goethe thơ là sức nổi loạn để được sống còn bằng lời nói, vì lời nói là ý thức sống. Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói, mặc dầu đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai. Lời của anh nói lên lẽ sống đang phải trực diện với cái chết. Từng vùng thịt xương có mẹ có em.

Lời đây là lời của kiến thức mới chống lại cái tự hủy, cái diệt vong. Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu người tình… Người tình lớn lên từ ba miền… Những người tình chưa gặp một lần… Để hiểu thơ cận đại, có lần H.Michaux đề nghị mỗi bài thơ là một phân tích qua thực nghiệm, chữ trải nghiệm chưa đúng, thực nghiệm là nắm cái thực rồi nghiệm nó bằng lẽ sống của nhân loại nơi mà : "Tout poète connait cette impression rare : tout d’un corps et totalement se détacher de l’humanité et entrer dans un monde qui ne doit rien à personne ". Thi sĩ sẽ nhận ra được một ấn tượng hiếm : cả thân mình, toàn thể tự tách rời ra khỏi nhân loại để vào một thế giới (khác) mà thi sĩ chẳng phải nợ ai, chẳng phải mang ơn ai.

Trịnh Công Sơn biết các công thức thơ loại này, còn biết luôn cách thực hiện nó, nhưng anh không làm, vì giữa diệt vong anh đã thấy họa lưu vong của Việt tộc, nên Trịnh Công Sơn không muốn rời cái kiếp chung của đất nước, cái họa chung của dân tộc này. Mẹ ngồi ru con, nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong. Có những kẻ bên này, bên kia chỉ trích hay phê phán lòng yêu nước của anh, hình như họ chưa có "thâm duyên" với dân tộc này. Muốn thâm với duyên phải sáng với trí, để thấy được đã có lần dân tộc phải chịu bao thăng trầm tủi nhục. Người nô lệ da vàng… ngủ quên… Người nô lệ da vàng… đi quên nước, quên non. Người nô lệ da vàng… xin áo, xin cơm…

Phải thấy được sự thật này mới biến nó thành ý thức để làm chỗ dựa cho lương tri, chỗ đứng cho nhân phẩm. Nghe xót xa hằn lên tuổi trời. Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi. Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người… Anh Sơn làm được hai chuyện, hai thử thách, một của Bo Carpelan "rester au centre de l’univers", tìm mọi cách đứng giữa vũ trụ trước mọi cơn lốc xoáy của thời cuộc, hai của Max de Carvalho "fixer les vertiges", nắm và thấu các chuyện làm con người choáng váng, để biết rõ lúc nào trái đất này sống được, lúc nào sống không được. Ghế đá công viên dời ra đường phố… Em bé lõa lồ suốt đời lang thang…

Thế hệ trước Trịnh Công Sơn, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã báo động : "Chúng tôi tuổi trẻ đầu thai lầm thế kỷ", tới thế hệ của Trịnh Công Sơn, đã làm được chuyện tổng kết lịch sử thế kỷ thứ hai mươi chỉ bằng một câu, giờ đã thành dấu ấn trong tâm linh chúng ta : "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì". Ngọn gió hoang vu nào đã mang theo cái ác, cái sai, cái tối vào thế hệ chúng ta, để rồi cái ác hà hơi cho cái bất công, cái sai bồi sức cho cái vô nhân, cái tồi nuôi dưỡng cái cúi đầu.

Nội lực thơ của Trịnh Công Sơn, vai vóc nhạc của Trịnh Công Sơn là chối từ dứt khoát không mang những cái này vào lương tri, cũng như không bao giờ chấp nhận mang hận thù. Một bàn cơm ngon, chiếu ghế không người. Mẹ bầy cho con với nước mắt rơi… Đường về phố lớn có đoàn quân đi tim không mang hận thù... Trịnh Công Sơn còn tự dặn mình đi để quên : "Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm… Đi để quên chuyện non nước mình…", đi đây không phải là vừa đi vừa cúi đầu, mà đi để mở ra con đường hòa hợp hòa giải dân tộc sau ngọn gió hoang vu huynh đệ tương tàn, vậy đã gần bốn mươi năm những kẻ lãnh đạo của chế độ thắng cuộc không làm chuyện đó, lời nhạc của anh vẫn chờ đợi chuyện đó để "Việt Nam ơi ! Cho mắt nhìn rạch tan căm thù".

V.Hugo dặn thi sĩ hãy làm cho bằng được chuyện "devoir contenir la somme des idées de son temps ", gồm cho bằng được mọi ý (lực) của thời mình. Thấy được mặt trời mới trong tầm nhìn tức khắc của mình. Mặt trời mặt trời đã lên, còn nhìn, còn nhìn thấy con người. Mặt trời là tương lai, Saint-Pol Roux nhận định không sai : "L’arbre de la poésie plonge ses racines dans l’avenir", cây thơ cắm rễ của mình trong tương lai, thi sĩ thấy được tương lai trước mọi người. Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm. J.Coteau nói theo cách của ông : "Le poète se souvient de l’avenir", thi sĩ biết nhớ về tương lai, Apollinaire còn rõ hơn : "l’art de prédire", thơ là loại nghệ thuật nói trước, nói trước được vì đoán trước được, nói trước người, nói vượt đời, nếu tìm về tận Baudelaire thì sẽ thấy thơ là : "une sorcellerie évocatoire" như chuyện bùa phép khơi gợi, khơi lên cái đột biến, gợi lên cái thâm sâu, Trịnh Công Sơn có cách nói riêng cho mình : Người ôm lấy muôn loài. Nằm trong tiếng bi ai.

Nhạc của Trịnh Công Sơn là trí tuệ người cẩn trọng trước chính đổ vỡ của tâm hồn mình, thơ của anh đi tìm cái thức trước khi đi tìm tương lai, chống lại cái trôi chìm của tâm linh hiện tại, từ độ í a chim thiêng hót lời í a mệnh bạc… Từng giọt í a vô biên, trôi chìm í a tiếng tăm. Hót lời mệnh bạc là kiếp thi nhân của anh, trôi chìm tiếng tăm là nỗi lo mất ký ức của mình và của đồng loại, Octavio Paz thấy trong mỗi bài thơ : "une mémoire devenue image, et image devenue voix", một ký ức đã thành hình ảnh, và hình ảnh đó đã thành lời, anh Sơn còn nghe được cả lời ký ức của mình vang động mỗi đêm : Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi còn nghe. Paul Valéry nhìn rõ được trong thơ như có sự lưỡng lự, có cái phân vân : "l’hésitation prolongée entre le son et le sens", sự ngần ngại kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa, anh Sơn thấy phân vân có băn khoăn, thấy lưỡng lự như nỗi buồn bị kéo dài ra. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Cái buồn trùm phủ cái vui, cái vui báo tình yêu vừa tới, cái buồn nhắc ngay là người yêu phải đi ; cái vui nhẹ nhàng gởi tín hiệu của hạnh phúc, cái buồn áp đặt mật tin cái mất sẽ có mặt, vĩnh hằng không chỗ đứng trước phôi pha.

Thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn ở dạng tri thức cao -tri thức giữ cho trí thức thẳng lưng- của một chủ thể biết làm lắng đọng các biến loạn. Tôi tìm thấy tôi trên từng xót xa. Ta nghe đời rất mênh mông. Trong từng bước đi chầm chậm. Lấy sự thật làm lẽ phải, lấy kiến thức để bảo vệ ký ức, S.Mallarmé rất rõ trong chuyện này : "Les poètes seuls ont le droit de parler, parce qu’avant coup, ils savent". Những thi sĩ được quyền nói, vì họ biết trước mọi người là họ biết.

Gaston Bachelard, một triết gia yêu thơ, một nhà khoa học luận biết quý trọng linh hồn, linh hồn cái lõi của tâm hồn, một phạm trù đang bị thần kinh học tấn công tơi tả và xếp vào loại mê tính của siêu hình học, không có chỗ đứng trong khoa học ; nhưng lấy gì thay thế linh hồn để làm nghệ thuật ? Để bảo vệ tâm linh ? Nên ông vẫn tin là : "La poésie nous apporte des documents pour une phénoménologie de l’âme", thơ mang lại cho chúng ta những tư liệu để ta gây dựng được một hiện tượng luận của linh hồn. Người chết nối linh thiêng vào đời. Và nụ cười nối trên môi. Trịnh Công Sơn hay tự nhắc mình là kẻ hát rong, hát lên những chóng chày của sinh linh (từ này của Phật giáo dùng để gọi chúng sinh là sự sống thiêng liêng).

Kẻ hát rong này đứng giữa biên giới, bên này là nhân tính, một bên kia là thú tính, biết làm được chuyện bảo vệ bên này, nhưng không chận bên kia, mà triết gia J. Derrida diễn luận là : "Cette question fondamentale des limites entre l’homme et la bestialité nécessite la déconstruction pour clarifier notre volonté du savoir d’enlever l’enclos qui enferme notre prétention de savoir et de prendre soin (animaux, fous, malades, marginaux…)". Vấn đề cơ bản trong ranh giới giữa cái người và cái thú đòi hỏi con người phải biết tháo gỡ lề thói tư duy cũ của mình để thấy rõ cái ý chí của con người là gạt bỏ hàng rào, cọc đóng đang giam tù cái kiêu căng hiểu biết của chúng ta, để giúp chúng ta chăm lo kỹ hơn (cho thú vật, cho người điên, cho người bệnh, cho những kẻ đang ngoài lề cuộc sống).

Trịnh Công Sơn thấy rõ chuyện này thời chiến : Người nằm co như loài thú khi mùa đông về. Hãy nối lại tình người, để nối lại môi cười, như anh đã mơ nối vòng tay lớn, nếu những kẻ lãnh đạo hiện nay là những đấng minh quân, họ sẽ lấy bài nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn để làm quốc ca, để dứt khoát xóa sạch chuyện huynh đệ tương tàn, xây lại cơ đồ của Việt tộc qua lương tri, qua nhân phẩm. M.Foucault, triết gia của triết học chống chuyện hãm tù nhân tính, ông yêu cầu còn gay gắt hơn : "d’affranchir la pensée de ce qu’elle pense silencieusement et lui permettre de penser autrement". Vượt thắng tư tưởng khi nó đang lẳng lặng suy nghĩ và giúp nó tư duy cách khác ; cách khác này Trịnh Công Sơn đã thấy, đã mơ : Một ngày kia dân ta đi dựng cờ. Dạy tình anh em cho dã thú.

Có những lời thơ bị người đời coi như không thực hiện được trong thực tế cuộc sống, nhưng lời thơ đã mở đường giữa đêm cho hy vọng lần tìm lối ra, tự người cứu người, chuyện ngoan đạo là vô ích, vì Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người. Y.Bonnefoy cảm nhận được dư chấn này của thơ, vì biết chỗ ở của nó : "... Je voudrais réunir, je voudrais identifier presque la poésie et l’espoir. Un possible apparait sur la ruine de tout possible, une attente dans la substance des mots : ils apparaissent aux confins de la négativité du langage comme des anges parlant d’un Dieu encore inconnu". Tôi gom lại, tôi muốn nhận ra thơ và niềm hy vọng. Một chuyện có thể có trên cái đã hoang tàn của những chuyện có thể làm được của đời này, đó là chuyện chờ đợi trong nội chất của chữ : chúng xuất hiện giữa lằn ranh của tính tiêu cực trong ngôn ngữ, thơ như lời các thiên thần đang nói về một thượng đế chưa có tên ; Trịnh Công Sơn hiểu phân tích này, nhưng Trịnh Công Sơn biết từ tốn hóa thơ nhạc của mình.

Một ngày còn sống góp tiếng mong manh. Thật vậy, xung quanh ta mọi sự sống mong manh quá, cái chết có lúc ngang nhiên mơ mộng giữa đời. Nằm chết như mơ. Octavio Paz tìm được trong thơ vai vóc của con người vượt được cái chết : "une machine qui produit de l’anti-histoire. L’opération poétique consiste dans l’inversion et dans la conversion du flux temporel, le poème n’arrête pas le temps : il le contredit et le transfigure, toute grande poésie doit se confronter avec la mort et être une réponse à la mort". Có thể coi thơ như một nguồn máy chống sử, phương cách thơ nằm trong sự lật ngược hướng đi của thời gian, thơ không chận được thời gian nhưng nó nói ngược và nó biến dạng thời gian, thơ có tầm vóc lớn là thơ biết đối đầu với cái chết và có câu trả lời về cái chết.

Trịnh Công Sơn còn thấy cả cái hận thù, cái đau khổ, cái thờ ơ, báo cái chết đang tới để dân tộc anh mau tỉnh giấc. Người con gái Việt Nam da vàng… Em chưa biết quê hương thanh bình… Em chỉ có con tim căm hờn. Người con gái một hôm qua làng. Đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng. Người con gái chợt ôm tim mình. Trên da thơm vết máu loang dần. Người con gái Việt Nam da vàng. Nhạc và thơ của anh thật gần gũi, làm rõ lên suy tư của A. Maumejean thấy qua hành động thơ : "Une cause irréalisable, de réduire la contradiction qu’un destin fatal impose à la condition de l’humain par le langage : l’usage d’une parole par laquelle nous sommes voués à l’inconnaissance".

Một nguyên nhân không khả thi, đã thu cái mâu thuẫn của số kiếp oan thiên rồi buộc con người qua ngôn ngữ : dụng lời để tự thú là mình vô minh. Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm. Từng ngày đảo điên, giết chết linh hồn. Không ai có lỗi trên chuyện này, vì người khác, người ngoài áp đặt chuyện huynh đệ tương tàn bằng chiến tranh, dân tộc ta không chế tạo ra chuyện này, vậy mà ta đã chấp nhận tiếng bom đạn làm ta điếc tai, loạn óc như chấp nhận một nghiệp chướng. Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn.

Trong quá khứ bọn xấu nói với ta là chiến tranh không thể tránh được, chúng ta hãy nói với các thế hệ sau ta là chiến tranh không thể chấp nhận được. Trong những cơn điên loạn, A.Artaud vẫn thấy thơ là "refaire l’homme", gây dựng lại được con người, vì nó là tác phẩm của chuyện thu hồi lại ý thức. Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm. F.Kafka, thấy được trong thơ một cố gắng vượt thoát để vượt thắng : "soulever le monde pour le faire entrer dans le pur, dans l’immuable, dans le vrai". Nhổ thế giới ra, nâng thế giới lên đưa nó vào cái sạch, cái vĩnh hằng trong cái thật. Tìm trong vô thường. Thấy có đôi dòng kinh sấm bay rền vang.

Những năm chiến tranh, nhạc của Trịnh Công Sơn như về từ cõi yên lặng khi con người tìm lại được tiếng nói của mình, loại tiếng nói của tri, của giác, của minh, chứ không phải nói để nói. R.Barthes (tác giả này, Trịnh Công Sơn rất thích, nên hay hỏi về các công trình của ông, hồi ông còn sống) kể là trên đời này có một loại nhạc rất thông minh : "la musique se tait toujours. Elle ne m’encombre d’aucun discours ; elle ne veut rien substituer à mon malaise (ce qui serait le meilleur moyen de l’approfondir)". Loại nhạc luôn biết im tiếng, không dành làm tham luận, nó cũng chẳng muốn thay thế chuyện khó nhọc của người (chính nó là phương tiện hay nhất buộc mình phải đào sâu nó).

Trịnh Công Sơn có nhiều bài thuộc dạng này, chẳng hạn như bài Diễm Xưa, đã thành "cổ điển" đối với người nghe nhạc, thành "kinh điển" đối với người làm nhạc, một bài hát biết rõ mọi diễn biến của lòng người trong cả cuộc đời. Mỗi câu trong bài này là một kinh nghiệm không quên của một lứa tuổi. Khi hai mươi tuổi, bị thất vọng trong tình yêu, người ta hát : Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, vì người ta còn tin. Khi bốn mươi tuổi, người ta hết tin, người ta hát : Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu. Khi gần sáu mươi tuổi, người ta hết tin và không còn quê hương để nương thân, người ta hát : Để người phiêu lãng quên mình lãng du. Nhạc tiên tri là nhạc có cái tri, cái giác, cái minh, có luôn cả cái đúng, cái bền, cái đời trong nó.

Khánh Ly hát Diễm xưa của Trịnh Công Sơn

Đối với những bạn bè thân, Trịnh Công Sơn thường tâm sự : "Một trong những cái buồn nhất trên đời này là lỡ hẹn với bạn bè" ; có kẻ vô tâm nghe nhưng không hiểu, lại còn "dạy đời trở lại", ngoài Bắc thì "hẹn nhỡ thì hẹn lại !", trong Nam thì "hẹn sai hẹn lại mấy hồi !". Chuyện lỡ hẹn của anh Sơn không phải vậy, người ta lỡ hẹn vì người ta bị chiến tranh cướp đi cuộc đời. Đất hoang vu khép lại hẹn hò. Bị o ép bởi chén cơm manh áo, người ta quên cả hẹn với tình. Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Có khi người ta lỡ hẹn vì người ta bị cướp mất mặt trời, ánh sáng, đường đi tới nơi hẹn. Hôm nay thức dậy. Không còn thấy mặt trời. Lắm lúc người ta lỡ hẹn vì ngoan đạo, nhưng thờ ơ với tình. Vì em đã mang lời khấn nhỏ. Bỏ ta đứng bên đời kia.

W.Carlos Williams dặn đời là mỗi lần được đọc thơ phải thấy được : "Un univers complet en miniature. Il existe en lui-même. Tout poème de quelque valeur exprime la vie entière du poète, donne un reflet de ce qu’il est". Một vũ trụ đầy đủ nhưng bị thu nhỏ lại. Nhưng chính nó tự tồn tại. Mỗi bài thơ tự nó mang giá trị của cả cuộc đời thi sĩ, nó là bóng soi của thi nhân. Từ bóng qua hình trong nhạc của chính mình, Trịnh Công Sơn hoàn toàn không có sự thờ ơ với đời, lãnh đạm với tình, nguội lạnh với hẹn hò. Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn. Để sớm mai kia lại tiếc xuân thì. Nỗi lo chống lại sự thờ ơ, cái lãnh đạm, tư cách nguội lạnh không có chỗ đứng trong nhạc của anh, nỗi lo đã thành lời trong nhạc của Trịnh Công Sơn.

Chiều hôm thức dậy. Chập chờn lau trắng trong tay. Có bận có người hỏi V.C.Richez thơ có phải là một hành động không ? Vậy hành động thơ là gì ? Ông trả lời : "Rassembler le silence. L’épuiser… Se gorger lentement du monde souterrain, des terres sombres d’un très ancien abri… Une parole de silence qui se perd en soi… S’avaler, se défaire, consentir à cette perte…". Tập hợp yên lặng. Vắt cho tàn sức… Để tự nó nhễu thành từng giọt xuống lòng đất, trong miền tối tăm của một nơi ẩn trú cũ kỹ… một tiếng nói của yên lặng tự lạc đường… Rồi tự thoát, tự mở tung, để cuối cùng nhận cái mất mát này. Chuyện này sẽ không khó hiểu, vì Trịnh Công Sơn đã tổng kết được nó, làm rõ thành từng lời (yên lặng) trong nhạc của anh. Thừa đôi tay dư làn môi. Từ nay tôi quên hết tiếng người.

Trịnh Công Sơn thấy và thấu : "Trên cùng một đất nước, nhưng có nơi là đất chết, có nơi là đất sống, muốn sống phải có nội lực để sống còn, một force vitale, mỗi lần bị nhấn chìm là tự nó bật dậy, trồi lên, không ai làm nó chết đuối được, Sài Gòn đây là nơi có force vitale". Tưởng đày đọa được nó nhưng không đày đọa được, cùng lúc có nhiều nơi trên đất nước này coi như đã chết hoặc sắp chết. Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong. Như rừng núi bỏ hoangKhông còn không còn ai. P.Rozewicz tin là : "… La poésie de nos jours est une lutte pour respirer". Thơ thời nay là cuộc chiến đấu để thở, anh Sơn biết chuyện này, vì sáng tác của anh luôn bị đe dọa.

Trong tim tôi có lần. Một mùa ôi rất lạnh. Thở qua thơ là chuyện không phải của thể xác, mà là chuyện của linh hồn, S.Mallarmé thấy hồn người trong tiếng thơ : "Toute âme est une mélodie qu’il s’agit de renouer". Mọi linh hồn trong thơ là một nhạc điệu nối được người với đời, khuyên ta thoát càng sớm càng hay kiếp vong thân, vong linh. Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Từ thái độ sống của mình, thơ đã thành hành động thật, J.Bastaire tin vào hành động này : "Parole essentielle, libérée du bruit pour arriver à un silence qui parle", lời đã thành chủ yếu, giải phóng người khỏi tiếng động hỗn loạn để tới sự yên lặng đang nói, đang tâm sự với mình.

Yên lặng biết nói là chuyện của thơ, cũng là chuyện đời nghệ thuật của anh vì nếu con người biết sống mà không biết yêu thương thì nên giữ yên lặng là hơn. Hôm nay thức dậy. Không còn thấy loài người. Vây phủ quanh đời. Nói tiếng yêu thương… Như vừa mới vào đời. Tay mẹ đâu rồi ? Nôi trống ru ai ? Nôi trống là sự yên lặng vừa tuyệt đối, vừa đáng sợ, P.Celan tìm cách định thần chuyện này : "Le poème n’est pas intemporel. Certes, il élève une exigence d’infini, il cherche à se frayer passage à travers le temps - à travers lui et non par-dessus et toujours la tentation de trouver une direction". Một bài thơ không vĩnh hằng. Chuyện đó đúng, vì chuyện thơ đòi hỏi không ai lường được, nó tự vạch lối đi của nó qua thời gian - qua nó và không trên nó - luôn bằng ý muốn tìm ra được một phương hướng.

Trong nhạc của mình, Trịnh Công Sơn lấy chữ phù du làm cầu nối cho thơ và thời gian. Ôi ! Phù du… một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua. Chuyện phù du cũng là chuyện của A.Suied thấy được trong thơ : "Le poème ouvre le tremblement secret des âmes en éveil… Entre énigme et présence, le Poème énonce le destin et l’infinie liberté de l’aventure de chacun dans le monde inconnu et premier". Bài thơ luôn mở ra một cơn động đất bí mật giữa những linh hồn đồng điệu, cùng nhau thức… giữa bí ẩn và hiện tại, bài thơ báo lên số phận và sự tự do vô biên trong cuộc thám hiểm của mỗi người giữa một thế giới chưa được biết mà ta gặp lần đầu qua thơ. Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn, Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối…

Câu chuyện phù du, cười mong manh, hồn yếu đuối chưa hết ; giữa thơ và nhạc của Trịnh Công Sơn, xuất hiện một ẩn số thứ ba là họa, Trịnh Công Sơn thích vẽ, biết vẽ, có khi say vẽ, nhiều người đã thấy tranh của anh, nhưng hiếm người nhận ra Trịnh Công Sơn vẽ ngay trong nhạc của Trịnh Công Sơn, chẳng hạn như trong Tuổi đá buồn, rõ ràng portrait một cô gái cô đơn : hồn lẻ, nghiêng vai, gọi buồn. Loại câu sáu chữ, ba nhóm, mỗi nhóm hai từ này, tự nó đã đứng ở chỗ vừa sâu, vừa cao trong thi ca Việt Nam. Câu chuyện thơ để thở, thở bằng thơ cũng là chuyện của L.P.Fargue thấy được hành động thơ qua sức sáng tạo ra một cuộc đời song song cũng quý báu như cuộc sống hằng ngày : "La poésie, cette vie de secours où l’on apprend à s’évader des conditions du réel, pour y revenir en force". Thi ca, có cuộc sống bảo toàn thứ hai, nơi mà người ta học cách thoát ra khỏi điều kiện sống thực, để sau đó trở lại mạnh hơn.

Trịnh Công Sơn giúp đời thấy được tình yêu, làm cho kiếp mình mạnh hơn, dạng ra… Mặt đất âm u, ngày tháng hoang vu. Chợt thấy em qua, rợp bóng cờ… Chuyện con người vững vai vóc hẳn lên qua thơ được Ramos Rosa nhận định là : "La poésie établit un rapport entre le réel et l’inconnu, en restant dans la vie, cet acte suggère une aspiration vers le haut, mais il tend pour y parvenir à la résolution des contraires". Thơ dựng được một quan hệ giữa cái thật và cái ẩn, giữ nó giữa đời, hành động này là chuyện thăng hoa, nó thực hiện được bằng cách xử lý các đối chấp. Nghe nhạc của Trịnh Công Sơn người ta nhận ra : càng áp đặt chết chóc, chiến tranh, con người càng yêu nhiều, thương nhiều. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Yêu để cuộc sống dễ thở. Reverdy gọi thơ là "bouche-abime du réel", miệng-vực sâu của cái thực. Cái thực biết nhận ra người, ra ta. V.Hugo có lúc thốt lên : "C’est insensé de croire que je ne suis pas toi". Thật không chấp nhận được nếu không tin tôi không phải là anh, là chị, là kẻ đối diện… Trong câu chuyện suy bụng ta ra bụng người này, anh Sơn luôn có cách nói âu yếm, thanh nhã hơn : Tôi là em mà em cũng là tôi. Trong nhạc của Trịnh Công Sơn con người luôn nhận ra nhau, bằng trực diện, mà không một bạo quyền độc dảng nào vùi lấp được, không một tà quyền độc trị nào khử trừ được, không một ma quyền độc quyền nào truy diệt được.

"…Em cứ yêu con người, đời ngọt ngào vẫn thế. Em cứ dâng cho đời một nụ hoa tình cờ. Em đến bên tôi ngồi, đời mở ra cuộc tình…". Yêu người vì yêu đời mà chính cũng để thương thân mình. Biết thương người, thương thân, biết dâng tặng đời là biết nâng cuộc sống lên, không để cuộc sống mất nhân tính ; trong chiến tranh vừa qua có khi phải nâng cuộc sống lên từ vực thẳm, vực nó dậy từ hố sâu. Joyce xem hành động thơ như chuyện tiếp nhận trí thông minh của sự nổi loạn, nổi loạn để đòi tự do, chứ không phải nổi loạn để đập phá : "la poésie, même lorsqu’elle semble à son plus fantastique, est toujours une révolte contre l’artifice, une révolte, dans un sens, contre la réalité". Thi ca, ngay như lúc nó mang dạng giả tưởng nhất, nó luôn là cuộc nổi loạn chống chuyện vẽ vời, nó là cuộc đứng lên, nổi dậy, và trong một ý nghĩa nào đó, có chống lại thực tế.

Người Việt nói viết văn, nhưng làm thơ, không ai viết thơ, làm đây là làm cho ra chuyện, theo cách của R.Daumal : "La prose parle de quelque chose, la poésie fait quelque chose par des paroles". Văn xuôi nói về một chuyện nào đó, còn thơ thì làm chuyện đó bằng lời nói. Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói, rồi thấy luôn Nghe tiền thân về chào bóng lạ, thấy được kiếp trước về chào tương lai mặc dầu lạ lẫm, vô định, vô phương. Nhạc của Trịnh Công Sơn có sức mạnh của một loại siêu hình học luôn đi tìm lối ra cho tâm linh. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi ? Triết gia Bergson, tin rằng ý thức luôn là một kinh nghiệm thân quen, trực tiếp trong hạn hữu đời người, cái hạn hữu này là một dữ kiện trực quan của ý thức.

Chuyện dân tộc lầm đường với độc đảng toàn trị hiện nay, biến những đứa con thành bụi đời trong lúc sống, rồi thành oan hồn sau khi chết là cuộc triển lãm đầu tiên về lối vào tri thức của chủ thể : thân là tro, đời là bụi, Trịnh Công Sơn thấu hiểu thấu chân lý vô thường này của Phật học. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi trở về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi. Nhưng lẽ sống của nhân sinh luôn tìm cách đi ngoài cái chết, vì cái chết luôn tìm cách diệt cho bằng được lý tưởng của các giá trị vĩnh hằng, làm được chuyện này cái chết đe dọa luôn các giá trị khác của sự sống, tạo sự căng thẳng giữa chủ thể và những giá trị của nhân sinh ; anh Sơn thấy được chuyện này : Còn bao lâu cho thiên thu xuống trong thân này ?

Cái nhún nhường của Lão giáo đã thâm nhập vào các bài thơ (không phổ nhạc) ở cuối đời Trịnh Công Sơn : Đường dài vỡ mộng vô thường. Ta xin một góc ta ngồi với ta. Carl Sandburg có cách giải thích thật lạ : "La poésie est le journal d’un animal marin qui vit sur terre et qui voudrait voler". Thơ là nhật ký của một con thú biển giờ phải sống trên đất liền rồi còn lại muốn bay. Thật ra chẳng có gì là lạ, đây là chuyện tự do của tư duy sáng tạo, chẳng có một chế độ nào, một ý thức hệ nào ngăn cấm được. Xin cho ngục tù thành những công viên. Lấy thơ dâng đời, rồi nâng cuộc sống "dở sống, dở chết" này, và nâng cả không gian tù rạc thành nơi quần chúng đến vui chơi, hẹn hò, Trịnh Công Sơn đã làm chuyện này.

Có lần Velter kể chuyện ngày thanh bình của tâm hồn trong thơ sẽ là ngày : "L’oeil contemple le bleu du ciel, la vue réfléchit, l’azur profond du corps… par le coeur, par le souffle, par le haut, l’excès trouve son équilibre". Mắt trầm mặc với màu xanh của trời, ánh nhìn biết suy nghĩ, màu xanh trong lắng thật sâu trong thân. Qua con tim, qua hơi thở, trên chiều cao, cái bị xem thái quá tìm được sự thăng bằng của mình. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. P.Eluard cũng nhấn mạnh thêm về hành động thơ luôn để lại : "marges blanches, de grandes marges de silence, les mots du poète ne servent pas à dévoiler leurs sens immédiats mais à les contraindre à livrer ce que cache leur silence".

Những lề trắng, những lề lớn của sự yên lặng, chữ của thi sĩ không phải để vạch ra nghĩa tức khắc mà để ngăn hãm những gì mà sự lặng lẽ muốn giấu kín. Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này. Mambrino tin rằng : "langage silencieux qui efface ses propres traces, pour qu’on entende ce que les mots ne disent pas". Một ngôn ngữ yên lặng còn biết xóa chính dấu vết của nó, để người ta nghe được những chữ không đọc được. Mỗi vết thương lành một nỗi vui. Mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay. Vết thương lành, nỗi vui, mắt cười, đôi bàn tay… tất cả đây là những chốn không lời và sẽ không cần lời. Pasternak nhận ra được cõi lắng này : "la prose en action. La poésie est le langage du fait organique". Văn xuôi qua hành động.

Thi ca là ngôn từ của cơ chất, tức là của ruột thịt. Baudelaire tự dặn mình : "La poésie est ce qu’il y a de plus réel. C’est ce qui n’est complètement vrai que dans un autre monde". Thi ca là cái có hơn thật, chuyện này hoàn toàn đúng ở một thế giới khác. Mới hôm nào bão trên đầu. Thấy được chuyện mà người khác không thấy, M. Edwards gọi đó là lực nhập nội của thơ : "la poésie est le possible qui demeure possible, l’attente qui accepte d’attendre". Thơ là chuyện có thể luôn ở thế khả thi, nó là cái chờ biết đợi, sáng tác của Trịnh Công Sơn có sức nhập nội linh chuyển đó : lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.

Cendrars phạm trù hóa được lực nhập nội này : "Chaque vie cache un destin, il y a des destins pour toujours, une épée tranchante. Parfois dans mes rêves, je vois la lumière de cet acier…". Mỗi đời cất dấu một số kiếp, có những kiếp được sống hoài, như dao sắc. Có lúc giữa cơn mê, tôi thấy ánh lên chất thép của nó. Malcolme de Chazal chia sẻ được kinh nghiệm này : " Le poète est un réaliste dans le plus haut sens spirituel du terme". Thi sĩ là kẻ theo chủ nghĩa hiện thực trong cái nghĩa tâm linh cao nhất của nó. Đường thật lặng yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ. Brodsky nhận ra một điều trong thơ : "La poésie est essentiellement la recherche par l’âme de sa libération dans le langage", thi ca là cõi lùng tìm của linh hồn trong việc nó tự giải phóng qua ngôn ngữ.

Trịnh Công Sơn nói thật gọn : Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ… Tôi là ai mà trần gian thế… Tôi là ai mà yêu quá đời này. Leclaire cảm nhận được nội lực này : "c’est faire parler la langue au-delà du sens… La langue étrangère que l’on entend au fond de soi " đủ sức nói được bằng ngôn ngữ trên luôn cả nghĩa của chữ, một ngoại ngữ mà người ta nghe được từ tận đáy hồn mình. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời… Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi. Nietzche thấy các triết gia mỗi lần nhập nội vào sự gay gắt của lý luận để tổ chức các quyết đoán trong lập luận của họ, là mỗi lần họ cần phải gần thơ để : "les sentences des poètes pour donner à leurs idées de la force et de l’authenticité". Để những câu đối của thi sĩ thổi vào ý triết một sức mạnh của cái chính thống. Thơ dâng đời để nâng thân, giờ thơ dâng triết để nâng người trước mọi thử thách của nhân thế.

Có lần Trịnh Công Sơn kể về một câu trong nhạc của anh : Này nhân gian có nghe đời nghiêng, chỉ một người quý yêu ra đi mà cả thế giới bị nghiêng đi, nhân loại bị lệch qua hướng khác. Ngay trong tình yêu muốn tìm tới các giá trị tâm linh để tình yêu tự nâng cao tình yêu cao hơn nữa ! Và càng lên cao -thoắt chốc- (tức là : chợt) tình yêu khám phá ra : nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) đang có mặt giữa tình yêu của "đôi lứa", lúc đầu chỉ tưởng là chỉ có "đôi ta", tự nhiên bây giờ ở đâu ra một ẩn số khác : nội công của tình yêu là gì ?

Sự sống còn của tình yêu tùy thuộc vào nội công này, tức là vào bản lĩnh của hai kẻ yêu nhau định nghĩa nhân tố thứ ba là gì ? Kẻ thứ ba này là ai ? Nó tác động gì đến chiều cao, chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của tình yêu ? Tại sao nó giúp ta kết chặt với nhau, không rời nhau được, mà nó còn biết "bền vững hóa" tình yêu, và chỉ có hai ta mới biết là có : nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) mà St Augustin khẳng định là nó đang ngự trị trên sự sống còn của "lứa đôi".

Nhân tố thứ ba là gì ? Kẻ thứ ba này là ai ? Mà tại sao không có nó thì tình yêu sẽ chết yểu ! Nếu chỉ có hai người thôi, hai kẻ yêu nhau thôi mà không có nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) này thì tình yêu sẽ gặp hai loại tai biến giết dần mòn tình yêu. Xin được trả lời ngay nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) chính là : giá trị tâm linh của tình yêu. Không có nó thì tình yêu sẽ gặp hai loại tai họa để thành tai biến bất cứ lúc nào, tai biến thứ nhất là chỉ thấy một cái tôi (narcissisme), kẻ chỉ biết yêu mình thôi thì bắt người mình yêu phục vụ cho mình. Tai họa thứ hai là tình yêu ích kỷ, chỉ thấy hai kẻ yêu nhau thôi và bắt thân thuộc, gia đình, tập thể, xã hội phục vụ cho tình yêu của mình, loại tình yêu ích kỷ này là thuộc loại độc tài toàn trị vi mô (micro-totalitarisme), biến môi trường chung quanh thành nô bộc cho mình, chỉ biết sống "cặp đôi" trong tháp ngà, trước giờ cơm thì bắt kẻ khác làm bếp cho mình.

Chỉ thấy cái tôi của một người, hay chỉ thấy hai người yêu nhau mà không thấy nhân loại chung quanh thì đây là loại tình yêu sẽ chết yểu, sẽ chết sớm, vì nó không biết tới nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) là khi tình yêu tự định nghĩa cho mình (để được sống lâu, sống bền, sống thọ với thời gian) thì tình yêu phải đi trên con đường của tình thương ! Khi tình yêu đi tìm để tới được tình thương thì nó sẽ thành một dòng suối bền, một nhân lộ rộng : hai kẻ yêu nhau sẽ "có con" và "thương con" rồi chấp nhận mọi hy sinh để "lo cho con". Tình yêu khi tới được tình thương thì nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) đã có mặt giữa " lứa đôi ", đúng ngay trung tâm của "đôi ta" và hai kẻ yêu nhau cần nhân tố thứ ba (kẻ thứ ba) này để đi xa hơn nữa, để gặp nhân phẩm của tình yêu ! Đây mới chính là giá trị tâm linh đích thực của tình yêu.

Giá trị tâm linh này giúp hai kẻ yêu nhau biết sống chung với nhân loại, biết sống cùng với nhân sinh, biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau với nhân thế, và khi tình yêu được giáo dưỡng bởi nội dung tâm linh này nó sẽ không chết yểu, chết sớm, vì cái tôi độc nhất và cái độc tài toàn trị vi mô đã cuốn gói ra đi, nên cuộc tình sẽ không bị đắp mộ ! "Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ" là một ca từ trong một ca khúc mà Trịnh Công Sơn làm ra khi còn rất trẻ, nhưng chính nhờ tầm vóc của từ bi trong tâm hồn của nhạc sĩ nên ca từ nầy không những vén màn cho ta thấy bản lai diện mục nhân tố thứ ba là gì ? Kẻ thứ ba này là ai ? Câu trả lời là từ bi, là đại dương vừa rộng, vừa sạch, mà cái tôi ích kỷ hay hai cái tôi toàn trị vĩ mô chỉ là hai giọt nước đục !

Những tư tưởng gia như St Augustin, Plotin, Montaigne… hay các triết gia Kant, Pascal, Ricoeur… khi họ từ đi tìm con đường tâm linh để nhận ra các giá trị tâm linh thì họ có sẵn hai nhân lộ. Con đường thứ nhất bằng định hướng thần học, chóng chầy họ sẽ tìm tới thượng đế, đấng sinh thành của muôn loài và vạn vật ; con đường thứ hai bằng định hướng của luân lý, đi tìm nhân tính bằng nhân phẩm. Nhưng dù đi trên hai đường khác nhau, nhưng họ thường tâm sự là họ đã gặp nhau trên : cái tôi thức để tin yêu.

Chính cái tôi thức để tin yêu này là một định luận có nhiều định đề khác nhau, và khi được hội tụ lại thì các giá trị tâm linh hiện rõ trong cấu trúc của định luận này. Trước hết là khi cái tôi mà muốn bỏ tự kiêu thì phải bỏ tự mãn, cái tôi mà muốn buông vị kỷ thì phải tháo đi ích kỷ, cái tôi mà muốn xua cái tự xem mình là trung tâm của vũ trụ đi thì phải đuổi đi cái ta đây ra khỏi nhân sinh quan… lúc đó mới mong được đi trên nhân lộ để thấy được các giá trị tâm linh.

Từ đây, cái tôi thức hoàn toàn ngược với cái tôi ta đây ngạo mạn, vì cái tôi đã tỉnh thức trong khiêm tốn vì từ tốn, của khoan dung để khoan hồng, của vị tha để vất hẳn đi cái tôi vị kỷ, đang ngủ trong mê lộ. Cái tôi thức có hành trình của tỉnh táo để sáng suốt của thức, lấy kiến thức để lập tri thức, có ý thức để tạo nhận thức. Đây là định nghĩa thông minh về chữ hiền, làm nên hiền triết, lấy hiền mà xoa diệu mọi điều hung, bạo, ác, dữ đang phùng man trợn mắt giữa nhân thế. Từ đây, cái tôi của chủ nghĩa trung tâm được nuôi nấng bởi cái ích kỷ đã được trút rũ khỏi não trạng, để trưởng thành mà nhận ra cái tôi thức, đã tỉnh thức trước thân phận con người, trong đó cái tôi vị kỷ thuở nào có số phận thật nhỏ bé của cát bụi (theo ca từ của Trịnh Công Sơn).

Cái tôi thức như vậy đã được chấp nhận, để được đi trên nhân lộ, để được gặp các giá trị tâm linh, với hai sung lực rất mới : niềm tintình thương, trong một biện chứng rất chặt chẽ : niềm tin vào tình thương và dùng tình thương với niềm tin. Đây là chuyện diệu kỳ của lý luận tâm linh : biến hung kiếp thành hiền tri, biến bạo phận thành hiền thân, chữ hiền là trung tâm của con tim tâm linh, cho phép con người càng yêu thì càng hiền. Như vậy, cái tôi thức đã trở thành cái tôi hiền, để tin yêu, để làm hiền đi mọi số phận, làm lành đi mọi nhân kiếp. Từ đây trí hiền đã hình thành, rồi trưởng thành, và mạnh bước trước các thử thách, vượt được các thăng trầm, thắng được mọi ma trận của bất nhân thất đức luôn có mặt trong nhân sinh. Từ đó tỉnh táo để sáng suốt nhận ra các giá trị tâm linh, luôn hiền lành để trợ duyên cho cái tôi thức để tin yêu, có được một kết quả tinh khôi cho nhân thế hiền mà cũng chính là đúc kết tinh anh cho nhân phẩm hiền của chính mình : Tôi là ai mà yêu quá đời này ? Triết gia Trần Đức Thảo hoàn toàn có lý khi viết trong hồi ký của ông là một chủ thể sáng tạo như Trịnh Công Sơn không thể nào thắng hoa và sống còn trong một chế độ độc đảng toàn trị chuyên môn truy diệt nhân tài.

Kinh Kim Cương trong Phật học khi soi rọi vào chúng sinh ; nơi mà mọi sinh vật đều có sinh mạng mà ta phải tôn trọng và bảo vệ, vì mọi sinh mạng đều thiêng liêng, vô cùng linh thiêng (nên Phật giáo mới đặt tên chúng sinhsinh linh). Gốc cội của chúng sinh được làm nên từ các chất liệu của môi sinh (sỏi, đá…) tưởng là không thuộc về chúng sinh, nhưng chúng ta phải có cái nhìn vô tướng để thấy môi sinh vừa là nguồn cội, vừa là sự sống còn của chúng sinh, của mọi sinh mạng, của tất cả sinh linh. Vì vậy, câu hỏi của Trịnh Công Sơn có chiều sâu tâm linh của nó : làm sao em biết bia đá không đau ? Nếu ta biết chúng sinh có những nỗi khổ niềm đau trong nhân sinh, thì ta được quyền đặt câu hỏi ngay trên thượng nguồn là khoáng thạch (sỏi, đá…) : có biết đau không ?

Đây là câu hỏi đặt ta vào con đường để đi tìm các giá trị tâm linh. Khi biết hỏi không những tha nhân, đồng loại, đồng bào, mọi chủng loại mà còn biết hỏi luôn sỏi, đá (luôn bị người trần mắt thịt xem như loại vô tri) là sỏi, đá : có đau không ? thì hùng lực tâm linh đã ngự trị giữa tâm hồn ta, để ta không những làm được chuyện yêu muôn loài, mà còn giúp ta cảm nhận rộng hơn để thương mọi loài. Như vậy, không có môi sinh thì không có chúng sinh, nếu chỉ yêu chúng sinh (tưởng như đã đủ, nhưng thật ra chưa đủ), mà ta còn có thể thương thêm nữa : thương môi sinh đang nuôi nấng, che chở, song hành cùng ta trong cuộc sống.

Câu chuyện môi sinh chính là câu chuyện môi trường, đây là sự thảm bại vô cùng tận của Đảng cộng sản Việt Nam-Đảng cộng sản Việt Nam, độc đảng để độc tài nhưng bất tài trong tận cùng của vô minh, vô tri, vô giác đã mở cửa cho bạo quyền của lãnh đạo qua các nhóm lợi ích, cho tà quyền tham quan trong mê lộ của tham nhũng, cho ma quyền của Tàu tặc đang tàn hủy môi trường Việt, đang truy diệt môi sinh Việt. Các giá trị tâm linh có mặt trong nhân sinh để chống cơn hạn của nhân thế, khi môi sinh bị hủy hoại, khi môi trường bị truy diệt, cơn hạn của nhân thế đang tới, và trong cơn hạn này nhân sinh không có môi sinh để sống còn, nhân loại không những sẽ chết khát, mà còn chết nhục trong cõi quỵ gục của môi trường.

 

Các người đã diệt

Chủ thể sáng tạo trong mô thức Thanh Tâm Tuyền

 

triet12

Thơ của Thanh Tâm Tuyền thức tỉnh trí người, tầm vóc này hiếm thấy trong thơ Việt Nam.

Ai cũng biết chế độ dung bạo quyền công an trị của các người thì rất "mất ăn mất ngũ" bởi những chủ thể sáng tạo theo mô thức Thanh Tâm Tuyền, biết nhận bổn phận với dân tộc, biết gánh trách nhiệm với xã hội, dung chính tự do của mình để bảo vệ sáng tạo của chính mình để thăng hoa giống nòi và đất nước. Nên các người rất sợ thể loại thơ này của Thanh Tâm Tuyền :

Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão

Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai

Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai

Tìm cánh tay nước biển

Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi

Đất nước có một lần tôi ghì đau thương trong thân thể

Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn

Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường

Hút chặt mười ngón tay, ngón chân da thịt

Như người yêu, như người yêu từ chối vùng vằng

Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn

Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường

Tôi chờ đợi cười lên sặc sỡ… mái ngói thành phố ruộng đồng

Bấu lấy tim tôi thành nhịp thở

Ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh

Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng chảy máu tiếng kêu.

Phương châm thi ca của Thanh Tâm Tuyền là : "ta đập vỡ hình hài và thức giấc". Thơ của Thanh Tâm Tuyền thức tỉnh trí người, tầm vóc này hiếm thấy trong thơ Việt Nam. Vì những năm còn trẻ, Thanh Tâm Tuyền đã thấy cuộc đời này là hội buồn : "… nghe trong đời miên man ngực yếu… tiếng trống bồi hồi thôn dã giục người về dự hội. Hội sum vầy thắm thiết có hay… và buổi mai này rồi sẽ mọc lên ủ ê niềm thống hối. Trên bầu trời ngày đã quên ngày. Chó tru khiếp đảm… ". Thơ Thanh Tâm Tuyền viết từ ký ức trong sự trống vắng của chữ đang bị thôi thúc hướng về những chân trời tối mịt, niềm tin không có tương lai, niềm yêu không còn viễn ảnh : "… Một phút là thi sĩ đủ sáng tâm hồn đầy cuộc đời… chữ tự do không nghĩa. Mỗi người đã chính một tự do… tôi ngủ ngoài nghĩa địa một mình. Quanh tôi là người khác. Chúng tôi cùng cô độc… không bao giờ quên người ngủ ngoài nghĩa địa…".

Thanh Tâm Tuyền dặn tôi : "Khóa muốn viết về tôi thì cứ viết, nhưng nên bắt đầu đọc thơ tôi qua chữ thất bại (défaite), nó không phải là chủ bại (défaitisme), vì tôi chẳng theo một chủ thuyết nào, cũng không theo một ý thức hệ nào". Khi trở lại Pháp, tôi mang theo bài cây rừng, mà anh dịch từ một bài thơ aux arbres của thi sĩ Bonnefoy lúc Thanh Tâm Tuyền đang "ở tù cải tạo", Thanh Tâm Tuyền không để sự ủ rục diệt mình trong cõi tù xa xăm, anh đã biến một tác phẩm cội gốc của một nam tào trong thi ca Pháp thế kỷ hai mươi ra một tác phẩm rộng với câu cao và chữ ngọn, đầy Việt tính, cũng đầy tình người. Đầu năm 1987, tôi trao tận tay thi sĩ Bonnefoy ngay tại giảng đường của Collège de France, ông vô cùng cảm động vì biết ra là bài thơ được dịch từ nơi tù rạc, ông thốt lên : "Le poète Thanh Tâm Tuyền arrive à réaliser la vérité de parole dans l’expérience poétique", đã làm được chuyện đưa chân lý của lời người vào được kinh nghiệm thơ, Bonnefoy mong có ngày gặp được anh Tâm, nhưng chuyện tổ chức cho hai người gặp nhau không thực hiện được trước ngày Bonnefoy qua đời. Buồn về chuyện này, nhưng Thanh Tâm Tuyền lại vượt lên được cái tiếc nuối : "Tiếng nói gọi về phía trước, bước sóng dài, người sẽ gói vào lòng bàn tay".

Thanh Tâm Tuyền đặt bút để trở thành chủ thể : "…Giật mìn ngay những vùng trời riêng rẽ, ta chui xuống hố cá nhân, ôm ngày mai vào lồng ngực, tình yêu làm giáp sắt, ta rút về chiến khu, pháo đài dựng lên tua tủa niềm tin, nguyện chiếm lại đại lộ bờ cây tâm sự…". Thanh Tâm Tuyền đặt bút để nhận ra cái thử thách của chủ thể :

"Tôi buồn chết như buồn ngủ

dù tôi đang đứng bên bờ sông

nước đen sâu thao thức

Tôi hét tên tôi cho nguôi giận

Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền".

Nỗi buồn của Thanh Tâm Tuyền nhiều lúc đưa ông đi thật xa : "Tôi thèm giết tôi… Tôi thèm sống như thèm chết". Đây không phải là chuyện tự đặt ra, mà đây là chuyện cốt lõi trong nhà ngục tâm hồn qua các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, qua thơ của Thanh Tâm Tuyền người ta thấy được số kiếp của kẻ sáng tạo trên đất nước oan khiên này. Không gian tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn. Thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên.

Sống không dễ và chết cũng không dễ. 

Mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều

các anh nhớ tôi còn sống

quờ quạng tay gian díu

cách mạng nổ trong sự nín thinh.

Phạm Đình Chương đã biến thành nhạc những câu mà mỗi lần đọc là mỗi lần thấy nghẹn, nghẹn cổ vì nghẹn lòng :

"... đất nước tôi có một lần

tôi ghì đau đớn trong thân thể

những dòng sông những đường cây núi nhọn

những biệt ly rạn nứt lòng đường…".

Về chuyện chữ nghĩa anh chuẩn bị rất miệt mài, chu đáo, hiếm thấy trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam. Thanh Tâm Tuyền giải trình rất rõ các bối cảnh ra đời của bếp lửa, tại sao nhân vật chính ngay từ đầu đã đi trên đổ nát của lịch sử, rồi của ung thư, cuộc sống như không có lối ra ; anh trở lại phân tích "tận nguồn lạch sông" nhận định của Malraux trong la voie royale "mais vivre en acceptant la vanité de son existence… vivre avec cette tiédeur de mort dans la main comme un cancer". Sống để chấp nhận cái chóng chầy trong nhân sinh… sống với cái ẩm mốc của cái chết trong tay như nhận ung thư.

Đi lần tìm cõi thơ của Thanh Tâm Tuyền, người ta sẽ đọc được lịch sử dân mình từ những viết thương còn tươi tới cái thấp thỏm chờ nhau trong các bịnh viện, nhưng bệnh viện không phải là nơi báo tin về cái chết, nó là nơi mà con người vẫn đòi cho bằng được quyền sống, mặc dầu đất nước đang bị chiến tranh thôi miên ; mặc dầu dân tộc đang bị dòng nước đen của chuyện nội chiến chém giết vấy bẩn. Trong bài gửi Quách Thoại, người bạn sớm mai nhóm Sáng Tạo của anh đã ra đi quá sớm, anh Tâm không để không khí bệnh viện biến thành không gian tật nguyền giữa cuộc sống :

"…bệnh viện thành công viên khuất nẻo

Người ngủ một mình đợi chúng tôi…

Không chết trần truồng không thể được

Chúng tôi đập vỡ những hình hài

Cuộc sống phải thừa như không khí

Cuộc sống phải thừa như sớm mai…".

Thanh Tâm Tuyền hiểu được cái gay gắt của Flaubert trong sáng tác như hiểu nghịch lý của văn chương, vừa mang sức mạnh của kẻ sáng tạo đang thắng tờ giấy trắng trước mắt, vừa có sức hủy diệt từng chữ, từng hàng, cả trang trên tờ giấy trắng đó do chính mình viết ra. Viết trong văn chương, nhất là làm thơ, không phải là chuyện viết nhật ký. Triết gia Rancière, trong tác phẩm La parole muette, Lời câm đã nhận định không sai : viết để chống lại cái trống, loại ra luôn chuyện bỏ chạy, nó là chuyện thấy được nhịp đời trong nhịp câu thật sâu kín luôn nằm bên trong của tư tưởng.

Thanh Tâm Tuyền thấy rõ chuyện này, nhưng anh có cách nói của anh, nhớ lại bài bao giờ

"…chiều không xanh không tím không hồng

những ống khói tàu mệt lả… chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình

như kẻ say rót rượu lấy mà uống… cho vui thêm cuộc hành trình (đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi)

cuộc hành trình hoàn toàn cô độc…".

Thời gian đã dắt dìu ý thức bằng cái thất bại giữa đời của chủ thể, cái thất bại này giúp con người hiểu sâu hơn cái thảm bại trong tình yêu, anh không vứt tư tưởng thơ của mình ra giữa khơi, anh bảo vệ tình yêu chống lại mọi ẩm thấp làm chìm ngộp tình yêu, làm nó đuối giữa dòng rồi vùi nó. vì con người còn có một sức mạnh khác : sức mạnh của tự do cho chính mình, sức mạnh này sẽ tạo ra được một không gian mới cho lời người -lời người chớ không phải lời nói- biết đưa người tới một kiếp mới, một kiếp sinh động biết đối thoại với những hẹn hò mới, biết đối thoại là biết mình còn sống, biết hẹn hò là biết mình còn yêu.

Thanh Tâm Tuyền là chủ thể bảo vệ sự sống :

"Đừng bắt tôi từ biệt. vì tôi còn chất đầy tiếng nói

tôi đã bao giờ muốn chết… tôi còn muốn sống muốn sống

thực hiện rừng danh từ của chúng tôi".

Thơ tình của Thanh Tâm Tuyền không ca tụng trơn tru tình yêu, cũng không than khóc thụ động ủ dột tình ái, anh tìm mọi cách bảo vệ chúng, ngay giữa những thời khắc tuyệt vọng nhất :

"Anh sợ những cột đèn đổ xuống

rồi dây điện cuốn lấy chúng ta

bóp chết mọi hy vọng

nên anh dìu em đi xa… sao tuổi trẻ quá buồn

như con mắt giận dữ

sao tuổi trẻ quá buồn

sao tuổi trẻ quá buồn như bàn ghế không bầy".

Trong tuyển tập la part d’exil, mà tôi chủ biên cho đại học Aix en Provence, Thanh Tâm Tuyền khi nhận tham gia, đã trả lời : "Gần đây, tôi không làm thơ nữa, nếu người ta ngủ cùng giường với thời sự qua những chuyện tức khắc hằng ngày, sinh lực sẽ mòn, trí tuệ sẽ bị ao tù. Thơ như những nghệ thuật khác, cần không khí trong lành, cần nội lực trong sạch, cần não trạng trong sáng… chuyện bỗng dưng không làm thơ nữa đã xẩy ra với tôi trước năm 1960, thời điểm mà tôi bị khủng hoảng nhưng bằng sự sáng suốt giữa cơn điên, lúc đó tôi loại thơ ra khỏi tôi một cách ý thức và rất lạnh lùng, coi thơ như một loại rễ lạ bám vào thân mình, cứ tự hỏi : tại sao thơ ? Tại sao phải làm thơ ? Tại sao làm thơ giữa thời buổi này ? Tại sao phải chính tôi làm thơ thời buổi này ? Những câu hỏi ngu ngốc đó có sức sáng suốt của nó, nó đánh thức tôi đừng sống bằng ảo tưởng, trong thời gian như vậy tôi sống trong cái điên sáng suốt của mình".

Sự yên lặng không phổ biến thơ của anh không phải là chuyện anh ngừng hẳn suy nghĩ và suy ngẫm về thơ.

Tôi vẫn sống thiệt thà dù không còn hình ảnh

dù không còn âm thanh.

Khóa tin chắc một điều là Thanh Tâm Tuyền không hề ngừng suy nghĩ về đời, về thơ. Sự câm lặng này của thơ chống lại cái ồn ào của ngôn ngữ, yên lặng không phải là yên bặt, trí lực thơ vẫn đột nhập vào lòng người, đưa nhân phẩm lên hàng đầu, thơ đã đặt tình người vào một cơn lốc xoáy khác, đặc thù hơn, nơi mà nhạc của thơ đã nhập nội cùng sự lặng thinh của chữ, để lý trí được lẳng lặng sống trọn cho chính mình.

Chuyện lý trí vẫn là chuyện cốt, gốc, rễ trong thơ của anh, chuyện này đã có mặt trong bài lệ đá xanh :

tôi biết những người khóc lẻ loi

không nguôi một phút

những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình...

chuyện thể hiện ra ngoài bằng ngôn ngữ không còn chỗ đứng tuyệt đối với thi sĩ như Thanh Tâm Tuyền chỉ cần giữ cái nguồn, cái cội, cái mạch của trí tính, vừa lặng, vừa mạnh. Câm giọng không phải là nín lời. Đêm lắng của thơ không phải cái câm trắng của ngày, ta thấy rõ chuyện này qua bài đêm ; những người đi trong đêm, xuyên chiến tranh, thấu rõ mọi đổ vỡ, họ có "sức thấy" của họ mà người khác không có, vì họ đi nhiều, sống nhiều và suy nghĩ nhiều : 

"Những đêm nào chiến tranh đã qua

con mắt đen niềm im lặng

anh vẫn đi hoài trong thành phố".

Mann khi bỏ đất nước Đức thân yêu mình ra đi, đã trách đồng bào mình là : "regarder sans voir", nhìn mà không thấy, nhìn và sống với Đức Quốc Xã từ lâu, hàng ngày mà không thấy chúng là bọn sát nhân. Thanh Tâm Tuyền thấy được thật rõ nhiều chuyện tai ương của đất nước, thảm họa của dân tộc trong tay của bạo quyền độc đảng toàn trị : " Hình ảnh tự do đổ vỡ… Các con ơi cha anh chết đều chưa đầy tuổi ba mươi. Đồng bào mình lạc lõng ngay trên đất nước mình, lạc đường giữa nhân sinh, lạc loài giữa đồng loại. Bầu trời nắng như màu bơ vơ, nắng nhiệt đới xéo bàn tay run rẩy.

Thuở sinh thời những lúc bàn bạc về "thơ gần ta, thơ xa ta", Thanh Tâm Tuyền rất gần với R.Char : "Souvent je ne parle que pour toi afin que la terre m’oublie" ; thường thì Thanh Tâm Tuyền có cách nhìn tình yêu của riêng anh : "Sẽ chết như sao rơi vào bất tận. Sẽ yêu như giọt nước hân hoan..." Valéry xem mỗi bài thơ là một cơn bão của tư tưởng : "Il me semble voir la figure une pensée pour la première fois placée dans notre espace ", mỗi bài thơ mang một khuôn mặt mà hình như lần đầu ta thấy được tư tưởng được đặt giữa không gian của chúng ta. Thanh Tâm Tuyền cũng có cách nói của anh : "Cho đi hoang làm cơn lốc bi thảm. Cuốn ngay chính mình chết theo không gian...".

Thanh Tâm Tuyền rất tránh các thi sĩ suốt ngày "đẽo chữ" cho đẹp, anh thích gần các thi sĩ "đào sâu từng chữ", sự thật không phải là chuyện đẽo đục, mà là chuyện đào để tìm, sâu cùng vực, đắm cùng hoạ, để thấy rõ kiếp người, chữ ghẻ lạnh của riêng Thanh Tâm Tuyền ra từ đáy vực : "Trưa nắng cháy vào sâu trong ghẻ lạnh. Với máu trong tim. Chảy nhanh như máy móc đau ốm". Thanh Tâm Tuyền thấy rõ hoang tàn, nhìn rõ tuyệt vọng, chủ thể thất bại nhưng nhân sinh không thảm bại, nhìn thấy được vực để tránh nó, để sống ; đào sâu từng chữ để rèn cứng từng lời, không bầy biện biểu tượng, không phô trương luân lý, để giữ cho bền sức ý thức của tự do.

Cả đời là sa mạc. cả tôi là tự do. Chất tự do của chủ thể trong thơ Thanh Tâm Tuyền luôn bị đe dọa, người ta yêu quý nó, nhưng đối với Thanh Tâm Tuyền nó cũng là nơi của bao gẫy đổ qua thời cuộc, nó nói lên bao hữu hạn của kiếp người, với bao mất mát trước các tai ương của chiến tranh, làm tật nguyền tâm linh của nhân sinh. Làm người cách nào thì trọn vẹn khi đã mất lòng tin ? Nhưng bất cứ giá nào cũng phải ôm ấp cho bằng được chủ thể tự do : "Anh ôm ghì sự bất lực đói khát, mũi dao nhọn giữa lòng tin". Trong thơ của Thanh Tâm Tuyền chữ tự do có lịch sử riêng của nó vì không hiểu tự do làm sao hiểu được tình yêu. Người ta chỉ yêu khi tự do. Đây cũng là cuộc đối đầu giữa cái áccái nhân, trong thơ của Thanh Tâm Tuyền con người phải đi qua đêm để thấy một loại ánh sáng mới đứng giữa lòng đêm, rồi cùng nhau lấy chung một quyết định chém đầu chuyện cúi đầu, nếu lấy thời điểm 1975 làm con mốc cho chuyện biến thiên của người Việt, thì hai mươi năm trước là chuyện di cư : "Tôi chờ đợi. lớn lên cùng giông bão. Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai. Tìm cánh tay nước biển… Con ngựa buồn. Lửa trốn con ngươi…". Rồi gần hai mươi năm sau là chuyện di tản : "rũ bỏ ký ức- ký ức người… nuốt trọng điếm nhục… và đi… biết trí nhớ khuất ngoài tích sự…". Thơ Thanh Tâm Tuyền gom được sử đời, rồi sẵn sàng cõng nó trên lưng và đi. Thanh Tâm Tuyền trực diện với lịch sử, bạn bè của Thanh Tâm Tuyền kể là năm 1954 giữa đợt di cư, Thanh Tâm Tuyền còn lấy chuyến bay cuối cùng để trở lại Hà Nội nhắn gởi gần xa hãy thận trọng với chế độ độc tài mới. Rồi giữa dòng người di tản trước ngày 30 tháng Tư, có bạn bè gặp Thanh Tâm Tuyền và hỏi : "Nên đi hay nên ở ?", Thanh Tâm Tuyền trả lời : "Đất nước của mình, mình ở, không đi, ở và chấp nhận cái giá ở lại này !". Nhưng quyết định ở lại đã lao lý hóa Thanh Tâm Tuyền trong các trại cải tạo hơn 10 năm, đây cũng là tà thuật của bạo quyền tìm mọi cách truy diệt chủ thể sáng tạo.

Thanh Tâm Tuyền cũng chấp nhận cái thử thách lớn nhất của thi ca trong cuộc đời làm thơ của mình, đó là chuyện thấy được cái chung của nhân sinh nằm trong sinh lực chỉ của một chủ thể, chủ thể không phải là một người riêng rẽ, chủ thể là nơi hội tụ của mọi biến cố mà nhân loại có thể chưa biết, nhưng qua chủ thể này các biến cố giờ đã được xếp thành biến cuộc mà con người có thể hiểu được qua thi ca, thơ khung lại biến loạn, thơ rào lại biến tâm, rồi đi tìm nghĩa sống mới cho nhân loại. Triết gia Deleuze, cùng thế hệ với anh nhận rõ được điều này : "Un seul et même océan pour tous les gouttes, une seule clameur de l’être pour tous les étants". Chỉ một và cùng đại dương cho mọi hạt nước, chỉ một cuộc bùng nổ của một chủ thể cho mọi người, bùng nổ rồi gẫy đổ, chủ thể này chấp nhận rơi vào cô đơn, đi từ chuyện thất bại này qua thảm bại khác, để thơ tự lột được vỏ bề ngoài của mình, và thơ sẽ trao nội chất của nó cho chủ thể.

Như vậy nhân sinh sẽ cứng cáp hơn, nhân loại sẽ chịu đựng bền bỉ hơn trong nhân thế hỗn loạn. Không sợ cái tàn nhẫn, vì lửa hẹn vẫn hôn gót chân, vì con người vẫn ham muốn chuyện hẹn hò, bất chấp chiến tranh.

Em hoàng hôn trút áo

ngực gọi đêm về

vì còn đồi đá sỏi

cần lửa hôn gót chân… sao vỡ trên môi.

Thanh Tâm Tuyền có cách nuôi hy vọng riêng cho mình, Thanh Tâm Tuyền rất sáng suốt khi bình câu "l’espoir pour rien" của Char, hy vọng chẳng để làm gì ; Thanh Tâm Tuyền cũng hiểu lời dặn của Héraclite : "l’homme qui ne s’abandonne pas à l’espoir n’atteindra jamais l’inespéré". Người mà không bỏ rơi hy vọng sẽ không tìm tới được sự vô vọng. Trong tuyển tập La part d’exil cùng với Tô Thùy Yên và tôi, Thanh Tâm Tuyền kể cho bạn đọc tiếng Pháp nghe được về nỗi thất vọng của Thanh Tâm Tuyền, nơi mà Thanh Tâm Tuyền biến trí tuệ mình thành cấm địa, loại ra khỏi mình những quan hệ xã hội không đâu, tạo điều kiện cho sự trở lại bất chợt và lạ lùng của thơ. Thanh Tâm Tuyền còn tâm sự mỗi lần thơ trở lại, giữa cảnh tù đày cải tạo, Thanh Tâm Tuyền thấy được hạnh phúc, có khi thấy hơi mắc cỡ, Thanh Tâm Tuyền viết chữ pháp "timide", rồi giấu những bài thơ đó như hồi còn trẻ, như giấu cái vui sướng thật riêng tư.

Hoang vu lời thơ ai heo hút cùng cỏ cây heo hút

dẫn đưa anh về tận nẻo nguồn chốn bình minh lẩn lút.

Biết tìm cho mình nẻo nguồn chốn bình minh lẩn lút là biết sống. Có những thi sĩ mỗi ngày đều làm thơ nhưng không có chỗ riêng tư để bảo vệ thơ mình, nhiều khi thơ của họ không có chỗ để dung thân, Thanh Tâm Tuyền tự dặn mình tạo chỗ nương thân cho thơ. Không khí nhiễm độc. đập vỡ. quá khứ hỗn xược trên da trống. Cái khó hằng ngày là nuôi hy vọng của mình ngay trong địa ngục trước mắt, mà đạo Phật đã phạm trù hóa được, rồi đặt tên cho nó là : địa ngục điện tiền. Nhớ lại bài Đêm đông ở k2 Tân Lập : "…còn qua bao cửa ngục ? Đây quê mình quê người ?...", địa ngục cải tạo loang như vết dầu trùm phủ cả quê hương, rồi người Việt không còn nhận ra đất nước của mình nữa.

Nếu cái ác của bạo quyền mang con người ra để "đấu giá" thì nhân tính sẽ thất bại, nhân sinh sẽ chết ngộp, nhân tình hấp hối giữa đời. Giọt sáng rơi kiệt cùng cõi hư. Không gian tối tăm này, cũng được anh đặt tên là : Miền khuyết sử, Thanh Tâm Tuyền phân tích rõ ý mình : "Sự thật… sự thật như rắn rết, chuột bọ, ếch nhái, như rau cỏ, quả rừng được ăn nuốt vội vàng bất chấp mọi phép tắc. Bố đã nhai nghiến trệu trạo bằng hai hàm răng đau nhức với sự thực lượm trên đường…". Trong thơ của Thanh Tâm Tuyền, chủ thể đi hoang để tự cứu mình, vì môi trường sống đã thành môi trường chết, ngày mình sinh ra đời là ngày mình đi lạc trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn này, ngày sinh nhật của Thanh Tâm Tuyền trong trại cải tạo là ngày đất đã không giữ được người, trong bài Sinh nhật trên đồi, Thanh Tâm Tuyền thổ lộ : "… Hắn tự chôn theo gió cuối trời". Anh biết rất rõ thơ của Milosz : "Les morts les morts sont au fond moins mort que moi…", những người đã chết nhiều khi ít chết hơn tôi. Nhưng Thanh Tâm Tuyền không phải Milosz, Thanh Tâm Tuyền thấy được lối ra của nhân sinh giữa vũ trụ sang mùa, lối thoát của nhân loại đi tìm một loại ánh sáng mới bằng tự do của quyền làm người, tự mình tìm lối đi cho chính mình, không để cái chết tự do độc thoại.

Trong bài Vang vang trời vào xuân, giữa trại tù cải tạo Thanh Tâm Tuyền thấy được mùa xuân đang dẫm trên vai cái ác, đang vượt trên đầu cái vô nhân, đi tìm ánh sáng mới giữa mùa xuân mới để đào sâu hơn ý nghĩa -và ý định- của tự do : "Vang vang trời vào xuân. Ta bật kêu mừng rỡ. Ôi bạn bè xa xăm. Tim ta cũng cháy đỏ. Rừng thẳm bóng trăng ngàn". Thanh Tâm Tuyền sống thật với câu chữ của mình, thơ của Thanh Tâm Tuyền là thơ tự do, tự đào trong chữ, tự thoát trong câu, tìm nhạc tính cho riêng mình không bị lệ thuộc vào thói quen của vần điệu nhân gian. Thanh Tâm Tuyền làm thơ như chủ thể luôn tìm ra được các chân trời lạ để thấy và để sáng tác : " Đau như thú dữ cháy rừng. Ta đập vỡ hình hài và thức giấc".

Thanh Tâm Tuyền là chủ thể thức để thấu :

"Em gối đầu sương xuống

Trò chuyện với bóng mình

Tôi đẹp như hình tôi

Như cuộc đời, như mọi người…".

Giá trị tâm linh luôn có chỗ dựa bắt đầu là sự tỉnh thức rồi từ đó là sự thức suốt, một nhân tri của nhân lý, bỗng nhiên khi thức tỉnh thì sẽ tỉnh táo mãi mãi, khoảng thoắt chốc sự tỉnh thức giờ đã thành sự nhận thức thường xuyên cho cả đời người. Phương trình tỉnh thức-nhận thức, làm nền cho mọi hành động mang nội chất tâm linh trong đó có trọn vẹn hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) của nhân trí. Câu chuyện của một người con gái, chỉ một mình, đơn thân, khi gối đầu sương xuống, nhưng không cô đơn, đã biết tự trò chuyện với bóng mình, lập nên cuộc đối thoại có nhiều đối tượng, có hình tôi, cuộc đời, mọi người. Như vậy là đã đầy đủ, không thiếu ai, cái tôi ích kỷ vì tôi chỉ thấy tôi đã không được tham dự vào cuộc hội luận về cái đẹp này, nhật thứ của cuộc hội đàm này không chỉ có một cái đẹp mà có ít nhất tới ba cái đẹp : tôi đẹp, cuộc đời đẹp, mọi người đẹp.

Như vậy, nơi nào có sự sống, người ta sẽ tìm ra cái đẹp. Câu chuyện ở đây là giá trị tâm linh nêu lên cái đẹp đa phương, đa chiều, đa dạng của cuộc sống từ tôi ra tới cuộc đời, trong đó đã có mọi người, và từ ba cái đẹp đa nguyên này thì thế giới bên ngoài sẽ đẹp, vũ trụ trên cao cũng sẽ đẹp theo chăng ? Nhưng các giá trị tâm linh có khác với các giá trị minh triết không ? Có chứ ! Các giá trị minh triết tìm lối thoát cho mọi khúc mắc của cuộc đời, có lúc minh triết tính chuyện "thoát tục", chấp nhận chuyện "mai danh ẩn tích" để được an nhiên tự tại (sống yên để yên sống). Còn các giá trị tâm linh ở lại với đời để tìm cách sống đẹp, và cùng lúc bảo vệ cái đẹp của đời, của người. Tâm linh sống với người, ở lại với đời để nâng người lên cao qua cái đẹp, mở tầm nhìn của người để làm rộng đời, rồi đưa đời, đưa người, đưa tôi đi xa và đi sâu vào cái đẹp…

Thanh Tâm Tuyền là chủ thể thức để vượt oán, trong ngục tù lao lý của bạo quyền độc đảng, thơ của Thanh Tâm Tuyền đi trên lưng những oán hận, đi trên vai những thù hận, đi trên đầu những cừu hận : "Lòng phiêu linh không chút oán sầu". Các giá trị tâm linh luôn giúp con người vượt qua oán, sầu, thù, hận… để khi vào cõi của tâm linh với các giá trị cao, đẹp, tốt, lành, khi con người dẹp được chuyện mà đạo Phật gọi là tham, sân, si. Thi từ "Lòng phiêu linh không chút oán sầu" này của Thanh Tâm Tuyền được sáng tác trong những năm tháng bị giam cầm trong các trại học tập, mỗi khi ra khỏi trại giam để "đi lao động",Thanh Tâm Tuyền có thể gặp được thiên nhiên, núi rừng, cây cỏ, lá, hoa… đó là lúc Thanh Tâm Tuyền thấy sự thoải mái đã đánh thức được tuệ giác để "không chút oán sầu", để bao dung, khoan hồng, rộng lượng, vị tha tới hội tụ chung quanh ông.

Sống trong lao lý, nhưng chỉ cần một vài giờ giữa một không gian rộng không rào ngăn, không kẽm gai là lòng phiêu linh hiện diện ngay tức khắc, là các điều kiện để tiếp nhận cõi tâm linh sẽ có mặt tức thời. Lòng phiêu linh vừa là động cơ, vừa là kết quả của tự do, dù chỉ tạm thời, chính khi biết dùng tự do để gạt ra, để buông bỏ, để tháo gỡ, để trút rũ cho bằng hết mọi oán thù, để "không chút oán sầu"nào có thể bám được vào tâm cảnh lúc con người đang có tự do, đây là đường đi nẻo về để hiểu, để định nghĩa các giá trị tâm linh. Nếu thi ca đã vào nằm sâu trong các giá trị tâm linh để người nhận ra người, thì câu chuyện tâm linh luôn là sóng lòng chung giữa người và người, nó làm con người xúc động, thường đi đôi với nụ cười.

Thanh Tâm Tuyền thấy để nghe : "Vang vang trời vào xuân", giữa những năm tháng tù rạc tại các trại học tập. Câu chuyện tâm linh thường là chuyện khả năng tái tạo của nhân tri, cụ thể là lấy cái cũ làm ra cái mới, lấy cái mà ai cũng biết, ai cũng công nhận tạo ra cái sẽ được chấp nhận giúp ta có tâm yên-trí vững trước các bão tố của nhân sinh. Đây là câu chuyện lấy giá trị bình thường để tạo ra giá trị khác thường, mang theo cái đẹp mới, cái hay mới, cái tốt mới, cái lành mới, không những làm giàu cho cho nhân sinh quan của chúng ta mà còn để nâng cao nhân phẩm của chúng mình nữa !

Trong câu chuyện đi tìm đường đi nẻo về của các giá trị tâm linh, thì thi từ này đưa chúng ta vào một không gian tưởng chừng chỉ có sự im lặng, nhưng chỉ một trạng động từ vang vang, thì không gian với mùa xuân đã huyền diệu rồi, giờ lại thêm có âm thanh làm nó huyền diệu thêm. Một không gian xuân thì chỉ có màu sắc, không có âm thanh, vậy mà thi sĩ dùng vang vang như âm thanh đang tràn lan trong trời vào xuân, một giai điệu mà ta cảm nhận được khi ta thấy vạn vật đang sinh lộc, nẩy chồi. Và mỗi lần chồi lớn lên, lộc rộ ra, hoa nở rộng ra với màu sắc ngày càng rực rỡ, thì ta cảm nhận được dường như có âm thanh, dường như có giai điệu cho sự trở mình, cho cái đang mọc ra, cho cái lớn lên. Âm thanh của sự thăng hoa này lắng nghe chưa đủ, phải cảm nhận nó, để cảm nhận chất sống đang bật dậy rồi đứng dậy ngay trong sự sống, mà thính giác không đủ tài năng để nhận ra, mà phải cần sự nhạy cảm đầy đủ lực để trở thành sự nhạy tâm. Phương trình nhạy cảm để nhạy tâm là gốc, rễ, cội, nguồn của chuyện nhạy lòng trong cấu trúc của các giá trị tâm linh.

Trời vào xuân là chuyện của mùa màng, của ngoại cảnh, của quy luật bên ngoài trong sự vận hành của vũ trụ, còn câu chuyện nhạy cảm-nhạy tâm-nhạy lòng là chuyện bên trong, của nội tâm, một sinh hoạt nội giới được tâm linh kích hoạt nên nó thấy được, nó nhận ra, nó hiểu để thấu rằng : vang vang là kết quả của sự vận hành xuân, khi xuân đang tới với vũ trụ mà nhân sinh đã cảm nhận được nó. Mọi sự vận hành trong lắng động của mùa xuân, giờ đã được ta cảm nhận bằng âm thanh của vang vang, không những đang vang dội bên ngoài, mà cùng lúc đang vang động bên trong mỗi chúng ta, mỗi dịp xuân về.

 

 

Các người đã diệt

Hồn Việt hải ngoại của mô thức Du Tử Lê

 

triet13

ĐôngTây, có những con đường tâm linh thật khác nhau, trong quy luật sinh, bịnh, lão, tử của Phật giáo, trong đó lịch sử của Phật học có những trường phái cổ còn muốn đi xa hơn, trong câu chuyện thấy cái chết giữa cõi sống, đó là bài học lâm thi (quán chiếu thây người đã qua đời trong rừng để thiền định). Phương Tây thì chọn nhiều con đường khác nhau, trong đó có hai phái rất khác nhau, phái của Plotin phân tích thây người không đẹp vì sự sống đã bỏ thân xác, ông còn cả quyết một thân thể xấu luôn đẹp hơn mọi cái tượng qua điêu khắc được xem là đẹp. Descartes thì ngược lại thấy được thây người có thể không đẹp nhưng nghệ thuật có thể trình bày để nó trở nên đẹp, để kẻ chiêm ngưỡng sẽ phải công nhận là thây người có thể đẹp, nhờ nghệ thuật chế tác được cái đẹp. Câu chuyện của Du Tử Lê tự kể về chính cái chết của mình là một câu chuyện vừa buồn, vừa đẹp, và cái đẹp có mặt qua các giá trị tâm linh của kẻ lưu vong, cả kiếp sao không chấp nhận kiếp xa nhà, vắng quê, mất đất nước :

Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một ngôi mồ

Vùi đất lạ thịt xương sao tan biến

Hồn không đi, sao trở lại quê nhà ?

Trước hết là câu chuyện : Đời lưu vong không cả một ngôi mồ, để kế tiếp là nỗi đau đáu của kẻ lưu vong luôn thấp thỏm khi nghĩ tới chuyện bị vùi thân nơi đất lạ : Vùi đất lạ thịt xương sao tan biến. Ở đây nội chất tâm linh đã làm lõi cho ý định-ý muốn-ý nguyện của hồn để biến thành ý lực của chuyện trở lại quê nhà, trong nhân dạng làm nên giá trị tâm linh của câu hỏi : Hồn không đi, sao trở lại quê nhà ? Khi câu chuyện tâm linh được khởi xướng lên trong đời lưu vong, thì mạch tâm linh là sự trở về quê nhà cho bằng được (bằng con đường tâm linh) :

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Ngược trôi đi đưa hình hài trở về

Bên kia trời là quê hương tôi đó

Dừa nghiêng nghiêng ôm hoài mối tình quê…

 

Hành tác tâm linh là thây người chết biết ngược trôi đi để hình hài trở về, vì bên kia trời dù xa lắc xa lơ đó, chính là quê hương tôi đó, và người chết có đủ nội lực tâm linh để nhận ra : dừa nghiêng nghiêng ôm hoài mối tình quê. Câu chuyện tâm linh kể rằng khi ta yêu một đất nước, một quê hương, thì ta yêu không sao kể xiết những người mà ta gọi là đồng bào đang sống trên quê hương đó, nhất là cha mẹ, anh em, quyến thuộc của ta, đã giáo dưỡng ta trong mối tình quê. Đây là hình ảnh của mẹ, của em… mà kỷ niệm, mà ký ức đã giữ trọn để tạo nên cõi tâm linh :

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Vì em tôi, vì mẹ già vẫn chờ

Từ mắt buồn lệ đen hơn bóng tối

Thả tôi đi cho hồn người được nguôi…

Hành động yêu cầu người đang sống là thả tôi đi cho hồn người được nguôi, nơi mà động từ thả như một hành tác giúp hồn được giải thoát để kiếp lưu vong được giải oan, chỉ để được nguôi thôi. Ở đây trạng từ nguôi là kết quả tâm linh đã thực hiện được chuyện hồn được nguôi, hùng lực của tâm linh chính là đây ! Đã làm nguôi những đau đáu tưởng không sao nguôi được. Câu chuyện tâm linh vẫn chưa dứt, tư duy lưu vong lại khám phá ra chuyện tận tuyệt với hồn :

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết

Đời lưu vong tận tuyệt với hồn tôi.

nỗi buồn chỉ dứt khi tôi (được) chết, nhưng câu sau tại sao đớn đau lại trở về, lần này nó làm nên một nỗi đau mới, một nỗi đau tuyệt đối, ngay cả người chết lẫn người sống không biết có vượt qua được không : Đời lưu vong tận tuyệt với hồn tôi. Tại sao đời lưu vong lại là tận tuyệt với hồn ? Đây là câu hỏi mà cũng là câu trả lời cho tất cả những đứa con tin yêu của Việt tộc đang phải sống lưu vong, vì bạo quyền trên quê Việt không cho con dân Việt, được sống và chết với mối tình quê. Đây cũng là thử thách của bất cứ ai đang lưu vong lại đang muốn kể câu chuyện lưu vong, hoặc muốn viết sử về chuyện lưu đày của hàng triệu người Việt, để kể làm sao ? Và viết làm sao ? cho có đủ chiều sâu tâm linh của mối tình quê, cho có đủ chiều cao tâm linh của hồn được nguôi… Các người thanh trừng nhau vì quyền lực để tạo quyền lợi mà xây tư lợi thì tôi không tin là các người hiểu thấu hồn Việt hải ngoại của mô thức Du Tử lê.

Lê Hữu Khóa

(09/08/2020)

---------------------


lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 1291 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa lundi, 10 août 2020 03:03 posted by Hoàng Trường Sa

    Xin chân thành cám ơn tác giả Lê Hữu Khóa về bài chính luận rất hay này. Tôi mới bắt đầu đọc bài của tác giả gần đây thôi. Tôi đã học được nhiều điều hay từ các bài viết của ông. Xin cám ơn ông.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)