Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/08/2020

Triệt luận 1 : Triệt hiện sử Việt

Lê Hữu Khóa

triet1

Triệt hiện sử Việt

Hiện sử là sử dụng dữ kiện của hiện tại và vận dụng sử kiện để tận dụng sử luận mà hiểu sử tính, mà lập chân dung và nhân dạng cho hiện sử Việt. Bạo quyền độc đảng hiện nay triệt hiện sử Việt với ý đồ triệt tiêu những hùng khí Việt đã làm nên hùng sử Việt của minh tộc Việt, của dũng tộc Việt, đã biết chống ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi của tổ tiên.

triet2

Bức tranh thêu "Ông Đồ" của cụ Kinh phỏng theo nét vẽ Bùi Xuân Phái

Triệt hiện sử Việt là phần I của Triệt luận dựa trên ba chuyên ngành đã làm nên khoa học xã hội được định vị bởi khoa học luận thực nghiệm của M.Weber : nhân học, sử học, xã hội học.

Nhân học trong nhân Việt

Đất nước Việt Nam một lần nữa bị Trung Quốc xâm chiếm, lần này giặc phương Bắc bắt đầu cuộc xâm lược bằng cách chiếm hải phận của chúng ta, quần đảo Trường Sa thân yêu, trước đó họ đã chiếm Hoàng Sa. Lại một lần nữa, như nhiều lần trước trong lịch sử của Việt tộc, chúng ta sẽ đoàn kết với nhau để giữ trọn vẹn lãnh thổ của tổ tiên, vì tương lai của nhiều thế hệ mai sau, nhất là vì một đạo lý bao quát của nhân loại qua chữ : nhân, về đạo làm người, biết đạo lý và tôn trọng pháp lý. Chữ nhân lần này được thử thách trên một mặt trận lớn, đưa chúng ta đi xa hơn nữa trong nhân lý giữa bối cảnh toàn cầu hóa, trong nhân tính của quá trình thế giới hóa, chúng ta sẽ giữ cho bằng được nhân cách trước đe doạ của chiến tranh tới từ một đối phương lớn và thô bạo. Đây là một mặt trận vừa mới về nhân phẩm, vừa lớn về nhân sinh

Trước thế giới, chúng ta phải đủ vai vóc của nhân nghĩa, tầm vóc của nhân giáo, nội công của nhân bản để thắng được đối phương trong lần thư hùng này, chính nghĩa của ta chính là nhân đạo, mà cha ông của chúng ta đã dạy chúng ta từ hồi lập quốc, từ khi Việt tộc là Việt tộc. Năm 1992, tôi chủ trì số báo : Chỗ đứng của văn hóa Việt Nam trong Khổng giáo, cho tập san Approches-Asie của đại học Nice-Sophia Antipolis, mà tôi đang làm giám đốc biên tập ; ngoài các bài viết của các chuyên gia, tôi giữ chỗ trung tâm cho bài phỏng vấn về Bản sắc Việt Nam do giáo sư Hoàng Xuân Hãn đảm nhận trả lời. Tôi tránh vòng vo, hỏi trực tiếp giáo sư : Bản sắc Việt Nam là gì ? Thì bác Hãn trả lời là : "Bản sắc của người Việt vừa là nhân phẩm của người Việt, mà cũng vừa là nhân phẩm của nhân loại trong chuyện làm người phải luôn đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của mình trước mọi thế lực ngoại xâm, nhất là những thế lực lại là những cường quốc".

Từ đó tới giờ đã hơn hai mươi năm, tôi không còn được nghe, được đọc các định nghĩa bản sắc của người Việt nào rõ ràng hơn, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn định nghĩa này của bác Hoàng Xuân Hãn. Đây là chỗ dựa, chỗ đứng tạo ra lý luận và lập luận của tôi trong diễn tri chính luận này. Xin hãy coi đây như lời tâm huyết của tôi với tổ tiên tôi, với đồng bào tôi ; rộng hơn nữa hãy coi đây như lời tâm sự của tôi với đồng loại -không phải chỉ là đồng bào của tôi- trong chuyện bảo vệ nhân tính của nhân sinh hiện nay. Vì trên trận đồ này, không còn là xung đột đơn thuần giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà là một chiến trường không biên giới giữa thế giới nhân bản và Trung Quốc bá quyền. Không những chỉ có Á châu, mà Úc châu, Âu châu, Mỹ châu, Phi châu hãy cảnh tỉnh ! Cảnh giác càng sớm càng hay trên mặt trận này ! Vì trước sau gì bành trướng sẽ vô nhân, bá quyền sẽ thất nhân.

Chữ nhân là cả sự nghiệp của Khổng Tử, dân tộc Việt Nam từ nhiều thế kỷ đã học và đã hiểu chữ nhân của người thầy gốc Trung Quốc này, và Việt tộc chúng ta sẵn sàng chỉ bảo nhau, rồi dạy cho các thế hệ mai sau phải đào sâu thêm chữ nhân này. Chúng ta còn học được ở Mạnh Tử, Trang Tử… khi họ diễn luận để làm phong phú thêm chữ nhân này của Khổng Tử, mà chúng ta coi như là một luận thuyết lớn của đạo lý, một chủ thuyết rộng của của luân lý. Vậy mà, tháng 5 năm 2014, giới cầm quyền Trung Quốc lại vô cùng thô bạo, biến thành loại cướp biển, chiếm thềm lục địa Việt Nam theo phản xạ bành trướng trong thói bá quyền, bất chấp đạo lý, gạt bỏ luân lý giữa các láng giềng biết tôn trọng lẫn nhau.

Bất nhân khi bắt bớ ngư dân Việt Nam, vô nhân khi bắn giết các lính biên phòng Việt Nam. Hãy đặt một giả thuyết : nếu Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử đang sống cùng chúng ta trong đầu thế kỷ 21 này, thì chắc chắn họ sẽ cúi đầu xin lỗi dân tộc Việt Nam ! Hãy cùng nhau phân biệt "phong cách đại quốc" của Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và "thái độ nước lớn bất nhân" của các nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay. Nếu có "phong cách đại quốc", thì chúng ta sẵn sàng coi họ như đàn thầy, đàn anh… còn nếu chỉ có "hành vi nước lớn bất chính" đi ăn hiếp nước nhỏ láng giềng, cướp biển thì dân tộc ta đã có từ thủy man, bọn cướp biển man rợ.

Chữ nhân từ nay phải trở thành sách lược của Việt tộc trên mặt trận ngoại giao, chiến lược trên mặt trận quân sự, nhất là chủ lược trên mặt trận truyền thông của Việt Nam đối với thế giới để cảnh tỉnh toàn cầu về chủ nghĩa bành trướng vô nhân của Trung Quốc. Chúng ta sẽ dùng phạm trù nhân-hữu-nhân để đối mặt bọn vô-bất-nhân. Ông bà ta gọi chiến lược này là nhân địch luận, dùng nhân giáo của đối phương để thắng thái độ thô bạo, hành vi hàm hồ, phong cách lỗ mãng của đối phương, rồi biến chữ nhân đây đã trở thành : nhân dịp, nhân cơ hội, nhân thời cơ, nhân hoàn cảnh, nhân thời thế, nhân bối cảnh… để làm rõ chính nghĩa của ta, cùng lúc tạo điều kiện cho đối phương cải thiện, sám hối trở lại với nhân giáo do chính họ chế tác ra. Đây là loại chiến thuật thông minh, vì nó dựa trên đạo lý thông minh của đối phương, giúp đối thủ ta tìm mọi cách tránh cảnh sắc máu chiến tranh vô phương, chỉ vì vô minh của họ.

Cao hơn nữa, trong những ngày tháng tới, chữ nhân sẽ vừa là kim chỉ nam trong quá trình toàn cầu hóa nhân cách đạo lý Việt tộc, vừa là cầu nối nhân duyên giữa thế giới và Việt Nam trước thảm hoạ mới của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc bất chấp công pháp quốc tế. Tứ hải giai huynh đệ sẽ được ta chuyển hóa thành năm châu nhân cách đạo lý Việt. Trong 40 năm sống với Việt học ở phương Tây, tôi học được nhiều phân tích của các chuyên gia, của giới chính khách, họ hiểu thấu về lịch sử Việt Nam, mặc dù họ không phải người Việt nhưng họ rất hiểu sâu người Việt, họ thống nhất trên nhận định : "Le peuple Vietnamien, un peuple farouchement indépendant" (Dân tộc Việt Nam, một dân tộc độc lập một cách quyết liệt).

Đừng hiểu chữ quyết liệt theo nghĩa quá khích mà hãy hiểu theo nghĩa quyết tâm, quyết chí và sẵn sàng quyết chiến để quyết thắng… Những chuyên gia phương Tây về Việt Nam này họ thấy rất rõ độc lập tính trong Việt Nam tính của dân tộc ta qua quá trình đánh giặc và đuổi giặc ra khỏi bờ cõi của tổ tiên. Các cường quốc ngoại xâm đã thua trận trên đất nước này, trong đó nhiều lần có Trung Quốc, trên ngàn năm chưa hề đồng hóa được Việt tộc.

Những năm gần đây, trong các buổi gặp gỡ tại Liên Hiệp Quốc về văn hóa, tôi lại nghe nhắc lại câu này : un peuple farouchement indépendant. Các chuyên gia ngoại quốc xem độc lập tính trong Việt Nam tính vừa là cái lõi lại vừa là cái gốc, vừa là cái nguồn lại vừa là cái rễ của dân tộc Việt… Tựu trung, nó là cái trung tâm -nhân tâm- tạo thành cái cốt cách, thể hiện nhân cách đạo lý của Việt tộc. Người nước ngoài nhìn dân tộc ta không sai !

Việt sử : tâm luận xây sử luận

Với Tâm luận thay Sử luận, là dùng tâm sự để tìm tâm giao qua lịch sử, qua đối diện tôn kính trước các danh nhân của Việt tộc, qua đối thoại khiêm cẩn trước các công thần của đất nước, mà không hề có tham vọng truyền sử, không hề có ý muốn trao sử, nên không hề mong làm chuyện viết sử. Phương pháp luận của tâm luận dựa trên thượng nguồn là : sử liệu, chính chức năng của sử liệu sẽ làm rõ nét vai trò lịch sử của các nhân vật mà tác giả tâm luận xin đối thoại khiêm cẩn. Cũng chính sử liệu với vị thế rõ ràng trong sử học của Việt tộc sẽ tạo –được hay không- tâm giao giữa các nhân vật được lựa chọn, tâm luận tìm tâm giao, chỉ để làm sáng một điều là hiện tại của nhân sinh thấy-hiểu-thấu được quá khứ của nhân sử, để tìm nhân lý cho nhân thế. Cũng chính sử liệu là tiền để lý luận, lập luận, diễn luận, giải luận làm gốc, rễ, cội, nguồn cho đối thoại với các danh nhân, đối thoại này ảo hay thực là tùy vào tính khả thi trong quá trình xây dựng sử học đang trở thành khoa học lịch sử, như ta đang chứng kiến trong các quốc gia có văn minh dựa vào khoa học xã hội và nhân văn.

Lý thuyết luận của tâm luận dựa vào hạ nguồn của phân tích-giải thích-phê bình diễn biến Việt sử (cận đại và hiện đại) của Việt tộc, trong một thế kỷ qua, với bao cuộc chiến tàn khốc hàng sâu trong tâm lý dân tộc. Với bi sử mà hậu quả thật dai dẳng khi chọn một ý thức hệ ngoại tộc : cộng sản với phong trào cộng sản quốc tế mà từ khi đi vào quỹ đạo này, thì số kiếp của Đảng cộng sản Việt Nam không sao tách ra khỏi gọng kìm của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bi kịch đã trở thành thảm sử, Đảng cộng sản Việt Nam đã buộc Việt tộc vào ba sử đạo thật bi đát : với một chế độ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị) ; mang theo nó một chế độ tham (tham quan, tham quyền, tham nhũng, tham ô) ; ngày ngày thiêu hủy sinh lực dân tộc ; trừ khử đa (đa nguyên, đa năng, đa hiệu, đa tài) như đang khử loại thông minh, trí tuệ của bao thế hệ.

Khoa học luận của tâm luận, là chống độc luận, như chống lối tuyên truyền một chiều, bị ý thức hệ xỏ mủi dắt đi, hay bị quyền lực chóp bu giật dây, thao túng với ý đồ bám quyền-ôm lợi, bất chấp lợi ích của dân tộc, mà tiền đồ tổ tiên ngày ngày đang bị Tàu tặc đe dọa từ biển đảo tới biên giới đất liền, từ chính trị tới kinh tế, từ môi trường tới thực phẩm. Chống độc luận bằng đa luận với đa lý của đa nguyên mà chỗ dựa là lấy nhân tính, nhân tri, nhân tri trong nhân lý để phục vụ cho nhân sinh, nhân tình, nhân nghĩa nhân đạo. Chống độc luận bằng đa ngành với đa lý của đa chuyên, vận dụng tất cả các chuyên ngành, chuyên môn, chuyên gia không những trong trong sử học mà của chung cả khoa học xã hội và nhân văn.

Tâm luận khẩn nguyện xin sử luận tìm cho ra nội luận lãnh đạo : Tại sao các minh vương thuở xưa có bản lãnh gì mà làm được chuyện quốc thái, dân an ? Tại sao các minh chúa thuở xưa có nội công mà làm được chuyện cơm no, áo ấm ? Tại sao các minh sư thuở xưa có tầm vóc gì mà làm được chuyện trong ấm, ngoài êm ? Tại sao các minh tướng thuở xưa có sung lực gì mà làm được chuyện giữ yên bờ cõi ?

Sử luận dìu tâm luận vào não bộ lãnh đạo hiện nay để tâm luận giúp lãnh đạo hiện nay làm được chuyện yêu nước, thương dân. Tâm luận chân nguyện xin đào sâu sử luận tìm cho ra nội chất kiếp Việt : Tại sao các lãnh đạo hiện nay lại không có bản lãnh gì để làm được chuyện quốc thái, dân an ? Tại sao các lãnh đạo hiện nay không có nội công gì để làm được chuyện cơm no, áo ấm ? Tại sao các lãnh đạo hiện nay không có tầm vóc gì để làm được chuyện trong ấm, ngoài êm ? Tại sao các tướng lĩnh hiện nay không có sung lực gì để làm được chuyện giữ yên bờ cõi ?

Tâm luận tìm vào tim óc lãnh đạo hiện nay để tâm luận giúp lãnh đạo hiện nay làm được chuyện yêu nước, thương dân. Tâm luận cầu nguyện sử luận tìm cho ra nguyên nhân, lý do về nỗi khổ-niềm đau của Việt tộc : Tại sao trên quê cha đất tổ hiện nay có quá nhiều dân đen-dân oan vậy ? Tại sao trên quê cha đất tổ hiện nay có quá nhiều tham quan-tham ô-tham nhũng vậy ? Tại sao trên quê cha đất tổ hiện nay có quá nhiều bất bình đẳng, bất công vậy ? Tại sao trên quê cha đất tổ hiện nay có quá nhiều bạo quyền-bạo lực-bạo động-bạo hành vậy ? Tại sao các tướng lĩnh hiện nay không có sung lực gì để làm được chuyện giữ yên bờ cõi ?

Sử luận giúp tâm luận vào thông minh Việt, sáng tạo Việt để tâm luận giúp Việt tộc làm được chuyện dân giàu nước mạnh. Hậu thế đây luôn xem Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử là các bậc thầy, nhưng hậu thế nay phải gọi bọn lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là Tàu tặc, vì chúng đã thực hiện dụng ý xâm lấn, với ý đồ xâm lược, với mưu đồ xâm lăng đối với Việt tộc, chỉ có tên này mới đúng ngữ pháp việt.

Xã luận của xã hội học nhận thức

Khoa học luận của khoa học xã hội và nhân văn không phải là khoa học luận mô hình như toán học, cũng không phải là khoa học luận thực nghiệm qua thí nghiệm như sinh, lý, hóa… mà là các chuyên ngành bắt đầu bằng thực tế của nhân sinh (nhân học, xã hội học) và sáng tạo của nhân sinh (triết học, văn học) ngay trên thực tế đó. Tại đây, khoa học xã hội (nhân học, sử học, xã hội học) nó là nền tảng của kiến thức thực tế ngay trong thực tiễn của cuộc sống hằng ngày, và khoa học nhân văn (ngôn ngữ học, triết học, văn học) xây dựng kiến thức vừa trên thực tế vừa trên sáng tạo của tư duy và lý luận của cá nhân hoặc tập thể sống trong thực tế đó.

Phương pháp luận là dụng phương pháp để nhận định trong khảo sát, phân tích trong lập luận, trực tiếp hoặc gián tiếp dùng phương pháp để tương tác hóa phương pháp ; dùng phương pháp để bổ sung cho phương pháp, dùng phương pháp để củng cố cho phương pháp. Tại đây, phân tích định lượng phối hợp với phân tích định chất, phương pháp bản câu hỏi hỗ trợ cho phương pháp phỏng vấn, phương pháp thống kê bổ túc cho phương pháp hồi ký… Lực bổ sung giữa các phương pháp trong điều tra và điền dã, sức củng cố giữa các phương pháp trong phân tích và giải thích, sẽ tác động vào ngay quá trình xây dựng và cải tiến khoa học luận và lý thuyết luận của các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Lý thuyết luận là dụng lý thuyết để tăng cường lý thuyết qua lý luận, lập luận, giải luận và diễn luận ; và lý thuyết luận là một ngữ pháp để mô tả quá trình hình thành lý thuyết như quá trình tổng kết và đúc kết kiến thức qua mô thức, tức là tổng quan hóa kiến thức qua tổng hợp hóa tri thức bằng công thức. Tại đây, lý thuyết cũ vừa là nền móng, vừa là dàn phóng để sinh ra các lý thuyết mới, ra đời để củng cố hoặc ngược lại để tấn công, đả phá, xóa đi các lý thuyết cũ, nếu các lý thuyết này sai. Chính tính đa chiều hóa mô thức, đa năng hóa công thức, làm nên tính đa hiệu hóa các lý thuyết, và làm nên tính đa nguyên giữa các lý thuyết trong khoa học xã hội và nhân văn ; các lý thuyết vừa cạnh tranh nhau, vừa bổ túc cho nhau để phân tích và giải thích cuộc sống và xã hội, rất đa dạng của nhân sinh.

Khi mà khoa học nhân văn (ngôn ngữ học, triết học, văn học) có thể lao tác, thu thập phân tích và giải thích bằng kiến thức qua văn bản hoặc qua mô thức của tư liệu, và xã hội học cũng có thể thu thập dữ kiện qua văn bản và tư liệu. Nhưng thực tế xã hội (bây giờ và ở đây) cần được kiểm chứng và minh định các dữ kiện cùng các chứng từ trong xã hội qua nghiên cứu thực địa trong đó vai trò của điều trađiền dã bằng các phương pháp định chất và định lượng biết bổ sung cho nhau. Tại đây xã hội học là một chuyên ngành của thực tế, thực tiễn, thực tại, cần thực địa, cần điều tra, cần điền dã. Như vậy, xã hội học không phải là một khoa học của lý thuyết, trong trừu tượng của chuyện phóng bút, mà không có nghiên cứu thực địa, không có điều tra và không có điền dã.

Xã hội học khi được công nhận là một chuyên ngành của thực tế, thực tiễn, thực tại, qua thực địa, tức là qua điều tra, qua điền dã, phải luôn được kiểm chứng qua quy luật khoa học lịch sử, đây chính là mức độ và trình độ chính xác của xã hội học : mọi dữ kiện xã hội, mọi sinh hoạt xã hội, mọi quan hệ xã hội, mọi đời sống xã hội phải định vị trong không gianđịnh niên đại trong thời gian. Nếu không có minh chứng độ chính xác về không gian và thời gian, thì tất cả phân tích, giải thích, phê bình… đều mơ hồ, đều thất dụng cho kiến thức trong xã hội học. Tính tổng quát hóa lý luận của xã hội học không hề rời bỏ tính sắc nhọn về không gian và thời gian trong quá trình xây dựng kiến thức của xã hội học.

Xã hội học còn là một khoa học của bối cảnh xã hội, trong đó thực cảnh kinh tế và thực trạng văn hóa, tác động thẳng lên mọi sinh hoạt xã hội, từ hệ thống giáo dục tới đời sống tâm linh của các cộng đồng trong xã hội… Bối cảnh xã hội không ngưng động trong một mô hình, không chết cứng trong một mô thức, mà luôn luôn biến động qua các phong trào xã hội đòi công bằng, công lý, trong đó đạo lý của cộng đồng, đạo đức của quần chúng được tôn vinh. Bối cảnh xã hội cũng luôn là kết quả của các hành động xã hội của chủ thể, không còn là một cá nhân thụ động, không còn là một cá thể chỉ biết thụ hưởng, mà ngược lại nhận bổn phận với đồng bào, nhận trách nhiệm với đồng loại để không ngừng sáng tạo bằng sáng kiến của mình qua các phương cách sáng lập ra các công trình xã hội đúng về luân lý, và đẹp về đạo lý.

Xã hội học còn là một khoa học của lý luận so sánh, so sánh giữa các dữ kiện, so sánh giữa các chứng từ, so sánh giữa các phân tích, so sánh giữa các quá trình lý giải đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội... Phương pháp so sánh không hề rời quá trình tiến hóa và tiến triển của xã hội học, vì nó vừa giúp nhà xã hội học có nhận định tổng quan để phân tích tổng quát các định đề lý luận lớn, nó vừa mài dũa thật sắc nhọn các kiến thức chuyên môn của xã hội học. Tại đây, kiến thức xã hội do xã hội học khám phá ra sẽ trực tiếp tác động vào đời sống và các phong trào xã hội, cụ thể là các chủ thể xã hội sẽ dùng các kiến thức này để đấu tranh, thí dụ khi khám phá ra các quy luật và quá trình hình thành bất bình đẳng trong xã hội, thì trực tiếp hay gián tiếp các chủ thể xã hội này có thể dùng nó để đấu tranh chống bất côngcông bằng, để xây dựng nên một công lý mới, hợp lý hơn cho xã hội.

Xã hội học tổng kết vừa dựa trên phương pháp so sánh tức là so sánh những dữ kiện có thể so sánh với nhau được, nhưng xã hội học hiện đại đã bước thêm một bước trong khoa học luận để vào quy trình của phương pháp luận khoảng cách, tức là : khoảng cách càng xa giữa hai kinh nghiệm thì càng làm giầu cho kinh nghiệm chung của nhân tri, khoảng cách càng sâu giữa hai kiến thức thì càng làm giầu cho kiến thức chung của nhân trí, khoảng cách càng rộng giữa hai văn hóa thì càng làm giầu cho văn hóa chung của nhân loại.

Cụ thể, phương pháp luận khoảng cách sẽ dẫn, dắt, đưa, đón các nhà xã hội học nên tìm tới các chuyện tưởng là không so sánh được để thấy hệ đa (đa trí, đa tài, đa dũng, đa năng, đa hiệu, đa nguyên) của nhân sinh. Cứ so sánh các quốc gia phát triển với các quốc gia chưa phát triển để thấy chiều dài, để thấy các ẩn số của khoảng cách. Cứ so sánh các tôn giáo này, các văn hóa này với các tôn giáo kia, các văn hóa kia để thấy chiều rộng, để thấy các hàm số của khoảng cách. Cứ so sánh các chế độ dân chủ có nhân quyền với các chế độ độc tài do độc đảng để thấy chiều sâu các biến số của khoảng cách.

Xã hội học lý luận lấy cơ sở của hệ (từ chỉnh lý tới hợp lý) để nhận định không những các kết quả nghiên cứu, điều tra, điền dả, mà còn để kiểm chứng các bình luận, phân tích, giải thích trong quá trình xếp đặt các kiến thức tới từ thực tế xã hội. Tại đây, dữ kiệnchứng từ làm cơ sở cho quá trình trí thức về bối cảnh xã hội, tác động trực tiếp lên các hành động xã hội, cụ thể là đặt hành động này qua các bối cảnh được chứng thực, trong đó nhà xã hội xây dựng phân tích của mình : từ dữ kiện tới chứng từ, trong bối cảnh xã hội, qua hành động xã hội cụ thể của một cá nhân, một tập thể, một cộng đồng đang sống trong một bối cảnh xã hội đó.

 

Các người đã triệt

Hùng khí Việt quốc Ngô Quyền

 

triet3

Lăng Ngô Quyền

Với phản ứng hèn với giặc đã trở thành phản xạ cúi đầu-khoanh tay-khom lưng-quỳ gối trước Tàu tặc, chính các người đang giết hùng khí Việt quốc Ngô Quyền đã sẵn có trong mỗi tâm hồn Việt bất khuất. Nhiều người trong các người lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có biết rõ về sự nghiệp của Ngô Quyền không ?

Muôn dân khâm phục và quý trọng Ngài qua ba biểu tượng thật tiêu biểu cho tinh thần bất khuất Việt : Ngài chấm dứt chớp nhoáng một sớm một chiều hàng ngàn năm đô hộ của Tầu tặc phương Bắc. Ngài xử lý gọn trong hai mặt trận "thù trong, giặc ngoài", loại tên bán nước Kiều Công Tiễn, tống giặc Nam Hán ra khỏi bờ cỏi Việt. Ngài cùng Kiều Công Hãn, Dương Thục Phi, Phạm Đức Dũng, Nguyễn Tất Tố… là những chiến lược gia xuất sắc đầu tiên đã phạm trù hóa chiến thuật thủy triều mà chiến tích trên sông Bạch Đằng đã thành mô hình quân sự cho thông minh Việt, được sử dụng nhiều lần bởi các minh tướng sau này.

Chấm dứt ngàn năm đô hộ Bắc thuộc phải có bản lĩnh làm chuyện đại cuộc, biết thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, và Ngài đã làm được. Xử lý trọn bọn buôn dân, bán nước loại Kiều Công Tiễn, xóa mối hận phản chúa cho chủ tướng Dương Đình Nghệ, giải tỏa luôn nỗi căm tức của nhân dân thời đó là trừ gọn bọn nội phản để gây lại niềm tin cho Việt tộc là một làm việc rất lớn. Trong điều binh, khiển tướng, ngài biết nghe, biết tiếp thu các sáng kiến tài, các sáng tạo hay của Kiều Công Hãn, Dương Thục Phi, Phạm Đức Dũng, Nguyễn Tất Tố…

Ngài là gương của tất cả những ai muốn lãnh đạo đất nước Việt hiện nay, trước họa Tàu tặc, trước họa bán nước của bọn "sâu dân, mọt nước". Vậy mà tình hình hiện nay, Tầu tặc cướp biển, cướp đảo… trên một đất nước có cả ngàn vị có chức tướng, mà không vị tướng nào có một tuyên bố liêm sỉ về toàn vẹn lãnh thổ của Việt tộc, không vị tướng nào có sáng kiến về các phương cách ngăn chặn giặc trên biển Đông, không vị tướng nào có sáng tạo về chiến thuật quân sự trong tình hình mới.

Riêng tướng Trương Giang Long chỉ mới phân tích về tham vọng bá quyền trung quốc, đã bị bịp miệng, đã bị trừng phạt ngay. Làm tướng mà không lo bảo vệ tổ quốc thì làm tướng cho ai ? Họ làm tướng cho riêng họ hay vì dân tộc ? Sơn hà đang nguy biến, tại sao Bộ quốc phòng cùng các tướng lĩnh suốt ngày đi buôn bất động sản, lòn lách trong các hệ thống ngân hàng… với bao mạng lưới tham nhũng qua hối lộ do chính các tướng chủ trì, giờ mới biết là các tướng công an lại tổ chức đánh bạc trên mạng liên quốc gia để thâu tiền kiểu đầu nậu ! Họ là tướng hay họ đang vô tình "nối giáo" cho giặc ? Trong chính sử, Việt tộc chỉ thấy và thờ tướng tài, tướng giỏi, tướng hay, nhân dân thấy "lợm giọng" trước các tướng hèn, vì các tướng hèn chỉ có chỗ trong tà sử, ma sử, tục sử, họ không có đứng trong Việt sử.

 

Các người đã triệt

Nữ lực Hai Bà Trưng

 

triet4

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Thảm bại lớn nhất của các người từ lãnh tụ thủa các người lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam là cách đối xử thiếu liêm sỉ, vắng tôn trọng, trống nhân tâm với phụ nữ Việt, đừng trông mong gì trong chế độ độc đảng toàn trị của các người sẽ xuất hiện Nữ lực Hai Bà Trưng. Hai Bà đánh quân Đông Hán, mà người đời đã đúc kết qua câu nợ nước-thù nhà, khi giặc ngoại xâm đã giết chồng của Trưng Trắc là Thi Sách. Nhưng khí thế của hai Bà tạo được trong kháng chiến thủa đó còn có mang nội lực của mẫu quyền còn ảnh hưởng trong văn hóa Việt chăng ? Trong bối cảnh sơn hà nguy biến, có khi nội lực này vượt lên áp lực của phụ quyền. Bằng chứng là chung quanh hai Bà có các nữ tướng : Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Đàng... ngay từ trong tổ chức quân lực cho tới khí thế khi đối diện với địch trên chiến trường, hai Bà đã đóng trọn vẹn vai : vua ! Hai Bà để lại một bài học vô cùng quý báu mà con cháu thời nay luôn phải nhớ là : quyết tâm tự chủ của Việt tộc. Các nhà lãnh đạo độc đảng hiện nay, dù còn độc tài để độc quyền : đừng quên bài học này !

Sử Việt còn ghi sự tàn ác của thái thú Tô Định, nó độc ác nhưng là thằng hèn, đã bị hai Bà đánh cho bỏ chạy, sau đó bạo triều Đông Hán gởi Mã Viện tới và khi thắng được hai Bà, nó đã để lại chiến tích (hay giả sử) về cột đồng Mã Viện, xem đất Việt là đất Tầu, cột đồng sau đó đã không còn dấu tích. Đây cũng là chuyện dễ hiểu : không bao giờ Việt tộc để cột đồng đứng trên quê hương Việt. Những ai cứ thắc mắc : giờ thì cột đồng đó ở đâu ? Thắc mắc thì cứ tìm câu trả lời, trong đó có giả thuyết là dân Việt đã nấu cột đồng chảy ra để làm thau đồng, để lau nhà rồi ! Đừng lẩm cẩm mà để giặc vào đất nước này lần nữa, chúng không những đã cướp biển, cướp đảo, mà đã đến đất nước này qua đường du lịch, để oang oang trong bảo tàng, trong chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng, và nhiều nơi khác, khi bọn hướng dẫn viên du lịch gốc Tầu nói bằng tiếng Trung là đất Việt xưa là đất của chúng ! Chúng ta đừng ngần ngại tống bọn hướng dẫn viên du lịch này ra khỏi đất nước ta ! Thời hai Bà ra quân kháng chiến, nhân dân ủng hộ, nhân sĩ tụ nghĩa chung quanh hai Bà, đó là vì hai Bà vừa có trí tuệ, vừa có dũng khí giữ nước-cứu dân, để lại những trang sử -trong sáng và trong sạch- về tâm hồn Việt : quyết tâm độc lập của Việt tộc. Hậu thế này sẽ là hậu duệ đạo lý của hai Bà : không để mất quê hương !

 

Các người đã triệt

Oanh liệt Việt Bà Triệu

 

triet5

Đền Bà Triệu nằm trên núi Gai, làng Phù Điền, Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Sự lụn bại lớn nhất của các người từ lãnh tụ thủa các người lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam thì đừng chờ mong gì trong chế độ độc đảng toàn trị của các người không hề có một chính sách gì để phụ nữ Việt được thăng hoa trong sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội, quan hệ xã hội, thì sẽ không sao xuất hiện oanh liệt Việt Bà Triệu.

Bà khởi nghĩa ra quân cứu nguy đất nước trong bối cảnh của một thời kỳ bi thảm của dân tộc. Bọn giặc nhà Ngô vô cùng tàn bạo với dân Việt, chúng mang sự tàn độc của cái hỗn chiến cùng thời của Tam Quốc tới đất nước Việt ta. Chúng trùm phủ không khí tàn ác nhà Hậu Hán để đô hộ nước Việt, với bọn tham quan bòn rút tận xương tủy dân ta, trong đó phải kể tội tên thứ sử Lữ Đại, tham ô đi cùng với độc ác. Người thời đó truyền tục : cùng với sắc đẹp Triệu Thị Trinh, can đảm và mưu trí, và để khai minh cho những ai thắc mắc, tại sao bà không lấy chồng, lập gia đình, yên thân với nữ phận, Bà trả lời : "Tôi muốn cỡi gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, tháo ách nô lệ cho nhân dân". Đây là tầm vóc nhân sinh quan của bà, đây cũng là một sung lực của phụ nữ Việt mà các bọn giặc đến cướp ta thường rất vô minh về ẩn số nữ Việt này.

Dáng mạo oanh liệt trên chiến trận, Bà cỡi voi, ra trận với mãnh lực, mỗi lần binh lính giặc Ngô phải đi đối đầu với Bà, chúng rất sợ. Từ rừng Bồ Điền, nơi Bà tổ chức kháng chiến, tới núi Tùng, Thanh Hóa, Bà đã có hơn 30 trận ác chiến với giặc Ngô. Chính giặc Ngô đặt tên cho Bà là Nhụy Kiều Tướng Quân, công nhận cái thanh của Bà. Ai cũng biết nhân cách cao đẹp của Bà, chính tướng giặc là Lục Dận đã chọn cái tục khi bắt lính quân Ngô trần truồng ra trận để Bà phải ngượng mà lui quân. Tàu tục, Triệu thanh là kinh nghiệm mà ta phải nhớ mỗi lần ta đối đầu với Tầu tặc, tổ tiên ta dặn con cháu phải luôn giữ cái thanh, vì nó tinh khiết, vì nó trong trắng, cho dù trước các câu hỏi tục, chúng ta phải luôn chọn : "đố tục, giảng thanh".

Vì vậy, trong các trận chiến sắp tới với Tầu tặc, từ ngoại giao tới quân sự, nếu chúng tục, thì ta đừng lùi mà mắc mưu chúng, ta cứ tiến lên để dẹp cho sạch cái tục, vì cái tục dẫn đường đưa lối cho cái xấu, thô, tồi, dở, để sau đó là mở cửa cho cái thâm, độc, ác, hiểm nhập vào nhân tính Việt. Chúng ta quý trọng văn minh Trung Quốc, chúng ta còn xếp Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử vào bậc thầy, nhưng chúng ta đừng để cái Tầu tục có mặt trên đất nước Việt ! Thẳng thắn, không dung kẻ xấu, bà đã xử chính đáng bà chị dâu đã phản bội và tố cáo chồng : Triệu Quốc Đạt, là anh của Bà. Bao lần tướng Ngô tìm mọi cách để chiêu dụ Bà, nhưng chúng luôn thất bại vì khí phách của Bà. Ngược lại, trong tổ chức đội ngũ của Bà, có những kẻ đã để địch mua chuộc, làm tan rã hàng ngũ trước âm mưu của địch. Bài học tổ chức chặt chẽ nội bộ luôn là bài học quý mỗi lần chúng ta phải đối diện với Tầu tặc xăm lăng. Bài học quý hơn cả mà Bà để lại cho các thế hệ Việt hiện nay chính là hùng lực của uy tín tự thân, lấy chính sự tự chủ để làm sức mạnh, và tướng Trần Quang Khải đã tiếp nhận được bài học này của Bà : "Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh".

Xin nhắc lại là từ lãnh tụ thủa các người lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam, các người không hề làm rạng ngời sử xanh, sử mà các người làm nên chỉ là sử của xương máu và nước mắt !

 

Các người đã triệt

Quan âm chính sự Nguyên phi Ỷ Lan

 

triet6

Miếu thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Từ lãnh tụ thủa các người thời lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam, các người không kể vì không được học, các người không làm chính sách vì các người không thấy và không thấu mô thức Quan âm chính sự Nguyên phi Ỷ Lan. Từ một cô gái hái dâu, nuôi tằm, đã trở thành chính khách biết kinh bang tế thế, vì con người thật của Bà là "thức khuya dậy sớm" nghèo nhưng liêm sỉ, là "một nắng hai sương" nghèo nhưng chăm chỉ, vì có lương tâm với gia đình. Kinh bang tế thế, là chân tài của Bà, câu chuyện "tiến cung" với niềm tin, cùng lòng quý yêu của vua Lý Thánh Tông.

Dân truyền rằng khi vua đi đánh giặc Chiêm, cùng Lý Thường Kiệt, năm 1069, giao chuyện quản lý đất nước cho Bà, và Bà chăm lo rất chu đáo cho dân, vì Bà thương dân, vì Bà hiểu dân nghèo hơn ai hết. Có đại quyền điều hành đất nước, bà nhận lảnh trọn vẹn, nhân gian tôn bà là Quan Âm, nhân dân hết lời khen Bà. Khi vua qua đời, dù Bà là mẹ của Lý Nhân Tông, lên ngôi năm 6 tuổi, trước họa Tầu tặc, giờ Bà đã thành Thái phi, nhưng Bà không được chấp chính, không được trực tiếp lo chính sự, mà chỉ có Thái hậu Thượng Dương mới có quyền đó.

Vai trò lịch sử của Bà là tiên quyết, khi quân Tống muốn chiếm nước ta, với bản lĩnh của minh tướng Lý Thường Kiêt đi phạt Tống ngay trên đất Tống : tại đây chắc là có tầm vóc chủ đạo hay tư vấn chiến lược gia quân sự là Thái phi Ỷ Lan, cũng như trong cả giai đoạn phá Tống-bình Chiêm của nhà Lý. Cũng chính trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, Thái phi Ỷ Lan đã để lộ ra một bản lĩnh khác, một bản lĩnh vì nước mà quên tị hiềm, Bà đã triệu Lý Đạo Thành về cung, lo nội chính, để giúp nước, mà Lý Đạo Thành là kẻ đã đứng về phía Thái hậu Thượng Dương, để chống lại Thái phi Ỷ Lan thủa nào. Bà kỹ tính trong tổ chức, Bà kỹ lưỡng trong quản lý, Bà lấy một phần ngân khố để sử dụng vào việc cứu các cô gái bơ vơ, giúp họ lấy chồng ; Bà chống chuyện trộm trâu, giết trâu, gây ra thiếu trâu để cày cấy thời đó, Bà ra những luật chống trộm cắp rất nghiêm minh để ngăn chặn các kẻ trộm trâu. Một tầm vóc khác của Bà là Bà có trình độ Phật học cao, tinh thông Phật pháp, sùng đạo Phật, mở mang dân trí, thích làm việc thiện, luôn nghĩ tới người nghèo, sử dụng hiền tài, đây là thời đã lập ra Quốc Tử Giám. Thực tài lãnh đạo chính trị kiệt xuất của Bà là thật sử của Việt sử. Bà là gương sáng cho mọi lãnh đạo hiện nay đang thích độc quyền để chuyên quyền mà quên bổn phận vì "dân giàu, nước mạnh", đang chuộng tham quyền để tham nhũng mà gạt đi trách nhiệm "vì nước, vì dân". Bản lĩnh lãnh đạo, tầm vóc quản lý, nội công tổ chức của Thái phi Ỷ Lan đi trên vai, trên lưng các đám tham quan bất tài đời nay !

 

Các người đã triệt

Dũng khí thống quốc của Đinh Tiên Hoàng

 

triet7

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng toạ lạc ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Câu chuyện của Tiên Hoàng với bối cảnh loạn lạc của các sứ quân là có mần móng trong xã hội Việt hiện nay, với người dân luôn "ngắn cổ, bé họng" trước bạo quyền, từ xã, thôn, làng, xóm lên tới vùng, miền, thành phố, chịu cảnh "ngậm bồ hòn làm mật" trong một hệ thống công an trị, nơi mà tham quyền song hành cùng tham nhũng. Với các câu ngạn ngữ mới của cường quyền ác bá thời nay "ở đâu ăn đấy", làm tướng tá thì ở biệt thự, biệt phủ giữa cái nheo nhóc của dân đen. Với các câu châm ngôn mới của quan lớn, quan bé, lạm quyền nhờ bạo quyền "ở trên ăn nhiều, ở dưới ăn ít". Bọn "sâu dân, mọt nước" này còn nghĩ là chúng có lối thoát mà thời của Tiên Hoàng không có là : "vơ tới cùng, vét tới tận" cho đầy túi, đến khi sơn hà nguy biến thì chúng sẽ "cao chạy, xa bay" ra ngoại quốc ! Chúng lầm, những quốc gia phương Tây dân chủ mà chúng chắc bẩm là sẽ yên thân để dung thân tà kiếp của chúng là những quốc gia luôn đấu tranh cho nhân quyền. Cho nên, ông bà ta nói gọn trong ẩn số kiếp người là : "lưới trời lồng lộng", tức là "chạy đằng trời chẳng thoát" ! Vì "trời có mắt", tức là "nhân quyền có thần nhãn", sẽ mang chúng ra xử tội (tội hình sự) với công pháp quốc tế lúc đó chúng mới hiểu rõ câu của ông bà ta : "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".

Tầm vóc quân sự của ngài lớn vì tầm nhìn tổ quốc của Đinh Tiên Hoàng có được là nhờ tầm cỡ chính trị của Ngài cao, dẹp được thập nhị sứ quân, để thống nhất đất nước đó chính là bản lĩnh vời vợi của Ngài. Chuyện loạn lạc bởi đám sứ quân này nằm trong quy luật khủng hoảng của các triểu đại phong kiến, mỗi lần có một ông vua suy đồi là cả xã hội bị suy thoái, có nội chiến vì vô chính phủ, có bạo động vì đầy bất công, cá lớn nuốt cá bé. Ngài dẹp lũ sứ quân này cho đất nước được trở lại thanh bình, ngừng hẳn mọi giết chóc của một thời cuộc mà người với người xem nhau như lang sói. Sự bất tài của một vương triều, vương triều đó phải nhận trách nhiệm như bọn sứ quân, cả hai phải chịu lỗi trước dân tộc, nếu không nói là tội ! Tội thì chắc chắn nặng hơn lỗi, không những về hậu quả nhân sinh mà về cả hậu quả nhân đức, với sự suy sụp của giáo lý. Chính chế độ của các người độc đảng toàn trị đã cho ra đời hai quái thai là công an trị tham nhũng trị, để hai quái thai này cho ra đời một quái thai khác là tham quyền địa phương trị, đây là chỉ báo của sự xuất hiện ra hiện tượng sứ quân thời nay. Các người còn nuôi dưỡng công an trị, tham nhũng trị, tham quyền địa phương trị, thì các người chính là tội đồ trước Dũng khí thống quốc của Đinh Tiên Hoàng.

 

Các người đã triệt

Bản lĩnh nữ Việt của Dương Vân Nga

 

triet8

Miếu thờ Dương Vân nga nằm trong khuôn viên Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Từ lãnh tụ thủa các người thời lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam, bản lĩnh nữ Việt của mô thức Dương Vân Nga không hề có, có thể là sẽ không bao giờ có. Sinh thời, cả nước ít ai gọi tên thật của Bà : Dương Thị, mà nhất là người ngày nay luôn gọi Bà là Hoàng hậu Dương Vân Nga, họ kể với nhau là tên này có là nhờ qua tuồng, các vở tuồng ca ngợi bản lĩnh hoàng hậu hai đời của Bà, đời Đinh và đời Lê, giai đoạn mà nước ta luôn bị giặc Tống đe dọa, rình rập, rồi xâm lược. Vậy, mà Hoàng hậu đứng như một cột trụ trung tâm để đối đầu với bọn giặc Tống, lúc thì chúng như cú vọ, lúc thì chúng chồn cáo, với bụng dạ sói lang của chúng.

Hai triều Đinh và Lê, đều không dài trong Việt sử, phận nước Việt trong dầu sôi lửa bỏng, Hoàng hậu cận kề Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu sát cánh với Lê Đại Hành, trước những điểm hẹn gay gắt của thời cuộc, trước những dấu ấn gay go của chính sự, Bà luôn có mặt ! Có mặt vì yêu nước thương dân, có mặt để cứu dân cứu nước. Bà bị tai tiếng trong nghi án giết vua Đinh Tiên Hoàng, lại thêm tin đồn tư tình với Lê Đại Hành ; xóa triều Đinh, dựng triều Lê. Những nghi án này đi qua đi lại giữa chính sử và hư sử, nên hậu tế này xin đưa ra một đề nghị-làm-giả thuyết để tiếp tục nghiên cứu thêm về Hoàng hậu, lấy chiều cao của công tâm, lấy chiều rộng của lương tâm, lấy chiều sâu công lý, cụ thể là lấy tầm nhìn xa để phân tích tâm lý, tâm trạng, tâm sự của Hoàng hậu trước tình hình rối bời thời đó. Tại đây, hậu thế xin phối hợp hai luận thuyết : một là của triết phân tích chính trị, hai là xã hội học bối cảnh chính trị, mà hậu thế đã dùng trong các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nay xin đưa vào trường hợp của Hoàng hậu : đó là phân tích so sánh tinh huống giữa số phầnkiếp nạn.

Số phầnkiếp nạn là hai ngữ pháp rất khác biệt nhau, từ nội dung đến vận hành để kẻ có trách nhiệm lãnh đạo đất nước biến quyết định thành quyết đoán, biến hành vi thành hành động cụ thể để thay đổi chính sự, chiến cuộc, tình thế... Hậu thế này nghĩ rằng khi Hoàng hậu đã mang lên cân, đo, đóng, đếm : một bên là số phần riêng của mình, của một triều đại ; một bên là kiếp nạn của cả một dân tộc. Kiếp nạn là kiếp dài nhục nhã, đốn mạt cho muôn dân : suốt kiếp phải chịu kiếp nô lệ, cả một giống nòi sẽ mang kiếp bị đồng hóa, cả một đất nước sẽ mất mọi gốc, rễ, cội, nguồn về văn hóa, văn minh, văn hiến của mình, kể cả nhân phẩm Việt đã có sẵn trong bản sắc Việt. Hoàng hậu đã gạt số phần của mình, của triều Đinh qua một bên, để trực diện chống kiếp (hoạn) nạn cho cả một dân tộc, và chính nhờ có Hoàng hậu, mà minh tướng Lê Đại Hành mới vững tâm dẹp giặc.

Bài học gạt số phần của tư lợi để trực diện chống kiếp nạn vì dân cứu nước rất hiện đại, nó phải hiển hiện ngay trong não bộ các lãnh đạo hiện nay trước họa Tầu tặc, mà các vị này nên theo Hoàng hậu Dương Vân Nga là : dẹp thù trong trước, để sau đó lo cho đại cuộc là : giặc ngoài ! Từ lãnh tụ thủa các người thời lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam, các người không hề học kỹ lưỡng bản lĩnh nữ Việt của mô thức Dương Vân Nga. Các người luôn đi tìm chỗ dựa ngoại bang, lúc thì Liên Sô, giờ thì Tàu tặc, các người sẽ không thấy và không thấu được bài học Dương Vân Nga trong nhân sinh quan độc đảng toàn trị của các người.

 

Các người đã triệt

Minh trí thập đạo của Lê Đại Hành

 

triet9

Lăng mộ Vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi Yên Viên, nằm trong quần thể khu di tích cố đô Hoa Lư.

Việt tộc biết Minh trí thập đạo của Lê Đại Hành qua ít nhất là ba phẩm cách, thứ nhất là võ tướng bẩm sinh, thứ hai là sáng danh phận trai thời loạn, thứ ba là công tướng trí dũng. Nhưng phải thống hợp cả ba để lấy ra hằng loạt bài học cho hậu thế, cho hiện tại, có trong phương pháp luận sử học so sánh cổ-kim của phương Tây. Vì Ngài là nhân vật tiểu biểu mà các nước văn minh có sử luận uyên thâm được mang tên là chủ thể cổ sử dẫn dắt hiện sử ; cụ thể là các bài học cổ ngài để lại cho mai sau thì rất hiện đại giữa thời buổi hiện nay. Hậu sinh kể lại vài bài học của Ngài mà hậu thế không những phải ngẫm mà phải làm :

Mưu lược quân sự của Ngài để chống Nhà Tống có một không hai, khi chúng thấy oai dũng của Ngài thì tìm cách viết thư chiêu dụ, chúng đã lầm từ đó, vì Ngài không phải loại người sống để "đầu hàng", mà mưu lược của ngài đi trên vai, trên lưng chúng ! Trận Bạch Đằng của Ngài được xếp là thứ hai trong sử liệu, sau trận của mãnh tướng Ngô Quyền, trước trận của dũng tướng Trần Hưng Đạo, ở đây xin gọi Ngài là minh tướng. Vì giữa trận mạc, Ngài "giả hàng" để tiếp cận sát với địch, mà chủ đích giết được tướng của địch là Hồ Nhân Bảo, ngay trên chiến thuyền của hắn. Giả cầm cự trong thế yếu, giả hàng để sát kề thân địch, để diệt địch, và cứ thế mỗi trận một cách, trận Tây Kết thì bọn xâm lăng kinh hồn bạt vía ! Hằng trăm các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng hiện nay phải học kỹ các bài học quân sự của Ngài, Ngài ạ !

Tài lược ngoại giao của Ngài đã cướp hồn sư giả nhà Tống, cho nên các lãnh đạo của Bộ Ngoại giao hiện nay phải học thật kỹ để luôn thẳng lưng, ngẩng đầu trước địch. Khi gặp sứ giả nhà Tống, Ngài không làm theo ý chúng là xuống ngựa và quỳ lạy, mà Ngài vẫn ngồi trên yên ngựa để đối thoại với chúng. Ngài luôn làm tăng vị thế ngoại giao của đất nước Việt, khai thị cho bọn sứ giả nhà Tống để chúng phải nể trọng Việt tộc. Ngài thăng hoa dân tộc trong nước về nông nghiệp, kinh tế, rồi biến thành sách lược ngoại giao làm cho địch phải mở mắt là ta cũng thông minh, cũng giỏi, hay, tài, dũng như chúng. Để khi sứ giả nhà Tống trở về quê chúng phải viết lời công nhận : "Ngoài mặt trời xứ Tống, cũng có một mặt trời khác" (Đại cồ Việt).

Hành động lãnh đạo, của Ngài vừa thực, vừa sáng : Ngài cầy với dân, làm ruộng vì biết đất Việt phải mạnh về nghề nông để Việt tộc mới vững về kinh tế. Ngài kinh bang tế thế, với xây công trình thủy lợi, từ Ninh Bình tới Nghệ An. "Có thực mới vực được đạo", mà thực đây vừa là thực phẩm mà cũng vừa là sự thực, ngài không bị sai lầm đến nhó nhăn như nguyên chủ tịch Trương Tấn Sang, như đương kim chủ tịch Trần Đại Quang là chỉ vác cày trên bờ ruộng để báo chí chụp ảnh ; mà lố bịch nhất phải kể đến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây, mà không phải là cây non (trồng cho lớn) bứng cây đã lớn chỗ này để cắm ở chỗ khác, để cho ông tưới vài phút cho truyền hình thâu ảnh rồi sau đó thì cây chết mặc cây !

Minh trí thập đạo của Lê Đại Hành đang bị triệt hủy ngay trong chế độ độc đảng toàn trị hiện nay, vì Đảng cộng sản Việt Nam đang đi ngược lại bài học của Lê Đại Hành : "Biết chọn chân chính mà đem tài phò giúp. Biết tìm đường chính mà đi trong các nẻo rối ren của thế sự".

 

Các người đã triệt

Lực đa dũng của Lý Thường Kiệt

 

triet10

 Đền Lý Thường Kiệt làng Như Nguyệt, Ninh Bình

Trong chế độc độc tài nhưng bất tài của độc đảng trị của các người sẽ không còn tầm vóc của cậu thanh niên Ngô Tuấn (tên thật của Lý Thường Kiệt), chấp nhận làm hoạn quan để phò minh quân, để kề cận với chuyện cứu nước-giữ nước, được mang họ Lý của vua với lòng tin yêu của vua, khi vua đã nhận ra bản lĩnh kiện tướng đa dũng của Ngài. Đa dũng với nhiều mặt trận khác nhau trong đời Lý, mặt trận phía nam chống Chiêm Thành luôn là nỗi bất an cho cả triều Lý, mặt trận phía bắc của nhà Tống luôn là mối đe dọa hằng ngày của Việt tộc.

Tầm vóc của Lý Thường Kiệt vượt ngoài phạm vi quốc gia, Ngài biết liên minh rồi tập hợp các dân tộc anh em miền núi để cùng nhau chống giặc Tống. Ngài còn đa dũng ngoài sức tưởng tượng của kẻ địch, Ngài đánh chúng ngay trên đất của chúng, đập tan mọi cơ ngơi chuẩn bị xâm lăng của chúng. Chiến thắng Ung Châu, Liêm Châu, Bạch Châu... của ngài trên đất giặc, làm cho giặc từ thẫn thờ kinh ngạc về lý dũng của Ngài đến ngơ ngác ngạc nhiên về trí dũng của Ngài.

Đa dũng được chế tác từ lý dũng trí dũng, có gốc là luận cho quả cảm, tức là không sợ, dù địch lớn, mạnh tới đâu đi nữa, được cụ thể hóa qua quyết định trong sáng suốt, quyết tâm trong tỉnh táo, quyết sách với tất cả thông minh thắng giặc vì biết "đi guốc trong bụng giặc". Đa dũng là chỗ dựa của đa tài trong chiến thuật quân sự, linh động tùy cơ ứng biến ; mỗi trận đánh, mỗi bối cảnh quân sự, Ngài luôn có cách tấn công thích nghi, có cách phòng thủ thích hợp, Ngài nắm thế "đi trên đầu giặc" để điều binh, khiển tướng.

Trong bối cảnh của đất nước hiện nay, trước họa của Tàu tặc, nhân dân không thấy lý dũng của các lãnh đạo độc tài trong Đảng cộng sản Việt Nam, không thấy trí dũng của các tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng, mà chỉ thấy các khẩu lịnh đầy cạm bẫy : láng giềng tốt, đồng chí tốt... trong khi láng giềng này ngày ngày cướp đảo, cướp biển, giết ngư dân Việt trên biển Việt ; còn đồng chí (trong tư duy tặc chí của chúng) thì thao túng, giật dây đẩy độc quyền đảng về phía tà quyền theo chúng trong ma đạo. Các người đang lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã triệt lực đa dũng của Lý Thường Kiệt đã có dũng khí Việt tộc luôn biết làm ra những công tướng, những kiện tướng !

 

Các người đã triệt

Hồn thiêng quốc đạo của Trần Hưng Đạo

 

triet11

Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).

Việt tộc kính trọng và thờ phụng Trần Hưng Đạo như thánh (Đức Thành Trần) như thương yêu kính trọng các bậc khai quốc công thần, và giữa các khai quốc công thần dựng nước và giữ nước : Ngài luôn có chỗ một đứng thật cao quý (ngày hội Đức Thành Trần). Câu chuyện này có lý do của nó, mà của nó thì rất hay, đẹp, tốt, lành, vì phẩm chất của Ngài thật cao, sâu, xa, rộng để hậu thế học, tu, dưỡng, hành cả đời cũng chưa xong.

 Ngài cao đẹp vì là người lãnh đạo vì nước quên thù nhà, trước bi kịch của cha là Trần Cảnh, trong thảm kịch nội hôn, mà chính gia đình Ngài chịu cảnh tan nát. Khi cha hấp hối, Ngài lại còn phải nghe lời cha dặn là : phải trả thù nhà ! Trả hận cho cha ! Ngài đã không làm chuyện đó, Ngài chọn hướng cứu nước, Ngài đứng về phía cứu dân, đạo lý này đủ cho Ngài làm lẽ sống cho mình suốt kiếp, và chuyện này thì tất cả các vua, các tướng, các quan, cả nước ai cũng biết, cũng trọng, cũng khâm phục ngài.

Ngài có thông minh quân sự trọn vẹn của một lý trí luôn sáng suốt, có dũng cảm lãnh đạo tràn đầy của một nhân cách tỉnh táo, phương pháp phân tích của Ngài rất thuyết phục vua mỗi lần cả nước thề một phen sống mái với Nguyên Mông. Sức thuyết phục của ngài trao truyền lan rộng tới tướng sĩ, binh sĩ, muốn biết mãnh lực của nó, thì hãy đọc Hịch Tướng Sĩ của Ngài. Trong Hịch Tướng Sĩ, Việt tộc luôn cúi đầu tiếp nhận trước lòng yêu nước của Ngài : "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...".

Quân tử tạo ra chính nhân, riêng Ngài đã đi xa hơn bao chính nhân, Ngài còn dìu dắt bao chính nhân trong thời đại của Ngài đi theo chính đạo mà chính đạo thời đó, trước đe dọa của Nguyên Mông, chính là quốc đạo (vì nước quên thân), quên luôn cả thù nhà, chỉ vì không được quên nước. Lòng kính phục của hậu thế trước đạo lý của Ngài có cớ sở vững : lấy sung lực lương tâm yêu nước để tạo nên lương tri lãnh đạo trong việc cứu nước-cứu dân, dụng lương tri lãnh đạo để làm sáng lên liêm sỉ vì dân trong nhân cách lãnh đạo.

Các người đang lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã triệt đi hùng khí của Hịch Tướng Sĩ : "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa..." để sa đọa trong lạm quyềnlộng quyền, suy đồi trong tham quyềntham nhũng. Các người không những hèn với giặc, ác với dân, mà các người còn đốn mạt với tổ tiên, với Đức Thánh Trần, khi các người đã dời lư hương trước đền thờ Trần Hưng Đạo tại Sài Gòn, vì các người sợ Việt tộc sẽ tống cố Tàu tặc bằng Hồn thiêng quốc đạo của Trần Hưng Đạo.

 

Các người đã triệt

Tính minh lược của Nguyễn Trãi

 

triet12

Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002.

Trong chế độc đọc đảng toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam, các người đã triệt diệt tính minh lược của Việt tộc có trong Nguyễn Trãi, được đúc kết bởi bao tinh hoa của tổ tiên Việt, phải về Côn Sơn, mới hiểu tại sao đứa con tin yêu này của Việt tộc đã có những hùng lực thông minh lạ thường, để hiểu tại sao Unesco, Liên Hiệp Quốc công nhận Ngài như danh nhân của nhân loại. Ngài có giòng họ chính thống với Trần Nguyên Đán, Ngài đã hít thở trong nhân tri vững nhân trí của Chu Văn An, Ngài thâm trầm trong thâm học với kinh nghiệm của Huyền Quang, một trong ba sư tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài chắc chắn suy ngẫm nhiều tại sao Hưng Đạo Vương vừa tập trận ngay tại Lục Đầu, nơi sáu con sông tụ đầu ngay trên quê hương của Ngài, vừa là nơi mà Hưng Đạo Vương thường lui về để nghĩ ngơi.

Hãy tới đền thờ của Ức Trai tại Hải Dương để hiểu vì sao mà đứa con tin yêu của Việt tộc được nhân dân tại đây thương yêu đến chừng nào. Những người dân tại đây hẹn nhau tới đền thờ của Ngài, họ ngồi trò chuyện trong thảnh thơi, ung dung, thong dong, nhàn hạ trên tấm phản, ngay trong đền, ngay bàn thờ, dưới chân Ngài Ức Trai. Đây là, tổng kết của nhiều bài học : "ăn ở có hậu", nên "dân thương, dân nhớ", "ở người ta thương, đi người ta nhớ"... nhất là đối với các bậc khai quốc công thần. Ngược lại, tham quyền để tham nhũng, lạm quyền để lộng quyền như hiện nay, thì ngày rời cõi đời này, thì người nay và người sau họ "không thương, chẳng nhớ", mà còn bị họ "rải muối" để không có lối về, không có đất mà dung thân !

Ngài để lại đời sau bao nhiêu bài học, trong đó có 5 bài học luôn cận kề với con cháu trong hiện tình đất nước đang bị đe dọa bởi Tầu tặc, dân tộc đang bị suy đồi về luân lý, lạc đường trong giáo dục, lầm lối trong xã hội... Chiến lược sáng trong chiến sự, đây là bài học đầu tiên mà ngài đã làm sáng cho thông minh quân sự Việt, Ngài dạy con cháu là chữ nhẫn đi cùng với chữ thời để tạo ra chữ thế. Ngay từ đầu, chữ nhẫn rất rõ, Ngài chờ những năm ròng ở Đông Quan, chờ ngày gặp chúa để cứu dân cho tới nơi, tới chốn ; chữ thời và chữ thế, càng rõ hơn, khi Ngài cùng Bình Định Vương cầm cự nhiều năm dài trên núi Chí Linh.

Chính lý ngời trong ngoại giao, đây là mặt trận để con cháu thấy rõ Ngài vừa là quan văn, vừa là quan võ, hơn thế nữa Ngài là bậc thầy trên mặt trận ngoại giao, khi chính luận yêu nước Việt chính là lập luận chống tà quyền xâm lăng. Các lá thư Ngài gởi tới bọn tướng giặc, thường không thấy thư trả lời, và nếu chúng có liêm sỉ thì chúng phải cúi đầu khâm phục tài diễn luận và trí giải luận của Ngài về lòng yêu nước Việt của con dân Việt. Câu chuyện chính lý làm mức độ để nói lên trình độ chính tri trong chính trị, đây là câu chuyện cốt lõi hiện nay của đất nước trước họa Tầu tặc đang cướp biển, cướp đảo ta. Chúng ta chỉ thắng được ngoại xâm nếu ngay trên thượng nguồn chúng ta có đầy đủ kiến thức của chính lý và có trọn vẹn ý thức của chính tri.

Tâm lý chiến trong chinh chiến, Ngài cũng là thầy khai minh ra môn tâm lý chiến, tìm là mọi cách tác động lên tâm lý kẻ xâm lược, Ngài lý luận rõ cho bọn tướng, bọn lính của giặc là chúng bất chính trong việc đi cướp nước láng giềng, lại chịu cạnh bị đày đọa xa nhà, xa quê. Sống "vất va vất vưởng" nơi quê người, chết trận bằng xâm lăng, thì chỉ là "oan hồn", thuộc loại "ma bùn" mà thôi ! Có tướng giặc, cả binh lính thấy Ngài phân tích đúng (trúng tim gan của chúng), có khi nhận ra hàng, mà ta không cần phải đánh.

Ẩn tích để sáng danh, Ngài rút lui về Côn Sơn vì bọn nịnh thần, tham quan làm Ngài "lợm giọng", chúng hãm hại Trần Nguyên Hãn, Ngài không những thấy rõ tâm địa của chúng, mà Ngài còn "đi guốc trong bụng" các vua nhà Lê, đồng thuyền trong đồng cam, cộng khổ, nhưng không đồng hội, trong yến tiệc của quyền lực. Đấy cũng là chuyện trình độ đạo lý của Ngài luôn cao hơn mức độ tính toán quyền lực bủn xỉn của các vua, của quan nhà Lê thời đó. Nhưng Ngài không "mai danh, ẩn tích", mà Ngài ẩn tích để sáng danh, qua văn thơ kiệt xuất trong tâm hồn Việt, văn minh Việt, mà nay đọc lại vẫn thấy ngài rất hiện đại !

Nhân tri nuôi văn trí, các bài thơ, các văn bản do chính tay Ngài viết, nhất là Bình Ngô Đại Cáo, làm sáng ngời không những chính nghĩa dày trí dũng của Việt tộc, mà còn làm gốc cho một nhân bản bền vững trong nhân loại : "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo". Một bài học cũng vô cùng hiện đại sẽ dẩn đưa Việt tộc đi tìm nhân quyền để chống bạo quyềnđộc quyền của độc đảng đang áp đặt trên số phận của Việt tộc.

Thảm kịch của các người từ lãnh tụ thủa các người lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam là các người không hề là những minh lược sư theo mô thức của Nguyễn Trãi, các người luôn tham quyền cố vị nên các người không bao giờ có được nhân cách mai danh ẩn tích làm nên nhân phẩm quang minh chính đại của Nguyễn Trãi.

 

Các người đã triệt

Hùng thế dũng lực của Quang Trung

 

triet13

Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết hiện nay. 

Bi hài kịch của các người từ lãnh tụ thủa các người lập đảng rồi cướp chính quyền tới các lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam là các người không có hùng thế dũng lực của Quang Trung làm nên thần tốc biết đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi trong chớp nhoáng. Trước khi Quang Trung trở thành Quang Trung Hoàng Đế, ngài đã là dũng tướng với bao dũng lực, ai hiểu Ngài đã phải thấy là thời buổi Ngài làm chuyện bình Nam, dẹp Bắc là vô cùng phức tạp, một thời đại dường như không có lối ra, nếu không có dũng tài quân sự, nếu không có dũng trí chính trị, nếu không có dũng khí lãnh đạo như Ngài.

Tại sao vậy ? Chỉ tại vì Ngài một thân, một chính nghĩa đã phải đối phó với sáu mặt trận tức khắc vì khẩn trương : Mặt trận thứ nhất là Trịnh-Nguyễn phân tranh, một cuộc huynh đệ tương tàn bị xem như là không thể dứt, nếu không có Ngài. Mặt trận thứ hai dai dẳng với Nguyễn Ánh mà hận thù đã lên ngất trời được xếp loại là không đội trời chung. Mặt trận thứ ba là sự nhó nhé của thực dân qua con đường truyền đạo, mà ít nhiều Nguyễn Ánh đã rơi vào bẫy, khi khai thác triệt để Bá Đa Lộc. Mặt trận thứ tư là Thái Lan, thời đó tên láng giềng cơ hội, thừa nước đục thả câu, cũng được Nguyễn Ánh không ngừng sử dụng. Mặt trận thứ năm chính là ông anh cả của Ngài : Nguyễn Nhạc, tâm địa lắc léo vì ham quyền cố vị. Mặt trận thứ sáu kinh khủng nhất chính là quân Thanh đang xâm chiếm đất nước Việt, chúng vào Thăng Long với tư cách vô cùng thô bỉ của bọn cướp nước Việt và khinh người Việt.

Khinh thường người khác trong chiến tranh thì dễ sinh ra khinh địch, cho nên quân Thanh đã bị quét ra, quét hẳn, quét hết, quét trọn, quét sạch qua chiến dịch thần tốc năm mươi ngày của Ngài. Chúng phải chui, phải chạy và cuối cùng là phải xin được giữ thân để về lại được quê cha đất tổ của chúng. Hiện nay trên quê hương Việt, lãnh đạo hiện nay dường như chỉ có hai mặt trận tức khắc vì rất cụ thể. Mặt trận kinh tế quốc thái dân an để có cơm no, áo ấm rồi dần dà làm được chuyện dân giàu nước mạnh mà các láng giềng cùng nôi văn hóa tam giáo đồng nguyên với ta đã làm được (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc). Mặt trận quân sự phải giữ yên bờ cõi để giữ trọn tiền đồ tổ tiên, tức là hằng ngày phải quyết tâm-quyết chí-quyết chiến chống lại ý muốn-ý định-ý đồ của Tầu tặc là xâm lấn-xâm lược-xâm lăng đất nước Việt. Chỉ có hai chuyện thôi, thật rõ ràng, chỉ như vậy thôi mà Việt tộc hiện nay không thấy cụ thể gì cả trong hành vi-hành động của lãnh đạo độc tài nhưng bất tài của Đảng cộng sản Việt Nam !

Lê Hữu Khóa

(07/08/2020)

---------------------


lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 1105 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa vendredi, 07 août 2020 23:35 posted by Hoàng Trường Sa

    Một bài viết tuyệt vời! Xin chân thành cám ơn tác giả Lê Hữu Khóa. Như tác giả nhận định, người ngoại quốc nói về Việt tộc bằng Anh ngữ sẽ kết luận rằng: "The Vietnamese people, a fiercely independent people". Nếu bằng Pháp ngữ sẽ là "Le peuple Vietnamien, un peuple farouchement indépendant" (Dân tộc Việt Nam, một dân tộc độc lập một cách quyết liệt). Nhận định này rất đúng.

    Tiếc thay, vào mùa thu lịch sử năm 1945, chính cái dân tộc "độc lập một cách quyết liệt" này đã bị ông Hồ Chí Minh, kẻ khởi xướng và quyết liệt thực hiện chính sách TRIỆT HIỆN SỬ VIỆT mà tác giả đã phân tích vô cùng xuất sắc, lợi dụng khao khát độc lập cháy bỏng của mình để đưa dân tộc này vào tròng Bắc thuộc. Than ôi! "Độc lập một cách quyết liệt" thôi e rằng chưa đủ, nếu không sáng suốt nhìn rõ âm mưu cướp nước của người "bạn vàng" Trung Quốc.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)