Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

13/08/2020

Thuật hùng biện cho thời đại dịch

Chu Văn

Trong tang lễ của cố Dân biểu Mỹ John Lewis hôm thứ Năm 30 tháng Bảy vừa qua, một thiếu niên 12 tuổi đã đọc bài thơ có tựa đề bằng tiếng la-tinh "Invictus". Sở dĩ được đọc trong tang lễ của ông Lewis, một trong những biểu tượng của cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng, nhứt là quyền được đi bầu của người Mỹ gốc Châu Phi hồi thập niên 1960 là bởi vì đây là bài thơ ưa thích nhứt của ông.

invictus1

Bài thơ có tựa đề bằng tiếng la-tinh "Invictus" của William Ernest Henley (1849-1903)

"Invictus" trong tiếng la-tinh có nghĩa là bất khuất hay vô địch. Người bất khuất là người không đầu hàng trước bất cứ một kẻ thù nào, ngay cả cái chết. Tác giả của bài thơ nổi tiếng này là thi sĩ Anh William Ernest Henley (1849-1903). Bài thơ được cảm hứng từ cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật của ông. Năm 16 tuổi, vì bị lao xương, chân trái của ông bị hoại tử cho nên phải bị cắt bỏ. Năm năm sau, nhận thấy bệnh lao có thể di căn sang các cơ phận khác, các bác sĩ đề nghị nên cắt bỏ cả chân phải. Nhưng nhà thơ đã không chịu đầu hàng. Cuối cùng, sau nhiều cuộc giải phẩu, chân phải của ông đã được chữa lành. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông đã sáng tác bài thơ "Invictus". Bài thơ có những câu như :

"Dù có đầy máu me, tôi vẫn không chịu cúi đầu".

"Dù có bị đe dọa trong hàng bao năm trời, tôi cũng vẫn sẽ mãi mãi không sợ hãi".

Cuối bài thơ, ông khẳng định :

"Tôi làm chủ định mệnh của tôi. Tôi là thuyền trưởng của linh hồn tôi".

Bài thơ "Invictus" đã mang lại một nguồn cảm hứng lớn lao cho ông Lewis. Trong bài điếu văn đọc trong tang lễ của ông, cựu Tổng thống Barack Obama đã kể lại rằng năm chỉ mới 20 tuổi, ông Lewis đã "dốc tất cả 20 năm đó ra giữa bàn, đánh cược tất cả mọi điều để làm tấm gương về sự thách thức với quy ước hàng thế kỷ, với nhiều thế hệ bạo lực tàn nhẫn cùng vô số sỉ nhục hàng ngày mà người Mỹ gốc Châu Phi phải gánh chịu". Năm 25 tuổi, Lewis đã "lãnh đạo đoàn tuần hành từ Selma đến Montgomery (Tiểu bang Alabama), dù được cảnh báo rằng Thống đốc Wallace đã ra lệnh cho binh lính sử dụng bạo lực...

Và như cựu Tổng thống Obama ghi lại : "Xương của họ bị nứt bởi gậy chày giáng xuống, mắt phải nghẹn lại với hơi cay. Lewis bị đánh vào đầu, ngỡ rằng mình sẽ chết. Quanh anh là cảnh tượng những người Mỹ trẻ ôm miệng, máu chảy, bị chà đạp. Họ là nạn nhân của bạo lực được chính phủ ủng hộ ngay trên chính đất nước của mình". Nhưng đó cũng chính là lúc ông Lewis đã chiến thắng.

Cựu Tổng thống Obama nói : "Điều tôi tưởng tượng thoạt đầu vào ngày hôm đó là những người lính nghĩ rằng họ đã chiến thắng. Tưởng tượng họ đã nói rằng "chúng tôi đã cho chúng bài học". Rằng họ đã giữ gìn, bảo vệ được một hệ thống phủ nhận nhân tính căn bản của đồng bào mình". Nhưng những người sử dụng bạo lực đã lầm : "Lời của họ (người Mỹ gốc Châu Phi) đã đến Tòa Bạch Ốc, đến tai Tổng thống Lyndon Johnson, người con của miền Nam. Ông bảo : "Chúng ta sẽ vượt qua" và rồi Đạo Luật về Quyền Bỏ Phiếu đã được ký thành sắc lệnh" (1).

Cố Dân biểu Lewis đã tỏ ra kiên cường, bất khuất trong cuộc tranh đấu của ông. Trước ông, bài thơ "Invictus" của thi sĩ Henley cũng đã từng là nguồn cảm hứng cho một người da đen nổi tiếng khác trong lịch sử nhân loại. Người đó là cố Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi. 27 năm bị tù đày, nhưng ông Mandela vẫn tỏ ra kiên cường, bất khuất để rồi cuối cùng chiến thắng và đánh bại chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng tại Nam Phi và trở thành người da đen đầu tiên được bầu làm tổng thống của quốc gia Châu Phi này.

invictus2

Bài thơ "Invictus" của thi sĩ Henley cũng đã từng là nguồn cảm hứng cho một người da đen nổi tiếng khác trong lịch sử nhân loại, cố Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi.

Cố Tổng thống Mandela đã cho biết bài thơ "Invictus" là nguồn cảm hứng mang lại sức mạnh, tinh thần bất khuất cho ông trong cuộc tranh đấu của ông. Chính vì vậy mà năm 2009, tài tử gạo cội kiêm đạo diễn Clint Eastwood đã thực hiện cuốn phim với tựa đề "Invictus". Cuốn phim xoay quanh những biến cố trước và sau Giải Rugby Thế giới được tổ chức tại Nam Phi hồi năm 1995. Hai nhân vật chính trong cuốn phim là cố Tổng thống Mandela và ông Francois Pienaar, thủ quân của đội tuyển quốc gia Nam Phi. Trước năm 1995, tức một năm trước khi chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi cáo chung và ông Mandela được bầu làm tổng thống, Rugby là một môn thể thao chỉ dành riêng cho người da trắng gốc Hòa Lan, Đức và Pháp. Trong khi đó, vì thù ghét người da trắng, người da đen Nam Phi cũng thù ghét luôn cả môn thể thao này. Nếu có đi xem bất cứ một cuộc thi đấu nào với nước ngoài, người da đen cũng chỉ vào sân vận động để ủng hộ đối thủ của đội nhà mà thôi.

Năm 1995 là năm đầu tiên Nam Phi đứng ra tổ chức Giải Rugby Thế giới, Tổng thống Mandela đã xem đây như cơ hội để kêu gọi xóa bỏ hận thù, đoàn kết quốc gia, hòa giải dân tộc. Khi lên tiếng công khai ủng hộ đội tuyển quốc gia, ông đã gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng đội tuyển quốc gia không phải là một đội tuyển của riêng người da trắng, mà là đội tuyển của mọi người Nam Phi. Năm đó, đội tuyển quốc gia Nam Phi đã đoạt chức vô địch sau khi đánh bại đội Tân Tây Lan. Cả nước Nam Phi ăn mừng chiến thắng. Đội tuyển bóng bầu dục Nam Phi đã trở thành niềm kiêu hãnh của mọi người Nam Phi. Năm 1995, trong đội tuyển quốc gia Nam Phi chỉ có một cầu thủ da đen. Ngày nay, đội tuyển này gồm nhiều người da đen và hiện một người da đen đang là thủ quân của đội (2).

invictus3

Poster quảng cáo truyện phim Invictus : diễn viên Morgan Freeman thủ vai Nelson Mandela và Matt Damon vai cầu thủ đội tuyên bóng bầu dục Nam Phi

"Invictus", người vô địch trong cuốn phim mà Clint Eastwood muốn đề cao không hẳn là đội tuyển Rugby Nam Phi, mà chính là cố Tổng thống Mandela. Ông Mandela đã xứng đáng với tước hiệu "vô địch" bởi vì khí giới giúp ông chiến thắng không phải là hận thù, bạo động, mà là khoan nhượng, cảm thông, yêu thương và tha thứ ngay cả đối với kẻ thù của mình. Xuất thân là một luật sư, cố Tổng thống Mandela vốn có tài hùng biện. Nhưng trong suốt cuộc tranh đấu và nhứt là thời gian lãnh đạo đất nước, ông thuyết phục người khác không bằng lời nói suông, mà bằng tinh thần khoan nhượng, bao dung, cảm thông và tha thứ.

Cũng như cố Tổng thống Mandela, tất cả những nhà tranh đấu bất bạo động như cố Mục sư Martin Luther King, như cố Dân biểu John Lewis, đều đi theo dấu chân của cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động là Mahatma Gandhi (1869-1948). Linh hồn của chủ trương này là "Satyagraha". Được chính vị cha già của dân tộc Ấn Độ sáng chế, "Satyagraha" trong tiếng Phạn có nghĩa là kháng cự bằng sự thật. Bàng bạc trong tất cả những bài diễn văn hay phát biểu của mình, tất cả các nhà tranh đấu bất bạo động đều nhấn mạnh đến sự thật. Qua họ, câu nói của Chúa Giêsu "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi" được làm sáng tỏ hơn bao giờ hết.

Nói lên sự thật, tranh đấu cho sự thật, sẵn sàng sống chết cho sự thật... đó chính là sức mạnh vô địch của các nhà tranh đấu bất bạo động. Đây chính là sự hùng biện đích thực trong bất cứ cuộc tranh đấu bất bạo động nào.

invictus4

Được chính vị cha già của dân tộc Ấn Độ, Mahatma Gandhi (1869-1948) sáng chế, "Satyagraha" trong tiếng Phạn có nghĩa là kháng cự bằng sự thật.

Thế giới hiện đang phải chiến đấu với một kẻ thù chung nguy hiểm nhứt là siêu vi Covid-19. Qua cơn đại dịch này, người ta thấy rõ chỉ có những người dám đối đầu với sự thật mới thật sự là nhà vô địch và vô địch trong thuật hùng biện.

Thời đại dịch tôi thực sự ngưỡng mộ nữ Thủ tướng Tân Tây Lan, bà Jacinda Ardern. Mới đây, học viện có tên là "The Development Academy Wing of Acuity Training" (Học viện chuyên đào luyện về suy tư và viễn kiến) đã bầu chọn bà làm "nhà lãnh đạo hùng biện và cảm thông nhứt thế giới". Học viện này đã thu thập danh sách của những nhà lãnh đạo hùng biện nhứt sau khi đã duyệt xét trên 100 giờ phát biểu của họ, gồm có các cuộc họp báo, diễn văn và nói chuyện trước công chúng trong năm 2020. Theo học viện này, "Thủ tướng Jacinda Ardern đi theo đường lối lãnh đạo của sự đồng cảm. Bà thách thức nhận thức thông thường cho rằng truyền thông mà bày tỏ cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối. Thay vào đó, bà chọn lựa nói chuyện trước công chúng bằng sự dịu dàng".

invictus5

Hai nữ Thủ tướng Jacinda Ardern và Angela Merkel trong một lần gặp gỡ tại Berlin ngày 17/04/2018

Đứng hàng thứ hai trong danh sách 10 nhà lãnh đạo được xem là hùng biện và cảm thông nhứt là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Người đàn bà được người dân Đức gọi một cách thân thương là "Mẹ" (mutti) trong thời đại dịch cũng vậy. Trong tất cả những lần xuất hiện trước công chúng để nói đến cuộc chiến chống lại đại dịch, bà Merkel luôn thuyết phục người nghe bằng cách nói lên sự thật, nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự cảm thông cao độ trước nỗi khổ đau của người dân.

Tôi không ngạc nhiên tại sao trong danh sách 10 nhà lãnh đạo hùng biện nhứt thế giới trong thời đại dịch, tôi không thấy có tên của con người quyền thế nhứt thế giới hiện nay là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Về ông, các chuyên gia của học viện "The Development Academy" nhận xét rằng ông luôn luôn "có lối suy nghĩ ồn ào" và "phản ứng với những câu hỏi trước khi bỏ giờ ra để suy nghĩ và đưa ra những câu trả lời thích đáng" (3)

Nhà hùng biện thật sự trước tiên phải là người có suy nghĩ chín chắn, lập luận vững chắc, chớ không hẳn là người to mồm, thích ăn to nói lớn, nhưng rỗng tuếch. Trong bài "Xâu xé nhau vì Trump" đăng trên báo mạng Thông Luận-rdp.org, ông Nguyễn Gia Kiểng có ghi lại rằng trong bài diễn văn tuyên bố ra tranh cử của ông, ông Trump đã nói về những người ra tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa như sau : "Họ đi vào, họ không biết máy lạnh không chạy. Họ toát mồ hôi như những con chó. Họ không biết phòng họp quá lớn bởi vì họ chẳng có ai ở đó. Họ làm sao có thể thắng được Nhà nước Hồi giáo". Theo tác giả, ngay đầu bài diễn văn mà ông Trump đã nói một câu vớ vẩn như thế. Tác giả trích dẫn nhận xét của kênh giáo dục "Teach Argument" theo đó chỉ trong 3 phút đầu của bài diễn văn, đã có đến 15 lỗi lý luận. Một người khoe khoang mình là một "thiên tài ổn rất ổn định" lại thường có những phát biểu như thế trong hơn ba năm qua (4).

Không thể dùng lý luận để thuyết phục người khác cho nên theo ghi nhận của bà Maria Trump, người cháu gái của ông, Tổng thống Trump chỉ biết lấy "gian manh làm lẽ sống". Báo The Washington Post đếm được mỗi ngày ông nói dối đến 15.5 lần. Một cuộc phân tách mới đây của báo New York Times cho thấy hơn một nửa những "tuýt" của ông từ tháng Giêng năm 2017 đến tháng Mười Một năm 2019 là những cuộc tấn công vào người khác. Dĩ nhiên, với sự ủng hộ mù quáng mà nhiều người đã và đang dành cho ông, những lời lẽ ngớ ngẩn và thô bạo của ông luôn có ảnh hưởng. Một cuộc phân tách của ABC News đã xác nhận có 54 hành vi bạo động trong đó những kẻ gây bạo động nhìn nhận rằng chính những lời lẽ của Tổng thống Trump đã xúi giục họ. Hoa Kỳ đã dẫn đầu thế giới với 5 triệu người bị nhiễm Covid-19 và hơn 160.000 người chết vì đại dịch này. Thái độ vô cảm và vô tâm của ông cũng như những lời lẽ chối bỏ sự thật, chống lại khoa học, gây hoang mang cho dân chúng... phải được xem là nguyên nhân gây ra thảm kịch này (5).

Với tôi, một nhà lãnh đạo thật sự hùng biện trong bất cứ tình huống nào, nhứt là trong thời đại dịch này, trước hết phải là một người biết tôn trọng sự thật và biết cảm thông.

Cố Dân biểu John Lewis đã qua đời hôm 17 tháng Bảy vừa qua. Trong những giờ phút cuối đời, ông vẫn nhắn gởi một thông điệp cho những người tham gia vào cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng và phẩm giá con người. Hãy lắng nghe ông kêu gọi : "Hàng triệu người, chỉ vì được thúc đẩy bởi sự cảm thông mà đã trút bỏ được gánh nặng của sự chia rẽ. Trên toàn quốc và khắp thế giới, các bạn đã gác qua một bên sự khác biệt chủng tộc, giai cấp, tuổi tác, ngôn ngữ và quốc tịch để đòi hỏi phải tôn trọng phẩm giá con người... Khi các sử gia đặt bút viết về câu chuyện của Thế kỷ 21, hãy để cho họ nói rằng chính thế hệ của các bạn đã trút bỏ được gánh nặng của hận thù và rằng cuối cùng hòa bình đã chiến thắng bạo lực, sự gây hấn và chiến tranh. Do đó, tôi kêu gọi các bạn, hãy bước đi trong sóng gió và hãy để cho tinh thần hòa bình và sức mạnh của hòa bình trường cửu hướng dẫn các bạn" (6).

Có lẽ chẳng có những lời lẽ nào hùng hồn hơn !

Chu Văn

(13/08/2020)

Chú thích :

1. Điếu văn của cựu Tổng thống Barack Obama tại tang lễ dân biểu John Lewis 

2. Invictus: How Nelson Mandela used Rugby to unite South Africa

3. Compassionate: Jacinda Ardern ranked wold’s most eloquent leader

4. Xâu xé nhau vì Trump   

5. Can Anything Be Done to Rein In the the President’speech ?   

6.John Lewis’ Last Words

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 1314 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)