Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/04/2017

Hậu Đồng Tâm trong bóng đêm & rắn rết

Tưởng Năng Tiến

Sẽ còn nhiều lươn lẹo, mưu mẹo ở Đồng Tâm.

Giáo sư Tương Lai

Ngay sau biến động Đồng Tâm, vài trang mạng (Đàn Chim ViệtVấn Đề...) đã đăng lại "Báo Cáo Về Vụ Nổi Dậy Ở Thái Bình" của Giáo sư Tương Lai - khi ông còn đảm nhiệm chức vụ Viện Trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam. Đây là một tập tài liệu khả tín, khách quan - dài 53 trang - với phần kết luận hơi (bị) lạc quan :

"Sự kiện Thái Bình, nếu với cái nhìn tỉnh táo, sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể nhìn rõ thực trạng chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của nông thôn nước ta, do vậy mà có những chủ trương đúng sách lược đúng, đưa nông nghiệp và nông thôn đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa".

Hai mươi năm sau, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Khánh An (VOA ) vào hôm 17 tháng 4 năm 2017, Giáo sư Tương Lai - tiếc thay - đã còn giữ được sự lạc quan và niềm hy vọng ("có những chủ trương đúng sách lược đúng") như hai thập niên trước nữa. Ông buông thõng : "Sẽ còn nhiều 'lươn lẹo,' 'mưu mẹo' ở Đồng Tâm".

Mọi sự "lươn lẹo, cũng như "mưu mẹo" sắp tới - tất nhiên - không đến từ phía những người nông dân Việt Nam chân chất. Nỗi bi quan của Giáo sư Tương Lai khiến tôi chợt nhớ đến lời tuyên bố của ông, đúng hai năm trước - vào hôm 29/04/2015 - khi trả lời Thụy Mi ( RFI ) về một câu hỏi có liên quan đến vấn đề thời cuộc :

"Chúng tôi khẳng định rằng khả năng tốt nhất, có ý nghĩa lớn nhất là tự những người lãnh đạo trong giới cầm quyền hiện nay tự chuyển biến, để họ biết đặt lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc lên trên hết. Từ sự chuyển biến đó, dần dần từng bước thay đổi thể chế chính trị, thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu làm được như thế, họ sẽ lấy lại uy tín".

Làm thế nào để người dân Việt có thể đặt lại niềm tin vào "giới cầm quyền mưu mẹo" và "lươn lẹo" (rõ ràng) là một nan đề, nhất là riêng với nông dân - giới người vừa lên tiếng kêu than rằng "chúng tôi đã bị lừa quá nhiều rồi".

Giữa tình cảnh hoang mang, căng thẳng, và lo sợ của hàng vạn con dân chân lấm tay bùn này - tuyệt nhiên - không thấy một vị "lãnh đạo cấp cao" nào "vào cuộc" cả. Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội, Thủ Tướng... đều câm như hến !

Kẻ lên tiếng, mỉa mai thay, chỉ là một thường dân - theo tường thuật của Viễn Đông (VOA) nghe được vào hôm 19 tháng 4 năm 2017 :

 "Người nông dân nổi dậy" ở Hải Phòng, từng đứng lên chống lực lượng thu hồi đất, cho biết rằng ông "sẵn sàng đứng ra làm trung gian" giữa người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với chính quyền nhằm giúp làm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay...

Người nông dân, từng được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng sau khi được đặc xá trở về, nhận định tiếp :

"Theo ý kiến cá nhân tôi, chính phủ phải vào cuộc, phải thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà Nội. Nếu có dấu hiệu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau đó, phải thả khẩn cấp những người mà chính quyền bắt. Cái sai về chính quyền phải xử lý trước".

Tôi vô cùng trân trọng thiện ý, cũng như thiện chí, của kỹ sư Đoàn Văn Vươn ; tuy thế, vẫn không khỏi cảm thấy ái ngại khi đọc lại những sự kiện đã xẩy ra tại quê hương ông - theo tường trình của Gia Minh (RFA) vào hôm 2 tháng 10 năm 2012 :

"Tin cho biết cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hải Phòng bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều, và đến 5 giờ Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam có cuộc họp báo thông tin về kết luận của Thủ tướng tại Trung tâm hội nghị quốc tế.

Theo ông Vũ Đức Đam thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận hai quyết định giao đất QĐ447 và QĐ220 của huyện Tiên Lãng đều không đúng pháp luật.

Đến hai quyết định thu hồi 460 và 461 cũng trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi không đúng nên việc cưỡng chế cũng không đúng.

Còn về việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thủ tướng yêu cầu xử lý theo đúng qui định của pháp luật".

Dù Thủ Tướng "kết luận rõ ràng" như trên nhưng rồi anh em ông Đoàn Văn Vươn vẫn cứ phải đi tù, còn người chỉ huy vụ "trận đánh đẹp" (phá hủy nhà cửa của nạn nhân) Đại Tá Đỗ Hữu Ca - Giám Đốc Công An Hải Phòng - thì được thăng cấp !

hau1

Ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc công an Thành phố Hải Phòng được thăng hàm Thiếu tướng. Ảnh & thú thích : báo Pháp Luật

Dù vậy, xét cho cùng, qúi ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Qúi vẫn còn được coi là những người may mắn vì họ đã được công luận biết đến tên tuổi nên không thể tự nhiên mà "mất hút" trong hệ thống lao tù được.

Rất nhiều người dân Việt đã không có được sự "may mắn" tương tự :

"Cách đây chừng một thập kỷ đã xảy ra vụ nổi loạn của nông dân Thái Bình. Những người dân cày đói ăn biểu tình yêu cầu bọn quan chức địa phương hoàn lại những món tiền bị cưỡng đoạt trái phép. Cuộc khởi loạn thoạt tiên xảy ra trên bảy huyện trong tỉnh, trước hết là Quỳnh Phụ, sau đó lan ra các tỉnh lân cận như Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh…

 Phóng viên nước ngoài rầm rộ đổ đến Hà Nội... Họ đón tiếp niềm nở, nụ cười thường trực gắn trên môi : trà ngon, gà vườn, quà tặng rẻ tiền nhưng lạ mắt… Kèm theo đó là sự hứa hẹn mềm mỏng : 'chúng tôi sẽ để các ông các bà xuống tỉnh Thái Bình trong thời gian ngắn nhất, với điều kiện đảm bảo được sự an toàn của quý vị'.

Sự trì hoãn đó có hiệu lực. Một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua. Các ông tây bà đầm không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Quỹ thời gian có hạn. Hà Nội chỉ là một quán trọ xoàng. Hành tinh mênh mông còn có biết bao nơi chốn mời gọi … Họ lần lượt ra đi.

 Khi phóng viên nước ngoài cuối cùng lên máy bay và các ống kính đã chĩa về hướng khác là lúc cuộc đàn áp bắt đầu. Trong một đêm, hàng nghìn cựu chiến binh đã bị bắt...

 Cuộc vây bắt diễn ra êm nhẹ. Hoàn toàn trong bóng đêm. Sót lại là tiếng kêu khóc của đám dân quê đói khổ, thất học, thân nhân của những người bị cùm trói và tống vào xe thùng sắt.

 Các cựu chiến binh Thái Bình, những người đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những thương bệnh binh nạn nhân của chất độc da cam, những người thường được ca ngợi véo von là anh hùng cứu nước. Họ sẽ được đảng Cộng sản thân yêu đối xử ra sao ?

Họ bị phân tán vào khắp các trại tù, sống trà trộn giữa đám tội phạm thật sự. Ở đó, họ sẽ chết trong một thời gian rất ngắn bởi chính các bạn tù này. Bọn tội phạm được lệnh thủ tiêu họ. Đương nhiên, 'lệnh mồm' và ban bố một cách thì thầm đến tận từng cá nhân. 

Đây chính là 'phương thức châu Á', nhóm danh từ tôi tạm mượn ông Karl Marx tôn kính ở phương Tây. Bọn tội phạm được hứa hẹn giảm án theo thành tích : giết một người án 20 năm giảm xuống 18 năm. Giết hai người, 18 năm còn lại 16 … Cứ thế mà thực thi.

Khởi sự là các cuộc khiêu khích, gây hấn. Sau đấy là cuộc tàn sát bằng các hình thức khác biệt, trong đó một hình thức đặc biệt hiệu nghiệm và rất ấn tượng : giết người bằng đũa ăn. Người châu Á ăn cơm bằng đũa. Dụng cụ ẩm thực biến thành vũ khí sát nhân là sự ứng biến tuyệt vời.

Người ta vót những chiếc đũa bằng gốc tre đực, thứ tre cứng như sắt, một đầu đũa được chuốt nhọn như kim đan. Khi các cựu chiến binh Thái Bình đang ngủ, bọn tội phạm bất thình lình đóng chiếc đũa này vào lỗ tai của họ. Với độ dài 25cm, đũa xuyên suốt từ tai nọ sang tai kia. Nạn nhân chết tức khắc không kịp bật một tiếng kêu.

Như thế, trong bóng đêm và trong sự im lặng, những người cầm đầu cuộc biểu tình của dân cày Thái Bình đã chết theo kiểu ấy". (Dương Thu Hương - "Bóng Đêm Rắn Rết & Nước Mắt", Paris, tháng 4/2007).

Mai hậu, liệu có cách nào để tránh cho những người dân cầy ở Đồng Tâm khỏi phải "chết theo kiểu ấy", trong "bóng đêm" đang bao phủ Việt Nam không ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 24/04/2017 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 1013 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)