Tôi đến thăm nhạc sĩ Phó Đức Phương tại tư gia nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Âu Cơ. Sau đợt nằm viện chữa ung thư, ông về nhà điều trị theo phác đồ mới.
Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương thời kỳ hăng hái đi làm bản quyền âm nhạc
Lâu không gặp, nói thật có chút giật mình khi thoạt thấy ông. Ngoại hình thay đổi không ngờ, nhưng khi ông cất tiếng nói, vẫn tác giả Tửu ca không lẫn vào đâu được.
Thời kỳ sáng tác mới
Âm nhạc vẫn là đầu câu chuyện. Ông nói về một thời kỳ mới trong sáng tác : "Nó nảy sinh dần dần chứ không có ý định từ trước. Đầu tiên chỉ là một cảm xúc chợt đến, rồi định hướng càng rõ rệt. Mà xưa nay mình nghĩ gì, làm gì đều đến cùng".
Bài ca Thần Chim Lạc qua tiếng hát Minh Thu
Cũng như những bài hát nổi tiếng nhất của ông, tất cả bắt đầu từ một lời đặt hàng giữa năm 1999. "Tự dưng ý tưởng về Bài ca thần chim Lạc ào đến khi Minh Ánh khẩn thiết đề nghị viết một bài hát để tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc". Minh Ánh khi đó đã tách khỏi tam ca 3A, đầu quân cho Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long.
Phác thảo ý tứ xong, lập tức tác giả nhấc điện thoại : "Ánh ơi, chú xong rồi, đến đây" ! Không những Minh Ánh đến liền mà còn kéo cả mẹ và em gái. Lúc đó là nửa đêm. Lần đầu dàn dựng trên sân khấu chỉ có giọng hát và dàn trống đã mang lại Huy chương vàng cá nhân thứ ba cho ca sĩ.
Đây là bài hát Việt hiếm hoi để cho một vị thần lên tiếng :
"Ta bay qua thời gian từ thuở hồng hoang
Ta bay thấu không gian, biển rộng núi cao
Đi hết cõi hữu hình, ta vào miền vô ảnh
Nặng tình nhân gian
Bồn chồn nỗi cháu con nòi giống
Ta bay qua những lầu son, đầy nặng cuồng tham
Đến với nỗi cơ hàn, nhọc nhằn tối tăm
Bay qua những thăng trầm, bao vương triều hưng phế
Lợi quyền mê đắm nhỏ nhen khiến bao đời quẩn quanh"…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thời kỳ hăng hái đi làm bản quyền âm nhạc
Và phải đến gần 20 năm sau, Phó Đức Phương mới lại nối tiếp mạch cảm hứng ấy (đơn giản vì giữa hai bài hát là thời gian ông ngừng viết nhạc, đi khai phá công tác bản quyền từ 2000 đến 2018) với Hoa Lư đại trận tập viết theo đặt hàng của tỉnh Ninh Bình nhân kỷ niệm 1050 năm Đinh Tiên Hoàng lên ngôi.
Bên cạnh ca ngợi công lao dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, nhạc sĩ mạnh dạn tổ chức một cuộc tập trận bằng nghệ thuật, tỏ rõ sự cảnh giác của nhà vua về hiểm họa ngoại xâm :
"Ta và các ngươi trên vâng mệnh trời, dưới thể lòng dân hết lòng khắp nơi dẹp loạn/ Yên định phía Nam, canh chừng phương Bắc/ Để nước Việt ta từ đây giang sơn một mối, quốc thống vẹn toàn/ Đời đời bền vững"…
Tiết mục Tiếng trống Mê Linh trên sân khấu đêm nhạc Phó Đức Phương Khúc hát phiêu ly tháng 7/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hầu hết các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc đều dành tặng cát-xê cho nhạc sĩ khi đó đang xạ trị ở bệnh viện
Cũng như đoạn trích bài trước, phần này ca sĩ cũng phải nói theo lối tuồng. Bài hát được Tùng Dương thể hiện đầu tiên trong sự kiện lễ hội hoánh tráng, có ba Tổng bí thư là Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng đến dự.
"Thiên thời địa lợi" thì nhân cũng hòa. Ông liên tiếp nhận được hợp đồng viết những bản sử ca hùng tráng cho Quân khu 3, rồi Tổng cục Chính trị. Nối tiếp ra đời trong khoảng 3-4 năm có 7-8 tác phẩm chung một nhịp đập từ Bạch Đằng bản hùng ca sông thiêng, Mãi mãi Việt Nam, Lời thề sông Hóa (về Trần Hưng Đạo) đến Hội thề Mê Linh (về Trưng Vương)… Nghe những bài hát đầy tính sân khấu này, cảm tưởng như một đấng siêu linh nào đó đã nhập vào, mượn nhạc họ Phó truyền thông điệp.
Nhưng kỳ thực : "Tớ chỉ biết miệt mài, cặm cụi, dốc lòng nói lên cảm nghĩ của mình thôi. Sau này mọi người và cả tớ mới luận ra có lẽ như thế, chứ mình không được sự chỉ bảo dẫn dắt một cách trực tiếp, dễ thấy. Vì đúng tớ vẫn là người trần mắt thịt chả biết gì, vào đền chùa, vào những nơi linh thiêng không cảm thấy gì", Phó Đức Phương bày tỏ.
Như vậy lâm bạo bệnh, cũng là lúc ông nhận thấy mình có một sứ mệnh còn dang dở : "Nghĩ đến việc đấy tôi đã hồi hộp, run hết người : Âm nhạc hóa tất cả những trang sử vàng chói lọi của Việt Nam. Rồi nó trở thành thậm chí có thể nói một trong những động lực khiến tôi phải khỏi bệnh để hoàn thành".
Ba người con của nhạc sĩ Phó Đức Phương (từ trái sang) : Phó Vũ Thư, Phó Khánh Chi và Phó Đức Hoàng
Đặt hàng của đời sống
Hầu như đứng sau mỗi bài hát thành công của Phó Đức Phương đều có một đơn đặt hàng, không phải của một đoàn nghệ thuật thì cũng là một tỉnh.
"Lãng mạn như các cụ ngày xưa có ai đặt hàng đâu, yêu đương mơ mộng thì viết thôi", nhạc sĩ nhận định. "Nhưng đặt hàng mới đúng là chuyên nghiệp. Ngoài ra, nó là trách nhiệm với đời sống. Đương nhiên trong đó có một mặt khác nữa là sự khổ nhục vì phải đi kiếm ăn".
Nhưng nhờ đó ông mới có thể một mình nuôi đủ năm người trong nhà ăn học mà vẫn còn tiền mua hai miếng đất. Khi đi làm quyền tác giả, ông không còn dư giả như thế nữa.
Mỹ Linh hát "Trên đỉnh Phù Vân" – Video : Youtube Mỹ Linh.
Phó Đức Phương : "Khi anh đã có bản lĩnh, có sự bướng bỉnh về bút pháp, ngôn ngữ, diện mạo thì viết khắp nơi anh vẫn là anh. Anh viết về đề tài gì, yêu cầu gì thì bản lĩnh của anh vẫn vượt lên trên đề tài ấy, đứng cao hơn thực tại. Và như vậy, anh chỉ có phong phú thêm".
Còn bây giờ có vẻ như là lần đầu tiên ông tự đặt hàng, tự xác định cho mình một cảm hứng lớn bắt nguồn từ lịch sử. Coi mình là một "công dân nhạc sĩ" cần có "trách nhiệm với đất nước, lịch sử, với những đấng bậc thánh nhân tổ tiên đã làm nên những sự nghiệp hiển hách trên giang sơn đất nước này". Còn tất nhiên nếu đời sống lại đặt hàng những bản (với ông là) tình ca như Chảy đi sông ơi hay Trên đình phù vân, ông vẫn sẵn sàng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết nhiều bản sử ca hùng tráng đầy tính sân khấu (hình minh họa)
Một câu hỏi tôi đã nung nấu trước khi đến gặp ông : Nếu biết về sau bị bệnh nặng thế, ông có dành hết thời gian sáng tác thay vì làm tác quyền.
Một thoáng im lặng, rồi ông nhỏ nhẹ : "Cái gì đến nó đến thôi. Làm sao mà biết được. Làm bản quyền mặc dù có lãng phí thời gian dành cho âm nhạc đối với riêng mình, nhưng thực ra nó là cái giá xứng đáng phải trả. Sự nghiệp bản quyền chưa phải chói lọi gì, nhưng nếu không có một người rất hiểu biết và sống chết vì nó thì nó không được như bây giờ. Cái này những người thực sự sâu sắc trong nghề đều cảm thấy như thế.
"Không thể nào được như thế này, nếu như không có ông Phó Đức Phương, dù có tranh luận đến mấy chăng nữa. Cho nên mình phải hy sinh. Và nói mạnh một chút nữa là nền âm nhạc và những người yêu nhạc Việt Nam cùng phải chịu sự hy sinh đấy".
Ông không tiếc nuối 18 năm có thể tương đương với "cả chục bài hát để đời" để hiến mình cho một mục đích và ý nghĩa rộng hơn : Đem lại lợi ích cho tất cả các nhạc sĩ, để rồi họ có động lực cho ra nhiều tác phẩm hơn.
Tiếng gọi trái tim
Trong khi ngồi chờ Phó Đức Phương làm việc với bác sĩ vật lý trị liệu, tôi thấy trên bàn nước tại phòng khách một cuốn Osho. Thì ra đó là tác giả gối đầu giường của chủ nhà. "Tớ đọc từ cách đây 15 năm. Có những thời kỳ ngày đi làm bản quyền, đêm thì vơ vẩn cùng với Osho. Tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời", ông xuýt xoa.
Vì tâm đắc nên ông bị giằng xé, muốn khoe với bạn bè lại vừa sợ bọn chúng không trả. Cuối cùng quyết chia sẻ với ba chiến hữu đều là dân văn chương : Nguyễn Khắc Phục, Trần Ninh Hồ và Vũ Quần Phương. Y như rằng, ông nào cũng giữ rịt lấy. Tất nhiên là Phó Đức Phương đòi bằng được, nhưng lâu đến mức để rồi 6-7 năm sau khi nhận sách về, ông cũng chả biết đó có thực là cuốn mình cho mượn. Theo ông, về sau này Osho được xuất bản nhiều nhưng trà trộn trong đó cả những bản dịch chưa xứng tầm.
Giở đại một trang sách Osho, tôi thấy mấy dòng : "Can đảm là một từ rất thú vị có nguồn gốc từ tiếng Latin nghĩa là 'sống bằng trái tim'. Và chỉ những người yếu đuối mới sống bằng lý trí".
Hẳn Phó Đức Phương đã sống theo phương châm ấy.
Nguyễn Mạnh Hà
Nguồn : BBC, 19/09/2020