Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

18/11/2020

Nhà vệ sinh : Những cuộc cách mạng làm thay đổi đời sống hàng tỉ người

Trọng Thành

Đại tiểu tiện là nhu cầu hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên câu chuyện xưa như Trái đất này lại không hề đơn giản với hàng tỉ con người. Gần một phần ba nhân loại không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh. Chưa kể vấn đề nhà vệ sinh không sạch, không an toàn. Kể từ năm 2013, Liên Hiệp Quốc chính thức coi ngày 19/11 hàng năm là Ngày Nhà vệ sinh Quốc tế. Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là tới 2030 toàn nhân loại đều được hưởng quyền sử dụng nhà vệ sinh sạch hàng ngày.

toilet1

Một công viên giải trí về Nhà vệ sinh tại Hàn Quốc.  Ảnh : Frédéric Ojardias/RFI

Bồn cầu giật nước – cuộc "cách mạng" đầu tiên

Từ hàng nghìn năm nay, mỗi nền văn minh trong quá trình phát triển đều tìm kiếm các phương thức xử lý chất thải đại tiểu tiện, đặc biệt đối với các khu vực tập trung dân cư đông đúc. Tuy nhiên, cho đến kỷ nguyên công nghiệp hóa, việc đi đại tiện trong môi trường thiên nhiên là điều phổ biến. Ngay tại Châu Âu, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, không hiếm khách bộ hành thỏa mãn nhu cầu ngay trên đường phố. Trong gia đình, giới quý tộc, thị dân sử dụng bô để đi vệ sinh. Kể từ khi kỹ sư người Anh Joseph Bramah phát minh ra bồn cầu water-closets (WC) vào cuối thế kỷ XVIII, phương tiện này đã bắt đầu được nhân rộng khắp nơi. Trong thế kỷ XX, tại các đô thị lớn, người ta xây dựng các hệ thống cống ngầm để đưa chất thải bài tiết ra xa khỏi các khu vực trung tâm. Hiện tại, đối với hàng tỉ người tại các nước phát triển, tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển, bồn cầu, hố xí giật nước đã trở thành tiện nghi tối thiểu, không thể thiếu.

Ngành công nghiệp đầy triển vọng

Tại một số quốc gia công nghệ như Nhật Bản hay Hàn Quốc, sản xuất nhà vệ sinh, bồn cầu thậm chí trở thành một ngành công nghiệp đầy triển vọng. Việc cải thiện bồn cầu, hố xí giúp mang lại nhiều tiện nghi hơn cho con người. Nhà vệ sinh là một không gian quan trọng trong gia đình, nơi người ta nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, giải trí. Đây cũng có thể là nơi bố trí các phương tiện đo lường hàng ngày nhiều chỉ dấu về sức khỏe, giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh như ung thư trực tràng, tiểu đường, béo phì hay mất trí nhớ..., để kịp thời can thiệp.

Tuy nhiên, đối với hàng tỉ cư dân trên Trái đất, sử dụng nhà vệ sinh hàng ngày vẫn còn là một điều xa xỉ. Trong lịch sử nhân loại, vấn đề nhà vệ sinh có lẽ chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay, khi dân số tăng cao, đô thị hóa tăng tốc, trong lúc nước sạch đang ngày càng trở nên khan hiếm, các cơ sở hạ tầng để bảo đảm việc xử lý chất thải bài tiết là điều rất nan giải đối với đông đảo các cộng đồng dân cư nghèo. 

4,2 tỉ người không có nhà vệ sinh sạch, an toàn

Tại các vùng nông thôn, không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều người phải mất thời gian tìm kiếm nơi giải quyết nhu cầu trong thiên nhiên. Bên cạnh đó, chất thải do bài tiết không được xử lý là nguồn gốc gây đủ loại dịch bệnh, như dịch tả, dịch thương hàn… các loại bệnh tật liên quan đến nước bẩn nói chung. Dịch tả hàng năm cướp đi mạng sống của 2,2 triệu trẻ em trên thế giới, đa số là các em nhỏ dưới 5 tuổi, và chủ yếu tại các nước nghèo. Chưa kể tình trạng, không có nhà vệ sinh buộc phụ nữ phải ra ngoài khi có nhu cầu, là nguyên nhân chủ yếu của nạn cưỡng hiếp phụ nữ, như tại Ấn Độ.

Theo một số nghiên cứu quốc tế, tình trạng không có nhà vệ sinh có đặc biệt nghiêm trọng tại vùng Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, tại Pakistan hay Ấn Độ. Riêng tại Ấn Độ, khoảng 600 triệu cư dân không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh. Đa số sống tại các vùng nông thôn. Bên cạnh việc nhà vệ sinh là điều xa xỉ với khoảng 2,5 tỉ dân cư, có tổng cộng "4,2 tỉ người không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh sạch và an toàn", theo số liệu của Liên Hiệp Quốc năm nay 2020.

Ngay tại một quốc gia phát triển như Pháp, theo liên minh Coaliation eau tập hợp các tổ chức dân sự hành động vì nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người, vẫn còn đến hơn 6% dân số Pháp, tức gần một triệu người phải sống trong những nơi ở không có bồn cầu và nước. Gần đây, vấn đề nhà vệ sinh nơi công cộng tại Việt Nam cũng được chú ý hơn. Năm 2018, ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, cho biết các nhà vệ sinh công cộng trên cả nước "gần như chưa đạt tiêu chuẩn". 

Một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc

Từ 20 năm nay, vấn đề nhà vệ sinh đã được nhiều tổ chức phi chính phủ vận động để được công luận coi như là một yếu tố hệ trọng đối với sự tiến bộ, với sức khỏe và phẩm giá con người. Sáng kiến tổ chức Ngày Nhà vệ sinh Quốc tế, do một hiệp hội Singapore đề xuất năm 2001, đã được Liên Hiệp Quốc công nhận vào năm 2013. Nước sạch và hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh nằm trong mục tiêu thứ 6 trong số 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015. 

Ấn Độ là quốc gia có nỗ lực nổi bật để cải thiện tình trạng này. Năm 2014, chính quyền Ấn Độ khởi sự chương trình Swachh Bharat (tức "Ấn Độ sạch sẽ" bằng tiếng Hindi), với tổng trị giá 25 tỉ đô la, nhằm phát triển nhà vệ sinh đặc biệt tại các vùng nông thôn, đẩy lùi tình trạng giải quyết nhu cầu vệ sinh trong thiên nhiên, vốn là một truyền thống lâu đời. Đối với chính phủ Việt Nam, vấn đề nhà vệ sinh trong trường học được coi là một trọng tâm. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và bộ Y Tế Việt Nam, năm 2008, có gần 90 % trường học ở nông thôn Việt Nam không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Theo số liệu chính thức của bộ Giáo Dục Việt Nam công bố hồi tháng 10 vừa qua, tỉ lệ này đã thu hẹp, nhưng vẫn còn hơn 30% số nhà vệ sinh tại các trường học chưa đạt yêu cầu.

Vượt qua rào cản tâm lý

Nhân Ngày Nhà vệ sinh Quốc tế năm nay, kênh truyền hình Pháp – Đức Arte công chiếu bộ phim "Toilettes sans tabou" (tạm dịch là : Chuyện nhà vệ sinh, nói thẳng không e dè). Phim đưa công chúng đến trước hết với Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi nhà vệ sinh đã trở thành một tiện nghi ngày càng được chăm chút, đầu tư. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được làm quen với các biện pháp vệ sinh, khá thường xuyên là qua các hình thức vui chơi, giải trí. Poopoo Land là một trong các công viên giải trí nổi tiếng của Hàn Quốc, với nhiều trò chơi cho phép du khách khám phá "hệ thống tiêu hóa của con người". Các chất thải qua con đường bài tiết, những gì bình thường được coi là đồ uế tạp, trở nên gần gũi, dễ thương qua trò chơi, qua các hình ảnh, thậm chí các món ăn. Vượt qua những kiêng kị là con đường giúp thay đổi triệt để nhận thức, hành vi.

Nếu như tại các quốc gia phát triển, vượt qua các kiêng kị nhìn chung là điều không mấy khó khăn, một chút hài hước có thể đã đủ, thì tại những nước như Ấn Độ, những cản trở phải vượt qua về mặt tâm lý, cũng như về phương tiện vật chất là rất lớn. Đương kim thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong cuộc tranh cử năm 2014, đã coi kế hoạch phủ kín nhà vệ sinh khắp cả nước là một trong các mục tiêu vận động chính. Chương trình có tham vọng xây dựng hơn 100 triệu nhà vệ sinh cho 500 triệu dân. Trong phát biểu vận động cho kế hoạch này, ông Modi đã để lại một câu nói được nhắc lại khắp nơi : "Nhà vệ sinh còn quan trọng hơn cả đền đài !".

"Quan trọng hơn cả chùa chiền"

Năm 2017, hãng phim Bolywood của Ấn Độ tung ra một bộ phim gây chấn động, dựa trên câu chuyện có thực về một cô gái kiên quyết không về nhà chồng, nếu không có nhà vệ sinh. Cô gái Ấn Độ Anita Narre, nguyên mẫu của nhân vật chính trong bộ phim "Toilet : A Love Story" tâm sự : "Nếu như chồng tôi không xây cho tôi nhà vệ sinh này, thì tôi sẽ buộc phải trở lại nhà bố mẹ tôi. Và như vậy tôi sẽ không thể lập gia đình, có con. Cả cuộc đời tôi sẽ bị hoài phí !". Rất nhiều gia đình đã noi gương cô gái làm nhà vệ sinh. Trước khi thủ tướng Modi khởi sự chương trình nhà vệ sinh toàn quốc, cô gái trẻ Anita Narre được coi là một người thúc đẩy "cuộc cách mạng nhà vệ sinh" (kể từ năm 2012).

Nói đến những thay đổi lớn trong lĩnh vực nhà vệ sinh ở Ấn Độ, không thể không nói đến bác sĩ Bindeshwar Pathak, lãnh đạo tổ chức dân sự Sulabh International cổ vũ cho nhân quyền và môi trường, từ nửa thế kỷ nay đã nỗ lực tìm kiếm những con đường khác nhau để phát triển nhiều loại nhà vệ sinh cho các tầng lớp dân cư với mức sống khác nhau. Bác sĩ Bindeshwar Pathak đặc biệt gắn liền việc phát triển nhà vệ sinh với việc cải thiện điều kiện của những người thuộc đẳng cấp tiện dân ở Ấn Độ, từ muôn đời nay phải gánh vác công việc bẩn thỉu, dọn dẹp chất bài tiết cho dân cư các đẳng cấp trên. Phát biểu trong bộ phim của Arte "Toilettes sans tabou", ông nói : "Hệ thống này, phương thức này đã có từ 5 nghìn năm nay, cho đến khi người Anh đến Ấn Độ. Họ đã xây dựng hệ thống ống dẫn chất thải ngầm tại Calculta năm 1870. Tuy nhiên, công nghệ rất đắt đỏ này đã không cho phép chấm dứt cách thức truyền thống, dọn dẹp nhà vệ sinh bằng tay, do những người thuộc đẳng cấp tiện dân thực hiện. Tôi đã phải tìm kiếm giải pháp cho vấn đề kỹ thuật, cũng như giải pháp cho vấn đề xã hội".

Tổ chức của bác sĩ Bindeshwar Pathak đang có kế hoạch tiếp tục phát triển hàng chục triệu nhà vệ sinh công cộng trên khắp Ấn Độ.

Nhà vệ sinh xử lý tại chỗ : Điều kiện cho phát triển bền vững

Nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn không chỉ là điều kiện bảo đảm sức khỏe cho hàng tỉ con người mà việc xử lý tốt các chất phế thải có thể mang lại các nguồn lực lớn cho phát triển bền vững. Tại Châu Âu, việc sử dụng nhà vệ sinh rất tốn nước, đến 9 lít một lần. Gần đây mới bắt đầu có nút ấn tiết kiệm nước. Nhiều nỗ lực cách tân công nghệ để giảm lượng nước sử dụng. Trong bộ phim của Arte, bà Cecile Dekeuwer, chủ tịch Weco, một công ty Pháp chuyên phát triển "nhà vệ sinh sinh thái" nhấn mạnh với công chúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước, và việc xử lý phế thải bài tiết tại chỗ :

"Nước tại Pháp hiện tại không đắt. Chúng ta có xu hướng coi đây là một tài nguồn không cạn kiệt. Chúng ta đã ưu tiên giải pháp tất cả thải ra theo hệ thống cống ngầm trong những năm 1980. Mọi người đặt câu hỏi : vì sao lại phải thay thế hệ thống này, bởi chúng ta đã được thừa hưởng một cơ sở hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên, một mặt, nước không phải là tài nguyên vô tận. Chúng ta biết là lưu lượng các dòng sông, nguồn cung cấp nước sạch đã giảm từ 10 đến 40%. Mặt khác, để duy trì một hệ thống cống ngầm như vậy là hết sức tốn kém. Và hệ thống này cũng gây tác hại đến môi trường, với khoảng 20% lượng rò rỉ. Hệ thống của chúng tôi trong tương lai sẽ được sử dụng tại Pháp, nhưng trước mắt tại nhiều quốc gia đang trỗi dậy, nơi không có hệ thống cống ngầm".

Chủ tịch công ty Weo giới thiệu với công chúng đôi nét về công nghệ nhà vệ sinh sinh thái : "Đây là một bồn cầu của Weco, một toa lét bình thường, giật nước. Khác biệt là công nghệ ở đằng sau. Nước tiểu và phân đưa vào bể phốt nổi này, được xử lý bằng con đường sinh học, cho phép những phần rắn của chất thải phân hủy, tan ra, thu nhỏ về thể tích. Phần chất lỏng được đưa vào máy điện phân. Quý vị thấy các bọt khí này không ? Đây chính là quá trình điện phân cho phép tiêu diệt dần các loài vi khuẩn. Làm cho nước trở nên trong. Nước sau đó sẽ được lọc và đưa trở lại hệ thống, để có thể dùng để rửa nhà vệ sinh lần nữa, cứ như thế mãi theo chu trình khép kín như vậy".

Theo một thống kê, nhân loại hàng năm tạo ra 720 triệu tấn phân, 570 triệu tấn nước tiểu. Tiết kiệm nước bằng việc tái chế nước thải đã qua sử dụng, biến nước tiểu và phân thành các nguồn dinh dưỡng cho cây trồng là đầu tư đáng kể cho phát triển. Một đô la đầu tư cho nhà vệ sinh cũng bảo đảm tránh được thiệt hại 5 đô la, do việc thiếu nước sạch, hay chi phí phải bỏ ra cho việc giải quyết các hậu quả y tế - môi trường, ước tính đến 260 tỉ đô la hàng năm, theo ông Bruce Gordon, người điều phối chương trình Nước, Vệ sinh và Sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cuộc cách mạng nhà vệ sinh thứ hai

Trong các nỗ lực cách tân nhà vệ sinh trên quy mô toàn cầu, không thể không nói đến dự án "sáng tạo lại nhà vệ sinh" của Quỹ vợ chồng tỉ phú Bill Gates, khởi sự từ năm 2011. Mục tiêu dự án của vợ chồng Bill và Melinda Gates là huy động các công nghệ tiên tiến nhằm chế tạo nhà vệ sinh có thể hoạt động độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào các hệ thống nước, điện hay cống ngầm, để có thể lắp đặt ở mọi nơi. Các chất phế thải được xử lý tại chỗ.

Từ hệ thống bồn cầu giật nước và cống ngầm, phổ biến nhiều nơi trên thế giới, với làn sóng công nghiệp hóa lần thứ nhất, giờ đây nhân loại đang bước vào một cuộc cách mạng mới, khi các cách tân nhà vệ sinh hướng đến tiết kiệm năng lượng, giảm mạnh đầu tư hạ tầng, tái sử dụng triệt để các chất phế thải. Một cuộc cách mạng hướng đến nhà vệ sinh cho tất cả mọi người, không những hạn chế triệt để các tác hại môi trường, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 18/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)