Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/12/2020

Tại sao văn hóa Trung Quốc chưa trỗi dậy ?

Hồ Kiến Hoa

Lời giới thiệu : Dưới đây là tóm lược bài phát biểu của học giả nổi tiếng Trung Quốc Hồ Kiến Hoa [1]  tại Diễn đàn học thuật lần VIII do Thương vụ Ấn thư quán tổ chức ngày 22/7/2017. Bài này đã đăng trên tạp chí "Ngôn ngữ học ngày nay" ngày 8/1/2018, dưới tiêu đề "Lập trường của ngôn ngữ học Trung Quốc nhìn từ góc độ ngôn ngữ học đương đại". Khi biên dịch chúng tôi chỉ giữ lại phần nói về văn hóa, văn minh Trung Quốc, lược bỏ những phần không liên quan.

Nghiên cứu quốc tế

-----------------------

vanhoa1

Bốn chục năm cải cách mở cửa vừa qua là bốn chục năm Trung Quốc bận bịu với việc học tập các loại lý luận do "ông thầy" phương Tây sáng lập.

Vì sao lại có tình trạng như vậy ? Đó là do Trung Quốc có nhiều vấn đề thực tế khó có thể giải quyết, các lý luận và phương pháp của Trung Quốc không tìm ra câu trả lời giải quyết được vấn đề. Vì thế tự nhiên phải đi nơi khác tìm phương án mới có thể giải quyết được. Tình hình này tương tự như Mao Trạch Đông nói trong bài "Bàn về chuyên chính dân chủ nhân dân". Ông nói : Hồi ấy mọi người bất mãn với hiện trạng, muốn thay đổi Trung Quốc, nhưng từ nền cựu học, họ không tìm thấy phương pháp giải quyết vấn đề, vậy làm thế nào ? Thế là nhìn về phương Tây, mong muốn tìm ra lý lẽ ; thấy sách nào cũng đọc. Ông nói :

"Kể từ thất bại trong cuộc Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 trở đi, những người Trung Quốc tiên tiến sau khi trải qua muôn vàn gian khổ đều nhìn về các nước phương Tây, mong muốn tìm ra chân lý. Hồng Tú Toàn, Khang Hữu Vi, Nghiêm Phục và Tôn Trung Sơn là những đại diện của phái nhân vật đi tìm chân lý ở phương Tây trong thời gian trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời. Những người Trung Quốc cầu tiến thời ấy đọc tất cả những sách nào nói lên đạo lý của phương Tây. Số lưu học sinh được cử đi học ở Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Đức nhiều tới mức phát sợ. Trong nước thì phế bỏ khoa cử, trường học mới mở nhiều như măng mọc sau cơn mưa mùa xuân, ai nấy nỗ lực học phương Tây. Bản thân tôi hồi trẻ cũng học những thứ ấy. Đó là nền văn hóa dân chủ tư sản của phương Tây, tức cái gọi là Tân học, bao gồm các học thuyết xã hội và khoa học tự nhiên thời ấy, chúng đối lập với văn hóa phong kiến Trung Quốc, tức cái gọi là Cựu học. Trong một thời kỳ rất dài, những người đã học Tân học rồi đều nảy sinh một niềm tin cho rằng Tân học có thể cứu Trung Quốc. Trừ phái Cựu học ra, những người thuộc phái Tân học tỏ ra rất ít nghi ngờ điều đó. Muốn cứu quốc thì chỉ có duy tân ; muốn duy tân thì chỉ có học nước ngoài. Nước ngoài hồi đó chỉ có các nước tư bản phương Tây là tiến bộ, họ đã xây dựng thành công nhà nước hiện đại của giai cấp tư sản. Người Nhật học phương Tây có kết quả tốt, người Trung Quốc cũng muốn học người Nhật."

Tân học là học vấn của phương Tây, Cựu học là học vấn truyền thống của Trung Quốc. Mọi người tưởng rằng, tin rằng Tân học có thể cứu Trung Quốc. Sức hút của Cựu học không còn như cũ bởi lẽ nó không thể nào giải quyết được những vấn đề mới.

Cuối đời nhà Thanh, Trung Quốc phát hiện : thì ra những kẻ Man Di từng bị Trung Quốc coi thường ấy chẳng những có tàu to súng lớn mà còn có nền văn minh cực kỳ tinh xảo.

70 năm trước, sử gia Lôi Hải Tôn từng nói : "Những kẻ ngoại địch ngày xưa Trung Quốc từng gặp có hai loại. Một loại như Phật giáo có văn minh nhưng không có thực lực. Một loại như các dân tộc du mục phương Bắc có thực lực nhưng không có văn minh. Hai loại này đều dễ đối phó. Nhưng phương Tây xuất hiện sau Chiến tranh Thuốc phiện thì vừa có thực lực lại vừa có văn minh, đều cao cấp hơn Trung Quốc. Do đó mà gây ra cuộc khủng hoảng văn minh xưa nay chưa từng có."

Hiện nay quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã có thể ngang ngửa với phương Tây, nhưng nền văn minh của Trung Quốc còn chưa thực sự trỗi dậy, thực lực học thuật cũng chưa đủ lớn mạnh. Thực lực học thuật dựa trên nền tảng tư tưởng, nếu không có tư tưởng độc lập thì rất khó nói đến thực lực học thuật, cũng rất khó sinh ra nền văn minh dẫn dắt trào lưu của thế giới. Trên lĩnh vực học thuật, đầu tư của Trung Quốc vào loại hàng đầu thế giới, số lượng luận văn công bố cũng rất nhiều. Thế nhưng "Trên các lĩnh vực mệnh đề học thuật, tư tưởng học thuật, quan điểm học thuật, tiêu chuẩn học thuật và lời lẽ học thuật, năng lực và trình độ của ta còn chưa tương xứng lắm với quốc lực tổng hợp và địa vị quốc tế của ta" (Tập Cận Bình "Bài nói tại cuộc tọa đàm về công tác triết học khoa học xã hội", Nhà xuất bản Nhân dân, 2016).

Muốn thay đổi tình trạng nói trên và muốn nâng cao thực lực học thuật và địa vị học thuật, trước mắt chúng ta có ba lựa chọn.

Thứ nhất là theo đường lối giáo điều, làm kẻ theo đuôi các lý luận của nước ngoài, "Coi tư tưởng học thuật và phương pháp học thuật của nước ngoài là chuẩn mực." (Tập Cận Bình, nguồn trích dẫn như trên), dùng các nghiên cứu của mình làm chú giải cho các lý luận đã có của nước ngoài.

Thứ hai là làm phái thủ cựu, coi thường các kết quả nghiên cứu nước ngoài đã có, hoặc bác bỏ tất cả các lý luận của họ, chỉ ru rú cắm đầu nghiên cứu hệ thống riêng của mình. Nghiên cứu cả những vấn đề nước ngoài đã giải quyết xong và đã công bố kết quả, thế mà ta lại chẳng tìm đọc hoặc căn bản không thèm để ý đến.

Thứ ba là độc lập suy nghĩ, thực sự cầu thị, tham khảo có phê phán bất kỳ lý luận và phương pháp nào kể cả lý luận của nước ngoài, sau đó xuất phát từ thực tế, dùng đầu óc của mình suy xét.

Bác bỏ tất cả mọi lý luận của nước ngoài là việc tương đối dễ, tiếp thu tất cả cũng dễ thôi, nhưng tham khảo có phê phán thì tương đối khó. Khó ở chỗ chỉ có thực sự hiểu thì mới có thể phê phán, tham khảo. Tuy có thể nói chúng ta là những "học trò" rất cố gắng của "ông thầy" phương Tây, song chưa chắc có bao nhiêu người có thể thực sự hiểu tư tưởng cơ bản [nguyên văn tầng thấp] của "ông thầy". Chúng ta chưa có cái truyền thống học thuật của phương Tây, quan trọng nhất là chúng ta không có cái truyền thống triết học như họ, kể từ Socrates, Plato, Aristotle. Truyền thống triết học của ta rất không giống của họ. Vì thế khi học tập họ, ta thường không hiểu được tư tưởng ở phía sau họ, luôn cảm thấy còn có ngăn cách với họ. Nếu đã không thực sự hiểu họ thì sao có thể phê phán ?

Dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp có thể chính vì không hiểu mà chúng ta có dũng khí phê phán họ. Cũng có thể là chính vì không hiểu nên mới muốn phê phán, dùng sự phê phán giá trị rỗng tuếch để che đậy sự vô tri về nội dung cụ thể và các chi tiết lý luận. Nếu thực sự hiểu lý luận của người ta thì sẽ phát hiện việc thực sự phê phán có tính thực chất đâu phải là việc dễ làm. Trên thực tế, nếu chưa thực sự nắm được tinh thần học thuật thì chẳng những không thể tiến hành phê phán đích thực mà ngay việc vận dụng (các lý luận của họ) cũng dễ đi chệch đường.

Giới triết học phương Tây ở Trung Quốc cho rằng nếu một học giả thực sự hiểu được các nguyên tác triết học phương Tây, như ông Trần Khang có thể đối thoại bình đẳng với giới học giả phương Tây về các vấn đề triết học liên quan ; như thế là đã đạt được trình độ học thuật rất cao. GS Trần Gia Ánh ở Đại học Sư phạm Thủ đô là một học giả rất có ảnh hưởng hiện nay. Trong những đánh giá về ông, tôi có ấn tượng nhất với câu "là người có khả năng nhất tiếp cận danh hiệu nhà triết học ở Trung Quốc". Sở dĩ nói thế có lẽ là do chúng ta không có cái truyền thống học thuật ấy của phương Tây, vì vậy mà khi nghiên cứu triết học phương Tây, chúng ta không có ưu thế bẩm sinh.

Trong công tác nghiên cứu, nhiều người nhấn mạnh phải đề cao khoa học. Nhưng nếu không được đào tạo cơ bản về tư duy khoa học thì rất có thể ta chỉ đề cao cái khoa học trong tưởng tượng mà thôi. Nó khác với tưởng tượng trong khoa học. Einstein luôn nhấn mạnh trí tưởng tượng vô cùng quan trọng, nghiên cứu khoa học cần có trí tưởng tượng của khoa học. Nhưng khoa học trong tưởng tượng chỉ là sự tưởng tượng đối với khoa học, rất dễ đưa một số nhà nghiên cứu đi vào con đường sai lầm.

Trong lịch sử văn minh nhân loại, khoa học và vu thuật [thuật phù thủy, tà thuật] vốn là một cặp song sinh, cách nhau chỉ một bước mà thôi. Chúng khác nhau ở chỗ khoa học chú trọng tính giả hiệu [ngụy tính] và tính nhất trí có thể chứng minh, còn vu thuật thì không nói tới những điều ấy. Vu thuật là một loại khoa học giả hiệu [ngụy khoa học].

Giáo sư Lưu Hoa Kiệt ở khoa Triết Đại học Bắc Kinh chia khoa học giả hiệu làm mấy loại, trong đó một loại là khoa học kiểu giang hồ, mọi người xem biết ngay là trò bịp bợm. Còn một loại là kiểu học viện. Hai kiểu ấy khác nhau. Kiểu học viện có một bộ thuật ngữ phù hợp quy phạm khoa học. Khoa học giả hiệu kiểu học viện cũng có thể công bố ở trong nước hoặc trên quốc tế nhiều cái gọi là luận văn học thuật, nhưng thực ra là giương ngọn cờ khoa học, dùng phương pháp khoa học giả hiệu giải quyết một số vấn đề giả. Giáo sư Lưu Hoa Kiệt nói khoa học giả hiệu có đặc điểm "thường là có lý", "cho dù bạn đưa ra bao nhiêu ví dụ phản biện thì nó bao giờ cũng có thể tìm ra lý do cố chấp bảo vệ ý kiến của nó."

Cho tới nay chúng ta đều cho rằng cái nôi của văn minh Trung Quốc là vùng Trung nguyên. Nhưng nhà khảo cổ hiện đại nổi tiếng Tô Bình Kỳ lại phát hiện thực ra từ thời đồ đá mới cho tới thời kỳ Hạ-Thương, trên khắp vùng đất mênh mông ở Trung Quốc đều đồng thời tồn tại nhiều nền văn minh, có địa vị tương đương nhau, trình độ phát triển gần như nhau, tựa như bầu trời đầy sao, rải rác khắp Trung Quốc ; văn minh Trung nguyên chỉ là một trong số đó, không phải là cốt lõi của văn minh Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Tô Bình Kỳ đưa ra lý thuyết "Sao đầy trời".

Tôi cho rằng "Sao đầy trời" là gene văn minh của chúng ta, cũng nên là gene học thuật của Trung Quốc. Tuy ta không có truyền thống của Socrates, Plato nhưng ta có truyền thống "Sao đầy trời" . Châu Âu có đặc điểm các quốc gia chia tách với nhau nhưng tôn giáo thì thống nhất. Trung Quốc không có thần giáo như châu Âu mà có 5 truyền thống lớn cùng tồn tại : Nho, Đạo, Pháp, Mặc, Phật. Làm thế nào để lấy tinh thần "Sao đầy trời" làm cơ sở, hòa trộn tối ưu tinh thần khoa học khách quan và phổ biến với tầm mắt học thuật, văn hóa học thuật của ta –– đây là một vấn đề đáng được các học giả Trung Quốc thế hệ này nghiêm chỉnh suy xét.

Hồ Kiến Hoa

Nguyên tác nguồn 胡建华:中国语言学的立场 —— "当代语言学"的角度看作者:胡建 来源:今日语言学 时间 2018-01-08.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch, ghi chú từ

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/12/2020

—————-

[1] Hồ Kiến Hoa (胡建 Hu Jianhua) hin là nghiên cu viên Vin Nghiên cu Ngôn ng thuc Vin Khoa hc xã hi Trung Quc, giáo sư khoa Ngôn ng Vin Nghiên cu sinh thuc Vin khoa học xã hội Trung Quc, Ch nhim Phòng Nghiên cu Ngôn ng hc đương đại, Tổng Biên tập tạp chí "Ngôn ngữ học đương đại". Tổng Thư ký chấp hành Hội Ngôn ngữ học Trung Quốc.

Quay lại trang chủ
Read 696 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)