Khí hậu không còn là chuyện trên trời, chuyện của Trời, mà hơn bao giờ hết trở thành chuyện hệ trọng của xã hội con người. Tình hình đã hết sức khẩn cấp. Tổng thống tân cử Mỹ quyết định sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Trong lĩnh vực điện ảnh, gần đây xuất hiện hai bộ phim về khí hậu gây sốc. Hai bộ phim của hai lão tướng trong nghề.
Phim tài liệu "A Life On Our Planet" (Một cuộc đời trên hành tinh chúng ta) với những hình ảnh kinh hoàng làm ví dụ minh họa
Hai bộ phim tài liệu, một phim thu hút đông đảo công chúng trên mạng, còn phim kia gây chú ý đặc biệt trong giới điện ảnh Pháp. Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu.
***
Hai bộ phim không hẹn mà gặp. Biến đổi khí hậu với những hệ quả kinh hoàng là chủ đề chung. Hai bộ phim với hai phong cách rất khác biệt, thậm chí trái ngược, cùng nói về đe dọa của biến đổi khí hậu đối với vận mệnh của nhân loại, trong giai đoạn bản lề quyết định hiện nay. Cả hai đạo diễn đều là những người đã dành cả đời mình cho việc quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên, hay của thế giới động vật.
Đạo diễn người Anh David Attenborough, tác giả bộ phim tài liệu "A Life On Our Planet " (Một cuộc đời trên hành tinh chúng ta), khiến thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cựu chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde, phải rơi lệ. Đạo diễn người Armenia Artavazd Pelechian, tác giả của bộ phim "Nature" (Thiên nhiên), khiến ông Jean-Luc Godard, một bậc thầy của nền điện ảnh Pháp, phải ngưỡng mộ.
Bộ phim "Nature" (Thiên nhiên) dài 62 phút, là kết quả của hơn 10 năm chuẩn bị
Theo Les Echos, bộ phim "Tự nhiên" của đạo diễn Armenia mà tên tuổi rất ít người biết đến, được giới thiệu tại Paris vào tháng 10 vừa qua đúng vào lúc phim "A Life On Our Planet" của đạo diễn lừng danh của BBC phá mọi kỷ lục về truy cập trên mạng, kể từ khi được chiếu trên Netflix.
"Báu vật quốc gia sống"
Trả lời báo The Guardian, nhà sản xuất phim người Anh Alastair Fothergill, thường được ví như "ông hoàng của điện ảnh về thế giới động vật", khẳng định tác giả của phim "Một cuộc đời trên hành tinh chúng ta" "đã được tiếp xúc với thế giới thiên nhiên hoang dã, nhiều hơn bất cứ ai trên hành tinh này, sir David Attenborough cũng là người chứng kiến, nhiều hơn bất cứ ai khác, những biến đổi trong thiên nhiên. Chính vì vậy, ông ấy cảm thấy mình có trách nhiệm".
Đạo diễn David Attenborough, 94 tuổi, được coi là "một báu vật sống của quốc gia". Ra đời trước nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị 17 ngày, David Attenborough từng bán tắc kè cho một phòng thí nghiệm gần nhà vào lúc 11 tuổi, trước khi ông trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất tại Vương Quốc Anh, được phong quý tộc vào năm 1985. Bộ phim nhiều kỳ "Life on Earth" (Đời sống trên Trái đất), của David Attenborough, thực hiện cho BBC năm 1979, được coi đã làm nên một cuộc cách mạng trong thể loại phim tài liệu động vật.
Sir David Attenborough là một nhà kể chuyện tài ba (story teller), biết cách làm công chúng mê say thế giới thiên nhiên, từ các thế hệ cao niên, cho đến lớp trẻ sinh ra đầu thế kỷ 21. Gần đây, năm 2019, bộ phim "Our Planet" (Hành tinh của chúng ta) gồm 8 kỳ, do Quỹ Thiên nhiên hoang dã WWF, cùng Silverback Films và Netflix đầu tư, đã được 33 triệu gia đình thưởng thức, chỉ trong một tháng. Lần này, phim "Một cuộc đời trên hành tinh chúng ta" đã thu hút một triệu người xem, chỉ sau 5 giờ đưa lên mạng.
Trong bộ phim A Life On Our Planet, với những hình ảnh kinh hoàng làm ví dụ minh họa, nhà đạo diễn Anh đã nhấn mạnh đến quá trình băng trên Bắc cực vào mùa hè bị thu hẹp đến 40% diện tích, chỉ trong vòng 4 thập niên, rừng nhiệt đới bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, hai phần ba động vật hoang dã bị tuyệt diệt trong vòng nửa thế kỷ. Phim "Một đời sống trên Trái đất chúng ta" đặt công chúng đối mặt trực diện với đe dọa sống còn của biến đổi khí hậu.
Trong phần kết bộ phim, nhà đạo diễn kết luận "Cái hệ sinh thái nguyên sơ kỳ diệu biết bao ấy đang đứng trước bờ sụp đổ" : Lời kết được đưa ra trên nền hình ảnh băng Bắc cực tan chảy.
Theo nhật báo Anh The Guardian, đạo diễn David Attenborough chỉ thực sự nhận ra hiểm họa biến đổi khí hậu từ đầu những năm 2000, cho dù ngay từ đầu nghề làm phim, ông đã liên tục đưa ra các cảnh báo về những nỗ lực cần có để cứu lấy hành tinh. David Attenborough quyết định trở thành người cảnh báo đe dọa khí hậu hâm nóng, với bộ phim "Sự thật về Biến đổi Khí hậu" (2006). Thảm họa không tránh khỏi hay là chiến thắng vinh quang ? Một phần tư cuối cùng của bộ phim vừa ra mắt được tác giả dành cho một số đề xuất nhằm hóa giải thảm họa.
Bộ phim đầu tiên sau 27 năm
Về phần bộ phim của đạo diễn Armenia, Les Échos nhận xét tác giả Artavazd Pelechian, 82 tuổi, đã chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác với phong cách của nhà tranh đấu môi trường người Anh.
Đạo diễn Armenia là một người rất "kiệm lời". Người được coi là một trong các tác giả tiên phong của điện ảnh Xô Viết chỉ cho ra đời khoảng 10 bộ phim trong toàn bộ cuộc đời sáng tác của mình. Trong những năm 1980, phim của Artavazd Pelechian được coi là "kinh điển đối với mọi trường phái điện ảnh trên toàn thế giới". Theo tổng biên tập tạp chí "Cahiers du Cinéma", Serge Daney, đạo diễn Artavazd Pelechian là một nhà dựng phim thiên tài, một "mắt xích bị thiếu trong lịch sử thực thụ của ngành điện ảnh". Artavard Pelechian nổi tiếng với thể loại phim không đối thoại, không cốt truyện.
Đạo diễn Artavard Pelechian từng nói : "Tôi tin tưởng là điện ảnh có thể chuyển tải những điều mà không có bất cứ một ngôn ngữ nào trên thế giới có thể phiên dịch được. Đối với tôi, điện ảnh chính là dấu vết của cái thời tháp Babel (tức kỷ nguyên huyền thoại, khi loài người được coi là nói chung một thứ ngôn ngữ), trước khi nhân loại chia ly, với những thứ tiếng nói khác nhau".
Phim "Thiên nhiên" là bộ phim đầu tiên của ông kể từ 27 năm nay. Trong con mắt của giới hâm mộ điện ảnh, mỗi lần ông cho ra một bộ phim mới là một lần gây chấn động (giới thiệu phim La Nature (Thiên nhiên) trên trang nhà của Fondation Cartier).
Bộ phim Thiên nhiên, dài 62 phút, là kết quả của hơn 10 năm chuẩn bị, theo đơn đặt hàng của Quỹ Fondation Cartier của Pháp và ZKM Filminstitut de Karlsruhe của Đức (năm 2005), hoàn toàn dựa trên các tài liệu lưu trữ. Theo giám đốc Quỹ Cartier, đạo diễn người Armenia - ngược hẳn lại với các tên tuổi lớn của nền điện ảnh phim tài liệu về thiên nhiên, như sir David Attenborough - hoàn toàn "không quan tâm đến chất lượng hình ảnh, theo quy ước hiện hành hay chất lượng về mặt hình thức, mà tập trung vào sức mạnh cảm xúc của cảnh phim".
Phim Thiên nhiên hoàn toàn chỉ có hai màu trắng, đen. Bộ phim được ví như một khúc ca bi tráng báo trước Trái đất đang đứng trước ngưỡng cửa hỗn loạn.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 27/11/2020