Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

28/12/2020

Nhà Thờ Lớn Hà Nội - Công trình kiến trúc lớn nhất Hà Nội cuối thế kỷ 19

Thu Hằng

Thời gian phủ lớp rêu phong lên Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, nổi tiếng với tên gọi Nhà Thờ Lớn, nơi người Hà Nội vẫn ghé qua chụp một kiểu ảnh kỉ niệm vào mỗi Giáng Sinh, dịp lễ tết quan trọng.

nhatho1

Nhà Thờ Lớn Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/11/2009.  © RFI/Tiếng Việt

Dù đã nhiều lần được bảo trì, công trình theo kiến trúc gothic, được thánh hiến năm 1887, vẫn hằn vết thời gian với lớp vỏ tường bên ngoài bị bào mòn, nhiều chỗ dột nát trên mái khiến trần nhà thờ bị bong tróc do nước thấm. Kế hoạch trùng tu mới đây nhất được bắt đầu từ tháng 07/2020.

Vào cuối thế kỷ XIX, khi cả Hà Nội chỉ có những ngôi nhà gỗ thấp, những túp lều tranh đơn sơ và hồ ao rải rác, Nhà Thờ Lớn trở thành công trình kiến trúc ấn tượng, đồ sộ gần hồ Hoàn Kiếm, đánh dấu cho sự phát triển của khu Hội Thừa Sai, một trong những khu vực thay đổi nhanh chóng nhất, theo hồi tưởng của Raymond Bonnal, công sứ Pháp ở Hà Nội (1883-1884), trong cuốn Ở Bắc Kỳ (Au Tonkin, Hà Nội, 1925) :

"Vào năm 1873, chỉ có vài gia đình Công giáo tập trung quanh một nhà nguyện nhỏ bằng gỗ, được dựng trên vị trí nhà nguyện Những người tử vì đạo ở phố Hội Thừa Sai (rue de la Mission, phố Nhà Chung ngày nay). Đến năm 1883, giáo dân Hà Nội đã hình thành một khu vực lớn ngay đối diện Trường thi, cách không xa cửa ô Đông Nam thành Hà Nội. Một hàng rào tre dầy bao quanh khu vực Hội Thừa Sai. Đây như một ngôi làng thực sự, với vẻ rất đặc biệt, sống động nhờ có rất nhiều gia đình giáo dân địa phương, linh mục, thầy giảng, chủng sinh, trẻ em ở cô nhi viện".

Xây Nhà Thờ Lớn từ đống tro tàn của nhà thờ cũ

Vào khoảng năm 1876, linh mục Landais cho xây một nhà nguyện nhỏ - khi đó giám mục Puginier đang ở Sài Gòn cầu viện đô đốc Dupré can thiệp giúp giáo dân Bắc Kỳ (1). Nhà nguyện được xây bằng gạch xen những ô cửa sổ có chóp cong hình chữ V, theo tư vấn của kĩ sư Dupommier lúc đó đang giám sát thi công trong Khu Nhượng Địa.

Nhưng cũng chính vào năm 1883, ngôi nhà nguyện đó bị khoảng 400 quân Cờ Đen phóng hỏa đốt vào đêm 15-16/05 sau khi tràn vào khu Hội Thừa Sai nhưng bị giáo dân chống trả quyết liệt. Không một vết tích nào còn sót lại. Kể cả bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh cũng bị quân Cờ Đen mang đi làm chiến lợi phẩm, theo André Masson, trong cuốn Hà Nội trong giai đoạn anh hùng 1873-1888 (Hanoi pendant la période héroique 1873-1888, Paris, 1929).

Tuy nhiên, theo những lời kể được linh mục Dronet thu thập và được trích trong cuốn Từ Paris đến Bắc Kỳ (De Paris au Tonkin, 1885) của Paul Bourde, "nhà nguyện cũ (bị cháy) được xây theo phong cách thường thấy ở những ngôi đền An Nam, có một gian lớn được gia cố nhờ xà gỗ lim. Có lẽ nhà nguyện còn có một tháp chuông theo phong cách gothic".

Nhà thờ bằng gạch được linh mục Landais cho xây vào khoảng năm 1876 và bị quân Cờ Đen thiêu rụi năm 1883. Ảnh trích từ sách Hanoi pendant le période héroïque 1873-1888 của André Masson, xuất bản tại Paris (Pháp), năm 1929. © RFI / Tiếng Việt

Ngay sau khi nhà nguyện bị quân Cờ Đen thiêu rụi, giám mục Puginier quyết định xây nhà thờ lớn. Vị trí được chọn chính là chùa Báo Thiên. Công sứ Pháp tại Hà Nội lúc đó là Raymond Bonnal cho biết là dùng thủ thuật để tránh mang tiếng "lạm quyền" mà vẫn thỏa mãn ý nguyện của giám mục.

"Phá ngôi chùa và chiếm mảnh đất, nhìn bề ngoài thì chẳng có gì dễ hơn vào thời kỳ "chinh phục" lúc đó, nhưng tôi lại ghê sợ phạm lỗi lạm quyền theo kiểu đó nên tôi hỏi ý kiến tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Tổng đốc có quan hệ tốt với giám mục và giống như tôi, tổng đốc cũng muốn giám mục thoải mái. Và đây là cách ông ấy đã xoay chuyển khó khăn.

Trước tiên, tổng đốc tìm xem còn hậu duệ nào của người lập chùa hay không và dĩ nhiên là không tìm thấy. Sau đó, tổng đốc ra lệnh cho thân hào trong khu vực, được giáo dân chọn ngẫu nhiên, kiểm tra độ vững chắc của chùa. Và những người này không chần chừ tuyên bố rằng chùa bị hư hỏng nghiêm trọng, khi đổ, có thể gây nguy hiểm cho người qua lại.

Giờ thì mọi chuyện đều theo đúng quy định. Cho phá chùa, trưng dụng mảnh đất vô chủ để xây công trình mới, theo tập quán An Nam, là những biện pháp được làm theo đúng luật nên không thể gây ra bất kỳ phản đối nào. Đó là cách tổng đốc đã làm. Tổng đốc còn chịu trách nhiệm nhượng miễn phí cho Hội Thừa Sai mảnh đất trưng dụng. Còn tôi thì hài lòng khi trao cho giám mục giấy chứng nhận sở hữu".

Mở xổ số quyên góp xây nhà thờ

Xây nhà thờ lớn là một quyết định táo bạo vì lúc đó, phần lớn giáo dân khánh kiệt, còn ngân sách của Hội Thừa Sai cũng gần như đã rỗng. Nhưng cuối cùng công trường cũng được khởi công vào đầu năm 1884, nhờ mở sổ xố gây quỹ. Đợt đầu có 10.000 vé, mỗi vé trị giá một đồng bạc Đông Dương (piastre), theo nghị định ngày 28/01/1884 của đô đốc Courbet (Bulletin officiel du Protectorat du Tonkin, 1884). Đợt hai quyên được 6.000 đồng bạc Đông Dương theo quyết định của ngày 14/08/1886 của thống sứ Bắc Kỳ Paul Bert (Moniteur du Protectorat, 1886). Phần còn lại do tư nhân đóng góp và từ các nguồn tài trợ khác. Sách Từ điển Đường phố Hà Nội cho rằng tổng chi phí xây Nhà Thờ Lớn lên đến 200.000 francs.

Trong bốn năm thi công (1884-1887), một ngôi nhà nhỏ được dựng tạm để cử hành thánh lễ. Lễ Giáng Sinh năm 1884 được bác sĩ Challan de Belval, thuật lại trong cuốn Ở Bắc Kỳ, 1884-1885 : Ghi chép, kỉ niệm và cảm nhận (Au Tonkin, 1884-1885 : Notes, souvenir et impressions, Paris, 1904) :

"Buổi lễ được giám mục Puginier cử hành long trọng và có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan và quân nhân đang đóng ở Hà Nội tham dự. Ngôi nhà tranh đơn sơ, được dựng tạm trong lúc chờ xây xong nhà thờ lớn vừa mới được khởi công, cho phép cử hành thánh lễ, gợi nhớ đến túp lều giản dị nơi chúa hài đồng chào đời. Rất giản dị ! Ở đây, tiếng trống, tiếng cồng thay cho tiếng chuông truyền thống, tiếng sáo Bắc Kỳ gợi nhớ đến những người chăn cừu ở Bethlehem và những vị tướng của chúng ta tưởng nhớ đến Ba Vua".

Công trình lớn nhất Hà Nội đương thời

Năm 1888, nhà thờ được hoàn thiện với hai ngọn tháp sừng sững cao 31 mét và trở thành công trình lớn nhất Hà Nội. Nhưng buổi thánh lễ đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 23/12/1887. Công trình nổi tiếng đến tận Paris, theo thông tin của báo Le Temps được Le Dimanche illustré : Semaine religieuse de Toulouse (Chủ nhật bằng tranh : Tuần lễ tôn giáo Toulouse) trích dẫn :

"Ngôi nhà thờ đẹp được xây ở Hà Nội theo thiết kế và dưới sự giám sát thi công của giám mục Puginier, đã khánh thành ngày 23/12 (1887). Vì muốn khẳng định tình cảm gắn bó với nước Pháp, giám mục Puginier báo với chính quyền là ngài muốn buổi lễ đầu tiên dành tưởng niệm những người đã mất và bị thương cả phía Pháp lẫn người bản xứ trong cuộc chiến vì sự nghiệp của chúng ta (Pháp). Tướng Munier vắng mặt vì đi Hải Ninh. Bộ chỉ huy cùng với các sĩ quan có mặt ở Hà Nội và rất nhiều kiều dân Pháp đã tham dự buổi lễ.

Buổi lễ lúc nửa đêm đã thu hút rất đông người Pháp và Việt. Sau bài giảng bằng tiếng Việt của phó giám mục - linh mục Gendron - một nhà Hán học uyên bác và biết rõ tiếng Việt và tiếng Hoa, buổi lễ được tổ chức trong tiếng ca, tiếng đàn organ, violoncelle và tiếng vĩ cầm".

nhatho2

Nhà Thờ Lớn Hà Nội đầu thế kỷ XX. Ảnh trích trong sách Notices sur l'Indo-Chine, Cochinchine, Cambodge, Annam, Tonkin, Laos, Kouang-Tchéou-Ouan của Nicolas Pierre xuất bản tại Paris năm 1900.  © RFI / Tiếng Việt / BNF

Được thiết kế theo phong cách gothic của Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), Nhà Thờ Lớn Hà Nội gây ấn tượng về vẻ đồ sộ, trầm mặc ở bên ngoài và nét nguy nga ở bên trong dù những họa tiết đặc trưng của kiến trúc gothic đã bị tối giản và kết hợp với phong cách địa phương.

Cựu công sứ Pháp ở Hà Nội (1883-1884) Raymond Bonnal đánh giá : "Nhà thờ không phải là một kiệt tác về kiến trúc nhưng về mặt chính trị, đó là một trong những công trình đáng chú ý của thành phố và gợi lại cho chúng ta thời Trung Cổ, thời kỳ mà nhiều nhà thờ được xây từ những nguồn kinh phí nhỏ, từ đống tro tàn vì chiến tranh và hỏa hoạn".

Những quả chuông trăm tuổi

Vào năm 1895, Nhà Thờ Lớn đặt mua 5 quả chuông và 1 đồng hồ lớn từ Pháp. Phủ thống sứ Bắc Kỳ ủng hộ 500 đồng bạc Đông Dương, thông qua bà Custine, theo nghị định ngày 30/09/1895 của toàn quyền Đông Dương (Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, 1895). Gần một năm sau, báo Extrême-Orient (Viễn Đông) viết trong số ra ngày 05/04/1896 : 

"Sáng hôm qua (04/04/1896), lần đầu tiên, những quả chuông ở nhà thờ lớn đã ngân vang những tiếng đầu tiên. Chúng ta đã nghe thấy những tiếng chuông này vào ngày lễ "rửa tội" cho những quả chuông đó, sau đó, chúng được đưa qua 5 tầng tháp để đặt trên tháp.

Tối hôm qua, những tiếng chuông đã ngân vang. Tai của chúng ta vừa thấy vui vừa ngạc nhiên nhận ra tiếng vang thân quen, vì những quả chuông đó y chang với những quả chuông mà chúng ta vẫn nghe thấy ở Pháp. Vì thế hãy cùng nhân đôi niềm vui vì những của chuông này là một phần trong chúng ta. Và mỗi lần vang lên, tiếng chuông nhắc lại những việc mà chúng ta đã làm, trong khả năng của mỗi người, để có được những quả chuông này".

nhatho3

Nhà Thờ Lớn Hà Nội chụp ngày 28/11/1941. © AP - MJH

Những quả chuông vẫn ngân vang ở Nhà Thờ Lớn nhưng được dùng động cơ để kéo. Linh mục Giuse Trần Mạnh Phong, khi trả lời đài truyền hình Hà Nội (07/2020), cho biết để kéo được quả chuông lớn nhất (thường chỉ dùng khi có đại lễ), cần có sức của 12 đến 16 người cùng một lúc. Những bộ khung gỗ vẫn còn đó, vững chắc để bảo vệ tháp khi chuông ngân lên và để tiếng chuông vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 28/12/202

(1) Hanoi chrétien 5 (Suite) , Hanoi de 1868 à nos jours. I 1863-1892 Mgr Puginier, évêque de Mauricastre.

Quay lại trang chủ
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)