Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/02/2021

Tài tử Kiều Chinh, Báo Tuyết và sự nghiệp điện ảnh để đời

Lê Hồng Lâm

Liên hoan phim Thế giới Châu Á (The Asian World Film Festival) tại Mỹ vừa thông báo, nữ diễn viên huyền thoại người Mỹ gốc Việt Kiều Chinh sẽ được vinh danh với giải thưởng cao quý nhất tại LHP : Giải thành tựu trọn đời có tên là Snow Leopard (Báo Tuyết) tại Lễ Gala Đêm bế mạc vào ngày 15/3 tới.

kieuchinh1

Giải thành tựu trọn đời có tên là Snow Leopard (Báo Tuyết) trong Liên hoan phim Thế giới Châu Á (The Asian World Film Festival) tại Mỹ

Kiều Chinh được biết nhiều nhất tại Mỹ với vai chính trong bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) và bộ phim về cuộc sống của người Việt tại Mỹ sau chiến tranh có tên là Journey of the Fall, cũng như các thành tựu về hoạt động nhân đạo và từ thiện của bà. Nhưng trước 1975, bà đã có một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy tại Sài Gòn với nhiều bộ phim đáng nhớ.

Nhân cột mốc đặc biệt này, chúng tôi muốn điểm lại sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn 6 thập niên của nữ nghệ sĩ tài danh này, từ Hà Nội, Sài Gòn, Hollywood đến "cõi tôi" của Kiều Chinh.

Từ Hà Nội đến Sài Gòn

Kiều Chinh vừa kỷ niệm 60 năm hoạt động điện ảnh vào năm 2017, tính từ bộ phim đầu tiên mà bà bước vào điện ảnh là Hồi chuông Thiên Mụ (1957).

Nhưng sự nghiệp của bà vẫn chưa dừng lại ở đó. Người phụ nữ 84 tuổi đầy mẫn tuệ này vẫn lái xe đi về từ ngôi nhà của bà trên đường Huntington Beach (Orange County) đến Los Angeles để làm việc, vẫn hoạt động trong Nghiệp đoàn diễn viên của Hollywood, tham gia chấm phim tại các LHP quốc tế và vẫn nhận lời đóng các bộ phim của các đạo diễn trẻ người Mỹ gốc Việt.

Để phục vụ cho dự án khảo cứu điện ảnh Sài Gòn trước 1975, chúng tôi đã liên hệ và được bà nhận lời phỏng vấn. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Kiều Chinh diễn ra tại ngôi nhà của bà trên đường Huntington Beach.

Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại căn nhà riêng của bà.

Tiếp chúng tôi là một Kiều Chinh đầy lịch thiệp trong bộ áo dài màu vàng hoàng yến. Bà chuẩn bị bữa sáng với trà, cà phê theo đúng kiểu người Việt và một ít trái cây, bánh ngọt.

Vì buổi phỏng vấn có ghi hình nên Kiều Chinh chuẩn bị rất chu đáo, từ vẻ ngoài của mình cho đến địa điểm phỏng vấn trong căn phòng làm việc mà bà gọi là "office tại gia", nơi bà trưng bày những kỷ niệm, những thành tích, những bức ảnh trong các bộ phim lưu dấu ấn hơn 60 năm hoạt động điện ảnh của bà.

Và suốt 5 tiếng đồng hồ sau đó, xuyên qua cả buổi trưa, Kiều Chinh say sưa chia sẻ với chúng tôi về hành trình điện ảnh của mình. Một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu đưa bà đi từ Hà Nội vào đến Sài Gòn và sang Hollywood. Nhưng bất cứ ở đâu, Kiều Chinh vẫn có một "cõi tôi" để bà ẩn mình vào đó.

Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Trinh, sinh năm 1937 tại Hà Nội. Bà là con cháu dòng dõi làng Mộc ở Cự Lộc, Hà Đông (Hà Nội ngày nay). Ông nội của Kiều Chinh là cụ Phán Phan, là một điền chủ, chỉ có một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Cửu, là bố của bà.

kieuchinh02

Bà Kiều Chinh tại Hoa Kỳ

Sau này ông nội bà mất đi thì gia đình bà chuyển đến Kim Mã, nơi có một gia trang do chính tay bố bà xây dựng.

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến năm 17 tuổi, Kiều Chinh sống với bố và anh chị ở gia trang đó và bà nói đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời bà.

Mẹ Kiều Chinh mất sớm từ thời Đệ Nhị thế chiến do trúng bom của giặc Pháp. Lúc đó Kiều Chinh còn rất bé nên không có nhiều ký ức về mẹ, nhưng rất gần với bố.

Trong suốt những năm tuổi thơ ấy, bà được bố cho học tiếng Anh, tiếng Pháp, học đàn piano và thường dẫn đi xem những buổi chiếu bóng ở Hà Nội. Đó là những ký ức đẹp và trang bị cho bà một kiến thức nền tảng để đưa bà vào con đường nghệ thuật sau này.

Kiều Chinh sống với bố cho đến năm 1954, khi đất nước chia đôi sau hiệp định Genève thì bà di cư vào miền Nam, còn bố bà ở lại để tìm người anh trai. Đó là một cuộc chia tay không có ngày gặp lại.

Bố mẹ Kiều Chinh có ba người con.

Anh cả, người chị thứ nhì và Kiều Chinh là con gái út. Chị bà lúc ấy đã lấy chồng và theo chồng sang Pháp định cư. Bố và anh trai ở lại miền Bắc. Chỉ có bà vào miền Nam. Hai năm sau Kiều Chinh lập gia đình ở tuổi 18 với con trai của một người bạn với bố bà.

Vào miền Nam, do tình cờ mà Kiều Chinh trở thành một diễn viên điện ảnh. Đáng lẽ sự nghiệp của bà bắt đầu từ bộ phim The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng - 1957), khi đoàn làm phim của đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz qua Sài Gòn để tìm diễn viên chính cho bộ phim của ông.

Vị đạo diễn quyền lực muốn tìm kiếm một cô gái Việt Nam để đóng vai nữ chính, nhân vật Phượng ở trong cuốn tiểu thuyết gốc của Graham Greene và đáng lẽ Kiều Chinh bắt đầu sự nghiệp từ vai diễn đó, nhưng một nguyên do khiến nó không thành.

Kiều Chinh kể lại :

"Gia đình tôi theo đạo Phật, nhưng học tập trong một trường dòng nên tôi là một con chiên ngoan đạo, tập hát thánh ca, Chủ Nhật nào cũng đi nhà thờ. Có một ngày Chủ Nhật, tôi ở nhà thờ Đức Bà đi ra trên con đường Catinat. Tôi bước tới nhà hàng Girval, bên kia đường là khách sạn Continental. Lúc đó có một người Mỹ từ khách sạn Continental băng qua đường và vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại và tưởng là một anh lính Mỹ đang trêu ghẹo mình. Tôi nhìn anh ta một cách thản nhiên. Anh ta hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi nhún vai không trả lời".

"Anh ta có vẻ nhận ra sự đường đột của mình và xin lỗi tôi rồi nói rằng, chúng tôi là một nhóm làm phim, đang đến Sài Gòn để tìm một cô gái Việt có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp để đóng vai chính trong cuốn phim về đề tài Việt Nam. Chúng tôi ngồi ở Continental nhìn thấy cô từ rất xa và thấy dáng của cô rất phù hợp với nhân vật mà chúng tôi đang tìm kiếm".

"Lúc đó tôi mới cởi mở và trò chuyện với anh ta và gặp ông đạo diễn, một tên tuổi lớn mà lúc đó tôi không hề biết. Sau đó ông ta đưa cho tôi cuốn kịch bản và yêu cầu về nhà đọc. Và buổi chiều hôm sau quay trở lại để thử vai diễn".

Lúc đó Kiều Chinh mới lập gia đình được vài tháng. Người chồng của bà đang đi du học bên Mỹ.

Với phong tục phép tắc trong một gia đình truyền thống gốc Bắc, trước khi làm điều gì Kiều Chinh cũng đều phải xin phép bố mẹ chồng. Hai cụ có vẻ rất ngạc nhiên khi nghe bà nói có một đoàn làm phim Mỹ mời bà đóng phim, vì lúc đó điện ảnh là một khái niệm khá mới mẻ.

Nhưng khi nghe bà mô tả nhân vật là một cô gái Việt, làm gái nhảy trong vũ trường, hết cặp với một nhà báo lớn tuổi người Anh đến một chàng điệp viên trẻ tuổi người Mỹ thì cụ bà gạt phắt đi không đồng ý vì cho rằng đó không phải là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam đã có gia đình.

Trước sự phản đối của bố mẹ chồng, hôm sau Kiều Chinh đành quay trở lại gặp ông đạo diễn Joseph L. Mankiewicz và nói rằng bà không thể nhận vai diễn này.

Ông ta tỏ vẻ kinh ngạc và nói rằng cô có biết đây là một cơ hội lớn đối với cả một ngôi sao Hollywood hay không ?

kieuchinh03

Diễn viên Kiều Chinh thời trẻ

Bà nói rằng bà không giải thích được vì đây là chuyện phong tục văn hóa và truyền thống gia đình. Hai tuần sau, họ tìm được một nữ diễn viên người Ý tên là Giorgia Moll đóng vai Phượng, nhưng đạo diễn vẫn có nhã ý mời bà đến dự buổi ‘opening party’ để đón chào tất cả các tài tử đến Việt Nam quay phim.

Sau đó, Joseph mời Kiều Chinh đóng một vai khách mời, trong đó có cảnh ông nhà báo người Anh đi tìm Phượng trong một ngôi chùa ở Chợ Lớn và nhầm với một cô gái khác. Đạo diễn muốn mời Kiều Chinh đóng vai cô gái có nhân dáng giống Phượng.

Đó là cơ duyên đầu tiên của Kiều Chinh với điện ảnh. Hình ảnh bà xuất hiện trong bộ phim giống như cảnh ngoài đời khi anh chàng casting director vỗ vai bà trên đường phố Catinat vậy.

Thời gian sinh hoạt với đoàn làm phim, Kiều Chinh gặp một số người Việt Nam tham gia với tư cách là cố vấn, trợ lý sản xuất hoặc trợ lý đạo diễn là ông Bùi Diễm, ông là chủ nhân của hãng phim Tân Việt và đạo diễn Lê Dân, diễn viên Lê Quỳnh…

Ông Bùi Diễm hiểu được câu chuyện của bà và có vẻ tiếc nuối cho một cơ hội lớn mà bà vuột mất.

Ít lâu sau khi kết thúc phần quay Người Mỹ trầm lặng, hãng phim Tân Việt bắt tay làm bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ.

Nhà sản xuất Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân quyết định mời Kiều Chinh, một gương mặt hoàn toàn mới mẻ với khán giả đóng vai chính trong bộ phim, bên cạnh tài tử Lê Quỳnh, cũng là một người gốc Hà Nội nổi lên nhờ bộ phim Chúng tôi muốn sống.

Biết được câu chuyện gia đình nhà chồng bà rất khó khăn nên thay vì trực tiếp mời Kiều Chinh, họ đến tận nhà để xin phép bà mẹ chồng cho bà đóng phim.

Bà cụ có vẻ ngạc nhiên vì không biết tại sao cô con dâu mới về nhà chồng được hết đoàn phim này đến đoàn phim khác mời.

Nhưng khác lần trước, khi biết lần này Kiều Chinh đóng là một ni sư sống ở chùa Thiên Mụ thì bà cụ mừng lắm và đồng ý lập tức vì cụ cũng là một người theo đạo Phật. Đó là vai chính đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh.

Bộ phim được quay hơn một tháng trời ở Huế.

"Lúc đó tôi còn ngây thơ chưa biết gì nhiều về đóng phim nhưng rất yêu thích điện ảnh vì trong giai đoạn sống cùng bố ở Hà Nội, cuối tuần nào bố cũng dắt tôi đi coi cine. Bố tôi là dân học trường Bưởi ra và rất giỏi tiếng Pháp. Thời đó phim lại chạy phụ đề tiếng Pháp nên bố xem rất nhiều và hay trò chuyện với con cái về phim ảnh".

"Không bao giờ tôi nghĩ mình trở thành tài tử điện ảnh cả vì nền điện ảnh Việt lúc đó vẫn còn rất sơ khai. Mộng của tôi lúc đó là trở thành nhạc sĩ nên bố tôi cho tôi đi học piano từ lúc còn bé. Nên khi vào Sài Gòn và bắt đầu theo đoàn làm phim, lại được đóng vai chính, nó giống như một giấc mơ với tôi vậy".

"Lúc đó tôi hãy còn trẻ nên được những anh chị trong đoàn phim rất chiều chuộng, từ ông sản xuất là Bùi Diễm, đạo diễn Lê Dân đến nam tài tử chính là Lê Quỳnh. Tài tử Lê Quỳnh còn là bạn của chồng tôi lúc đó. Cho nên cả đoàn làm phim sống chung với nhau như trong cùng một gia đình vậy. Lúc đó tôi diễn bằng bản năng và cảm xúc là chính vì có được học qua trường lớp điện ảnh gì đâu. Bối cảnh của bộ phim hoàn toàn trong chùa Thiên Mụ, cũng nhìn xuống dòng sông Hương ở đoạn uốn khúc. Thời gian đó tôi hiền lành ít nói lắm nên trong đoàn phim ai cũng yêu quý coi như một đứa em út vậy đó" – Kiều Chinh nhớ lại kỷ niệm đóng vai chính trong bộ phim đầu tay từ 62 năm trước.

kieuchinh04

Tài tử Kiều Chinh và cuộc đời đầy chia ly

Bộ phim không thành công về thương mại do ra đời trong giai đoạn khủng hoảng điện ảnh. Bà cũng không nhớ nhiều về bộ phim đầu tay này do phim âm bản không tìm thấy.

Nhưng bà có một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ với chùa Thiên Mụ. Năm 1995 khi lần đầu tiên bà trở lại Việt Nam sau năm 1975, bà đến thăm chùa Thiên Mụ để hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ của mình. Khi bà đang đứng chụp hình ở bậc tam cấp thì nghe một tiếng nói từ xa, ‘Ôi ai như bà Kiều Chinh kìa’.

Bà ngạc nhiên quay lại thì thấy một ông cụ bán nhang rất già. Bà ngừng chụp hình và hỏi ông : "Tại sao cụ biết tôi ?" Ông cụ đáp : "Tôi biết bà chứ, tôi là người bán nhang tại đây khi bà đóng phim Hồi chuông Thiên Mụ. Tôi vẫn bán nhang từ thời đó tới giờ và vẫn ngồi ở đây. Ngày xưa chúng tôi chỉ dám ngồi xa xa để ngắm bà thôi".

Câu nói của cụ già bán nhang khiến Kiều Chinh nổi da gà và lặng người vì cảm động bởi bộ phim đó đã cách đây hơn 40 năm.

Bà không thể ngờ rằng cuộc đời của mình ba chìm bảy nổi, chu du khắp thế giới rồi quay trở về lại một chốn kỷ niệm xưa lại gặp một ông cụ bán nhang ngồi đó suốt 40 năm và vẫn nhận ra mình.

Ông vẫn làm một công việc duy nhất và sống một cuộc đời giản dị. Đó là điều khiến bà quý vô cùng bộ phim đầu đời của mình, cho dù đó không phải là một bộ phim thành công.

Sau Hồi chuông Thiên Mụ, phải vài năm sau Kiều Chinh mới đóng bộ phim thứ hai là Mưa rừng.

Kỷ niệm đóng bộ phim này cũng rất đáng nhớ đối với bà và Kiều Chinh nói rằng mối duyên của bà với điện ảnh như do trời định sẵn vậy.

Bà nhớ lại, lúc đó, bà đang dắt một đứa cháu của chồng đi chơi ở sở thú thì gặp một người đàn ông chụp lén mình rất nhiều. Về sau bà mới biết ông ta là Thái Thúc Nha, chủ hãng phim Alpha danh tiếng.

Ít lâu sau, cũng giống như ông Bùi Diễm của hãng phim Tân Việt, ông Thái Thúc Nha lại đến gia đình chồng và xin phép bố mẹ chồng cho bà đóng phim tiếp theo.

Lúc đó dù được coi là một tài tử điện ảnh có chút tiếng tăm, nhưng khi trở về nhà chồng, Kiều Chinh là một người con dâu, một người vợ, người mẹ sống cuộc đời bình thường và không dính dáng gì đến cuộc sống của tài tử. Có lẽ vì lý do đó mà bố mẹ chồng có sự tin cậy ở bà. Khi đóng cuốn phim thứ hai thì người chồng du học ở Mỹ đã trở về và cũng vui vẻ cho bà đi đóng phim.

Bộ phim thứ hai cũng để lại cho Kiều Chinh rất nhiều kỷ niệm. Lúc đó hãng phim Alpha của ông Thái Thúc Nha là hãng phim lớn nhất ở Sài Gòn. Ông rất giỏi tiếng Anh tiếng Pháp và hãng phim Alpha cũng có đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại mua từ nước ngoài về.

Lần này bộ phim được quay ở Đà Lạt và bà được đóng chung với Kim Cương – một diễn viên ăn khách nhất tại miền Nam trong những năm đầu, tài tử Hoàng Vĩnh Lộc (lúc ông đang còn là một tài tử), Ngọc Phu, Xuân Phát…

Đó cũng là lần đầu tiên Kiều Chinh được lên Đà Lạt đóng phim. Không khí lãng mạn của thành phố này khiến bà nhớ về Hà Nội và về sau, thành phố này cũng gắn bó với rất nhiều bộ phim khác của bà.

Mưa rừng ra mắt khán giả vào năm 1961 và là một bộ phim thành công về doanh thu. Sự nghiệp của Kiều Chinh sau đó cũng được nối tiếp nhờ mối cơ duyên với những tài tử trong đoàn phim này như Hoàng Vĩnh Lộc, Kim Cương và nhà sản xuất, đạo diễn Thái Thúc Nha.

kieuchinh05

Tài tử Kiều Chinh trong chuyến đi Châu Âu, 10/2018

Trong những năm đầu thập niên 60, do điện ảnh miền Nam gặp khủng hoảng nên bà chỉ đóng một vài phim Việt Nam.

Nhưng nhờ khả năng ngoại ngữ và gương mặt thanh thoát của mình, bà được một số hãng phim lớn của Hollywood mời hợp tác và đóng vai chính trong A Yank in Vietnam (1964) với tài tử kiêm đạo diễn Marshall Thompson và Operation C.I.A (1965) với tài tử Hollywood nổi tiếng là Burt Reynolds. Sau đó nữa là Destination Vietnam (quay tại Philippines) hay The Evil Within (1970), vai một công chúa Ấn Độ…

Đó là những bộ phim ngoại quốc nổi tiếng mà Kiều Chinh đóng với các tài tử từ Hollywood đến Ấn Độ, Philippines trong thập niên 60, đầu 70. Trong các bộ phim này, Kiều Chinh đều được mời đóng vai chính. Thậm chí, vai chính trong bộ phim The Evil Within còn gây ra một phản ứng dữ dội trên báo chí Ấn Độ vì để một nữ diễn viên ngoại quốc đóng vai một nàng công chúa của nước này.

Nhờ danh tiếng lên cao, Kiều Chinh liên tục được ông Thái Thúc Nha của hãng phim Alpha cử đi tham gia các kỳ đại hội điện ảnh Á Châu diễn ra tại Đài Loan hay Tokyo (Nhật Bản).

Năm 1967, bà cùng Lê Quỳnh đến LHP Berlin để tham dự đại hội điện ảnh lớn nhất Tây Đức và là một trong những LHP quốc tế lớn nhất thế giới.

Sau hãng Alpha film của Thái Thúc Nha, Kiều Chinh có cơ hội làm việc với hãng Mỹ Vân trong bộ phim Từ Sài Gòn tới Điện Biên Phủ, với dàn diễn viên nổi tiếng như Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Thẩm Thúy Hằng…

Trong giai đoạn hoạt động điện ảnh ở Sài Gòn gần hai thập niên, Kiều Chinh được làm việc chung với hầu hết các diễn viên nổi tiếng thời đó.

Đến năm 1970, khi nền điện ảnh miền Nam bắt đầu phát triển trở lại và thu hút được khán giả đến rạp chiếu, Kiều Chinh quyết định thành lập hãng phim riêng và lấy tên là Giao Chỉ.

Lý giải về tên của hãng phim, Kiều Chinh nói rằng bà muốn lấy một cái tên gì đó nói về gốc tích, nguồn cội của người Việt Nam. Dấu hiệu nhận diện của hãng phim Giao Chỉ là hai ngón chân cái tõe ra để phân biệt với bàn chân "gót sen ba tấc" của người Tàu.

Lúc đó Kiều Chinh và đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc rất thân nhau, cùng chí hướng và muốn làm một cuốn phim phải khác biệt. Đó là lý do cho bộ phim Người tình không chân dung ra đời. Kiều Chinh đóng vai chính và giữ vai trò sản xuất, còn Hoàng Vĩnh Lộc vừa viết kịch bản, đạo diễn.

Người tình không chân dung là một bộ phim màu về đề tài phản chiến với một kịch bản khác thường, không đi theo xu hướng của điện ảnh miền Nam đương thời.

Đó cũng là bộ phim khiến Kiều Chinh hài lòng nhất trong suốt sự nghiệp điện ảnh của bà tại miền Nam Việt Nam. Khi mang đi dự thi tại đại hội điện ảnh Á Châu tổ chức tại Đài Loan năm 1973, nó trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên đoạt hai giải thưởng là Phim chiến tranh hay nhất và Nữ diễn viên chính (drama) hay nhất.

"Tôi rất yêu quý và kính trọng Hoàng Vĩnh Lộc về mặt nghề nghiệp. Tôi nghĩ ông là một người nghệ sĩ thực sự. Chúng tôi quý nhau như anh em trong một gia đình vậy. Có lần Hoàng Vĩnh Lộc còn nói với tôi rằng, nếu tôi chết trước anh thì anh sẽ bảo các con thờ Chinh như một người mẹ vậy. Anh Minh Trường Sơn cũng vậy, các con anh đều gọi tôi là mẹ Chinh. Tôi quý cuộc đời sự nghiệp điện ảnh của tôi lắm, vì nó không chỉ cho tôi một gia đình mà cả một đại gia đình. Tôi chỉ tiếc do hoàn cảnh của đất nước mà những ước vọng sau đó của chúng tôi không thành. Tôi và Hoàng Vĩnh Lộc có những dự tính lớn về các bộ phim tiếp theo nhưng không thành" – Kiều Chinh hồi tưởng lại những năm tháng ấy.

Trở lại với Người tình không chân dung. Khi mới ra, phim bị cấm chiếu gần một năm trời vì tính phản chiến và có những cảnh mô tả sự tàn khốc của chiến tranh, có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người lính ngoài chiến trận. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc và Kiều Chinh phải kêu cứu nhiều nơi vì cái "án oan" này.

Bộ phim được chiếu trong Dinh Độc lập cho tổng thống xem và quyết định cho tất cả các vị Bộ trưởng cùng rồi bỏ phiếu thăm. Sau đó, phim được chiếu một lần nữa tại Trung tâm điện ảnh cho 21 vị bộ trưởng xem.

Cuối cùng Người tình không chân dung nhận được 20 phiếu thuận và chỉ có một phiếu chống. Lý do của phiếu chống đó cho rằng bộ phim cổ xúy cho một cuộc chiến bẩn thỉu.

Kiều Chinh đáp lại lại rằng, có cuộc chiến nào mà không bẩn thỉu hay không ? Lẽ dĩ nhiên là với số phiếu thuận áp đảo, Người tình không chân dung được phát hành rộng rãi.

Nhà sản xuất kiêm diễn viên chính Kiều Chinh và biên kịch, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc mừng hơn cả vì bộ phim không chỉ ngốn rất nhiều tiền bạc mà còn công sức và tâm huyết muốn làm một bộ phim vừa mang hơi thở thời cuộc và mang tính nghệ thuật thực sự.

Để bộ phim được ra mắt ở những rạp chiếu xứng đáng, Kiều Chinh phải thân chinh đến gặp chủ rạp Rex là bà Ưng Thi để hợp tác chiếu.

Bà Ưng Thi tỏ vẻ ngần ngại và trả lời rằng rạp Rex chỉ chiếu phim Mỹ thôi chứ chưa chiếu phim Việt Nam. Tuy nhiên, vì tiếng tăm của bộ phim, bà đồng ý kí hợp đồng chiếu trong một tuần lễ, nhưng có nói thêm nếu buổi chiếu thứ 3 mà vắng vì bà sẽ đơn phương ngưng hợp đồng.

Kiều Chinh chấp nhận ký hợp đồng chiếu một tuần lễ. Bộ phim có buổi chiếu đầu tiên rất thành công. Và suốt cả tuần lễ, bộ phim vẫn thu hút rất đông khán giả đến xem. Bà Ưng Thi đề nghị chiếu cuốn phim sang tuần lễ thứ 2 và nói rằng chỉ có vài bộ phim Mỹ nổi tiếng chiếu ở Rex ở tuần thứ 2 như Doctor Zhivago hay Romeo & Juliet… Đây là cuốn phim Việt Nam đầu tiên chiếu ở Rex và cuốn phim thứ 4 trong tất cả các bộ phim chiếu ở Rex sang tuần lễ thứ 2.

Số vốn hãng phim Giao Chỉ bỏ ra cho Người tình không chân dung khoảng 15 triệu tiền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, và số thu trong hai tuần lễ đầu đã lên đến 45 triệu.

Kiều Chinh nói với đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc rằng bà chỉ nhận lại số tiền vốn, còn tiền lời thì đầu tư để tiếp tục làm thêm hai phim nữa. "Ngay lập tức chúng tôi lên kế hoạch làm hai cuốn phim tiếp theo với những kịch bản mà tôi thích từ lâu rồi là…", Kiều Chinh kể.

Lúc đó Hoàng Vĩnh Lộc là người của Trung tâm Điện ảnh, muốn ra ngoài để làm việc với tư nhân cũng không hề đơn giản.

Sau Người tình không chân dung, ông buộc phải làm tiếp một vài cuốn phim cho Trung tâm Điện ảnh mới được phép làm tiếp cho tư nhân. Đó là lý do mà bà và Hoàng Vĩnh Lộc chưa kịp làm tiếp các dự án tiếp theo thì Sài Gòn sụp đổ sau sự kiện 30/4.

Trong khi chờ đợi cộng tác với Hoàng Vĩnh Lộc thì cũng là thời gian Kiều Chinh gặp một nhân duyên điện ảnh khác, một vai diễn khiến bà nhớ mãi đến bây giờ. Đó là dự án phim Hè muộn mà hãng phim Giao Chỉ của Kiều Chinh hợp tác với một đạo diễn trẻ vừa học điện ảnh từ Pháp trở về là Đặng Trần Thức (em trai của bà Đặng Tuyết Mai).

"Đặng Trần Thức cũng là một người đạo diễn tài năng và có tư chất nghệ sĩ nhất mà tôi từng hợp tác. Nhưng phong cách làm phim của Đặng Trần Thức và Hoàng Vĩnh Lộc hoàn toàn khác nhau. Thức theo trào lưu ‘Làn sóng mới’ đang thịnh hành ở Pháp lúc đó. Hè muộn là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Đặng Trần Thức và cũng là bộ phim thứ 2 của hãng phim Giao Chỉ do tôi sản xuất và đóng vai chính" – Kiều Chinh bồi hồi nhớ lại.

Đặng Trần Thức có lối kể chuyện rất khác lạ, không bám theo kịch bản phân cảnh. Buổi tối hôm trước ông nghĩ ra cái gì thì hôm sau quay cái đó, rất ngẫu hứng.

Câu chuyện của Hè muộn kể về một ông họa sĩ lớn tuổi có một cô vợ trẻ (Kiều Chinh đóng). Về sau, ông họa sĩ đó có một người cháu học từ Pháp mới trở về (Nguyễn Tất Đạt đóng). Cậu ta ở trọ nhà ông chú và dần dần yêu người vợ của chú. Bà vợ trẻ cũng dành tình cảm cho cậu, nhưng cả hai vẫn giữ khoảng cách và không dám vượt qua lễ giáo. Cảnh cuối cùng của bộ phim quay hình ảnh người phụ nữ bước vào đám khói của cơn cháy rừng theo người chồng đã chết, nhưng tâm trạng của cô ta vẫn dành cho người tình trẻ. Cảnh phim không có thoại mà chỉ có một đoạn độc thoại nội tâm mô tả tâm trạng của cô.

Sau hơn 40 năm đã trôi qua, khi hồi tưởng lại quá trình quay bộ phim Hè muộn, Kiều Chinh vẫn nhớ như in đoạn độc thoại nội tâm ở cuối phim và bà diễn lại phân cảnh đó với thần thái của một diễn viên bước vào vai diễn.

Bộ phim Hè muộn không thành công về doanh thu do cách kể chuyện quá mới mẻ và ít kịch tính, nhưng điều đó không ngăn cản cơ duyên điện ảnh giữa Kiều Chinh và Đặng Trần Thức.

Bà trân trọng tài năng của người đạo diễn trẻ nên dự tính hợp tác với ông hai bộ phim nữa, trong đó có dự án Vòng tay học trò (chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng) mà Kiều Chinh đã trực tiếp mua bản quyền từ nhà văn.

Rất tiếc là một lần nữa, dự án tiếp theo của Kiều Chinh và Đặng Trần Thức không thành. Rốt cuộc, những dự án tiếp theo mà Kiều Chinh dự định làm với Hoàng Vĩnh Lộc và Đặng Trần Thức đều không thành.

"Phải nói là tôi rất thương nền điện ảnh miền Nam thời gian đó. Đất nước nhỏ bé, nền điện ảnh phát triển muộn màng, lại còn đối mặt với tình thế chiến tranh triền miên. Đất nước chia đôi, số lượng khán giả cũng bị chia đôi. Thời đó chỉ có những thành phố lớn mới có rạp chiếu bóng hay khán giả trung lưu trở lên mới có tiền đi coi cine. Trong hoàn cảnh đó mà nền điện ảnh miền Nam vẫn làm được nhiều cuốn phim lớn. Đó là điều mà tôi rất cảm phục" – Kiều Chinh bùi ngùi nhớ lại.

Trong những ngày cuối cùng của chế độ miền Nam Cộng Hòa, Kiều Chinh ít khi ở Sài Gòn do bà phải đi đóng phim ở các quốc gia Châu Á.

Ngày 30/4/1975, bà còn quay những cảnh cuối cùng của bộ phim The full house rồi mới lên máy bay về Sài Gòn thì được tin Sài Gòn đã sụp đổ.

Bà lên một chuyến bay khác để quay lại Singapore nhưng lúc này hộ chiếu của bà đã không còn được thừa nhận do thuộc về một quốc gia không còn tồn tại trên thế giới.

Vì lý do đó mà Kiều Chinh, từ một tài tử điện ảnh vang danh trước đó và xuất hiện trên một trang bìa của tờ tạp chí tại Singapore phải ngồi tù.

Nhờ tên tuổi và mối quan hệ ngoại giao, bà được ra tù, nhưng chính quyền Singapore không chấp nhận cho bà tị nạn.

Trong vòng 24 giờ tiếp theo, Kiều Chinh phải lên một chuyến bay khác để rời khỏi đất nước láng giềng. Và quốc gia đầu tiên bà đáp máy bay xuống, chấp nhận cho Kiều Chinh tị nạn là đất nước Canada ở bên kia bán cầu.

Từ người dọn chuồng gà đến ngôi sao ở Hollywood

Từ vị trí của một ngôi sao điện ảnh, xuất hiện trong hàng chục bộ phim hợp tác với quốc tế, Kiều Chinh trở thành một người tị nạn tay trắng và bắt đầu lại từ đầu. Bà phải đi dọn chuồng gà để kiếm 2 đô la một giờ.

May mắn sau đó, bà được nữ diễn viên Hollywood quen biết trước đó bảo lãnh sang Mỹ và giúp đỡ Kiều Chinh từng bước gia nhập vào Hollywood.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nhờ miệt mài đi casting và tham gia đóng những vai nhỏ nhất, Kiều Chinh đã được Hollywood chấp nhận.

kieuchinh06

Diễn viên Kiều Chinh và anh trai gặp lại nhau lần đầu tiên vào năm 1995, khi bà được quay trở lại Việt Nam

Dần dần bà xuất hiện trong những bộ phim lớn như M*A*S*H (1977), một series truyền hình cực kỳ ăn khách của hãng CBS hay đóng vai chính trong bộ phim điện ảnh The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội, 1991).

Đến nay, Kiều Chinh đã xuất hiện trong hàng chục bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình của Mỹ, từ vai chính cho đến những vai phụ thoáng qua.

"Sang Mỹ làm phim, tôi cũng có được sự may mắn khi vào được hệ thống của Hollywood. Từ đó đến nay tôi vẫn tiếp tục làm việc, được gia nhập Hiệp hội diễn viên Mỹ và làm giám khảo chấm thi nhiều Liên hoan phim tại Mỹ. Nói như vậy không có nghĩa là tôi hài lòng. Vì đóng những phim của Hollywood, dù lớn như M*A*S*H hay The Joy Luck Club… nhưng không có những kịch bản, những nhân vật làm tôi say mê. Thậm chí có những vai phụ thoáng qua màn ảnh, tôi cũng phải đóng. Vì mỗi khi đã vào Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG), tôi phải làm việc liên tục trong suốt 15 năm mà không được ngừng thì mới tiếp tục được ở lại Hiệp hội và hưởng được những lợi ích của họ", Kiều Chinh lý giải về sự làm việc không ngưng nghỉ của mình suốt hơn 40 năm qua tại Hollywood.

Nhà văn Mai Thảo có nhận xét về bà rằng : "Làm tài tử thì dễ lắm, đôi khi chỉ cần nhan sắc và cơ may. Nhưng ở lại với sự nghiệp bao lâu lại là chuyện hoàn toàn khác. Kiều Chinh là một tài tử điện ảnh đích thực vì bà ở lại với điện ảnh trong suốt sự nghiệp của mình".

'Cõi tôi' của Kiều Chinh

Sau khi định cư ở Mỹ, cuộc hôn nhân giữa bà và người chồng Nguyễn Năng Tế đổ vỡ. Từ đó, bà chỉ có một người tình duy nhất là điện ảnh.

"Bản thân tôi có thể trở thành một người đàn bà kinh doanh, hoặc lấy một ông chồng giàu có để dựa vào, nhưng lựa chọn của tôi là diễn viên nên tôi phải đi thử vai từng phim. Nói như nhà văn Mai Thảo, cuộc sống của tôi là một sự lựa chọn. Tôi lựa chọn sự khắc nghiệt đó để tiếp tục đi tới. Hạnh phúc của tôi là đi tới cùng sự nghiệp của tôi", Kiều Chinh nói.

Trong những năm phát triển sự nghiệp ở Mỹ, Kiều Chinh là tài tử duy nhất của điện ảnh miền Nam tiếp tục phát triển được sự nghiệp điện ảnh của mình.

Kiều Chinh nói rằng, điều bà tiếc nuối nhất là nhiều nghệ sĩ tài năng không tiếp tục sự nghiệp điện ảnh của họ như Lê Quỳnh, La Thoại Tân, Đoàn Châu Mậu, Hùng Cường, Túy Hồng, Kim Vui… Họ là những người rất giỏi tiếng Anh, nhưng không thể phát triển sự nghiệp tại Mỹ. Tuy nhiên, đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, mỗi con người.

Ngay cả bản thân bà, dù đóng hàng chục bộ phim của Hollywood, trong đó có những bộ phim lớn và được xem là cột mốc như The Joy Luck Club, bà vẫn không cảm thấy hài lòng. Chưa có vai diễn nào khiến bà thực sự hãnh diện hoặc sung sướng. Chưa có vai diễn nào thử thách bà, hoặc xứng đáng là một bộ phim để đời, cho dù bà vẫn ít nhiều tự hào về Người tình không chân dung, về Hè muộn ở miền Nam trước 75 và The Joy Luck Club ở Hollywood.

"Tôi chỉ mong có một bộ phim lớn nào đó nói về người Việt Nam với tất cả văn hóa, con người, thay vì chỉ nói đến chiến tranh, bởi vì phim chiến tranh đã được Hollywood dựng nhiều quá rồi. Chúng ta cần có kinh phí và những tài năng lớn để làm được những bộ phim mang dấu ấn văn hóa của một đất nước. Tôi mong làm được một cuốn phim mà khi đèn trong rạp chiếu sáng, tôi vẫn thấy được trong tâm khảm của mình vẫn còn cảm giác nôn nao, lưu luyến. Và sự nôn nao đó có thể ở lại suốt cuộc đời của mình, như Dr Zhivago, như The Longest Day, như Casablanca, như Schindler’s List… mà tôi đã từng xem. Tôi vẫn mong điện ảnh Việt Nam có những cuốn phim như thế, để lại cho khán giả từ thế hệ này đến thế hệ khác sự tự hào".

Trong ngôi nhà riêng mà bà sống một mình nhiều năm qua, Kiều Chinh cho chúng tôi xem hình ảnh mới nhất của bà trong bộ phim Recovery của đạo diễn trẻ gốc Việt tên là Scott Trần. Bà luôn ủng hộ đạo diễn trẻ vì họ dám chọn những con đường gai góc và những kịch bản khác lạ.

"Nhân vật của tôi đóng là một bà già mắc bệnh Alzheimer. Bà quên hết hiện tại nhưng vẫn nhớ những câu chuyện trong quá khứ xa xôi. Bà ta chỉ sống với quá khứ ngày xưa, với mối tình thời trẻ. Đứa cháu rất yêu bà và sáng tạo ra một chiếc máy VR để khi đeo vào, bà sống lại những ký ức ngày xưa. Tôi thích những vai diễn khiến tôi khác ngoài đời, thích vì nhân vật chứ không phải vì Kiều Chinh. Tôi muốn có một vai diễn cuối đời là hình ảnh một người đàn bà thật gầy, chỉ có da bọc xương và tôi sẵn sàng cạo trọc đầu cho vai diễn đó. Bộ phim đầu tiên tôi đóng vai một ni sư ở chùa Thiên Mụ và bộ phim cuối đời tôi muốn đóng là vai một thầy tu, nhưng không phải phim về tu hành mà là phim về một người phụ nữ Việt Nam chọn con đường tu hành để hồi ức về quá khứ của đất nước mình", Kiều Chinh nói.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Kiều Chinh kéo dài suốt hơn 5 tiếng đồng hồ. Những câu chuyện nối tiếp nhau, từ ký ức đến hiện tại, từ Hà Nội, Sài Gòn đến Hollywood và cả những ước mơ dang dở.

Trong suốt 5 tiếng đồng hồ đó, người phụ nữ 82 tuổi được xem là một biểu tượng và niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn say sưa nói về điện ảnh, về văn hóa Việt.

kieuchinh07

Diễn viên Kiều Chinh và bè bạn (hình tư liệu)

Bận rộn với công việc đóng phim, thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Mỹ, Kiều Chinh nói rằng nơi bà yêu thích nhất không phải là trường quay hay những sự kiện phù hoa của Hollywood mà là ngôi nhà của bà.

"Thế giới của tôi là ngôi nhà của tôi. Tôi cần không khí mà mình thuộc về. Đó là cõi tôi", bà nói.

Trong ngôi nhà của mình, bà treo những bức tranh của các họa sĩ vẽ tặng, những tấm poster phim lớn mà bà từng đóng, những bức hình với các tài tử Việt Nam và Hollywood vì bà muốn nhìn thấy tất cả những kỷ niệm bên cạnh mình. Kiều Chinh đã đi làm việc và du lịch vòng quanh thế giới trong suốt hơn 60 năm qua, nhưng bà chỉ nhớ nơi nào lưu giữ kỷ niệm của mình. Có lẽ vì vậy mà Kiều Chinh trân trọng những kỷ niệm đến vậy.

Trong hơn 40 năm sống tại Mỹ, dù sống qua nhiều ngôi nhà khác nhau, nhưng ở bất cứ ngôi nhà nào, bà cũng để dành một khoảng đất trống để tự tay thiết kế một khu vườn cho riêng mình.

Trong vườn, bà luôn trồng một cây liễu. Với bà, cây liễu là hình ảnh mang tính biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam vì sự mềm mại và dịu dàng của nó.

Trong khu vườn của mình, bà xây một chiếc am nhỏ với những bức tượng Phật. Kiều Chinh nói rằng hai nơi bà thích nhất trong ngôi nhà của mình là phòng làm việc, nơi bà vẫn say mê xem phim mỗi ngày và khu vườn nhỏ, nơi bà vẫn dành thời gian buổi sáng để thiền trước giờ bắt tay vào một ngày mới.

Đó là một người phụ nữ Việt Nam từ trong cốt cách mà tôi biết, cho dù bà đã rời khỏi Việt Nam từ gần nửa thế kỷ trước.

Phóng vấn nữ diễn viên Kiều Chinh tại gia do Asia on Film thực hiện ngày 15/01/2021 – English version – Courtesy of Kieu Chinh Official Channel

Lê Hồng Lâm

Nguồn : BBC,24/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Lâm
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)