Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

22/03/2021

Nguyễn Huy Thiệp : ảo giác của những nhà văn nhược tiểu

Nhiều tác giả

Nguyễn Huy Thiệp, bi kịch của một nhà văn nhược tiểu

Nguyễn Hưng Quốc, 22/03/2021

Thứ Bảy, 16 tháng 2 năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp gửi tôi email như sau :

"Anh Tuấn quý mến,

"Tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Vẫn còn nhớ lần nào anh về, ta cùng đi chơi chùa Bút Tháp, đi Bát Tràng, thế mà thoắt đã gần chục năm trời. Tôi ở Hà Nội, thỉnh thoảng có đọc anh vì Nguyên Hưng đôi khi ghé qua chơi cho sách, thâm tâm cũng có nhiều điều tâm đắc quý trọng. Tết năm nay tôi đi châu Âu, qua Ý để nhận giải thưởng văn học Nonino, gặp gỡ được nhiều người trong giới xuất bản và viết lách mới mở mắt học được nhiều điều. Hoá ra trong 20 năm cầm bút viết văn, mình như gà mù chẳng biết gì đường đi lối lại, một phần vì dốt, vì nghèo, vì nhiều thứ nữa…. Tôi mất liên lạc với Greg Lockhart ở Đại học Canberra, 20 năm trời nay không biết gì về ông ấy, anh Tuấn có thể giúp tôi liên lạc lại với Greg Lockhart được không. Được như thế tôi cám ơn nhiều, tôi cần địa chỉ email và muốn trao đổi với ông ấy về việc dịch và xuất bản sách của tôi ở châu Âu và Hoa Kỳ, điều mà chẳng ai có thể làm được có lẽ chỉ ngoài ông ấy. Năm mới xin chúc anh mạnh khoẻ và mong có ngày gặp gỡ".

"Thân mến".

nht1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2018. Ảnh Nhã Nam.

Nhận được email của Thiệp, tôi liên lạc ngay với Greg Lockhart, người đã dịch tuyển tập truyện ngắn của Thiệp, dưới nhan đề "The General Retires and Other Stories" xuất bản năm 1992. Greg có vẻ lạnh nhạt khi biết Thiệp muốn anh tiếp tục dịch các truyện khác. Anh kể tôi nghe, tuyển tập truyện ngắn anh dịch, tuy được Oxford University Press, một tên tuổi lớn, xuất bản, số sách bán được cũng rất ít. Hậu quả là tiền nhuận bút dành cho cả tác giả lẫn dịch giả đều rất thấp. Tôi không hỏi chi tiết là thấp bao nhiêu. Chỉ nghe Greg nhấn mạnh là "thấp". Thấp đến độ, sau đó, đi Hà Nội, gặp Thiệp, anh cho Thiệp luôn cả số tiền trả cho dịch giả. Có vẻ như Thiệp không biết điều đó.

Thời ấy, người Việt còn biết rất ít thế giới bên ngoài. Nhà văn nào cũng tưởng sách dịch của mình sẽ bán được cả triệu bản và số tiền nhuận bút sẽ lên đến hàng triệu đô. Thiệp cũng thế. Khi nhận số tiền ít ỏi, anh ngỡ ngàng. Tệ hơn, theo Greg, dường như anh có ý nghĩ là bị Greg ăn chận. Quan hệ giữa hai người xấu hẳn. Lần sau, Greg đi Việt Nam, Thiệp không muốn gặp. Điều đó để lại trong Greg một nỗi cay đắng khó phai nhạt. Nói chuyện với tôi, Greg không nén được chua chát.

Nghe Greg kể, tôi biết không hy vọng gì là anh sẽ tiếp tục dịch Thiệp. Tôi bèn đề nghị với Thiệp liên lạc với Tôn-Thất Quỳnh Du, người dịch hai cuốn sách của Phạm Thị Hoài (Thiên sứ và Thực đơn chủ nhật), cả hai đều đoạt giải về dịch thuật tại Úc. Mấy ngày sau, tôi nhận được email trả lời của Thiệp :

"Anh Tuấn thân mến,

"Cám ơn anh về việc Quỳnh Du. Tôi đã gặp Quỳnh Du, tôi rất quý mến Du và cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau. Tuy nhiên, giống như đối với anh, đã rất lâu tôi không có liên lạc gì bởi những điều rất lẩm cẩm và… khốn nạn nữa của… "lịch sử" ! Tình hình dịch tôi ra tiếng Anh hiện nay quả là bi đát. Người Việt chúng ta luôn luôn bị đau khổ bởi rất nhiều điều tệ hại, bởi sự ngu dốt và những kỳ thị chính trị. Ngay đến cả những người giỏi nhất cũng luôn luôn sai lầm, ngộ nhận lung tung và thiếu một tinh thần bác ái thực sự với nhau. Ai ai cũng là người khác ! Điều ấy làm phân liệt, làm mất đi sự cộng hưởng trong nhiều công việc của từng cá nhân chứ chưa nói gì đến công việc của cả cộng đồng (tôi thì tôi chả tin vào công việc của bất cứ sự nhân danh cộng đồng nào).

Tôi luôn luôn vấp phải sự đố kỵ đê hèn của nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước. Điều này ngay bản thân anh, tôi chắc anh cũng đã nhiều lần gặp phải và chẳng còn lạ gì. Tôi mới có thư cho Greg Lockhart nói về tình hình dịch sách của tôi. Thực ra trong thư tôi chỉ đề cập đến một vài khía cạnh nhỏ của việc dịch tôi. Tôi cần một người dịch giỏi. Tôi cần một người đại diện xuất bản. Nếu hai người đó là một thì hay. Đấy cũng là một người da trắng nữa (tôi đi ra ngoài và hiểu rằng vẫn có những luật bất thành văn trong nhiều trò chơi công việc).

Tôi cần có những trợ lý trong việc xuất bản, quảng bá tác phẩm và chinh phục các danh hiệu giải thưởng. Ở Ý, tôi gặp V.S. Naipaul, ông ấy bảo tôi rằng : "Thế giới đã an bài, sẽ không có chỗ cho những người không tham dự hoặc tự cho phép mình không muốn tham dự vào cái thế giới ấy…" Trên thực tế, ở tuổi tôi (giống như nhiều người Việt Nam khác) thường cũng chẳng thiết làm việc gì nữa. Chắc tôi cũng sẽ liên lạc với Du. Tôi đang có đề nghị Greg Lockhart cộng tác với tôi và tôi cũng đang chờ sự trả lời của ông ấy. Rất cám ơn anh Tuấn đã cho những gợi ý tốt với tôi".

"Thân mến".

Về chính trị, Việt Nam không còn là một quốc gia nhược tiểu. Tuy nhiên, về văn hóa, trong đó, có văn học, Việt Nam vẫn thuộc loại nhỏ và yếu ; trên thế giới, ít ai biết và càng ít người quan tâm. Con đường đi ra với thế giới của những người cầm bút Việt Nam vẫn rất lận đận. Cho đến nay, hầu như chỉ có Bảo Ninh, với cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", chinh phục được nhiều độc giả. Còn lại, tất cả đều đứng bên lề của cuộc chơi quốc tế.

Tái bút : Cả hai email trên, Nguyễn Huy Thiệp đều viết không có dấu. Tôi phải đánh máy lại.

Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn : facebook, hungquoc.nguyen.771, 22/03/2021

******************

Nguyễn Huy Thiệp : "Văn học là một sự chiêm nghiệm những đau khổ của con người"

Nguồn : Huy Thiệp, Bảo Thạch, Thanh Hà, RFI, 22/03/2021

Để tưởng nhớ tác giả của Tướng Về Hưu vừa từ trần ngày 20/03/2021 tại Hà Nội, RFI phát lại một phần cuộc nói chuyện của Nguyễn Huy Thiệp dành cho nhà báo Bảo Thạch qua hai chương trình đã được phát vào ngày 28/01/2008 và 02/02/2008 nhân dịp ông vừa nhận giải thưởng Văn Học Ý Nonino.

nhavan1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Expolangues, Paris, Pháp, ngày 07/02/2008.  © RFI/Tiếng Việt

Cuối tháng Giêng 2008 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ Việt Nam sang Ý nhận giải thưởng văn học Nonino Risit d'Aur Prize. Đó cũng là thời điểm ông cho ra mắt độc giả Paris tập truyện Chú Hoạt tôi được dịch ra tiếng Pháp, rồi một tác phẩm khác của ông được dịch sang tiếng Ý. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dành cho RFI tiếng Việt hai buổi nói chuyện. Dưới đây là một phần nội dung cuộc trao đổi giữa nhà báo Bảo Thạch với tác giả của rất nhiều truyện ngắn, của những tiểu thuyết như Tuổi 20 Yêu Dấu, Gạ Tình Lấy Điểm hay Tiểu Long Nữ.

Trước hết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu qua về giải thưởng Nonino của văn đàn Ý mà ông được trao tặng năm 2008. Chủ tịch ban giám khảo năm đó là giải Nobel Văn Học Vidia Naipaul và thành phần ban giáo khảo gồm với những tên tuổi lớn trên văn đàn quốc tế.

Nguyễn Huy Thiệp :Ở Ý hàng năm có 1.500 giải thưởng khác nhau, nhưng Nonino là giải rất có uy tín. Tiếp xúc với các tác giả danh tiếng tại Châu Âu tôi đã nhận ra được rất nhiều điều. Chúng tôi luôn luôn thống nhất và gặp gỡ nhau ở những điểm rất chung về văn học, về những suy nghĩ về văn học. Trong thâm tâm, tôi rất mừng rỡ vì cảm thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn. Không có gì phải mặc cảm. Không có gì phải lo ngại nếu như cứ tiếp tục con đường văn học với những tinh thần nhân đạo hay với những tư tưởng mà mình đã xác định ngay từ đầu. Văn học là một sự chiêm nghiệm nỗi đau khổ của con người và nó đi tìm những tư tưởng nhân đạo, những tinh thần nhân đạo. Đó là cái chức năng duy nhất của văn học chứ nó không phải là những thứ khác (…) Đó là một khía cạnh và là khía cạnh cơ bản nhất. Chính trải qua những sự chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người đấy, nó tìm đến cái tư tưởng, đến tinh thần nhân đạo, nó khiến con người trở nên con người hơn. Tức là sống với nhau một cách tử tế hơn, lương thiện hơn, văn hóa hơn. Và tôi nghĩ đấy chính là một trong những điều rất quan trọng mà nhà văn phải vươn tới chứ không phải là ở một cái danh vị hão huyền, chứ không phải ở những cái đồng tiền bạc vớ vẩn hay những chuyện a dua theo các tinh thần chính trị khác nhau.

Bảo Thạch : Gần đây trong nước có xuất bản một tập truyện của anh vào giữa năm 2007 và trong lời tựa anh viết đại ý là trong cuộc đời viết văn của anh, sau truyện ngắn Sang Sông, thì đã có một thay đổi lớn trong quan niệm của anh, cũng như phong cách viết của anh ?

Nguyễn Huy ThiệpTrong quá trình viết văn thì cũng không có nhiều chặng đường khác nhau. Tôi bắt đầu xuất hiện từ khi có cuộc Đổi Mới trong xã hội Việt Nam, tức cỡ khoảng độ 1986-1987. Đến nay là tôi đã trải qua 20 năm viết lách. Cũng có thể nói là đã có sự khuynh đảo nào đấy ở trong văn đàn ở Việt Nam. Thì cũng có nhiều chặng khác nhau anh ạ. Trong giai đoạn đầu khi tôi viết, có thể là nó mang tính chất bản năng từ những thứ tự nhiên trong lòng mình thôi. Đó là giai đoạn từ khoảng năm 1986 đến 1991. Từ Sang Sông, tức là đến giai đoạn sau này, từ 1991 trở đi cho đến khoảng năm 2000 thì là một giai đoạn khác. Tôi không chỉ viết bằng bản năng nữa mà lúc đó là viết bằng cái vốn văn hóa của mình, bằng kinh nghiệm cuộc sống, rồi với việc tôi gặp gỡ đạo Phật. Lúc đó tinh thần hay những tác phẩm của tôi nó khác. Đến giai đoạn từ năm 2000 trở đi, khi thế giới thay đổi, internet vào Việt Nam, rồi nhiều vấn đề khác đặt ra trong xã hội đối với xã hội cũng như văn học Việt Nam. Trong bản thân tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Đó là giai đoạn mà tôi bắt đầu thể nghiệm một số lối viết khác nhau. Cho đến bây giờ, tôi vẫn kiên trì đi theo một số khuynh hướng hay những lối viết khác nhau của mình. Ngoài việc viết truyện, tôi cũng viết cả kịch, tiểu luận văn học... Nhân cuốn sách anh vừa nói, năm ngoái, tôi bị tim hẹp động mạch vành, phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tôi cũng chán nản và có ý định thôi, dọn dẹp tất cả sự nghiệp văn học của mình cho nên mới in lại tuyển tập truyện ngắn. Nhưng sau đó tôi nhận ra một điều : trong quá trình sống cũng là quá trình mà chúng ta phải tập chết. Phải tập chấp nhận những điều để tiến tới cái chết. Tôi phải tự chung sống với bệnh tật, phải tự tập luyện, tự phải vượt lên. Gần đây thì cũng có sự thanh thản hơn, nhất là khi mà tác phẩm của mình được quảng bá một cách rộng rãi, được đón nhận một cách rất nhiệt tình ở trong nước cũng như ở ngoài nước, rồi lại được nhận những giải thưởng giá trị như Nonino này nữa.

Bảo Thạch : Tôi vẫn nhớ anh tiết lộ "người viết văn như cầm một thanh kiếm". Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ tinh thần đó ?

Nguyễn Huy Thiệp : "(Cười). Đó là trường văn trận bút mà anh ! Đây không chỉ là trường hợp của tôi. Khi tôi nói chuyện với Magris, thậm chí với Naipaul – giải Nobel Văn Học 2001 và chủ tịch ban hội đồng giám khảo Nonino thì cũng vậy thôi. Họ đều có kinh nghiệm riêng ở trường văn trận bút. Không chỉ có ở Việt Nam mới có những chuyện đố kỵ, ghen tị trong văn chương. Chuyện đấu tranh trong văn chương, ở Ý cũng có, ở Ai Cập, Anh, Mỹ, Pháp… cũng vậy. Và một tác giả cũng phải biết bảo vệ tác phẩm của mình. Trong truyện chưởng ở Trung Quốc có câu ‘đa tình kiếm khách vô tình kiếm’ : người cầm bút cũng như một kiếm thủ. Có thể là bản thân con người đó thì rất tình cảm thôi. Nhưng khi cầm kiếm hay cầm bút thì đó là những thứ rất vô tình. Cái kiếm nó rất vô tình. Cái bút nó rất vô tình. Nhiều khi cũng gây sát thương, gây tổn thương nào đấy cho đồng nghiệp của mình, cho người nọ người kia. Nhưng đời nó là như thế.

Bảo Thạch : Được gặp Nguyễn Huy Thiệp tại Paris, tôi không khỏi nhớ đến lần được gặp anh cách nay 20 năm tại Hà Nội. Khi đó văn đàn Hà Nội đang rúng động vì truyện ngắn Tướng Về Hưu.

Nguyễn Huy Thiệp : Tướng Về Hưu là một trong những truyện rất đặc biệt. Nó có thể là một cái mốc trong cuộc đời hoạt động văn học của tôi. Giống như những truyện khác của tôi, nó có phần thực và hư. Cũng có những truyện 7 thực- 3 hư, hay 5 thực-5 hư, hay 9 thực-1 hư. Nhưng gần như là những truyện ngắn của tôi bao giờ cũng có bóng dáng của sự sống, có bóng giáng của đời sống : đời sống của bản thân tôi hay của cái xã hội mà tôi quan sát. Tướng Về Hưu là truyện trong đó có đầy đủ ái ố, hỷ nộ, chuyện vui, chuyện buồn… Qua 20 năm rồi, cho đến bây giờ đọc lại, người ta vẫn thấy là nó có một cái sự tiết chế một cách tối đa, kể cả về ngôn ngữ viết lẫn tinh thần kìm nén của người viết. Xã hội Việt Nam lúc đó nó thế. Đó là một xã hội đang kìm nén, chất chưa trong đó rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn về tinh thần rồi về vật chất khác nhau. Nói thế này thì hơi duy tâm, nhưng tôi cũng như là được thời thế, được trời đất, được tinh thần của xã hội lúc đó mượn mình vào đấy như là để viết ra tác phẩm đấy thôi (…) Trong một buổi nói chuyện tại Sài Gòn với nhà văn Nguyễn Khải ông có nói là khi đọc Tướng Về Hưu, đối với ông, nó rất là thảng thốt. Ông cảm thấy như không phải là người viết, mà như là trời xui đất khiến. Thậm chí như là ma qủy viết … Tôi không biết. Nhưng tôi là một nhà văn luôn luôn tôn trọng cái hiện thực.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 22/03/2021

*******************

Nguyễn Huy Thiệp : "Vàng lửa", "Kiếm sắc" chỉ là những cảnh giác đối với xã hội

Bùi Văn Phú, 21/03/2021

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20/3/2021 tại Hà Nội, sau một thời gian bệnh, hưởng thọ 71 tuổi (1950-2021).

Ông được biết đến là một nhà văn tiêu biểu của Việt Nam, nổi lên vào giai đoạn "cởi trói văn nghệ", khi tác phẩm "Tướng về hưu" của ông được phổ biến năm 1986 gây tiếng vang.

Thời điểm này là lúc văn đàn Việt Nam có một dòng văn chương mới, phản ánh con người xã hội thực hơn là những gò bó trong ý thức chính trị. "Tướng về hưu" cùng với "Những thiên đường mù" của Dương Thu Hương, "Ly thân" của Trần Mạnh Hảo, "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Thiên sứ" của Phạm Thị Hoài hay phim "Chuyện tử tế" của Trần Văn Thuỷ là theo dòng văn học đó, mà có những nhận định là dòng văn học phản kháng.

Chỉ vài năm sau "cởi trói" thì văn học Việt Nam lại bị "trói lại", nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Trước sự ra đi của ông, nhiều người đã bày tỏ lòng thương tiếc.

bvp1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học Berkeley tháng 10/1998 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Giáo sư Peter Zinoman, trưởng khoa Sử của Đại học Berkeley : "Điều nổi bật về Nguyễn Huy Thiệp là hầu như mọi người đều đồng ý rằng ông đã tạo nguồn cảm hứng cho giới độc giả tinh tường nhận ra ông là một nhà văn xuất sắc mang tính khai phá của thời hậu thuộc điạ. Việt Nam vừa mất đi một bậc thầy văn học thực sự".

Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên môn văn chương Việt, Đại học Berkeley : "Buồn tê tái. Cả ngày hôm nay cứ nghĩ đến anh Thiệp là Nguyệt Cầm muốn khóc".

Qua truyền thông xã hội, đã có nhiều dòng trạng thái viết về nhà văn trên Face Book.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Đại học Khoa học Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh :

"Nhà văn xuất hiện muộn màng ở tuổi gần 40 vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ với vài truyện ngắn đầu tay đã đủ làm cho văn đàn dậy sóng với giọng văn phũ phàng trần trụi mà vẫn thiết tha yêu cuộc sống của ông. Quả thật, đối với tôi Nguyễn Huy Thiệp đúng là một hiện tượng của văn học Việt".

Thông Đặng, giảng viên khoa ngôn ngữ cổ điển và hiện đại, Đại học Houston-Texas :

"Ngay từ khi truyện ‘Tướng về hưu’ của ông xuất hiện trên báo Văn Nghệ vào ngày 20 tháng 6 năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp đã làm chấn động người đọc không chỉ về nội dung truyện mà còn cả về bút pháp dửng dưng lạnh lùng đến rợn người để chuyên chở đến cho người đọc một thông điệp cũng rợn người không kém".

"Nhớ lại ngày đó, khi đọc truyện này, rồi tiếp sau đó là nhiều truyện khác mà đặc biệt là truyện ‘Không có vua’, tôi đã bàng hoàng nhận ra rằng đang có một cái gì đó sai rất nghiêm trọng trong xã hội thời hậu chiến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, rằng các truyền thống văn hoá của Việt Nam đang bị phá hủy đến tận gốc rễ, và đồng thời cũng lờ mờ thấy được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đến bây giờ thì nguyên nhân đó chắc chắn ai cũng đã thấy rõ, chẳng cần phải bàn thêm".

bvp2

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giao lưu với khách trong buổi nói chuyện ở Đại học Berkeley tháng 10/1998 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, từ tiểu bang Ohio :

"Tôi luôn phản đối việc thần thánh hóa người trần. Con người, dù anh có là ai, tài năng tới đâu, đức độ tới đâu, vẫn vô vàn khiếm khuyết. Nhưng tôi tin thần linh, cùng những huyền hoặc. Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết. Truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện. Thượng đế đã chọn ông…"

Tháng 10 năm 1998, Nguyễn Huy Thiệp đến Đại học U.C. Berkeley nói chuyện và tham dự hội luận về văn học Việt Nam thời đổi mới.

Tôi đã viết bài tường thuật về sự kiện này [Thời Báo, San Jose 3/10/1998 và Văn, Tháng Mười Một 1998]. Hôm nay tóm lược lại các nét chính.

Năm đó nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua Mỹ là chuyến đi thứ hai. Lần này gây sôi nổi hơn chuyến trước vì cùng lúc ông có mặt tại Hoa Kỳ, một đoàn kịch nói từ Hà Nội đem vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ qua diễn tại vài đại học ở Quận Cam, thủ đô của người Việt ở Hoa Kỳ, mà ngày trình diễn đã có những người Việt biểu tình trước cửa nhà hát.

Hôm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học Berkeley cũng có vài chục người biểu tình. Họ chống việc giao lưu văn hóa với chế độ cộng sản Việt Nam.

bvp3

Biểu tình phản đối Nguyễn Huy Thiệp, chống giao lưu văn hóa với cộng sản Việt Nam (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Mở đầu buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley, giáo sư sử học Peter Zinoman giới thiệu tiểu sử nhà văn và nhấn mạnh truyện ngắn "Vàng lửa" của Nguyễn Huy Thiệp, đã được chính ông dịch sang tiếng Anh, bị nhà nước coi là nói xấu chế độ, cùng những dòng văn chương khác như của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng đàn bằng tiếng Việt, giáo sư Zinoman dịch sang tiếng Anh, đề tài : "Quan hệ giữa thời thế với văn học". Ông chỉ nói về thời thế và số phận người làm văn học tại Việt Nam, không nói về lịch sử.

Theo Nguyễn Huy Thiệp anh hùng tạo thời thế là không có tính hiện thực. Thời thế tạo anh hùng mới đúng với số phận của nhà văn vì trong một nước nhược tiểu, yếu tố khách quan là chủ yếu, yếu tố chủ quan chỉ là phù trợ.

Ông không coi truyện "Tướng về hưu" là tác phẩm xuất sắc nhất trong số 40 truyện ngắn và kịch mà ông đã viết về tình yêu, nỗi buồn, khao khát tự do và về bất lực của con người trước sự ngu dốt.

Nguyễn Huy Thiệp kể cho người nghe câu chuyện về Ngô Thời Nhậm, một nhà thơ ở thế kỷ 19 bị đồng bào mình bắt giam và đánh đau quá mà chỉ nói : "Gặp thời thế, thế thời phải thế". Ông không muốn bình luận về câu nói đó, chỉ khẳng định một điều : "Trong thâm tâm, tôi đã và đang chống lại thời thế".

Sau đó nhà văn đã trả lời nhiều câu hỏi từ người tham dự.

---------------------------

- Ông nghĩ gì về phim "Tướng về hưu" ?

Nguyễn Huy Thiệp : Tôi không thích phim đó lắm.

- Ông khuyên nên đọc những ai để hiểu hơn về văn học Việt Nam ?

Nguyễn Huy Thiệp : Trước hết phải đọc những tác phẩm của tôi. Trong nước có Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh. Hải ngoại có Lê Minh Hà ở Châu Âu, Trần Vũ ở Pháp : Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng ở Mỹ. Các bạn nên đọc thơ Việt Nam.

- "Vàng lửa", "Kiếm sắc", "Nguyễn Thị Lộ" trong đó có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi mà theo những điều nhà văn viết ra là những tài liệu lịch sử do nhà văn sưu tầm được khi sống trên vùng thượng du Việt Bắc. Tôi không đồng ý với cách dựng nhân vật lịch sử đó. Xin hỏi nhà văn, những truyện đó là sự thật lịch sử hay hư cấu ?

Nguyễn Huy Thiệp : Đó chỉ là những cảnh giác của tôi đối với xã hội.

- Ông nói "Tướng về hưu" không phải là tác phẩm ưng ý nhất, nhưng đó là tác phẩm khiến ông nổi tiếng. Tại sao vậy ?

Nguyễn Huy Thiệp : "Tướng về hưu" chỉ là một món ăn đưa ra. Nhưng không phải là món ngon nhất. Tôi muốn viết về tình yêu như Roméo và Juliette.

- Tôi mới qua Mỹ hơn một năm. Lúc còn ở trong nước có đọc các tác phẩm của ông. Cùng thời ông có Lưu Quang Vũ soạn vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt" cũng mang tính phản kháng chế độ. Tại sao Lưu Quang Vũ bị giết cả nhà, còn nhà văn vẫn ung dung. Có phải cộng sản đưa nhà văn ra để đánh bóng chế độ ?

Nguyễn Huy Thiệp : [Nguyễn Huy Thiệp chắp hai tay trước miệng, hai ngón trỏ đặt trên mũi, trầm ngâm suy nghĩ có đến 30 giây rồi trả lời] Tôi không liên quan gì đến Lưu Quang Vũ cả. Mỗi người có một số phận. Xã hội tự nó như thế, không cần ai làm đẹp, đánh bóng.

- Nhà văn nói có những nguy hiểm thì đó là những nguy hiểm gì đối với một nhà văn ?

Nguyễn Huy Thiệp : Khó khăn lắm. Bạn cứ viết đi rồi biết. Đứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chánh và nguy hiểm về chính trị nữa. Tôi sợ nhất hiểm hoạ tình cảm và tài chánh. Chỉ hai thứ đó cũng đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.

- Ông nói chống lại thời thế. Chống như thế nào ?

Nguyễn Huy Thiệp : Chống thời thế cũng như chống lại số phận của tôi. Số phận con người như một giòng sông. Không đắp đê tìm cách chống nó thì nó cuốn phăng đi. Chúng ta chống lại nó nhưng vẫn bị nó cuốn đi.

- Ông đang thành công, thế sao lại muốn đi ngược lại số phận của mình ?

Nguyễn Huy Thiệp : Số phận của chúng ta đều rất xấu. Cô cứ sống đi rồi cô sẽ hiểu điều đó. Cô không hiểu những thê thảm, đau đớn của một người danh tiếng. Năm hai mươi tuổi tôi có viết một câu chuyện về một chàng trai trẻ ở Hua Tát, sống cuộc đời tiếng tăm nhưng khi về già thì nói rằng : sống một cuộc đời bình thường là khó nhất.

- Ông nghĩ gì về từ ngày có chính sách đổi mới tới giờ ?

Nguyễn Huy Thiệp : Những năm đầu rất thú vị. Có nhiều cơ hội tốt. Gần đây khi có khủng hoảng kinh tế Á Châu thì có những khó khăn với các nhà văn Việt Nam. Riêng tôi năm năm đầu viết nhiều. Sau đó không viết được. Gần đây lại viết nhiều. Tôi đang tìm cách vượt lên như Việt Nam đang tìm cách vượt qua khó khăn.

- Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm. Vậy Việt Nam cần làm gì và cộng đồng thế giới cần làm gì ?

Nguyễn Huy Thiệp : [Trầm ngâm suy nghĩ một lát] Có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện. Nhưng đấy là một mơ mộng ảo tưởng.

- Trong "Tướng về hưu" có nhân vật Kim Chi là cô gái đẹp mà lấy anh chồng tên Tuân chẳng ra gì, như là : hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Đó có phải là điển hình về phụ nữ Việt ?

Nguyễn Huy Thiệp : Không. Kim Chi không phải là điển hình. Có nhiều người đàn bà Việt Nam cũng lấy chồng không ra gì. Nhưng vai trò của người đàn bà Việt Nam bây giờ tốt hơn so với thời trước. Trong hai mươi năm gần đây, phụ nữ Việt Nam được đi học, có kiến thức, được chồng kính nể hơn.

- Tôi không hiểu biết nhiều về chính sách đổi mới. Tôi hỏi đơn giản và cũng muốn ông trả lời đơn giản là có tự do phát biểu ý kiến ở Việt Nam không ?

Nguyễn Huy Thiệp : Có nhiều hơn so với trước.

- "Tướng về hưu" đưa ra hình ảnh một viên tướng, sau bao nhiêu năm chiến đấu, nay trở về với xã hội phải chứng kiến bao điều xấu, bao tệ nạn xã hội và cuối cùng ông đi tìm cái chết. So với mười năm trước khi "Tướng về hưu" ra đời, tình trạng xã hội Việt Nam bây giờ xấu hơn lúc đó, giống vậy hay khá hơn ?

Nguyễn Huy Thiệp : Tệ hơn trước. Có thể là vì trước đó cũng có những tệ nạn xã hội mà đã được che dấu đi.

- Anh viết văn, Dương Thu Hương cũng là người viết văn, thế sao bà ấy bị theo dõi, rắc rối. Giữa anh và Dương Thu Hương có gì khác biệt ?

Nguyễn Huy Thiệp : Dương Thu Hương là người can đảm hơn tôi. Bà ấy có tham vọng chính trị. Tôi không can đảm bằng bà ấy nhưng có thể tôi khôn hơn bà ấy.

- Ông có được tự do sáng tác không ?

Nguyễn Huy Thiệp : Lúc trước có khó khăn. Mấy năm trước công an đã vào nhà tịch thu một số bản thảo.

---------------------------------

Đó là tâm tình, suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi ông nói chuyện tại Đại học Berkeley tháng 10/1998.

Đã 23 năm qua, số phận nhà văn Việt từ "cởi trói" 1986 đến nay ra sao ? Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài sống lưu vong. Nguyễn Huy Thiệp mở quán ăn trong nước không thành công, xuất bản thêm vài tác phẩm nhưng không sâu sắc như trước. Bảo Ninh, Trần Mạnh Hảo không có thêm tác phẩm gây chú ý. Chỉ vì văn học lại bị "trói lại".

Như nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả của "Bóng đè", đang sống ở nước ngoài, nhận xét khi hay tin Nguyễn Huy Thiệp qua đời :

"Nghe nói Hội nhà văn sẽ đứng ra lo tang lễ. Tôi, một độc giả, một người bạn của ông trân trọng điều đó. Mong thay, sau khi mồ ông yên mả ông đẹp, linh hồn ông theo dòng sông trôi đi tìm thấy con gái thủy thần, người ta sẽ cấp phép in ấn - phát hành cho cuốn tiểu thuyết võ hiệp ông viết xong đã mấy năm nay, đã long đong hết nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác mà chưa có phép".

Bùi Văn Phú

(21/03/2021)

*********************

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Thanh Phương, RFI, 20/03/2021

Theo báo chí trong nước, trích dẫn nguồn tin từ gia đình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời vào chiều nay, 20/03/2021, tại nhà riêng, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật sau cơn đột quỵ, hưởng thọ 72 tuổi.

nht2

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trả lời RFI tiếng Việt tại Expolangues, Paris, Pháp, ngày 07/02/2008.  © RFI/Tiếng Việt

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20/04/1950 ở Thái Nguyên (thật ra quê quán của ông là Thanh Trì, Hà Nội), nguyên là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. Ông được coi là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh, với tên tuổi gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông. Ngoài ra, ông còn viết bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…

Gây xôn xao dư luận nhiều nhất vẫn là tác phẩm Tướng về hưulần đầu được in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1987 đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn học vào thời ấy.

Nguyễn Huy Thiệp còn là tác giả nhiều tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm : Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu

Nhưng từ khoảng hơn 10 năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã hầu như không sáng tác gì mới, chỉ vui hưởng tuổi già với con cháu.

Một số tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Pháp như "Un général à la retraite" (Tướng về hưu), éditions de l'Aube, 1990, hay "À nos vingt ans" (Tuổi 20 yêu dấu), éditions de l'Aube, 2005.  

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hưng Quóc, Bảo Thạch, Thanh Hà, Bùi Văn Phú, Thanh Phương
Read 974 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)