"Ta đập vỡ hình hài và thức giấc"
Chị Hoa quý kính,
Hôm nay ngày 22 tháng 3, ngày giỗ của anh Tâm, bạn bè gần xa dặn dò nhau nhớ ngày này, con người và tác phẩm của anh bạn bè không sao quên, vẫn đọc thơ của anh mỗi lần gặp nhau, có khi đọc qua điện thoại viễn liên ; nhiều khi chỉ cần nhắc nhau một câu của anh thôi trong cuộc sống hằng ngày là đầu óc tỉnh lại. Thơ thức tỉnh trí người, tầm vóc này hiếm thấy trong thơ Việt Nam. Không biết Anh Tâm có kể cho chị nghe là những năm đầu anh "từ cải tạo ra" mà anh nói gọn là "đi tù về", bạn bè thường hẹn nhau tại nhà họa sĩ Đinh Cường, để sống lại không khí thơ trong sạch mà chế độ mới tìm mọi cách để hủy diệt nó.
Chân dung nhà thơ Thanh Tâm Tuyền qua nét họa của Đinh Cường
Chắc chị còn nhớ chuyện cái áo veste năm 1986, Khóa mang từ Pháp về tặng anh, anh nói là giữ cho Thái, đứa con trai lớn thân yêu của anh chị, vì Thái đang chuẩn bị "vượt biên", Khóa còn nhớ câu chị dặn dò Khóa : "Ở đây sống không được đâu cậu à". Câu này sau bao nhiêu năm vẫn đúng, Khóa coi như một chân lý đau lòng của Việt tộc từ khi có chế độ mới : tại sao nơi mình sinh ra không phải là đất mình sống, mà có lúc là đất chết, chết ngay trong lòng người, để cha mẹ phải đưa những đứa con ruột thịt của mình ra ngoài vạn dặm, đặt tương lai con cháu thật xa quê cha đất tổ ? Chị ơi ! Sau đó chuyện Thái biệt tích trên biển là chuyện đau đớn nhất đời của anh Tâm ; trong các thư từ qua lại anh dặn Khóa tìm mọi cách liên hệ với các tổ chức nhân đạo quốc tế bảo trợ người di tản, lần tìm giúp anh dấu tích của Thái. Khóa chỉ gặp Thái có một lần, vậy mà gần ba mươi năm qua Khóa xem Thái như người ruột thịt, lẳng lặng tìm dấu tích đứa cháu biền biệt chân mây.
Những năm còn trẻ, anh Tâm đã thấy cuộc đời này là Hội buồn : "…Nghe trong đời miên man ngực yếu… Tiếng trống bồi hồi thôn dã giục người về dự hội. Hội xum vầy thắm thiết có hay… Và buổi mai này rồi sẽ mọc lên ủ ê niềm thống hối. Trên bầu trời ngày đã quên ngày. Chó tru khiếp đảm… ". Bạn bè gần xa rất quý anh, nhưng có người "than" là thơ anh khó hiểu. Hãy ở trong tầm nhìn của anh, để từ từ hiểu tại sao anh viết lại như vậy anh, thơ để viết ra chớ không phải để ngâm, viết từ ký ức trong sự trống vắng của chữ đang bị thôi thúc hướng về những chân trời tối mịt, niềm tin không có tương lai, niềm yêu không còn viễn ảnh : "…Một phút là thi sĩ đủ sáng tâm hồn đầy cuộc đời… Chữ tự do không nghĩa. Mỗi người đã chính một tự do… Tôi ngủ ngoài nghĩa địa một mình. Quanh tôi là người khác. Chúng tôi cùng cô độc… Không bao giờ quên người ngủ ngoài nghĩa địa…".
Bài thơ Nửa hồn thương đau của Thanh Tâm Tuyền được Phạm Đình Chương phổ nhạc
Mùa hè năm 1986, anh Tâm dặn Khóa ngay ngôi nhà thân yêu của anh chị tại Bà Chiểu : "Khóa muốn viết về tôi thì cứ viết, nhưng nên bắt đầu đọc thơ tôi qua chữ thất bại (défaite), nó không phải là chủ bại (défaitisme), vì tôi chẳng theo một chủ thuyết nào, cũng không theo một ý thức hệ nào". Sau hè năm đó rời Sài Gòn trở lại Pháp, Khóa mang theo bài Cây rừng, mà anh dịch từ một bài thơ Aux arbres của thi sĩ Yves Bonnefoy lúc anh đang "ở tù cải tạo", anh không để sự ủ rụt diệt mình trong cõi tù xa xăm, anh đã biến một tác phẩm cội gốc của một Nam Tào trong thi ca Pháp thế kỷ hai mươi ra một tác phẩm rộng với câu cao và chữ ngọn, đầy Việt tính, cũng đầy tình người.
Đầu năm 1987, Khóa trao tận tay thi sĩ Y. Bonnefoy ngay tại giảng đường của Collège de France, ông vô cùng cảm động vì biết ra là bài thơ được dịch từ nơi tù rạc, ông thốt lên : "Le poète Thanh Tâm Tuyền arrive à réaliser la vérité de parole dans l’expérience poétique", đã làm được chuyện đưa chân lý của lời người vào được kinh nghiệm thơ, ông mong có ngày gặp được anh Tâm. Nhưng chuyện tổ chức cho hai người gặp nhau không thực hiện được trước ngày Y. Bonnefoy qua đời. Khóa buồn về chuyện này, nhưng anh lại vượt lên được cái tiếc nuối. Tiếng nói gọi về phía trước, bước sóng dài, người sẽ gói vào lòng bàn tay. Cùng mùa hè năm này, Khóa trở lại Sài Gòn thăm anh chị, anh rất vui khi anh khám phá ra Khóa là môn sinh của Yves Bonnefoy. Gợi những hơi thở đã đốt lửa trái tim vào những gì đang xuất hiện...
Mùa xuân năm 1988, Khóa qua Mỹ tìm gặp Mai Thảo để kể thêm về cuộc sống của anh Tâm từ ngày "đi tù về". Ngồi với nhau thật lâu tại quận Cam, Mai Thảo nghe nhiều và cũng kể thật nhiều chuyện về anh mà Khóa không biết, từ hồi lập ra nhóm Sáng Tạo tới ngày "mất nước, mất thơ" vì chế độ mới. Mai Thảo có những nhận xét rất đúng về anh, mà chỉ là thâm giao mới thấy được : "Ngoài những đóng góp của TTT về thơ tự do, văn xuôi TTT là người thích đọc, biết đọc và biết lấy ra những câu hay nhất của một tác phẩm, những chữ sắc nhọn nhất của một tác giả". Rồi Mai Thảo đọc thơ của anh đêm hôm đó, một trong những niềm vui lớn trong cuộc đời của Khóa là được nghe các thi sĩ đọc thơ, trong đó có ba người mà giọng, thần, sắc, tâm… lúc họ đọc thơ, không bao giờ Khóa quên được : Hoàng Cầm, Mai Thảo và anh Tâm, chắc chị còn nhớ : "…Giật mìn ngay những vùng trời riêng rẽ, ta chui xuống hố cá nhân, ôm ngày mai vào lồng ngực, tình yêu làm giáp sắt, ta rút về chiến khu, pháo đài dựng lên tua tủa niềm tin, nguyện chiếm lại đại lộ bờ cây tâm sự…".
Vậy mà anh Tâm lại là thi sĩ "ghét chuyện ngâm thơ", "chán cảnh đọc thơ". Giữa đảo điên của đất nước, giữa lầm than của Sài Gòn những năm mà anh Tâm và bạn bè vừa rời "cõi tù không tường" của các trại cải tạo, có lần tại nhà của anh Tiên, thi sĩ Tô Thùy Yên, sau buổi ăn tối mỗi người được yêu cầu đọc một bài thơ của mình, anh Cần, thi sĩ Cung Trầm Tưởng "đòi" anh Tâm đọc những bài mới của anh, anh trả lời : "Thơ tôi là yên lặng", thơ để viết ra chứ không phải để đọc vào, làm sao đọc được những câu này giữa cuộc sống này mà bản thân mình không có đất sống. Tôi buồn chết như buồn ngủ. Dù tôi đang đứng bên bờ sông. Nước đen sâu thao thức. Tôi hét tên tôi cho nguôi giận. Thanh Tâm Tuyền. Nỗi buồn của anh nhiều lúc đưa anh đi thật xa. Tôi thèm giết tôi… Tôi thèm sống như thèm chết.
Nửa hồn thương đau - nhạc Phạm Đình Chương - thơ Thanh Tâm Tuyền - tiếng hát Khánh Hà
Đây không phải là chuyện tự đặt ra, mà đây là chuyện cốt lõi trong nhà ngục tâm hồn qua các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, qua thơ của anh người ta thấy được số kiếp của kẻ sáng tạo trên đất nước oan khiên này. Không gian tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn. Thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên. Sống không dễ và chết cũng không dễ. Mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều. Các anh nhớ tôi còn sống. Quờ quạng tay gian díu. Cách mạng nổ trong sự nín thinh. Phạm Đình Chương đã biến thành nhạc những câu mà mỗi lần đọc là mỗi lần thấy nghẹn, nghẹn cổ vì nghẹn lòng : "...Đất nước tôi có một lần. Tôi ghì đau đớn trong thân thể. Những dòng sông những đường cây núi nhọn. Những biệt ly rạn nứt lòng đường…".
Năm 1995, Khóa nhận với đại học Aix en Provence làm tuyển tập La part d’exil về văn chương lưu vong Việt Nam, khi đó anh chị và hai cháu đã định cư tại Mỹ, đây là dịp để Khóa nghiên cứu kỹ hơn về anh Tâm, Khóa quanh quẩn ra vào với chuyện thân thế và sự nghiệp thơ và văn xuôi của anh, cuối cùng chọn lựa cách thẳng thắn nhất để được thành thật nhất là phỏng vấn anh, anh đã để lại cho bạn đọc Pháp ngữ một bài phỏng vấn khi đọc xong người đọc không quên được. Chị biết hơn ai hết, về chuyện chữ nghĩa anh chuẩn bị rất miệt mài, chu đáo, hiếm thấy trong sinh hoạt văn nghệ Việt Nam. Anh giải trình rất rõ các bối cảnh ra đời của Bếp lửa, tại sao nhân vật chính ngay từ đầu đã đi trên đổ nát của lịch sử, rồi của Ung thư, cuộc sống như không có lối ra ; anh trở lại phân tích "tận nguồn lạch sông" nhận định của A. Malraux trong La voie royale : "Mais vivre en acceptant la vanité de son existence… Vivre avec cette tiédeur de mort dans la main comme un cancer".
Sống để chấp nhận cái chóng chầy trong nhân sinh… Sống với cái ẩm mốc của cái chết trong tay như nhận ung thư. Đi lần tìm cõi thơ của anh Tâm, người ta sẽ đọc được lịch sử dân mình từ những viết thương còn tươi tới cái thấp thỏm chờ nhau trong các bịnh viện, nhưng bệnh viện không phải là nơi báo tin về cái chết, nó là nơi mà con người vẫn đòi cho bằng được quyền sống, mặc dầu đất nước đang bị chiến tranh thôi miên ; mặc dầu dân tộc đang bị dòng nước đen của chuyện nội chiến chém giết vẩy bẩn. Trong bài Gửi Quách Thoại, người bạn sớm mai nhóm Sáng Tạo của anh đã ra đi quá sớm, anh Tâm không để không khí bệnh viện biến thành không gian tật nguyền giữa cuộc sống : "…Bệnh viện thành công viên khuất nẻo. Người ngủ một mình đợi chúng tôi… Không chết trần truồng không thể được. Chúng tôi đập vỡ những hình hài. Cuộc sống phải thừa như không khí. Cuộc sống phải thừa như sớm mai…".
Anh Tâm hiểu được cái gay gắt của G. Flaubert trong sáng tác như hiểu nghịch lý của văn chương, vừa mang sức mạnh của kẻ sáng tạo đang thắng tờ giấy trắng trước mắt, vừa có sức hủy diệt từng chữ, từng hàng, cả trang trên tờ giấy trắng đó do chính mình viết ra. Viết trong văn chương, nhất là làm thơ, không phải là chuyện viết nhật ký. Triết gia J. Rancière, trong tác phẩm La parole muette, Lời câm (đặt tựa sách kiểu này anh Tâm rất thích), đã nhận định không sai : viết để chống lại cái trống, loại ra luôn chuyện bỏ chạy, nó là chuyện thấy được nhịp đời trong nhịp câu thật sâu kín luôn nằm bên trong của tư tưởng. Anh Tâm thấy rõ chuyện này, nhưng anh có cách nói của anh, nhớ lại bài Bao giờ : "…Chiều không xanh không tím không hồng. Những ống khói tàu mệt lả… Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình. Như kẻ say rót rượu lấy mà uống… Cho vui thêm cuộc hành trình (Đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi). Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc…".
Quỳnh Giao hát Đêm Màu Hồng – thơ Thanh Tâm Tuyền – nhạc Phạm Đình Chương
Thời gian đã dắt dìu ý thức bằng cái thất bại giữa đời của chủ thể, cái thất bại này giúp con người hiểu sâu hơn cái thảm bại trong tình yêu, anh không vứt tư tưởng thơ của mình ra giữa khơi, anh bảo vệ tình yêu chống lại mọi ẩm thấp làm chìm ngộp tình yêu, làm nó đuối giữa dòng rồi vùi nó. Vì con người còn có một sức mạnh khác : sức mạnh của tự do cho chính mình, sức mạnh này sẽ tạo ra được một không gian mới cho lời người -lời người chớ không phải lời nói- biết đưa người tới một kiếp mới, một kiếp sinh động biết đối thoại với những hẹn hò mới, biết đối thoại là biết mình còn sống, biết hẹn hò là biết mình còn yêu. Đừng bắt tôi từ biệt. Vì tôi còn chất đầy tiếng nói. Tôi đã bao giờ muốn chết… Tôi còn muốn sống muốn sống. Thực hiện rừng danh từ của chúng tôi.
Thơ tình của anh Tâm không ca tụng trơn tru tình yêu, cũng không than khóc thụ động ủ dột tình ái, anh tìm mọi cách bảo vệ chúng, ngay giữa những thời khắc tuyệt vọng nhất. Anh sợ những cột đèn đổ xuống. Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta. Bóp chết mọi hy vọng. Nên anh dìu em đi xa… Sao tuổi trẻ quá buồn. Như con mắt giận dữ. Sao tuổi trẻ quá buồn. Sao tuổi trẻ quá buồn như bàn ghế không bầy.
Khi anh chị định cư tại Mỹ, thì bạn bè gần xa lại không còn được đọc thơ của anh nữa, Khóa có hỏi anh về chuyện "vắng thơ" này trong tuyển tập La part d’exil, anh trả lời : "Gần đây, tôi không làm thơ nữa, nếu người ta ngủ cùng giường với thời sự qua những chuyện tức khắc hằng ngày, sinh lực sẽ mòn, trí tuệ sẽ bị ao tù. Thơ như những nghệ thuật khác, cần không khí trong lành, cần nội lực trong sạch, cần não trạng trong sáng… Chuyện bỗng dưng không làm thơ nữa đã xẩy ra với tôi trước năm 1960. Thời điểm mà tôi bị khủng hoảng nhưng bằng sự sáng suốt giữa cơn điên, lúc đó tôi loại thơ ra khỏi tôi một cách ý thức và rất lạnh lùng, coi thơ như một loại rễ lạ bám vào thân mình, cứ tự hỏi : Tại sao thơ ? Tại sao phải làm thơ ? Tại sao làm thơ giữa thời buổi này ? Tại sao phải chính tôi làm thơ thời buổi này ? Những câu hỏi ngu ngốc đó có sức sáng suốt của nó, nó đánh thức tôi đừng sống bằng ảo tưởng, trong thời gian như vậy tôi sống trong cái điên sáng suốt của mình".
Khóa vẫn tiếp tục suy nghĩ về câu trả lời này, sự yên lặng không phổ biến thơ của anh không phải là chuyện anh ngừng hẳn suy nghĩ và suy ngẫm về thơ. Tôi vẫn sống thiệt thà dù không còn hình ảnh. Dù không còn âm thanh. Khóa tin chắc một điều là anh không hề ngừng suy nghĩ về đời, về thơ. Sự câm lặng này của thơ chống lại cái ồn ào của ngôn ngữ, yên lặng không phải là yên bặt, trí lực thơ vẫn đột nhập vào lòng người, đưa nhân phẩm lên hàng đầu, thơ đã đặt tình người vào một cơn lốc xoáy khác, đặc thù hơn, nơi mà nhạc của thơ đã nhập nội cùng sự lặng thinh của chữ, để lý trí được lẳng lặng sống trọn cho chính mình. Chuyện lý trí vẫn là chuyện cốt, gốc, rễ trong thơ của anh, chuyện này đã có mặt trong bài Lệ đá xanh : Tôi biết những người khóc lẻ loi. Không nguôi một phút. Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình... Chuyện thể hiện ra ngoài bằng ngôn ngữ không còn chỗ đứng tuyệt đối với thi sĩ như anh Tâm chỉ cần giữ cái nguồn, cái cội, cái mạch của trí tính, vừa lặng, vừa mạnh. Câm giọng không phải là nín lời.
Duy Trác hát Dạ tâm khúc - thơ Thanh Tâm Tuyền - Phạm Đình Chương phổ nhạc
Đêm lắng của thơ không phải cái câm trắng của ngày, Khóa thấy rõ chuyện này qua bài Đêm ; những người đi trong đêm, xuyên chiến tranh, thấu rõ mọi đổ vỡ, họ có "sức thấy" của họ mà người khác không có, vì họ đi nhiều, sống nhiều và suy nghĩ nhiều chị à. Những đêm nào chiến tranh đã qua. Con mắt đen niềm im lặng. Anh vẫn đi hoài trong thành phố. Cô đơn. T. Mann khi bỏ đất nước Đức thân yêu mình ra đi, đã trách đồng bào mình là : "regarder sans voir", nhìn mà không thấy, nhìn và sống với Đức Quốc xã từ lâu, hàng ngày mà không thấy chúng là bọn sát nhân. Anh Tâm thấy được thật rõ nhiều chuyện tai ương của đất nước, thảm họa của dân tộc mà ít người thấy được. Hình ảnh tự do đổ vỡ… Các con ơi cha anh chết đều chưa đầy tuổi ba mươi. Đồng bào mình lạc lõng ngay trên đất nước mình, lạc đường giữa nhân sinh, lạc loài giữa đồng loại. Bầu trời nắng như màu bơ vơ, nắng nhiệt đới xéo bàn tay run rẩy.
Thuở sinh thời những lúc bàn bạc về "thơ gần ta, thơ xa ta", Khóa thấy anh rất gần với R. Char : "Souvent je ne parle que pour toi afin que la terre m’oublie" ; thường thì anh chỉ nói vì em để trái đất này quên hẳn anh đi, anh Tâm có cách nhìn tình yêu của riêng anh : …Sẽ chết như sao rơi vào bất tận. Sẽ yêu như giọt nước hân hoan... Khóa có kể cho anh về P. Valery, ông tự xem mỗi bài thơ là một cơn bão của tư tưởng : "Il me semble voir la figure une pensée pour la première fois placée dans notre espace ", mỗi bài thơ mang một khuôn mặt mà hình như lần đầu tôi thấy được tư tưởng được đặt giữa không gian của chúng ta. Khóa nhắc là anh cũng có cách nói của anh : …Cho đi hoang làm cơn lốc bi thảm. Cuốn ngay chính mình chết theo không gian... Anh Tâm rất tránh các thi sĩ suốt ngày "đẽo chữ" cho đẹp, anh thích gần các thi sĩ "đào sâu từng chữ", sự thật không phải là chuyện đẽo đục, mà là chuyện đào để tìm, sâu cùng vực, đắm cùng hoạ, để thấy rõ kiếp người, chữ ghẻ lạnh của riêng anh Tâm ra từ đáy vực chị à. Trưa nắng cháy. Vào sâu trong ghẻ lạnh. Với máu trong tim. Chảy nhanh như máy móc đau ốm.
Thấy rõ hoang tàn, nhìn rõ tuyệt vọng, chủ thể thất bại nhưng nhân sinh không thảm bại, nhìn thấy được vực để tránh nó, để sống ; đào sâu từng chữ để rèn cứng từng lời, không bầy biện biểu tượng, không phô trương luân lý, để giữ cho bền sức ý thức của tự do. Cả đời là sa mạc. Cả tôi là tự do. Chị ơi, tự do trong thơ anh luôn bị đe dọa, người ta yêu quý nó, nhưng đối với anh nó cũng là nơi của bao gẫy đổ qua thời cuộc, nó nói lên bao hữu hạn của kiếp người, với bao mất mát trước các tai ương của chiến tranh, làm tật nguyền tâm linh của nhân sinh. Làm người cách nào thì trọn vẹn khi đã mất lòng tin ? Nhưng bất cứ giá nào cũng phải ôm ấp cho bằng được chủ thể tự do. Anh ôm ghì sự bất lực đói khát, mũi dao nhọn giữa lòng tin. Trong thơ của anh chữ tự do có lịch sử riêng của nó vì không hiểu tự do làm sao hiểu được tình yêu.
Người ta chỉ yêu khi tự do. Đây cũng là cuộc đối đầu giữa cái ác và cái nhân, trong thơ của anh con người phải đi qua đêm để thấy một loại ánh sáng mới đứng giữa lòng đêm, rồi cùng nhau lấy chung một quyết định chém đầu chuyện cúi đầu, nếu lấy thời điểm 1975 làm con mốc cho chuyện biến thiên của người Việt, thì hai mươi năm trước là chuyện di cư : "Tôi chờ đợi. Lớn lên cùng giông bão. Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai. Tìm cẳng tay nước biển. Con ngựa buồn. Lửa trốn con ngươi…". Rồi gần hai mươi năm sau là chuyện di tản : "Rũ bỏ ký ức- ký ức người… Nuốt trọng điếm nhục… Và đi… Biết trí nhớ khuất ngoài tích sự…".
Thơ anh gom được sử đời, rồi sẵn sàng cõng nó trên lưng và đi. Anh trực diện với lịch sử, bạn bè thân của anh kể cho Khóa nghe là năm 1954 giữa đợt di cư, anh còn lấy chuyến bay cuối cùng để trở lại Hà Nội nhắn gởi gần xa hãy thận trọng với chế độ độc tài mới. Rồi giữa dòng người di tản trước ngày 30 tháng tư, có bạn bè gặp anh và hỏi : "Nên đi hay nên ở ?", anh trả lời : "Đất nước của mình, mình ở, không đi, ở và chấp nhận cái giá ở lại này !".
Anh cũng chấp nhận cái thử thách lớn nhất của thi ca trong cuộc đời làm thơ của mình, đó là chuyện thấy được cái chung của nhân sinh nằm trong sinh lực chỉ của một chủ thể, chủ thể không phải là một người riêng rẽ, chủ thể là nơi hội tụ của mọi biến cố mà nhân loại có thể chưa biết, nhưng qua chủ thể này các biến cố giờ đã được xếp thành biến cuộc mà con người có thể hiểu được qua thi ca, thơ khung lại biến loạn, thơ rào lại biến tâm, rồi đi tìm nghĩa sống mới cho nhân loại. Triết gia G. Deleuze, cùng thế hệ với anh nhận rõ được điều này : "Un seul et même Océan pour tous les gouttes, une seule clameur de l’être pour tous les étants".
Chỉ một và cùng đại dương cho mọi hạt nước, chỉ một cuộc bùng nổ của một chủ thể cho mọi người, bùng nổ rồi gẫy đổ, chủ thể này chấp nhận rơi vào cô đơn, đi từ chuyện thất bại này qua chuyện thua cuộc khác, để thơ tự lột được vỏ bề ngoài của mình, và thơ sẽ trao nội chất của nó cho chủ thể, như vậy nhân sinh sẽ cứng cáp hơn, nhân loại sẽ chịu đựng bền bỉ hơn trong nhân thế hỗn loạn chị à. Không sợ cái tàn nhẫn, vì lửa hẹn vẫn hôn gót chân, vì con người vẫn ham muốn chuyện hẹn hò, bất chấp chiến tranh. Em hoàng hôn trút áo. Ngực gọi đêm về. Vì còn đồi đá sỏi. Cần lửa hôn gót chân… Sao vỡ trên môi.
Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Cường, Lê Hữu Khóa
Một đêm hè năm 1978, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Đinh Cường và Khóa quyết định ghé thăm Bùi Giáng, cũng cùng khu Bà Chiểu của anh chị. Hôm sau, Khóa kể cho anh nghe những suy nghĩ của Khóa về thi sĩ này, anh phân tích nửa đùa, nửa thật, nhưng thật sâu : "Bùi Giáng nó bậy lắm, nó chọn một con đường để đi riêng, bất chấp mọi thời cuộc, bất chấp mọi hoàn cảnh, tuyệt đối hóa thơ, để chung thủy trọn vẹn với thơ, không ai làm được, vì không ai theo kịp…". Những lời trần tình này cũng là những lời chân tình nhất mà chỉ thấy được ở anh Tâm ; những giờ được sống và tâm sự với anh không bao giờ Khóa quên, nói theo cách của Bùi Giáng anh là người hiếm hoi trong cuộc sống biến được sơ ngộ thành hạnh ngộ, mà kẻ được hưởng như Khóa chỉ mong ngày hội ngộ.
Gần gũi tâm sự với anh, Khóa biết thêm anh có cách nuôi hy vọng riêng cho mình, anh rất sáng suốt khi bình câu "l’espoir pour rien" của R. Char, hy vọng chẳng để làm gì ; anh cũng hiểu lời dặn của Héraclite : "L’homme qui ne s’abandonne pas à l’espoir n’atteindra jamais l’inespéré". Người mà không bỏ rơi hy vọng sẽ không tìm tới được sự vô vọng. Trong tuyển tập La part d’exil, anh kể cho bạn đọc tiếng Pháp nghe được về nỗi thất vọng của anh, anh biến trí tuệ mình thành cấm địa, loại ra khỏi mình những quan hệ xã hội không đâu, tạo điều kiện cho sự trở lại bất chợt và lạ lùng của thơ. Anh còn tâm sự mỗi lần thơ trở lại, giữa cảnh tù đày cải tạo, anh thấy được hạnh phúc, có khi thấy hơi mắc cỡ, anh viết chữ pháp "timide", rồi giấu những bài thơ đó như hồi còn trẻ, như giấu cái vui sướng thật riêng tư. Hoang vu lời thơ ai heo hút cùng cỏ cây heo hút. Dẫn đưa anh về tận nẻo nguồn chốn bình minh lẩn lút. Biết tìm cho mình nẻo nguồn chốn bình minh lẩn lút là biết sống. Có những thi sĩ mỗi ngày đều làm thơ nhưng không có chỗ riêng tư để bảo vệ thơ mình, nhiều khi thơ của họ không có chỗ để dung thân, anh tự dặn mình tạo chỗ nương thân cho thơ. Không khí nhiễm độc. Đập vỡ. Quá khứ hỗn xược trên da trống.
Cái khó hằng ngày là nuôi hy vọng của mình ngay trong địa ngục trước mắt, mà đạo Phật đã phạm trù hóa được, rồi đặt tên cho nó là : địa ngục điện tiền, nhớ lại bài Đêm đông ở K2 Tân Lập : "…Còn qua bao cửa ngục ? Đây quê mình quê người ?...", địa ngục cải tạo loang như vết dầu trùm phủ cả quê hương, rồi người Việt không còn nhận ra đất nước của mình nữa. Nếu cái ác mang con người ra để "đấu giá" thì nhân tính sẽ thất bại, nhân sinh sẽ chết ngộp, nhân tình hấp hối giữa đời. Giọt sáng rơi kiệt cùng cõi hư. Không gian tối tăm này, cũng được anh đặt tên là : miền khuyết sử, anh phân tích rõ ý mình : "Sự thật… sự thật như rắn rết, chuột bọ, ếch nhái, như rau cỏ, quả rừng được ăn nuốt vội vàng bất chấp mọi phép tắc. Bố đã nhai nghiến trệu trạo bằng hai hàm răng đau nhức với sự thực lượm trên đường…". Đây là đoạn trong Ba bài sinh nhật con gái, anh giải thích phạm trù tự do cho đứa con gái thân yêu của anh chị ; người cha này thương con mình thật đầy đủ, thật trọn vẹn chị à.
Trong thơ của anh, chủ thể đi hoang để tự cứu mình, vì môi trường sống đã thành môi trường chết, ngày mình sinh ra đời là ngày mình đi lạc trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn này, ngày sinh nhật của anh trong trại cải tạo là ngày đất đã không giữ được người, trong bài Sinh nhật trên đồi, anh thổ lộ : "…Hắn tự chôn theo gió cuối trời". Anh biết rất rõ thơ của L. Milosz "Les morts les morts sont au fond moins mort que moi…", những người đã chết nhiều khi ít chết hơn tôi, nhưng anh không phải ông ta, anh thấy được lối ra của nhân sinh giữa vũ trụ sang mùa, lối thoát của nhân loại đi tìm một loại ánh sáng mới bằng tự do của quyền làm người, tự mình tìm lối đi cho chính mình, không để cái chết tự do độc thoại. Trong bài Vang vang trời vào xuân, giữa trại tù cải tạo anh thấy được mùa xuân đang dẫm trên vai cái ác, đang vượt trên đầu cái vô nhân, đi tìm ánh sáng mới giữa mùa xuân mới để đào sâu hơn ý nghĩa -và ý định- của tự do. Vang vang trời vào xuân. Ta bật kêu mừng rỡ. Ôi bạn bè xa xăm. Tim ta cũng cháy đỏ. Rừng thẳm bóng trăng ngàn.
Những năm Khóa sống tại Paris, mỗi năm đều đón và nói chuyện với nhạc sĩ Cung Tiến, Khóa được biết những bài này làm trong các trại cải tạo, anh Tâm ký bút hiệu là Trần Kha. Những năm đó, các bạn bè thường hỏi tin của anh, vì không có dịp về thăm đất nước để trực tiếp gặp anh, Khóa có kể (hai) cho các bạn nghe hai câu chuyện về anh mỗi lần Khóa được gặp anh. Chuyện thứ nhất là anh làm việc nhiều vì suy nghĩ nhiều, anh vừa làm thơ tiếng Việt, anh vừa làm thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp những bài thơ này rất hay, ít người biết. Chuyện thứ nhì là năm tháng anh từ "tù cải tạo" ra, mỗi lần chia tay nhau, anh có một câu nói thật hay và thật buồn : "Thôi chào Khóa, cho tôi gởi lời hỏi thăm tất cả những người mà Khóa biết và tôi biết". Khóa có tâm sự với họa sĩ Lê Tài Điển đây là một câu buồn của một thi sĩ tiên tri, tại sao vậy ? Vì những ngày mà bạn bè tất cả đầy đủ với nhau chắc sẽ hiếm đi, coi như không còn thực hiện được. Anh nói ra được những câu như vậy, vì anh sống thật với câu chữ của mình, chuyện này làm Khóa nhớ lại nỗi băn khoăn của anh không biết bao giờ gặp lại được các bạn hữu của nhóm Sáng Tạo đang sống ở trời Tây.
Lần cuối gặp anh tại Sài Gòn năm 1987, chế độ mới cho in lại các bài thơ của Nguyễn Bính thời Thơ Mới, anh Tâm trao lên tay Khóa, dặn là Khóa về Pháp trao lại tận tay hoạ sĩ Thái Tuấn, ngày Khóa trao tập thơ này tận tay bác Thái Tuấn, Khóa thấy nước mắt bác rơi. Thơ của anh Tâm là thơ tự do, tự đào trong chữ, tự thoát trong câu, tìm nhạc tính cho riêng mình không bị lệ thuộc vào thói quen của vần điệu nhân gian, anh bơi ngược dòng với thơ của Nguyễn Bính đầy vần điệu ca dao, đầy nhạc tính dân ca, vậy mà anh rất quý trọng Nguyễn Bính và biết rõ là người bạn của mình hoạ sĩ Thái Tuấn rất thích Nguyễn Bính ; Khóa học được bài học trao tận tay này của anh.
Anh còn có hai "độc chiêu" khác (đây là cách nói đùa giữa bạn bè với nhau) mà hiếm thi sĩ nào có được. "Độc chiêu thứ nhất", anh tìm được những bài thơ tiên tri của các thi sĩ ít người biết tới, đã báo động được rất sớm tương lai mịt mù của Việt tộc, giữa chiến khu Việt Minh thời chống thực dân Pháp anh kể về một bài thơ của M.V.Kháng trong đó có câu : "Đã thấy bên sông màu thuyền thợ", bài thơ này đã tiên tri được một viễn ảnh tối đen của đất nước một ngày mà người cộng sản nắm chính quyền sẽ dùng luận điệu của giai cấp công nhân, đó cũng sẽ là ngày tàn của trí thức, của văn nghệ sĩ muốn tự do sáng tác. "Độc chiêu thứ nhì", có những thi sĩ anh không thích, nhưng anh biết lấy từ họ ra những bài thơ hay, có ý nghĩa, đó là trường hợp của Lưu Trọng Lư, anh thường đọc cho Tô Thùy Yên và Khóa nghe những câu : "Đêm hôm ấy rượu nàng ta chẳng uống, từ sau thề chẳng uống rượu ai…".
Có người cứ trách anh là "một thi sĩ khó tính", riêng Khóa thấy anh là "một thi sĩ kỹ tính", vì anh biết kỹ trí để kỹ tâm. Khóa chưa kể chuyện này với ai : mỗi lần chia tay nhau, Khóa về lại Pháp, anh nói rất ít, ngồi thật yên trong một góc phòng bóng tối nhiều hơn ánh sáng, rồi anh làm thơ bằng tiếng pháp, bài thơ cuối cùng được anh tặng mà câu đầu và câu cuối là : "Ah ! Il doit faire beau dans ce pays-là", Ha ! Trời phải đẹp ở xứ kia kìa ; giữa đất tù của mình, chủ thể vẫn tìm ra được các chân trời lạ để thấy và để sáng tác chị à. Đau như thú dữ cháy rừng. Ta đập vỡ hình hài và thức giấc.
Lê Hữu Khóa
22/03/2021