Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/04/2021

Fake news về Trịnh Công Sơn xuất hiện ngay sau 30/4/1975

Hiền Vương - Hiếu Bá Linh

Đây là một nhạc sĩ có thể tài hoa, nhưng xem ra ít nhiều sẵn sàng cúi đầu

tcs1

Mới đây trang Việt Nam Thời Báo có bàn về Trịnh Công Sơn trong bối cảnh của Sài Gòn sau tháng tư, 1975 (*).

Đó là câu chuyện quanh bức ảnh được nghi vấn rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang đóng vai trò của kẻ đấu tố.

Thế nhưng có một sự thật là không ít người trung niên hôm nay đã nhìn lại về những ca khúc của Trịnh Công Sơn, và họ đã cho rằng đây là một nhạc sĩ có thể tài hoa, nhưng xem ra ít nhiều sẵn sàng cúi đầu.

Xin trích một số ý kiến.

Một cõi đi về - nhạc Trịnh Công Sơn – tiếng hát Hồng Nhung

 

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn : "Hồi thanh niên thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là Ca khúc da vàng của ông. Những bài hát Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người, Đàn bò vào thành phố, Bà mẹ Ô Lý… khi đó với tôi là cực hay bởi tôi có một tuổi thơ ám ảnh đạn bom nên nhìn thấy cái không khí chiến tranh trong những ca từ đó.

Hồi đó các bài tình ca của ông tôi cũng thích như Tình nhớ, Như cánh vạc bay… Sau này già dần đi, càng đọc nhiều sách thì những giai điệu tình ca đó như bỗng sáo mòn, nhất là những bài giả thiền, giả triết lý, nghe tào lao không chịu nổi !

Lại không nghe nhạc Trịnh Công Sơn nữa… Giờ thỉnh thoảng vẫn nghe Phạm Duy, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương… nhưng không thấy ‘ghiền’ như xưa !".

Cựu sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, bà Thùy Vân cảm nhận : "Thời gian qua, tuổi lớn rồi, bình an nhìn lại sự trải nghiệm những ngày sống thời Việt Nam Cộng Hòa và bây giờ, nhớ lại vành khăn sô Huế – Mậu Thân, đau cùng bao người vợ có chồng đi vào nơi rừng sâu núi thẳm để ‘cải tạo’, buồn cùng bao gia đình tan nát vì là tư sản mại bản… tôi đã không còn cảm nhận nổi những gì viết ra từ một người có thể coi là nhân vật lịch sử (dù muốn dù không).

Nối vòng tay lớn để làm gì ? Bao nhiêu người từ Bắc tới Nam ngã xuống để làm gì ? Mẹ Việt Nam đong đưa võng buồn bao nhiêu năm, gia tài còn gì ?

Tình yêu từ những câu từ của Trịnh ngày xưa sâu sắc là thế, cao siêu là thế, bỗng trở nên sáo rỗng vô nghĩa khi nhìn xuyên thấu mà không ngộ ra điều gì. Có thể là chủ quan, nhưng thật tình, tôi không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhạc Trịnh được nữa. Bởi nó không nâng thêm cho tôi một giá trị nào. Không cộng thêm yêu thương nào nữa với tha nhân, tự hào nào nữa với tổ quốc.

Tôi già rồi sao ? Không đâu, tôi vẫn xúc cảm với nhạc Phạm Duy, nhạc Vũ Thành An… Vẫn còn rung động với thơ Hoàng Lộc, thơ Nguyễn Phúc Sông Hương…

Có lẽ là do ông ấy những ngày cuối đời không nói ra được những điều tử tế ? không đủ dũng cảm nhận mình sai chăng ? Tôi đã để chính kiến xen vào cảm thụ nghệ thuật, hay Trịnh đã để thân phận mình giết chết bao nhiêu trái tim đã đau từng giai điệu của ông ?".

Tháng tư và thân phận.

Công bằng mà nói, thật ra thì Trịnh Công Sơn đã kêu gào, phẫn nộ về thời cuộc. Chiến tranh không còn từ xa vọng về như những ngày đầu, nó ở trước mắt : 

Xác người nằm trôi song

phơi trên ruộng đồng

trên nóc nhà thành phố

trên những đường quanh co.

Cùng với cuộc chiến càng ngày càng dữ dội, tiếng kêu gào của Sơn càng ngày càng thảm thiết. Ông nói đến những em bé lõa lồ, suốt đời lang thang, đến những xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa, đến những trái mìn nổ chậm, người chết hai lần. Chiến tranh trở thành khốc liệt, tang tóc đổ xuống dân tộc kinh hoàngTừng vạn chiếc xe, claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương, có mẹ có em.

Trịnh Công Sơn của chiến tranh trở thành một người dở điên, dở dại, thất thểu, chiều đi trên đồi cao, hát trên những xác người. Hình ảnh bi thảm, ma quái. Một thi sĩ thất thểu trên bãi dâu, hát bên những xác người. Đi trên đồi cao, bên cạnh xác người là một hình ảnh bi thảm, nhưng hát bên những xác người, hình ảnh mang thêm một cái gì ma quái, điên dại. Bi đát như chiến tranh với những con ngựa hý điên cuồng trong tác phẩm Guernica của Picasso.

Thế nhưng sau tháng tư, 1975, người ta lại thấy một Trịnh Công Sơn khác hẳn. Nhiều người trách cái ngây thơ chính trị của Trịnh Công Sơn. Nhưng cái ngây thơ chính trị của nghệ sĩ, của trí thức là chuyện rất phổ thông. Chỉ cần nêu trường họp Jean-Paul Sartre, suốt đời hô hào ủng hộ cách mạng vô sản, nhắm mắt trước cái dã man, chà đạp nhân quyền trong những trại cải tạo.

Chiến tranh, chính trị phức tạp hơn là tình cảm của nghệ sĩ. Và điều này xem ra vẫn còn đúng đến tận hôm nay khi liên tưởng đến những cáo buộc quen thuộc của "lợi dụng tự do dân chủ" ở các điều luật 117, 331 của Bộ luật Hình sự.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 07/04/2021

*******************

(*) Sự thật về một bức ảnh "tố cáo" Trịnh Công Sơn

Hiếu Bá Linh, VNTB, 03/04/2021 

Một bức ảnh lan truyền trên mạng đã từ rất lâu và cứ được lập đi lập lại mỗi khi có dịp hoặc đến ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người đàn ông đứng trên bục cao được cho là Trịnh Công Sơn đang "đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’".

tcs2

Nguồn gốc là xuất phát từ bài báo đề tựa "Trịnh Công Sơn, một thần tượng sụp đổ…" đăng trên tờ Trắng Đen hồi tháng 9 năm 1975. Bức ảnh của bài báo được chú thích như sau : "Đồng bào Sàigòn bắt đầu ghê tởm Trịnh Công Sơn từ sau buổi anh lên đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’ ([theo tin của tờ] Washington Post tháng 9 năm 1975)".

Nhưng thật ra, tờ Washington Post không những không có bài báo nào như thế, mà cũng chưa bao giờ đăng bức ảnh này.

Sự thật là bài báo tiếng Mỹ và bức ảnh (phóng lớn hình bị cáo) được đăng trên được đăng trên tờ The Lewiston Daily Sun – ngày 6 tháng 6 năm 1975Nội dung bài báo ghi rõ : "Trên một bục cao ngay phía sau bị cáo Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết : Tử hình ".

Như vậy, người đàn ông đứng trên bục cao phải là một cán bộ có thẩm quyền kết tội và tuyên án tử hình, do đó người đó không thể nào là Trịnh Công Sơn được.

Hơn nữa, toàn bộ nội dung bài báo (xem bản dịch phía dưới) không hề có "đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn" được đăng trên tờ The Lewiston Daily Sun – ngày 6 tháng 6 năm 1975

Ngoài ra ảnh gốc là ở đây với chú thích có nội dung tương tự như trên.

tcs3

https://www.gettyimages.at/detail/nachrichtenfoto/war-and-conflict-the-vietnam-war-pic-june-1975-nguyen-nachrichtenfoto/80751629

Đặc biệt, một số người quen biết Trịnh Công Sơn cho biết, ông không bao giờ mặc áo sơ mi ngắn tay. Có nhiều ảnh chụp nhưng không hề thấy có một ảnh nào Trịnh Công Sơn mặc áo sơ mi ngắn tay.

[Chú thích ảnh]

tcs4

Sau đây là bản dịch bài báo trên tờ The Lewiston Daily Sun – số ra ngày 6 tháng 6 năm 1975:

Thường dân sắp sửa bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời xử tử

Nguyen Tu Sang bị còng tay bị tòa án nhân dân xét xử và kết án tử hình vì ném lựu đạn vào các dân phòng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và xử tử vào ngày 29 tháng 5 tại Sài Gòn. Hình ảnh này có ở Bangkok, Thái Lan vào thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975]. (AP Wirephoto)

Chánh phủ Cách mạng Lâm thời thi hành án tử hình tại Sài Gòn

Chú thích của Ban biên tập : Bài tường thuật dưới đây được mang tay từ Saigon tới Bangkok, Thái Lan, hôm thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975].

SAIGON (AP) – Họ đến xem một "Tòa án nhân dân" của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời (PRG) mới.

Có tới hơn 1000 người đến dự khán. Họ tụ tập hồi tuần trước trên đường Công Lý gần cầu McNamara Bridge, cây cầu được người Mỹ gọi theo tên cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, vì một âm mưu ám sát ông trong khoảng những năm đầu thập niên 1960 khi chất nổ được gài trên cây cầu nằm trong lộ trình của ông.

Nguyen Tu Sang, 23 tuổi, con của một người thợ mộc, đã bị buộc các tội ném lựu đạn vào các dân phòng của Chánh phủ CM lâm thời, tội đã tham gia bốn ngành khác nhau của quân đội Sài Gòn cũ, và là kẻ gây rối tại khu phố của mình.

Hai biểu ngữ treo trên một dãy bàn xếp liền nhau ngang qua mặt đường. Một tấm biểu ngữ viết : "Tòa án Nhân dân Phường Yên Đổ". Tấm kia viết "Cương quyết trừng trị bọn phá rối trật tự an ninh để đảm bảo tài sản sinh-mạng cho nhân dân".

Phiên tòa có sự chứng kiến của cha mẹ Sang. Đám đông đứng đối diện một ngôi chùa. Sang đứng thẳng trên một chiếc ghế gỗ mà không thấy có cảm xúc gì, hai tay bị còng ra phía trước. Đứng bên phải anh ta là những binh sĩ của PRG, một trong số họ cầm khẩu súng AK47 với lưỡi lê chĩa vào anh ta. Trên một bục cao ngay phía sau Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết : tử hình.

Sang được dẫn vào một con hẻm gần đó, nơi anh ta được ra lệnh quay mặt vào một bức tường. Anh bị bắn chết bằng một khẩu súng lục có một bộ phận giảm thanh. Các nhân chứng cho biết có ba phát đạn đã được bắn. Một phát vào đầu Sang và hai phát vào lưng. Một xe cứu thương đã mang xác anh ta đi. Các nhân chứng cho biết ngay trước khi bị hành quyết Sang đã bình tĩnh, và hút một điếu thuốc. Anh ta chỉ suy sụp và khóc khi nhìn thấy mẹ tiến lại gần trong nước mắt.

Hiếu Bá Linh

Nguồn : VNTB, 03/04/2021

Ghi chú :

Những chữ trong ngoặc vuông […] là chú thích của tác giả bài này.

Tham khảo :

https://www.gettyimages.at/detail/nachrichtenfoto/war-and-conflict-the-vietnam-war-pic-june-1975-nguyen-nachrichtenfoto/80751629

https://news.google.com/newspapers?nid=IT5EXw6i2GUC&dat=19750605&printsec=frontpage&hl=en

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Vương, Hiếu Bá Linh
Read 1190 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)