Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn nửa thế kỷ trước, khi viết "Gia tài của mẹ", chắc hẳn Trịnh Công Sơn chưa biết trong di sản của "Mẹ Việt Nam" để lại còn có… "một lũ" mà sự ngạo mạn, độc đoán sẽ vượt xa tiền nhân, hơn hẳn anh em, đồng bào.

Không ai cấm nổi "Gia tài Mẹ" để lại cho con cháu ! Sự thật lịch sử là "Mẹ Việt Nam" đã để lại một "Nước Việt Buồn" – "một lũ lai căng". Sự thật đáng tiếc ấy, đang trở thành "di sản" của dân Đông Lào, khiến cả Việt tộc, lâu lâu lại lên những "cơn co giật tập thể", một dạng "sang chấn thần kinh" chưa tìm được thuốc chữa. (TĐA)

giatai1

Tác phẩm Từ khi trăng là nguyệt

Cuối tuần qua, Đại diện Sở Văn – Thể – Du tỉnh Lâm Đồng đã xử lý đối với việc Ban tổ chức "sơ suất" để cho danh ca Khánh Ly hát một bài trong "Gia tài Mẹ" không nằm trong danh mục cho phép. Sở đã mời Giám đốc Công ty Mây Lang Thang, đơn vị tổ chức đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" lên làm việc và đã xử lý bằng hình thức cảnh cáo ! Vậy là, "tội" của Ban tổ chức ở đây là đã cho biểu diễn một ca khúc trong "Gia tài Mẹ" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nằm trong danh mục cho phép hôm 25/6 tại Đà Lạt, chứ không phải là "tội", vì đã cho biểu diễn bài hát nổi tiếng của một nhạc sĩ thiên tài, nhưng lại bị trong nước cấm. Không một ai có thể cấm nổi bài hát ấy ! Không ai đủ uy quyền để cấm nói về "Gia tài Mẹ" để lại cho con cháu ! Sự thật lịch sử là "Mẹ Việt Nam" đã để lại một "Nước Việt Buồn" – "một lũ lai căng". Sự thật đáng tiếc ấy, đã trở thành "di sản" của dân Đông Lào, đang khiến cả Việt tộc, lâu lâu lại lên những "cơn co giật tập thể", một dạng "sang chấn thấn kinh" chưa tìm được thuốc chữa.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi viết "Gia tài của mẹ", chắc hẳn Trịnh Công Sơn chưa biết trong di sản của "Mẹ Việt Nam" để lại còn có… "một lũ" mà sự ngạo mạn, độc đoán sẽ vượt xa tiền nhân, hơn hẳn anh em, đồng bào. Sự ngạo mạn, độc đoán ấy khiến não trạng của "lũ" này đặc biệt nhạy cảm, y học cũng đành chịu bó tay. Người Việt đành chấp nhận chuyện "lũ" này… "tự ngứa" và chúng buộc toàn dân Đông Lào phải cùng gãi theo, bất kể anh em, đồng bào, đồng chí có ngứa hay không ! Paragraph kết của bài viết trên "Blog Trân Văn" thật chí lý chí tình, khẳng định bài học để đời cho ngành Văn – Thể – Du. Vấn đề là họ có chịu học hay không ? Học xong liệu có tìm được thuốc chữa không, hay đành để bị "handicapped" suốt cả một đời ?

Mà đừng nghĩ đơn giản là đội quân "Tuyên giáo" chỉ hành mỗi dân đen thôi đâu nhé ! Kể cả "Tể tướng của Triều đình", nếu chạm vào nọc độc của họ, họ cũng ngay lập tức dãy lên đành đạch, phản ứng quyết liệt, kiểu "đồng loạt ra quân". Còn nhớ thời Nguyễn Khoa Điểm còn làm Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, đã chỉ thị "miệng" cho Tổng Biên tập một tờ báo của Bộ Ngoại giao, đang nửa đêm, phải vào tận Nhà in, rút bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt định đăng trên số Tết, cổ súy cho hòa hợp và hòa giải dân tộc. Ông Sáu Dân đã phải nổi xung, chất vấn lại ông Khoa Điềm : "Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng ! Đây là một cách làm không minh bạch, gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng".

giatai2

Phan Ni Tấn, Lưu Quang Vũ, Trịnh Công Sơn – Tranh minh họa

Ôi chao, "cơn sang chấn" không tha cho cả cựu Thủ tướng "vượt rào". Nói chi đến một Phan Ni Tấn 24 tuổi viết trên "Bài hát Học trò" năm 1972, tại Sài Gòn. Mỗi chữ, mỗi câu trong bài thơ của chàng trai trẻ tứa máu bi kịch thời đại : "Chiến tranh và thân phận người Việt". Kể cũng "lạ", báo chí của Việt Nam Cộng Hòa dân chủ "kém gấp vạn lần báo chí" của ta vẫn vô tư cho đăng bài thơ ấy ! Hãy cùng nhau đọc thật chậm và lắng ngân một đoạn của bài thơ – Lưu Trọng Văn khuyên chúng ta như thế : 

"Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến

Một trăm năm Pháp thuộc

hai mươi năm đọa đày

Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du

Kính thưa thầy, đây là quyển vở của con

suốt một năm không hề có chữ

con để dành ép khô những giòng nước mắt".

Lưu Trọng Văn muốn bó lại "những vết thương rách nát" ấy, anh nhắc lại những gì mà Trịnh Công Sơn, Phan Ni Tấn, Lưu Quang Vũ đã từng viết 50 năm trước đây thế mà cho đến hôm nay vẫn còn làm thời đại giật mình. Sao con tàu thời đại "bất nhẫn" với Việt tộc đến nhường ấy ? Sao nó cứ rì rì lê lết trên đường ray nhấp nhổm thế này ?

Thì mới đây thôi, chiều 29/6/2022, tại Hội nghị bàn về người Việt Nam ở nước ngoài, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương cần quan tâm đến người Việt ở nước ngoài hơn nữa. Cụ thể, khi xây dựng và triển khai các chính sách, quy định thì cần thực hiện sao cho mang lại lợi ích và tạo thuận lợi cho bà con Việt Nam ở nước ngoài. Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị phải vận dụng linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc các chủ trương, chính sách nhằm thể hiện sự quan tâm đến người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng, các chính sách của Bộ Chính trị (Nghị quyết 36 về Công tác Kiều vận) đã thất bại hoàn toàn trong việc thu phục nhân tâm người Việt hải ngoại. Ông Vũ Đức Khanh phân tích : "Bộ Chính trị đã phải chấp nhận một thực tế phũ phàng rằng, Nghị quyết 36 đã thất bại hoàn toàn trong việc thu phục nhân tâm người Việt hải ngoại. Việc vận động người Việt hải ngoại về thăm quê hương, sinh sống, làm việc, đóng góp và cống hiến cho đất nước chẳng những không có kết quả như mong đợi, mà còn gây sự phản cảm của người Việt hải ngoại với chính quyền trong nước".

Vấn đề chính là ở chỗ, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa chịu nhìn nhận lịch sử Việt Nam trong thời kỳ 1945 – 1975 một cách khách quan. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố tình không chấp nhận rằng, đã từng có một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt không có cùng quan điểm chính trị với họ, và cũng đã từng có một cuộc nội chiến Nam – Bắc kéo dài trên 20 năm giữa những người Quốc gia và Cộng sản. Vẫn theo ông Vũ Đức Khanh, với tư tưởng độc tôn, độc quyền và không tôn trọng nhân quyền, Đảng cộng sản Việt Nam đã đi ngược lại tâm tư, nguyện vọng cũng như quyền lợi tối thượng của dân tộc. Nghị quyết 36 sẽ không bao giờ thành công vì đã loại bỏ một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt quốc gia tự do, không thực hiện đúng tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Trở lại câu chuyện Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các ban ngành phải quan tâm, tạo thuận lợi cho người Việt ở nước ngoài, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nêu một số điều mà theo ông, phía Việt Nam phải thay đổi để tận dụng được sự hỗ trợ của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước. Trong những điều nhà kinh tế học ấy khuyến nghị, vấn đề phải tạo ra một cơ chế để người Việt ở nước ngoài có tiếng nói trong việc giúp quốc gia phát triển cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài là nỗi ưu tư lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, chính quyền trong nước nên có một lộ trình rõ ràng để thay đổi thể chế chính trị hướng về một thể chế dân chủ. Đại đa số người Việt nước ngoài sống tại các nước dân chủ. Họ quen lối sống tự do. Muốn có một sự hợp tác đúng nghĩa với họ và nhận lại một sự tôn trọng từ họ, thì ít nhất chính quyền cộng sản phải đưa ra một lộ trình rõ ràng để hướng về một thể chế dân chủ và tự do. Còn nếu vẫn bám mô hình toàn trị, xứ Đông Lào này còn lâu mới hết những "cơn sang chấn thần kinh" như từ trước tới nay.

Trần Đông A

Nguồn : VOA, 05/07/2022

*********************

Những vết thương rách nát

Lưu Trọng Văn, 03/07/2022

Năm 1972 tại Sài Gòn, chàng trai 24 tuổi Phan Ni Tấn viết bài thơ "Bài hát Học trò" mà mỗi chữ, mỗi câu tứa ra từ bi kịch thời đại : Chiến tranh – Thân phận người Việt.

Hãy đọc thật chậm và lắng ngân :

Kính thưa thầy đây bài chính tả của con

bài chính tả viết về nước Mỹ

con viết hai lần sai chữ America

con viết hai lần sai chữ Communist

con viết hai lần sai chữ Liberty

làm sao được, làm sao được, bởi anh con vừa chết

Kính thưa thầy, đây bài luận triết của con

Một căn nhà và một trái phá

Một đám cưới hồng bên cạnh một đám ma

Một nếp sống tàn bên cạnh người no ấm

Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau

làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau

Kính thưa thầy đây là bài toán của con

Những đường cong đường thẳng đều có gài mìn

đường vào thành phố có bar, có Mỹ, có con gái học trò

đường vào làng có hầm hố cá nhân

đường vào đời có đao kiếm căm hờn

Con đã chứng minh nhiều lần

đường ngoằn ngoèo qua Mỹ, qua Paris thật ngắn

nhưng không thể nối liền Sài Gòn – Hà Nội

nhưng không thể nối liền thành phố với làng quê

Con không đậu tú tài để đi sĩ quan Đà Lạt

Con không đậu tú tài để làm bác sĩ kỹ sư

Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con

Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến

Một trăm năm Pháp thuộc

hai mươi năm đọa đày

Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du

Kính thưa thầy đây là quyển vở của con

suốt một năm không hề có chữ

con để dành ép khô những giòng nước mắt

của cha con, của mẹ con, của chị con, và của…

chính con

Phan Ni Tấn, 1972

Phan Ni Tấn – cái tên quá xa lại với đa số người Việt trong nước và đương nhiên quá xa lạ với những Vòng tay học trò hôm nay.

Phan Ni Tấn sinh năm 1948 tại Ban Mê Thuột. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1969. Tốt nghiệp Võ Bị Thủ Đức tháng 1/1970 và chính thức phục vụ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Pleiku năm 1971.

Tham gia Phong trào Du ca Ban Mê Thuột năm 1972. Sau sự kiện 30/4/1975, ông bị đi cải tạo tại Trại cải huấn Ban Mê Thuột. Vượt biên cuối tháng 11/1979 tới Thái Lan. Từ năm 1980 tới nay định cư tại Toronto, Canada.

Cũng năm 1972 ấy tại phố cổ Hà Nội, Lưu Quang Vũ giã từ vũ khí, lang thang kiếm sống và làm thơ. Cũng về cái bi kịch của Đất nước – Chiến tranh và Thân phận người Việt.

Thơ "Bài ca Học trò" của Phan Ni Tấn khi làm ra đã được lan truyền trong giới học trò, sinh viên khắp Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Nhưng hầu hết thơ của Lưu Quang Vũ phải ẩn dật như chính Lưu Quang Vũ.

Lại thêm một bi kịch nữa từ cách ứng xử với Lịch sử này, để đến tận hôm nay – 50 năm sau, vết thương của bi kịch ấy vẫn chưa thể lành khi ca khúc "Gia tài của mẹ" còn rạch đường dao chính tuyến.

1972 Lưu Quang Vũ viết :

Tên những con chó hoang, những quả bom, những đứa giết người, những thằng lừa dối

Tên những dãy phố nghèo u tối…

Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu

Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào

Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn

Chúng mình chẳng nhận ra nhau

Đứng giữa hai ta là những người đã chết

Bóng họ che đen sì cả mặt

Những vết thương rách nát

Những nụ cười từ lâu đã tắt

Như tuổi trẻ sớm tàn trong cay cực của ta

Lưu Quang Vũ cũng sinh năm 1948 như Phan Ni Tấn, cũng năm 1972 viết :

Chúa của tôi ngồi ở bên đường

Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn

Chúa của tôi bom thiêu cháy xém

Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện

Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con

Chúa của tôi đêm nay lang thang

Không cửa không nhà vật vờ đói rét

Điều quá chua xót rằng những gì mà Trịnh Công Sơn, Phan Ni Tấn, Lưu Quang Vũ viết 50 năm rồi mà hôm nay vẫn làm giật mình thời đại.

Sao con tàu thời đại cứ rì rì lết trên đường ray nhấp nhổm mãi thế này ?

Lưu Trọng Văn

Nguồn: FB Lưu Trọng Văn, 03/07/2022

Additional Info

  • Author Trần Đông A
Published in Diễn đàn

Bộ phim về Trịnh Công Sơn được xem là phim tiểu sử, có nhiều chi tiết được liệt kê, nhiều nhân vật được nhắc đến, nhưng có vài cái tên quan trọng bị tránh không nhắc đến.

Trong cuộc đời của ông Trịnh Công Sơn, nhân vật Lưu Kim Cương (1933-1968) là điểm phản bác lại những quan điểm mà nhiều người hay gọi ông là Việt Cộng nằm vùng, mà từ đó để nhận ra rằng bản chất nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn là một người la cà bè bạn, sống tùy cảm xúc và cuối cùng chỉ loay hoay chọn cách tồn tại an toàn ở quê nhà (1).

Phim "Em và Trịnh" nhấn mạnh về nhân vật Ngô Kha, bạn của Trịnh Công Sơn. Cũng phải thôi, vì Ngô Kha được coi là người của phía cách mạng. Mặc dù chuyện phong liệt sĩ cho Ngô Kha cũng đã từng vật vã tranh cãi ở Huế, cho đến năm 1981, vượt qua các lời phản bác, ông Ngô Kha mới được phong tặng liệt sĩ. Có thể thấy cách chú trọng dựng một không khí riêng "Ngô Kha" trong phim, là một phần để làm đẹp lòng những người kiểm duyệt.

Phim cũng "cộng nghiệp" hai nhân vật Đinh Cường và Trịnh Cung thành một người và tạo ra một tính cách chung chung cũng là một cách lướt qua, có thể là để không nói về Trịnh Cung (1938). Nhân vật này, nếu nói về, cũng không tiện trong một nền điện ảnh còn thiếu thốn tự do và khả năng cảm nhận về điện ảnh chân chính của những người có quyền.

tcs1

Đinh Cường, Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn

Ông Trịnh Cung nhập ngũ năm 1964 như mọi thanh niên miền Nam lúc đó theo lệnh tổng động viên, theo học khóa 19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau đó với tài năng hội họa ông được giữ lại làm huấn luyện viên môn Chiến tranh Chính trị Việt Nam Cộng Hòa. Sau Tháng Tư 1975, ông gác bút lông và giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với 3 năm đi tù "cải tạo", 2 năm buộc đi kinh tế mới và 2 năm trở về Sài Gòn bán bánh mì ở vỉa hè. Hơn nữa, đầu những năm 2000, khi cả nước sục sôi chống Trung Quốc, ông cũng xuống đường và bị công an gọi làm việc nhiều lần.

Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu - Thơ : Trịnh Cung, Nhạc: Trịnh Công Sơn – Tiếng hát : Khánh Ly

Ông Trịnh Cung kể, vào lúc quá mệt mỏi với những thư mời thẩm vấn, ông đã báo với người công an là ông từ nay sẽ không đi nữa, vì lòng tự trọng của mình, và ông chỉ sẽ chờ bắt thôi. Từ đó, lúc nào ở cái bàn gần cửa nhà, ông luôn để sẵn một cái túi nhỏ với một bộ đồ, cái lon Guigoz chờ khi có công an đến là xúc cơm bỏ vào đó với chút muối mè và lên đường. Nhưng không hiểu sao, từ sau tuyên bố đó, không ai quấy rầy ông nữa.

Dĩ nhiên, với một người bạn rất thân nhưng khác màu như vậy, thì làm sao có thể để vào, khiến bộ phim có thể toàn vẹn mô tả về một Trịnh Công Sơn tranh-đấu-như-một-người-cộng-sản ?

Còn với đại tá Lưu Kim Cương, lại càng không, vì cuộc đời của ông sống, chiến đấu và phục vụ cho một chế độ khác. Hơn nữa hình mẫu của đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật điển hình của một trí thức sĩ quan của chế độ cũ : quả quyết với lý tưởng phục vụ nhưng nhãn quan đầy dân chủ trong đời sống.

tcs2

Đại tá Lưu Kim Cương vì mến tài mà quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với nhau ở quán Mây Bốn Phương, nằm trong Câu Lạc Bộ Không Quân. Vì thân nhau nên một tuần có lúc ông Sơn đến chơi với đại tá Cương hai, ba lần. Tình bạn của hai người gắn bó hơn khi có lúc ông Nguyễn Cao Kỳ gặp Trịnh Công Sơn tại câu lạc bộ, và chỉ trích thẳng mặt ông Sơn về các bài hát phản chiến, nhưng đại tá Lưu Kim Cương chính là người bênh vực. Chuyện kể rằng khi Trịnh Công Sơn đang giải bày quan điểm của mình, thì đại tá Cương đã xen vào cắt ngang, nói rằng "tôi nghĩ đó là những điều hay nhất của một quốc gia tự do".

Mậu Thân 1968, khi Trịnh Công Sơn núp ở trong nhà, hé màn quan sát đường phố - là tiền đề cho ca khúc mang tính lịch sử Bài Ca Dành Cho Những Xác Người – và mất liên lạc với mọi người ở Sài Gòn. Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, đại tá Lưu Kim Cương đã sốt ruột biệt phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ngay ra Huế để đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn lánh nạn. Riêng chi tiết "hé màn nhìn ra" của Trịnh Công Sơn, nếu ai có thời gian đọc lại Mười Gương Mặt Văn Nghệ của Tạ Tỵ, sẽ biết nhiều hơn, đặc biệt là với bút ký của chính Trịnh Công Sơn viết về những người lính Bắc Việt xuất hiện ở Huế lúc đó, ra sao.

Bài Ca Dành Cho Những Xác Người (Sáng tác : Trịnh Công Sơn) – Khánh Ly

Tháng 5 năm 1968, khi đang là đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, được truy thăng cấp bậc chuẩn tướng. Đại tá Lưu Kim Cương là người bạn duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà còn là người khiến ông xúc động đến mức viết ra ca khúc dành riêng, mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.

Khánh Ly hát cho một người nằm xuống - Nhạc và lời : Trịnh Công Sơn

Dù được viết bài hát riêng, nhưng ông Cương không được nằm trong nhãn quan mô tả lại tiểu sử, cũng là điều dễ hiểu ở Việt Nam hôm nay. Nên có thể nói ở Việt Nam hôm nay, người ta đang tạo ra thể loại tiểu sử giả tưởng. Vì giả tưởng, nên các nhân vật cần thiết lại xóa đi, và những ai được phục dựng trong phim như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy… đều phản đối phần của mình bị lãng mạn hóa, teen hóa hoặc hoàn toàn khác biệt đời thật của mình.

Đã có không ít những lời tranh cãi, cho rằng "làm phim có quyền". Thậm chí là sếp lớn của hãng đầu tư phim cũng nói kiểu như quần chúng còn dốt nát nên không nhận ra cái "quyền sáng tạo" của điện ảnh. Dĩ nhiên, làm phim có quyền bay bổng với trí tưởng tượng của nhà biên kịch, đạo diễn, nhưng trước hết nền tảng của sự bay bổng đó phải là tinh thần tự do, trong một nền điện ảnh tự do không nhằm phục vụ cho bất cứ ai. Khi không đủ sức mạnh của bản thân nhưng lại thích nói lớn tiếng, giống như một người tự do, thì anh chỉ có thể tự huyễn hoặc mình, và có tội khi cố căng sửa lịch sử để làm tròn phận mình và đời của cả người khác, chỉ để mua vui ngày kiểm duyệt.

Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, khi các nhà làm phim trẻ và ngôn ngữ bay bổng vũ trụ ấy, lại làm phim tiểu sử về anh Bảy Lốp hay người anh hùng không quân Phạm Tuân tắt máy, nằm trên mây để chờ B52 đến chẳng hạn. Nghĩ mà toát mồ hôi.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 28/06/2022 (tuankhanh's blog)

(1) "Cho một người vừa nằm xuống", còn có tên khác là "Hát cho người nằm xuống" là bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết khoảng giữa/cuối năm 1968, khi người bạn thân là Chuẩn tướng Không quân Lưu Kim Cương bỏ mình trong bom đạn. Lưu Kim Cương là tư lệnh Không đoàn 33 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đến khi tử trận qua chiến dịch Mậu Thân đợt hai vào giữa năm 1968. Ông đã tử trận vì trúng đạn B-40 của quân đội miền Bắc Việt Nam, trong khi đang đi trên xe Jeep mang quân ra giải vây vành đai phi trường Tân Sơn Nhất vào sau Tết Mậu Thân 1968 (giai đoạn ác liệt nhất của Chiến tranh Việt Nam). (Theo wikipedia.org)

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn

Trong cuộc phỏng vấn với Minh Thư của BBC News tiếng Việt hôm 16/6/2022, bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chia sẻ những cảm nhận của bà và gia đình về bộ phim 'Em và Trịnh' đang được chiếu rộng rãi ở Việt Nam, và kể lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với cố nhạc sĩ.

"Khi xem phim, không chỉ riêng tôi mà trong gia đình, các anh chị em và các cháu đã khóc rất nhiều. Trong một phim về giai đoạn khi anh Sơn còn trẻ cho đến khi anh ở tuổi trung niên, đã nhắc lại rất nhiều kỷ niệm của gia đình", bà Trịnh Vĩnh Trinh nói.

Nhắc đến những ý kiến bàn tán xôn xao về bộ phim ở Việt Nam hiện nay, bà Trinh chia sẻ bà thấy rất vui vì ‘anh Sơn là một người được rất nhiều người yêu thương nên mới có nhiều ý kiến như vậy’.

Minh Thư

Nguồn : BBC, 16/06/2022

--------------------------------------

Album Trịnh Vĩnh Trinh hát Trịnh Công Sơn – Người về bỗng nhớ

Nguồn : Courtesy of Phương Nam Fiml Studio, 28/11/2017

Additional Info

  • Author Minh Thư
Published in Văn hóa

Một số người dùng mạng xã hội Tik Tok và Facebook ở Việt Nam đang tham gia vào một cuộc tranh cãi gay gắt về bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Điều đáng chú ý là cuộc tranh luận này nổ ra chỉ vì một câu trong bài hát Gia tài của mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bài hát Gia tài của mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trước đó, một vài người dùng mạng xã hội Tik Tok ở Việt Nam đã dùng bài hát Gia tài của mẹ để làm nhạc nền cho các video của họ, vì là những người có lượng người theo dõi cao nên việc sử dụng bài hát trên đã trở nên thịnh hành, kéo theo đó là lời của bài hát cũng được đem ra mổ xẻ.

Trong đó, câu "20 năm nội chiến từng ngày" được đặc biệt chú ý.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội Tik Tok sau đó đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm cuộc chiến tranh 1954-1975 là một cuộc nội chiến, trái với quan điểm chính thống mà Nhà nước đưa ra từ trước tới nay, vốn gọi đó là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tranh cãi về tên gọi

Ngay sau đó, những trang Facebook được biết rộng rãi là tuyên truyền quan điểm của Nhà nước, điển hình như trang Tifosi đã đăng đàn chỉ trích những cá nhân sử dụng bài hát Gia tài của mẹ, và những người sử dụng từ nội chiến. Trang này cáo buộc họ là "xúc phạm lịch sử", "không yêu nước", và "thiếu hiểu biết".

Hàng chục ngàn bình luận đã được đưa ra bởi những người phản đối việc gọi cuộc chiến 1954-1975 là nội chiến. Nguyễn Xuân Tài, một bạn trẻ sống ở Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số đó. Trả lời phỏng vấn của RFA, Tài cho biết lý do anh không ủng hộ việc gọi cuộc chiến tranh Nam-Bắc là nội chiến :

"Tôi thấy là cái việc mà những người có tầm ảnh hưởng, có những cái nhận định là cuộc chiến này là nội chiến, đối với tôi đó là một quan điểm sai. Bởi vì trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam có rất nhiều cuộc nội chiến như là 12 Sứ quân hay là Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhưng mà Chiến tranh Việt Nam thì chưa bao giờ là nội chiến cả.

Và cái chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam nó không được thừa nhận bởi vì nó không phải là một chính quyền do nhân dân lập nên mà là do Mỹ lập nên. Và kể cả trong nhân dân miền Nam thì cũng có một chính quyền được nhân dân ủng hộ, đó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam".

Nguyễn Xuân Tài cũng cho rằng những người gọi cuộc Chiến tranh Việt Nam là nội chiến rất có thể đã đọc phải những thông tin do Mỹ đưa ra, hoặc thông tin đến từ những người có "tư tưởng phản động".

Ở chiều ngược lại, cũng không ít người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ đã có cái nhìn về cuộc chiến tranh trước năm 1975 thoát ra khỏi khuôn khổ sách giáo khoa. Anh Nguyễn Sơn đến từ Hà Nội cho RFA biết góc nhìn của anh về thời kỳ lịch sử này :

"Nó là một cuộc nội chiến nhưng mà cái tính chất của nó lại vượt ra ngoài một cuộc nội chiến thông thường. Nếu tính về chuyện tại sao lại là nội chiến thì nó đúng là vẫn trên cùng một vùng lãnh thổ là Việt Nam nhưng mà chia ra làm hai chính quyền, mỗi chính quyền ở một miền, và hai chính quyền xảy ra một cuộc chiến tranh với nhau để thống nhất. 

Thì cái tính chất nội chiến của nó là do đây là cuộc chiến chủ yếu là giữa người Việt với người Việt".

Anh Sơn cũng cho rằng Chiến tranh Việt Nam còn là cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai khối ý thức hệ đối nghịch nhau ở thời điểm bấy giờ là khối Cộng Sản và khối Tự Do.

Từ góc nhìn Công pháp quốc tế

Cũng có ý kiến cho rằng các cuộc thảo luận về lịch sử ở Việt Nam mang nặng tính ý thức hệ, và có ít không gian cho việc thảo luận học thuật, phần là vì chính sách giáo dục và phần là vì chính sách kiểm duyệt.

RFA phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, chuyên gia công pháp quốc tế, để tìm kiếm một góc nhìn khác nằm ngoài phạm vi ý thức hệ của các bên ở Việt Nam.

Ông Trung cho biết có sự khác nhau về cách gọi tên cuộc chiến ở các thời kỳ và góc độ khác nhau, nhưng trước hết thì cần phải xác định các bên tham chiến là những ai.

"Mình sẽ xác định bên tham chiến là những ai, đầu tiên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay còn gọi là Bắc Việt, anh thứ hai là Việt Nam Cộng Hòa hay Nam Việt, rồi chúng ta có Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng Minh, và cuối cùng là một cái anh không có tư cách quốc gia giống ba anh còn lại, thì là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam".

Ông Trung cho biết, theo quan điểm quốc tế thì lực lượng Mặt trận được coi là một lực lượng phiến quân nằm bên trong miền Nam Việt Nam, hoạt động với mục đích lật đổ hệ thống chính trị của miền Nam Việt Nam, và trong thời kỳ chiến tranh chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phủ nhận bất cứ sự liên hệ nào giữa họ với lực lượng Mặt trận.

"Trong pháp luật quốc tế, khi nói vế tranh chấp thì không sử dụng thuật ngữ kháng chiến hay là chiến tranh vệ quốc, hay là chiến tranh giải phóng, mà nó đưa ra hai khái niệm cụ thể ; đầu tiên là xung đột vũ trang quốc tế và thứ hai là xung đột vụ trang phi quốc tế. Thì chúng ta dựa trên tư cách chủ thể của những bên tham chiến để xác định cuộc chiến này là chiến tranh như thế nào".

Do vậy, nếu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh nhau với Hoa Kỳ hoặc Việt Nam Cộng Hòa, thì đó sẽ là chiến tranh quốc tế bởi các bên đều có tư cách quốc gia. Còn xung đột giữa Mặt trân Giải phóng miền Nam Việt Nam với Việt Nam Cộng Hòa hoặc Hoa Kỳ thì đây là xung đột phi quốc tế, bởi Mặt trận không có tư cách quốc gia.

Như đã đề cập, trong thời kỳ chiến tranh thì Bắc Việt phủ nhận hoàn toàn bất cứ sự liên quan nào đối với lực lượng Mặt trận, thay vào đó diễn ngôn chính trị được đưa ra ở thời điểm đó là người "dân miền Nam đứng lên lật đổ chế độ nguỵ quyền". Do vậy, cuộc Chiến tranh Việt Nam, theo quan điểm quốc tế, có thể được coi là một cuộc nội chiến giữa các bên ở miền Nam Việt Nam.

tranhcai2

Diễu binh nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Viêt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/4/2015. Reuters

Người trong cuộc nói gì ?

Chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, cho đến nay đã là 46 năm. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận về đề tài này vẫn có sức nóng như thể nó mới xảy ra.

Thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện tại đều sinh ra sau cuộc chiến, không biết chiến tranh là gì, nên khó tránh bị tác động bởi các chính sách tuyên truyền.

Một cựu sĩ quan tình báo giấu tên, thuộc Cụm tình báo A10 khét tiếng của Bắc Việt hoạt động tại Sài Gòn trong thời chiến, cho RFA biết quan điểm của ông về cách mà thế hệ trẻ nên tiếp cận các vấn đề lịch sử :

"Tôi bây giờ là tôi không đặt vấn đề là nhìn lại để nói trắng nói đen cái lịch sử ra nó là cái cuộc chiến tranh gì, tôi không đặt vấn đề đó ! Không cần hai bên phải đi ký một cái điện bàn gì về quá khứ. Cái đó để cho quá khứ trôi vào dĩ vãng thế thôi vì bây giờ thực tế hai bên có thù hận gì nhau đâu.

Tôi đây này, nghĩa là một tiểu đội ba người thôi, đánh quân của Mỹ đổ bộ vô trong căn cứ của trung ương cục, người Mỹ chết, tụi nó khóc la rồi trên máy bay trực thăng nó xịt mưa xuống cho nó tắm rồi này kia, rồi pháo mình đánh. Nhưng mà cuối cùng bây giờ hai bên ôm nhau vui.

Theo tôi, quan niệm của tôi đối với lớp trẻ là hãy nhìn về phía trước. Nếu các em có học giỏi, có cơ hội, có điều kiện để đi Mỹ được, để đi du học được thì cứ việc đi. Qua đó học tập và nếu như cái ngành nghề đó mà không về Việt Nam phục vụ được thì cứ phục vụ ở bển, còn ngành nghề đó mà về Việt Nam được thì cứ về Việt Nam, tuỳ !".

Vị cựu sĩ quan này cũng cho rằng hiện nay Mỹ đang là quốc gia giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là trong nỗ lực chống lại dịch bệnh Covid-19 và vấn đề Biển Đông. Người trẻ Việt Nam cần tăng cường giao lưu với Mỹ để củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 14/08/2021

Additional Info

  • Author Trường Sơn
Published in Diễn đàn
jeudi, 08 avril 2021 19:17

Nhớ ngày giỗ Trịnh Công Sơn

"Chim thiêng hát lời mệnh bạc"

Chị D, chị N thân quý ;

Hôm nay ngày giỗ anh Sơn, Khóa thắp nhang trong vườn nhà Khóa giữa đỉnh đồi Địa Trung Hải, xung quanh là biển, rừng, núi, đồi, vắng nhân dạng, nhưng những dòng nhạc của anh Sơn lẳng lặng tìm tới, lặng lẽ trở về trong tâm trí, mà tai mình nghe thật rõ từng giai điệu ; rồi nghe rõ hơn nữa là giọng nói, tiếng cười của anh trong lúc bạn bè đùa giỡn nhau. Khuôn mặt anh vui hẳn lên khi có bạn bè xung quanh. Tết năm 1984, Phạm Trọng Cầu và Khóa ngồi kể chuyện cười Pháp chọc Bỉ, rồi Bỉ chọc lại Pháp, anh ngồi ôm bụng cười hàng giờ. Hè năm 1986, Cung Trầm Tưởng và Khóa kể chuyện sinh viên Việt Nam đi du học tại Paris cho anh nghe, đi du học nhưng thật ra là lâm vào cảnh bị "mang con bỏ chợ" của một đất nước nghèo lại bị chiến tranh, từ đó biến thành chuyện chọc cười qua ăn uống, quần áo, mặt mũi… của du học sinh, cứ tưởng mình là những đứa con tin yêu của Việt tộc, không ngờ một sớm một chiều thành "bụi đời" rồi thành "cô hồn" lang thang giữa thủ đô ánh sáng Paris, làm anh cười lăn ra ghế. Anh có nhiều phong cách riêng mà bạn bè nhớ mãi, anh thích trao tặng quà cho bạn bè, còn những quà anh được tặng anh giữ rất lâu.

trinh1

Tranh vẽ Trịnh Công Sơn của họa sĩ Bửu Chỉ

Bạn bè phương xa trời Tây điện thoại hỏi thăm anh, anh hỏi ngay câu đầu : "Về tới Sài Gòn rồi hả ?", nếu trả lời là : "Đâu có về được !", đầu dây kia thấy anh yên lặng hồi lâu… Chắc anh buồn vì vắng bạn ? Những năm chưa có internet, bạn bè tới chia tay anh, trở lại xứ Tây, anh ngồi thật yên, viết thư cho từng bạn phương xa khác không về được, rồi nhờ kẻ tới chia tay mang về trao tận tay cho những kẻ đang sống ở trời Tây… Khóa vẫn nghe rõ giọng của anh : "Nhớ ghé ăn cơm, moi sẽ nói nhà làm cơm hến" ; hay là : "Ráng ghé đi ! Ăn với nhau một bữa bún bò huế rồi đi"… Dành thì giờ cho bạn bè, chăm lo cho bạn bè, nhớ bạn bè, hỏi thăm, nhắc thường xuyên bạn bè, cách đối nhân xử thế có tâm có thức này, hiếm người có. Anh Sơn có một cái hay khác mà ít người biết tới, anh tìm hiểu và lắng nghe thật kỹ những trào lưu lý thuyết mới trong nhân văn và xã hội, các chủ thuyết hay về tư tưởng và triết học, các nhận định sắc sảo về thi ca và âm nhạc ; vậy xin các chị, các anh cho phép Khóa viết lá thư này tới các chị, các anh, như Khóa đang trò chuyện với anh Sơn - người bạn, người anh, người thầy - qua các tác giả mà anh thích trong học thuật cận đại ; sự nhạy cảm về tri thức quốc tế này, hiếm thấy trong sinh hoạt văn nghệ của chúng ta.

tcs2

Tâm, thức

Người bạn, người anh, người thầy đó cũng là người dường như độc nhất hát lên những thăng trầm của đất nước và vấn nạn được họa căn của Việt tộc thế kỷ vừa qua, chim thiêng hát lời mệnh bạc, còn là người nghệ sĩ biết dạy tình anh em cho dã thú giữa cuộc chiến tranh mà con người có lúc không giữ được nhân tính. Thủa sinh thời, trong các cuộc vui, tụ họp bạn bè, anh Sơn cũng thường tránh những kẻ sống bằng bản năng, để nhân tính bị đẩy lại gần biên giới của thú tính, có lần anh phàn nàn : "Moi thích uống rượu, nhưng moi tránh gặp những người uống nạp, uống nốc, uống như nuốt, uống mà không thưởng thức". Đây không phải là chuyện ăn uống, mà đây là chuyện nhân sinh quan, chuyện thế giới quan của người, vì giữa cảnh nhậu nhẹt hỗn loạn trên đất nước hiện nay, uống nạp nhiều hơn uống thưởng thức, tìm ra cho được tâm giao để đắc khí không dễ.

Năm 1984, Văn Cao dặn Khóa : "Vào Sài gòn nhớ gặp Trịnh Công Sơn", như dặn Khóa cách tìm tâm giao, vì Văn Cao biết hơn ai hết : tâm giao rồi thâm giao người ta chỉ có duyên với nó vài lần trong đời, để cuối cuộc đời nhìn lại thấy ta chỉ có vài người tâm đắc trong cả nhân loại hoang trơ này. Sau 1975, có một số người trong miền Nam ra đi, rồi trách anh tại sao không đi ? Tại sao ở lại ? Tại sao làm việc với chế độ mới ?... Còn nhiều câu na, nhưng nếu ngồi mà "ráp lại" những câu anh tâm sự với bạn bè, sẽ hiểu anh : "Moi cần quê hương để sáng tác" ; "Sáng tác là niềm vui lớn nhất để vượt thăng trầm"… Có lần anh tâm sự với Khóa : "Phải hiểu hai chuyện để sống và sáng tác : chuyện thứ nhất "vắng mợ chợ vẫn đông", không ai trên đời này là tối cần, là không thay thế được ; chuyện thứ nhì "thiền giữa chợ" chấp nhận sống chung với đồng loại, là chấp nhận cái thanh phải chung chạ với cái tục, giữ được cái thanh, vượt lên cái tục… Thiền để tỉnh thức, để giữ lý trí sáng suốt nhưng cũng phải biết là cõi chợ là cõi hỗn nháo, nhưng không loại bỏ nó…", khoa học xã hội và nhân văn gọi những người có "gân cốt" phân tích đó là : chủ thể tri thức (sujet cognitif), biết mình biết người, biết vai vóc của cá nhân, biết tầm vóc của nhân loại.

Chủ thể tri thức tìm được cái lõi của cuộc sống, để khi trở thành chủ thể xã hội (sujet social) sẽ không bị các quy tắc tập thể hủy diệt mình, vì các chế độ độc tài, toàn trị luôn tìm mọi cách để diệt chủ thể. Chủ thể tri thức còn biết bảo vệ được chủ thể tình cảm (sujet affectif) để làm chỗ dựa của đời sống tâm linh cá nhân mình ; chủ động được ba chủ thể này trong chuyện vật đổi sao dời của năm mươi năm đất nước biến loạn vì chiến tranh, dân tộc như bị thôi miên vì các ý thức hệ không đâu, không phải ai cũng làm được. Người đó lại còn tặng cho dân tộc mình vài trăm ca khúc mà tầm cỡ tư tưởng, vai vóc diễn luận nghệ thuật thuộc loại tinh đẩu của ca khúc thế giới.

Khóa sống tại quê nhà không tới hai mươi năm, nhưng sống ở Âu châu đã gần bốn mươi năm, Khóa thấy một chuyện lạ là dân tộc Pháp được nhân loại xem như một dân tộc trí thức, nhưng ca khúc của Pháp không trí thức ; ngược lại có thể nhân loại xem dân tộc Việt Nam chưa trí thức, nhưng qua các sáng tác của anh Sơn ca khúc Việt Nam đã rất trí thức. Trí thức theo nghĩa là dùng kiến thức để bảo vệ lý trí, tiếp đó sử dụng kiến thức lẫn lý trí để gây dựng đạo lý, sau cùng biết dựa trên đạo lý để sáng tạo ra cái đẹp, cái hay, cái lành đặt chúng cạnh cái đúng, cái thật, cái trong. Anh Sơn đã làm được tất cả chuyện này, anh là đứa con tin yêu của dân tộc, trong sử Việt tộc mình chỉ có vài đứa con như vậy thôi các anh, các chị à. Khóa hiểu câu chuyện "thiền giữa chợ" trong cuộc đời của anh ; có lần trong một lá thư gởi anh, Khóa nhắc một câu của các "tổ sư" trong chuyện "mai danh ẩn tích" giữa đời, giữa chợ của Lão giáo : Tiểu ẩn, ẩn lâm tuyền. Đại ẩn, ẩn thành thị.

Lời, đời

Anh Sơn gần gũi gắn bó với thơ, từ ngay trong cách dựng vần tìm nhạc, làm cho biên giới giữa thơ và nhạc như không còn nữa, nhưng anh hiểu Antonio Gamoneda hơn ai hết : "la poésie n’est pas de la littérature. La poésie est révélation", thơ không phải là văn chương mà là chuyện khám phá để khai sáng, khai sáng các chân trời, khai sáng các số phận. Những năm chết chóc trước 1975. Vùng xương khô lên tiếng nói… Anh tìm được hình ảnh cho thơ để thơ là thơ, tức thơ là hiện hữu của khai sáng mặc dù kiếp người phù du. Một trăm năm như tiếng thở dài. Ý nghĩa sống giữa chết chóc chiến tranh nhiều khi không vượt được số phận Việt Nam oan khiên đắm chìm trong chuyện huynh đệ tương tàn từ 1954 tới 1975 mới dứt, xin cho mây che đủ phận người. Các nhạc sĩ khác thích dùng hai chữ hoàng hôn, anh Sơn sử dụng hai từ tà dương, từng lời tà dương là lời mộ địa. Tà dương xuất hiện như đưa đẩy dân mình tới các chân trời thẳm, tới các cõi chìm.

Một ngày như mọi ngày (Trịnh Công Sơn) - Khánh Ly

Những năm chiến tranh đó anh nói rõ được nỗi đau của dân tộc. Một ngày như mọi ngày. Từng mạch đời trăn trối. Đau nặng từng lời nói. Lời thơ của anh còn vượt lên chuyện kể lể, mà theo Goethe thơ là sức nổi loạn để được sống còn bằng lời nói, vì lời nói là ý thức sống. Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói, mặc dầu đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai. Lời của anh nói lên lẽ sống đang phải trực diện với cái chết. Từng vùng thịt xương có mẹ có em. Lời đây là lời của kiến thức mới chống lại cái tự hủy, cái diệt vong. Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu người tình… Người tình lớn lên từ ba miền… Những người tình chưa gặp một lần… Để hiểu thơ cận đại, có lần H. Michaux đề nghị mỗi bài thơ là một phân tích qua thực nghiệm, chữ trải nghiệm chưa đúng, thực nghiệm là nắm cái thực rồi nghiệm nó bằng lẽ sống của nhân loại nơi mà : "Tout poète connait cette impression rare : tout d’un corps et totalement se détacher de l’humanité et entrer dans un monde qui ne doit rien à personne".

Thi sĩ sẽ nhận ra được một ấn tượng hiếm : cả thân mình, toàn thể tự tách rời ra khỏi nhân loại để vào một thế giới (khác) mà thi sĩ chẳng phải nợ ai, chẳng phải mang ơn ai. Anh Sơn biết các công thức thơ loại này, còn biết luôn cách thực hiện nó, nhưng anh không làm, vì giữa diệt vong anh đã thấy họa lưu vong của Việt tộc, nên anh không muốn rời cái kiếp chung của đất nước, cái họa chung của dân tộc này. Mẹ ngồi ru con, nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong. Có những kẻ bên này, bên kia chỉ trích hay phê phán lòng yêu nước của anh, hình như họ chưa có "thâm duyên" với dân tộc này. Muốn thâm với duyên phải sáng với trí, để thấy được đã có lần dân tộc phải chịu bao thăng trầm tủi nhục. Người nô lệ da vàng… ngủ quên… Người nô lệ da vàng… đi quên nước, quên non. Người nô lệ da vàng… xin áo, xin cơm…

Phải thấy được sự thật này mới biến nó thành ý thức để làm chỗ dựa cho lương tri, chỗ đứng cho nhân phẩm. Nghe xót xa hằn lên tuổi trời. Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi. Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người… Anh Sơn làm được hai chuyện, hai thử thách, một của Bo Carpelan "Rester au centre de l’univers", tìm mọi cách đứng giữa vũ trụ trước mọi cơn lốc xoáy của thời cuộc, hai của Max de Carvalho "fixer les vertiges", nắm và thấu các chuyện làm con người choáng váng, để biết rõ lúc nào trái đất này sống được, lúc nào sống không được. Ghế đá công viên dời ra đường phố… Em bé lõa lồ suốt đời lang thang…

Đi, vì

Thế hệ trước anh Sơn, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã báo động : "Chúng tôi tuổi trẻ đầu thai lầm thế kỷ", tới thế hệ của anh, anh làm được chuyện tổng kết lịch sử thế kỷ thứ hai mươi chỉ bằng một câu, giờ đã thành dấu ấn trong tâm linh chúng ta : "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì". Ngọn gió hoang vu nào đã mang theo cái ác, cái sai, cái tối vào thế hệ chúng ta, để rồi cái ác hà hơi cho cái bất công, cái sai bồi sức cho cái vô nhân, cái tồi nuôi dưỡng cái cúi đầu. Nội lực thơ của anh, vai vóc nhạc của anh là chối từ dứt khoát không mang những cái này vào lương tri, cũng như không bao giờ chấp nhận mang hận thù. Một bàn cơm ngon, chiếu ghế không người. Mẹ bầy cho con với nước mắt rơi… Đường về phố lớn có đoàn quân đi tim không mang hận thù... Anh còn tự dặn mình đi để quên : "Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm… Đi để quên chuyện non nước mình…", đi đây không phải là vừa đi vừa cúi đầu, mà đi để mở ra con đường hoà hợp hoà giải dân tộc sau ngọn gió hoang vu huynh đệ tương tàn, vậy đã gần bốn mươi năm những kẻ lãnh đạo của chế độ thắng cuộc không làm chuyện đó, lời nhạc của anh vẫn chờ đợi chuyện đó để "Việt Nam ơi ! Cho mắt nhìn rạch tan căm thù".

V. Hugo dặn thi sĩ hãy làm cho bằng được chuyện "devoir contenir la somme des idées de son temps", gồm cho bằng được mọi ý (lực) của thời mình. Thấy được mặt trời mới trong tầm nhìn tức khắc của mình. Mặt trời mặt trời đã lên, còn nhìn, còn nhìn thấy con người. Mặt trời là tương lai, Saint-Pol Roux nhận định không sai : "L’arbre de la poésie plonge ses racines dans l’avenir", cây thơ cắm rễ của mình trong tương lai, thi sĩ thấy được tương lai trước mọi người. Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm. J. Coteau nói theo cách của ông : "Le poète se souvient de l’avenir", thi sĩ biết nhớ về tương lai, Apollinaire còn rõ hơn : "l’art de prédire", thơ là loại nghệ thuật nói trước, nói trước được vì đoán trước được, nói trước người, nói vượt đời, nếu tìm về tận Baudelaire thì sẽ thấy thơ là : "une sorcellerie évocatoire" như chuyện bùa phép khơi gợi, khơi lên cái đột biến, gợi lên cái thâm sâu, anh Sơn có cách nói riêng cho mình : Người ôm lấy muôn loài. Nằm trong tiếng bi ai.

Nhạc của anh là trí tuệ người cẩn trọng trước chính đổ vỡ của tâm hồn mình, thơ của anh đi tìm cái thức trước khi đi tìm tương lai, chống lại cái trôi chìm của tâm linh hiện tại, từ độ í a chim thiêng hót lời í a mệnh bạc… Từng giọt í a vô biên, trôi chìm í a tiếng tăm. Hót lời mệnh bạc là kiếp thi nhân của anh, trôi chìm tiếng tăm là nỗi lo mất ký ức của mình và của đồng loại, Octavio Paz thấy trong mỗi bài thơ : "une mémoire devenue image, et image devenue voix", một ký ức đã thành hình ảnh, và hình ảnh đó đã thành lời, anh Sơn còn nghe được cả lời ký ức của mình vang động mỗi đêm : Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi còn nghe. Paul Valéry nhìn rõ được trong thơ như có sự lưỡng lự, có cái phân vân : "L’hésitation prolongée entre le son et le sens", sự ngần ngại kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa, anh Sơn thấy phân vân có băn khoăn, thấy lưỡng lự như nỗi buồn bị kéo dài ra.

Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Cái buồn trùm phủ cái vui, cái vui báo tình yêu vừa tới, cái buồn nhắc ngay là người yêu phải đi ; cái vui nhẹ nhàng gởi tín hiệu của hạnh phúc, cái buồn áp đặt mật tin cái mất sẽ có mặt, vĩnh hằng không chỗ đứng trước phôi pha. Thơ trong nhạc của anh ở dạng tri thức cao - tri thức giữ cho trí thức thẳng lưng - của một chủ thể biết làm lắng đọng các biến loạn. Tôi tìm thấy tôi trên từng xót xa. Ta nghe đời rất mênh mông. Trong từng bước đi chầm chậm. Lấy sự thật làm lẽ phải, lấy kiến thức để bảo vệ ký ức, S. Mallarmé rất rõ trong chuyện này : "Les poètes seuls ont le droit de parler, parce qu’avant coup, ils savent". Những thi sĩ được quyền nói, vì họ biết trước mọi người là họ biết.

trinh3

Sinh, linh

Gaston Bachelard, một triết gia yêu thơ, một nhà khoa học luận biết quý trọng linh hồn, linh hồn cái lõi của tâm hồn, một phạm trù đang bị thần kinh học tấn công tơi tả và xếp vào loại mê tính của siêu hình học, không có chỗ đứng trong khoa học ; nhưng lấy gì thay thế linh hồn để làm nghệ thuật ? Để bảo vệ tâm linh ? Nên ông vẫn tin là : "La poésie nous apporte des documents pour une phénoménologie de l’âme", thơ mang lại cho chúng ta những tư liệu để ta gây dựng được một hiện tượng luận của linh hồn. Người chết nối linh thiêng vào đời. Và nụ cười nối trên môi. Anh Sơn hay tự nhắc mình là kẻ hát rong, hát lên những chóng chày của sinh linh (từ này của Phật giáo dùng để gọi chúng sinh là sự sống thiêng liêng).

Kẻ hát rong này đứng giữa biên giới, bên này là nhân tính, một bên kia là thú tính, biết làm được chuyện bảo vệ bên này, nhưng không chận bên kia, mà triết gia J. Derrida diễn luận là : "Cette question fondamentale des limites entre l’homme et la bestialité nécessite la déconstruction pour clarifier notre volonté du savoir d’enlever l’enclos qui enferme notre prétention de savoir et de prendre soin (animaux, fous, malades, marginaux…)". Vấn đề cơ bản trong ranh giới giữa cái người và cái thú đòi hỏi con người phải biết tháo gỡ lề thói tư duy cũ của mình để thấy rõ cái ý chí của con người là gạt bỏ hàng rào, cọc đóng đang giam tù cái kiêu căng hiểu biết của chúng ta, để giúp chúng ta chăm lo kỹ hơn (cho thú vật, cho người điên, cho người bệnh, cho những kẻ đang ngoài lề cuộc sống). Anh Sơn thấy rõ chuyện này thời chiến : Người nằm co như loài thú khi mùa đông về.

Hãy nối lại tình người, để nối lại môi cười, như anh đã mơ nối vòng tay lớn, nếu những kẻ lãnh đạo hiện nay là những đấng minh quân, họ sẽ lấy bài nối vòng tay lớn của anh để làm quốc ca, để dứt khoát xóa sạch chuyện huynh đệ tương tàn, xây lại cơ đồ của Việt tộc qua lương tri, qua nhân phẩm. M.Foucault, triết gia của triết học chống chuyện hãm tù nhân tính, ông yêu cầu còn gay gắt hơn : "D’affranchir la pensée de ce qu’elle pense silencieusement et lui permettre de penser autrement". Vượt thắng tư tưởng khi nó đang lẳng lặng suy nghĩ và giúp nó tư duy cách khác ; cách khác này anh Sơn đã thấy, đã mơ : Một ngày kia dân ta đi dựng cờ. Dạy tình anh em cho dã thú. Có những lời thơ bị người đời coi như không thực hiện được trong thực tế cuộc sống, nhưng lời thơ đã mở đường giữa đêm cho hy vọng lần tìm lối ra, tự người cứu người, chuyện ngoan đạo là vô ích, vì Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người.

Y. Bonnefoy cảm nhận được dư chấn này của thơ, vì biết chỗ ở của nó : "...Je voudrais réunir, je voudrais identifier presque la poésie et l’espoir. Un possible apparait sur la ruine de tout possible, une attente dans la substance des mots : ils apparaissent aux confins de la négativité du langage comme des anges parlant d’un Dieu encore inconnu". Tôi gom lại, tôi muốn nhận ra thơ và niềm hy vọng. Một chuyện có thể có trên cái đã hoang tàn của những chuyện có thể làm được của đời này, đó là chuyện chờ đợi trong nội chất của chữ : chúng xuất hiện giữa lằn ranh của tính tiêu cực trong ngôn ngữ, thơ như lời các thiên thần đang nói về một thượng đế chưa có tên ; anh Sơn hiểu phân tích này, nhưng anh biết từ tốn hóa thơ nhạc của mình. Một ngày còn sống góp tiếng mong manh. Thật vậy, xung quanh ta mọi sự sống mong manh quá, cái chết có lúc ngang nhiên mơ mộng giữa đời. Nằm chết như mơ.

Octavio Paz tìm được trong thơ vai vóc của con người vượt được cái chết : "Une machine qui produit de l’anti-histoire. L’opération poétique consiste dans l’inversion et dans la conversion du flux temporel, le poème n’arrête pas le temps : il le contredit et le transfigure, toute grande poésie doit se confronter avec la mort et être une réponse à la mort". Có thể coi thơ như một nguồn máy chống sử, phương cách thơ nằm trong sự lật ngược hướng đi của thời gian, thơ không chận được thời gian nhưng nó nói ngược và nó biến dạng thời gian, thơ có tầm vóc lớn là thơ biết đối đầu với cái chết và có câu trả lời về cái chết.

Tuyển tập cover nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất của Tuyết Phượng 2020 - Cha và con

Anh Sơn còn thấy cả cái hận thù, cái đau khổ, cái thờ ơ, báo cái chết đang tới để dân tộc anh mau tỉnh giấc. Người con gái Việt Nam da vàng… Em chưa biết quê hương thanh bình… Em chỉ có con tim căm hờn. Người con gái một hôm qua làng. Đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng. Người con gái chợt ôm tim mình. Trên da thơm vết máu loang dần. Người con gái Việt Nam da vàng. Nhạc và thơ của anh thật gần gũi, làm rõ lên suy tư của A. Maumejean thấy qua hành động thơ : "Une cause irréalisable, de réduire la contradiction qu’un destin fatal impose à la condition de l’humain par le langage : l’usage d’une parole par laquelle nous sommes voués à l’inconnaissance". Một nguyên nhân không khả thi, đã thu cái mâu thuẫn của số kiếp oan thiên rồi buộc con người qua ngôn ngữ : dụng lời để tự thú là mình vô minh. Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm. Từng ngày đảo điên, giết chết linh hồn.

Không ai có lỗi trên chuyện này, vì người khác, người ngoài áp đặt chuyện huynh đệ tương tàn bằng chiến tranh, dân tộc ta không chế tạo ra chuyện này, vậy mà ta đã chấp nhận tiếng bom đạn làm ta điếc tai, loạn óc như chấp nhận một nghiệp chướng. Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn. Trong quá khứ bọn xấu nói với ta là chiến tranh không thể tránh được, chúng ta hãy nói với các thế hệ sau ta là chiến tranh không thể chấp nhận được. Trong những cơn điên loạn, A. Artaud vẫn thấy thơ là "refaire l’homme", gây dựng lại được con người, vì nó là tác phẩm của chuyện thu hồi lại ý thức. Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm. F. Kafka, thấy được trong thơ một cố gắng vượt thoát để vượt thắng : "Soulever le monde pour le faire entrer dans le pur, dans l’immuable, dans le vrai". Nhổ thế giới ra, nâng thế giới lên đưa nó vào cái sạch, cái vĩnh hằng trong cái thật. Tìm trong vô thường. Thấy có đôi dòng kinh sấm bay rền vang.

Hẹn, hát

Những năm chiến tranh, nhạc của anh Sơn như về từ cõi yên lặng khi con người tìm lại được tiếng nói của mình, loại tiếng nói của tri, của giác, của minh, chứ không phải nói để nói. R.Barthes (tác giả này, anh Sơn rất thích, anh hay hỏi về các công trình của ông, hồi ông còn sống) kể là trên đời này có một loại nhạc rất thông minh : "La musique se tait toujours. Elle ne m’encombre d’aucun discours ; elle ne veut rien substituer à mon malaise (ce qui serait le meilleur moyen de l’approfondir)".

Loại nhạc luôn biết im tiếng, không dành làm tham luận, nó cũng chẳng muốn thay thế chuyện khó nhọc của người (chính nó là phương tiện hay nhất buộc mình phải đào sâu nó). Anh Sơn có nhiều bài thuộc dạng này, chẳng hạn như bài Diễm xưa, đã thành "cổ điển" đối với người nghe nhạc, thành "kinh điển" đối với người làm nhạc, một bài hát biết rõ mọi diễn biến của lòng người trong cả cuộc đời. Mỗi câu trong bài này là một kinh nghiệm không quên của một lứa tuổi. Khi hai mươi tuổi, bị thất vọng trong tình yêu, người ta hát : Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, vì người ta còn tin. Khi bốn mươi tuổi, người ta hết tin, người ta hát : Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu. Khi gần sáu mươi tuổi, người ta hết tin và không còn quê hương để nương thân, người ta hát : Để người phiêu lãng quên mình lãng du. Nhạc tiên tri là nhạc có cái tri, cái giác, cái minh, có luôn cả cái đúng, cái bền, cái đời trong đó nữa các chị, các anh à. Đối với những bạn bè thân, anh Sơn thường tâm sự : "Một trong những cái buồn nhất trên đời này là lỡ hẹn với bạn bè" ; có kẻ vô tâm nghe nhưng không hiểu, lại còn "dạy đời trở lại", ngoài Bắc thì "hẹn nhỡ thì hẹn lại !", trong Nam thì "hẹn sai hẹn lại mấy hồi !".

Chuyện lỡ hẹn của anh Sơn không phải vậy, người ta lỡ hẹn vì người ta bị chiến tranh cướp đi cuộc đời. Đất hoang vu khép lại hẹn hò. Bị o ép bởi chén cơm manh áo, người ta quên cả hẹn với tình. Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Có khi người ta lỡ hẹn vì người ta bị cướp mất mặt trời, ánh sáng, đường đi tới nơi hẹn. Hôm nay thức dậy. Không còn thấy mặt trời. Lắm lúc người ta lỡ hẹn vì ngoan đạo, nhưng thờ ơ với tình. Vì em đã mang lời khấn nhỏ. Bỏ ta đứng bên đời kia. Bạn bè tới chào anh trở lại trời Tây, anh đứng trước cổng nhà 47C đường Duy Tân hỏi nhẹ, rồi cười buồn : "Bao giờ về lại ?", hỏi nhẹ nhưng nặng lòng, cười buồn vì trĩu tâm, có nhiều người sống cả đời mà không biết hỏi nhẹ, cười buồn, vì muốn có thái độ, hành vi, phong cách này thì vừa phải có cái từ tâm của Phật, có cái tử tế của Khổng, có cái khiêm tốn của Lão. W. Carlos Williams dặn đời là mỗi lần được đọc thơ phải thấy được : "Un univers complet en miniature. Il existe en lui-même. Tout poème de quelque valeur exprime la vie entière du poète, donne un reflet de ce qu’il est".

Một vũ trụ đầy đủ nhưng bị thu nhỏ lại. Nhưng chính nó tự tồn tại. Mỗi bài thơ tự nó mang giá trị của cả cuộc đời thi sĩ, nó là bóng soi của thi nhân. Từ bóng qua hình trong nhạc của chính mình, anh Sơn hoàn toàn không có sự thờ ơ với đời, lãnh đạm với tình, nguội lạnh với hẹn hò. Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn. Để sớm mai kia lại tiếc xuân thì. Nỗi lo chống lại sự thờ ơ, cái lãnh đạm, tư cách nguội lạnh không có chỗ đứng trong nhạc của anh, nỗi lo đã thành lời trong nhạc của anh. Chiều hôm thức dậy. Chập chờn lau trắng trong tay. Có bận có người hỏi V.C. Richez thơ có phải là một hành động không ? Vậy hành động thơ là gì ? Ông trả lời : "Rassembler le silence. L’épuiser… Se gorger lentement du monde souterrain, des terres sombres d’un très ancien abri… Une parole de silence qui se perd en soi… S’avaler, se défaire, consentir à cette perte…". Tập hợp yên lặng. Vắt cho tàn sức… Để tự nó nhễu thành từng giọt xuống lòng đất, trong miền tối tăm của một nơi ẩn trú cũ kỹ… một tiếng nói của yên lặng tự lạc đường… Rồi tự thoát, tự mở tung, để cuối cùng nhận cái mất mát này. Chuyện này sẽ không khó hiểu, vì anh Sơn đã tổng kết được nó, làm rõ thành từng lời (yên lặng) trong nhạc của anh. Thừa đôi tay dư làn môi. Từ nay tôi quên hết tiếng người.

Thơ, thở

Năm 1998, Khóa đưa Jacques Boulogne, một chuyên gia về cổ văn, cổ sử của văn minh Âu châu tới thăm anh, trò chuyện thật lâu, từ đầu tới cuối anh Sơn trao đổi bằng tiếng Pháp rất thoải mái ; có lúc Jacques Boulogne hỏi anh về tình hình đất nước, anh trả lời : "Trên cùng một đất nước, nhưng có nơi là đất chết, có nơi là đất sống, muốn sống phải có nội lực để sống còn, một force vitale, mỗi lần bị nhấn chìm là tự nó bật dậy, trồi lên, không ai làm nó chết đuối được, Sài Gòn đây là nơi có force vitale". Tưởng đày đọa được nó nhưng không đày đọa được, cùng lúc có nhiều nơi trên đất nước này coi như đã chết hoặc sắp chết. Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong. Như rừng núi bỏ hoangKhông còn không còn ai.

Khi rời khỏi nhà anh Sơn, đứng chờ taxi tới, Jacques Boulogne nói với Khóa rằng : "Đất nước của bạn có được những đứa con tin yêu như Trịnh Công Sơn biết nhận định sắc nhọn về số phận của dân tộc mình, đây là một cơ may cho đồng bào của bạn". P. Rozewicz tin là : "…La poésie de nos jours est une lutte pour respirer". Thơ thời nay là cuộc chiến đấu để thở, anh Sơn biết chuyện này, vì sáng tác của anh luôn bị đe doạ. Trong tim tôi có lần. Một mùa ôi rất lạnh. Thở qua thơ là chuyện không phải của thể xác, mà là chuyện của linh hồn, S.Mallarmé thấy hồn người trong tiếng thơ : "Toute âme est une mélodie qu’il s’agit de renouer". Mọi linh hồn trong thơ là một nhạc điệu nối được người với đời, khuyên ta thoát càng sớm càng hay kiếp vong thân, vong linh. Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Từ thái độ sống của mình, thơ đã thành hành động thật, J. Bastaire tin vào hành động này : "Parole essentielle, libérée du bruit pour arriver à un silence qui parle", lời đã thành chủ yếu, giải phóng người khỏi tiếng động hỗn loạn để tới sự yên lặng đang nói, đang tâm sự với mình.

Yên lặng biết nói là chuyện của thơ, cũng là chuyện đời nghệ thuật của anh vì nếu con người biết sống mà không biết yêu thương thì nên giữ yên lặng là hơn. Hôm nay thức dậy. Không còn thấy loài người. Vây phủ quanh đời. Nói tiếng yêu thương… Như vừa mới vào đời. Tay mẹ đâu rồi ? Nôi trống ru ai ? Nôi trống là sự yên lặng vừa tuyệt đối, vừa đáng sợ, P. Celan tìm cách định thần chuyện này : "Le poème n’est pas intemporel. Certes, il élève une exigence d’infini, il cherche à se frayer passage à travers le temps - à travers lui et non par-dessus et toujours la tentation de trouver une direction". Một bài thơ không vĩnh hằng. Chuyện đó đúng, vì chuyện thơ đòi hỏi không ai lường được, nó tự vạch lối đi của nó qua thời gian - qua nó và không trên nó - luôn bằng ý muốn tìm ra được một phương hướng.

Trong nhạc của mình, anh Sơn lấy chữ phù du làm cầu nối cho thơ và thời gian. Ôi ! Phù du… một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua. Chuyện phù du cũng là chuyện của A.Suied thấy được trong thơ : "Le poème ouvre le tremblement secret des âmes en éveil… Entre énigme et présence, le Poème énonce le destin et l’infinie liberté de l’aventure de chacun dans le monde inconnu et premier". Bài thơ luôn mở ra một cơn động đất bí mật giữa những linh hồn đồng điệu, cùng nhau thức… giữa bí ẩn và hiện tại, bài thơ báo lên số phận và sự tự do vô biên trong cuộc thám hiểm của mỗi người giữa một thế giới chưa được biết mà ta gặp lần đầu qua thơ. Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn, Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối…

Câu chuyện phù du, cười mong manh, hồn yếu đuối chưa hết ; giữa thơ và nhạc của anh Sơn, xuất hiện một ẩn số thứ ba là họa, anh Sơn thích vẽ, biết vẽ, có khi say vẽ, nhiều người đã thấy tranh của anh, nhưng hiếm người nhận ra anh vẽ ngay trong nhạc của anh, chẳng hạn như trong Tuổi đá buồn, rõ ràng portrait một cô gái cô đơn : hồn lẻ, nghiêng vai, gọi buồn. Loại câu sáu chữ, ba nhóm, mỗi nhóm hai từ này, tự nó đã đứng ở chỗ vừa sâu, vừa cao trong thi ca Việt Nam. Câu chuyện thơ để thở, thở bằng thơ cũng là chuyện của L.P. Fargue thấy được hành động thơ qua sức sáng tạo ra một cuộc đời song song cũng quý báu như cuộc sống hằng ngày : "La poésie, cette vie de secours où l’on apprend à s’évader des conditions du réel, pour y revenir en force". Thi ca, có cuộc sống bảo toàn thứ hai, nơi mà người ta học cách thoát ra khỏi điều kiện sống thực, để sau đó trở lại mạnh hơn. Anh Sơn giúp đời thấy được tình yêu, làm cho kiếp mình mạnh hơn, dạng ra… Mặt đất âm u, ngày tháng hoang vu. Chợt thấy em qua, rợp bóng cờ…

Chuyện con người vững vai vóc hẳn lên qua thơ được Ramos Rosa nhận định là : "La poésie établit un rapport entre le réel et l’inconnu, en restant dans la vie, cet acte suggère une aspiration vers le haut, mais il tend pour y parvenir à la résolution des contraires". Thơ dựng được một quan hệ giữa cái thật và cái ẩn, giữ nó giữa đời, hành động này là chuyện thăng hoa, nó thực hiện được bằng cách xử lý các đối chấp. Nghe nhạc của anh người ta nhận ra : càng áp đặt chết chóc, chiến tranh, con người càng yêu nhiều, thương nhiều. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Yêu để cuộc sống dễ thở. Reverdy gọi thơ là "bouche-abime du réel", miệng-vực sâu của cái thực. Cái thực biết nhận ra người, ra ta. V. Hugo có lúc thốt lên : "C’est insensé de croire que je ne suis pas toi". Thật không chấp nhận được nếu không tin tôi không phải là anh, là chị, là kẻ đối diện… Trong câu chuyện suy bụng ta ra bụng người này, anh Sơn luôn có cách nói âu yếm, thanh nhã hơn : Tôi là em mà em cũng là tôi. Trong nhạc của anh con người luôn nhận ra nhau, bằng trực diện.

trinh4

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua tranh vẽ của họa sĩ Lê Sa Long - Ảnh NVCC

Dâng, nâng

"…Em cứ yêu con người, đời ngọt ngào vẫn thế. Em cứ dâng cho đời một nụ hoa tình cờ. Em đến bên tôi ngồi, đời mở ra cuộc tình…". Yêu người vì yêu đời mà chính cũng để thương thân mình. Biết thương người, thương thân, biết dâng tặng đời là biết nâng cuộc sống lên, không để cuộc sống mất nhân tính ; trong chiến tranh vừa qua có khi phải nâng cuộc sống lên từ vực thẳm, vực nó dậy từ hố sâu. Joyce xem hành động thơ như chuyện tiếp nhận trí thông minh của sự nổi loạn, nổi loạn để đòi tự do, chứ không phải nổi loạn để đập phá : "La poésie, même lorsqu’elle semble à son plus fantastique, est toujours une révolte contre l’artifice, une révolte, dans un sens, contre la réalité".

Thi ca, ngay như lúc nó mang dạng giả tưởng nhất, nó luôn là cuộc nổi loạn chống chuyện vẽ vời, nó là cuộc đứng lên, nổi dậy, và trong một ý nghĩa nào đó, có chống lại thực tế. Người Việt nói viết văn, nhưng làm thơ, không ai viết thơ, làm đây là làm cho ra chuyện, theo cách của R. Daumal : "La prose parle de quelque chose, la poésie fait quelque chose par des paroles". Văn xuôi nói về một chuyện nào đó, còn thơ thì làm chuyện đó bằng lời nói. Ta thấy em đêm đêm đòi lại tiếng nói, rồi thấy luôn Nghe tiền thân về chào bóng lạ, thấy được kiếp trước về chào tương lai mặc dầu lạ lẫm, vô định, vô phương. Nhạc của anh có sức mạnh của một loại siêu hình học luôn đi tìm lối ra cho tâm linh. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi ?

Triết gia Bergson, tin rằng ý thức luôn là một kinh nghiệm thân quen, trực tiếp trong hạn hữu đời người, cái hạn hữu này là một dữ kiện trực quan của ý thức. Chuyện dân tộc lầm đường, biến những đứa con thành bụi đời trong lúc sống, rồi thành oan hồn sau khi chết là cuộc triển lãm đầu tiên về lối vào tri thức của chủ thể : thân là tro, đời là bụi, anh Sơn thấu hiểu thấu chân lý vô thường này của Phật học. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi trở về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi. Nhưng lẽ sống của nhân sinh luôn tìm cách đi ngoài cái chết, vì cái chết luôn tìm cách diệt cho bằng được lý tưởng của các giá trị vĩnh hằng, làm được chuyện này cái chết đe dọa luôn các giá trị khác của sự sống, tạo sự căng thẳng giữa chủ thể và những giá trị của nhân sinh ; anh Sơn thấy được chuyện này : Còn bao lâu cho thiên thu xuống trong thân này ?

Cái nhún nhường của Lão giáo đã thâm nhập vào các bài thơ-không phổ nhạc- ở cuối đời anh : Đường dài vỡ mộng vô thường. Ta xin một góc ta ngồi với ta. Carl Sandburg có cách giải thích thật lạ : "La poésie est le journal d’un animal marin qui vit sur terre et qui voudrait voler". Thơ là nhật ký của một con thú biển giờ phải sống trên đất liền rồi còn lại muốn bay. Thật ra chẳng có gì là lạ, đây là chuyện tự do của tư duy sáng tạo, chẳng có một chế độ nào, một ý thức hệ nào ngăn cấm được. Xin cho ngục tù thành những công viên. Lấy thơ dâng đời, rồi nâng cuộc sống "dở sống, dở chết" này, và nâng cả không gian tù rạc thành nơi quần chúng đến vui chơi, hẹn hò, anh Sơn đã làm chuyện này. Có lần Velter kể chuyện ngày thanh bình của tâm hồn trong thơ sẽ là ngày : "L’oeil contemple le bleu du ciel, la vue réfléchit, l’azur profond du corps… par le coeur, par le souffle, par le haut, l’excès trouve son équilibre".

Mắt trầm mặc với màu xanh của trời, ánh nhìn biết suy nghĩ, màu xanh trong lắng thật sâu trong thân. Qua con tim, qua hơi thở, trên chiều cao, cái bị xem thái quá tìm được sự thăng bằng của mình. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. P.Eluard cũng nhấn mạnh thêm về hành động thơ luôn để lại : "Marges blanches, de grandes marges de silence, les mots du poète ne servent pas à dévoiler leurs sens immédiats mais à les contraindre à livrer ce que cache leur silence". Những lề trắng, những lề lớn của sự yên lặng, chữ của thi sĩ không phải để vạch ra nghĩa tức khắc mà để ngăn hãm những gì mà sự lặng lẽ muốn giấu kín. Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này. Mambrino tin rằng : "Langage silencieux qui efface ses propres traces, pour qu’on entende ce que les mots ne disent pas".

Một ngôn ngữ yên lặng còn biết xóa chính dấu vết của nó, để người ta nghe được những chữ không đọc được. Mỗi vết thương lành một nỗi vui. Mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay. Vết thương lành, nỗi vui, mắt cười, đôi bàn tay… tất cả đây là những chốn không lời và sẽ không cần lời. Pasternak nhận ra được cõi lắng này : "la prose en action. La poésie est le langage du fait organique". Văn xuôi qua hành động. Thi ca là ngôn từ của cơ chất, tức là của ruột thịt. Baudelaire tự dặn mình : "La poésie est ce qu’il y a de plus réel. C’est ce qui n’est complètement vrai que dans un autre monde". Thi ca là cái có hơn thật, chuyện này hoàn toàn đúng ở một thế giới khác. Mới hôm nào bão trên đầu. Thấy được chuyện mà người khác không thấy, M. Edwards gọi đó là lực nhập nội của thơ : "la poésie est le possible qui demeure possible, l’attente qui accepte d’attendre".

Thơ là chuyện có thể luôn ở thế khả thi, nó là cái chờ biết đợi, sáng tác của anh Sơn có sức nhập nội linh chuyển đó : lòng thật bình yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ. Cendrars phạm trù hóa được lực nhập nội này : "Chaque vie cache un destin, il y a des destins pour toujours, une épée tranchante. Parfois dans mes rêves, je vois la lumière de cet acier…". Mỗi đời cất dấu một số kiếp, có những kiếp được sống hoài, như dao sắc. Có lúc giữa cơn mê, tôi thấy ánh lên chất thép của nó. Malcolme de Chazal chia sẻ được kinh nghiệm này : "Le poète est un réaliste dans le plus haut sens spirituel du terme".

Thi sĩ là kẻ theo chủ nghĩa hiện thực trong cái nghĩa tâm linh cao nhất của nó. Đường thật lặng yên mà sao buồn thế. Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ. Brodsky nhận ra một điều trong thơ : "La poésie est essentiellement la recherche par l’âme de sa libération dans le langage", thi ca là cõi lùng tìm của linh hồn trong việc nó tự giải phóng qua ngôn ngữ. Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ… Tôi là ai mà trần gian thế… Tôi là ai mà yêu quá đời này. Leclaire cảm nhận được nội lực này : "c’est faire parler la langue au-delà du sens… La langue étrangère que l’on entend au fond de soi" đủ sức nói được bằng ngôn ngữ trên luôn cả nghĩa của chữ, một ngoại ngữ mà người ta nghe được từ tận đáy hồn mình. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời… Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi. Nietzche thấy các triết gia mỗi lần nhập nội vào sự gay gắt của lý luận để tổ chức các quyết đoán trong lập luận của họ, là mỗi lần họ cần phải gần thơ để : "les sentences des poètes pour donner à leurs idées de la force et de l’authenticité". Để những câu đối của thi sĩ thổi vào ý triết một sức mạnh của cái chính thống. Thơ dâng đời để nâng thân, giờ thơ dâng triết để nâng người trước mọi thử thách của nhân thế.

Hôm nay ngày giỗ của anh Sơn, Khóa nhớ có lần anh kể về một câu trong nhạc của anh : Này nhân gian có nghe đời nghiêng, chỉ một người quý yêu ra đi mà cả thế giới bị nghiêng đi, nhân loại bị lệch qua hướng khác. Nhân đây, Khóa kể thêm một chuyện cho các chị, các anh nghe, mà Khóa chưa kể với ai là từ ngày anh Sơn qua đời, trong những năm gần đây mỗi lần đi công vụ đại học cho các đại học Âu châu, Khóa cảm nhận một điều rất lạ mỗi lần ghé Sài Gòn là nơi Khóa sinh ra, nơi mà Khóa được gặp anh Sơn, giữa cái ồn ào không ngừng nghỉ của Sài Gòn hiện nay, Khóa như người bị nạo trống trong lòng, cái trống vắng không sao bù đắp được, vì không bao giờ còn nghe được câu của anh Sơn : "Về tới Sài Gòn rồi hả ?".

Lê Hữu Khóa

(01/04/2021)

Additional Info

  • Author Lê Hữu Khóa
Published in Văn hóa

Đây là một nhạc sĩ có thể tài hoa, nhưng xem ra ít nhiều sẵn sàng cúi đầu

tcs1

Mới đây trang Việt Nam Thời Báo có bàn về Trịnh Công Sơn trong bối cảnh của Sài Gòn sau tháng tư, 1975 (*).

Đó là câu chuyện quanh bức ảnh được nghi vấn rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang đóng vai trò của kẻ đấu tố.

Thế nhưng có một sự thật là không ít người trung niên hôm nay đã nhìn lại về những ca khúc của Trịnh Công Sơn, và họ đã cho rằng đây là một nhạc sĩ có thể tài hoa, nhưng xem ra ít nhiều sẵn sàng cúi đầu.

Xin trích một số ý kiến.

Một cõi đi về - nhạc Trịnh Công Sơn – tiếng hát Hồng Nhung

 

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn : "Hồi thanh niên thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là Ca khúc da vàng của ông. Những bài hát Đại bác ru đêm, Hát trên những xác người, Đàn bò vào thành phố, Bà mẹ Ô Lý… khi đó với tôi là cực hay bởi tôi có một tuổi thơ ám ảnh đạn bom nên nhìn thấy cái không khí chiến tranh trong những ca từ đó.

Hồi đó các bài tình ca của ông tôi cũng thích như Tình nhớ, Như cánh vạc bay… Sau này già dần đi, càng đọc nhiều sách thì những giai điệu tình ca đó như bỗng sáo mòn, nhất là những bài giả thiền, giả triết lý, nghe tào lao không chịu nổi !

Lại không nghe nhạc Trịnh Công Sơn nữa… Giờ thỉnh thoảng vẫn nghe Phạm Duy, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương… nhưng không thấy ‘ghiền’ như xưa !".

Cựu sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, bà Thùy Vân cảm nhận : "Thời gian qua, tuổi lớn rồi, bình an nhìn lại sự trải nghiệm những ngày sống thời Việt Nam Cộng Hòa và bây giờ, nhớ lại vành khăn sô Huế – Mậu Thân, đau cùng bao người vợ có chồng đi vào nơi rừng sâu núi thẳm để ‘cải tạo’, buồn cùng bao gia đình tan nát vì là tư sản mại bản… tôi đã không còn cảm nhận nổi những gì viết ra từ một người có thể coi là nhân vật lịch sử (dù muốn dù không).

Nối vòng tay lớn để làm gì ? Bao nhiêu người từ Bắc tới Nam ngã xuống để làm gì ? Mẹ Việt Nam đong đưa võng buồn bao nhiêu năm, gia tài còn gì ?

Tình yêu từ những câu từ của Trịnh ngày xưa sâu sắc là thế, cao siêu là thế, bỗng trở nên sáo rỗng vô nghĩa khi nhìn xuyên thấu mà không ngộ ra điều gì. Có thể là chủ quan, nhưng thật tình, tôi không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nhạc Trịnh được nữa. Bởi nó không nâng thêm cho tôi một giá trị nào. Không cộng thêm yêu thương nào nữa với tha nhân, tự hào nào nữa với tổ quốc.

Tôi già rồi sao ? Không đâu, tôi vẫn xúc cảm với nhạc Phạm Duy, nhạc Vũ Thành An… Vẫn còn rung động với thơ Hoàng Lộc, thơ Nguyễn Phúc Sông Hương…

Có lẽ là do ông ấy những ngày cuối đời không nói ra được những điều tử tế ? không đủ dũng cảm nhận mình sai chăng ? Tôi đã để chính kiến xen vào cảm thụ nghệ thuật, hay Trịnh đã để thân phận mình giết chết bao nhiêu trái tim đã đau từng giai điệu của ông ?".

Tháng tư và thân phận.

Công bằng mà nói, thật ra thì Trịnh Công Sơn đã kêu gào, phẫn nộ về thời cuộc. Chiến tranh không còn từ xa vọng về như những ngày đầu, nó ở trước mắt : 

Xác người nằm trôi song

phơi trên ruộng đồng

trên nóc nhà thành phố

trên những đường quanh co.

Cùng với cuộc chiến càng ngày càng dữ dội, tiếng kêu gào của Sơn càng ngày càng thảm thiết. Ông nói đến những em bé lõa lồ, suốt đời lang thang, đến những xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa, đến những trái mìn nổ chậm, người chết hai lần. Chiến tranh trở thành khốc liệt, tang tóc đổ xuống dân tộc kinh hoàngTừng vạn chiếc xe, claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương, có mẹ có em.

Trịnh Công Sơn của chiến tranh trở thành một người dở điên, dở dại, thất thểu, chiều đi trên đồi cao, hát trên những xác người. Hình ảnh bi thảm, ma quái. Một thi sĩ thất thểu trên bãi dâu, hát bên những xác người. Đi trên đồi cao, bên cạnh xác người là một hình ảnh bi thảm, nhưng hát bên những xác người, hình ảnh mang thêm một cái gì ma quái, điên dại. Bi đát như chiến tranh với những con ngựa hý điên cuồng trong tác phẩm Guernica của Picasso.

Thế nhưng sau tháng tư, 1975, người ta lại thấy một Trịnh Công Sơn khác hẳn. Nhiều người trách cái ngây thơ chính trị của Trịnh Công Sơn. Nhưng cái ngây thơ chính trị của nghệ sĩ, của trí thức là chuyện rất phổ thông. Chỉ cần nêu trường họp Jean-Paul Sartre, suốt đời hô hào ủng hộ cách mạng vô sản, nhắm mắt trước cái dã man, chà đạp nhân quyền trong những trại cải tạo.

Chiến tranh, chính trị phức tạp hơn là tình cảm của nghệ sĩ. Và điều này xem ra vẫn còn đúng đến tận hôm nay khi liên tưởng đến những cáo buộc quen thuộc của "lợi dụng tự do dân chủ" ở các điều luật 117, 331 của Bộ luật Hình sự.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 07/04/2021

*******************

(*) Sự thật về một bức ảnh "tố cáo" Trịnh Công Sơn

Hiếu Bá Linh, VNTB, 03/04/2021 

Một bức ảnh lan truyền trên mạng đã từ rất lâu và cứ được lập đi lập lại mỗi khi có dịp hoặc đến ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người đàn ông đứng trên bục cao được cho là Trịnh Công Sơn đang "đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’".

tcs2

Nguồn gốc là xuất phát từ bài báo đề tựa "Trịnh Công Sơn, một thần tượng sụp đổ…" đăng trên tờ Trắng Đen hồi tháng 9 năm 1975. Bức ảnh của bài báo được chú thích như sau : "Đồng bào Sàigòn bắt đầu ghê tởm Trịnh Công Sơn từ sau buổi anh lên đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn một thanh niên ‘có tội với cách mạng’ ([theo tin của tờ] Washington Post tháng 9 năm 1975)".

Nhưng thật ra, tờ Washington Post không những không có bài báo nào như thế, mà cũng chưa bao giờ đăng bức ảnh này.

Sự thật là bài báo tiếng Mỹ và bức ảnh (phóng lớn hình bị cáo) được đăng trên được đăng trên tờ The Lewiston Daily Sun – ngày 6 tháng 6 năm 1975Nội dung bài báo ghi rõ : "Trên một bục cao ngay phía sau bị cáo Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết : Tử hình ".

Như vậy, người đàn ông đứng trên bục cao phải là một cán bộ có thẩm quyền kết tội và tuyên án tử hình, do đó người đó không thể nào là Trịnh Công Sơn được.

Hơn nữa, toàn bộ nội dung bài báo (xem bản dịch phía dưới) không hề có "đọc diễn văn khai mạc buổi xử bắn" được đăng trên tờ The Lewiston Daily Sun – ngày 6 tháng 6 năm 1975

Ngoài ra ảnh gốc là ở đây với chú thích có nội dung tương tự như trên.

tcs3

https://www.gettyimages.at/detail/nachrichtenfoto/war-and-conflict-the-vietnam-war-pic-june-1975-nguyen-nachrichtenfoto/80751629

Đặc biệt, một số người quen biết Trịnh Công Sơn cho biết, ông không bao giờ mặc áo sơ mi ngắn tay. Có nhiều ảnh chụp nhưng không hề thấy có một ảnh nào Trịnh Công Sơn mặc áo sơ mi ngắn tay.

[Chú thích ảnh]

tcs4

Sau đây là bản dịch bài báo trên tờ The Lewiston Daily Sun – số ra ngày 6 tháng 6 năm 1975:

Thường dân sắp sửa bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời xử tử

Nguyen Tu Sang bị còng tay bị tòa án nhân dân xét xử và kết án tử hình vì ném lựu đạn vào các dân phòng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và xử tử vào ngày 29 tháng 5 tại Sài Gòn. Hình ảnh này có ở Bangkok, Thái Lan vào thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975]. (AP Wirephoto)

Chánh phủ Cách mạng Lâm thời thi hành án tử hình tại Sài Gòn

Chú thích của Ban biên tập : Bài tường thuật dưới đây được mang tay từ Saigon tới Bangkok, Thái Lan, hôm thứ Năm [5 tháng 6 năm 1975].

SAIGON (AP) – Họ đến xem một "Tòa án nhân dân" của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời (PRG) mới.

Có tới hơn 1000 người đến dự khán. Họ tụ tập hồi tuần trước trên đường Công Lý gần cầu McNamara Bridge, cây cầu được người Mỹ gọi theo tên cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, vì một âm mưu ám sát ông trong khoảng những năm đầu thập niên 1960 khi chất nổ được gài trên cây cầu nằm trong lộ trình của ông.

Nguyen Tu Sang, 23 tuổi, con của một người thợ mộc, đã bị buộc các tội ném lựu đạn vào các dân phòng của Chánh phủ CM lâm thời, tội đã tham gia bốn ngành khác nhau của quân đội Sài Gòn cũ, và là kẻ gây rối tại khu phố của mình.

Hai biểu ngữ treo trên một dãy bàn xếp liền nhau ngang qua mặt đường. Một tấm biểu ngữ viết : "Tòa án Nhân dân Phường Yên Đổ". Tấm kia viết "Cương quyết trừng trị bọn phá rối trật tự an ninh để đảm bảo tài sản sinh-mạng cho nhân dân".

Phiên tòa có sự chứng kiến của cha mẹ Sang. Đám đông đứng đối diện một ngôi chùa. Sang đứng thẳng trên một chiếc ghế gỗ mà không thấy có cảm xúc gì, hai tay bị còng ra phía trước. Đứng bên phải anh ta là những binh sĩ của PRG, một trong số họ cầm khẩu súng AK47 với lưỡi lê chĩa vào anh ta. Trên một bục cao ngay phía sau Sang là một người đàn ông mặc thường phục đứng đọc lời tuyên án, buộc tội. Câu kết : tử hình.

Sang được dẫn vào một con hẻm gần đó, nơi anh ta được ra lệnh quay mặt vào một bức tường. Anh bị bắn chết bằng một khẩu súng lục có một bộ phận giảm thanh. Các nhân chứng cho biết có ba phát đạn đã được bắn. Một phát vào đầu Sang và hai phát vào lưng. Một xe cứu thương đã mang xác anh ta đi. Các nhân chứng cho biết ngay trước khi bị hành quyết Sang đã bình tĩnh, và hút một điếu thuốc. Anh ta chỉ suy sụp và khóc khi nhìn thấy mẹ tiến lại gần trong nước mắt.

Hiếu Bá Linh

Nguồn : VNTB, 03/04/2021

Ghi chú :

Những chữ trong ngoặc vuông […] là chú thích của tác giả bài này.

Tham khảo :

https://www.gettyimages.at/detail/nachrichtenfoto/war-and-conflict-the-vietnam-war-pic-june-1975-nguyen-nachrichtenfoto/80751629

https://news.google.com/newspapers?nid=IT5EXw6i2GUC&dat=19750605&printsec=frontpage&hl=en

Additional Info

  • Author Hiền Vương, Hiếu Bá Linh
Published in Văn hóa
dimanche, 05 mai 2019 10:59

Trịnh Công Sơn, một cõi tình

Mấy mùa mưa nắng đi qua, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ rời xa đường trần. Còn cái vòng quay của cõi tạm thì vẫn tiếp tục, chở những tình khúc mang tên anh trao tặng cho đời này, đời khác. Chúng miệt mài thay anh gieo hạt giống yêu thương cho nhân gian. Trịnh Công Sơn yêu tất cả mọi người, "yêu cuộc sống và cuộc sống cũng mở hết vòng tay" cho anh.

tcs1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở Sài Gòn (Ảnh chụp không ghi chú thời điểm) AFP FILES / AFP

Tình yêu của "người ca thơ" họ Trịnh cũng rộng dài lắm. Anh yêu quê hương, yêu hàng mưa bay, ngọn nắng, cơn gió, hay từng cành cây, lá cỏ… Anh muốn ôm trọn trái tim mọi người, và dành tình cảm riêng biệt đối với phái nữ. Có vậy dịch giả Bửu Ý, bạn tâm giao của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói :

"Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, nhưng không phải là con người của riêng một phụ nữ nào hết. Tại vì anh là một con người sống rất vội, cảm xúc tràn trề, không thể giới hạn vào một người nào hết. Vì vậy cho nên bất cứ một phụ nữ nào khi đến gần Trịnh Công Sơn đều cảm thấy rằng mình không thể là của riêng Trịnh Công Sơn được vì Trịnh Công Sơn còn có nhiều người khác nữa".

Thì ra Trịnh Công Sơn viết "Nguyệt Ca" tặng Minh Nguyệt năm 1972, khởi đi "từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời…" - Courtesy of Quydenver

Thế nên mới có "Diễm của những ngày xưa", "Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho" về một cô gái trẻ chưa hề gặp mặt, rồi thì "Nguyệt ca" hay "Như cánh vạc bay" vân vân… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên những phút giây "khổ đau và cả niềm hoan lạc" về những cuộc tình của mình bằng một trái tim thật thà có thể :

"Tôi thực sự không thể viết lời cho những bài tình khúc khác hơn. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. "Diễm xưa" cũng là một loại tình yêu như vậy".

(Trịnh Công Sơn)

Những tình nhân trong lời hát của anh phần nhiều là những bóng hình mờ mờ nhân ảnh, mong manh xa vợi. Một đôi vai gầy, một mái tóc thề thảng trầm hương, nụ cười e ấp hay "một bờ môi thơm". Họ đều đẹp như một bài thơ.

Tình khúc nhạc Trịnh phần lớn gói ghém vạn nỗi sầu nhưng không bi lụy, tuyệt vọng. Bởi anh biết rằng cuộc đời rất ngắn và vốn dĩ hữu hạn. Tình yêu như cuộc đời, chỉ là một giấc mộng đến rồi đi.

"Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách".

(Trịnh Công Sơn)

Thật là :

"…Như cánh vạc bay theo

Tình thiên thu ru về cõi thiền di

Đậm nhạt dày thưa bổng trầm thanh cao đêm trở

Nghe rầm rì lá tình ôi đầy vơi mộng mị

Miên man, tình sắc sắc không không…".

(Đức Sơn)

Hơn 600 ca khúc mang tên Trịnh là hơn 600 trang nhật ký mà anh đã ghi lại khi đang rong chơi trên cõi đời và lang thang trong cõi tình. Nỗi đau có và niềm hân hoan cũng có, đã làm thành "bào thai sinh nở" ra những ca khúc để đời của anh.

Đối với Trịnh Công Sơn : "âm nhạc như thể là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh, bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời". Bài hát "Ru Tình" phôi thai từ mối duyên đó.

Khánh Ly - Trịnh Công Sơn : Ru Tình lyrics

Ca khúc này ra đời trước năm 1975, theo lời mời của một đài truyền hình Nhật Bản, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt bài viết cho một cô ca sĩ Nhật lúc đó chỉ mới 16 tuổi, sắp sang Việt Nam hát. Dù cho hai người chưa gặp mặt nhau, nhưng nhịp tim của chàng nhạc sĩ trẻ thời ấy đã lăn tăn những lời sóng vỗ về cô nhân tình "bé dại".

Ca khúc Ru Tình quay vòng theo nhịp điệu khá chậm, câu nhạc ngắn, như lời mẹ ru : bình yên, lặng lẽ. Nhạc sĩ sử dụng giọng thứ nhưng pha trộn nhẹ nhàng hơi nhạc ngũ cung của đất nước hoa anh đào, nếu nghe kỹ ta có thể thấy ở câu : "a a a á a a a à, ru người ngồi mãi cùng tôi". Giai điệu ấy, âu yếm như níu giữ em, níu giữ cuộc đời, hãy ngồi lại thêm chút nữa và ngắm nhìn nhau lâu hơn.

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn : Hãy Yêu Nhau Đi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cõi nhạc của anh tồn tại nhờ tình yêu. Thân thể ta một ngày nào đó có thể mất đi. Núi vàng, núi bạc đấy rồi cũng tiêu tan. Nghĩ cho cùng thì chỉ còn tình yêu là điều an ủi duy nhất và cuối cùng ở lại trên thế gian này. Nên vậy, anh dành gần hết thời gian sống để yêu : yêu đời, yêu người. "Hãy yêu nhau đi" là bản tụng ca tình yêu ra đời trên tinh thần đó. Niềm hân hoan thấy rõ qua vũ điệu valse và giọng trưởng tươi sáng.

Mặc dù Trịnh Công Sơn vẫn trung thành với phong cách tối giản về mặt cấu trúc âm nhạc, nhưng "với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi" (Văn Cao), "Hãy yêu nhau đi" từ bao giờ đã trở thành nguồn năng lượng tích cực cho bao kiếp người.

Và cứ như vậy, người ca thơ ấy đã thế chấp chuyến đi về của mình bằng những bản Trịnh ca thật thà và rung động nhất. Như lời anh đã nói :

"Tôi yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi không có ý đối kháng tấm lòng và ngọn gió, gió không phải hư vô, mà gió là sự quên đi. Nghĩa là đã làm điều tốt thì phải biết quên việc mình làm. Ðó là điều kiện tự nhiên như là ngọn gió, như là khí trời vậy… Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có…".

(Trịnh Công Sơn).

Rồi anh đi, để lại cõi nhạc, cõi tình và một cõi Trịnh xưa.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 04/05/2019

Published in Văn hóa

Nếu đặt Trịnh Công Sơn giữa các nhạc sĩ cùng thời, trước 1975 như : Anh Bằng, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, Trần Thiện Thanh v.v..., tôi sẽ chọn dấu bằng. Thậm chí, nếu xét nét hơn, có những lúc dấu nhỏ hơn sẽ là một lựa chọn.

tcs1

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Photo by Wikimedia Commons

"Nhạc Trịnh" (?!)

Giới mộ điệu tân nhạc nói chung và những người hâm mộ Trịnh Công Sơn nói riêng, trước đây đều gọi Trịnh Công Sơn theo cách người Việt - ông Sơn, kể cả ca sĩ Khánh Ly, bà cũng gọi như thế.

Trân trọng hơn, người ta gọi đầy đủ họ tên và gắn chữ nhạc sĩ phía trước. Chỉ thế thôi ! Người miền Nam và cả Sài Gòn thật giản dị, dù có am hiểu âm nhạc đến đâu chăng nữa !

Chẳng biết tự bao giờ, chữ "nhạc Trịnh" được xướng lên như thể "Gọi Tên Bốn Mùa" cho "lòng thành kính" ( !). Quả khá buồn cười, khi phải gọi "nhạc Anh" (Anh Bằng không phải nhạc Anh, nhạc Mỹ), "nhạc Lam" (Lam Phương), "nhạc Ngô" (Ngô Thụy Miên), "nhạc Từ" (Từ Công Phụng), "nhạc Vũ" (không biết là Vũ Thành An hay Vũ Đức Sao Biển)... và đến đây thì... "rối nùi" !

Cũng không có gì chắc chắn, để biết ông Sơn thích nhạc của mình được gọi như vậy !

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "nổi tiếng" với chữ "Thôi Kệ" - những người quen đều biết - ông thường dùng, khi buộc phải chứng kiến những thăng trầm của thân phận một nhạc sĩ "hát rong".

"Nhạc Trịnh" ư ? Vong hồn ông Sơn thấp thoáng đâu đó chắc cũng thốt lên : Thôi kệ ! Chỉ duy, gia đình ông Sơn "thôi kệ" mới đáng suy ngẫm !

tcs2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh - AFP

Không lẽ vì vậy, bất kỳ ai cũng có quyền "thôi kệ" khi sự "sùng bái cá nhân" "nặng mùi" chính trị, vốn độc diễn và đầy dãy trong chế độ cộng sản như "nhà thơ Chế" ca rằng :

"Bác Mao không ở đâu xa

Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao"

Cũng chẳng biết khi gọi "nhạc Trịnh" nhằm để "răn" người hâm mộ không được phép "mạo phạm" ông Sơn bằng cách bình phẩm "này nọ", hay mục đích hướng đến lấp đầy hầu bao nhà tổ chức cùng những ca sĩ "có tên và có tuổi" khi họ đang trình diễn một thứ có vẻ là "siêu âm nhạc" cho khán giả ?!

Tất nhiên, khi sự "tôn thờ" dâng cao dễ biến thành "mù quáng".

Sự "mù quáng" được đẩy lên tột đỉnh của "thần tượng" dễ làm người ta phẫn nộ. Lúc đó, nghệ thuật biến thành "cuồng tín" với hình ảnh "mong manh áo vải hồn muôn trượng" như Hồ Chí Minh đã từng...

May mà Hồ Chí Minh chưa từng viết ra bản nhạc nào cả (!)

Nhân loại ơi ! Hãy cảnh giác ! - Julius Fucik

Dường như "đi nghe nhạc Trịnh" trở thành "thương hiệu" ?! Nghe "nhạc Trịnh" mới xứng là"trí thức" ?

"Học đòi" ngày càng lên ngôi !

"Trưởng giả học làm sang" hơn 200 năm, coi bộ ngày càng "thịnh hành" như người dân cầu viện đến "oan gia trái chủ" để vỡ mộng "Rồi như đá ngây ngô" (!)

Thật giễu cợt khi ngó dòng chữ "20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động" [1], do báo VnExpress tường thuật đầy hào hứng về đêm "nhạc Trịnh" mới đây.

Bài tường thuật sôi nổi đến độ, như đưa người đọc đến với cuộc đua nước rút của "vận động viên" Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Đức Tuấn v.v... chạy tiếp sức trên vận động trường ! Vâng !". Nhạc Trịnh" được tường thuật rất xôn xao, rất quyết tâm và đầy phấn khởi như thế tại sân vận động Hoa Lư thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Làm gì có "Sài Gòn" với lại "nhạc Trịnh" ! Sài Gòn đã mất và Trịnh Công Sơn đã chết !

Thẩm mỹ âm nhạc đã quá khác ! Khác đến độ đảo lộn hết mọi thứ trên đời, kể từ 1975. Tôi gọi nó là "sự tàn phá âm nhạc", trong đó có cả cách mà các người gọi là "nhà báo" mô tả đêm "nhạc Trịnh" như một "bữa tiệc buffet" với thực khách nháo nhào tranh giành và bốc hốt cho bằng được !

Nhạc Trịnh Công Sơn không dùng để hát ở sân vận động. Nhạc Trịnh Công Sơn không cần phải "hú hét", "bỏ nhỏ", "lấy to" hay "xử lý", "xử trảm" gì cả !

Nhạc Trịnh Công Sơn không dung chứa kiểu "làm mới" hay "làm màu". Người ca sĩ khi hát nhạc của ông Sơn phải hiểu. Bởi lẽ, những nhạc phẩm của ông Sơn, tuyệt đại đa số là những điệu chậm buồn và thường gắn với "tone thứ" để tỏ bày những nỗi niềm cho tình yêu. Đương nhiên, ông Sơn cũng có những bài "tone trưởng" như : Nắng thủy tinh, Mưa hồng v.v… nhưng ít được biết rộng rãi.

tcs3

Ca sĩ Hồng Nhung khóc trong đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/4/2001 - AFP

Cho đến khi "con cá bống" hiện diện trong nhạc ông Sơn, giới mộ điệu mới... "ngớ người ra" với gần chục bản ! Thật tình, chưa bao giờ cảm giác hụt hẫng đến với tôi như thế ! Không ! Phải nói nhạc của ông Sơn sao mà nó "vô duyên" quá thể !

Không dừng lại ở sự "vô duyên", khi ca sĩ Hồng Nhung cất lên "đừng buồn núi ơi !", tôi mới hiểu hết "thẩm mỹ âm nhạc" của "cô Diva" này ! Và cả "văn hóa xã hội chủ nghĩa" của Hồng Nhung, khi cô hát rằng :

Bống không là bống bống ở nơi nào

Bống không là bống không ở trong ao

Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố

Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà

(Bống không là bống - Trịnh Công Sơn)

Tôi "té ngửa" với chữ "ủng hộ" ! Hóa ra, ông Sơn cũng "đầy khả năng" khi viết nhạc cổ động ( !).

Loạt bài về "con cá bống" nhảy nhót, lên bờ xuống ao như "cú sụp ổ gà âm nhạc" của Trịnh Công Sơn. Khí nhạc gượng ép hợp với ca từ đầy chất "động viên cách mạng" dù sao cũng giúp ca sĩ Hồng Nhung có được chỗ đứng vững chắc trên nền "beton nhạc Trịnh", dù ca sĩ Khánh Ly từng nhận xét [2] :

"...nghe nói có được đào tạo trường lớp hẳn hòi và những ca sĩ này sáng tạo ra một lối hát giống nhau nhưng không giống ai…".

Người "Sài Gòn xưa" khi dùng chữ "không giống ai" có nghĩa ám chỉ về sự dị hợm.

"Lỗi lầm chính trị"

Trịnh Công Sơn khó có thể thành "biểu tượng" của nền tân nhạc Việt Nam, nếu ông không có những ca khúc "phản chiến". Bởi xét về "tình khúc", nhạc Trịnh Công Sơn rất dễ "ngán" như một món ăn chế biến quá đơn điệu và cứ lặp đi lặp lại. Ca từ của ông thường mang tính "phiêu diêu", nó làm người ta tò mò hơn là thích thú. Sự tò mò dễ làm nên "điều kỳ diệu" mang tên "biểu tượng". "Hàng hiệu" quần áo, túi xách, nước hoa v.v... cũng thường theo cách này mà trở nên đắt giá để chứng tỏ "đẳng cấp" (!).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ở tuổi 36 - đã gây ra một "sai lầm chính trị" quá lớn với phát ngôn vào ngày 30/4/1975, vốn khó được xem là người yêu chuộng tự do.

Nếu Trịnh Công Sơn được xem là "bậc thầy về âm nhạc" thì cũng nên nhìn nhận ông là "mầm non về chính trị". Hơn nữa, ông là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ.

Có lẽ vì thế, Trịnh Công Sơn từng ai oán :

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì

(Một cõi đi về)

để tâm tình với giới hâm mộ về sự non nớt đến độ hồn nhiên, đã gây ra lỗi lầm năm xưa ?!

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tự do vẫn chưa tới. "Thôi kệ" !

Một Cõi Đi Về - Khánh Ly (Trịnh Công Sơn) - Courtesy Trịnh Công Sơn family

Kính chúc hương hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phiêu diêu nơi miền cực lạc và... những ai thật sự thương mến nhạc của ông Sơn hãy xem ông là một nhạc sĩ bình thường như các nhạc sĩ khác.

Cần phải biết ơn nền giáo dục và văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa đã sản sinh ra hàng trăm nhạc sĩ như hàng trăm loài hoa khác biệt, rất riêng, rất hay và rất độc đáo !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 03/04/2019

_______________

P/S : "Thôi kệ" ! Quý độc giả nghe "ủng hộ" bài "Một cõi đi về" để Nguyễn Ngọc Già có thêm niềm vui !

[1] https://vnexpress.net/giai-tri/20-000-khan-gia-sai-gon-ngoi-bet-nghe-nhac-trinh-o-san-van-dong-3902456.html

[2] https://isach.info/story.php?story=ben_doi_hiu_quanh__khanh_ly&chapter=0000

Published in Văn hóa

Không còn nghi ngờ gì nữa, Trịnh Công Sơn đã và đang là nhạc sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong tháng giữa ngày sinh và ngày mất của ông, hàng loạt sự kiện nhạc Trịnh lớn nhỏ diễn ra khắp nơi.

tcs1

Trịnh Công Sơn xuất hiện trên Google Doodle hôm 28/2/2019 trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhạc sỹ

Và quanh năm, nhiều quán xá ở Hà Nội vẫn hàng tuần tổ chức những đêm Trịnh chẳng hề vắng khách. Nơi ấy là lãnh địa của các giọng ca bán chuyên hát nhạc Trịnh theo phong cách nói chung không thay đổi từ thời Khánh Ly…

Những giọng ca chuyên nghiệp tất nhiên không chịu dừng lại. Trịnh Công Sơn như hành trang họ cần mang trên hành trình sự nghiệp. Nhạc Trịnh không chỉ cung cấp một chất liệu dễ tương thích mang tính thẩm mỹ cao mà còn là một bảo chứng về tính đại chúng. Vì thế hát nhạc Trịnh cũng là một cách hay và nhanh để tiếp cận khán giả.

'Trịnh mang tinh thần đương đại'

Hà Lê, một ca sỹ, nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi khi chuyển sang ngạch ca hát sau khoảng 10 năm làm vũ công và biên đạo. Anh trang bị chuyên môn vũ đạo cho mình khi còn đang học trung học và đại học ở Anh.

Hà Lê theo đuổi dòng nhạc hip-hop với ngoại hình cực ngầu, hứa hẹn là thần tượng mới của giới trẻ. Tuy nhiên anh cũng khiến giới đứng tuổi phải để ý khi hát lại những bài cũ như Thành phố buồn (Lam Phương), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn) hay Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (nhạc Trương Quý Hải) trên truyền hình. Anh vừa công bố dự án làm mới triệt để nhạc Trịnh với MV Diễm xưa, kế đó là Mưa hồng- hát chung với Bùi Lan Hương.

Album phòng thu Trịnh Contemporary sắp phát hành, cùng những dự án phim ngắn, nhạc kịch sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn sẽ được công bố trong năm nay. Trong cuộc trò chuyện, Hà Lê chia sẻ sẽ dành nhiều thời gian cho Trịnh Công Sơn :

"Tham vọng của bọn tôi để thành hình đầy đủ đúng như mình muốn sẽ mất 2-3 năm. Mục đích cuối cùng là một cái nôm na như nhạc kịch Broadway (sử dụng ca khúc) Trịnh Công Sơn trình diễn trực tiếp hoàn toàn. Sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng kịch bản, cần ý tưởng cũng như sự góp sức của rất nhiều bộ phận nghệ sĩ. Nên hiện nay tôi chưa dám chia sẻ nhiều. Nếu làm được điều đó mới xứng đáng để vác trên vai chữ contemporary".

Theo Hà Lê, nhạc Trịnh coi như "di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam", nên khi thực hiện cũng phải có đẳng cấp nhất định. Ai đó so Trịnh Công Sơn với Bob Dylan, nhưng Hà Lê thì hơi khác. "Trịnh Công Sơn là một trong những người tiên phong trong việc sáng tạo cái mới", anh nói. "Bản thân bộ môn Trịnh Công Sơn đã là một thứ rất đương đại. Giống như thế giới có Michael Jackson vậy".

Theo Hà Lê, nhạc Trịnh cho thế hệ sau nhiều "khoảng trống" để họ tiếp tục điền tên mình vào : "Tôi nghĩ đấy là tiêu chuẩn, là nguồn cảm hứng để lớp lớp nghệ sĩ như bọn tôi nhìn vào để phấn đấu. Về lâu dài, mình phải tạo được những khoảng trống để thế hệ sau sáng tạo thêm vào, như một bức tranh đẹp vẫn có thể được vẽ tiếp".

Hà Lê kể, từ bé đã mơ làm ca sĩ và hát nhạc Trịnh. Sau đó theo sự định hướng của bố mẹ anh đi học kinh tế (để về làm cho công ty của gia đình), nhưng rồi nhận ra ra sàn diễn vẫn là đam mê. "Gu của tôi cũng giống khán giả. Đấy là những bài tôi rất thích", Hà Lê nói về những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. "Khi hát những bài đấy tôi cảm thấy tự tin giống như mình đang kể câu chuyện của mình".

'Không thể không hồi hộp'

tcs2

Hà Lê trong cuộc ra mắt dự án về nhạc Trịnh

Mặt khác, anh vẫn không thể không hồi hộp trước một dự án lớn: "Tôi không hiểu vì sao mình lại có cơ duyên làm vệc này. Đó là điều may mắn, vừa là trách nhiệm rất nặng nề, cũng là điều khiến tôi cảm thấy rất hưng phấn. Hưng phấn hơn nhiều so với việc tôi có một beat mới và ngồi viết bài mới, hay nhận một cái demo mới. Việc làm sao để làm mới lại một cái cũ, đã đóng đinh và có một giá trị rất sâu sắc- kích thích và thử thách nhiều hơn việc mình làm ra cái mới ở thời điểm này".

Đồng hành với Hà Lê có nhạc sĩ hòa âm Tùng Acoustic và Thành Đồng ở vị trí giám đốc nghệ thuật. Hà Lê bày tỏ ý định muốn lan tỏa cảm hứng đương đại bằng việc sáng tạo nhạc Trịnh, từ đó kết nối nhiều nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật khác nhau trên cơ sở đồng cảm về tư duy để tiếp tục tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh bằng âm nhạc, điện ảnh, vũ đạo, nhiếp ảnh, thời trang…

"Khi làm nhạc Trịnh, tôi vẫn cố đem tinh thần R&B hay văn hóa hip-hop vào. Vì cái đó thuộc về con người tôi, không thể giấu nó đi được. Không thể nào như Khánh Ly hay Hồng Nhung, cách hát của tôi được trui rèn,, ảnh hưởng qua rất nhiều năm nghe nhạc hip-hop, là người thích nhảy, thích tiết tấu, nhịp điệu, nó sẽ là như vậy".

Dù nhạc Trịnh qua Hà Lê được khoác chiếc áo "thời thượng" của R&B hay các dòng nhạc điện tử khác nhưng về cách hát, có thể thấy Hà Lê không xa Khánh Ly lắm ở lối nhả chữ đều, thẳng, lạnh. Giọng Hà Lê cũng có độ "phi giới tính" thu hút người nghe. Anh cũng không ngại sửa nốt khi phiêu hoặc thêm vào những câu nhạc ngắn.

Tất nhiên sự phá cách triệt để so với hầu hết các ca sĩ từng hát nhạc Trịnh của Hà Lê gây nhiều luồng tranh cãi, nhưng có vẻ được giới trẻ khá tán thưởng. Có thể thấy Diễm xưa ra sau Hạ trắng đã có sự trau chuốt phù hợp với tinh thần bài hát hơn.

Khác với một số sao nhạc pop Việt Nam chỉ hợp tác với Sony trong lĩnh vực phát hành, Hà Lê cùng Phúc Bồ là hai nghệ sĩ có được hợp đồng đầu tư và sở hữu độc quyền 10 năm, năm nay bước sang năm thứ ba. Lựa chọn này của Sony khá lạ vì cả hai tên tuổi đều chưa phải hàng đầu về thị trường.

"Họ tìm người trẻ, có năng lực, có tư duy, quan trọng nhất là đồng hành với họ về tầm nhìn", Hà Lê cho hay. "Về nghệ thuật, họ hoàn toàn tôn trọng, không tham gia nhiều. Họ tin tưởng chuyên môn của chúng tôi, chỉ giúp chúng tôi định hình lại những mong muốn của mình để dịch ra ngôn ngữ chung nhất cho khán giả tiếp nhận".

'Xuất khẩu nhạc Trịnh'

tcs3

Hai anh em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - Ảnh : NVCC

Được biết đã có sự tham gia của hãng Sony trong một dự án gọi là Trịnh Contemporary khá thú vị vì ngoài Việt Nam, Nhật Bản được cho là thị trường mặn mà với Trịnh Công Sơn nhất. Nhạc sĩ từng nhận đĩa vàng tại Nhật với bài Ngủ đi con năm 1972 và giọng ca gạo cội Tokiko Kato sẽ có mặt tại Việt Nam hát lại bài này trong những đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn đầu tháng Tư này.

Nhưng có một nỗ lực khác liên quan 'xuất khẩu nhạc Trịnh' qua phương Tây, khi tôi nghe album 'Này em có nhớ của Đồng Lan', phát hành đúng dịp kỷ niệm 18 năm ngày nhạc sĩ ra đi, tôi không có cảm giác đang nghe nhạc Trịnh, mặc dù chắc chắn đó là Trịnh. Hóa ra trước nay ở trong nước, dù gò theo những khuôn thước cũ hay cố bung phá ra thì vẫn là người Việt làm nhạc Trịnh, không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ những quan niệm cố hữu thậm chí thiên kiến về nhạc Trịnh.

Đồng Lan vì đem album sang Pháp cho người Pháp hòa âm phối khí nên hiệu quả đem lại rất khác. Nghe nó "Tây" một cách tự nhiên đến nỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân nói đùa với Lan : "Thế này chắc Trịnh Công Sơn… đạo nhạc Pháp rồi !".

Đối với Jazz Châu Âu, album Trịnh của Đồng Lan không có gì mới về âm nhạc nhưng với những người Việt từng nghe nhạc Trịnh, hẳn họ sẽ bất ngờ và dễ dàng được thư giãn. Vì Lan cũng ngấm được tinh thần của bản phối, ca hát rất tung tăng. Cô đang ở khoảng thời gian chín muồi của cách hát, không còn những điệu đà làm màu, mà đơn giản là chính mình, tự nhiên đủ để không bị so sánh với bất cứ ai. Có lẽ cô đã thoát khỏi nỗi sợ bị phê phán của bất kỳ ca sĩ nào (sau thế hệ của Khánh Ly) mỗi khi mở miệng định hát nhạc Trịnh. Còn sâu xa hơn, hẳn vì cô đã tìm thấy mình trong nhạc Trịnh. Nghe Lan đưa đẩy nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp theo kiểu jazz, không ai biết lúc thu âm cô đang bị nhiệt ở lưỡi, gây đau, phải vừa tra thuốc vừa hát.

Lan kể bài Này em có nhớ với những câu mở đầu "Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người…" cô nghe trong một lúc đau khổ để rồi cảm thấy "trái tim như bừng sáng lên trong đêm". Từ lần "gặp" Trịnh Công Sơn đó, cô viết ra những câu hát cho riêng mình :

"Người còn nhớ không người

Phật bỏ chốn trần gian

Người còn hát không người

Om Mani Padme Hum…"

Sáng tác được biết tới nhiều nhất của Đồng Lan lúc này là Sợ chết. "Tôi thú nhận tôi sợ chết nhưng không thể nói là hèn", cô nói. "Tôi cũng là con người thôi nhưng tôi dũng cảm đối mặt và chuẩn bị từ bây giờ cho việc chết một cách thoải mái. Thấy đồng điệu với Trịnh Công Sơn :

'Mệt quá thân ta này

Nằm xuống với đất muôn đời…'

Rất nhẹ nhàng, mệt thì nằm thôi. Tôi thấy nó đáng yêu, đồng cảm và có sự kết nối". Lan kể, Trịnh Vĩnh Trinh hay vài người bạn thân của Trịnh Công Sơn đều tỏ ý tiếc cho cô không được gặp nhạc sĩ lúc sinh thời : "Ồ anh Sơn mà gặp em sẽ rất quý em đấy !".

'Không cần hiểu đã thấy hay'

Ban nhạc của Hạm đội 7 Mỹ trình diễn ca khúc 'Nối vòng tay lớn' của Trịnh Công Sơn trong một chuyến thăm Việt Nam

Trịnh Công Sơn là nhà thơ viết nhạc. Lời của ông không cần hiểu đã thấy hay. Nhưng khi chuyển ngữ cần độ chính xác nhất định. Bài nhạc Trịnh đầu tiên trong album đầu tay Lan nhờ chị gái dịch- chính chị cung cấp chỗ ở cho cô suốt một tháng ở Pháp để làm album Trịnh. Còn để có lời Pháp cho cả đĩa, cô làm việc cùng nhà thơ Pháp sống tại Sài Gòn Francois Brunetta trong 5 năm.

Riêng Để gió cuốn đi, bài đầu tiên hai người cùng chuyển ngữ mất 4 năm mới chốt được bản cuối. "Những bài đầu tiên chưa có kỹ năng. Ưng, không ưng, dịch, xóa, sửa tùm lum", Lan kể. "Dịch nhạc Trịnh cho đúng đã khó lại còn phải làm sao cho người Pháp hiểu. Có những bài chỉ lấy hình ảnh và ý tưởng chung chứ không lấy tình tiết. Ví dụ 'gọi nắng" nếu dịch sát nghĩa sẽ thành một đoạn dài…".

Chỉ có một vấn đề nhỏ là trên bản phối ấy, sẽ có những khán giả muốn nghe trọn vẹn một bài nhạc Trịnh do Đồng Lan hát bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Pháp) thì lại không thể. Tất cả các bài trong album đều được hát song ngữ.

Đồng Lan nổi tiếng ở Việt Nam trước tiên như một người chuyên hát nhạc Pháp. Cô cảm thấy nhạc Trịnh cũng gần với tinh thần Pháp. "Chắc do ông học trường Tây", cô lý giải. "Giai điệu cũng đơn giản, đáng yêu theo kiểu nhạc Pháp chứ không màu mè như kiểu Mỹ chẳng hạn. Người Mỹ khi hát sẽ làm cho kịch tính hơn, trong khi người Pháp chuộng kiểu hát thì thầm như nói. Mỗi kiểu đều có cái hay…".

Bài 'Ở trọ', Lan đưa cả hai cô cháu gái nói còn chưa sõi vào hát chung đoạn vocal. Cô còn muốn có một giọng bass hòa cùng để làm nổi bật tinh thần bài hát theo như cô hiểu: "Tất cả chúng ta đến kiếp này chỉ để ở tạm thôi, hãy thoải mái tận hưởng đi. Đừng nặng nề, bon chen, chơi xấu nhau làm gì. Đằng nào mình cũng chết. Sống cho vui rồi chết". Nhìn hai bé gái sinh đôi nhún nhảy trong phòng thu theo nhịp điệu của Trịnh Công Sơn, Lan thấy hạnh phúc : "Đấy, nhạc Trịnh không có biên giới. Người Pháp sẽ thích và đó là điều tôi muốn. Tôi cũng sẽ hát cả tiếng Anh nữa, rất nhiều những bài Trịnh Công Sơn mà tôi thích".

Được biết Đồng Lan ra đĩa nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp và tới đây bằng tiếng Anh.

"Tôi muốn những người bạn nước ngoài biết đến Trịnh Công Sơn- niềm tự hào của người Việt. Một nhà văn Mỹ thấy Bob Dylan và Trịnh Công Sơn có sự tương đồng như kiểu mặt trời với mặt trăng. Thôi không so sánh, chỉ biết tôi yêu nhạc Trịnh và tôi sẽ làm tốt hơn điều mình yêu thích", cô chia sẻ về mục đích của thử nghiệm mới này.

ác giả, gửi đến BBC Tiếng Việt trong dịp tưởng niệm 18 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời.

Published in Văn hóa

Lần đu tiên mt ngh sĩ Vit Nam được Google vinh danh khi Google thay đi doodles trên trang ch tiếng Vit vi hnh nh ca c nhc sĩ Trnh Công Sơn đúng vào ngày sinh nht th 80 ca ông.

tcs1

Hình ảnh Trnh Công Sơn trên Google Doodle nhân k nim 80 năm ngày sinh ca ông hôm 28/2.

Trịnh Công Sơn, nhc sĩ tài hoa đã để li cho âm nhc Vit Nam hơn 600 bài hát, là người Vit Nam đu tiên được Google vinh danh, theo truyn thông trong nước.

Trang chủ Google tiếng Vit trước đây cũng có nhiu ‘doodle’ đánh du nhng ngày l ln như Tết Nguyên đán, ngày Quc khánh, ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết Trung thu, nhưng đây là ln đu tiên mt cá nhân, mt người Vit, nhn được vinh d này.

tcs2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh : Báo Mới

"Đây là một món quà sinh nht tht ý nghĩa cho anh Sơn và gia đình chúng tôi, mt nim vui cho cng đng yêu nhc Trnh", bà Trnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, được truyn thông trong nước trích li nói.

Google Doodles là những biu tượng đc bit, thay thế tm thi cho biu tượng Google trên trang ch Google nhm chào mng các ngày l ln, các s kin, nhng thành tu và nhng nhân vật có đóng góp quan trng trong nhiu lĩnh vc cho cng đng đt nước mình, hay cho nhân loi.

Trịnh Công Sơn là nhc sĩ Vit Nam có nh hưởng rng rãi trên trường quc tế, theo truyn thông trong nước. Ông được báo chí và cng đng quc tế gi là "Bob Dylan của Vit Nam" (theo BBC) vì nhng ca khúc nhc phn chiến. The Washington Post, mt trong nhng t báo có uy tín nht ti Hoa Kỳ, gi Trnh Công Sơn là "Nhc sĩ được yêu mến nht ti Vit Nam".

Trên trang blog của mình ti Vit Nam, Google đã dành nhiu điu đ chia s v nhc sĩ Trnh Công Sơn. Theo Google, 18 năm k t ngày ông ‘tr v vi cát bi', nhng bài hát ca nhc sĩ vn là mt phn đc trưng không th không nhc đến khi nói ti âm nhc và văn hoá Việt Nam.

Theo VietnamNet, âm nhạc ca Trnh Công Sơn đóng góp và có tm nh hưởng đi vi văn hóa đi chúng Vit Nam và cng đng quc tế.

Âm nhạc ca Trnh Công Sơn còn ghi du n đc bit ti Nht Bn. Trnh Công Sơn là nhc sĩ Vit Nam đu tiên phát hành album với doanh s hơn 2 triu bn, theo ZingNews.

Các ca khúc của ông cũng được dch ra tiếng Nht và được biu din, thu âm bi nhng ngh sĩ hàng đu Nht Bn như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong chương trình Âm nhạc Đêm giao tha thường niên ca đài truyn hình quc gia Nht Bn NHK.

Trịnh Công Sơn sinh ra ti Dak Lak năm 1939 và mt ngày 1/4 /2001. Trong s hơn 600 ca khúc mà ông đ li, hơn 230 ca khúc được ph biến rng rãi và được công chúng đón nhận và yêu mến, như Dim Xưa, Cát Bi, Như Cánh Vc Bay và Phôi Pha.

Tuy nhiên trong cộng đng người Vit hi ngoi, nhiu người t nn cng sn cho ti bây gi vn ty chay nhng nhc phm mà mt thi h đã tng yêu thích, vì hành đng ca ông trong ngày 30/4/1975, khi ông lên đài phát thanh Sài gòn hát bài "Nối Vòng Tay Ln" và có mt trong nhóm các sinh viên "chào mng thng li vĩ đi ca dân tc", kêu gi trí thc, ngh sĩ "hp tác vi chính quyn cách mng".

Dưới con mt ca nhiu người t nn cng sản, người nhc sĩ tài hoa tng được các tướng lãnh Vit Nam Cng Hoà ưu ái, sau ngày 30/4/1975 đã tr thành "mt k phn bi chính nghĩa Quc gia".

Nguồn : VOA, 28/02/2019

Published in Văn hóa
Trang 1 đến 2