Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dạo ấy, có người con gái đêm đêm thổn thức với từng lời ca, tiếng đàn tại một phòng trà ở Sài Gòn, có một chàng nhạc sĩ vô danh lặng thầm nghe cô hát. Tiếng hát liêu trai đong đầy nỗi buồn, hoen nhòa trên mi của cô ấy, cứ từ từ "dan díu" vào tâm hồn anh. Và từ đó nhạc phẩm "Ướt Mi" được phôi thai từ trái tim anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như những giọt sầu, thương người em gái mưa ngâu.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại : "… Và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát "Giọt mưa thu" và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát "Giọt mưa thu" chờ Thúy về. Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ…". Và như thế, nỗi buồn Thanh Thúy, giai điệu sầu thương Giọt Mưa Thu, sự giao cảm của chàng nhạc sĩ trẻ đã làm nên một thân phận, Ướt Mi.

Năm 1959, ca khúc "Ướt Mi" mà Trịnh Công Sơn dành tặng cho ca sỹ Thanh Thúy, người con gái có giọng hát trầm sầu, mộng mị, đã được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn. Đây được coi là sáng tác đầu tiên của nhạc sỹ trình làng trước công chúng và mở đầu cho một "hiện tượng Trịnh Công Sơn" sau này. Những năm 59-60, trong thành phố, nhiều người đã thích và hát bản nhạc này. Và hình như người Nhật cũng rất thích Ướt Mi vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã diễn tấu và thu âm nó.

Điệu thức của ca khúc được tác giả trao gửi cho màu la thứ. Cách tiến hành câu nhạc ít luyến láy mà nương theo những hợp âm rải (arpège), chậm rãi theo nhịp valse. Liệu có chủ ý hay không nhưng thật tài khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã miêu tả cơn mưa dầm, lê thê bằng một điệu valse buồn cứ quay, cứ quẩn quanh, biết đến bao giờ mới dứt.

uot1

Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, Saigon. Wikipedia/Trần Thái Hòa

Ca khúc có hai phần, được phân biệt bởi độ dài của câu. Đoạn đầu với những câu ngắn, đều đặn. Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Thúy đã không hát đúng nhịp ngay từ đầu, mà cô chọn lối thể hiện bằng cách nhả từng câu nhạc theo nhịp tự do, như những giọt mưa đầu tiên chầm chậm thấm tháp vào lòng người.

Đoạn thứ hai, câu hát dài hơi và dàn trải hơn với tiết tấu gần như đồng nhất. Cơn mưa bây giờ đã nặng hạt, những tâm sự trong lòng không thể dồn nén thêm được nữa, mà vỡ òa tuôn theo dòng nước trong "đêm khuya lạnh ướt mi".

Sau này, ca sĩ Khánh Ly có thu âm ca khúc Ướt Mi trong album Sơn Ca 7 của mình. Cũng là chất giọng trầm hơi khàn, nhưng với cách xử lý khác, Khánh Ly đã dẫn lối người nghe vào tận sâu cơn mưa đêm, chạm vào từng tiếng thở than để mà vỗ về, an ủi. Cô hát theo nhịp valse đều đặn từ đầu đến cuối, như tiếng ru mang mác về một dĩ vãng xa xôi.

Ướt Mi không những nổi tiếng bởi hình ảnh nỗi buồn của ca sĩ Thanh Thúy mà còn được nhắc đến như một đặc sản mưa Huế. Trịnh Công Sơn đã từng nói : "Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy". Huế chính là vùng đất nuôi dưỡng tâm hồn anh. Những cơn mưa kéo dài lê thê, những đêm mưa não nề quạnh vắng bên sông Hương. Tất cả đã theo chân anh. Tất cả đã phả vào Ướt Mi khung cảnh cố đô u tịch và lặng lẽ.

Có thể Trịnh Công Sơn là một kẻ hoài cổ nặng nghiệp, vậy nên lúc còn sống, anh hay bị ám ảnh bởi những câu hỏi về sự khởi đầu, về những năm tháng xa xôi và về sáng tác đầu tiên của mình. Mặc dù trước khi gặp Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn cũng đã viết một số bài như : Sương Đêm, Chơi Vơi…"Nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận" của nó và của anh, do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.

Thế nhưng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến điểm kết thúc và sáng tác cuối cùng. Anh không muốn ngủ yên trong cái lề thói hữu hạn của đời mà muốn trầm mình trong "cái lẽ vô thủy vô chung". Vì vậy, trong lời tâm sự đăng vào mùa xuân năm 1991 ở báo Lao Động, Trịnh Công Sơn đã viết :

«Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được (…) Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.

Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.

Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc ? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng ?".

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 31/03/2018

Published in Văn hóa

Ca khúc Nối Vòng Tay Lớn và ba ca khúc khác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹĐêm thấy ta là thác đổ bị Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết không nằm trong danh mục phổ biến bởi chưa xin phép.

vongtay1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Ảnh chụp ngày 2/4/2000. AFP photo

 ‘Quá ngạc nhiên’

"Bất ngờ" ; "không hiểu được" hay "quá ngạc nhiên", đó là tất cả những gì mà bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vào tối thứ Ba, 4 tháng 11.

"Tôi thấy bài này là cả đất nước Việt Nam đã hát và được phép sử dụng rất lâu rồi, được hát khắp nơi. Lời trong bài hát có những ý nghĩa mà cả đất nước này ai cũng muốn hát bài đó. Gia đình rất ngạc nhiên khi nghe nói không cho phép".

"Bất cứ buổi họp mặt nào, ngay cả buổi lớn buổi nhỏ, tụ tập ở nhà người ta cũng hát bài đó. Họ gặp nhau là họ hát bài đó".

Ca khúc Nối vòng tay lớn, cùng 3 tác phẩm khác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Ca dao mẹ và Đêm thấy ta là thác đổ bất ngờ nhận được thông báo từ Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết những ca khúc này "chưa được cấp giấy phép" nên không thể phổ biến trong chương trình "Nối vòng tay lớn" vào đêm 21 tháng 4 sắp đến.

Theo gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại, "Nối vòng tay lớn" là đêm nhạc do trường Đại học Y dược Huế tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Chương trình dự kiến sẽ có rất nhiều giáo sư, bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về. Đó là những người thành nhân, thành danh sau khi bước ra từ Đại học Y dược Huế, và rất yêu nhạc Trịnh Công Sơn.

Chính vì vậy, khi trường ngỏ lời về đêm nhạc có tên "Nối vòng tay lớn" mang nhiều ý nghĩa của sự đoàn tụ như thế, đã nhận được ngay sự đồng ý từ gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, gia đình và phía trường Đại học đã thực hiện đúng thủ tục của một đêm diễn, đó là xin giấy phép thực hiện, thế nhưng, sự việc trở nên khôi hài khi họ khước từ bốn ca khúc trong danh sách các bài hát.

"Về luật của Việt Nam, đối với gia đình cũng như đối với tất cả những nơi có buổi biểu diễn thì cho dù nhạc của ai cũng phải xin giấy phép. Ngay cả tôi biết ngoài Huế (trường Đại học) cũng xin giấy phép vì chương trình có mấy chục bài thì được chấp nhận nhưng họ trả lời bài Nối vòng tay lớn thì không chấp nhận".

Lại liên quan bản gốc ?

VIETNAM-SINGER

Hàng ngàn người dân tiễn đưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/4/2001. AFP photo

Báo Vnexpress hôm thứ Ba dẫn lời ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích và chúng tôi xin trích nguyên văn : "Theo Nghị định của Chính phủ về phổ biến các sáng tác trước năm 1975, các đơn vị tổ chức, cá nhân muốn biểu diễn những tác phẩm này phải tự hoàn thiện hồ sơ gửi lên Cục. Hồ sơ bao gồm nhiều giấy tờ như đơn đề nghị cấp phép, bản ghi âm nội dung tác phẩm và chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả".

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã nhận được hồ sơ xin cấp phép ca khúc Nối vòng tay lớn từ trường Đại học Y Dược Huế. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả (trong trường hợp này là gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho chúng tôi biết bà có nhận được đề nghị giúp đỡ từ một trung tâm nhạc để xác nhận ca khúc Nối vòng tay lớn là "đúng nhạc, đúng lời".

"Không phải gia đình đứng ra tổ chức. Chẳng qua ngoài Huế có nhờ gia đình. Đây là trường học, các cô các thầy không quen ca sĩ để mời thì có nhờ gia đình. Bây giờ mình không phải đứng ra tổ chức để xin giấy phép thì làm sao mình ký vào tờ giấy bảo tôi xác nhận bài hát Nối Vòng Tay Lớn là lời đúng và nhạc đúng ?"

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, trước khi trả lời chúng tôi về vấn đề xung quanh câu chuyện bản gốc, bản quyền, ông đưa ra nhận định về ca khúc Nối vòng tay lớn.

"Theo tôi nghĩ không hề có vấn đề gì về vấn đề ý thức hệ, hay chế độ cũ hay chế độ mới. Hơn nữa Trịnh Công Sơn là một tác giả không có vấn đề gì về câu chuyện này".

Điều ông Lương Hồng Quang nói được chứng minh trong mấy năm qua, ca khúc đã quá quen thuộc với dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi Tổng thống Obama có chuyến công du Việt Nam cũng nhắc đến. Nguyên bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry khi chào tạm biệt Việt Nam tại buổi tiệc ở Dinh Thống nhất cũng cất lên tiếng hát cùng Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.

Do đó, vấn đề được ông Lương Hồng Quang giải thích liên quan đến điều ông gọi là "sở hữu trí tuệ" và "yếu tố xử lý kỹ thuật".

"Vấn đề hiện nay đụng đến vấn đề khi Việt Nam tăng cường cái sở hữu trí tuệ thì đụng chạm đến tính nguyên gốc, nguyên bản. trong thực tiễn của một xã hội đang/ chậm phát triển như Việt Nam gần đây, khi thực thi quyền tác giả thì đụng chạm đến những vấn đề mang tính kỹ thuật. và nó nảy sinh ra những vấn đề xử lý. Chứ đứng về mặt ý thức hệ, theo quan điểm cá nhân của tôi tôi cho rằng không có vấn đề phân biệt gì cả".

Vấn đề bản quyền, bản gốc gần đây đã xảy ra với nhiều tác phẩm được sáng tác trước 1975. Tất cả những sự việc này, theo ông Lương Hồng Quang, là "thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước".

"Khi luật đã đặt ra như thế và đặt vào từng trường hợp cụ thể thì nó lại trật về mặt kỹ thuật".

Sự lúng túng của cơ quan quản lý mà ông Lương Hồng Quang nhắc đến, có lẽ thấy rõ hơn qua năm ca khúc "nhạc vàng" là Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) có lệnh cấm vĩnh viễn ngày 3 tháng 4 vừa qua vì không chứng minh được bản gốc. Đến hôm nay, thứ Tư, 11 tháng 4, một trang báo mạng trong nước cho biết bản gốc của năm ca khúc đó đã được tìm thấy.

Như thế, có phải đồng nghĩa với lệnh cấm vĩnh viễn sẽ được rút lại hay không ?

Câu trả lời về số phận năm ca khúc trên chưa biết thế nào. Nhưng riêng đối với Nối vòng tay lớn nói riêng và những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chung, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết bà và gia đình "chỉ muốn bài Nối Vòng Tay Lớn được trả về vị trí như nhà nước chấp nhận trước đây và mọi chuyện cho qua một cách nhẹ nhàng".

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 12/04/2017

Additional Info

  • Author Cát Linh
Published in Diễn đàn

Cuộc sống con người hữu hạn lắm, vạn sự rồi cũng đều mất đi vào hư không. Có lẽ vậy, ngay từ khi còn rất trẻ, Trịnh Công Sơn luôn hoài đau đáu những suy nghĩ về sự sống-chết, sự mất-còn trên thế gian này. Có thể là mất còn về thân xác con người hay cũng có thể là sự mất còn của một cuộc tình. Nhưng tình yêu lại là một cõi khác, vô hạn kéo dài mãi mãi. Vì thế trong hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, phần lớn là những áng tình đẹp bằng âm nhạc. Chúng đôi khi kể về một cuộc tình ươm đầy như nắng sớm, khi lại thủ thỉ về những xúc cảm lứa đôi đã chia xa. Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời nằm trong số những ca khúc như vậy.

dongsong0

"Có một dòng sông đã qua đời"

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người không muốn nhắc nhiều về năm tháng, anh sợ cái kín đóng của thời gian, rồi từ đó người ta sẽ thôi hết yêu nhau vì dấu tích già nua của nó để lại trên hình hài. Và anh không thể tiếp tục sống và viết nhạc nữa. Như vậy để nói rằng, ca khúc Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời không biết đã ra đời từ bao giờ. Trong một cuộc nói chuyện với nghệ sĩ Thanh Bạch nhân dịp phát hành album của cô em gái, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn đã kể lại :

"Là hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. Mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này... Bên cạnh đó, khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước... mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn. Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông. Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời".

Xin được phép không bàn nhiều về ca từ của ca khúc này vì có quá nhiều bài viết rất hay đã nói về điều đó. Khi nghe ca khúc của anh, những kẻ mộ nhạc Trịnh, bỗng nhiên một ngày trở thành ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ hay triết gia lưu lạc giữa đời thường. Mà có gì hay để họ có được những cuộc "thoát xác" kì diệu đến vậy ?

Đầu tiên có lẽ là một tiêu đề Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời xuất hiện khá lạ. Đó chỉ có thể là anh, nhạc sĩ họ Trịnh mới trao cho dòng sông một thân phận để rồi một ngày nào đó qua đời cùng với mối tình xa xôi. Sau là sợi dây quyến luyến của lời thơ và ý nhạc. Như trong lòng dòng sông ấy, không còn nữa sự phân định. Vậy nên khi phôi thai một bản nhạc, chính anh đã thừa nhận : "Tôi đang ở trong một trạng thái là không còn biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc và thi ca, chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ trong đó".

Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời như một lời nói chuyện thường nhật, rất đơn giản về cấu trúc, chỉ có vỏn vẹn bốn câu nhạc, tuy nhiên mỗi câu bao gói từ hai đến ba câu thơ. Âm nhạc lúc đầu được chấm phá màu ngũ cung sau chuyển nhẹ sang điệu thức phương tây. Theo thường lệ, ca khúc này không có những vệt tương phản đậm nét khi chuyển ý, chỉ là một dải màu mỏng tựa mây loang dần ra.

Điều thú vị mà ít ai để ý đến, đó là Trịnh Công Sơn muốn kể trong câu chuyện Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời là cuộc tình đã qua và sự mất mát nhưng anh lại viết nó ở điệu thức trưởng, cái mà người ta thường dùng để diễn tả cảm xúc vui tươi. Có chăng tình yêu trong anh tuy buồn nhưng không ủy mị thê lương. Nhạc Trịnh Công Sơn không hề có niềm đau tuyệt vọng, vì anh biết trước rằng cuộc đời vốn dĩ là hữu hạn.

Nhịp điệu trong ca khúc không nhanh nhưng lại khá đều đặn, như thể những bước chân của họ đang chậm rãi lướt qua nhau. "Nhìn nhau ôi cũng như mọi người" nhưng cái cảm xúc xốn xang, lao xao của "mười năm" trước vẫn còn đâu đây.

Để thể hiện thành công nhạc khúc Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời, không phải bất cứ ca sĩ nào cũng đạt tới, mặc dù hầu như ai cũng có thể xướng lên bài hát đó vì không có những quãng khó, câu nhạc ngắn và không đặt nặng nhiều về kĩ thuật thanh nhạc. Tuy nhiên, để giọng hát người nghệ sĩ đọng lại trong lòng người nghe bằng ca khúc này, thì lại là một chuyện khác.

Ngoài cái bóng lớn của ca sĩ Khánh Ly, cô hát như thể tự sự về chính cuộc tình của mình, còn có một vài bản thu âm khác để lại nhiều dấu ấn như của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh : trong sáng như bóng hình ai xưa. Có khi lại tình tứ và nuối tiếc trong bản thu của cặp song ca Cẩm Vân, Khắc Triệu. Và gần đây nhất là sự thể hiện của ca sĩ trẻ Nguyên Hà qua phong cách hiện đại cùng lối nhả chữ khá phiêu diêu.

Qua rồi mười sáu năm "đường xa vạn dặm", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giờ đây đã thoát được cái ngưỡng hữu hạn của một đời người. Anh viết cho trần gian những lời ca để tình yêu không ngừng sinh sôi và hạnh phúc mãi đâm chồi. Và như vậy, chỉ có anh, người nghệ sĩ tài hoa, không chỉ sống một cuộc đời mình mà còn sống vạn cuộc đời khác. Chỉ cần có tình yêu, thì cho dù dòng sông này đã mất đi nhưng sẽ lại có một dòng sông khác ra đời, vẫn đẹp và vẫn tình như vậy.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 01/04/2017

Additional Info

  • Author Hoài Dịu
Published in Văn hóa

trinh1

Công ty TNHH giải trí Đồng Dao cố tình trốn tránh việc trả tiền tác quyền các bài hát trong liveshow Khánh Ly tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016

Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới vào chiều ngày 4/02/2017, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định sẽ làm theo luật pháp nếu như công ty TNHH giải trí Đồng Dao cố tình trốn tránh việc trả tiền tác quyền các bài hát trong liveshow Khánh Ly tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 vừa qua.

Mới đây, VCPMC (Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) vừa công bố tổng số tiền thu được từ tác quyền âm nhạc trong năm 2016 là hơn 52 tỉ đồng ở khu vực phía Nam (tăng 17% so với năm 2015) và phía Bắc là 20 tỉ (tăng 1 tỉ so với năm 2015).

Theo đó, top 5 tác giả nhận tác quyền cao nhất 2016 thuộc về các nhạc sĩ/người được ủy quyền : nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với 682 triệu đồng ; nhạc sĩ Thanh Sơn (Lê Văn Thiện) 600 triệu ; nhạc sĩ Khánh Đơn 480 triệu ; nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận 416 triệu và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là 378 triệu.

Bên cạnh việc công bố tiền tác quyền của năm 2016, VCPMC cho biết sẽ tiến hành khởi kiện 5 trường hợp tổ chức/cá nhân, đơn vị tổ chức biểu diễn né tránh việc xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Trong số này, đáng chú ý là Công ty TNHH giải trí Đồng Dao với live show Khánh Ly tại Thành phố Hồ Chí Minh (nợ 285 triệu đồng tiền tác quyền).

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) cho biết, đơn vị tổ chức show Khánh Ly chưa nộp tiền tác quyền cho show diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù đã gửi công văn tới công ty TNHH giải trí Đồng Dao yêu cầu thanh toán tiền tác quyền nhiều lần trước đó nhưng đơn vị này vẫn chưa đóng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, theo Nghị định 61 Chính phủ, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15% tới 21% doanh thu của 65%-70% tổng số tiền bán vé để trả cho tất cả tác giả. Nếu làm đúng luật, các tác giả (người sáng tác ca khúc) có thể đòi tới 10% trong tổng tiền tác quyền từ ban tổ chức.

trinh2

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)

Theo như chia sẻ của nhạc sĩ Phó Đức Phương trước đó chủ sở hữu những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là người nhà của ông đã ủy thác cho VCMPC thu tiền sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ quá cố này và đơn vị này phải có trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra. Công ty TNHH giải trí Đồng Dao nếu cố tình né tránh việc đóng phí tác quyền thì VCMPC sẽ căn cứ theo luật để khởi kiện.

"Chúng tôi tiến hành đúng theo pháp luật nếu như công ty này cố tình né tránh tiền tác quyền và hiện nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình đối với các đơn vị cố tình né tránh việc đóng phí tác quyền cho nhạc sĩ đã ủy nhiệm cho Trung tâm thu bản quyền ca khúc". – nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn chia sẻ về việc tác quyền tại các đơn vị, đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Vũ Xuân Thành, thanh tra Bộ đã cho rằng : "Hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ rất đầy đủ rồi, hai bên cứ thế theo Luật mà làm. Còn khi hai bên không thỏa thuận được thì về nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ đứng ra làm trung gian giải quyết, phân tích luật lệ để các bên tự thỏa thuận. Còn họ không thỏa thuận được thì họ có thể tiến hành bước tiếp theo, khởi kiện ra Tòa". Việc thu phí tác quyền vẫn thực hiện trên tinh thần thỏa thuận, hợp tác giữa hai bên chứ không khô cứng, ép đơn vị kinh doanh thanh toán tiền tác quyền theo đúng quy định đã đề ra mà không hề có sự "thông cảm".

Với chức năng quản lý, Bộ để hai bên thỏa thuận hành chính với nhau trên tinh thần không áp đặt. Bên cạnh đấy, ông Thành cũng cho rằng nếu việc thỏa thuận giữa hai bên không có sự thống nhất thì một bên còn lại có quyền khởi kiện bên kia ra tòa án dân sự, đòi lại quyền hợp pháp của mình.

Dạ Thảo

Published in Việt Nam
Trang 2 đến 2