Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/04/2017

"Có một dòng sông đã qua đời", hữu hạn và vô hạn trong Trịnh Công Sơn

Hoài Dịu

Cuộc sống con người hữu hạn lắm, vạn sự rồi cũng đều mất đi vào hư không. Có lẽ vậy, ngay từ khi còn rất trẻ, Trịnh Công Sơn luôn hoài đau đáu những suy nghĩ về sự sống-chết, sự mất-còn trên thế gian này. Có thể là mất còn về thân xác con người hay cũng có thể là sự mất còn của một cuộc tình. Nhưng tình yêu lại là một cõi khác, vô hạn kéo dài mãi mãi. Vì thế trong hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, phần lớn là những áng tình đẹp bằng âm nhạc. Chúng đôi khi kể về một cuộc tình ươm đầy như nắng sớm, khi lại thủ thỉ về những xúc cảm lứa đôi đã chia xa. Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời nằm trong số những ca khúc như vậy.

dongsong0

"Có một dòng sông đã qua đời"

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người không muốn nhắc nhiều về năm tháng, anh sợ cái kín đóng của thời gian, rồi từ đó người ta sẽ thôi hết yêu nhau vì dấu tích già nua của nó để lại trên hình hài. Và anh không thể tiếp tục sống và viết nhạc nữa. Như vậy để nói rằng, ca khúc Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời không biết đã ra đời từ bao giờ. Trong một cuộc nói chuyện với nghệ sĩ Thanh Bạch nhân dịp phát hành album của cô em gái, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn đã kể lại :

"Là hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy. Mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này... Bên cạnh đó, khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước... mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn. Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông. Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời".

Xin được phép không bàn nhiều về ca từ của ca khúc này vì có quá nhiều bài viết rất hay đã nói về điều đó. Khi nghe ca khúc của anh, những kẻ mộ nhạc Trịnh, bỗng nhiên một ngày trở thành ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ hay triết gia lưu lạc giữa đời thường. Mà có gì hay để họ có được những cuộc "thoát xác" kì diệu đến vậy ?

Đầu tiên có lẽ là một tiêu đề Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời xuất hiện khá lạ. Đó chỉ có thể là anh, nhạc sĩ họ Trịnh mới trao cho dòng sông một thân phận để rồi một ngày nào đó qua đời cùng với mối tình xa xôi. Sau là sợi dây quyến luyến của lời thơ và ý nhạc. Như trong lòng dòng sông ấy, không còn nữa sự phân định. Vậy nên khi phôi thai một bản nhạc, chính anh đã thừa nhận : "Tôi đang ở trong một trạng thái là không còn biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc và thi ca, chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ trong đó".

Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời như một lời nói chuyện thường nhật, rất đơn giản về cấu trúc, chỉ có vỏn vẹn bốn câu nhạc, tuy nhiên mỗi câu bao gói từ hai đến ba câu thơ. Âm nhạc lúc đầu được chấm phá màu ngũ cung sau chuyển nhẹ sang điệu thức phương tây. Theo thường lệ, ca khúc này không có những vệt tương phản đậm nét khi chuyển ý, chỉ là một dải màu mỏng tựa mây loang dần ra.

Điều thú vị mà ít ai để ý đến, đó là Trịnh Công Sơn muốn kể trong câu chuyện Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời là cuộc tình đã qua và sự mất mát nhưng anh lại viết nó ở điệu thức trưởng, cái mà người ta thường dùng để diễn tả cảm xúc vui tươi. Có chăng tình yêu trong anh tuy buồn nhưng không ủy mị thê lương. Nhạc Trịnh Công Sơn không hề có niềm đau tuyệt vọng, vì anh biết trước rằng cuộc đời vốn dĩ là hữu hạn.

Nhịp điệu trong ca khúc không nhanh nhưng lại khá đều đặn, như thể những bước chân của họ đang chậm rãi lướt qua nhau. "Nhìn nhau ôi cũng như mọi người" nhưng cái cảm xúc xốn xang, lao xao của "mười năm" trước vẫn còn đâu đây.

Để thể hiện thành công nhạc khúc Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời, không phải bất cứ ca sĩ nào cũng đạt tới, mặc dù hầu như ai cũng có thể xướng lên bài hát đó vì không có những quãng khó, câu nhạc ngắn và không đặt nặng nhiều về kĩ thuật thanh nhạc. Tuy nhiên, để giọng hát người nghệ sĩ đọng lại trong lòng người nghe bằng ca khúc này, thì lại là một chuyện khác.

Ngoài cái bóng lớn của ca sĩ Khánh Ly, cô hát như thể tự sự về chính cuộc tình của mình, còn có một vài bản thu âm khác để lại nhiều dấu ấn như của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh : trong sáng như bóng hình ai xưa. Có khi lại tình tứ và nuối tiếc trong bản thu của cặp song ca Cẩm Vân, Khắc Triệu. Và gần đây nhất là sự thể hiện của ca sĩ trẻ Nguyên Hà qua phong cách hiện đại cùng lối nhả chữ khá phiêu diêu.

Qua rồi mười sáu năm "đường xa vạn dặm", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giờ đây đã thoát được cái ngưỡng hữu hạn của một đời người. Anh viết cho trần gian những lời ca để tình yêu không ngừng sinh sôi và hạnh phúc mãi đâm chồi. Và như vậy, chỉ có anh, người nghệ sĩ tài hoa, không chỉ sống một cuộc đời mình mà còn sống vạn cuộc đời khác. Chỉ cần có tình yêu, thì cho dù dòng sông này đã mất đi nhưng sẽ lại có một dòng sông khác ra đời, vẫn đẹp và vẫn tình như vậy.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 01/04/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Dịu
Read 855 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)