Thân tặng các bạn đã đồng hội đồng thuyền bằng triết luận của : Lucretes, Parmenide, Nietzsche, Bachelard, Heidegger, Badiou, và đồng cam cộng khổ với thi luận của : Holderlin, Celan, Bonnefoy, Char, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên...
Vần thoát vần
Rời khung vần của thi từ nối thi từ. Buông khuôn vần thi tứ nối thi tứ. Xa nhà tù vần thi pháp nối thi pháp. Hãy tìm vần trong thi ý, ý biết tìm lý. Hãy đón vần trong thi lý, lý biết tiếp luận. Hãy nhận vần trong thi luận, luận biết trao người.
1. Thi luận & Triết luận
Triết luận & thi luận
Có lần triết học với triết luận chỉ muốn đi tìm hệ nội : nội chất của sự vật hay sự thật phải tới cho bằng được nội dung, có hay không có nội nghĩa (ý nghĩa của nội dung). Và cứ thế mà triết học được đưa đường dẫn lối bởi lý luận, rồi xây móng, nền, tường mái bằng lập luận, mà không quên cân, đo, đong, đếm bằng giải luận, để tìm cái kết luận cùng diễn luận mà nhìn xa trông rộng. Riêng thi ca với thi luận, thì chỉ có sức mạnh của ngôn ngữ, và cứ dựa vào sức mạnh này để sống còn, và cũng để đi tìm lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận, bằng con đường của ngôn ngữ có nội lực, xung lực, hùng lực, mãnh lực của tiếng người.
Thi luận & toán luận & triết luận
Có bận trong lịch sử của học thuật, triết học đã mời toán học bằng toán luận từ chứng từ tới chứng minh để chứng tỏ là toán học tuyệt đối chính xác, hơn xa thi ca. Nhưng thi ca đưa đường dẫn lối cho thi luận thì đâu có cần : chứng từ, chứng minh, chứng tỏ của toán học ! Vì thi ca có chứng từ của nó là nó đang có mặt trong cuộc, sống đủ để sống đầy ; nó đang chứng minh là nó đang sống tràn, nó còn chứng tỏ luôn là nó đang tỏ bày bằng chính sức mạnh ngôn ngữ của riêng nó.
Thi luận & triết luận & tiếng người
Lắm lần triết học muốn tránh xa thi ca và viện cớ là thi ca mang tiếng nói độc đoán của tiếng người… hay tiếng lòng, từ đó áp đặt một thông điệp độc đoán ngay trong ngôn ngữ, mà không có lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận, như triết học. Nhưng tiếng người của thi ca đâu có chọn lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận bằng trí lực, như triết học, mà bằng tâm lực từ cảm xúc tới cảm động. Một tâm lực được trợ lực bởi tiếng người, được trợ duyên bởi tiếng lòng.
Thi luận & triết luận & tiên tri
Lắm lần nhiều bận trong lịch sử của học thuật, triết học đã trách thi ca là ham đóng vai tiên tri để tiên đoán chuyện tương lai. Nếu thi ca muốn là tiên trị thì phải tiên đoán đúng, tiên luận trúng, mà nếu vừa tiên đoán đúng, tiên luận trúng, thì tại sao thi ca không chấp nhận đối thoại với triết học để cùng kiểm chứng mọi tiên trị, mọi tiên đoán xem có đúng không ? Triết học có trách lầm chăng ! Thi ca đâu có thiên bẩm gì về các chuyện chính trị, thời cuộc, thi ca chỉ xin làm tiên tri của tâm hồn, tiên luận của linh hồn thôi.
Triết luận mệt & thi luận mê
Khi triết học tìm đường đi nước bước bằng triết luận để đặt những câu hỏi, rồi tự đi tìm câu trả lời, từ đó tự biết nuôi nấng rồi nuôi dưỡng mình. Nhưng lịch sử của học thuật cũng viết rõ là có lúc triết học mệt nhoài, mệt lã, mệt gục mà không đặt được các câu hỏi thì làm sao tìm được các câu trả lời. Vậy mà cùng lúc đó, thi ca tự biết chế tác ra các thi luận để đặt các câu hỏi một cách say mê, nên triết học đừng quên ơn thi ca, khi triết học vắng mặt thì thi ca có mặt âm thầm trợ duyên rồi trợ lực cho triết học.
Triết luận & thi luận cùng nhau lánh xa chính trị & khoa học
Trong những thế kỷ qua thì tiến bộ khoa học đã làm thay đời đổi kiếp nhân sinh, nhân thế, nhân gian của nhân loại, lại luôn được chính trị qua chính quyền, bằng chính phủ, với chính sách, liên tục cổ súy rồi cổ vũ các tiến bộ khoa học. Nhưng khi các triết gia cùng thi sĩ lại tung hô khoa học, rồi hoan hô chính trị, thì họ đang đồi bại hóa triết học, đang điếm nhục hóa thi ca. Hãy cùng nhau suy nghĩ sâu vào thảm họa của Việt tộc dưới bạo quyền đảng trị hiện nay, giết triết học ngay trong trứng nước, diệt thi ca băng cách chôn sống thi luận, để cho ra đời một lũ quái thai : bút nô, thi nô, văn nô, ký nô…
Triết luận theo hệ luận & thi luận theo hệ tự
Triết luận đưa triết học vào hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) có hệ thống đi từ quan niệm tới ý niệm để đạt được khái niệm. Thi ca sử dụng tự do trong thi pháp, với tự chủ trong thi tứ, cùng tự quyết trong thi từ, tất cả cho hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự tin) để cho ra đời cho hệ tự thứ nhì (tự sinh, tự tồn, tự lập, tự tin, tự tạo).
Thắp sáng lại những cái tưởng đã tắt
Triết nhận ra thơ đâu bao giờ chấp nhận nhân sinh là thân phận thây diêm tắt. Thơ luôn tìm cách thắp lại những que diêm đã tắt, những ngọn nến đã lụi, những ngọn lửa đã tàn. Không đâu ! thơ có nội công cùng bản lĩnh thắp lại những ngọn đuốc trong tư tưởng, tưởng đã lụi tàn… thơ thắp sáng lại những cái tưởng đã tắt, để soi sâu vào ba sinh của nhân sinh.
Thi luận của cảnh luận
Khi thi luận đào sâu thực cảnh, khơi rộng hoàn cảnh, đi xa vào họa cảnh, hay leo cao để nhìn viễn cảnh, thì thi sĩ không để bị chết ngộp, chết đuối, rồi chết trôi trong hoạn cảnh. Mà chính thi luận biết đưa đường dẫn lối cho cho thi sĩ biết lướt trên lưng, trên vai, trên cổ, trên đầu mọi nhục cảnh.
Khởi hành trước
Triết biết thơ ra khơi trước để nhận đầu sóng ngọn gió, vì trên đỉnh cao thuở nào, thơ đã khởi hành trước trong chớp bể mưa nguồn. Nên trong phong ba bão táp, thơ có thể đưa đường dẫn lối cho triết nhận ra biển yên sóng lặng, mưa thuận gió hòa để thuận buồm xuôi gió, để trong ấm ngoài êm cho mai hậu.
Sự hồi hộp của tình người
Triết nhận ra sự hồi hộp của tình người có trong thơ, qua thổn thức của ngữ văn, đau đáu của ngữ pháp, trăn trở của ngữ cảnh đã làm nên thi luận của thi ca, và sẽ làm ra triết luận vì triết học.
Thoát khỏi nghi ngờ
Triết và thơ khi tìm hiểu về sự sống và cái chết, luôn tìm câu trả lời, chỉ không đặt câu hỏi, mà cả câu hỏi lẫn câu trả lời, đều có trong sự ngờ vực của con người trước sự sống và cái chết, chính sự ngờ vực này, mà triết luận và thi luận sẽ giúp con người thoát khỏi nghi ngờ.
Không tiền đề & chẳng tiền định
Thi ca và triết học không rời định nghĩa của chủ thể, luôn chủ động bằng chính tự do của mình, để xây dựng cuộc sống. Một tự do của hệ tự (tự chủ, tự lập, tự tin, tự quyết) không muốn bị ràng buộc bởi những tiền đề tới từ những tiền định (thượng đế, thiên đường, địa ngục…).
Cái sợ, cái chết và chỗ dựa
Triết và thơ có phân tích để giải thích cái sợ thành nỗi sợ, sợ chết vì lo cho cái chết. Triết và thơ có phân tích để giải thích luôn là con người bị ném vào đời, sống và chờ cái chết đến. Sợ cái chết vì không có chỗ dựa, chết một mình và chỉ có mình chết, đây là sự rớt, sự tan vụn, sự vỡ tan. Trước cái chết, con người như không có chỗ dựa ngay trên thế giới mình đang sống, sống như đang bị đưa ra khỏi cuộc sống… Và triết và thơ tới với con người như những chỗ dựa.
2. Thi ca và triết học
Thi ca và triết học gặp nhau bằng biện chứng của cuộc sống, một biện chứng có phản biện sự sống và cái chết, với phản diện tới từ sự sống biết viết cái chết sẽ đến, đang đến, đã đến.
Triết học & thi ca : chủ thể & tư tưởng
Triết học và thi ca chính là chủ thể đi tìm tư tưởng bằng tự do của mình ngay trong sáng tạo, chủ thể là tác giả mà tư tưởng là tác phẩm, mà cũng là kết quả ngay trong ngôn ngữ giờ đây biết bế, bồng tư tưởng. Không ngừng ở ngôn ngữ của truyền thông, triết học cùng thi ca muốn nghe rõ tiếng người để thấy cho thấu thân phận con người. Nếu tiếng người ẵm cõng được hồn người, triết học cùng thi ca phải đi tiếp trên con đường khai phóng để giải phóng tiếng người. Giờ đây, tiếng người đã thoát ngữ văn bình thường, ngữ pháp tầm thường, Và tiếng người không chỉ được sử dùng để định nghĩa, mà đã là tiếng của tự do tư tưởng, đang đi vào những không gian mới, trong đó triết học cùng thi ca biết phá mọi rào cản của ngôn ngữ.
Triết học tạo hệ thống - Thi ca sinh yên lặng
Triết học tạo hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) bằng hệ thống để tổ chức hệ niệm (quan niệm, ý niệm, khái niệm), đây là một mạng lưới dày đặc của hệ xác (xác chứng, xác nhận, xác minh), không có khoảng trống để tạo được sự yên lắng, phục vụ cho sự yên lặng. Thi ca khi tự tạo hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự tin, tự tạo, tự tồn) thì tự tạo thêm sự yên lặng ngay trong hệ thi (thi từ, thi tứ, thi pháp, thi luận) của chính mình, cho mình, vì mình. Đây là hệ đặc (đặc tính, đặc điểm, đặc thù, đặc sắc) của thi ca, mà bản thân văn xuôi cũng không có.
Triết học dựng kính - Thi ca xây mở
Triết học dựng kín hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận), vừa dày đặt hệ niệm (quan niệm, ý niệm, khái niệm), vừa đầy đủ hệ xác (xác chứng, xác nhận, xác minh). Thi ca thì xây mở, có đường đi nước bước hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự tin, tự tạo, tự tồn) : ngắt câu, xuống hàng, tạo vần, thêm nhạc tình, bằng chính tính tự lập của mình… bằng chính tính tự thi của mình !
Thơ muốn vượt lên mọi chuyện sống yên thân
Trong một bài thơ đâu chỉ có một hình tượng mới, mà nhiều hình tượng xuất hiện cùng lúc, khi thì trợ duyên nhau, khi thì xung khắc nhau. Triết sẽ nhận ra trong thơ có đầy đủ mâu thuẫn, có sâu xa biện chứng, có biến hóa ngay trong tuệ giác cứ tưởng là tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn để trường thọ. Nhưng không ! Thơ muốn vượt lên mọi chuyện sống yên thân.
Thấy rõ những hồn ma có ngay trong cuộc sống
Thơ cứ mời triết đi vào những không gian mới, không chỉ để bày biện một cõi địa đàng xa lạ, mà trước hết là giúp triết thấy rõ những hồn ma có ngay trong cuộc sống. Bạo quyền có thể là ma xó cắn trộm trong bóng tối. Quỷ quyền có thể là ma bùn, vấy bùn lên lẽ phải. Ma quyền có thể là ma hời, nửa ngủ vùi, nửa nói sảng. Tà quyền có thể là ma trơi, vạ đâu nuốt đó, vạ đâu nhai đó…
Mật độ người, cường độ người, trình độ người
Triết nhận ra trong thơ khi kể về bối cảnh người đọc thấy mật độ của kiếp người, khi tả về họa cảnh người đọc thấu cường độ của tình người, khi vào sâu hoạn cảnh người đọc thấm được trình độ của lòng người.
Sung lực tâm hồn & hùng lực tâm linh
Triết tìm thấy trong thơ nội lực tâm lý của con người trước thử thách, xung lực tâm hồn của con người trước thăng trầm, hùng lực tâm linh của con người trước trầm luân… trước diệt vong… trước diệt chủng…
Ý thơ không có định hướng - Nghĩa thơ không có hệ thống
Trong hành tác của học thuật, triết có định hướng bằng hệ niệm (ý niệm, quan niệm, khái niệm) được xếp đặt trong một hệ thống có đường đi nước bước của lý luận ; có móng, nền, tường, mái của lập luận ; có cân, đo, đong, đếm của giải luận ; có nhìn xa trông rộng của diễn luận. Nhưng thơ thì không có định hướng, và không theo một hệ thống nào cả, ý thơ không có định hướng và nghĩa thơ không có hệ thống, nhưng thơ biết đề nghị một ý nghĩa mới, dù ý nghĩa đó được kết tinh tự ngẫu hứng.
Đặt trước những câu hỏi
Năm lần bảy lượt, thơ đã đặt trước triết những câu hỏi, rồi trao những câu trả lời, thi luận trợ lực triết luận thấy được sự chậm trễ, sự bế tắc, sự lạc hướng, sự bồng bềnh, mất phương hướng của triết học. Và triết cũng biết làm tăng nội lực cho thơ, với điều kiện là thi nhân thấy được nội lực, xung lực, hùng lực, mãnh lực của triết.
Chưa khả thi thành khả thi
Triết cùng thơ nói lên cái chưa có điều kiện rõ nét, chưa có tính khả thi để thành khả thi. Chuyện chưa có, thơ sẽ đi tới, việc chưa viết, triết sẽ tiếp cận ; biến bất khả thi thành khả thi thì thơ thực hiện được ; biến bất lý giải được thành lý giải được, thì triết đã có thơ trợ duyên và trợ lực.
Biết lấy trong chiều sâu tiếng mẹ đẻ ra những giá trị
Triết và thơ, chỉ có một phương tiện truyền thông là ngôn ngữ, phương tiện vừa yếu, lại vừa phức tạp. Nhưng, triết và thơ biết lấy trong chiều sâu tiếng mẹ đẻ ra những giá trị rồi biến thành phổ quát cho nhân loại, nên ngôn ngữ khi được triết cùng thơ ẵm, bế, bồng, cõng thì đã có một nội công, bản lĩnh, tầm vóc khác.
Thăng tiến ngôn ngữ, thăng hia tiếng mẹ đẻ
Thơ sinh ra từ tiếng mẹ đẻ, nhưng lại thay hình đổi dạng, rồi thơ thay đời đổi kiếp tiếng mẹ đẻ bằng chính thi pháp, thi tứ, thi từ, thi luận của thi ca. Khi triết nhận ra điều này trên thượng nguồn của tư tưởng, triết sẽ chế tác ra tầm vóc mới cho tiếng mẹ đẻ qua hệ niệm (quan niệm, ý niệm, khái niệm) ngay dưới hạ nguồn. Trong tiếng người, thơ và triết đã thăng tiến ngôn ngữ, đã thăng hoa tiếng mẹ đẻ.
Ngữ nghĩa mới & tư tưởng mới
Triết và thơ nhận trách nhiệm của chọn lựa-quyết định- hành động để làm mới các liên đới trong quan hệ giữa những con người, luôn có những bất định trước cuộc sống. Triết và thơ sẽ trao cho nhân sinh những tư tưởng mới, cùng lúc triết và thơ xem-xét-xử lại các phân loại cũ ; từ đó ra đời ngữ vựng mới, ngữ văn mới, ngữ pháp mới : và ngữ nghĩa mới.
Nỗi lo & nỗi sợ
Con người luôn có nỗi lo trước cái chết, đặt nỗi lo trước cái chắc chắn dứt, chính là cái chết. Triết và thơ phân tích về nỗi lo ; nhưng cũng biết con người thường đặt nỗi lo qua kế bên để nghĩ là cái chết có mặt, nhưng cho kẻ khác, và cái chết sẽ không tới với mình. Triết và thơ khi phân tích về nỗi lo của con người luôn tìm cách chạy khỏi cái thật về cái chết, cùng lúc sống với nỗi lo, dần già biến thành nỗi sợ trước cái chết. Triết và thơ phân tích và giải thích về nỗi lo bằng ý thức biết tự trồi lên : tôi biết rằng tôi phải tự lo cho cái chết của tôi, và không ai chết thay cho tôi được.
Cái chết
Triết và thơ phân tích về cái chết ngay khi chưa chết. Khi siêu hình học dẫn cái chết như là cái đi về cõi khác, nơi linh hồn biết rời thể xác để về với siêu nhiên. Nhưng triết và thơ cũng đủ tâm lẫn đủ tầm để giải thích cái chết như sự chấm dứt của cái chấm hết. Dứt sự sống và thân sống, rồi dứt quan hệ với thế giới hằng ngày, và dứt luôn những cái mà con người thường xua đi, vì không muốn nghĩ tới đó là cái chết. Triết và thơ biết mở ra cái có thể dứt trước những cái mà người ta nghĩ là không thể dứt : cái chết !
3. Sự thật & tư tưởng
Sự thật & chủ thể
Triết học và thi ca luôn có hệ hành (hành vi, hành động, hành tác) của chủ thể sáng tạo, biết mời cho sự thật ra đời, từ hiện tượng tới bản thể. Triết học và thi ca khi đưa sự thật ra ánh sáng, thì những ai hưởng được thành quả này, phải thấy cho thông, rồi thấu cho thấm rằng sự thật chính là sự hợp nhất từ hiện tượng tới nội dung. Sự thật qua triết học và thi ca giờ đã là một tổng thể, và triết học cùng thi ca đều muốn con người phải là chủ thể bằng tự do, luôn biết mở cửa đón sự thật. Triết học và thi ca biết vén màn, biết mở cửa để đón sự thật cùng con người.
Sự thật : tìm & gần
Triết học cùng thi ca đồng hành trên cùng một nhân lộ là đi tìm sự thật, mỗi lần tiến được một bước trên nhân lộ này, là cảm nhận được cái đang tìm là cái đang đến gần. Nhưng chính triết học cùng thi ca cũng sẽ nhận ra là không có một sự thật tuyệt đối trong toàn diện, nhưng hành động của triết học và thi ca khi đi tìm sự thật, không bao giờ vơi ý lực vén màn lên những cái đang bị khuất, đang bị che, đang bị giấu !
Sự thật của giấu và dối
Khi xem triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, thì cả hai chủ thể này đi tìm sự thật với ý thức của sáng tạo, nơi mà sự thật thường bị -từ tâm địa tới ý đồ- giấu trong bóng tối. Nên khi triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, cùng nhau đi tìm sự thật cũng thường bị -từ tính toán tới toan tính- dối bởi bạo quyền, quỷ quyền, ma quyền, tà quyền. Nhất là khi triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, cùng đi tìm sự thật của các tội ác, nơi mà cái thâm, cái độc, cái ác, cái hiểm vừa phải giấu, vừa phải dối ngay trên sự thật, để không bị vạch mặt chỉ tên.
Sự thật giữa sự sống và cái chết
Khi xem triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, thì cả hai chủ thể này đi tìm sự thật với ý thức của sáng tạo. Cả hai không thu định nghĩa về con người là sinh vật chính trị (Aristote), duy lý (Descartes) đạo đức (Kant), biện chứng (Hegel)… Khi triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, cả hai chủ thể này đi tìm sự thật của con người đang là sinh vật hiện thân ngay trong nhân sinh, với các câu hỏi cùng các câu trả lời về chính thân phận của mình. Con người này luôn có quan hệ trực tiếp với thời gian sống của mình ;
cùng với nỗi lo từ quan hệ với chung quanh tới cái chết của chính mình. Chính các sự thật này đang tổ chức cuộc sống của con người.
Sự thật của nệ nỗi
Khi xem triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, thì cả hai chủ thể này đi tìm sự thật với ý thức của sáng tạo, và cả hai thường hướng về cùng một hệ nỗi (nỗi lo, nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi đau, nỗi khổ) trước thực trạng sinh lão bệnh tử. Hệ nỗi này chính là sự trưởng thành của con người trước thời gian (để thật sự trở thành người). Triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca còn biết đi xa hơn nữa : khi con người ý thức về hệ nỗi (nỗi lo, nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi đau, nỗi khổ), thì con người tự tạo điều kiện cho nhân sinh của chính mình. Và biết tự tạo tính khả thi cho nhân tính, để tìm ra phương án cho tương lai bằng phương cách sống của chính mình.
Trí lực & tâm lực chế tác ra tư tưởng
Triết học và thi ca đặt ngang hàng tiếng người, dù Triết học đi về phía trí lực, thi ca đi về phía tâm lực, nhưng cả hai đều biết phục vụ cho tiếng người. Triết học và thi ca thi ca chính là chốn dung thân của nhân loại trên trái đất này. Triết học và thi ca không cho phép cổ súy chuyện giết người, thảm sát, tàn phá, có trong chủ thể sáng tác, có trong tư tưởng của tác phẩm, nên chuyện diệt chủng chính là chuyện giết nhân tính của nhân loại, biến nhân loại mất nhân tính, thì không bao giờ có chỗ đứng, ghế ngồi trong triết học và thi ca. Khi một bạo quyền đảng trị bó buộc bọn bút nô, thi nô, văn nô cổ vũ để cổ súy chuyện giết người, thì bọn bút nô, thi nô, văn nô không bao giờ là chủ thể sáng tạo ra tư tưởng trong triết học và thi ca.
Tiếng người… tiếng vang… tiếng vọng…
Triết học chọn con đường luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) vận dụng khách quan để diễn giải. Còn thi ca lại muốn vượt khách quan lẫn chủ quan, vượt luôn cả văn chương, để mở ra thế giới, chỉ cho nhân loại, chỉ rõ thân phận làm người. Nên thi ca là tiếng người, mà cũng là căn nhà của người, nơi con người dung thân, vẫn chưa đủ, thi ca luôn tìm nới rộng không gian, hơn không gian mà chúng ta đáng có, đang ở. Thi ca nới rộng cõi người, không chỉ để truyền thông, mà để nói với cõi người bằng tiếng vang, tiếng vọng, giúp con người khám phá chính tiếng người của mình !
Của ban mai… của ngày mai
Triết học và thi ca, cả hai đều biết chăm lo cho hiện thực (hiện tại và thực tế), nhưng thi ca luôn trợ duyên để trợ lực cho triết học đi thật xa vào tưởng tượng, nơi có hình tượng của ngày mai, giúp cho triết học và thi ca cùng trưởng thành. Thi ca thường nhắc triết học là có mùa màng ngay trong cuộc sống. Khi thấy mùa thu, ngày sao mau tàn, thì thi ca phải tiếp tục trợ duyên để trợ lực cho triết học là hoàng hôn, tà dương đâu phải là tàn ! Hãy thấy cho thông, thấu cho thấm là ánh sáng của hoàng hôn, tà dương để tưởng tượng, để chuẩn bị thương cho tới nơi tới chốn nguồn sáng của ban mai… của ngày mai đang tới.
Thơ đặt triết lên dàn nhún… rồi dàn phóng
Thơ đặt triết lên dàn nhún để nhận một sức bật mới, rồi dàn phóng để có một sức mạnh mới, bằng sức tưởng tượng của thơ, triết sẽ thăng tiến bằng dàn nhúng, dàn phóng này, để thấy cho đầy đủ chiều cao, từ tư duy đến tư tưởng của con người.
Triết lần theo dấu vết của thơ trong quá trình xây dựng tư tưởng
Mỗi lần triết lần theo dấu vết của thơ, triết thấy, thông, thấu, thấm, thương bao hình ảnh, hình tượng chế tác ra bao biểu tượng trong quá trình xây dựng tư tưởng của con người. Thơ còn biết đưa đường dẫn lối triết để cùng nhau trợ lực cho tư tưởng phải đi xa hơn, đào sâu hơn, khơi rộng hơn, leo cao hơn ngay trong sự vấn nạn về chính số kiếp của con người.
Nhân bản và nhân vị vì nhân phẩm
Triết hiểu thơ luôn tìm mọi cách để vượt thoát họa cảnh, vượt thắng hoạn cảnh, nên triết thấy trong thơ có thử thách, thăng trầm, trầm luân, nơi mà triết sẽ xây dựng lý luận và lập luận, để con người sử dụng được trọn vẹn nhân tri và nhân trí, để chăm lo tới nơi tới chốn nhân bản và nhân vị vì nhân phẩm.
Chất thật của nhân tính
Triết thấy trong thơ chất thật của nhân tính, dù thi sĩ đã tưởng tượng từ đầu tới cuối trọn bộ hành tác thi ca của mình. Vì triết nhận ra khi tưởng tượng biết gầy dựng tư tưởng, thì thi ca đã đặt nhân lộ thơ thẩn của nhân sinh vào nhân kiếp biết sáng tạo của nhân loại.
Nóng thân… bỏng thân… nhưng không bị thiêu thân
Triết nhận ra huyền lực của thơ thắp lên ngọn lửa ngôn ngữ, có khi để thiêu đốt luôn cả ngôn ngữ, để tư tưởng mới được ra đời. Nhưng tại sao lại là huyền lực ? vì thơ thắp lên lửa để rèn cho bằng được tư tưởng, và không rời lửa, không bỏ chạy, ở trung tâm của lửa mà không bị thiêu rụi… Lực thơ có nóng thân… bỏng thân… nhưng không để bị thiêu thân.
Vào tận đáy của sự thật để chế tác ra ý thức
Viết triết nhưng làm thơ, làm thơ là chế tác ra thơ, chế tạo ra thơ, từ không đến có. Trên thượng nguồn của có sự cô độc của thi sĩ, dưới hạ nguồn là sự đeo đuổi không ngưng nghỉ cũng của cô đơn. Sự cô độc ban đầu, sự cô đơn kết cuộc, thi sĩ đã đi vào tận đáy của sự thật để chế tác, để chế tạo ra ý thức. Một ý thức mới, trước đó chưa có, triết luận phải nhận ra thi luận để tạo luận cho triết học.
Giữ cho bằng được nhân đạo !
Thơ bằng ngôn ngữ gọn, gọn trong tổng kết, vừa làm nên tổng luận, vừa tạo ra tổng lực, giúp cho triết thấy cho thông, thấu cho thấm là trong nhân sinh, nhân gian, nhân thế của nhân loại, có những âm quyền, bạo quyền, gian quyền ma quyền, quỷ quyền, tà quyền luôn đe dọa chính con người, từ nhân tri, nhân trí tới nhân tâm, nhân từ ; từ nhân ái, nhân đức tới nhân đạo, nhân nghĩa, từ nhân vị, nhân bản tới nhân tính, nhân phẩm. Nên thơ cùng triết cứ nhắc người : con người ơi ! hãy giữ cho bằng được nhân đạo !
4. Chủ thể & sáng tạo
Chủ thể là tiền đề
Khi xem triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, thì cả hai chủ thể này là tiền đề để đi tìm sự thật ! Vì triết học và thi ca đều muốn "thấy trước mọi cái thấy", thấy bằng luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) của triết học ; thấy bằng thi (thi từ, thi tứ, thi pháp, thi cảnh) của thi ca. Cả hai chủ thể : triết luận và thi luận cũng có một ý thức mới : hai chủ thể này đi tới vén màn để nhận diện sự thật, nhưng hai chủ thể này cũng nhận ra là chính sự thật cũng biết lùi vào bóng tối ! Lùi vào bóng tối để yêu cầu hai chủ thể này nhận ra sự thật một cách khác, vì sự thật vừa là ánh sáng, vừa là bóng tối.
Chủ thể : không định vị & không khoanh vùng
Khi xem triết luận là chủ thể của triết học, thi luận là chủ thể của thi ca, thì cả hai chủ thể này sẽ không tự định vị, vì cả hai không muốn tự do của mình bị ngăn cản. Cả hai chủ thể này không muốn tự khoanh vùng, vì không muốn bị giới hạn từ lãnh thổ tới biên giới, và vì bản thể của sự thật mà cả hai chủ thể này đi tìm cũng không tự định vị, không tự khoanh vùng. Nên hai chỉ báo : không định vị, không khoanh vùng chính là hai thông điệp của tự do, của triết gia và của thi sĩ. Hai chỉ báo này giải thích rành mạch những thảm bại của các ý thức hệ đã chế tác ra bạo quyền đảng trị ; luôn muốn điều khiển triết học và thi ca bằng khẩu hiệu và khẩu lệnh.
Triết biết theo thơ vì sự ngạc nhiên… sự sững sờ
Thơ luôn tạo ngạc nhiên rồi sững sờ cho những ai tiếp nhận thi ca, vì thơ biết làm mới, nhọn, sắc, bén ngôn ngữ. Và triết biết theo thơ để thấu thêm về sự ngạc nhiên, thấm hơn về sự sững sờ có ngay trong quá trình xây dựng tư tưởng con người.
Triết khám phá thơ là thơ vì thơ mới trọn vẹn
Triết khám phá trong những cái mới là thơ chế tác ra bằng chính khám phá của thơ, thì không có chuyện lập lại, sao chụp, và thơ không bao giờ nghe lời bất cứ một ý muốn chính trị hay một ý thức hệ nào. Thơ là thơ vì thơ mới trọn vẹn từ ngôn ngữ tới tư tưởng, từ trí lực, tâm lực làm nên thể lực luôn biết thoát thân khỏi những cái lập đi lập lại.
Hùng lực tưởng đôi : tưởng tượng - tư tưởng
Cái mới của thơ là cái vừa khám phá được, nơi mà tưởng tượng đi thẳng vào tư tưởng, bằng ngôn ngữ thi ca để trao cho lý trí những tiềm năng mới, trao cho trí tuệ những sung lực mới. Triết đã nhận ra rồi hùng lực tưởng đôi này : tưởng tượng-tư tưởng.
Bãi mìn rồi sự nổ tung
Triết nhận rõ là ngôn ngữ của thơ không tầm thường để trở thành tầm phào, mà thơ đi vào ngôn ngữ như đi vào bãi mìn. Ngay trong một bài thơ, có khi là sự nổ tung, làm vụng nát ngay cả ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp, kể cả ngữ nghĩa. Để thi ca làm ra một cái gì mới, mới từ ngôn từ tới ngôn ngữ, từ tư duy tới tư tưởng.
Triết và thơ sáng tạo ngay trên những tiềm năng
Triết và thơ sáng tạo ngay trên những chuyện mô tả về chính tiềm năng của con người : tiềm năng biết tạo ra sử kiện cho lịch sử qua chính trị ; tiềm năng biết tạo ra thăng tiến cho nhân sinh bằng khoa học ; tiềm năng biết tạo ra thăng hoa cho nhân loại ngay trong mỹ thuật ; tiềm năng biết tạo ra nhân ái cho nhân tình ngay trong tình yêu. Nhưng triết luận và thi luận đã chọn sáng tạo, chớ không chọn mô tả để kể lể.
Đa dạng kinh nghiệm kinh nghiệm sống & đã dạng phương hướng sống
Thơ có hệ đa nhân lộ : đa phương, đa hướng, đa diện, đa sắc, để thừa hưởng đa dạng kinh nghiệm sống. Từ đây, thơ tận hưởng hệ đa nhân sinh : đa tài, đa tri, đa trí, đa luận. Triết phải thấy cho thông đa dạng kinh nghiệm sống, để thấu cho thấm đa dạng phương hướng sống.
Đột nhập vào cái thật để được sống thật
Triết nhập nội vào cái thật bằng hệ luận : có đường đi nước bước của lý luận ; có móng, nền, tường, mái của lập luận ; có cân, đo, đong, đếm của giải luận ; có nhìn xa trông rộng của diễn luận. Thơ đột nhập vào cái thật bằng hệ tự : sử dụng tự do để có tự chủ, vận dụng tự lập để có tự tồn, tận dụng tự tin để có tự quyết. Cả hai, triết và thơ đột nhập vào cái thật để được sống thật, để được có một nhân sinh thật.
Cái thật biết bảo vệ sự sống
Triết và thơ đi tìm cách nói thật để khám phá cái thật trong tiếng người : nói thật và kể thật, một cái thật biết bảo vệ cái sống : sự sống !
Triết và thơ, hai hằng số để định vị sự thông minh
Triết và thơ cả hai đều là thông điệp của sự thông minh. Thơ trao tâm lực cho người có cảm xúc để biết cảm động. Triết trao trí lực cho người có lý luận để biết lập luận. Triết và thơ chăm lo cho con người từ tâm lực tới trí lực, nếu con người vừa có cảm xúc, lại vừa có giải luận về cảm xúc của mình, thì đây là hai hằng số để định vị sự thông minh.
Vì sự thật, tự do và lẽ phải
Con người không biết mình mạnh hay yếu, nhưng con người tìm đến thi ca và triết học, thì con người nhận ra sự dấn thân, sự hy sinh, từ sáng tạo tới tư tưởng. Con người cũng ra luôn là thi ca và triết học như những người lính không có vũ khí, lấy thân làm bia vì sự thật, tự do và lẽ phải.
Tính khả thi của tự do
Triết và thơ như hiện thân trong hiện sinh bằng nỗi lo bảo vệ nhân sinh, bằng sáng tác ra những tư tưởng, như chuẩn bị trưởng thành với những điều kiện, với những khả thi của chủ thể. Khi triết và thơ trở thành chủ thể trong hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng lập, sáng tác, sáng tạo), bằng tính khả thi của tự do.
Đối kháng với những cái phi lý
Những xung đột giữa phương án tương lai của con người thường bị ràng buộc trong hiện tại. Triết và thơ cả hai đều hành động trong chủ động để giải thích rồi giải luận rằng nỗi lo có thể thành nỗi sợ trước những nghịch lý, trước cái chết mà bạo quyền, ma quyền, quỷ quyền, tà quyền thường lấy ra đe dọa con người. Nhưng triết và thơ cả hai đều có hành tác của chủ thể, đều biết xây cái lý để đối kháng với những cái phi lý, tới giết cái lý. Cái lý chung của triết và thơ là những hành tác bằng sáng tác, chống lại chuyện diệt vong của một dân tộc, chống lại chuyện diệt chủng trong nhân loại bằng chiến tranh, tàn sát…
Từ nỗi lo tới tự lo : từ nhân quyền tới nhân phẩm
Triết và thơ cả hai đều có hành tác của chủ thể, nơi mà
nỗi lo về nhân phẩm chế tác được tính khả thi của nhân quyền, để nhân quyền biết đường đi nước bước mà bảo vệ nhân phẩm. Nên triết và thơ cả hai đều có hành tác chủ động, từ nỗi lo tới tự lo, mà tự lo chính là tự trọng, và tự trọng biết nền cho sự can đảm cần có của nhân quyền để bảo vệ nhân phẩm.
Lê Hữu Khóa
(14/07/2023)