Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/05/2017

Thư giãn với Hội nghị Trung ương 5

Nguyễn Khắc Mai

Hội nghị Trung ương 5 chắc chắn là vất vã, mệt mỏi, rất rất là đằng khác. Tôi muốn giúp các anh chị thư giản để chống sự mệt mỏi. Tôi kể mấy câu chuyện ngụ ngôn hoặc chuyện vui để các anh chị nghe.

hoinghi1

Hội nghị Trung ương 5 chắc chắn là vất vã, mệt mỏi

Chuyện thứ nhất : Thả mồi bắt bóng

Hồi nhỏ tôi thường học câu chuyện ngụ ngôn này. Có một con chó cắp được miếng thịt ở chợ. Chó ta chạy qua một cây cầu, đứng lại thở. Nhìn xuống dòng sông hắn thấy một con chó rất to lại ngoạm một miếng thịt cũng rất to. Nó liền nhả ngay miếng thịt đang ngậm, nhảy ùm xuống sông định đánh nhau giành lấy miếng thịt to của con chó kia đang ngoạm. Cái gì xảy ra thế ! Đó chẳng qua chỉ là cái bóng của chính nó và miếng thịt nó đang ngoạm.

Người ta bảo đấy là chuyện thả mồi bắt bóng.

Chuyện thứ hai : Dã tràng xe cát Biển Đông

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Chuyện kể rằng, xưa có người tên là Công Dã Tràng đánh rơi viên ngọc quý ở biển. Ông ta đêm ngày đào bới biển để tìm. Chết hóa thành con dã tràng. Cứ đến đêm thì viên những hạt cát tròn tròn dọc bờ biển, rồi sóng lại khỏa lấp đi. Người Việt có bờ biển dài tren 3.400 km, trải hàng vạn năm chiêm nghiệm thành ngụ ngôn về những việc hoài công vô tích sự !

Châu Âu cũng có chuyện tương tự. Chuyện Sisyphus vần đá. Thần thoại La mã kể rằng Sisyphus bị "trời hành", cả đời cứ phải làm một công việc rất nặng nhọc. Ông lăn một tảng đá to lên đỉnh núi. Lên đến đỉnh, không giữ được tảng đá. Phải buông tay. Đá lăn xuống chân núi. Ông lại phải xuông chân núi hì hục lăn lên. Cứ thế suốt đời. Người ta bảo Công Dã Tràng và Sisyphus bị trời hành, suốt đời phải làm những việc vô tích sự.

Tuy nhiên người đời nay lại bảo, tuy biết vô tích sự, nhưng chiếm được ngôi, có tiền của giàu có, biết thế vẫn cứ làm !

Chuyện thứ ba : Chuyện con Nhặng và cổ Xe ngựa

Có một con nhặng vo ve hai bên hông một con ngựa đang toát mồ hôi, rướn người kéo cổ xe leo lên dốc. Lên đến đỉnh dốc đứng lại thở. Riêng con nhặng thì cứ vo ve bên con ngựa và nghĩ rằng nhờ có tiếng vo ve của nó mà con ngựa mới kéo được xe lên dốc.

Chuyện thư tư : Con Ếch muốn hóa thành con Bò

Có một con ếch nhìn thấy con bò trên cánh đồng. Nó liền nghĩ phải hóa thành con bò mới được. Nó bèn phồng mang trợn mắt, phình bụng. Cố gắng, cố gắng nữa, to bằng trái cam, rồi quả bưỡi nhỏ... Rồi bùm một phát, tan xác.

Đó là những chuyện tôi được học từ bé, trong kho tàng chuyện cổ tích của nước ta, trong Fables de La Fontaine (Chuyện ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên)... Nay nhớ đến đâu xin kể hầu quý vị.

Tôi thấy thật tội nghiệp cho các Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt mấy chục năm nay liên tục họp để gỡ cho ra cái nghĩa kinh tế Nhà nước và Doanh nghiệp nhà nước có phải là đặc trưng của xã hội chủ nghĩa hay không.

Đọc bài của một cựu ủy viên trung ương uyên bác thấy có một câu như sau : "Trong chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường có gì giống, khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa" ? Ô hay, cái gọi là kinh tế xã hội chủ nghĩa đã có đâu. Đem cái chưa có hoặc không có đi so sánh với cái đã có, không Sisyphus hoặc Dã tràng thì là cái giống gì ?

Ông Nguyễn phú Trọng còn đặt ra những câu hỏi còn "uyên và thâm" hơn cả ông tiến sĩ cựu ủy viên trung ương : doanh nghiệp nhà nước là cái gì, tại sao không quản lý được, cần phải làm những gì để cho nó (doanh nghiệp nhà nước) phát triển được ? v.v. Đem cái không có để quản lý cái đã có. Lại đem những thể thức của cái chưa có, hay không có để quản lý cái đã có, hoặc lại đem thể thức của cái đã có là chủ nghĩa tư bản để quản lý cái chưa có hoặc không bao giờ có. Cách làm luẩn quẫn ấy chỉ có trong đầu óc của một người vô học, hoặc chỉ là hoạt động bản năng của một loài sinh vật không có hệ thần kinh như con dã tràng. Hành động của chúng chỉ đáng làm biểu tượng cho một bài học về sự vô bổ mà thôi.

Doanh nghiệp nhà nước chỉ là đặc trưng kinh tế của những xã hội Trung cổ. Ngay nhà nước của thời đại Hùng Vương của An Dương Vương cũng làm kinh tế nhà nước, lập xưởng đúc tên đồng thau ngay bên cạnh kinh đô (thành Cổ Loa). Các nhà nước phong kiến ở châu Âu, châu Á, châu Phi đều có kinh tế nhà nước, hoặc doanh nghiệp nhà nước. Và họ không vận hành theo phương thức tư bản, nghĩa là biến vàng bạc, tài nguyên và cả lao động, lao động cơ bắp, lao động sáng tạo và lao động quản lý thành tư bản. Ngoài ra lại còn phải có một hệ thống luật lệ, tập tục mới, lại còn phải không ngừng tạo ra văn hóa mới, dân trí và quan trí mới. Đem cái thực vào cái thực với biết bao tài năng, tâm huyết vẫn chữa ăn thua, huống là đem cái có cộng với cái không, lại đem cái không nhét vào cái có. Ở châu Âu, thuật dã kim đã giúp người châu Âu rút ra được nhiều bài học lịch sử khiến họ trở nên khôn ngoan và tránh được việc lặp đi lặp lại cả trăm năm trước đó cái ảo tưởng có thể dùng thuật dã kim để luyện ra vàng cho đến ngày hôm nay !

Ở các nhà nước tư bản chủ nghĩa hiện đại, người ta cũng có doanh nghiệp nhà nước. Nhưng người ta biết đem cái có thật để quản lý cái có thật. Nếu có lãi càng tốt, nếu không hòa vốn thì cũng phải tạo cho được hiệu quả công ích, không để mất vốn, không để bị ăn cắp ăn chặn, ăn xén như ở Việt Nam hiện nay.

Vì ngộ nhận kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, nên Ban chấp hành trung ương các đời đã tổn phí thời gian của dân tộc, lại tốn quá nhiều kinh phí của Nhà nước, biến Đảng thành con dã tràng, một sự luân hồi ngược. Như để đi ngược về thành súc sinh, thành thú vật, mặc dầu Phật có nói con vật cũng có tánh Phật !

Nhân có cuộc kỷ niệm sinh nhật của ông Mã khắc Tư (ông Các Mác, trước đây ở nước ta, người ta phiên âm tên ông ta như vậy), tôi kể tiếp vài câu chuyện vui vui hầu quý anh chị. Trong Tuyên ngôn cộng sản công bố năm 1848, hai ông Mác và Ăng-ghen có lời khuyên, các đảng cộng sản phải viết lên ngọn cờ của mình khẩu hiệu "Xóa bỏ Tư hữu". Nhưng cuối đời, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, chính Mác lại tuyên bố : "Những nhà sản xuất chỉ được tự do khi họ có quyền sở hữu những phương tiện sản xuất : đất đai, nhà xưỡng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dung...". Câu tiếng Pháp là : Que les producteurs ne sauraient être libres qu’autant qu’ils seront en possession des moyens de production : terre, usines, navires, banques, crédits, etc. (trích "Marx sa vie et son œuvre", Jean Elleinstein, Fayard, 1981). Như thế là chúng ta đã tốn cả ngót thế kỷ để thảo luận, tranh luận, cấm kỵ và tàn hại nhau, tàn hại xã hội, tàn hại dân tộc về cái điều mà chính Mác đã nhận ra là mình đã sai lầm.

Chúng ta nói làm theo ông Mác. Thật sự thì chúng ta không hề biết tư duy của ông Mác là gì. Đến cả cái chủ nghĩa cộng sản thì chính Ăng-ghen đã thú nhận trong Lời dẫn nhập quyển "Những cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp" của Các Mác rằng : "Lịch sử chứng tỏ chúng tôi đã mắc sai lầm. Quan điểm của chúng tôi hồi đó chỉ là ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều việc hơn thế, không những đã xóa bỏ mê muội của chúng tôi hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 (thời công bố Tuyên ngôn Cọng sản) nay đã lỗi thời mọi mặt ; chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một điều của Mác đề xuất lúc trẻ, nhưng đã vứt bỏ nó trong cuối đời" (trích "Les luttes des classes en France", Karl Marx, Introduction par Friedrich Engels,  London, 06/03/1895).

Cái mà ông Mác đã vứt bỏ thì hàng trăm năm sau, chúng ta lại làm mất thí giờ của dân tộc ngót cả trăm năm để đi tìm "cái lá diêu bông vô vọng ảo tưởng ! Điều này làm tôi nhớ lại lời của Albert Einstein : "Có hai cái vô cùng trên thế gian ! vũ trụ và sự ngu dốt của con người… nhưng  về vũ trụ thì tôi không chắc lắm" (Il y a deux choses d'infini au monde: l'univers et la bêtise humaine... mais pour l'univers j'en suis pas très sûr). Có điều chúng ta lại tự mình vỗ ngực xưng là "đỉnh cao trí tuệ, là dân chủ triệu lần hơn". Kiêu ngạo mà còn ỷ quyền bắt mọi người cũng phải như mình.

Nhân đây tôi cũng xin nói luôn về chủ trương chấn chỉnh kỹ luật trong đảng. Đây là việc nội bộ của đảng. Nhưng không thể tùy tiện, muốn làm gì thì làm. Bởi vẫn còn dư luận xã hội, làm thế nào để người ta còn đánh giá là đảng cũng còn biết thế nào là nghiêm với minh, là văn hóa. Xã hội cho rằng những ông Cự, ông Thăng, ông Quang, ông Hoàng... đều có lỗi lầm, có tội. Và còn nhiều ông khác nữa, phải lần lượt đem ra xử.

Tôi nhớ trong tiểu thuyết của Măc Ngôn nhan đề "Mông to vú mẫy", mà Trần Đình Hiến chuyển ngữ là "Báu Vật Của Đời", có một nhân vật, tên là Cao Đại Đỡm (thằng Gan to) đã ra giữa chợ hét toáng lên : "Lũ chúng nó ư, từ trên xuống dưới phải đem chém trước rồi lập tòa án xử sau". Cho biết quan lại cộng sản Tàu cũng như Việt không anh nào vô tội. Nhưng để có nghiêm và minh thì tội nào phải ra tội ấy.

Cùng với việc xử những anh vô trách nhiệm đầu tư sai làm mất tài sản nhà nước, ra nghị quyết sai trái, thì phải xử cả những cấp to hơn, những người đề ra chủ trương, phê duyệt những dự án, như bô xít, Formosa biết rõ mười mươi thua lỗ và nguy cơ tai hại vẫn cứ làm. Hơn nữa, từ mấy chục năm nay, các đời Bộ chính trị đã để mất đất, mất đảo, tạo ra một thể chế khiến tham nhũng triền miên, bố trí cán bộ bất tài khiến bộ máy phình ra, tiêu tốn nhiều tiền của mà rối loạn kéo dài, lãng phí khắp nơi, mọi lĩnh vực đều trì trê, lạc hậu, khiến nhiều chục năm nữa may ra mới đuổi kịp thiên hạ hôm nay.

Có một nhà nghiên cứu từng là thành viên Ban nghiên cứu của Chính phủ, nói với tôi rằng, so với Hàn quốc, họ chỉ đầu tư bằng phân nửa nước ta, thời gian cũng chỉ bằng nửa, thế mà 4 lĩnh vực cơ bản của một đất nước hiện đại, đã đâu vào đấy. Hạ tầng giao thông (thủy, lục, không, đường sắt) đều hiện đại. Nền kinh tế xếp thứ 10 thế giới. Hệ thống luật pháp đâu vào đấy, khiến Tổng thống phạm lỗi cũng bị đưa ra tòa xử phạt nhx thường dân. Nền khoa học, giáo dục tiên tiến sánh ngang với thế giới. Trong khi đó ở nước ta thời gian gấp đôi, tổng đầu tư cũng gấp đôi, mà cả bốn lĩnh vực đều ngổn ngang, lạc hậu !

Khi kỷ niệm 199 năm ngày sinh Các Mác, báo Nội mới đăng chân dung ông, với một câu nói, đọc xong lại thấy ngậm ngùi, khó chịu : "Không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân, mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước". Họ cố đỗ triệt hết tội lỗi lên đầu nhân dân chăng ? Liệu ban lãnh đạo của đảng có dám bàn cho ra lẽ, đến nơi đến chốn, dám nhận trách nhiệm, dám chịu hình phạt và để được tha thứ giảm khinh tội lỗi, đới tội lập công. Nhân dân Việt Nam đâu có muốn có một đảng độc quyền toàn trị, chuyên quyền, tham nhũng, hành dân, kéo dài sự lạc hậu trì trệ, đến nỗi cả ba tiêu chí "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" đều không cái gì trọn vẹn !

Dân tộc và xã hội đã có sự trưởng thành mới, đang ý thức rõ hơn và mãnh liệt hơn về đòi hỏi đổi mới vòng hai, về Độc lập, về Dân quyền, Nhân quyền, về một chế độ nhà nước tương thích với phát triển và thời đại. Càng chậm trễ, càng thiệt thòi, càng rối loạn từng phần (trouble partielle) khiến cho đất nước không thể nào ổn định và phát triển bình thường được.

Hồ Chí Minh từng nói : "Chỉ sợ lòng dân không yên". Lẽ nào cả Ban chấp hành trung ương đảng lại ở trong trạng thái như một câu thơ của Nguyễn Duy : Ai ? Không ai !

Nguyễn Khắc Mai

(08/05/2017)

---------------------

Nhìn t xa... T quc !

 

Ðối diện ngọn đèn 

trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng 

Đêm bắc bán cầu vần vụ trắng 

nơm nớp ai rình sau lưng ta 

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà 

xa vắng 

núi và sông 

và vết rạn địa tầng 

Nhắm mắt lại mà nhìn 

thăm thẳm 

yêu và đau 

quằn quại bi hùng 

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng 

cột biên giới đóng từ thương đến nhớ 

Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá 

ai cứ sau mình lẩn quất như ma 

Ai ? 

im lặng

Ai ?

cái bóng ! 

A... 
xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng 

bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà 

Thôi thì ta quay lại 

chuyện trò cùng cái bóng máu me ta 

Có một thời ta mê hát đồng ca 

chân thành và say đắm 

ta là ta mà ta vẫn mê ta

Vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm 

hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương 

mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm 

Vâng - một thời không thể nào phủ nhận 

tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng 

Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ 

ợ lên nhồn nhột cả tim gan 

Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh 

nỗi day dứt khôn nguôi vón sạn gót chân 

nhói dài mỗi bước 

Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc 

xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ? 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen đấm ngực 

Xứ sở nhân tình 

sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu 

nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng 

Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện 

ma cụt đầu phục kích nhà quan 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen quều quào giơ tay 

Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma 

ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh... 

quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài 

Đêm huyền hoặc 

dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác 

mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma trơi 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen ngửa mặt lên trời 

Xứ sở linh thiêng 

sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác 

đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh 

Giấy rách mất lề 

tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc 

Thiện - Ác nhập nhằng 

Công Lý nổi lênh phênh 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen tọa thiền 

Xứ sở thông minh 

sao thật lắm trẻ con thất học 

lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương 

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt 

tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp 

tuổi thơ bay như lá ngã tư đường 

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng 

mở mắt... bóng nhân tài thất thểu 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh 

Xứ sở thật thà 

sao thật lắm thứ điếm 

điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn... 

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng 

điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn 

Vật giá tăng 

vì hạ giá linh hồn 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen vò tai 

Xứ sở cần cù 

sao thật lắm Lãn Ông 

lắm mẹo lãn công 

Giả vờ lĩnh lương 

giả vờ làm việc 

Tội lỗi dửng dưng 

lạnh lùng gian ác vặt 

Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông 

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn 

buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần - buôn

tuốt... 

quyền lực bày ra đấu giá trước công đường 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen nhún vai 

Xứ sở bao dung 

sao thật lắm thần dân lìa xứ 

lắm cuộc chia ly toe toét cười 

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa 

chen nhau sang nước người làm thuê 

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh 

nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen rứt tóc 

Xứ sở kỷ cương 

sao thật lắm thứ vua 

vua mánh - vua lừa - vua chôm - vua chĩa 

vua không ngai - vua choai choai - vua nhỏ... 

Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ 

lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa 

Luật pháp như đùa - như có - như không có 

một người đi chật cả con đường 

Ai ?

không ai 

Vết bầm đen gập vuông thước thợ 

?... 

?... 

?... 


Ai ?

Ai ?

Ai ?

không ai ! 

Tự vấn - mỏi

vết bầm đen còng còng dấu hỏi 

Thôi thì ta trở về 

còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại 

còn chút gì le lói ở trong lòng 

Đôi khi nổi máu lên đồng 

hồn thoát xác 

rũ ruột gan ra đếm 

Chích một giọt máu thường xét nghiệm 

tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm 

tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề 

phật và ma... mỗi thứ tí ti... 

Khốn nạn thân nhau 

nặng kiếp phân thân mặt nạ 

Thì lột mặt nạ đi - lần lữa mãi mà chi 

dù dối nữa cũng không lừa được nữa 

khôn và ngu đều có tính mức độ 

Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao 

miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít 

mất vệ sinh bội thực tự hào 

Sự thật hôn mê - ngộ độc ca ngợi 

bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại 

biết thế nhưng mà biết làm thế nào 

Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới 

thấy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội 

Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại 

lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy... 

xin đừng hót những lời chim chóc mãi 

Đừng lớn lời khi dân lành ốm đói 

vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn 

Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới ? 

máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng ? 

Thật đáng sợ ai không có ai thương 

càng đáng sợ ai không còn ai ghét 

Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết 

ta là gì ? 

ta cần thiết cho ai ? 

Có thể ta không tin ai đó 

có thể không ai tin ta nữa 

dù có sao vẫn tin ở con người 

Dù có sao 

đừng khoanh tay 

khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối 

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ? 

những người tốt đang cần liên hiệp lại 

Dù có sao 

vẫn Tổ Quốc trong lòng 

mạch tâm linh trong sạch vô ngần 

còn thơ còn dân 

ta là dân - vậy thì ta tồn tại 

Giọt từng giọt 

nặng nhọc 

Nặng nhọc thay 

Dù có sao 

đừng thở dài 

còn da lông mọc còn chồi nảy cây

Mátxcơva, tháng 5/1988 

Thành phố Hồ Chí Minh 19/8/1988

Nguyễn Duy 

Nguồn : Nguyễn Duy, Đường xa, Nhà xuất bản Trẻ, 1989

Quay lại trang chủ
Read 1628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)