Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

11/05/2017

Nhìn lại quá trình kiểm duyệt nhạc Việt qua năm tháng

Jason Gibbs

Chính phủ của các quốc gia có quyền kiểm duyệt các tác phẩm lưu hành và xuất bản. Như vậy thì khó bác bỏ việc Việt Nam có luật lệ cấm hay cho phép tác phẩm được phổ biến. Dư luận gần đây có nhiều tranh cãi về hành động của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cho, rồi rút, rồi lại cho phép lưu hành 5 ca khúc của thời gọi là "Sài Gòn tạm chiếm".

nhac1

"Thuần phong mỹ tục… Mỹ / Văn nghệ ướt của Mỹ". Tranh của họa sĩ Sỹ Ngọc vẽ (Văn Nghệ, 14 tháng 7 năm 1955)

Vấn đề chính là cách thẩm định nhạc không rõ ràng và nhất quán của cơ quan kiểm duyệt. Kết quả là một hệ thống kiểm duyệt có vẻ tùy tiện, song nhiều yếu tố trong quá khứ đã góp phần làm nên chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam.

Công việc kiểm duyệt các tác phẩm là sự thừa kế của chế độ thực dân Pháp. Thực ra Pháp đã xây nên hệ thống truyền thông cho xứ Việt, họ kiểm soát hệ thống ấy cũng là đương nhiên. Luật pháp kiểm duyệt đối với quốc dân Pháp ở thuộc địa cũng thoải mái, tuy nhiên đối với người bản xứ quá chặt chẽ. Một tờ báo hay quyển sách viết bằng tiếng Pháp được in tự do hơn một tác phẩm quốc ngữ.

Nhưng nếu tác phẩm nào bằng tiếng Việt không chạm trực tiếp đến chính trị thì chắc cơ chế quản lý của Pháp cho phép lưu hành. Thí dụ trong những năm đầu 1940 có những bài ca ái quốc "thanh niên lịch sử" của nhóm Lưu Hữu Phước được Tổng hội Sinh viên của Trường Đại học Hà Nội được xuất bản.

Nước Pháp có toàn quyền ở Đông Dương, như thế thời thực dân các tác phẩm xuất bản không có thông tin về giấy phép. Đến năm 1946, Việt Nam độc lập bắt đầu thấy chữ "kiểm duyệt" (ghi tắt là k.d.) trên bìa sau của bản nhạc.

nhac2

Tập nhạc Thương Binh Ca Hát (Bộ Thương Binh Cửu Binh xuất bản, 1948) trong thông tin in không có việc kiểm duyệt (nguồn tư liệu : Thư Việc Quốc Gia)

Thời kháng chiến chống Pháp, âm nhạc không được in ấn nhiều về số lượng và nếu được in là in thạch tại địa phương. Như vậy âm nhạc chủ yếu được phổ biến theo cách truyền miệng.

Lúc bấy giờ kiểm duyệt có nghĩa là tự kiềm chế mình trong hoàn cảnh của đời sống mới xã hội chủ nghĩa xây dựng con người mới. Một bài báo Văn Nghệ năm 1950 nhấn mạng rằng "nhạc sĩ phải gạt bỏ đầu óc cá nhân, lao mình vào đời sống của đại chúng, phải kiểm điểm lại tư tưởng, để gột tẩy sạch những tàn tích lãng mạn còn rơi rớt trong mỗi người".

Đa số các nhạc sĩ sáng tác vốn là dân thành phố có tính tiểu từ sản. Nếu xâm nhập vào thực tế cuộc sống của người nông dân nghèo họ sẽ nhận ra sự phù phiếm của đời sống cũ.

Những năm kháng chiến chưa có danh sách cấm-cho. Chính quyền Việt Nam mong rằng mỗi người sẽ vui lòng quay lưng với quá khứ chưa nghiêm túc của mình và tuân theo chính sách văn nghệ của chính quyền. Một thí dụ là lãnh đạo văn nghệ khuyên nhạc sĩ Phạm Duy phải "khai tử" bài hát "Bên cầu biên giới".

Để sống và thành công với kháng chiến thì các nhạc sĩ phải làm như vậy thôi. Nhưng Phạm Duy và một số nhạc sĩ khác bỏ về thành. Nhạc sĩ Tô Hải ở lại và kể về "các lớp 'chỉnh huấn'" là chỗ mà các tác giả bị bắt phải "kiểm điểm, phê bình và tự phê bình" chính mình và các tác phẩm của mình. Để tồn tại, ông phải cho rằng những tác phẩm trước của ông là "đồi trụy, tư sản, tiểu sư sản, thậm chí phản động".

Thuở đó các vùng dưới quyền kiểm soát Pháp như các thành phố Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều có nhà xuất bản âm nhạc. Các ấn phẩm được in với hai chữ "k.d". với con số và ngày chứng minh rằng bài ca này được cấp phép lưu hành.

Một điều đương nhiên nữa là nhạc cách mạng không được xuất bản. Dù vậy cũng đã có nhiều bài ca tình ca đem từ vùng kháng chiến được phép in và rất phổ biến. Từ thời đó Việt Nam đã có hai thế giới âm nhạc hoàn toàn riêng biệt.

Khi đất nước Việt Nam bị chia cắt năm 1954 thì hai thế giới âm nhạc mới ấy có biên giới xác định. Ở phía Bắc vĩ tuyến 17 không có chính sách công khai cấm bài hát nào. Nhưng thực tế thì khác.

Tôi gặp một phụ nữ người Hà Nội hơn tám mươi tuổi kể rằng mẹ của bà bắt bà đốt các tờ nhạc trước 1954 của bà. Đây là thời cải tạo tư sản khi mà người giàu có bị nghi ngờ rồi vì vậy họ sợ dư luận và không dám cất giữ và hát loại âm nhạc mà mình yêu thích.

Ở ngoài Bắc lúc bấy giờ các ấn phẩm không cần in chữ "k.d". vì nhà nước có toàn quyền trên mọi phương tiện truyền thông. Dù vậy cũng có những chuyện tế nhị trong giới âm nhạc.

Có một phong trào bài trừ "nhạc vàng" nghĩa là nhạc tiểu tư sản, nhạc bị gọi là "ủy mị" vì thiếu tính chiến đấu. Những ca khúc như "Tình ca" của Hoàng Việt, "Bài ca hy vọng" của Văn Ký, "Tình ca người thủy thủ" của Hoàng Vân đều bị phê bình là quá trữ tình. Với những nhà quản lý khắt khe thì khoảng cách từ trữ tình đến ủy mị có lẽ cũng không xa lắm ?

Nhưng có một vấn đề cấp bách hơn - đó chính là văn nghệ từ bên kia vĩ tuyến.

Một bài đăng trên báo Nhân Dân với đầu đề "Văn nghệ lai Mỹ, phản động và đồi bại" tỏ ra lo ngại về nhạc chiến tranh tâm lý từ bên kia ranh giới. Các bài ca miền Nam bị gọi là "quá ủy mị, ướt át, muốn nằm dài ra mà thở".

Bài báo này cũng khẳng định các bài hát miền Nam chỉ được viết nhờ bảo trợ của Mỹ "tung tiền 'com-măng'". Theo tuyên truyền của miền Bắc thì các bài hát này bị dân miền Nam tẩy chay.

Bài báo viết : "Hiện nay, đồng bào miền Nam càng căm ghét thứ văn nghệ phản động, đồi bại theo kiểu Mỹ đang tràn ngập ở miền Nam bao nhiêu, càng nhớ, càng yêu những bài thơ, câu hò, điệu múa trong thời kỳ kháng chiến bấy nhiêu".

Thị trường âm nhạc sầm uất nổi lên cùng thời ở miền Nam phủ nhận những lời xác nhận ấy.

Mặc dù những lời viết ở trên không phản ánh đúng sở thích âm nhạc của dân bên kia vĩ tuyến, nhưng ở đằng sau nó biểu lộ một điệp khúc thường xuyên của các quan chức văn hóa về ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.

Đó là âm mưu phá hoại văn hóa và phong tục người Việt của nước Mỹ. Văn hóa Mỹ theo họ chỉ toàn là găngxtơ, cao bồi, đĩ điếm, là như bệnh dịch và người nào chạm vào nền văn hóa ấy sẽ bị lây bệnh. Các tác phẩm viết theo chế độ "Mỹ-ngụy" miền Nam bị coi như nguy hiểm.

Với chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam các bài ca phải được kiểm duyệt, và các tác phẩm Cộng sản thì bị cấm. Thời Ngô Đình Diệm có những ca khúc bị coi như ướt át cũng không được lưu hành hay phải đổi lời ca.

Trong một bài phỏng vấn năm 1963, nhạc sĩ Minh Kỳ than vãn nhạc lúc bấy giờ bị "bế tắc". "Chúng tôi mà nói đến yêu đương một cách rõ ràng quá, hoặc lời lẽ có phần ướt át, thì cái kéo của ba Kiểm duyệt không tha !"

Một điều tất nhiên nữa là các ca khúc về đề tài người lính chiến được ưu tiên phổ biến trên các nguồn truyền thống của chính phủ. Như vậy nhạc làm vai trò tất yếu là tuyên truyền, nhưng nhạc sĩ cùng thời cũng thừa nhận : "tuyên truyền quá rõ dễ bị người nghe ít ưa".

nhac3

Thông tin in và kiểm duyệt trong tập nhạc Ca Khúc Cho Ngày Mai (Sài Gòn : Quảng Hóa, 1970) của Phạm Duy.

Hai chế độ đều kiểm duyệt nhạc, nhưng cả hai bên đều không thực hành được việc đó một cách trọn vẹn. Ở miền Bắc nhiều người nghe trộm đài của Sài Gòn, BBC và VOA.

Phan Thắng Toán và Nguyễn Văn Lộc (tức Toán Xồm và Lộc Vàng) và một số người nữa bị tù vì tổ chức những buổi hát nhạc vàng với nhau (tức nhạc lãng mạn gọi theo lý thuyết của Mao Trạch Đông) và nhạc miền Nam, nhưng hành động này chỉ phản ánh một phong trào bí mật mà không thể biết được có bao nhiêu người nữa cũng như vậy.

Ở Hải Phòng và Hà Nội cùng thời cũng có nhiều thanh niên thích nghe và chơi nhạc rock Mỹ với nhau.

Mặt khác là ở miền Nam cũng có nhiều người nghe trộm Đài Tiếng Nói Việt Nam của Hà Nội. Cũng có những tác phẩm trái với quy định của nhà nước và không được cấp phép nhưng vẫn được phổ biến.

Các ca khúc đòi hòa bình của Trịnh Công Sơn không được cấp phép phổ biến. Mặc dù có lệnh cấm 33 vào ngày 2 tháng 8 năm 1969, các bài ca phản chiến của ông vẫn được xuất bản và thu băng (không xin giấp phép).

Có nhóm sinh viên Đà Lạt muốn hát lại những ca khúc kháng chiến chống Pháp vốn không được phép phổ biến ở miền Nam nhưng vẫn tự xuất bản tập nhạc Năm Xưa.

nhac4

Thông tin in (không kiểm duyệt) cho tập nhạc Năm Xưa (Đà Nẵng : Đoàn Du Ca Đà Nẵng, 1972).

Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn cũng thực hiện hai tập nhạc Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe. Đây là nhạc đấu tranh, chống chiến tranh và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Một điều dĩ nhiên là các nhạc phẩm này không xin và không được cấp phép lưu hành. Như vậy khi thực hiện tập nhạc này, nhóm sinh viên ghi là "phổ biến nội bộ Sinh viên Học sinh".

Sau khi nước Việt Nam thống nhất thì gần như toàn thể các nhạc phẩm tân nhạc của những nơi không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều bị cấm luôn.

Điều đó nghĩa là nó bao gồm các tác phẩm có nguồn gốc nhạc mới của Việt Nam của các tác giả như Đặng Thế Phong, Văn Cao, v.v. (mặc dù chưa chính thức bị cấm), các tình ca thời kháng chiến chống Pháp, và tất cả các ca khúc của thời Việt Nam Cộng Hòa, ngoài những ca khúc phong trào sinh viên đấu tranh được nhắc đến ở trên.

nhac5

Bìa tập nhạc Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe : Chúng Ta Đã Đứng Dậy, tập 1 (Sài Gòn : Tổng Hội Sinh Viên Saigon, 1970).

nhac6

Thông tin in của tập nhạc Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe

Ngay sau những biến cố năm 1975 vẫn còn nhiều bản nhạc không in thông tin kiểm duyệt. Nhưng từ đó cũng bắt đầu bản nhạc và tập nhạc với thông tin kiểm duyệt gọi là "giấy phép xuất bản".

Chẳng hạn tập nhạc Hát Từ Sài Gòn Giải Phóng gồm ca khúc của những sinh viên miền Nam tham gia phong trào đấu tranh phải in thông tin cấp phép. Nhưng đến những năm 1990 vẫn có nhiều ấn phẩm nốt nhạc của các cơ quan nhà nước xuất bản mà không đề cập đến giấy phép.

nhac7

Bìa tập nhạc Hát Từ Sài Gòn Giải Phóng : Tuyển Tập Bài Hát Tự Biên Tự Diễn (Sài Gòn : Bộ Thông Tin Văn Hóa, Bộ Phận Văn Hóa Quần Chúng, 1976).

nhac8

Thông tin in của tập nhạc Hát Từ Sài Gòn Giải Phóng

Từ năm 1975 ranh giới hệ thống kiểm duyệt nhạc Việt là trên toàn bộ nước Việt hình chữ S. Nhưng người Việt tỵ nạn ở rải rác khắp năm Châu đã không còn chịu bất cứ sự kiểm duyệt nào.

Song người Việt ở lại miền Nam bị nghi ngờ rất nặng nề, nhất là những người từng làm cho nhà nước và trong giới quân sự. Sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức trích báo Sài Gòn Giải Phóng viết về cựu lính rằng : "Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến chúng từ con người thành dã thú".

Những người sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa coi như bị nước Mỹ tẩy não. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết trên báo Thừa Thiện Huế cuối năm 1975 là "tất cả hệ thống những 'phương tiện văn hóa' nhằm đạt đến một hiệu quả tinh thần rất nguy hiểm : phổ biến tư tưởng phản động và gieo rắc nọc độc đồi trụy của bọn đế quốc và giai cấp tư sản".

Như vậy tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều bị cấm, tịch thu, thậm chí tiêu hủy. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, chủ nhiệm Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, kể cho tôi rằng tất cả hàng hóa của tiệm bị lấy đi hết. Nhưng mặt khác, lúc đó cũng có nhiều người lính miền Bắc đã cứu các văn hóa phẩm nguy hiểm của thị trường miền Nam và mang ra miền Bắc.

Thứ nào bị cấm thì trốn tránh trong bóng tối. Nhiều người bí mật giữ lại các bản nhạc và đĩa hát. Các quân nhân và công chức của chế độ cũ bị giam cũng lưu giữ âm nhạc trong trí nhớ không cải tạo của họ. Bị tách riêng, các tù nhân sống ở môi trường khác với đa số đồng bào họ. Họ hát và dạy các bài ca cấm cho người bảo vệ ở trại. Một số người bị giam cũng sáng tác bài hát mới để tâm sự với nhau.

Báo giới Việt Nam chê trách các "ấn phẩm đen" đang phổ biến. Tức là các tác phẩm chép tay, in rô-nê-o ngoài phạm vi của cơ chế kiểm duyệt.

nhac9

Tuyển Tập Đặc Biệt Mưa Bụi 2, một "ấn phẩm đen"(giai đoạn khoảng 1995).

nhac10

"Kẻ Ở Miền Xa" của Trúc Phương, ghi trong Tuyển Tập Đặc Biệt Mưa Bụi 2.

Về việc xét lại các ca khúc xưa thì dân đi trước nhà nước. Từ năm 1986, Câu Lạc Bộ Âm Nhạc của Hội Liên Hiệp Thanh Niên ở Sài Gòn và Cung Thiếu Nhi ở Hà Nội từng giới thiệu các tác phẩm được gọi là nhạc tiền chiến, nghĩa là nhạc lãng mạn của những năm đầu tiên của nền tân nhạc.

Ngày 15 tháng 10 năm 1989, Cục Âm Nhạc Và Múa mới bắt đầu cấp phép cho các bài hát trước 1975 được phổ biến. Trong đợt đầu tiên này có các tác phẩm xưa của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Chuẩn, v.v.

Phải đợi hai năm nữa, ngày 10 tháng 8 năm 1991, thì mới có một số tác phẩm thời Việt Nam Cộng Hòa của các tác giả Thanh Sơn, Y Vân, Trần Thiện Thanh, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Hoàng Trọng, Minh Kỳ, v.v. được cấp phép phổ biến.

Mãi đến 16 tháng 1 năm 2003 một số bài ca của nhạc sĩ Việt ở hải ngoại được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Một số tác giả phải đợi lâu hơn - nhạc Phạm Duy mới bắt đầu được cấp phép hồi năm 2005, nhạc Lam Phương năm 2007 và nhạc Hoàng Thi Thơ năm 2008.

Mặc dù như vậy, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn vẫn duyệt các nhạc phẩm của thời Việt Nam Cộng Hòa và của cộng đồng người Việt hải ngoại. Vấn đề là ở nội dung bài hát tùy thuộc các tác phẩm của miền Nam trước 1975 mà quần chúng ưa nghe nếu không chửi bới và không nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hình như trở ngại chính nằm ở hai chữ thôi. "Lính chiến" là cặp chữ cấm kỵ bị coi như đại diện cho những người lính của chế độ miền Nam bị coi như "lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ".

Cuộc chiến Việt-Mỹ đã xưa rồi, quan hệ ngoại giao hiện nay thành bình thường và hai nước có quan hệ hữu nghị. Song "lính chiến" của ngày xưa vẫn chưa được coi như bạn hữu chăng ?

Một trong những bài hát từng bị tạm cấm lưu hành là "Cánh thiệp đầu xuân" của Minh Kỳ và Lê Dinh sáng tác năm 1962 trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Bài hát ấy cũng ra đời trong hoàn cảnh kiểm duyệt của thời chiến tranh.

Như được nhắc ở trên, chế độ kiểm duyệt thời Ngô Đình Diệm không cho hai tác giả Việt có các bài ca hoàn toàn như ý của họ. Hiện nay nhạc sĩ Lê Dinh cho thay thế lời "anh lính chiến" bằng "anh yêu dấu". Như thế lời ca mới này chỉ có nội dung tình yêu và nhớ nhung.

Bài ca "Rừng xưa"của Lam Phương sáng tác năm 1963 cũng được cho hát lại. Nhìn về lịch sử bài hát này thì dễ hiểu tại sao bài ca này từng bị cấm. Bài này không phải là một bài ca xuất sắc của tác giả và hai câu lời ca trong bài nghe cũng rất bình thường : "Đây ước mơ của miền Nam mến yêu. Tha thiết đến tin anh về bên mái gia đình tìm hạnh phúc ngày qua".

Hoàn cảnh lịch sử cho biết đây là người ở miền Nam thời chiến xin người tình đã tập kết ra Bắc về quê sống với gia đình và bỏ rơi cuộc kháng chiến.

Nhưng ngày hôm nay, hơn 50 năm sau, ai còn bận tâm đến chuyện chiêu hồi ? Nếu cứ cấp phép thì chắc ít ai nhắc đến bài ca "Rừng xưa" vì bài ca không hợp hoàn cảnh đời sống người nghe hiện nay như nhiều ca khúc khác.

Phải chăng, các nhà quản lý cố nhắm mắt không nhận rằng hiện nay không còn như thời bao cấp khi Việt Nam chưa toàn cầu hóa ? Từ khi có khả năng thu lại nhạc với các phương tiện như máy ghi âm và máy vi tính thì các nhạc phẩm bị cấm được lưu hành rất dễ dàng ở chợ đen. Hiện nay làm sao mà cấm nổi nhạc khi mà bất cứ ai cũng có thể lên mạng, có thể nghe bất cứ loại nhạc nào vào bất cứ lúc nào ?

Dù thế chăng nữa, hình như thể loại nhạc đáng lo nhất vẫn là nhạc bolero Việt Nam. Bolero Việt là một khối âm nhạc lớn đã hơn 60 năm chinh phục được nhiều người Việt yêu nhạc. Suốt thời gian này, dù bị chê, dù bị cấm, nó không chết và trong khoảng mười năm qua được khôi phục nhiều.

Có phải khối nhạc này làm hại cho sự tiến triển của nhạc Việt hay làm cho trình độ nhạc bị hạ thấp ? Tôi không nghĩ vậy. Nhất là vì trong thời gian này dư luận kết án các loại nhạc trẻ "gây sốc" hay "nhạc rác".

Có nhạc sĩ lý luận rằng "những ca khúc thế này ['nhạc rác'] đã kéo gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả ngày càng đi xuống". Bolero, một thời bị coi như "nhạc sến", nếu xem xét thì lại có nội dung lành mạnh và lịch thiệp. Nguồn nhạc này nghe rất xứng đáng và đáng quý so với nhạc thị trường hiện nay. Nhưng đại đa số ca khúc bolero còn bị cấm.

Thực ra việc người Việt nghe và hát một bài ca bolero nhắc đến người lính chiến là chuyện bình thường đang xảy ra trên khắp nước Việt từ sáng đến khuya. Kiểm duyệt việc ấy chỉ có kết quả là hạn chế việc biểu diễn các ca khúc ấy trên sân khấu hay trên làn sóng chính thức. Cấm, cho phép, cấm lại, và lại cho phép các nghệ sĩ hát những bài ca này chỉ làm cho dân nghĩ rằng các cơ quản kiểm duyệt làm việc một cách tùy tiện.

Nhưng việc cấm-cho phép đã có hiệu quả. Nếu cứ hát nhạc cấm có thể nhiều lần mà không bị làm sao, nhưng sẽ đến một lúc người hát sẽ bị phạt nặng để làm bài học cho tất cả mọi người khác. Tuy nhiên kết quả không phải là cấm nhạc ấy, hay làm giảm sự ưa chuộng của thính giả đối với nhạc ấy, mà là làm cho các nghệ sĩ và nhà tổ chức phải cẩn thận để tự kiểm duyệt mình và tự hạn chế sức sáng tạo của mình.

Theo tôi biết thì người Việt Nam sống theo phương châm độc lập, tự do, và hạnh phúc. Quyền nghe được nhạc mình ưa thích nằm ở trong ba điều lý tưởng ấy ?

Thời chiến tranh thì việc cấm và hạn chế âm nhạc là rất hợp lý. Cấm những tác phẩm quá thô tục và gây loạn cũng có lý. Việc cấm các bài ca chỉ vì lý lịch đen thì tôi nghĩ là không nên. Nhưng điều đó là chuyện người dân và nhà nước Việt Nam phải giải quyết với nhau.

Jason Gibbs

Nguồn : BBC, 11/05/2017

Ông Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt, trong loạt bài về các gương mặt nhạc sĩ Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 905 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)