Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/08/2021

Chuyên luận

Lê Hữu Khóa

Dặm đường cùng các chuyên đề

chuyen1

Chuyên luận, tập hợp 10 công trình nghiên cứu, được vận hành theo 3 chuyên đề chung quanh nghệ thuật :

Chuyên đề 1

Nghệ thuật tạo hình của ĐINH CƯỜNG

Nghệ thuật ca khúc của THÁI HIỀN

Nghệ thuật chân dung của TẠ TỴ

Chuyên đề 2

MỸ LUẬN qua mỹ quan học

THUẬT LUẬN qua nghệ thuật học

DẠNG LUẬN qua nhân dạng áo dài.

Chuyên đề 3

TRI LUẬN vì tuổi trẻ

DUYÊN LUẬN với văn nghệ

TUỆ LUẬN với các thầy trong học thuật.

 

Chuyên_luận.pdf

 

Ba thể loại chuyên đề trên là lộ trình đi tìm phương pháp luận so sánh, khoahọc luận bối cảnh, thuyết luận đa phương. Từ đó trở về với kinh nghiệm cá nhân của tác giả qua TẦM LUẬN là lộ trình triết tìm thơ, thơ tìm triết.

 

Họa sĩ Đinh Cường

Nghệ thuật nhân cách tạo hình nhân dạng

chuyen2

Hoài niệm cùng ĐINH CƯỜNG với đa tạ của tri ân, đã cùng ĐINH CƯỜNG để được hạnh ngộ với Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Long Vân, Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trịnh Công Sơn… và không quên cùng nhau bên mộ phần của Hoàng Trúc Ly giữa mùa bạo quyền đang cuồng quyền vây bủa nhân nghĩa Việt tộc, vây hãm nhân phẩm văn nghệ sĩ miền năm sau 1975.

Họa sĩ Đinh Cường (1939 - 2016), tên thật là Đinh Văn Cường, sinh tại Thủ Dầu Một, quê gốc ở Bình Dương, đã sống tại Sài Gòn, Huế, Đà Lạt… năm 1989 thì định cư tại Hoa Kỳ. Cựu học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, rồi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế (tốt nghiệp 1963), trường Hội họaCao đẳng Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn (1964), Đinh Cường có giảng dạy tại Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế cho đến mùa hè 1975. Trong thời gian từ 1962 đến 1975, họa sĩ Đinh Cường đã có nhiều triển lãm, chung và riêng tại Sài Gòn, Huế, Ðà Nẵng, Ðà Lạt, Nha Trang… và được nhiều giải thưởng. Sau 1975, Đinh Cường vài hội triển lãm tại Huế, Sài Gòn, và ngoài nước Đinh Cường có triển lãm tại Canada, Hoa Kỳ, Pháp. Đinh Cường có một chặng đường bền trong giáo dục nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế từ năm 1963 cho đến những năm đầu sau 1975. Tại đây, Đinh Cường đã đóng góp đào tạo nhiều họa sĩ cho miền Trung và miền Nam trước 1975. Những năm định cư ở Mỹ, họa sĩ Đinh Cường vẫn có dịp trở lại Huế, Sài Gòn và có tổ chức triển lãm cùng với các họa sĩ được xem là bạn thân của họa sĩ là Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ… Đinh Cường đã ảnh hưởng tới toàn cảnh hội họa Việt cận đại.

chuyen3

 

Nghệ thuật tạo hình Đinh Cường

Phương pháp luận mỹ thuật nhân dạng

Không gian tạo hình Đinh Cường

Từ mỹ quan tới mỹ cảm,   từ mỹ thuật tới mỹ học, từ mỹ lý tới mỹ luận

Tạo hình vị tạo nhân

Nhân diện xa tiếp nhân cách gần

Chân dung vị chân nhân

Nhân diện gần đón nhân dạng xa

Nhân sinh vị vũ trụ

Nhận diện thế giới quan sinh sắc

 

chuyen4

 

Nghệ thuật tạo hình Đinh Cường

Phương pháp luận mỹ thuật nhân dạng

Bằng phương pháp luận mỹ thuật nhân dạng, chúng ta có thể nhập nội vào không gian nghệ thuật tạo hình của Đinh Cường bằng nhiều cách, nhiều nẻo, nhiều ngõ qua :

- Xã hội học lịch sử với bối cảnh của thế hệ Đinh Cường với bao điêu linh của chiến cuộc huynh đệ tương tàn đám chủ mưu đã đưa một ngoại thuyết bạo động mang tên cách mạng rồi giải phóng hy sinh bao sinh linh của Việt tộc.

- Dân tộc học tiếp cận nghệ thuật với thế hệ Đinh Cường, trong dòng nghệ thuật sau 1975, của nhóm họa sĩ trẻ, Nguyễn Trung cùng nhiều họa sĩ khác, biết mở cửa mỹ quan của chính mình để đón mỹ học tới tự phương Tây.

- Tâm lý học chuyển đổi thế hệ nghệ thuật với thế hệ Đinh Cường biết thừa hưởng những thành quả của trường Mỹ Thuật Đông Dương được Tardieu chủ trì. Thế hệ Đinh Cường còn biết nhận ra giá trị của các họa sư, tiêu biểu Nguyễn Gia Trí. Gần  hơn qua sơn dầu, thế hệ này còn thấu các giá trị vì được sống cận kề với các họa huynh từ miền Bắc di  cư vào Nam của nhóm Sáng Tạo, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh.

- Giáo dục học tri thức tạo hình, với thế hệ Đinh Cường được thừa hưởng một nền giáo dục chính quy để xem mà xét tới nơi tới chốn gốc, rễ, cội,nguồn của chân-thiện-mỹ từ giáo khoa-giáo trình-giáo án của trường Mỹ Thuật Huế tại miền Trung, trường Mỹ Thuật Bình Dương tại miền Nam.

- Nghệ thuật học liên kết hội họa-thi ca-âm nhạc với thế hệ Đinh Cường là một lưới nghệ thuật, thắm tình bạn, sâu tình người. Thế hệ này biết vượt thoát thảm họa chiến tranh mà tới với nghệ thuật bằng cảm xúc chân chính, bằng tâm khảm của những người vận dụng tự do để tận dụng trong sáng tác. Hội họa của Đinh Cường cận kề với nhân tính của Trịnh Công Sơn, gần gũi với nhân lý của Thanh Tâm Tuyền, thân mật với nhân tâm của Tô Thùy Yên. Mà Đinh Cường còn thân thiết với Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Uyên Phương, Từ Công Phụng, Thành An…

Khi tổng kết xã hội học lịch sử, dân tộc học tiếp cận nghệ thuật, tâm lý học chuyển đổi thế hệ nghệ thuật, giáo dục học tri thức tạo hình, nghệ thuật học liên kết hội họa-thi ca-âm nhạc bằng phương pháp luận mỹ  thuật nhân dạng trong nghệ thuật tạo hình của Đinh Cường, thì chúng ta cần đi thêm một bước nữa để thấy cho thấu giá trị nghệ thuật của Đinh Cường bằng chính các giá trị của mỹ thuật đã làm nên mỹ học :

- Mỹ học phải đi tìm một phạm trù lý luận mới để hiểu tại sao khi sáng tạo ra cái đẹp mới luôn là kết quả của cái cắt đứt, khi phá cầu để phá thói quen của đường mòn, đây hoàn toàn không phải là chuyện "qua cầu rút ván", vì chuyện ảnh hưởng nghệ thuật qua các thế hệ vẫn có, vẫn còn. Nhưng khi kẻ sáng tác làm công việc sáng tạo ra cái đẹp mới (như văn sĩ trước tờ giấy trắng, họa sĩ trước khuôn vải trống, nhà điêu khắc chưa bắt tay vào nhào để nặn), đây là lúc họ đang tìm cách làm sáng,  làm rõ, làm cho ra một diễn biến nội tâm của chính họ !

Sáng tạo biến cái diễn biến nội tâm này thành  một luận điểm được đưa ra ngoài, có ngữ văn, có đường nét, có hình thể như một lập luận mới qua chất liệu (giấy, màu, vật liệu…). Mỹ luận càng phải chú trọng hơn nữa quá trình này, vì đã có ba chuyện đã xảy ra trong quá trình sáng tạo này : cắt đứt cầu, diễn biến nội tâm, luận điểm bên ngoài. Cái bí mật của sáng tác giờ đã thành sự cố, nếu không nói là biến cố, mang tính trình diễn vừa ngoạn mục, vừa  tế nhị của nhân trí trước nhân sinh !

Từ nhận định tới định nghĩa về cái đẹp của một vật thể được xem là đẹp tới bản thân của nó có nội chất đẹp, từ đây đặt ra quan hệ giữa nhân sinh quan với thế giới quan vũ trụ quan, trong đó vai trò của giáo dục, của văn hóa vị thế chủ đạo. Nếu cái   đẹp là "chuyện xúc cảm của cái nhìn" (mỹ quan), thì vai trò của xúc cảm là động lực khởi xướng cho mọi nhận định, xúc cảm này được xem như một khám phá, và khám phá này tạo ít nhất ba loại cảm giác mới trong nhân sinh : cảm giác vui sướng mới, cảm giác khoái lạc mới, cảm giác ngạc nhiên mới.

- Cái nhìn chỉ là cái trông, cái thấy, nó là một giác quan trong năm giác quan của một con người, như vậy cái đẹp không thể chỉ đóng khung trong cái nhìn, cũng không nên quên là cái nhìn ngạc nhiên của một cá nhân có thể tới từ sự ngây thơ, tới từ một sự cảm nhận chỉ chọn sự dễ chịu, và chưa chắc được kẻ khác công nhận là cái đẹp. Như vậy, cái đẹp phải vượt lên sự ngây thơ, cái dễ chịu…

- Cái đẹp mang phạm trù lý thuyết có lý luận, có lập luận trong đó ý tưởng đóng vai trò khởi xướng cho các phạm trù lý thuyết. Mỹ luận nhận định cái đẹp qua nội chất của phán xét, không liên quan gì đến niềm tin bị ảnh hưởng bởi tôn giáo, tín ngưỡng. Cái đẹp, tạo ra một loại niềm tin đó là niềm tin vào sự thăng hóa cho cuộc sống. Cái đẹp có đường đi nẻo về hoàn toàn khác cái to, cái hay, cái đúng ; cái to thì thấy được, cái đúng thì luân lý quản lý được, cái hay thì giáo dục được, nhưng cái đẹp từ riêng tới chung, có từ bản thân (màu đẹp, giọng nói đẹp, lời ca đẹp…) mà gốc, rễ, cội, nguồn của cái đẹp là nó tạo được sự thăng hóa vừa cho nhân loại, vừa cho nhân tri.

- Cái đẹp thể mang ngay trên thượng nguồn của nó là sự tái tạo lại thiên nhiên, cảnh quan, hình thể… tức là bắt đầu thay đổi bằng bố cục của hệ thực (thực tế, thực tiễn, thực trạng), từ đây kẻ sáng tác hoán, chuyển, thay, dời các phần tử của cơ cấu cũ để tạo ra một bố cục mới, có lúc kẻ sáng tác giả này siết, vo, bóp, nắn lại chính các phần tử của cơ cấu để tạo hẳn một hình thể khác, khác xa với cái thực thường thấy.

- Mỹ học có thể đi vào phân tích các sáng tác nghệ thuật qua quá trình thay đổi bản thể, từ hình thức tới cả nội dung. Chính bản thể học (ontologie) chủ đạo định nghĩa để hướng dẫn túc từ, làm nền cho chủ từ trong truyền thông, thí dụ khi ta thốt lên : ánh   sáng ở đây quá đẹp ! Bản thể này còn làm gốc cho chủ thể trong hành động khi ta phán quyết : người hùng này rất can đảm !

- Lịch sử nghệ thuật thường là quá trình xem xét lại bản thể, mà còn là lịch sử của sự thay ngôi, hoán vị bản thể : sáng tạo sáng tác lại bản thể ! Chuyện này đã rõ khi phái ấn tượng chối bỏ phái hình thể, ngay sau đó Picasso rời bỏ cả hình thể qua bản thể, buông bỏ cả ấn tượng qua màu sắc, để tạo ra một nghệ thuật tạo hình không bản thể không ấn tượng. Sáng tạo được hình thành bởi nhiều nẻo, nhiều khuôn, và mỗi lần hoán vị các nẻo, các khuôn thì sẽ  có một chủ đề sáng tác mới ; chính là ngữ vựng mới, của một loại ngôn ngữ mới, và chủ đề chính là ngữ pháp được tạo ra bởi ngữ văn đặc thù của họa sĩ, làm nên tưởng riêng trong sáng tác của họa sĩ.

-------------------------

Trước mắt chúng ta hãy sử dụng sử học nghệ thuật, vận dụng triết học mỹ luận, tận dụng hội học tiếp nhận tác phẩm để được song hành cùng Đinh Cường đi về cõi đẹp, để tìm cho ra cái đẹp đặc sắc của họa sĩ này.

chuyen5

Không gian tạo hình Đinh Cường

Từ mỹ quan tới mỹ cảm

Từ mỹ thuật tới mỹ học

Từ mỹ lý tới mỹ luận

S chuyển hóa cả lý trí lẫn trí tuệ

Cái đẹp tạo được sự thăng hoa, tự nó là một danh từ đi tìm một nội dung, để từ đó ta có thể hiểu tại sao kẻ sáng tạo ra cái đẹp, có thể hiến thân vì cái đẹp, nơi đây mỹ luận được xem là khả năng hiểu cảm xúc để phân tích thành ý tưởng về cái đẹp. Phân loại cái đẹp qua lịch sử mỹ thuật, có vai trò của văn hóa, trong đó cảm nhận về cái đẹp được ảnh hưởng bởi quá trình giáo dục của một dân tộc.

Tây Âu cảm nhận cái đẹp qua hình dạng, rồi đặt hình danh, biến nó thành môn học về hình thể, tạo ra cái đẹp của thân thể (nu) kiểu trần thân, cái đẹp này có sức nội kết các phần tử để tạo nên một tổng thể hài hòa, kinh nghiệm trong cái đẹp của thân thể (nu) kiểu trần thân, không có trong văn hóa, giáo dục, lịch sử của Á châu.

Cái đẹp khi được tạo, nó tạo cho kẻ thưởng thức nó một loại cường độ, theo Diderot, làm căng, dồn, nén… ngay trên sức cảm nhận của chúng ta tạo sự chú ý, đưa tới chuyện phải dừng mắt đứng xem, từ đó tạo ra sự chiêm ngưỡng, để người xem khi phải sững sờ trước cái đẹp. Và kẻ thưởng thức phải tìm cho ra nội dung bên trong của cái đẹp.

Khi tìm hiểu nội chất hoặc nội dung của cái đẹp, thì kẻ thưởng thức phải tìm hiểu thêm về sự tương quan, lực

quan hệ, sức nối kết giữa cái đẹp và môi trường chung quanh. Chính khi cảm nhận về cái đẹp, thì kiến thức của chúng ta về môi trường có thể được hoặc bị thay đổi, cả lý trí lẫn trí tuệ của chúng ta có thể được hoặc bị chuyển hóa.

Liên kết sáng tạo-lý luận-tư tưởng

Khi sáng tạo ra cái đẹp qua lao tác của nghệ thuật có khả năng tháo gỡ cấu trúc (déstructuration) các thói quen cũ, kinh nghiệm của tháo gỡ bố cục (décomposition) các cách xây dựng cũ, với ý muốn tháo gỡ tổ chức (déorganisation) các định chế kỹ thuật và nghệ thuật cũ.

Trong quá trình này, mỹ học nên tách một cách rất rõ ràng sự khác biệt giữa sự hủy diệt (destruction) là phá cho tan tành, với tháo gỡ cấu (déconstruction) để xem xét lại các khuyết điểm đã làm nên khuyết tật của cơ cấu cũ, từ đó mới tính chuyện gắn ráp lại để tạo ra cái mới.

Trong lao tác cũng như trong tuyên bố của các tác giả sáng tạo ra cái đẹp, cũng có hai thành phần khác nhau, giữa sự hủy diệt (destruction) và sự tháo gỡ cơ cấu (déconstruction) nói lên hai phong cách nghệ thuật, tạo ra hai loại mỹ thuật quan rất khác nhau trong sinh hoạt nghệ thuật. Tại đây, mỹ luận phải chú ý kỹ hơn nữa ba thành phần nghệ sĩ trong sáng tác :

- Thành phần thứ nhất, chỉ lấy sáng tác để nói lên nghệ thuật của mình.

- Thành phần thứ nhì, diễn luận giải luận qua luận do chính họ tạo ra.

- Thành phần thứ ba, vừa có sáng tác, vừa có lý luận, lại thêm tưởng riêng để minh chứng sự liên kết giữa sáng tạo, lý thuyết và tư tưởng. Nếu quần chúng, xã hội và chuyên môn công nhận, tôn vinh sức liên kết này thì họ chính là các nghệ sĩ không những tài lớn của nhân loại. Trong văn học, ta thấy có Hugo, trong thi ca thấy có Char, trong âm nhạc ta có Bethoveen, trong hội họa có Picasso, trong điêu khắc Giacometti…

Mỹ quan mới qua truyền cảm mới, truyền thông mới, ngôn ngữ mới

Cái đẹp trong nghệ thuật tái tạo lại ngôn ngữ mới để tạo ra một truyền thông mới bằng truyền cảm mới, chưa có trong thông tin bình thường của sinh hoạt xã hội, đây chính là ngôn ngữ của sáng tạo nghệ thuật luôn muốn thay đổi trực quan, bắt nó phải dừng lại để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, thấu hiểu cái đẹp mới bằng một mỹ quan   mới.

Trong đó, cái đẹp mới giới thiệu cảnh quan, con người, hình thể… qua các chấm (phái chấm trong hội họa), qua các đường gạch (phái đường gạch trong hội họa) tạo ra ngôn ngữ riêng cho mỹ quan. Sinh hoạt nghệ thuật từ sáng tác trong thơ văn, tới sáng tạo trong hội hóa và điêu khắc, từ nghệ thuật nhạc tới nghệ thuật kiến trúc, luôn quan niệm các cơ cấu có sẵn chính là các ngõ cụt, đang giam lỏng trí tuệ sáng tạo.

Như vậy, lý trí của sáng tạo là phải tìm cách thay đổi cấu trúc của các định chế đã có sẵn, mà bắt đầu là công việc thay đổi các phần tử đã tạo nên hình thể, nên dáng vóc của các định chế đó. Sinh hoạt nghệ thuật của thế kỷ XX là những diễn biến sôi nổi về việc sáng tạo ra các  mỹ quan mới, lúc đầu có Braque, Léger, Picasso và sau đó là Hartung, và diễn biến liên hồi cho tới kinh nghiệm của Soulage là chỉ dùng màu đen trong hầu hết các sáng tác của ông, và họa sĩ tìm mọi cách để kẻ thưởng ngoạn các tác phẩm của ông phải thấy được các ánh sáng mới rất sáng tạo trong cái đen nghịt trong các sáng tác của ông.

Mỹ thuật mới con đường mới : phải tự tìm đường mà đi !

Cái đẹp mới của sáng tạo nghệ thuật thường tìm cách xa lánh các cái đẹp cũ, rất hài hòa, từ kinh nghiệm của Hy Lạp cổ tới giai đoạn được gọi là tái sinh (rennaissance) trong đó nghệ thuật của Ý đóng vai trò tiên phong trong cả thế kỷ 18 và 19.

Xa lánh vừa để lách tránh, vừa để "vắt óc siết tâm" đi tìm con đường mới, làm ra một mỹ thuật mới, không còn chịu áp lực, chịu ảnh hưởng của sự bắt-buộc-phải-hài-hòa, nó chống lại chuyện này vì đây là khuôn mẫu làm nên mô hình đang đóng kín sáng tạo trong một loại nhà tù tư duy là phải đi trên quốc lộ hài hòa !

Trong khi đó sinh hoạt sáng tạo mỹ thuật là sinh hoạt sinh động để chủ động : phải tự tìm đường mà đi ! Tức là phải vạch rừng tìm lối, vượt thác, băng đèo, xẻ núi để tới cái đẹp mới. Nếu không theo quá trình này mà làm ngược lại là sao chụp các cái đẹp đã có sẵn thì không phải là sáng tạo !

-------------------------

Trước mắt, hãy xem để xét, hãy thấy để thấu lộ trình tạo hình của Đinh Cường từ thế kỷ XX tới thế kỷ XXI.

chuyen6

 

Tạo hình vị tạo nhân

Nhân diện xa tiếp nhân cách gần

"Khóa ơi, mỗi lần xem tranh của moi, ta nhớ nhận ra thực cảnh của quê hương trong điêu tàn của chiến tranh, có hiện cảnh giáo đường buồn, và luôn có một cô gái Việt, trong nhân diện không biết là buồn hay vui, với nhân dạng như đi ngang cuộc đời, với nhân cách nhẹ, đẹp, bay bổng…".

Đinh Cường, hè 1986, Sài Gòn

chuyen7

Cái đẹp trong sự toàn hảo

Cái đẹp có thể xem là đẹp vì nó là cái hợp với ta, hợp với khuôn mẫu, hợp hình thể của ta, được xem như sự xuất hiện trong sự toàn hảo. Như vậy, cái khuôn của một vật thể được xem là đẹp nằm trọn vẹn, vừa trong nguyên tắc, vừa trong ý tưởng. Sự toàn hảo của loại đẹp này cho thấy cái đẹp là cái hợp khuôn từ trong ra ngoài, và theo Hegel : cái hợp khuôn biết tự thể hiện qua ý tưởng (toàn hảo vì hợp khuôn). Sự toàn hảo này thấy rất rõ qua các trường phái về hình thể, nhất là các trường phái về cảnh quan.

-------------------------

Đinh Cường thì đi chọn một sự toàn hảo khác, nơi mà màu sắc sinh đôi cùng ánh sáng, để màu sắc sinh cùng ánh sáng cho ra một sự hoàn hảo nhân sinh quan biết nâng niu vũ trụ quan, có vũ trụ quan biết che chở nhân sinh quan, chỉ như vậy thế giới quan mới có được sự hoàn hảo.

chuyen8

Hài hòa hay tự thăng hoa ?

Trung Quốc có truyền thống luận giảng về cái đẹp là tôn vinh sự hài hòa hiển dương sự quân bình, cụ thể nhất là  tranh thủy mặc, về phong cảnh, mang sức nội kết của sơn thủy, qua quy luật âm dương phối triệt. Cái đẹp của Tây Âu thì khác hẳn, trong đó sự sáng tạo sự tự thăng hoa, tự hiển dương nó, cùng lúc tác giả của sáng tạo ra cái đẹp nhiều lúc phải phạm trù hóasản phẩm sáng tạo của mình, phải lý thuyết hóa quá trình sáng tác của mình, ở đây có sự đòi hỏi phải mô hình hóa cái đẹp. Ở đây, có sức ép của sơ đồ, nếu không nói là có kiến trúc hóa ý tưởng, để "đặt tên" cho nội dung, để đặt "nhãn hiệu" cho thuyết.

-------------------------

Đinh Cường đã thấy cái đẹp biết tôn vinh sự hài hòa, hiển dương sự quân bình trong tranh thủy mặc của Trung Quốc, Đinh Cường đã thấu cái đẹp của sự sáng tạo biết tự thăng hoa. Nhưng Đinh Cường đã chọn sự hài hòa bằng lực tổng hợp máu sắc do chính họa sĩ chế tác ra, và Đinh Cường cũng đã chọn sự tự thăng hoaqua bản lĩnh của một nghệ thuật tạo hình biết giữ cái tỉnh để duyên cho sự tự thăng hoa ở dạng tỉnh táo nhất.

chuyen9

Cái đẹp tạo cách ly

Cái đẹp tạo cách ly, thường tới từ xa, tới từ chỗ khác, mà kẻ sáng tạo phải ham muốn, phải dong tìm, phải đau khổ để tìm ra, để tạo ra, mà chính kẻ thưởng thức cái đẹp có khi rất khó quyết đoán về nguồn gốc của nó, nó càng mông lung thì người xem càng khó đến gần, càng khó tham dự. Theo Baudelaire, cái đẹp có ít nhiều dính dáng tới cái đau khổ, khi kẻ sáng tác phải nhận thử thách, hy sinh, cực hình để tạo ra nó. Loại đẹp này mang  bản chất bất khuất muốn trở thành bất diệt, nên khả năng tạo ra bi kịch. Thử thách của Gauguin, cam chịu của Van Gogh... Loại đẹp này có hành trình dong tìm của ý nguyện, của ước vọng, của hoài bão.

-------------------------

Trong không gian tạo hình của Đinh Cường, thì cái đau khổ không bị phơi bày một cách lộ liễu ; kể cả cái ham muốn, cái dong tìm cũng được giữ thật kín đáo. Riêng  sự hy sinh, với những thử thách thì Đinh Cường và cả thế hệ của họa sĩ đã đầy trầm luân, đã dày chông gai. Gauguin, Van Gogh luôn là những họa sư, họa huynh của Đinh Cường, nhưng Đinh Cường là Đinh Cường, họa sĩ lẳng lặng đưa ta vào không gian tạo hình của mình như mời ta hãy tương đối hóa các hy sinh để được thong dong. Hãy thư giãn hóa các thử thách để được  thư thái. Hãy nhẹ nhàng hóa các trầm luân để được ung dung. Những trạng từ thong dong, thư thái, ung dung không còn là trạng từ nữa mà chính là quan điểm, quan niệm của nghệ thuật Đinh Cường.

chuyen10

Cái đẹp hướng thượng

Cái đẹp tạo sự tách biệt với người thưởng ngoạn là phải tìm đến nó như đến với một khám phá, cái đẹp cũng tạo ra sự thiền định đưa kẻ thưởng thức từ chiêm ngưỡng đến chuyện phải định thần, định tâm, định trí ở dạng thiền định. Cái đẹp có mặt để chống lại sự vô cảm, vô tình, vô tri, vô giác. Và, thiền định là để lập lại tư duy không những cho cảm xúc, mà cả cho lý trí. Khi cái đẹp được cảm nhận từ nội dung tới nội chất, thì nó sẽ được phân giải bởi tư tưởng để chế tác ra mỹ luận. Để kẻ thưởng thức cái đẹp có thể hiểu được quá trình từ cảm nhận tới khả tri, từ thể hiện tới sáng tác. Khi cái đẹp được đánh giá là thánh thiện, thì nó có thể sánh ngang hàng với tôn giáo và thần học. Chính vì cái đẹp đi tìm sự hướng thượng, nên cái đẹp có thể hướng dẫn được cuộc sống. Cho nên vai trò của các bảo tàng là giáo dục sự thăng hóa cho cuộc sống. Sự hướng thượng được thấy rõ qua các tác phẩm ca tụng sự can đảm của các anh hùng, sự hy sinh của các nhân vật ái quốc.

-------------------------

Cái đẹp hướng thượng của không gian nghệ thuật Đinh Cường là môt hằng số được làm nên bởi một nhân tri thấy thời cuộc, thấu thời vận, xem nhân thế, xét nhân tình, mà nhân tri luôn hướng thượng. Cái đẹp hướng thượng xa với với tôn giáo và thần học, lánh luôn các bảo tàng trưng bày để phơi bày để ca tụng sự can đảm của các anh hùng, sự hy sinh của các nhân vật ái quốc.

chuyen11

Cái đẹp của thử thách

Cái đẹp làm rõ cảm tính qua cảm xúc, từ đó giúp người thưởng ngoạn cái đẹp phải nhận định bằng tri thức. Theo Kant, thì cái đẹp là quá trình đi từ tính quy ước của tập thể tới tính tự do cá nhân, mà ta thấy rõ qua sự phối kết giữa điều lệ trong quy ước của tập thể và lập trường trong ý tưởng của kẻ sáng tác với tự do của chính mình. Cái đẹp được sáng tạo ít nhất qua ba loại thử thách : thử thách của tính toàn hảo, thử thách của tính nội kết, thử thách của tính toàn bộ. Cái đẹp chính là sự tổng kết qua thử thách của tính phối hợp, từ cứu cánh của tính tập thể tới tính tự do của sáng tạo. Tính tự do thấy rất rõ qua tạo hình của Braque, của Léger, nhất là của Picasso.

-------------------------

Khi chúng ta chọn không gian tạo hình của Đinh Cườngđể khảo sát rồi nghiên cứu, để điều tra rồi phân tích, thì chóng chày chúng ta sẽ nhận ra ba loại thử thách trên : thử thách của tính toàn hảo, thử thách của tính nội kết, thử thách của tính toàn bộ đã hiện diện trong nghệ thuật của Đinh Cường. Đinh Cường đã thành công, nhưng chúng ta phải đi xa thêm một bước nữa để thấy là Đinh Cường còn có thành công khác nữa là đã tạo ra được một không gian nghệ thuật đặc sắc, có đầy đủ chất đăc thù của họa sĩ từ tư tưởng tới cấu trúc để tạo hình. Từ đây, chúng ta sẽ thấu là Đinh Cường đã thành công ngay trên chính tự do của mình ngay trong mọi thời cuộc điên dảo của đất nước, khi họa sĩ biết chế tác ra chính đặc điểm của mình để trải lòng cùng nhân sinh.

chuyen12

Mời đọc tiếp

Chuyên_luận.pdf

Lê Hữu Khóa

(02/08/2021)

---------------------

lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khóa Paris

Thành viên hội đồng khóa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author:Lê Hữu Khóa
 
  • facebook sharing button Share
    twitter sharing button Tweet
    email sharing button Email
 
Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hữu Khóa
Read 1348 times
More in this category: « Tộc & Việt Trí của tuệ »

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)