Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/08/2021

Không được đứng sân khấu, mất mát lớn nhất của người nghệ sĩ cải lương

Minh Anh - Lê Hồng Phước

Cải lương xuống dốc, cải lương hấp hối, cải lương gần chết… Sân khấu cải lương vài thập niên gần đây ngày càng vắng bóng khán giả. Tình hình này càng thêm ảm đạm khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến các hoạt động văn hóa giải trí ở Việt Nam đều bị ngừng trệ do các biện pháp an toàn dịch tễ.

cailuong1

Nghệ sĩ hát bội ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Khanh, vì nhớ nghề, diễn trên Tik Tok.  © Ảnh chụp trên trang Facebook của nghệ sĩ.

Liệu rằng đại dịch lần này có là "đòn chí mạng", giết chết bộ môn nghệ thuật dân tộc hơn 100 tuổi này ? Tạp chí Đặc biệt tuần này mời quý vị theo dõi một số nhận định của tiến sĩ sử học Lê Hồng Phước, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn đài RFI Tiếng Việt.

**********

RFI : Trước khi dịch bệnh bùng nổ, sân khấu cải lương cũng đã có nhiều khó khăn, do lượng khán giả ngày một hiu hắt. Tuy là giảng viên đại học ngành tiếng Pháp, nhưng Phước cũng có một niềm đam mê sâu sắc về cải lương và có nhiều hiểu biết cũng như mối quan hệ với giới nghệ sĩ cải lương trong nước, anh có thể giải thích nguyên nhân vì sao ngày càng có ít khán giả đến với các buổi biểu diễn cải lương ngày nay ?

Lê Hồng Phước : Ở đây có một điều ai cũng thừa nhận : Sức sống hiện tại của cải lương giờ rất là yếu, nghĩa là sân khấu cải lương bán vé không được, người dân ít có mua vé đi xem. Hồi xưa, chỉ cần nói đến những năm 1980, có những tuồng như Nàng Xê-đa bán vé cả năm vẫn có người đi xem, huống chi là giai đoạn cải lương thế hệ vàng trước năm 1975, người ta còn đi tới rạp để mua vé. Giờ thì một vở tuồng chỉ diễn được một hay hai lần xem như là xong, rồi đem đi cất.

Nguyên nhân thì rất là nhiều, nhưng tựu chung lại có vài giải thích : Thứ nhất, thời đại đã có nhiều thay đổi. Văn hóa đi nhà hát để coi cải lương của những năm 1960, 1970 hay 1980, giờ không còn nữa do Internet phát triển rất là mạnh.

Thứ hai, có quá nhiều loại hình giải trí. Việt Nam từ năm 1986 khi thực hiện chính sách mở cửa, các luồng văn hóa giải trí bên ngoài đi vào, thế hệ trẻ sau này có nhiều lựa chọn bên cạnh cải lương, thế nên, lượng khán giả dành cho cải lương đương nhiên bị chia cho những lĩnh vực giải trí khác.

Ngoài ra còn có một lý do khác nữa. Việc cải lương bán vé càng ngày càng khó khăn như thế khiến thế hệ nghệ sĩ kế thừa có đủ năng lực về ca, về diễn có thể tiếp nối được số nghệ sĩ đi trước vốn dĩ đã ít, thì dường như là thiếu, chưa gánh vác nỗi sứ mạng kế thừa.

Cuối cùng, cách làm cải lương thời đại bây giờ của các bạn trẻ có nhiều điều cần phải bàn lại, như đôi khi quá lạm dụng công nghệ hiện đại làm mất cái hồn của cải lương. Điều lạ là người ta hay nói là nên đổi mới cải lương xưa, nhưng trong giới mê cải lương bây giờ, khi nhắc đến những tuồng thì người ta lại nhớ về những vở xưa của những thế hệ nghệ sĩ trước.

Điều đó có nghĩa là thế hệ nghệ sĩ trước và cải lương theo kiểu hồi xưa vẫn còn rất ăn khách, còn cải lương bây giờ thì lại không ăn khách. Nguyên nhân có thể đưa ra là cải lương bây giờ là không có hồn. Cái hồn ở đây được hiểu đơn giản theo cách khi một nghệ sĩ trên sân khấu hát vai buồn, khóc, thì ở dưới khán giả cũng khóc theo. Diễn vai nông dân thì trang phục cũng phải giống nông dân, chứ đóng vai nông dân mà đi guốc cao gót thì coi không được. Đây là một số nguyên nhân khiến khán giả ít đến với sân khấu cải lương.

RFI : Trong bối cảnh này, phải chăng dịch Covid-19 là một đòn chí mạng cho bộ môn nghệ thuật dân tộc này ?

Lê Hồng Phước : Cải lương nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam nói chung, đúng là dịch Covid-19, mình có thể gọi là một "đòn chí mạng" vì nó kéo dài từ hai năm nay. Từ tân nhạc, cho đến cải lương, chèo tuồng, tất cả đều đóng cửa hết. Những đoàn nghệ thuật nào phải tự chủ tài chánh, thật sự gặp nhiều khó khăn. Không có biểu diễn, không bán vé, không có tiền. Riêng về cải lương, bình thường cũng đã khó khăn, biểu diễn ít có khán giả, bây giờ phải đóng cửa, thì đúng là rất khó khăn.

RFI : Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhà nước nói chung và giới nghệ sĩ nói riêng có những chương trình gì để hỗ trợ cho người nghệ sĩ có thể bám trụ với nghề ?

Lê Hồng Phước : Nói về nghệ sĩ, chúng ta có những nghệ sĩ nổi tiếng, thì họ có của ăn của để, và những nghệ sĩ bình thường không có nổi tiếng, thì bình thường họ cũng đã nghèo. Dịch bệnh xảy ra, những người có của ăn của để, tuy không thể hoạt động nghệ thuật được, nhưng vẫn có thể sống được. Những nghệ sĩ nghèo, không có biểu diễn, xem như là bế tắc.

Một điểm cần phân biệt nữa, những nghệ sĩ thuộc các đoàn cải lương nhà nước, thì có lương, nên khi dịch bệnh xảy ra thì mức lương của họ vẫn vậy, nhà nước trả lương. Những nghệ sĩ tự do, không thuộc một đoàn nào hết, hay những nghệ sĩ hoạt động ở những đoàn "xã hội hóa", tức các đoàn tư nhân, rõ ràng không có hát thì không có tiền, thì cũng rất là khổ.

Nghệ sĩ cải lương vốn đã khổ rồi, nhưng nghệ sĩ hát bội còn khổ nhiều hơn nữa. Hát bội thường một năm chỉ hát có hai lần, đầu năm, giữa năm đi hát cho đình, cho chùa, miếu mạo, kỳ yên… Một cô đào chánh bên hát bội, hát ba tiếng đồng hồ cho một vở tuồng, thì tiền cát-xê của cô thấp hơn rất nhiều so với cô đào chánh bên sân khấu cải lương. Rõ ràng, lực lượng hát bội này lại càng khổ nữa.

Ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở miền nam, các đoàn hát bội nhà nước ít lắm, đa phần là của tư nhân, cha truyền con nối, thuộc về gia đình, bình thường họ đi làm nghề khác. Giờ dịch bệnh xảy ra, họ không thể hát hò gì được, các nghệ sĩ bị đẩy vào các đường cùng như vậy, nghệ sĩ nổi tiếng, hay không nổi tiếng đều tìm cách bán hàng online.

Chuyện bán hàng trên mạng cũng có nhiều vấn đề. Khi làm như vậy, họ mặc trang phục cải lương, rồi ca hát làm vui khách hàng của mình, và vì vậy cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng xúc phạm đến nghề. Nhưng ở một góc nhìn khác, rõ ràng họ cũng đang nhớ nghề, họ hát cho đỡ nhớ nghề !

RFI : Nhưng có lẽ lớp nghệ sĩ bị chịu thiệt thòi nhiều nhất là những người trẻ mới vào nghề ?

Lê Hồng Phước : Những lực lượng này, học ở các trường ra hoặc là tự thân đi học bên ngoài chưa có tiếng tăm gì cả. Bình thường sân khấu có biểu diễn thì cát-xê không có bao nhiêu tiền, nhưng họ cũng trụ, họ sống, họ bám được với nghề. Dịch này thì rõ ràng khổ lắm !

Báo chí Việt Nam cũng đăng, kể lại bốn năm em nghệ sĩ trẻ thuê chung một căn phòng nhỏ xíu ở như vậy, cầm cự để cho qua mùa dịch, nói chung là rất khó khăn. Mà không chỉ có khó khăn đâu, vừa rồi trong giới có một nghệ sĩ qua đời vì Covid. Cô Kim Phượng là một trong những gương mặt về phục trang chính của sân khấu cải lương, sân khấu tuồng cổ, hát bội ở Sài Gòn, và ở miền Nam Việt Nam đã mất vì Covid.

Khó khăn chồng chất như vậy, nhà nước thì đương nhiên cũng có hỗ trợ, nhưng đa phần thì không thể nào cứu trợ được hết và chủ yếu chỉ liên quan đến các nghệ sĩ có nhân thân ở các đoàn công lập. Còn các lực lượng hoạt động tự do trong xã hội thì rất nhiều, rất khó thống kê và quản lý, thì họ cũng khổ không kém. Bên cạnh sự giúp đỡ của nhà nước, thì giới nghệ sĩ họ cũng cứu với nhau.

Những người có danh tiếng kêu gọi đóng góp, làm thiện nguyện, lá lành đùm lá rách. Ngay cả những nghệ sĩ không có giầu gì nhiều, nhưng họ lấy uy tín của họ để kêu gọi đi giúp, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, mà còn tìm về các địa phương, tỉnh lẻ để cùng nhau vượt qua đợt dịch này !

RFI : Trong cải lương, nhiều vở tuồng có lối dẫn chuyện theo kiểu "tử biệt, sinh ly, chia lìa và hội ngộ". Theo ông thì sân khấu cải lương nay đang trong giai đoạn nào ? Trận dịch này, sân khấu cải lương có thể rút tỉa được kinh nghiệm gì chăng để có thể tiếp tục trụ vững ?

Lê Hồng Phước : Trong một trăm năm tồn tại, cải lương đã trải qua những giai đoạn vinh quang và đau khổ. Đây là giai đoạn khó khăn, thử thách cho giới làm nghề. Cải lương có chết hay là không thì chắc là chết rồi, sân khấu không bán vé được, nhưng nghệ thuật cải lương đã đi vào trong dân gian, nhất là ở miền nam Việt Nam.

Vì đã nằm yên trong dân gian rồi thì nó không chết, nhưng sân khẩu cải lương biểu diễn không được thì đây là điều đáng lo ngại. Sau dịch bệnh này, nghệ sĩ có tiếp tục theo nghề được hay không, hay là có bao nhiêu người thấu lòng nản chí, để dịch chuyển qua nghề khác ? Đây cũng là một câu hỏi dành cho các nhà quản lý có liên quan đến các đoàn hát.

Trong mùa dịch bệnh này, tôi cho là cái mất mát lớn nhất của người nghệ sĩ là không được đứng sân khấu, họ nhớ nghề. Họ có tâm lý nhớ nghề, sợ bị lụt nghề. Thế nên, các nhà quản lý văn hóa cũng nên tính đến câu chuyện này, không chỉ tính đến chuyện vật chất mà cả về tinh thần cho anh em nghệ sĩ.

Khó khăn lần này là khó khăn chung, nhưng chúng ta cũng nhìn nhận một điều là hai năm đã qua, các ngành giải trí đều không hoạt động được, tâm lý của khán giả cũng bức bách lắm. Chúng ta có quyền tiên đoán rằng, sau đợt dịch bệnh, lượng khán giả tìm đến các phương tiện giải trí đương nhiên sẽ rất đông, đó là ánh sáng ở cuối đường hầm.

Trong thời gian này, các nghệ sĩ nên tập trung ôn nghề, học nghề, rèn luyện nghề và chuẩn bị những tiết mục đặc biệt, có bài bản để khi qua mùa Covid, chúng ta trở lại sân khấu một cách hoành tráng hơn, để bù lại những ngày không được đứng trên sân khấu !

RFI : RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Phước, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 07/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Lê Hồng Phước
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)