FB Mạc Van Trang tâm sự : "Tôi mới sống ở Sài Gòn hơn một năm, chưa hiểu gì nhiều lắm. Nhưng thấy người Sài Gòn làm từ thiện trong những ngày dịch covid-19 này, tôi vô cùng khâm phục và ngạc nhiên. Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế ? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế ?
Đặc biệt có 430 tu sĩ và hơn 400 tăng ni, Phật tử xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc những bệnh nhân nặng nhiễm covid- 19. Một vị linh mục cho biết có hơn 800 tu sĩ nộp đơn tình nguyện, nhưng xét sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh nên chỉ chọn 430 người đủ điều kiện làm tình nguyện viên vào tuyến đầu chống dịch".
Sự "khâm phục" và nỗi "ngạc nhiên" của Tiến sĩ Mạc Văn Trang – chắc chắn – sẽ giảm bớt rất nhiều, nếu ông có dịp xem qua nhiều hình ảnh sống động và bài viế̀t công phu ("Loạt ảnh tư liệu về 100 năm Tôn giáo cứu tế xã hội") của Văn Tâm, trên Tạp Chí Luật Khoa, vào ngày 14 tháng 8 năm 2021.
Tác giả chia hoạt động từ thiện của các tôn giáo ở Việt Nam thành 5 giai đoạn cùng với ảnh minh họa và phụ chú chi tiết. Xin được tóm tắt :
1940 – 1945 : Công giáo đã cứu tế nhiệt thành trong nạn đói đầu năm 1945… Các hoạt động xã hội của Phật giáo trong giai đoạn này chưa được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện được kể lại về việc Phật giáo giúp đỡ người dân. Ví dụ như Hòa thượng Thích Quảng Độ từng kể thầy ông - Hòa thượng Thích Đức Hải - là người ra thị xã Hà Đông lập hội cứu tế giúp đỡ nhiều người bị đói… Ở miền Tây, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ đã tổ chức các chuyến khuyến nông ở nhiều tỉnh, khuyến khích người dân trồng trọt, củng cố kinh tế.
1945 - 1960 : Theo số liệu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Hiệp định Genève 1954 được công bố, tính đến tháng 10/1955, có 676.348 tín đồ Công giáo, 209.132 tín đồ Phật giáo và 1.041 tín đồ Tin Lành đã di cư vào miền Nam trong chiến dịch "Sang phía Tự do". Trong giai đoạn này, Công giáo đã tổ chức các trại tạm cư, phân phát lương thực và nhu yếu phẩm. Công giáo có vai trò lớn trong việc hỗ trợ các gia đình di cư thực hiện tái định cư. Rất nhiều giáo xứ mới được lập ra cho người di cư trong giai đoạn này như An Hòa (Đà Nẵng), Ba Đông (Đồng Nai), Loan Lý (Huế), Lực Điền (Bình Dương), v.v. Trạm y tế, trường học, nhà cửa được dựng lên xung quanh các nhà thờ của giáo xứ.
1960 - 1975 : Cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc giữa hai miền đã đẩy xã hội vào cảnh đau thương… Các hoạt động xã hội của tôn giáo trong giai đoạn này phần nào xoa dịu được nỗi đau chiến tranh đè nặng lên người dân…
Về phía Phật giáo, cho đến năm 1971, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có 26 cơ sở bảo trợ trẻ em (9 cô nhi viện, 14 ký nhi viện, 3 cô ký nhi viện), 5 trạm y tế và 2 bệnh viện. Năm 1969, theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Công giáo sở hữu 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc.
1975 - 1990 : Từ sau 30/4/1975, cùng với không khí thù hằn của chế độ mới đối với các tôn giáo, các cơ sở cứu tế xã hội, giáo dục của các tôn giáo miền Nam đã bị chính quyền lần lượt cưỡng chiếm hoặc mượn để sử dụng…
Không chỉ Công giáo được chính quyền tuyên truyền là công cụ của Mỹ, Ngụy, Phật giáo nổi tiếng với những hoạt động đấu tranh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm cũng cùng chung số phận. Các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài cũng phải đóng cửa các cơ sở tôn giáo, đến cuối những năm 1990 mới được hoạt động trở lại.
1990 - 2021 : Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, 45 năm qua, các tôn giáo vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của họ đã nhỏ hơn rất nhiều so với trước năm 1975 do chính sách hạn chế của Nhà nước…
Xem như thế thì những điều khiến Tiến sĩ Mạc Văn Trang "khâm phục" và "ngạc nhiên" hiện nay ("Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế ? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế ?") chỉ là những mảnh vụn còn sót lại của những tổ chức thiện nguyện, sau khi đã bị nhà nước CS loại bỏ.
Thay vào đó là Mặt Trận Tổ Quốc gồm rất nhiều đoàn thể : Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh, Ủy ban Tôn giáo, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Công đoàn. Nhà hoạt động xã hội & tác giả Đoan Trang (hiện đang bị giam giữ không ngày xét xử) bình luận :
"Chúng là những cánh tay nối dài của Đảng cộng sản… Chính quyền lập ra các tổ chức ‘xã hội dân sự giả’ này để đảm bảo các hoạt động xã hội dân sự đúng nghĩa không có không gian tồn tại. Ngay cả trong thiên tai, khi chính quyền bất lực, rất nhiều người trong bộ máy nhà nước vẫn không thoát khỏi ám ảnh phải độc chiếm mọi không gian sinh hoạt trong ngôi nhà chung".
Vì là của giả nên Mặt trận Tổ quốc phải được "tân trang" thường xuyên. Nó được hiến pháp của Nhà nước hiện hành "tô vẽ" thế này đây : "Mặt Trận Tổ Quốc và các thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước Nhà nước tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả".
Điều kiện tuy rất thừa nhưng hiệu quả thì xem chừng hơi thiếu – theo như nhận xét của công luận, sau trận lụt năm rồi :
Bài Lê Văn : "Tại sao nhiều người góp tiền cứu trợ cho Thúy Tiên mà không góp cho mặt trận ?"
Bùi Phi Hùng : "Thì đấy, bài học ăn bớt, ăn chặn, ăn bẩn xưa nay của hàng hàng, lớp lớp cán bộ ở mọi vùng miền, vị trí vẫn nhan nhản đấy ; nào là trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ngay tại Hà Nội, nhà tình thương, trung tâm giáo dục, xã, huyện, tỉnh… ăn chả chừa thứ gì, bất kể tình huống, hoàn cảnh nào…".
Hoàng Tám Bùi : "Ca sĩ Thủy Tiên có công lớn với dân vùng lũ vì đã huy động được hơn 150 tỉ VND hỗ trợ bà con. Thế nhưng Thủy Tiên còn có công lớn hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giúp họ nhận ra vị thế của mình trong lòng dân như thế nào ?".
Đỗ Vũ : "Cô ấy đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa Nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà lúc thường khó nhận ra !"
Trận dịch Vũ Hán còn gây ra "sự chia rẽ sâu sắc" hơn nữa. Nhạc sĩ Tuấn Khanh phàn nàn : "Các hội đoàn phụ nam phụ nữ, thành đoàn cộng sản, kể cả mấy anh công an mật vụ thường phục hay canh nhà dân… cả một hệ thống khổng lồ ăn lương và tiền trợ cấp của Nhà nước, sao không thấy được báo chí mô tả tổng lực xắn tay áo vào việc nghĩa – chung tay – giữa đại dịch này ?".
Hiện trạng tệ hại đến độ mà ông Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi, phải nói (liều) rằng "lấy sức dân chăm lo cho dân". Nhà bình luận thời sự (Anh Chí Râu Đen) đặt câu hỏi : "Liệu có bao nhiêu dân còn sức ?"
FB Phạm Minh Vũ trả lời : "Dân giờ trắng tay, doanh nghiệp đóng cửa và cả lúc này họ phải trả lãi ngân hàng trối chết, cầm hết sổ đỏ để trả nợ, người có dư một chút cũng để dành vì hoàn cảnh phong tỏa không có dấu hiệu dừng".
Bỉnh bút Thái Thanh (Tạp Chí Luật Khoa) kết luận : "Trong đại dịch lần này hay các đợt khủng hoảng không thể biết trước trong tương lai, tôn giáo có thể trở thành một bàn tay vững chắc để trợ giúp, nâng đỡ tinh thần của người dân. Và điều đó chỉ thành hiện thực khi nhà nước tháo bỏ các chính sách kiểm soát khắc nghiệt dành cho các tổ chức tôn giáo".
Tôi thì (trộm) nghĩ khác, bi quan hơn thế : "Điều đó chỉ thành hiện thực" khi chế độ hiện hành ngưng hiện hữu. Đảng tắt thở thì cuộc đời mới thở (NCT).
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 03/09/2021