Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 03 septembre 2021 16:50

Nhà Chùa/Nhà Thờ & Nhà Nước

FB Mạc Van Trang tâm sự : "Tôi mới sống ở Sài Gòn hơn một năm, chưa hiểu gì nhiều lắm. Nhưng thấy người Sài Gòn làm từ thiện trong những ngày dịch covid-19 này, tôi vô cùng khâm phục và ngạc nhiên. Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế ? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế ?

nha1

Đặc biệt có 430 tu sĩ và hơn 400 tăng ni, Phật tử xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc những bệnh nhân nặng nhiễm covid- 19. Một vị linh mục cho biết có hơn 800 tu sĩ nộp đơn tình nguyện, nhưng xét sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh nên chỉ chọn 430 người đủ điều kiện làm tình nguyện viên vào tuyến đầu chống dịch".

Sự "khâm phục" và nỗi "ngạc nhiên" của Tiến sĩ Mạc Văn Trang – chắc chắn – sẽ giảm bớt rất nhiều, nếu ông có dịp xem qua nhiều hình ảnh sống động và bài viế̀t công phu ("Loạt ảnh tư liệu về 100 năm Tôn giáo cứu tế xã hội") của Văn Tâm, trên Tạp Chí Luật Khoa, vào ngày 14 tháng 8 năm 2021.

Tác giả chia hoạt động từ thiện của các tôn giáo ở Việt Nam thành 5 giai đoạn cùng với ảnh minh họa và phụ chú chi tiết. Xin được tóm tắt :

1940 – 1945 : Công giáo đã cứu tế nhiệt thành trong nạn đói đầu năm 1945… Các hoạt động xã hội của Phật giáo trong giai đoạn này chưa được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, có nhiều câu chuyện được kể lại về việc Phật giáo giúp đỡ người dân. Ví dụ như Hòa thượng Thích Quảng Độ từng kể thầy ông - Hòa thượng Thích Đức Hải - là người ra thị xã Hà Đông lập hội cứu tế giúp đỡ nhiều người bị đói… Ở miền Tây, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ đã tổ chức các chuyến khuyến nông ở nhiều tỉnh, khuyến khích người dân trồng trọt, củng cố kinh tế.

1945 - 1960 : Theo số liệu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Hiệp định Genève 1954 được công bố, tính đến tháng 10/1955, có 676.348 tín đồ Công giáo, 209.132 tín đồ Phật giáo và 1.041 tín đồ Tin Lành đã di cư vào miền Nam trong chiến dịch "Sang phía Tự do". Trong giai đoạn này, Công giáo đã tổ chức các trại tạm cư, phân phát lương thực và nhu yếu phẩm. Công giáo có vai trò lớn trong việc hỗ trợ các gia đình di cư thực hiện tái định cư. Rất nhiều giáo xứ mới được lập ra cho người di cư trong giai đoạn này như An Hòa (Đà Nẵng), Ba Đông (Đồng Nai), Loan Lý (Huế), Lực Điền (Bình Dương), v.v. Trạm y tế, trường học, nhà cửa được dựng lên xung quanh các nhà thờ của giáo xứ.

1960 - 1975 : Cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc giữa hai miền đã đẩy xã hội vào cảnh đau thương… Các hoạt động xã hội của tôn giáo trong giai đoạn này phần nào xoa dịu được nỗi đau chiến tranh đè nặng lên người dân…

Về phía Phật giáo, cho đến năm 1971, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có 26 cơ sở bảo trợ trẻ em (9 cô nhi viện, 14 ký nhi viện, 3 cô ký nhi viện), 5 trạm y tế và 2 bệnh viện. Năm 1969, theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Công giáo sở hữu 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc.

1975 - 1990 : Từ sau 30/4/1975, cùng với không khí thù hằn của chế độ mới đối với các tôn giáo, các cơ sở cứu tế xã hội, giáo dục của các tôn giáo miền Nam đã bị chính quyền lần lượt cưỡng chiếm hoặc mượn để sử dụng…

Không chỉ Công giáo được chính quyền tuyên truyền là công cụ của Mỹ, Ngụy, Phật giáo nổi tiếng với những hoạt động đấu tranh chống lại chế độ Ngô Đình Diệm cũng cùng chung số phận. Các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài cũng phải đóng cửa các cơ sở tôn giáo, đến cuối những năm 1990 mới được hoạt động trở lại.

1990 - 2021 : Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, 45 năm qua, các tôn giáo vẫn tiếp tục các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của họ đã nhỏ hơn rất nhiều so với trước năm 1975 do chính sách hạn chế của Nhà nước…

Xem như thế thì những điều khiến Tiến sĩ Mạc Văn Trang "khâm phục" và "ngạc nhiên" hiện nay ("Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế ? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế ?") chỉ là những mảnh vụn còn sót lại của những tổ chức thiện nguyện, sau khi đã bị nhà nước CS loại bỏ.

nha2

Thay vào đó là Mặt Trận Tổ Quốc gồm rất nhiều đoàn thể : Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh, Ủy ban Tôn giáo, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Công đoàn. Nhà hoạt động xã hội & tác giả Đoan Trang (hiện đang bị giam giữ không ngày xét xử) bình luận :

"Chúng là những cánh tay nối dài của Đảng cộng sản… Chính quyền lập ra các tổ chức ‘xã hội dân sự giả’ này để đảm bảo các hoạt động xã hội dân sự đúng nghĩa không có không gian tồn tại. Ngay cả trong thiên tai, khi chính quyền bất lực, rất nhiều người trong bộ máy nhà nước vẫn không thoát khỏi ám ảnh phải độc chiếm mọi không gian sinh hoạt trong ngôi nhà chung".

Vì là của giả nên Mặt trận Tổ quốc phải được "tân trang" thường xuyên. Nó được hiến pháp của Nhà nước hiện hành "tô vẽ" thế này đây : "Mặt Trận Tổ Quốc và các thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước Nhà nước tạo điều kiện để Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả".

Điều kiện tuy rất thừa nhưng hiệu quả thì xem chừng hơi thiếu – theo như nhận xét của công luận, sau trận lụt năm rồi :

Bài Lê Văn : "Tại sao nhiều người góp tiền cứu trợ cho Thúy Tiên mà không góp cho mặt trận ?"

Bùi Phi Hùng  : "Thì đấy, bài học ăn bớt, ăn chặn, ăn bẩn xưa nay của hàng hàng, lớp lớp cán bộ ở mọi vùng miền, vị trí vẫn nhan nhản đấy ; nào là trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ngay tại Hà Nội, nhà tình thương, trung tâm giáo dục, xã, huyện, tỉnh… ăn chả chừa thứ gì, bất kể tình huống, hoàn cảnh nào…".

Hoàng Tám Bùi : "Ca sĩ Thủy Tiên có công lớn với dân vùng lũ vì đã huy động được hơn 150 tỉ VND hỗ trợ bà con. Thế nhưng Thủy Tiên còn có công lớn hơn nữa với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giúp họ nhận ra vị thế của mình trong lòng dân như thế nào ?".

Đỗ Vũ : "Cô ấy đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa Nhân dân với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà lúc thường khó nhận ra !" 

Trận dịch Vũ Hán còn gây ra "sự chia rẽ sâu sắc" hơn nữa. Nhạc sĩ  Tuấn Khanh phàn nàn : "Các hội đoàn phụ nam phụ nữ, thành đoàn cộng sản, kể cả mấy anh công an mật vụ thường phục hay canh nhà dân… cả một hệ thống khổng lồ ăn lương và tiền trợ cấp của Nhà nước, sao không thấy được báo chí mô tả tổng lực xắn tay áo vào việc nghĩa – chung tay – giữa đại dịch này ?".

Hiện trạng tệ hại đến độ mà ông Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi, phải nói (liều) rằng "lấy sức dân chăm lo cho dân". Nhà bình luận thời sự (Anh Chí Râu Đen) đặt câu hỏi : "Liệu có bao nhiêu dân còn sức ?"

FB Phạm Minh Vũ trả lời : "Dân giờ trắng tay, doanh nghiệp đóng cửa và cả lúc này họ phải trả lãi ngân hàng trối chết, cầm hết sổ đỏ để trả nợ, người có dư một chút cũng để dành vì hoàn cảnh phong tỏa không có dấu hiệu dừng".

Bỉnh bút Thái Thanh (Tạp Chí Luật Khoa) kết luận : "Trong đại dịch lần này hay các đợt khủng hoảng không thể biết trước trong tương lai, tôn giáo có thể trở thành một bàn tay vững chắc để trợ giúp, nâng đỡ tinh thần của người dân. Và điều đó chỉ thành hiện thực khi nhà nước tháo bỏ các chính sách kiểm soát khắc nghiệt dành cho các tổ chức tôn giáo".

Tôi thì (trộm) nghĩ khác, bi quan hơn thế : "Điều đó chỉ thành hiện thực" khi chế độ hiện hành ngưng hiện hữu. Đảng tắt thở thì cuộc đời mới thở (NCT).

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 03/09/2021

Published in Văn hóa

Nếu tái nhiệm Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng có cam kết sẽ không còn cảnh này nữa ?

Suy đến cùng, nếu công nhận Điều 4, Hiến pháp 2013, thì trách nhiệm phải thuộc về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

hai1

Trên đường thiên lý, ông Đoàn Ngọc Hải – cựu phó quận 1 của Sài Gòn, bất ngờ có thư gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Suy đến cùng, nếu công nhận Điều 4, Hiến pháp 2013, thì trách nhiệm mang tính mặc định thuộc về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhìn xa hơn, đó còn là trách nhiệm của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Từ các yêu cầu mà ông Đoàn Ngọc Hải nêu ra với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, có thể khái quát đơn giản hơn, là chỉ cần mỗi "công bộc" làm hết trách nhiệm công vụ, thì không cần "minh quân", "anh hùng"… là đất nước đã bình an, cường thịnh ; không cần chi đến những dông dài của lý luận hàn lâm ở các văn kiện Đảng đã được các chính khách thay phiên nhau đọc – và đọc đến cả giờ đồng hồ rất đỗi nhọc nhằn.

Rộng đường dư luận, xin được đăng toàn văn lá thư này của ông Đoàn Ngọc Hải.

Nậm Pồ 7giờ30 phút sáng nay 29-01-2021

Thư gửi :

Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải

Theo đề nghị của đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, sáng nay tôi đến huyện Nậm Pồ, một trong vài huyện nghèo nhất nước ta hiện nay, tôi đến phát sữa của mọi người gửi cho các cháu bé dân tộc Kháng, H’Mông, Dao…, tôi thật sự không ngờ là gần 100km đường giao thông ở đây quá kinh khủng, đường đất, đá bụi mù và ổ voi không có một tí nhựa đường nào suốt cả chiều dài ở tất cả các con đường.

Tôi phải lái số 1 và phải "rón rén", gần như ruột gan lộn hết cả lên, đến các cháu bé không thể đạp được xe đạp phải dắt bộ vì đường quá xấu, tôi cả nghĩ Bộ trưởng chưa đến nơi đây trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Đây là nơi sinh sống của khoảng 60 ngàn người dân tộc Kháng, H’Mông, Dao…, thật sự rất quan trọng đối với chính sách an dân của Đảng và nhà nước.

Mỗi căn nhà nơi đây là phên dậu của 125km đường biên giới thuộc huyện Nậm Pồ có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị và quân sự khu vực biên giới. Ở bất kỳ một xã hội nào thì người dân luôn là số 1, vì họ nộp thuế để trả lương cho công chức, và góp phần rất lớn trong việc xây dựng đường xá. Tôi đã đi hết 63 tỉnh thành của đất nước ta, tôi đã qua Campuchia, và ở Châu phi tôi cũng không thấy những con đường bên họ xấu như những con đường ở huyện Nậm Pồ.

Nếu những con đường này thuộc trách nhiệm của Bộ giao thông, thì mong Bộ trưởng chỉ đạo làm ngay.

Nếu những con đường này đã phân cấp cho tỉnh Điện Biên, thì trách nhiệm của Bộ trưởng vẫn còn. Bộ trưởng cần đáp máy bay ngay đến Điện Biên, ngồi ôtô 170km đến Nậm Pồ kiểm tra, thị sát thực địa để sau đó phối hợp với lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở giao thông của tỉnh phải làm nhanh cho 60 ngàn người dân tộc vùng núi cao đỡ khổ.

Nếu phối hợp với tỉnh mà vẫn bị "tắc nghẽn" thì Bộ trưởng mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng quyết định. Nếu cán bộ nào để tình trạng như vậy nhiều năm rồi thì cần phải phối hợp đề nghị cách chức họ ngay lập tức.

Một nhiệm kỳ của Bộ trưởng có 1.825 ngày, tôi rất mong Bộ trưởng lắng nghe ý kiến của một công dân rất bình thường như tôi.

Bộ trưởng bớt các cuộc họp và bớt nghe báo cáo của cấp dưới đi, hãy dành một ngày cho huyện Nậm Pồ, một ngày cho thị xã Ayun Pa… để đi thực địa. Công việc của Bộ trưởng đang làm rất cần sự quyết liệt, trái tim nhiệt huyết và không ngại va chạm thì người dân mới sung sướng được.

Cảm ơn Bộ trưởng !

Đoàn Ngọc Hải

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 31/01/2021

Published in Diễn đàn

tpb1

Người thân đưa các thương phế binh đến gặp gỡ, hội ngộ với đồng đội chiến hữu.

Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề "Bên nhau đi nốt cuộc đời".

Trả lại cho anh em giá trị làm người

Có thể nói từ sau năm 1975 đến nay, những người lính bị thương tật ở miền Nam trước đây không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ chính sách an sinh xã hội của chính quyền Hà Nội. Ngược lại còn bị gọi là thành phần "ngụy quân, ngụy quyền".

Trong mấy năm gần đây, nhờ những mạnh thường quân trong cũng như ngoài nước giúp đỡ, Chùa Liên Trì và tiếp đến là Văn phòng Công lý-Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế đã đứng ra tổ chức và giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Linh Mục Lê Ngọc Thanh, người hiện phụ trách tại văn phòng Công lý-Hòa bình cho chúng tôi biết về chương trình này :

"Chúng tôi có hai hoạt động. Hoạt động thứ nhất như thế này là hoạt động mang tính đại hội, một năm tổ chức chung một lần, cố gắng làm sao có không gian rộng nhất để nhiều ông nhất đến gặp nhau để chia sẻ với nhau và cái này là hoạt động nâng đỡ tinh thần thật sự, làm cho họ thấy rằng họ không bị loại trừ.

Mỗi người sẽ nhận được phong thư trong đó có 1 triệu, kèm theo một chút phần quà rồi thiệp mừng năm mới.

Mục tiêu của chương trình này ngay từ ban đầu (năm nay là năm thứ 5) không phải là một tổ chức từ thiện, không phải là nơi phát chẩn, mà là một nơi giúp trả lại cho các anh em thương phế binh giá trị làm người, cái giá trị mà anh em bị chà đạp bởi định kiến chính trị trong xã hội Việt Nam".

Niềm vui hội ngộ

Những khuôn mặt khắc khổ, làn da đen xạm, từng vết thương hằn sâu, hầu hết đều đã bỏ một phần thân thể mình lại nơi chiến trường, hôm nay vui tươi hớn hở, cười nói bắt tay ôm hôn các đồng đội một thời binh lửa sau nhiều năm tháng nay mới được gặp lại.

Họ ca hát, nhẩm theo từng nốt nhạc của các tình nguyện viên ca hát góp vui cho chương trình.

Thương phế binh Phan Văn Quang tự hào vì hơn bốn chục năm qua, những người lính Việt Nam Cộng Hòa như ông mới được sống lại những giây phút yêu thương, chia sẻ của tình người. Ông cho biết :

"Anh em nói dưới này có chương trình đó mới tìm xuống. Xuống thấy cũng vui vẻ, cũng mong muốn các anh em còn lại xuống để gặp lại vui, huynh đệ chi binh".

Vẫn bị sách nhiễu, gây khó khăn

Tuy nhiên niềm vui của họ không được trọn vẹn vì có trường hợp sau khi tham dự chương trình ‘Tri ân Thương phế binh’ về lại bị chính quyền địa phương gọi lên "làm việc", như trường hợp Ông TPB Phan Thế Hùng :

"Từ ngày xuống đây lãnh về là tui đã gặp một trường hợp là nó đã mời tôi đến và nói với tôi đừng đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế để nhận quà. Nó không nói lý do, chỉ nói đừng đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế thôi".

Linh mục Lê Ngọc Thanh cũng xác nhận có vài trường hợp sau khi đến tham dự chương trình này về lại bị chính quyền sách nhiễu :

"Trường hợp thứ nhất là một ông thương phế binh tại huyện Cần Giờ, ông được đưa vào danh sách người khuyết tật, mỗi tháng được nhận một chút xíu tiền an sinh xã hội cho người khuyết tật theo luật. Nhưng họ đến để đe dọa ông rằng nếu ông lên nhà thờ Dòng Chúa cứu thế thì sẽ bị cắt.

Trường hợp thứ hai là ông Sơn, ngay khi nhận quà xong, sinh hoạt với anh em xong đi ra khỏi nàh thờ là tức khắc bị bắt tại phường 9 đưa về phường 7, sau 3 tiếng được thả ra. Một anh ở Bình Thuận cũng tương tự như vậy, bị đến nhà đe dọa không cho đi".

Bên nhau đi nốt cuộc đời này

Để có được một chương trình lớn như vậy được diễn ra một cách suôn sẽ, ban tổ chức cần các tình nguyện viên góp sức.

Chị Lê Thị Phương Chị, một tình nguyện viên tích cực trong chương trình cho biết cảm nghĩ của mình :

"Hơn 40 năm qua thấy các bác đã hy sinh một phần thân thể của mình cho quê hương đất nước cho nên chị đến đây để chia sẻ niềm vui cho các bác".

"Bên nhau đi nốt cuộc đời" là chủ đề được chọn cho chương trình lần này, bởi các thương phế binh bây giờ đã quá già yếu, có lẽ họ sẽ không còn trụ lại ở trần gian này trong thời gian dài nữa.

"Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ,

đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời"

Hai câu thờ của Ngô Tịnh Yên và được Trần Duy Đức phổ nhạc trong ca khúc "Nếu có yêu tôi" được nhìn nhận rất hợp trong trường hợp này đối với các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hiện nay.

Phóng viên RFA tại Việt Nam

Published in Việt Nam