Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/11/2021

"Nịnh thối", đặc sản của làng văn nghệ cộng sản

Hoàng Hải Nguyên - Tràng Thiên

Gần tròn 60 năm sau bài viết dưới đây của tác giả Tràng Thiên đăng trên tờ Bách Khoa số 133, ngày 15 Tháng Bảy 1962, có thể thấy bản chất của "làng văn nghệ" cộng sản hoàn toàn không thay đổi, từ thuở khai sinh đến nay. Bây giờ, báo chí "chính thống" ngày nay trong nước vẫn không thiếu những bài ca tụng lãnh đạo cộng sản, những "áng văn" nịnh thối trơ trẽn đến buồn nôn. Mời đọc lại bài viết vừa đề cập, để thấy tại sao có thể nói "nịnh thối" trong "văn hóa cộng sản" không phải là một "quán tính". Nó đã trở thành một bản chất.

ninh2

ninh3

Về một thái độ trong văn nghệ miền Bắc

Tràng Thiên

Trong hồi kháng chiến hầu hết văn nghệ sĩ có tài đều ở chiến khu. Hoàn cảnh chiến tranh chưa cho phép họ xây dựng kịp những tác phẩm lớn lao ; nhưng về cuộc chiến tranh thì đã có nhiều phóng sự, ký sự, nhiều bài thơ nhỏ rất có giá trị. Trong những trang ghi chép của Trần Đăng về các trận đánh nhau ở Cao Bắc Lạng, của Nguyễn Tuân về các trận Đại-bục, Đại-phác…, cảnh thực sống động, và tình cảm người viết thì chân thành nồng nhiệt. Những bài thơ như bài Màu Tím Hoa Sim của Nguyễn Hữu Loan từng vượt chiến khu về thành, và được tán thưởng. Hồi đó, mỗi người mỗi cách, họ đồng nói về cuộc chiến đấu với thực dân để giành đất nước. Trong cảnh đề huề ấy họ đạt được những thành tích đẹp đẽ.

Nhưng sau 1949, Mao Trạch Đông thắng ở Trung Hoa rồi, cộng sản bên này chủ trương vừa đánh giặc vừa cải cách ruộng đất. Trước khi những cuộc đấu tố diễn ra, các văn nghệ sĩ có được hướng dẫn cho nghiên cứu trước về chính sách và về nhiệm vụ trong các lớp chỉnh huấn. Về nhiệm vụ, họ được cho biết rằng không phải chỉ có đấu tranh với giặc ngoài mà thôi, còn phải đấu tranh với kẻ thù giai cấp nữa, trong hàng ngũ của họ liền mất sự đề huề, một số rời bỏ chiến khu (Phạm Duy, Lê Trọng Nguyễn, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương…). Từ đó chúng ta có nghe nói những người như Xuân Diệu, như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, v.v…, họ chối bỏ hết những thành tích cũ trước 1945, họ quyết đổi mới, họ "lột người". Nhưng thỉnh thoảng những gì của họ được truyền tụng ra ngoài chiến khu đều là có quan hệ đến cuộc kháng chiến, còn sáng tác về lập trường giai cấp của họ ít truyền đi xa. Sau này, nhờ bài Phê bình lãnh đạo Văn nghệ của ông Phan Khôi, ta mới rõ trong giai đoạn có các vụ "lột người" ấy đã xảy ra lắm sự lục đục trong số văn nghệ sĩ ở ngoài kia, đó là giai đoạn các văn nghệ sĩ bị lãnh đạo chịu nhiều điều cay đắng, nhưng họ phải "chín bỏ làm mười", vì kháng chiến.

Rồi một năm sau đình chiến, lại có độ bỗng nhiên thơ văn ngoài kia vượt giới tuyến vào trong này khá nhiều : Thi sĩ máy của Nguyễn Hữu Đang, Những người khổng lồ của Trần Duy, Chúng ta gắng nuôi con của Chu Ngọc, và nhất là những tác phẩm mạnh mẽ của Trần Dần, Hoàng Cầm, Văn Cao… Trong khoảng nửa năm cuối 1956 văn nghệ miền Bắc đã tìm gặp một cảm hứng mới và có nhiều thành công tốt đẹp. Nguồn cảm hứng đó là cuộc đấu tranh chống độc tài đòi tự do dân chủ. Thế rồi từ 1958 tới nay, phong trào Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp, đường lối của nhà cầm quyền được tuân hành tử tế, và không khí ngoài đó lại lặng lẽ, có vẻ tiêu điều.

Vậy thì hóa ra, bất chấp sự lãnh đạo, những gì có giá trị trong văn nghệ, dù ở dưới khu vực cộng sản, vẫn xuất từ tinh thần quốc gia yêu nước và lòng tha thiết đối với tự do, chống lại chuyên chế. Những cái đó không liên quan gì đến chế độ cộng sản, lại còn nghịch thù với chế độ nữa là khác.

Còn đích thực thứ văn nghệ đúng đường lối, thứ văn nghệ của những kẻ đã "lột người" cẩn thận, nó ra sao ? Những sáng tác ấy không gây nên tiếng tăm gì, không được mấy ai nói tới, ngoài khu vực cộng sản. (Không phải hoàn toàn bởi lý do nó bị cấm đoán đâu ; vì những bài thơ như Màu tím hoa sim có hưởng được đặc quyền gì trong sự phổ biến ở bên này đâu mà vẫn được truyền tụng khá rộng trong giới văn nghệ ?). Ta nên nhận rằng sự lọc đãi của quần chúng là công bình. Ngay những người lãnh đạo văn nghệ ở ngoài kia, khi họ bình tâm nhận xét, họ cũng không đi tới kết luận nào khác hơn. So sánh thơ ca từ độ "lột người" về sau với thơ ca kháng chiến, "Hội nghị những người sáng tác văn học" do ban thường vụ Hội Nhà Văn ngoài Bắc tổ chức vào những ngày 17, 18, 19 tháng 10 năm 1960 đã cho rằng : "Phong trào thơ hiện nay phát triển về số lượng, nhưng về mặt cảm xúc thì không mạnh mẽ, sâu sắc như thơ trong kháng chiến".

Lại so sánh thơ ca đúng đường lối với thơ ca chống lại đường lối. Tô Hoài đã viết trên tạp chí Văn hồi 1957 : "Đã nhiều lần người làm thơ và ngâm thơ phải phàn nàn rằng thơ ta bế tắc, nhạt nhẽo, nghèo nàn và rập khuôn. Trước những bài thơ vô vị ấy, nếu ta đưa ra Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm v.v… Họ hăng hái mà tình tứ, táo bạo nhưng có trách nhiệm, đẹp và đáng yêu biết bao ! Những loại thơ đầy ánh sáng chiếu rực rỡ vào tâm hồn, đập vào các thứ nhọ nồi, bồ hóng, sửa sang trang trí đầu óc cho luôn luôn được mới, được đẹp. Những loại thơ đầu tiên ấy đã đem một sắc thái riêng vào thơ thời đại".

Tô Hoài đã gọi những sáng tác đúng đường lối ngoài ấy là nhọ nồi, là bồ hóng, thoạt mới nghe tưởng là những lời quá khích thốt ra trong cơn phẫn nộ, nhưng quả thực xem qua những sáng tác ấy ta hiểu ngay tâm trạng của Tô Hoài. Sáng tác ấy dở hay tưởng cũng có thể cho là chưa quan trọng, nhưng điều khiến ai nấy buồn lòng nhất là người nghệ sĩ đánh mất phẩm cách thật dễ dàng sau khi lột người. Chắc chắn trong chúng ta, bất cứ ai biết rằng nhà thơ duyên dáng, nồng nhiệt với cuộc sống là Xuân Diệu trước kia, bây giờ nhà thơ đó đã phải viết những câu như :

…"Chúng con thề nguyện một lời

Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây"

thì cũng đến rụng rời ! Xuân Diệu có thể thề nguyện cái gì tùy ý, nhưng tại sao lại "chúng con" ? Cái cảnh một con người ngót năm mươi tuổi, tóc trên đầu đã bạc hoa râm, mà mở miệng xưng "con" trong khi thưa gửi với cấp lãnh đạo, cảnh đó thật là bi thảm.

Nhưng biết thế nào, xung quanh ông người ta đua nhau làm những điều như vậy, ông không vượt thì thôi, lẽ đâu lại chịu thua ! Tố Hữu hôn hít lãnh tụ :

"…Con muốn hôn má gầy của bác,

Hôn chòm râu mát rượi hòa bình…"

Chế Lan Viên khoe rằng đêm nằm thường không ngủ :

"…Gối xoay mấy chục bận rồi,

Trăng mòn đã muốn rụng ngoài đầu cây"

Và ông trăn qua trở lại suốt đêm như vậy là vì lòng nhớ tới lãnh tụ :

"…Việc nhiều, bác đã ngủ chưa ?

Cho xong chiến dịch, bác già lắm không ?"

(Cho uống thuốc)

Không biết dưới sự cai trị của vua chúa trên mấy nghìn năm ở ta và ở nước Tàu phong kiến, người ta có tìm thấy được câu nào mơn trớn nhà cầm quyền đến bậc đó chăng ?

Có lẽ những nhà thơ ngoài Bắc vừa kể trên sẽ phản đối, cho rằng không thể có sự so sánh giữa thái độ khúm núm xấu xa dưới thời phong kiến với một tình cảm mới dưới chế độ xã hội ; họ sẽ kêu rằng ngờ vực lòng kính yêu chân thành của họ là không hiểu được những tình cảm mới của những con người mới. Nhưng có thực việc tôn kính tán dương các nhà cầm quyền tại vị là "mới" chăng ? Còn về điểm chân thành thì lẽ nào họ dám tự xưng chân thành hơn cả ông Khơ Rút Sốp khi ông này viết về Xít Ta Lin : "Người là Đấng Sáng Tạo ra nền văn hóa sô viết… là người chăm nom chu đáo, đã nuôi nấng những con người được giao phó cho Người chăm nom". Lẽ dĩ nhiên ông Khơ Rút Sốp kính yêu Xít Ta Lin như vậy từ lúc trong thâm tâm ông biết rõ Xít Ta Lin là kẻ "đồ tể khát máu" bởi vì chính ông đã bảo ông biết vậy từ lâu chứ không phải bỗng nhiên sáng suốt sau khi Xít Ta Lin chết, hoặc khi Đại hội thứ 20 của đảng cộng sản Nga khai mạc. Ta có thể tin chắc rằng đem sánh lòng chân thành và sự mến yêu lãnh tụ của các nhà thơ Bắc-Việt với của ông Khơ Rút Sốp nhất định không phải là một cách chế giễu hay làm nhục họ. Ấy là một việc đứng đắn, cho nên nó cũng chứng minh sự thực một cách đứng đắn.

Nhưng không cứ là đối với lãnh tụ họ mới phải tán dương đến thế. Bất cứ cái gì có liên quan đến chủ trương đường lối, đến đảng, họ cũng đều phải ca ngợi. Tác giả Lửa Thiêng ngày xưa, bây giờ đã phải viết đến những câu như thế này để ca tụng thành công nông nghiệp của nước bạn :

…"Bầy gà bươi chân rạ

Cũng béo xù cả lông"

(Trên đường đến quê hương Mao Chủ Tịch)

(Có thật gà béo thì xù lông, và lại đi bươi chân rạ chăng ?).

Còn Xuân Diệu thì đi kể những chuyện nhảm nhí không ngờ :

…"Mười ba thanh niên, vai đầy, ngực rộng,

Đứng lên đầu ngọn lúa, lúa không lay,

Lúa không oằn, lúa khỏe tựa hàng cây !

Dậm không thụt ! Chuyện thần kỳ của lúa !"

(Lúa thần kỳ)

Nhưng có lẽ thảm hại nhất là trường hợp Lưu Trọng Lư. Nhà thơ nầy trước kia đã từng được giới phê bình cho là vô tâm và thành thực, vô tâm đến nỗi quên cả thơ của mình làm ra và thành thực đến nỗi kể cả chuyện vợ con trong thơ. Để bày tỏ lòng thiết tha đối với nước bạn, nhà thơ ấy đã viết thế này :

"Chúng ta nói với nhau "tôi không khóc"

Nhưng lời vừa buông, nước mắt đã chan hòa

Này người bạn thiết Trung Hoa !

Chúng ta có con sông Hữu nghị

Dòng sông Nhị ! Dòng sông Nhị ! Bắt nguồn từ rừng núi Trung Hoa

Và chảy qua, chảy qua…

Bao xóm làng thân yêu đất Việt

Tôi đã biết… cũng vì tôi đã biết

Nên lòng tôi thắm thiết không cùng…"

(Dòng sông Hữu nghị)

Con sông Nhị Hà bắt nguồn từ bên Tàu chảy qua Việt Nam. Câu chuyện chỉ có thế. Vậy mà Lưu Trọng Lư la lối : "Tôi đã biết. Tôi đã biết" (nghe như tiếng Eurêka của nhà khoa học nọ), rồi nước mắt ông chảy ra chan hòa ! Có lẽ chính vì Lưu Trọng Lư là một người quá chân thành thực thà, không quên giọng điệu điêu xảo, cho nên khi phải nịnh hót thì ông vụng về lố bịch. Tứ thơ nghèo nàn, lời thơ giả dối (nhất là ở những chỗ lặp đi lặp lại vô vị), chứng tỏ một sự suy nghĩ hời hợt, biếng nhác, miễn cưỡng tới cực độ.

Ấy, tất cả những văn nghệ sĩ "lột người" đã sáng tác như vậy. Hồi tháng 4 năm 1960, trên tạp chí Nghiên cứu văn học, Chế Lan Viên có bài chê bai quyển Hoa đăng của Vũ Hoàng Chương, và chê luôn họ Vũ là không biết gì về miền Bắc, về những người cộng sản. Chế Lan Viên kể cái chuyện một bà có con bỏ nhà ra bưng biền, bà ấy ra thăm con, hỏi nhỏ con : "Này con, con lén chỉ cho mẹ xem vài người cộng sản xem sao". Cô con gái bảo : "Con đây. Con vào đảng ba năm rồi". Bà nọ không tin : trông con mình hiền lành vậy sao mà cộng sản được ?!

Bà mẹ trong câu chuyện bịa của thi sĩ thật thà quá. Những người cộng sản, "xem" họ bề ngoài thì khó nhận ra thực, nhưng cứ thử gợi cho họ cất tiếng thì biết, họ sẽ đồng thanh một loạt, và nghe họ nói ta đỏ mặt, ngượng chín cả người, lẽ tất nhiên khi ấy ai cũng nhận ra họ ngay. Vậy muốn nhận ra người cộng sản không nên "xem" họ, mà nên "nghe" họ, nếu có thể thì nên nghe thơ của họ là tốt nhất.

Bàn về thơ ca, về văn chương mà đi đến một nhận định như vậy thực là điều buồn lòng. Nhưng một lần nữa, ở chỗ này, ta lại thấy những người văn nghệ miền Bắc khi họ tạm gác các chủ trương đường lối ra một bên mà thành tâm xét lại nền văn nghệ của mình, họ cũng không có cảm tưởng nào khác hơn. Suốt nửa năm của phong trào Nhân văn Giai phẩm, gần như bao nhiêu tác phẩm đều có đề cập đến cái nhơ nhuốc ấy, tức là cái thói nịnh hót. Có người cương trực thịnh nộ như Hữu Loan, khi mắng :

… "Những mồm

không tanh tưởi

Ngậm vòi đu đủ

Trợn mắt

Phùng mang

Thổi vào rốn cấp trên :

"Dạ, dạ, thưa anh…

Dạ dạ, em, em…"

Gãi cổ

gãi tai…"

… "Những người

đã đánh bại

xâm lăng

Đỏ bừng mặt

vì những tên

quốc sỉ…"

(Cũng những thằng nịnh hót)

Đấy ! Hữu Loan cũng đến phải đỏ mặt vì họ. Lại có người nói cay độc như Hà Thị (Giờ lại thối rồi). Có người tách vạch phân giải kỹ càng mà hăng hái như Trần Dần, cũng có người tố cáo sang sảng như ông Phan Khôi…

Điều nguy hại hơn nữa là sự nịnh hót không phải chỉ có ở Bắc Việt, mà bất cứ ở xứ cộng sản nào, nó dính liền với chế độ. Một người có nhiều thiện cảm với cộng sản như Andre Gide, năm 1936, bốn ngày sau khi tới Mạc Tư Khoa hãy còn tuyên bố trong dịp đám tang M. Gorki tại Công trường Đỏ : "Trong tâm khảm chúng ta, tương lai của văn hóa buộc chặt với tương lai của Nga sô". Thế mà đi viếng một vòng nước Nga xong, trở về xứ, ông ta phải chịu rằng ở nước này : "Trên bực thang xã hội mới, từ trên xuống dưới, những kẻ nào được khen chuộng nhất là những kẻ hèn hạ nhất…".

Hăm lăm năm sau, Lâm Ngữ Đường nghiên cứu về xã hội ấy vẫn chú ý đến sự nịnh hót, và ông cắt nghĩa thái độ người dân ở Nga sô : "Đường lối độc nhất để cho hắn có thể vươn lên được tầng lớp trên là ủng hộ chính phủ, tuân theo đường lối của đảng, và gia nhập hàng ngũ của những quân nịnh hót luôn luôn bận rộn. Đó chỉ là kinh tế học mà thôi, chứ có gì đâu". Không cứ là người dân, mà cho đến các tay cao cấp cũng thế : "Khruschev và đồng đảng tự nhiên là phải xu nịnh cũng như trường hợp những kẻ xu thời khác ở bất cứ nước nào ; duy có điều khác nhau là tại các quốc gia Tây phương một kẻ xu thời khi quá bực tức còn có thể từ chức, những kẻ xu thời ở Nga sô thì chỉ có hai con đường đi, hoặc liếm gót bề trên, hoặc đi Tây Bá Lợi Á" (Bí danh).

Lại một người đã sống với cộng sản quá nửa đời như ông nguyên chủ tịch quốc hội Nam Tư, M. Djilas, khi nói đến vấn đề văn nghệ, ông cũng đâm ra nặng lời đối với "những bợ đỡ, nịnh hót trơ trẽn của bọn văn nô bồi bút cộng sản" (Giai cấp mới, chương VI). Theo ông thì : "Bị đè nén, áp bức, tâm trí con người tất nhiên sẽ đi đến chỗ đồi bại, trụy lạc. Nếu ta tự hỏi tại sao đằng đẵng trong 40 năm nay Nga sô gần như không có một tác phẩm nào xuất sắc trên bình diện văn chương, ta thấy ngay rằng nguyên nhân chính của tình trạng đáng buồn đó là sự trụy lạc của tâm hồn văn nghệ…".

M. Djilas đã nói tới điều hệ trọng nhất.

Hồi quyển Hoa đăng được giải thưởng văn chương, Chế Lan Viên đã lên tiếng chỉ trích. Gần đây, thỉnh thoảng các tạp chí ngoài Bắc lại làm cái việc "điểm" qua tình hình văn nghệ trong Nam, chê tác giả này tác giả nọ v.v… Tôi nghĩ chuyện hay dở vốn là vô cùng, tùy thuộc những quan niệm thưởng thức khác nhau. Đối với tôi, nhìn về văn nghệ miền Bắc lúc này, cho dù thấy họ không có sách hay, đó cũng là chưa quan trọng. Thành tích văn học không thể đôn đốc theo kế hoạch tam niên, ngũ niên được, đốc thúc gấp lại sinh ra cái tệ "phát triển về số lượng, nhưng về mặt cảm xúc thì không mạnh mẽ sâu sắc", tuy vậy nếu họ có điều kiện, có hoàn cảnh thích hợp, dần dà họ có thể sáng tác xuất sắc. Tiếc thay, hoàn cảnh của họ chỉ đưa tới sự đọa lạc tâm hồn, chối bỏ phẩm cách con người.

Điều bi thảm đó trong hàng ngũ của họ không phải không có kẻ nhận thấy. Ta ao ước họ có những cơ hội (như khoảng năm 1956) để đặt thẳng vấn đề ra, cải thiện hoàn cảnh. Bởi ta biết con người vốn yếu đuối, không phải lúc nào cũng có thể hiên ngang, dõng dạc.

TràngThiên

Hoàng Hải Nguyên (chép lại từ bộ sưu tập báo chí trước 1975)

Nguồn : SaigonnhoNews, 14/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Hải Nguyên, Tràng Thiên
Read 532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)