Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

22/05/2017

Sách cho tù nhân Việt Nam

Nguyễn Quang Thạch

"Đánh giá một xã hội không chỉ dựa vào sự đối xử với cá nhân xuất sắc mà cả sự đối xử với những người phạm tội" là khái quát của Fyodor Dostoyevsky, tiểu thuyết gia Nga. Hiển nhiên rằng, sánh chiếu cơ hội tiếp cận sách của tù nhân, chúng ta thấy một phần giá trị quốc gia.

sach1

Thư viện trại giam trên Google và qua lời kể cựu phạm nhân

Khi tôi Google "Thư viện trại giam" "Việt Nam", 1.380 kết quả hiển thị trong 0,62 giây ; và " Thư viện nhà tù" "Việt Nam". 7.870 kết quả hiện thị trong 0,57 giây.

Google ""Prison library" "UK"/"thư viện nhà tù" "Anh quốc", 91,400 kết quả hiển thị trong 0,54 giây.

""Prison library" "US"/"thư viện nhà tù" "Mỹ", 160.000 kết quả hiển thị trong 0,49 giây ; và "Prison library" "Australia"' thư viện nhà tù" "Úc", 141.000 kết quả hiển thị trong 0,70 giây.

Kết quả trên Google phản ánh sự chênh lệch cơ hội tiếp cận sách giữa tù nhân Việt Nam so với tù nhân Anh, Úc, các quốc gia có dân số ít hơn Việt Nam ?

Từ 1997-2007, phỏng vấn các thành phần trong xã hội để thiết kế Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, trong đó, tôi đã phỏng vấn hơn 40 tù nhân trở về từ các trại Cầu Đông-Hà Tĩnh, Trại 3 và 6-Nghệ An, Trại Bình Điền-Huế… không ai trong họ đọc sách khi ở tù và họ không biết nhà tù có thư viện.

Mới đây, nói chuyện với cựu tù Hòa Quang S, quê Thái Bình, người ở tù cả thập niên 1990 cho biết các tù nhân không có sách đọc. Thậm chí, một tù nhân là nhà báo nhặt được mảnh báo đã sử dụng cho vệ sinh cá nhân, đã dùng nước rửa phơi khô để đọc.

sach2

Từng thụ án ở trại tù An Điềm, Quảng Nam, anh Lê Quốc Quân cho biết "ở An Điềm, khi tôi vào thì nghe nói có thư viện nhưng không có sách và chính trị phạm không mượn hay đọc sách. Tôi yêu cầu lên thư viện đọc sách nên họ đưa xuống một danh mục sách có 43 quyển, toàn là sách tuyên truyền. Đáp ứng yêu cầu của tôi, Ban giám thị xin ở Thư Viện Quảng Nam được tiếp 270 cuốn, trong đó có một vài cuốn lịch sử đọc khá hay".

"Anh em tù chính trị thuộc Nhóm Bia Sơn đã cùng mình thường xuyên thay đổi mượn đọc. Cách đọc là họ đưa cho tù nhân cả list đánh máy dài, chỉ có tên sách. Mình dựa vào đó mà chọn rồi báo với quản giáo họ sẽ lấy vào cho chứ không được lên thư viện, không được nhìn thấy sách trên đó bao giờ, đôi khi tên cuốn sách kiểu này đăng ký chọn, 1 tuần sau đưa xuống lại theo kiểu khác không giống như mình tưởng".

sach3

"Nói chung kể cả chính trị phạm và thường phạm, chưa hề biết đến cái thư viện cho đến khi Quân vào trại, đòi có sách đọc thì anh em dần dần mới quan tâm đến việc tìm hiểu và mượn đọc".

Những chuyển biến

Đầu năm 2017, chị Vũ Thị Thu Hà, một thành viên của Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam nhờ sự kết nối của ca sĩ Trà My, đã tặng Phân trại 1 - các tù nhân nữ của Trại giam Quyết Tiến tỉnh Tuyên Quang - 20 tủ sách với hơn 1.000 đầu sách.

Quay lại sau hơn 2 tháng, chị Hà được một số phạm nhân kể về cuốn Nghiệt ngã và thành công. Chị Hà ấn tượng khi một phạm nhân nữ mượn cuốn Khuyến học, luận và bình và Trai nước Nam làm gì. Gần 800 phạm nhân nữ của phân trại giơ tay biểu thị thích đọc sách khi được chị Hà hỏi.

sach4

Anh Cương, trưởng nhóm Sách hóa nông thôn Việt Nam Miền Nam, sau khi nghe một người bạn trở về từ Trại giam số 3 Nghệ An cho biết là nhờ đọc sách trong tù mà bạn ấy đã thay đổi rất nhiều, đã quyết định ủng hộ 10 tủ sách cho Trại giam số 3.

Cựu tù Nguyễn Hoàng V bạn Cương cũng trích ngân quỹ ủng hộ 10 tủ sách cho nơi mình thụ án. Anh V chia sẻ, là thành viên đội văn hóa, anh giúp đồng phạm mượn sách, con số bạn đọc là hàng trăm người, nhu cầu đọc rất lớn vì ban đêm ai cũng rảnh. Trong hai năm thụ án, V đã đọc 16 cuốn sách như Đắc nhân tâm, Nhà đầu tư thông minh và các sách của Mỹ khác. V cũng cho biết việc đọc sách ở trong tù phụ thuộc sự quan tâm của giám thị.

Theo chia sẻ từ vợ một giám thị, năm 2008 chồng chị đã đưa sách cho phạm nhân ở một phân trại đọc, sau đó đã nâng lên thành thư viên. Hiện tại, Thư viện trại giam Phú Sơn 4 của Thái Nguyên được nói nhiều trên báo chí.

Một số nhà xuất bản, nhóm hoạt động xã hội tiến hành đưa sách vào nhà tù cách đây 10 năm, xác chứng sự thay đổi tích cực trong nhà tù Việt Nam.

Con người, cho dù phạm lỗi lầm, đều xứng đáng tiếp cận tri thức để chữa lỗi và tái hòa nhập xã hội bởi nỗ lực sống lương thiện và hiểu biết.

Người thân của tù nhân, nên gửi sách cho họ đọc và góp vào thư viện, giúp thư viện nhà tù có thêm sách và nhiều số phận được đổi thay.

Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi sách cho nhà tù để tù nhân Lũy tích hiểu biết, mở lối yêu thương, dựng xây tương lai.

Nguyễn Quang Thạch

Khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam

Nguồn : BBC, 22/05/2017

Quay lại trang chủ
Read 907 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)