Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

22/05/2017

Trường USTH tại Hà Nội : Mô hình đại học "kiểu mới"

Thu Hằng

Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (Université des Sciences et Technologies de Hanoi, USTH) là kết quả hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp, được ký ngày 12/11/2009. Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ dự án năm 2008 của Việt Nam kết hợp với đối tác nước ngoài để thành lập các trường đại học "kiểu mới".

usth1

Hai sinh viên ngành Nước và môi trường hải dương của đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội. RFI / Tiếng Việt

Dựa theo "Tiến trình Bologna" (Pologna Process : Sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước Châu Âu bắt đầu vào năm 1999), trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội đảm bảo ba chức năng đào tạo-nghiên cứu-doanh nghiệp trong hệ thống giảng dạy từ trình độ cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ. Mục đích cuối cùng của chương trình là đào tạo giới tinh hoa và cán bộ tương lai cho Việt Nam.

Phía Việt Nam cam kết cung cấp cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân viên và cấp học bổng cho 400 nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp trong vòng 10 năm. Đây là nguồn giảng viên-nghiên cứu tương lai của trường USTH. Phía Pháp cam kết hỗ trợ mặt kỹ thuật cho dự án liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và liên kết đối tác với các doanh nghiệp.

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, giáo sư Patrick Boiron, hiệu trưởng trường USTH, cho biết, khi được thành lập, chương trình đào tạo của trường tập trung vào sáu lĩnh vực chính, chuyên về khoa học-công nghệ như tên gọi của trường vì đây là những điểm mạnh của Pháp, đồng thời cũng là nội dung thỏa thuận giữa Việt Nam và Pháp.

"Trong thỏa thuận liên chính phủ, Việt Nam và Pháp cùng chọn 6 lĩnh vực lớn : Công nghệ, Năng lượng, Tin học, Công nghệ nano, Môi trường và Không gian. Thời gian hợp tác là 10 năm.

Dĩ nhiên, trong vòng 10 năm, nhiều thứ thay đổi. Các lĩnh vực này tiếp tục được giảng dậy, nhưng như nhiều trường đại học khác, chúng tôi cũng phải thích nghi với thực tế và nhu cầu kinh tế-xã hội của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang hình thành một số ngành đào tạo khác, nằm ngoài khuôn khổ thỏa thuận liên chính phủ, nhưng nằm trong quy chế tự chủ của trường. Những ngành mới là Công nghệ thực phẩm, Công nghệ y tế và Toán tài chính.

Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều dự án lớn khác trong lĩnh vực công nghệ hàng không. Với Vietnam Airlines và Airbus, có thể vào năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức một chương trình đào tạo kép ở trình độ cử nhân và thạc sĩ trong lĩnh vực quản lý hệ thống hàng không. Ngành này có nhu cầu rất lớn từ các hãng hàng không Việt Nam, cùng với kinh nghiệm dày dặn của Pháp trong lĩnh vực này với tập đoàn Airbus, Trường Hàng Không Dân Dụng Pháp (ENAC) và Viện Thiên Văn Không Gian (IAS). Đây là những đơn vị nổi tiếng thế giới để có thể giúp lập ra được chương trình đào tạo trong lĩnh vực này".

usth2

Lễ ký kết thành lập chương trình đào tạo thạc sĩ ngành an toàn hàng không giữa Vietnam Airlines, ENAC, Airbus và đại học USTH, ngày 05/09/2016, tại Hà Nội. ENAC

42 đơn vị nghiên cứu-trường đại học Pháp hỗ trợ USTH

Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội nhận được sự hỗ trợ của hiệp hội gồm 42 đơn vị nghiên cứu Pháp, trong đó có 26 trường đại học (chiếm 30% số trường đại học tại Pháp). Những đơn vị này cử giảng viên sang dạy trình độ thạc sĩ, với khoảng 200 giảng viên mỗi năm.

Trong tương lai, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Pháp, 400 nghiên cứu sinh Việt Nam được trường cử đi học sẽ dần thay thế đội ngũ giảng viên người Pháp. Đây là một trong số các điều kiện đối với nghiên cứu sinh được hưởng chương trình học bổng 911 của chính phủ Việt Nam.

Quá trình tuyển sinh của trường được thực hiện theo hệ thống Châu Âu, có nghĩa là tuyển trên hồ sơ, thay vì phải thi đại học như ở Việt Nam. Giáo sư Patrick Boiron giải thích :

"Sinh viên được tuyển theo các cấp khác nhau. Ở trình độ đại học, họ được tuyển ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. Yêu cầu tuyển sinh đầu tiên là kết quả học tập của thí sinh. Chúng tôi đặt ra một mức sàn để lựa chọn sinh viên. Yêu cầu thứ hai là trình độ tiếng Anh của thí sinh. Dù là trường đại học Việt-Pháp nhưng chương trình vẫn được giảng bằng tiếng Anh vì mục tiêu của trường là đào tạo giới tinh hoa và đội ngũ giảng viên-nghiên cứu trong các ngành nghề chủ yếu cần đến tiếng Anh.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng một số thí sinh có kết quả học tập tốt nhưng còn yếu về tiếng Anh. Chính vì thế, chúng tôi có chương trình bổ túc tiếng Anh cấp tốc trước khóa học, để khi các môn khoa học được bắt đầu, sinh viên có thể cảm thấy thoải mái hơn".

usth3

G.S. Patrick Boiron, hiệu trưởng đại học USTH, giới thiệu về trường trong ngày giao lưu "Open Day 2017", Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. USTH

Nếu chương trình học bổng 911 của chính phủ Việt Nam chỉ dành cho nghiên cứu sinh, trường USTH cũng có chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính riêng dành cho sinh viên, theo giải thích của giáo sư Patrick Boiron :

"Có rất nhiều loại học bổng với mức độ hỗ trợ khác nhau. Căn cứ theo kết quả học tập cấp 3, sinh viên có thể được miễn 25%, 50%, 75%, thậm chí 100% phí ghi danh. Ngoài ra, chúng tôi có chính sách xã hội đối với sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay người tàn tật, thông qua hình thức cấp học bổng hoặc hỗ trợ đặc biệt.

Chúng tôi có ngân sách gần 1 triệu đô la từ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á. Đây là khoản tín dụng được ngân hàng cấp cho Việt Nam để phát triển hình thức học bổng và các loại hình trợ giúp khác nhau.

Chính sách hỗ trợ tài chính là điểm mạnh của chúng tôi, nhưng còn tùy theo từng năm. Tuy nhiên, khoảng 30% đến 50% sinh viên nhận được hỗ trợ, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau trong thời gian theo học".

Môi trường giáo dục phương Tây thu hút sinh viên

Dẫn RFI tiếng Việt tham quan tòa nhà của trường USTH, hiện còn đang mượn tạm của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) trên đường Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hà và Vân Nhi, hai sinh viên năm thứ 3 ngành Nước và môi trường hải dương, cho biết một trong số lý do để các em chọn USTH là "không phải thi đại học" và "môi trường giáo dục phương Tây cởi mở".

"Phỏng vấn đầu vào trường có một số vòng, trong đó những vòng trước sẽ trả lời bằng tiếng Anh và một số câu hỏi về chuyên ngành cho các thầy cô trong trường. Em và bạn Vân Nhi đăng ký phỏng vấn từ trước nên chỉ cần có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và có điểm học phần cấp 3 tương đối tốt thì sẽ có cơ hội rất cao được vào trường", theo giải thích của Hoàng Hà.

Còn Vân Nhi đánh giá : "Thực ra về kiến thức, nếu học một trường khác, tụi em cũng nhận được một lượng kiến thức như vậy, mà lại trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Với môi trường Châu Âu như này, mọi người có cách suy nghĩ thoải mái và bọn em được tự do nêu ý kiến và thể hiện bản thân mình. Ngoài ra, bọn em được học với các thầy người nước ngoài. Có nghĩa là, ở các trường khác, phải thi đầu vào, mới có cơ hội được học với các thầy cô nước ngoài".

Trường USTH cũng áp dụng hệ thống đào tạo cử nhân trong vòng 3 năm, thạc sĩ 2 năm như tại Pháp, nên theo Hoàng Hà và Vân Nhi, chương trình học của trường bị nặng hơn so với các trường khác :

"So với những trường khoa học bên ngoài thì lượng kiến thức tương đương, nhưng thời gian học giảm xuống nên bọn em phải học dồn dập và thi dồn dập nên khá khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. Đối với một số sinh viên tham gia chương trình ngoại khóa nữa, thì khá là vất vả".

"Vấn đề không phải nằm ở chương trình học bằng tiếng Anh mà vấn đề nằm ở việc mình hoàn toàn phải học cách suy nghĩ bằng tiếng Anh. Và bởi vì thời gian học ở trường nặng hơn ở bên ngoài, học ba năm, nên bọn em phải học rất nặng và lịch học còn nặng hơn cả cấp 3. Đây là những điểm thay đổi, em nghĩ là đó là điều khó khăn nhất của sinh viên USTH".

Một lợi thế của sinh viên trường USTH là khi tốt nghiệp, họ nhận được hai bằng cử nhân Pháp-Việt. Ngoài ra, khả năng được đi thực tập ở nước ngoài rất cao, đặc biệt tại Pháp nhờ những mối quan hệ của trường.

Năm 2017, trường Khoa học và công nghệ Hà Nội có khoảng 450 sinh viên đang theo học cử nhân, 150 sinh viên theo học thạc sĩ và 70 nghiên cứu sinh tại Pháp.

Giáo sư Patrick Boiron cho biết, trong tương lai, trường sẽ được chuyển đến quần thể Hòa Lạc rộng 265.000 m2, nơi đã có nhiều cơ quan nghiên cứu cũng như một số trường đại học với cơ sở mới phù hợp. Theo dự kiến ban đầu, trường USTH sẽ được chuyển đến Hòa Lạc vào năm 2018, song dự án bị chậm tiến độ hai năm. Hy vọng đến năm 2020, trường Pháp-Việt sẽ có cơ sở vật chất phù hợp với tiêu chí của một trường đại học "kiểu mới".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, Tạp chí Việt Nam, 22/05/2017

Quay lại trang chủ
Read 950 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)