Ông Alexander Burdonsky, một giám đốc nhà hát tài năng ở Nga và là cháu của vị lãnh đạo Xô Viết Josef Stalin, vừa qua đời ở tuổi 75.
Alexander Burdonsky nhìn nhận ông nội mình như một nhân vật trong các tác phẩm của Shakespeare
Ông Burdonsky mang họ Stalin trong giấy khai sinh, nhưng ông đã đổi theo họ mẹ để tránh tiếng là cháu nội của nhà độc tài Liên Xô.
Trong nhiều năm, ông là giám đốc Nhà hát Quân đội trung ương Nga ở Moscow.
Năm ngoái, một người cháu khác của Stalin, ông Yevgeny Dzhugashvili, qua đời ở tuổi 80.
Tuy nhiên, ông là người suốt đời bảo vệ trung thành di sản và hình ảnh ông nội mình.
Bố của Alexander Burdonsky, Vasily Stalin, có một mối quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp với cha mình và chết vì nghiện rượu khi 40 tuổi.
Sinh năm 1941, ông Burdonsky nói với đài truyền hình Nga rằng ông không qua lại nhiều với ông nội của mình trước khi Stalin mất năm 1953 :
"Tôi nhìn thấy ông ấy trong lễ duyệt binh tháng 5 và tháng 11 từ khán đài. Tôi chỉ thấy ông ấy thật gần... khi ông nằm trong quan tài".
Cách đây hai năm, vị giám đốc nhà hát này nói không ai muốn có một tuổi thơ như ông, và ông đã đổi họ mình để theo đuổi một sự nghiệp nghệ thuật.
Có lần ông nói với một người phỏng vấn rằng ông nhìn nhận ông nội mình như một nhân vật Shakespeare, pha trộn giữa tính cách thiên tài và điên rồ.
Mặc dù ông Burdonsky đã phản đối Stalin kịch liệt khi còn trẻ, ông cho hay ông đã hiểu Stalin là một nhân vật đầy quyền lực, dù độc tài và cuồng bạo, của thế kỷ thứ 20.
Yevgeny Dzhugashvili, người qua đời vào tháng 12/2016, lại nhìn nhận Stalin theo góc độ khác.
Khi một tờ báo độc lập Nga miêu tả Stalin là "một kẻ ăn thịt người khát máu", ông kiện tờ báo này ra Tòa Nhân quyền Châu Âu và bị thua kiện.
Gia đình nhiều bi kịch
Josef Vissarionovich Stalin có họ thật là Dzhugashvili, sinh năm 1878 trong gia đình người thiểu số Georgia (Gruzia) theo Chính Thống giáo và là thần dân của Đế chế Nga.
Ông theo cách mạng cộng sản và trở thành một nhân vật lãnh đạo hàng đầu rồi nắm trọn quyền sau khi Vladimir Lenin chết năm 1924.
Giữ chức Tổng Bí thư Đảng kiêm Thủ tướng Liên Xô từ 1941 đến 1953, ông qua đời tháng 3/1953 vì đột quỵ.
Stalin có một con gái là Svetlana Alliluyeva, các con trai Yakov Dzhugashvili, Vasily Stalin và con nuôi Artyom Sergeyev.
Svetlana là con gái duy nhất được cha yêu quý nhưng sau cũng bỏ Liên Xô sang Hoa Kỳ sinh sống
Bà Svetlana, còn có tên Lana Peters với họ của người chồng Mỹ (William Wesley Peters) đã trốn khỏi Liên Xô năm 1966 để lo đám tang cho một người tình Ấn Độ.
Từ Ấn Độ, bà bỏ sang Hoa Kỳ xin tỵ nạn chính trị năm 1967 và thành công dân Mỹ, gây một cú choáng cho dư luận Liên Xô.
Dù đã thay tên đổi họ, cho đến khi qua đời năm 2011 ở Wisconsin, Lana Peters nói rằng bà chưa bao giờ thoát khỏi "cái bóng" của người cha.
Con trai cả của Stalin, Yakov Dzhugashvili là sĩ quan pháo binh bị phát-xít Đức bắt trong trận Smolensk năm 1941 và chết trong trại tù ở Oranienburg năm 1943.
Ông là con của người vợ đầu tiên, bà Ketevan "Kato" Svanidze, người Georgia, qua đời năm 1907.
Vasily Stalin là con của Stalin với người vợ thứ nhì, Nadezhda (Nadia) Alliluyeva, dân tộc Nga.
Năm 1932, cái chết vì tự sát ở Kremlin của mẹ, bà Nadia khiến Vasily gặp khủng hoảng.
Ông vào lính và nhanh chóng được phong thiếu tá, rồi đại tá chỉ vài tháng sau, vào năm 1941.
Sau khi Stalin qua đời, Vasily bị bắt vì các nghi vấn nghiêm trọng liên quan đến tội gián điệp.
Đám tang Nadezhda Alliluyeva sau khi bà tự sát đã không có mặt Stalin
Có tài liệu nêu ra thuyết Vasily đã giết cha hoặc để mặc cho Stalin bị đột quỵ trong nhà nghỉ ngoại ô mà không báo cấp cứu.
Nghi vấn này được sử gia Simon Sebag-Montefiore điều tra trong một phóng sự cho BBC Timewatch hồi 2010.
Ông Vasily chết vì nát rượu năm 1962.
Artyom Fyodorovich Sergeyev, sinh năm 1921, là con của ông Fyodor Sergeyev, người bạn của Stalin bị chết trong tai nạn xe lửa và được nhà lãnh đạo Liên Xô đón về nuôi.
Ông sau được phong thiếu tướng trong quân đội và qua đời năm 2008 ở Moscow.
******************
Stalin : tư tưởng độc tài và gia đình bất hạnh
Trong tiếng Anh, Stalinism có hai nghĩa : đó là phương pháp lãnh đạo kiểu Stalin dùng bộ máy an ninh để khủng bố nhân dân, cán bộ đảng cộng sản ; và chủ nghĩa Stalin, một dòng ý thức hệ.
Tù khổ sai làm kinh tế xây dựng chế độ 'xã hội chủ nghĩa' Liên Xô
Nhưng các hành vi và suy nghĩ của Josef Stalin (1878 -1953) cũng ảnh hưởng nhiều đến gia đình, vợ con ông.
Phương pháp và tư tưởng của Stalin
Theo Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica), cơ sở lý luận của Stalinism được Josef Stalin nêu ra là đề cao bộ máy nhà nước.
Nếu như ý thức hệ xã hội chủ nghĩa theo cách truyền thống nói nhà nước "sẽ dần tan biến đi" trong xã hội tương lai không còn giai cấp, Stalin lại nhấn mạnh rằng để đạt mục tiêu phi giai cấp đó, cần làm nhà nước mạnh lên đã.
Stalin cũng nêu ra khái niệm "tổ quốc xã hội chủ nghĩa", đặt Liên Xô thành trung tâm của phong trào cộng sản và cánh tả thế giới.
Nói ngắn gọn thì bảo vệ Liên Xô là bảo vệ chủ nghĩa xã hội, và nhiệm vụ này có ý nghĩa cho cả nhân loại.
Điểm chính yếu khác của chủ nghĩa Stalin là "tiêu diệt các kẻ thù bên trong (Liên Xô), và bên ngoài".
Bên trong, cho đến năm 1939, gần như tất cả các nhà cách mạng thuộc nhóm Bolshevik cũ tham gia chính biến 1917 đã bị thủ tiêu.
Đấu tranh giai cấp trở thành chính sách cơ bản để tham lọc và tiêu diệt toàn bộ tầng lớp trí thức, có của, nông dân giàu có và tư sản Nga.
Đặc biệt, dùng sức của kẻ thù giai cấp để xây dựng kinh tế cũng thành chính sách của Liên Xô thời Stalin.
Ước tính có từ 7-15 triệu người dân Xô Viết bị đầy vào cách trại tù khổ sai để khai phá các vùng đất xa xôi, lạnh lẽo.
Bên ngoài, tiêu diệt kẻ thù cũng được thực hiện chừng nào cuộc cách mạng quốc tế chưa hoàn tất trên toàn thế giới.
Từ trái : Stalin và vợ, Nadezhda Alliluyeva
Về nguyên tắc lãnh đạo, Stalinism chủ trương tập trung quyền lực vào một người, tạo ra chủ nghĩa sùng bái cá nhân.
Trong một thời gian dài cho đến khi chết, Josef Stalin vừa làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vừa làm Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng những người bênh Stalin cũng nói đến "thành tích" của nhà độc tài Liên Xô "có quyền lực hơn bất cứ ai trong lịch sử", theo Britannica.
"Stalin đã công nghiệp hóa Liên Xô, cưỡng bức hợp tác hóa nông nghiệp và dùng công an trị để khủng bố, đồng thời đánh thắng nước Đức trong cuộc chiến 1941-45.
"Stalin cũng đã mở rộng sự kiểm soát của Liên Xô sang cả một vùng vành đai Đông Âu.
Ông ta triệt tiêu hoàn toàn tự do cá nhân, chống lại sự thịnh vượng cá nhân nhưng cũng tạo ra một cơ sở công nghiệp và quân sự hùng mạnh và đưa Liên Xô vào kỷ nguyên hạt nhân".
Nhiều bi kịch
Về gia đình, cuộc đời Stalin và tính cách ông ta gây ra nhiều bi kịch cho thân nhân.
Phương pháp lãnh đạo kiểu Stalin dùng bộ máy an ninh để khủng bố nhân dân và cán bộ đảng cộng sản
Stalin có hai đời vợ, một con gái Svetlana Alliluyeva, các con trai Yakov Dzhugashvili, Vasily Stalin và con nuôi Artyom Sergeyev.
Bà vợ đầu tiên, Ketevan "Kato" Svanidze, người Georgia, qua đời năm 1907 sau khi sinh ra con trai Yakov được bảy tháng.
Cậu bé được nhận lễ rửa tội trong Nhà thờ của Chính Thống giáo.
Người vợ thứ hai, Nadezhda (Nadia) Alliluyeva, người Nga, có cha bà, ông Sergei Alliluyev là một nhà cách mạng.
Ông đã cùng vợ Olga cưu mang che dấu Stalin khi trốn tù từ Siberia trở về năm 1911.
Bà Nadia tự sát năm 1932 khi Stalin đang ở đỉnh cao quyền lực.
Đám tang của bà không có mặt người chồng là nhà lãnh đạo tối cao.
Cuộc đời các con của Stalin cũng phản ánh những thăng trầm của Liên Xô.
Con gái duy nhất Svetlana được Stalin yêu quý, đã trốn khi sang Dehli năm 1966 để lo đám tang cho người tình Ấn Độ.
Tại Dehli, bà vào Sứ quán Hoa Kỳ xin tỵ nạn chính trị năm 1967.
Sang sống ở Mỹ, và nhập tịch và lấy chồng là kiến trúc sư William Wesley Peters, rồi chọn cái tên Lana Peters.
Cuộc bỏ trốn của bà đã gây một cú choáng cho dư luận Liên Xô thời Brezhnev.
Dù đã thay tên đổi họ, cho đến khi qua đời năm 2011 ở Wisconsin, Lana Peters nói rằng bà chưa bao giờ thoát khỏi "cái bóng" của người cha.
Con trai cả của Stalin, Yakov Dzhugashvili giữ nguyên họ Georgia.
Các tư liệu nói hồi trẻ, cuộc tình của Yakov với một cô gái Nga, Zoya bị cha phản đối.
Trong một lần bị tống cổ khỏi nhà, Yakov dùng súng bắn vào ngực nhưng không chết dù viên đạn xuyên vào phổi.
Sau đó, được sự ủng hộ của mẹ kế, Yakov đã kết hôn với Zoya nhưng cuộc hôn nhân chỉ tồn tại không quá hai năm.
Ông trở thành sĩ quan pháo binh bị phát-xít Đức bắt trong trận Smolensk năm 1941.
Phải mất nhiều tuần sau quân Đức mới xác định danh tính của ông là con trai Stalin và được đối xử tốt.
Nhưng cũng chính Stalin, trong quân lệnh 270, tháng 8/1941, đã viết rằng mọi sĩ quan và chính ủy Hồng quân Liên Xô chịu để bắt làm tù binh sẽ bị coi là kẻ phản bội tổ quốc.
Họ chịu án tử hình khi về nước, và thân nhân họ sẽ bị công an bắt.
Theo đúng lệnh này, người vợ thứ hai của Yakov là Yulia Meltzer bị công an Liên Xô lôi khỏi nhà dù bà có con gái nhỏ ba tuổi, bắt bỏ ngục tại Lefortovo trong hai năm.
Phía Đức muốn đổi Yakov với Thống chế Friedrich Paulus tư lệnh quân phát- xít đầu hàng sau trận Stalingrad.
Nhưng Stalin đã nói câu nổi tiếng :
"Tôi không bao giờ đổi thống chế lấy trung uý".
Yakov chết trong trại tập trung Sachsenhausen ở Oranienburg, gần Berlin, năm 1943 khi 36 tuổi.
Một điều tra kết thúc năm 2000 của nhóm chuyên gia Nga - Mỹ do Giáo sư John Erickson chủ trì đã kết luận Yakov tự sát bằng cách nhảy vào hàng rào cắm điện trong trại.
Xác ông bị quân cảnh Đức bắn nát khi đã chết.
Yakov làm điều đó vì cãi nhau với một tù binh Anh về tin tức rằng chế độ Stalin thảm sát 15 nghìn sĩ quan Ba Lan ở rừng Katyn gần Smolensk tháng 5/1940.
Giáo sư Erickson kết luận rằng nỗi ô nhục khi nghe tin về vụ Katyn đã khiến Yakov muốn kết liễu đời mình.
Năm 1977, trung uý Yakov Dzhugashvili được Liên Xô truy tặng Huân chương Ái quốc hạng nhất.
Người em trai cùng cha của Yakov là Vasily Stalin thì bị ám ảnh bởi cái chết tự sát của mẹ năm 1932 khi cậu bé mới 11 tuổi.
Yakov Dzhuhashvili bị quân Đức hỏi cung sau trận Smolensk năm 1941 - ông tự sát chết trong tù năm 1943
Nghiện rượu từ hồi trẻ, Vasily vào quân đội và tốt nghiệp trường phi công.
Lợi dụng tên tuổi cha, sĩ quan này gây ra nhiều điều tiếng như tán gái, lái máy bay khi còn say xỉn.
Năm 1941, Vasily được phong thiếu tá, rồi đại tá chỉ vài tháng sau.
Sau chiến tranh, ông nhận hàm thiếu tướng nhưng không tỏ ra có tài chỉ huy.
Ngay khi Stalin qua đời, Vasily bị bắt khẩn cấp vì các nghi vấn 'tội gián điệp', điều các sử gia ngày nay bác bỏ.
Tuy thế, ông vẫn bị giam 7 năm và chỉ được thả năm 1960 sau khi cầu xin tân lãnh đạo Nikika Khrushchev.
Chưa đầy một năm sau, Vasily, lúc này đã bị tước quân tịch và giải ngũ, lại vào tù vì lái xe gây tai nạn.
Ông chết vì bệnh rượu lúc chưa đầy 41 tuổi ở Kazan.
Có tài liệu nêu ra thuyết Vasily đã giết cha hoặc để mặc cho Stalin bị đột quỵ trong nhà nghỉ ngoại ô mà không báo cấp cứu.
Nghi vấn này được sử gia Simon Sebag-Montefiore điều tra trong một phóng sự cho BBC Timewatch hồi 2010.
Trên thực tế, quyết định để mặc Stalin nằm trên nền nhà sau khi đột quỵ tại nhà nghỉ ở Kuntsevo tháng 3/1953 là do Lavrentiy Beria, Nikita Khrushchev và Georgy Makenkov, cùng quyết định, theo Joshua Rubenstein.
Còn một người con nuôi nữa của Stalin không mang dòng máu và họ của ông.
Artyom Fyodorovich Sergeyev, sinh năm 1921, là con của ông Fyodor Sergeyev, bạn Stalin bị chết trong tai nạn xe lửa và được nhà lãnh đạo Liên Xô đón về nuôi.
Ông sau được phong thiếu tướng và qua đời năm 2008 ở Moscow.