Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

16/01/2022

Bãi đá Gobekli Tepe có thể 'viết lại lịch sử nhân loại'

Andrew Curry

Gobekli Tepe, bãi đá cổ xưa Thổ Nhĩ Kỳ có thể 'viết lại lịch sử nhân loại'

Đang định hình lại những ý tưởng trước đây về lịch sử văn minh nhân loại, khu vực Gobekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ được người tiền sử xây dựng trước khi bãi đá cổ Stonehenge xuất hiện ở Anh cả 6.000 năm.

gobekli1

Khi nhà khảo cổ người Đức Klaus Schmidt lần đầu tiên bắt đầu khai quật trên một đỉnh núi Thổ Nhĩ Kỳ 25 năm trước, ông tin rằng các công trình mà ông phát hiện ra là lạ thường, thậm chí là độc nhất vô nhị.

Trên đỉnh một cao nguyên đá vôi gần Urfa được gọi là Gobekli Tepe, có nghĩa là 'Đồi Bụng' trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Schmidt phát hiện hơn 20 vòng đá khép thành hình tròn.

Vòng tròn lớn nhất có chiều ngang 20m, là vòng đá với hai cột trụ chạm khắc tinh xảo cao 5,5m nằm ở giữa.

Các cột đá chạm khắc - những hình người cách điệu, lạ lẫm với bàn tay đan vào nhau và thắt lưng da cáo - nặng tới 10 tấn.

Việc cắt xẻ và dựng chúng lên hẳn là thách thức kỹ thuật to lớn đối với những ai sống ở thời con người còn chưa thuần hóa được động vật, còn chưa phát minh ra đồ gốm chứ đừng nói đến các công cụ kim loại.

Các công trình này có tuổi đời 11.000 năm hoặc lâu hơn, khiến chúng trở thành công trình hoành tráng lâu đời nhất của nhân loại từng được biết đến, được xây dựng không phải để làm nơi trú ẩn mà để phục vụ những mục đích khác.

Công trình kỳ vĩ

Sau một thập kỷ làm việc, Schmidt đã đi đến một kết luận đáng chú ý.

Khi tôi đến thăm xưởng đào của ông ở thị trấn cổ Urfa vào năm 2007, Schmidt - khi đó làm việc cho Viện Khảo cổ Đức - nói với tôi rằng Gobekli Tepe có thể giúp viết lại câu chuyện về văn minh nhân loại bằng cách lý giải nguyên do khiến con người bắt đầu làm nông nghiệp và bắt đầu sống trong các khu định cư lâu dài.

Các công cụ đá và các bằng chứng khác mà Schmidt và nhóm của ông tìm thấy tại địa điểm này cho thấy các vòng đá nơi đây được xây dựng bởi những người săn bắn hái lượm vốn sống nhờ vào đất đai từ bao đời kể từ trước Kỷ Băng hà cuối cùng.

Hàng chục ngàn mảnh xương động vật được phát hiện ra là xương của các loài vật hoang dã, và không có bằng chứng về ngũ cốc hoặc các loại thực vật khác được con người thuần hóa.

Schmidt cho rằng những người săn bắn hái lượm này vào khoảng 11.500 năm trước đã cùng nhau dùng công cụ đá để xẻ cắt các trụ hình chữ T ở Gobekli Tepe từ các vỉa đá vôi nằm ở ngọn đồi dưới chân họ.

Xẻ cắt và di chuyển các trụ này là một khối lượng công việc khổng lồ, nhưng có lẽ không khó như thoạt nhìn.

Các cột trụ được chạm khắc từ các lớp đá vôi tự nhiên của nền đá trên ngọn đồi.

Đá vôi đủ mềm để có thể xử lý bằng đá lửa hay thậm chí là công cụ bằng gỗ mà con người khi đó đã tạo ra, nếu xét đến tập quán sinh hoạt và sự kiên nhẫn thời đó.

Do đá vôi ở ngọn đồi là các lớp ngang có cấu tạo độ dày từ 0,6m đến 1,5m, nên các nhà khảo cổ làm việc tại đây tin rằng những thợ xây cổ đại chỉ cần cắt bỏ phần thừa ở hai bên thay vì từ bên dưới. Sau khi mỗi trụ đá được xẻ ra, họ dùng dây thừng, dầm gỗ và rất nhiều nhân công để di chuyển nó lên vài trăm mét, tới vị trí trên đỉnh đồi.

Schmidt nghĩ rằng các nhóm du mục nhỏ từ khắp cả vùng có chung những niềm tin tôn giáo nào đó đã kéo tới theo định kỳ để chung sức làm các dự án xây dựng trên đỉnh đồi. Họ có lẽ là đã tổ chức các bữa tiệc hoành tráng và sau đó tản đi.

Địa điểm này, Schmidt lập luận, là trung tâm nghi lễ, có lẽ là một dạng khu vực chôn cất hay cúng bái tử thần chứ không phải là khu định cư.

Địa điểm tôn giáo ?

Đó là một nhận xét táo bạo.

Các nhà khảo cổ từ lâu cho rằng những nghi lễ phức tạp và hoạt động tôn giáo có tổ chức là thứ xa xỉ mà các xã hội chỉ hình thành khi con người bắt đầu thuần hóa cây trồng và vật nuôi, quá trình chuyển đổi được gọi là thời Đồ đá Mới.

Một khi tích trữ được lượng thực phẩm dư thừa, con người mới suy nghĩ tới việc đem tài nguyên ra phục vụ cho các nghi lễ và công trình tưởng niệm.

Thế nhưng Gobekli Tepe đã làm đảo lộn mốc thời gian đó, Schmidt nói với tôi.

Các công cụ bằng đá tìm được tại địa điểm này, nhờ có kỹ thuật carbon phóng xạ, đã được xác định niên đại chắc chắn là trong thời kỳ tiền đồ đá mới.

Hơn 25 năm sau cuộc khai quật đầu tiên ở đó, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy con người khi đó đã thuần hóa được thực vật hoặc động vật nào.

Schmidt không cho rằng có người sinh sống xuyên suốt tại địa điểm này. Ông gọi nó là 'thánh đường trên núi'.

Nếu nhận định của Schmidt là đúng, thì nó cho thấy nghi thức và tổ chức xã hội phức tạp thực sự là đã tồn tại trước thời con người sống định cư và biết làm nông nghiệp.

Trong khoảng thời gian 1.000 năm, nhu cầu tập hợp các nhóm du mục lại ở một nơi để cắt xẻ và di chuyển các cột chữ T đồ sộ rồi xây dựng các vòng tròn lớn tại Gobekli Tepe đã dẫn tới một nhu cầu khác : do thường xuyên tổ chức các buổi tụ họp lớn, họ cần đảm bảo có đủ nguồn cung thực phẩm một cách chủ động hơn hơn bằng cách thuần hóa thực vật và động vật. Dường như nghi thức và tôn giáo đã khởi động để dẫn đến cuộc Cách mạng Đồ đá Mới.

Ngày hôm sau, tôi lái xe cùng Schmidt lên đỉnh đồi trước khi bình minh. Tôi lang thang giữa những cột trụ, cảm thấy bối rối và sững sờ, trong lúc Schmidt đầu quấn vải trắng để chống chọi ánh nắng chói chang, giám sát một nhóm nhỏ các nhà khảo cổ và công nhân Đức đến từ ngôi làng nhỏ phía dưới đường.

gobekli2

Một năm trước đó, vào năm 2006, Schmidt đã công bố các báo cáo đầu tiên của mình về Gobekli Tepe, khiến giới nghiên cứu về khảo cổ thời Đồ đá Mới xôn xao.

Địa điểm này khi đó vẫn có vẻ như còn đang ngủ vùi, bị lãng quên, với các khu vực khai quật được bao phủ bởi mái tôn tạm, và có những con đường đất đầy ổ gà từ thung lũng bên dưới chạy quanh co đến điểm khai quật trên đỉnh núi.

Nhận xét của Schmidt về các cột trụ hình chữ T nổi bật và các 'công trình đặc biệt' tròn, lớn ở đây đã khiến các đồng nghiệp và các nhà báo mê mẩn khi chúng được đăng lần đầu vào giữa thập niên 2000.

Tin tức trên truyền thông nín thở gọi địa điểm này là cái nôi tôn giáo ; Tạp chí Der Spiegel của Đức đã ví đồng cỏ phì nhiêu xung quanh như Vườn Địa đàng.

Thu hút du khách

Chẳng mấy chốc, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến để tận mắt chứng kiến Gobekli Tepe.

Trong vòng một thập kỷ, đỉnh đồi đã hoàn toàn biến đổi.

Cho đến khi cuộc nội chiến ở Syria gần đó làm gián đoạn du lịch trong khu vực, hồi năm 2012, công việc ở nơi này thường bị chậm lại khi những chiếc xe buýt chở đầy du khách tò mò chen chúc quanh các rãnh khai quật lộ thiên để xem thứ mà có người gọi là ngôi đền đầu tiên trên thế giới. Điều này làm cho nhân viên công tác tại địa điểm không thể đây xe cút kít được trên những con đường hẹp.

Trong 5 năm qua, đỉnh núi ở ngoại ô Urfa một lần nữa được định hình lại.

Ngày nay, đường sá, bãi đậu xe và trung tâm đón khách có thể phục vụ những du khách tò mò từ khắp nơi trên thế giới.

Vào năm 2017, các nhà kho bằng tôn đã được thay thế bằng mái che bằng vải bố và thép bao quanh, để các công trình đồ sộ nằm ở giữa.

Bảo tàng Khảo cổ và Đồ khảm Şanlıurfa, được xây dựng vào năm 2015 ở trung tâm Urfa, là một trong những bảo tàng lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ ; tại bảo tàng có bản sao kích thước thật của vòng đá lớn nhất và các cột trụ hình chữ T đồ sộ của nó, cho phép du khách cảm nhận được về mức đồ sộ của các cột trụ hoành tráng và nhìn cận cảnh các nét chạm khắc trên đó,

Năm 2018, Gobekli Tepe được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, và các quan chức du lịch Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố năm 2019 là 'Năm Gobekli Tepe', biến địa điểm cổ xưa này thành địa điểm đại diện cho chiến dịch quảng bá du lịch toàn cầu.

"Tôi vẫn còn nhớ địa điểm này là một nơi xa xôi trên đỉnh núi", ông Jens Notroff, nhà khảo cổ ở Viện Khảo cổ Đức, người từng bắt đầu làm việc tại địa điểm này khi còn là sinh viên vào giữa những năm 2000, cho biết. "Nó đã thay đổi hoàn toàn".

Schmidt, qua đời vào năm 2014, không còn sống để kịp chứng kiến sự chuyển đổi của nơi này, từ hố đào bụi bặm trên đỉnh núi thành điểm thu hút du khách lớn.

Nhưng những phát hiện của ông đã thúc đẩy sự quan tâm toàn cầu về quá trình chuyển đổi sang thời kỳ Đồ đá Mới - và trong vài năm qua, những phát hiện mới tại Gobekli Tepe cùng kết quả các cuộc khai quật trước đó đã được xem xét kỹ, và chúng làm đảo lộn những kiến giải ban đầu của Schmidt về địa điểm này.

Khu định cư

Việc xây dựng lại nền móng để đỡ mái bằng vải bố rủ xuống đòi hỏi các nhà khảo cổ phải đào sâu hơn mức mà Schmidt từng đào.

Dưới sự chỉ đạo của người kế tục Schmidt, Lee Clare, một nhóm nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Đức đã đào một số rãnh thăm dò xuống nền đá, vài mét phía dưới nền của các tòa nhà lớn. "Chúng tôi có cơ hội duy nhất", Clare nói, "để nhìn vào các tầng thấp nhất và đất đá tích tụ ở điểm này".

Những gì Clare và các đồng nghiệp ông tìm thấy có thể một lần nữa viết lại những gì diễn ra trong thời tiền sử.

Việc khai quật làm phát lộ bằng chứng về nhà ở và khu định cư quanh năm. Điều đó cho thấy Gobekli Tepe không phải là ngôi đền biệt lập nơi người ta chỉ đến vào những dịp đặc biệt, mà là ngôi làng thịnh vượng với các công trình lớn, đặc biệt nằm ở giữa.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được một bể chứa lớn và các kênh hứng nước mưa, điều then chốt hỗ trợ cuộc sống trên đỉnh núi khô cằn. Họ cũng phát hiện được hàng ngàn công cụ giúp chế biến ngũ cốc để nấu cháo và ủ bia.

"Gobekli Tepe vẫn là một địa điểm độc đáo, đặc biệt, nhưng những hiểu biết mới phù hợp hơn với những gì chúng ta biết từ các địa điểm khác", Clare nói. "Đó là khu định cư hoàn chỉnh có người ở lâu dài. Nó thay đổi toàn bộ hiểu biết của chúng ta về nơi này".

Trong khi đó, các nhà khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở vùng nông thôn gồ ghề quanh Urfa đã xác định được ít nhất một chục địa điểm khác trên đỉnh núi có trụ hình chữ T như thế - nhưng với kích thước nhỏ hơn và có niên đại tương tự.

"Đây không phải là ngôi đền duy nhất", Barbara Horejs, nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ Áo, chuyên gia thời kỳ đồ đá mới, vốn không tham gia các nỗ lực nghiên cứu gần đây, nói. "Điều đó làm cho câu chuyện hấp dẫn và lý thú hơn nhiều".

Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Nuri Ersoy còn đi xa đến mức nói rằng nơi này có thể được gọi là 'những kim tự tháp ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ'.

Bám vào lối sống suy tàn ?

gobekli3

Thay vì là dự án xây dựng kéo dài hàng thế kỷ truyền cảm hứng cho sự chuyển đổi sang nông nghiệp, Clare và người khác nay nghĩ rằng Gobekli Tepe là nỗ lực của những người săn bắn hái lượm bám vào lối sống vốn có của họ, là lối sống đang trở nên suy tàn khi thế giới xung quanh thay đổi.

Bằng chứng từ khu vực xung quanh cho thấy người dân ở các nơi khác thử nghiệm thuần hóa động vật và thực vật - xu hướng người dân trên 'Đồi Bụng' có thể đã cố cưỡng lại.

Clare lập luận rằng các cột khắc đá ở nơi này là manh mối quan trọng. Chạm khắc tinh xảo hình cáo, báo, rắn và kền kền trên các trụ và tường của Gobekli Tepe 'không phải những con vật bạn nhìn thấy hàng ngày,' ông nói. "Không chỉ là hình ảnh, chúng còn là câu chuyện, rất quan trọng trong việc gắn kết mọi người lại và tạo bản sắc chung".

Khi tôi lần đầu dạo bước quanh nơi này hơn 15 năm trước, tôi nhớ mình có cảm giác rất xa cách.

Gobekli Tepe được xây 6.000 năm trước so với bãi đá cổ Stonehenge của Anh, và ý nghĩa chính xác của các tác phẩm chạm khắc của nó - như thế giới người dân ở đó từng sống - khó mà nắm bắt được.

Điều đó, tất nhiên, là một phần sức hút lớn ở Gobekli Tepe.

Khi hàng ngàn du khách trầm trồ trước một nơi mà hầu hết mọi người chưa từng nghe nói đến một thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục cố gắng hiểu tại sao nó được xây hồi ban đầu. Và mỗi khám phá mới hứa hẹn sẽ thay đổi những gì chúng ta biết về nó và câu chuyện về văn minh nhân loại.

"Công trình mới không phá hủy luận án của Klaus Schmidt ; nó đứng trên vai ông ấy", Horejs nói. "Theo quan điểm của tôi, kiến thức đạt được rất lớn. Cách kiến giải đang thay đổi, nhưng đó chính là khoa học".

Andrew Curry

Nguồn : BBC Travel, 16/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Andrew Curry
Read 399 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)