Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một chuyến đò ngang qua bến Cà Tang (ở thôn Nông Sơn, xã Quế Trung) bị lật. Mười tám em học sinh bị chết chìm !
Trên các bến sông, những chiếc đò chở quá trọng tải thế này vẫn thường xuyên diễn ra, bất chấp hiểm nguy
Người phải chịu trách nhiệm trong tai nạn thương tâm này là ông Võ Nghĩnh, và kẻ liên đới là bào đệ của ông ta - ông Võ Quang Trang. Cả hai đều là những công dân lão hạng. Dù không ai trong số những gia đình nạn nhân nói trên đã thưa kiện hai nhân vật này, ông Võ Nghĩnh vẫn bị truy tố và xử phạt ba năm tù giam vì tội "vi phạm các qui định điều khiển giao thông đường thủy". Còn ông Võ Quang Trang, chủ con đò, bị ba năm tù treo vì đã "giao cho người không đủ điều kiện, điều khiển phương tiện giao thông" (Hồi Nhân, "Phiên tòa dành cho ai", Tuổi Trẻ, 26 Dec. 2003:4).
Ở tuổi tám mươi hai, ông Võ Nghĩnh, sau tai nạn thảm khốc này, (e) khó có thể còn đủ thần trí để sống thêm đôi ba năm nữa - cho dù là được sống ở nhà thương, chứ không phải… nhà tù (theo như lệnh xử phạt của tòa án "nhân dân" huyện Quế Sơn). Và đây không phải là lần đầu tiên công luận được nghe nhắc đến tên Quế Sơn.
Căn nhà ba mẹ con chị Quyến ở chỉ là mấy tấm tranh xiêu vẹo trên những cây cọc dựng tạm. Ảnh minh họa
Cách đây chưa lâu, trong mục Sổ Tay của tạp chí Thế Kỷ 21 – số tháng 6 năm 98, xuất bản tại California Hoa Kỳ, với tiểu đề "Những chị Quyến ở nông thôn Việt Nam" – cũng có ghi lại trường hợp của hai cư dân khác, ở địa phương này :
"Báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam đã đăng câu chuyện chị Võ Thị Quyến, người phụ nữ sống ở một ngôi làng cách huyện lỵ Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ba cây số. Câu chuyện có thể giúp ta hiểu tại sao ở những thôn làng tỉnh Thái Bình người dân đã nổi dậy.
Chị Quyến là một người nghèo nhất xã Quế Minh, theo lời giới thiệu của ông chủ tịch xã. Căn nhà ba mẹ con chị Quyến ở chỉ là mấy tấm tranh xiêu vẹo trên những cây cọc dựng tạm. Trong lều chỉ có một chõng tre đủ một người nằm, và mấy cái nồi gang sứt quai. Chị Quyến có ba sào ruộng, làm không đủ ăn. Ngoài việc làm ruộng chị chằm nón. Mỗi ngày chị chằm được một cái nón bán được 1 ngàn 900 đồng Việt Nam, trừ 500 đồng mua lá, 300 đồng mua chỉ cước, và 300 đồng mua tre mỗi ngày chị kiếm được 800 đồng (6 cent Mỹ), bằng giá một điếu thuốc lá 555 ở Sài Gòn…
Chị Võ Thị Quyến là người thế nào mà nghèo khổ đến như vậy ? Năm 1972, mới 16 tuổi, chị đã thoát ly gia đình "nhẩy núi" theo bộ đội tỉnh Quảng Nam làm công tác vận tải. Sau năm ‘giải phóng’ 1975, khi cha mẹ anh em đã chết, chị xin ra quân về nhà trông nom bà nội mù loà...
Bài phóng sự viết về xã Quế Minh còn kể đến anh Nguyễn Phước Minh. Mười năm trước đây anh Minh là người được ‘biểu dương kiện tướng lao động’ hàng ngày trên loa truyền thanh của nông trường Đại Thủy Lợi, Phú Ninh, Tam Kỳ - khi đảng cộng sản còn đang ‘xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa’ bằng tay chân. Thành tích của anh là đào đắp cả chục khối đất mỗi ngày. Với sức lực đó, anh trở về xã Quế Minh nhưng không làm gì đủ nuôi vợ con! Nhà anh cũng sơ xác như nhà chị Quyến. Vợ anh bệnh nằm liệt giường.
Xã Quế Minh nổi tiếng vì trận đói năm 1993, dân làng phải đào những củ sắn non lớn bằng chiếc đũa lên ăn. Hiện nay thanh niên trai tráng trong xã hầu hết đã bỏ đi kiếm ăn ở phương xa, đến nỗi có đám tang không tìm được đủ số thanh nhiên khênh quan tài.
Nói chị Quyến là người nghèo nhất xã Quế Minh cũng chưa chắc đúng vì, cũng theo lời ông chủ tịch xã, mức sống trung bình của người dân ở đây là 150 ngàn đồng một năm, tức hơn 12 ngàn một tháng (chưa được một Mỹ kim)… Làm cách nào người ta có thể sống với 12 đô la một năm ? Đó là điều không thể hiểu được khi có những nhóm cán bộ, như ở công ty dệt Nam Định, đã tham nhũng đến vài chục triệu Mỹ Kim… Nhưng chị Quyến không biết những chuyện xẩy ra ở công ty dệt Nam Định vì cả xã chỉ có hai tờ báo của đảng".
Với thành tích "thoát ly gia đình, nhẩy núi theo bộ đội", khi mới 16 tuổi, và "được ‘biểu dương kiện tướng lao động’ hàng ngày trên loa truyền thanh", anh Nguyễn Phước Minh, chị Võ Thị Quyến - hiển nhiên - là những người (vô cùng) cách mạng.
Ông Phạm Quế Dương cũng vậy. Ông ta đi theo cách mạng, từ năm 1945, lúc mới 14 tuổi. Chỉ khác có điều là sau khi xuất ngũ, ông ấy về sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ở thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nơi có đến hơn hai tờ báo Đảng được lưu hành - nên chắc chắn ông Phạm Quế Dương có biết vụ cán bộ tham nhũng mấy chục triệu Mỹ kim ở công ty dệt Nam Định, và rất nhiều vụ tương tự khác nữa.
Có thể vì thế nên ngày 2 tháng 9 năm 2002, ông Phạm Quế Dương - cùng một số người đồng chí hướng - đã làm đơn xin thành lập Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, với những hoạt động đề nghị (nguyên văn) như sau :
- Lên án tệ nạn tham nhũng tác hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.
- Tham gia phát hiện, tố giác vụ việc tham nhũng.
- Kiến nghị biện pháp xử lý vụ việc tham nhũng.
Có lẽ, ông Phạm Quế Dương đã tin tưởng rằng Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng (nếu được Đảng cho phép hoạt động) sẽ ngăn chận được sự bòn rút hàng tỉ mỹ kim mỗi năm - từ quĩ xóa đói giảm nghèo - do ngoại quốc viện trợ.
Tổ chức này cũng có thể làm cho thuế má, cũng như nhiều nguồn lợi và tài nguyên của quốc gia (đang bị khai thác vô tội vạ) không rơi hết vào túi của những kẻ gian tham. Và nếu việc "tố giác vụ việc tham nhũng" được toàn dân tích cực tham gia, rồi được Đảng xử lý nghiêm minh, rất nhiều tệ nạn xã hội khác nữa sẽ bị ngăn chận hoặc giảm thiểu.
Nhờ thế, rồi ra, sẽ có lúc Nhà Nước đủ tiền để bắc một cây cầu nhỏ - thay cho những chuyến đò ngang - qua bến Cà Tang. Từ đó, những công dân lão hạng (gần đất xa trời) như qúi ông Võ Nghĩnh, Võ Quang Trung … - nếu không được xã hội tích cực trợ giúp - cũng sẽ được yên thân nằm chết tại nhà mình, thay vì ở… nhà tù !
Cứ thế, mai hậu, ở những nơi như xã Quế Minh, xã Quế Trung… rồi cũng sẽ có ngân sách tạo dựng được những nhà máy hay công trường để người dân nơi đây có công ăn việc làm đủ sống. Họ sẽ khỏi phải đi tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xác sơ hoang vắng ("đến nỗi có đám tang không tìm được đủ số thanh niên khênh quan tài"), và bỏ lại những bến sông hiu quạnh - cùng với lũ bé thơ ngơ ngác - cho những cụ già chèo đò run rẩy.
Tiếc là Đảng đã không chia sẻ với ông Phạm Quế Dương về những viễn ảnh như thế. Chủ trương và chính sách của Đảng, về tương lai đất nước và dân tộc, xem ra, hoàn toàn khác thế. Đảng quả là có (thiết tha) kêu gọi ông Võ Nghĩnh, ông Võ Quang Trung, ông Phạm Quế Dương… chống Pháp. Đảng cũng (tha thiết) kêu gọi thế hệ của anh Minh, chị Quyến… bỏ cửa bỏ nhà thoát ly đi chống Mỹ.
Sau đó, Đảng hô hào mọi người đi giải phóng Cambodia, rồi động viên cả nước chống bọn giặc bá quyền phương Bắc. Nói tóm lại là Đảng ra lệnh cho toàn dân chống tất cả mọi thứ, nhưng chống tham nhũng thì không. Nhất định không.
Sao Đảng kỳ cục vậy cà ? Không lẽ Đảng không nhận ra rằng phần lớn những tệ nạn xã hội đều phát sinh bởi tham nhũng hay sao ? Chuyện rành rành vậy mà. Vấn đề, dường như, không phải do "nhận thức" mà là "động cơ". Dù trận chiến ai thắng ai giữa tư bản và cộng sản đã kết thúc, Đảng vẫn "cố tình nán lại chỉ để cốt nhặt chiến lợi phẩm" - như nhận xét của ông Hà Sĩ Phu, trong bài tiểu luận "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", viết vào tháng 5, năm 1993.
Cứ theo như lời của công dân Hà Sĩ Phu thì sở dĩ Đảng vẫn kiên trì đi theo Chủ nghĩa Xã hội, và vẫn cứ nhất định phải được toàn quyền lãnh đạo chỉ vì Đảng muốn được độc quyền… tham nhũng - thế thôi. Nói cách khác, Đảng đã hiện nguyên hình là… đảng cướp.
Hội Nhân dân chống tham nhũng, với chủ trương "lên án tệ nạn, tham gia phát hiện, tố giác vụ việc tham nhũng…" đã ("vô tình") kêu gọi mọi người chống … cướp. Và đó chính là lý do tại sao ông Trần Khuê, ông Phạm Quế Dương – cũng như những thành viên khác đã (và sẽ tiếp tục) lần luợt bị nhốt tù với cùng một tội danh : gián điệp !
Sau tai nạn thảm khốc ở bến Cà Tang, một nạn nhân may mắn thoát chết đã bị "tòa án nhân dân" của huyện Quế Sơn biến thành… thủ phạm ! Tuy thế, "con dê tế thần Võ Nghĩnh" sợ không làm giảm được sự trầm uất của những oan hồn trẻ thơ dưới đáy sông Thu Bồn. Đã thế, nó còn khiến cho người dân Quảng Nam thấy rõ hơn sự hèn kém, vô lương tâm, và hoàn toàn vô trách nhiệm của những giới chức có thẩm quyền tại địa phương.
Tương tự, những bản cáo trạng mà "tòa án nhân dân" Hà Nội áp đặt cho ông Phạm Quế Dương (cũng như cho những thành viên khác trong Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng) chỉ cho cả nước thấy rõ hơn cái bản chất đạo tặc của nhà nước hiện hành.
(Viết năm 2004)
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : Viễn Đông Daily, 25/02/2022