Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

4. Một chút riêng tư

Hơn tôi một cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh chống Pháp, Phạm Quế Dương là người Anh thân thiết với tôi suốt hơn nửa thế kỉ qua.

pdt1

Tại nhà Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương. Hà Nội 2018.

Là thượng sĩ, làm biên tập tờ báo binh chủng Thông tin, tôi thường xuyên có bài được sử dụng trên các cơ quan truyền thông quân đội, chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân. Năm 1970 tham dự cuộc gặp mặt cộng tác viên báo Quân đội Nhân dân ở nhà khách bộ Quốc phòng, trạm 66, cạnh cổng Cửa Bắc thành cổ Hà Nội, phố Phan Đình Phùng, tôi lần đầu được gặp anh Phạm Quế Dương. Lúc đó anh Phạm Quế Dương là đại úy, Tổng biên tập báo quân chủng Phòng Không – Không Quân.

Sau đó tôi đi học trường sĩ quan Thông tin, ra trường, vào mặt trận Tây Nguyên. Anh Phạm Quế Dương khi mang quân hàm thiếu tá cũng xuống đơn vị chiến đấu, làm chính ủy trung đoàn pháo cao xạ 243, sư đoàn 365, bảo vệ những trọng điểm bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất trên cung đường nối hậu phương miền Bắc với mặt trận miền Nam : cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, bến phà Long Đại, Quảng Bình. Tháng mười, năm 1972, khi sư đoàn pháo cao xạ 365 hành quân ra Bắc, tổ chức trận địa từ Cầu Đuống, Hà Nội đến Đồng Đăng, Lạng Sơn bảo vệ vùng trời phía Bắc Hà Nội thì thiếu tá Phạm Quế Dương là trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn.

Kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc, lại trở về với phố nhà binh Lý Nam Đế, Hà Nội, tôi mới gặp lại anh Phạm Quế Dương sau hơn mười năm xa cách. Xưởng Phim Quân Đội, 17 Lý Nam Đế Hà Nội, nơi tôi ở và làm việc chỉ cách nhà riêng anh Phạm Quế Dương, 37 Lý Nam Đế, vài khối nhà đều là các cơ quan quân đội như nhà xuất bản Quân đội, tòa án Quân sự trung ương…

Là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, anh Dương có trong tay nhiều bài viết ngồn ngộn tư liệu lịch sử. Khi có những tư liệu về góc khuất của những sự kiện và nhân vật lịch sử, khi có bài viết chân thực, thẳng thắn và mới mẻ về những vấn đề xã hội, anh Dương lại mang đến cho tôi một bản đánh máy, sau này là bản photo. Biên kịch phim tài liệu quân đội là công việc khá tự do, tôi thường hay đi. Nhiều lần anh Dương phải đến hai, ba lấn mới gặp tôi. Những trang tư liệu chân thực về một thời lịch sử oan nghiệt đang bị bưng bít được anh Phạm Quế Dương ưu ái, tận tình và bền bỉ mang đến cho tôi đã âm thầm thức tỉnh tôi.

Năm 1990, tôi chuyển hẳn vào Sài Gòn. Dẫn con gái là Phạm Quỳnh Anh, á quân cầu lông Hà Nội vào Sài Gòn thi đấu giải vô địch cầu lông toàn quốc, anh Phạm Quế Dương đã mất cả một ngày lặn lội một góc quận 11 tìm tôi mà không gặp. Nhà tôi ở 115/91/5 đường Lò Siêu, quận 11, có tới ba hàng chữ số với hai dấu gạch chéo trên con đường nhỏ không có vỉa hè, lại bị khối nhà chen chúc, lộn xộn cắt ngang, con đường nhỏ bị xóa mất một đoạn dài, bị chia thành hai khúc cách xa nhau. Anh Phạm Quế Dương đã lạc vào khúc không có số nhà tôi ở và cứ tưởng rằng đường Lò Siêu chỉ có khúc đó. Ngày đó lại chưa có điện thoại bỏ túi.

Anh Dương không tìm được tôi giữa Sài Gòn nhốn nháo nhưng tôi đã nhận được tình cảm thân yêu anh Dương dành cho tôi trong sâu thẳm, yên tĩnh lòng anh. Như tình cảm anh Dương dành cho những người ruột thịt.

Hai năm liền anh Dương không được công nhận là đảng viên bốn tốt. Sau năm 1975, cả nước đói deo đói dắt. Nhà nhà lo chạy ăn. Anh Dương chỉ lo chạy học ba đứa con. Cả ba con anh Dương đều được học tiếng Anh và học đàn piano. Bị đảng ủy cấp trên đánh giá là gia đình cán bộ quân đội cách mạng mà sinh hoạt theo lối tư sản, phai nhạt tình cảm giai cấp vô sản ! Cuối năm dù chi bộ nhất trí bình bầu anh Dương là đảng viên bốn tốt nhưng đảng ủy cấp trên không công nhận. Gia đình không dư dả, anh Dương chấp nhận sống kham khổ cho con được tiếp nhận giá trị văn hóa nhân loại, tiếp cận được với thế giới. Đảng viên như vậy đáng ra phải được năm tốt, mười tốt. Nhưng thôi, bố thà không được đảng viên bốn tốt để con được là người tốt.

Thấy ở nhà anh Dương không phải chỉ có tấm ảnh anh chụp với tướng Võ Nguyên Giáp mà còn có cả tấm ảnh anh Dương chụp với hung thần Sáu Búa Lê Đức Thọ. Tôi hỏi về tấm ảnh anh Dương ngồi cạnh Lê Đức Thọ, anh Dương bảo : Ngay từ số tạp chí Lịch Sử Quân Sự đầu tiên, mình đã gửi biếu anh Văn. Về sau thấy chỉ gửi cho riêng anh Văn thì không tiện nên mình gửi biếu thêm ông Duẩn, ông Đồng, ông Trường Chinh, ông Sáu Thọ. Một hôm thư kí ông Sáu Thọ điện thoại cho mình bảo ông Sáu Thọ muốn gặp mình và cho biết ngày ông Sáu hẹn gặp.

pdt2

Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương với vị tướng võ được những người lính thân cận gọi là Anh Văn.

Anh đã bắt tay anh Chính Hữu bao giờ chưa ? Anh Dương bỗng hỏi tôi. Dạ có. Tôi nói. Những lần vào trong thành học chính trị, gặp anh Chính Hữu, anh đưa tay cho em bắt. Chỉ có bàn tay em nắm chặt tay anh Chính Hữu, còn bàn tay anh Chính Hữu mềm nhũn thì hờ hững, không hề nắm tay em. Như người bề trên ban phát đặc ân cho bề tôi được nâng niu nắm tay bề trên vậy. Đúng vậy. Anh Dương công nhận lời tôi nói. Mình thường xuyên làm việc với cục Tư tưởng Văn hóa. Anh Hồng Cư cục trưởng. Anh Chính Hữu cục phó. Anh Chính Hữu là nhà thơ nhưng đúng như vậy. Ông Sáu Thọ thì khác. Ông bắt tay rất chặt, tỏ ra trân trọng và nồng nhiệt.

Ông Thọ tỏ ra quan tâm, hỏi khá kĩ về tạp chí của mình nhưng mình biết đó chỉ là cách vào đề thôi. Khi ông Thọ nhắc đến vụ xét lại chống đảng và nói rằng rất đau xót là những người đầu trò trong vụ án xét lại chống đảng phần lớn lại là tướng tá cấp cao, nắm giữ những vị trí trọng yếu trong quân đội. Từ Trung tướng, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh đến Thiếu tướng chăm lo việc hậu cần của quân đội Đặng Kim Giang. Từ Đại tá, Chánh Văn phòng bộ Quốc phòng, đến Đại tá cục trưởng cục Tác chiến, Đại tá, cục trưởng cục Quân báo. Từ chính ủy sư đoàn đến Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư kí tòa soạn báo Quân đội Nhân dân. Ra tay với nhóm xét lại, đảng lại phải ra tay với quá nhiều sĩ quan cấp cao quân đội mà đảng trông cậy. Đau xót lắm.

pdt3

Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương với ông quan đảng Lê Đức Thọ mang biệt danh đao phủ : Sáu Búa

Mình biết rằng đây mới là điều để ông Thọ cần gặp, mình liền lấy giấy bút ra ghi. Anh Dương nói tiếp. Nhưng ông Thọ bảo hôm nay ông không dành được nhiều thời gian cho cuộc gặp. Ông chỉ nói qua thôi. Để hôm khác ông sắp xếp được thời gian, mình sẽ đến làm việc với ông. Ông Thọ nói tiếp rằng bọn chống đảng mới chỉ chống bằng tư tưởng, lí luận. Họ chưa có lực lượng để chống bằng sức mạnh bạo lực. "Đảng là anh Ba Duẩn. Tư tưởng lí luận là anh Năm Thận. Tôi chỉ lo về công tác tổ chức đảng. Anh Ba, anh Năm cần xử lí về tổ chức mới đến phần việc của tôi". Ông Thọ nói như để thanh minh rằng ông đứng ngoài việc xử lí vụ xét lại chống đảng và dẫn chứng những cán bộ được ông phát hiện, cất nhắc, đề bạt như Đỗ Mười, như Nguyễn Thị Hằng đều là những cán bộ có năng lực, làm tốt những công việc nặng nề được đảng giao phó trong bộ máy nhà nước.

Ông Thọ say sưa nói rất rộng về việc sử dụng con người trong bộ máy đảng và nhà nước rồi lại quay về vụ xét lại chống đảng. Ông nhắc đi, nhắc lại rằng đám chống đảng mới chỉ là chống về tư tưởng lí luận mà đảng là anh Ba, tư tưởng lí luận là anh Năm. Nghe ông bảo hẹn một buổi khác sẽ có nhiều thời gian hơn, mình đoán rằng buổi đầu ông gặp mình chỉ để thăm dò xem mình là người thế nào. Xiết chặt tay tiễn mình, ông Thọ không gọi mình là đồng chí của quan hệ trong đảng nữa mà thân tình, suồng sã con người với con người : Lịch sử để lại cho mai sau là việc hệ trọng. Mình tin cậu. Lần sau cậu đến được với mình thì tốt. Cậu bận quá không đến được thì người thay cậu phải là người tin cậy.

Người mà mình tin cậy là Đào Thái Tôn. Chắc anh Trọng biết Đào Thái Tôn. Vâng. Anh Đào Thái Tôn học chuyên sâu về Hán Nôm, là cán bộ viện Hán Nôm. Anh Tôn đã có mấy năm là cán bộ phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội cùng ở nhà số bốn Lý Nam Đế với tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rất thân thiết với bọn em.

Nghe tôi nói về Đào Thái Tôn, anh Dương tiếp lời : Đào Thái Tôn có vốn Hán Nôm khá tốt, rất cần với tạp chí nghiên cứu lịch sử quân sự của bọn mình. Nghiên cứu lịch sử quân sự của bọn mình không chỉ là mấy chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Buôn Mê thuật, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 mà còn là phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1076, là chiến dịch Bạch Đằng năm 939 của Ngô Quyền và Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo, chiến dịch tổng tấn công mùa xuân Kỉ Dậu 1789 của Quang Trung. Nhiều lắm. Phải biết Hán Nôm mới tiếp cận được tư liệu gốc của những chiến dịch đó. Mắc chứng viêm tắc động mạch ngón chân khó chữa trị, người gày guộc xanh xao nhưng Đào Thái Tôn có tính cách mạnh mẽ, trung thực, thẳng thắn, không chịu được sự khuất tất, ngang trái, nịnh bợ. Mình rất quí Đào Thái Tôn và khi ông Thọ hẹn gặp thì minh cử Tôn đi.

Gặp ông Thọ về, Tôn bảo mình : Ông Thọ lộ ra nhiều chuyện hay lắm anh ạ. Nhưng em không viết được đâu. Viết sai sự thật đã chả ra gì. Viết sai lịch sử chỉ là hạng bất lương. Mình quí Tôn không phải ở cái học hàm Phó Giáo sư, ở cái học vị tiến sĩ Hán Nôm mà ở khí khái trung thực kẻ sĩ đó.

Anh Dương gói lại câu chuyện với ông Lê Đức Thọ : Mình vẫn biết ông Thọ đã biến quyền uy tổ chức đảng thành quyền uy của riêng ông. Trên ông Thọ chỉ có ông Ba Duẩn. Có lẽ Hồ Chí Minh ông Thọ cũng chẳng coi ra gì. Các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng luôn tự nhận là học trò của Hồ Chí Minh. Mình chưa hề đọc được một câu khiêm nhường của ông Thọ với Hồ Chí Minh. Và Hồ Chí Minh hình như cũng kị ông Thọ, chẳng bao giờ cho ông Thọ một chút quyền lực nhà nước nào. Không có quyền lực nhà nước thì ông có quyền lực đảng. Ông Thọ đã dùng quyền lực đảng làm cho đám quyền lực nhà nước nhiều phen thất điên bát đảo. Đến ông đại tướng thống lĩnh ba quân, ông Thọ còn triệt hết quyền lực bằng cách bứng ra khỏi quân đội, đặt vào ghế trưởng ban kế hoạch hóa gia đình, trông coi việc đẻ đái của đàn bà thì còn gì khinh thường, giễu cợt hơn.

Anh Dương cười cười bảo tôi : Mình biết thân biết phận chỉ là anh cán bộ quèn. Nhưng từ cái bắt tay đầu tiên của ông Thọ đã làm mình ngạc nhiên. Ông Thọ tỏ ra rất thân thiện, tử tế với mình. Tôi bảo : Ông Thọ tử tế với anh vì anh là lịch sử. Cái ác của cá nhân thì sợ pháp luật. Cái ác nhân danh thể chế, nhân danh pháp luật không sợ pháp luật, chỉ sợ lịch sử thôi. Vụ xét lại chống đảng là cái ác khủng khiếp nhân danh đảng, nhân danh thể chế cộng sản để những người cộng sản nắm quyền lực bộc lộ cái ác với nhau. Mà ông Thọ thực sự là người đầu trò gây ra vụ Xét lại chống đảng, gây ra cái ác đó.

Anh Phạm Quế Dương lại nhìn tôi cười cười. Anh luôn có nụ cười hiền hậu, bao dung như vậy.

Phạm Đình Trọng

(07/03/2022)

Published in Quan điểm

3. 19 thánh tù vì thực hiện quyền công dân được Hiến pháp 1992 bảo đảm ở Điều 69

Ngày 22/12/2002, đại tá Phạm Quế Dương đưa người bạn đời, đại tá phu nhân Đỗ Thị Cư đi chơi cho biết Sài Gòn. Sau khi thăm viếng bà con ruột thịt sống ở Sài Gòn, thăm chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, đi dạo đường Nguyễn Huệ, ngày 27/12/2002 vợ chồng Đại tá Phạm Quế Dương đến nhà 296 Nguyễn Trãi, quận 5 thăm vợ chồng nhà Hán Nôm học Trần Khuê.

pdt2

Bà Đỗ Thị Cư, người bạn đời của Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương

Trong khi hai bà vợ lúi húi làm bữa cơm gặp mặt thì hai ông chồng lại đau đáu với những nỗi đau của dân, những vấn nạn của nước. Nhắc đến công việc của Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng, hội phó thứ hai, thường trực phía Nam Trần Khuê đưa cho hội phó thứ nhất, thường trực phía Bắc Phạm Quế Dương tờ giấy ghi tên 16 người phía Nam xin tham gia Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng. Phạm Quế Dương liền cất tờ giấy vào chiếc túi xách mà đi đâu vợ ông cũng đeo bên người.

Chiều 28/12/2002, vợ chồng đại tá Phạm Quế Dương ra ga xe lửa Hòa Hưng trở về Hà Nội. Hai vợ chồng già vừa bước vào sảnh nhà ga, một đám hơn hai mươi người vừa mặc đổ dân sự, vừa mặc sắc phục công an như cơn lốc đột ngột ào đến. Người mặc đồ dân sự tự xưng là cán bộ quản lí thị trường đòi kiểm tra hành lí. Hai người già chỉ có túi quần áo nhỏ gọn như mọi người đi xa, có hàng hóa gì đâu mà công an phải đùng đùng bủa vây và quản lí thị trường phải xăm xoi nhòm ngó vậy ? Hai vợ chồng già thì việc gì phải huy động lực lượng đông đảo và dữ dằn vậy ?

Là cán bộ dân sự dù với dân buôn lậu đã nhẵn mặt, cán bộ quản lí thị trường vẫn thể hiện cách xử sự con người với con người, công dân với công dân, nhã nhặn, từ tốn, theo luật pháp. Còn với đám công cụ công an, mật vụ bị nhồi sọ, đầu độc bởi lí luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, chỉ biết có đảng, không biết đến đảng đó phản nước hại dân như thế nào, không biết đến quyền con người, quyền làm chủ đất nước của người dân. Bị nhồi sọ, đầu độc mớ lí luận sắt máu chuyên chính vô sản làm cho tính người nếu không mất hết cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Chỉ biết có đảng, không còn tính người, lại có súng ngắn lận lưng, có còng số 8 trong túi, có sức mạnh bạo lực nhà nước trong tay, đám công cụ tự coi luật pháp là họ, họ là luật pháp. Trước mặt họ đều là thế lực thù địch, đều phải ứng xử bằng sức mạnh bạo lực trấn áp, tiêu diệt. Thấy đám người trẻ to khoẻ bặm trợn xô dến vây cứng quanh mình, đại tá Dương biết ngay là đám mật vụ núp dưới danh nghĩa quản lí thị trường kiếm cớ gây sự.

Chúng đã kiếm được cớ : Tờ giấy ghi tên 16 người phía Nam tự nguyện tham gia Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng trong túi xách của vợ đại tá Dương. Chỉ liếc qua tờ giấy, vẻ mặt chúng đã giãn ra thoả mãn như con thú đã vồ được con mồi. Lập tức vợ chồng đại tá Phạm Quế Dương bị coi như tội phạm. Chúng áp giải vợ chồng đại tá Dương về công an phường 9, quận 3, rồi về nhà giam công an thành phố Sài Gòn, số 4 Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Hai vợ chồng già bị giam hai buồng riêng biệt.

Người đàn bà ngoài sáu mươi tuổi phải lột cả quần lót cho cô công an ở tuổi con cháu lạnh lùng, thô bạo khám xét, xấc láo tra hỏi, vợ đại tá Phạm Quế Dương bị cú sốc quá mạnh, quá ê chề, phải nhớ đời và thấy đám công an làm trò đó chỉ để xúc phạm nhân phẩm, hạ nhục con người chứ hoàn toàn không phải tìm tài liệu, tang chứng của tổ chức chính trị chống đối. Chỉ kẻ không còn tính người và ở thời mông muội mới hành xử như vậy.

Vợ chồng đại tá Phạm Quế Dương bị dẫn giải ra Hà Nội. Sau 11 ngày bị giam giữ, vợ đại tá Dương được trả tự do còn đại tá Phạm Quế Dương bị truy tố theo điều 258 bộ luật hình sự 1999, "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

pdt3

Nhà Hán Nôm học Trần Khuê, Phó Chủ tịch hội Nhân Dân Ủng Hộ Đảng Và Nhà Nước Chống Tham Nhũng.

Đây không phải lần đầu đại tá Phạm Quế Dương bị nhà nước cộng sản khởi tố hình sự. Trước Đại hội 5 đảng cộng sản, năm 1982, đại tá Phạm Quế Dương đã bị khởi tố trong vụ án hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì trong những bài viết và trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, đại tá Phạm Quế Dương đều chỉ ra Điều 4 Hiến pháp bảo đảm cho đảng cộng sản đương nhiên lãnh đạo nhà nước và xã hội không những tước đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân mà còn đặt đảng cộng sản ở ngoài và ở trên hiến pháp và pháp luật. Đại tá Dương đòi phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, phải có luật về đảng, đời sống chính trị đất nước mới thực sự lành mạnh. Đại tá Phạm Quế Dương bị khởi tố trước đại hội đảng. Đại hội đảng qua đi, liền đình chỉ khởi tố.

Trước nhiều kì đại hội đảng, pháp luật nhà nước và kỉ luật đảng nhiều lần được sử dụng quấy nhiễu, xúc phạm đại tá Phạm Quế Dương.

Trước Đại hội 6, năm 1986, đại tá Phạm Quế Dương bị tước tư cách đại biểu đảng bộ bộ quốc phòng tham dự đại hội đảng toàn quân. Trước Đại hội 7, năm 1991, đại tá Phạm Quế Dương bị khởi tố vụ án. Sau đại hội lại đình chỉ khởi tố. Trước Đại hội 8, năm 1996, đại tá Phạm Quế Dương bị triệu tập, bị khám nhà.

Những lần đó nhà nước cộng sản chỉ cần vô hiệu tư cách công dân, tư cách cộng sản của đại tá Phạm Quế Dương để màn diễn đại hội đảng của họ được tưng bừng, rực rỡ đúng kịch bản. Lần này là Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng chứ không phải đại hội đảng. Đại hội đảng chỉ vài ngày là xong. Hội Nhân dân chống tham nhũng được thành lập sẽ là nỗi đe dọa ngày càng lớn với nhà nước tham nhũng. Phải loại bỏ mối đe dọa đó khi mới là mầm mống.

Ngày 14/7/2004, nhà nước cộng sản đưa đại tá Phạm Quế Dương ra xử ở tòa án Thành phố Hà Nội. Xử chứ không phải xét xử. Không cho bị cáo và luật sư tranh tụng mọi khía cạnh pháp lí của cáo trạng, tòa chỉ làm thủ tục công bố bản án đã có sẵn trong túi quan tòa, tống đại tá Phạm Quế Dương vào tù nhằm bóp chết Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng.

Giấu bàn tay tội ác giết chết từ mầm mống một tổ chức xã hội dân sự công khai, hợp pháp, tòa án nhà nước cộng sản vu cho đại tá Phạm Quế Dương tội 258 không liên quan gì đến Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng. Tờ giấy viết tay ghi tên 16 người dân tham gia Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và những chống tham nhũng là tang chứng duy nhất để công an bắt giam vợ chồng đại tá Phạm Quế Dương, khi ra tòa, tang chứng lại là "Đội 3B quản lí thị trường phối hợp với công an phường 9 quận 3 kiểm tra hành lí của khách đi tàu là Phạm Quế Dương phát hiện trong hành lí thấy một số tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối chủ trương chính sách của đảng và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Khám nhà đại tá Phạm Quế Dương, công an thu nhiều bài viết của Đại tá. Những bài như : "Tôi tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để làm gì"… bị vu tội lên án đảng và nhà nước bóp nghẹt tự do dân chủ, vi phạm nhân quyền. Những bài viết khác của Đại tá như bài "Gót ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay"… viết về nỗi đau của lịch sử, của người dân Việt Nam do đất đai hương hỏa của cha ông để lại ở biên giới phía Bắc bị nhà nước cộng sản Việt Nam cắt dâng cho Tàu cộng trong Hiệp định phân định biên giới với Tàu cộng năm 1999, thì bị vu tội "gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước ta".

Những bài viết bộc lộ chính kiến, những hoạt động bộc lộ ý chí, nguyện vọng của người dân về sự hưng vong của đất nước đều là trách nhiệm công dân, đều là quyền công dân được ghi trong Hiến pháp, quyền tư do ngôn luận của con người được Hiến pháp bảo đảm.

pdt4

Ngày 14/7/2004, đúng ngày 215 năm trước người dân Pháp phá nhà ngục Bastille, đánh sập nền chuyên chế độc tài Bourbon.

Nhưng với những điều luật 79, 88, 258 trong Bộ luật hình sự 1999 vừa mơ hồ, vừa có biên độ rộng vô cùng tận, tạo cho bộ máy công cụ bạo lực của nhà nước cộng sản, công an, viện kiểm sát, tòa án muốn buộc tội người dân lương thiện nào cũng được, muốn buộc tội gì cũng được.

Vì Quyền tự do ngôn luận của công dân, đại tá Phạm Quế Dương đã bị tòa án nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên mười chín tháng tù trong phiên tòa ngày 14/7/2004, đúng ngày 215 năm trước người dân Pháp phá nhà ngục Bastille, đánh sập nền chuyên chế độc tài Bourbon. Đúng ngày người dân Pháp làm cách mạng tư sản dân quyền Tự do – Bình đẳng – Bác ái, mở ra kỉ nguyên dân chủ văn minh ! Thế giới đã phá bỏ nhà ngục giam cầm quyền tự do ngôn luận của người dân từ thế kỉ 18. Đến thế kỉ 21, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn mải miết, kiên trì xây những nhà ngục Bastille trong những điều luật hình sự 79, 88. 258, bỏ tù quyền tự do ngôn luận của người dân.

Phạm Đình Trọng

(03/03/2022)

Published in Quan điểm
vendredi, 25 février 2022 23:03

Phạm Quế Dương

Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một chuyến đò ngang qua bến Cà Tang (ở thôn Nông Sơn, xã Quế Trung) bị lật. Mười tám em học sinh bị chết chìm !

toquoc01

Trên các bến sông, những chiếc đò chở quá trọng tải thế này vẫn thường xuyên diễn ra, bất chấp hiểm nguy

Người phải chịu trách nhiệm trong tai nạn thương tâm này là ông Võ Nghĩnh, và kẻ liên đới là bào đệ của ông ta - ông Võ Quang Trang. Cả hai đều là những công dân lão hạng. Dù không ai trong số những gia đình nạn nhân nói trên đã thưa kiện hai nhân vật này, ông Võ Nghĩnh vẫn bị truy tố và xử phạt ba năm tù giam vì tội "vi phạm các qui định điều khiển giao thông đường thủy". Còn ông Võ Quang Trang, chủ con đò, bị ba năm tù treo vì đã "giao cho người không đủ điều kiện, điều khiển phương tiện giao thông" (Hồi Nhân, "Phiên tòa dành cho ai", Tuổi Trẻ, 26 Dec. 2003:4).

Ở tuổi tám mươi hai, ông Võ Nghĩnh, sau tai nạn thảm khốc này, (e) khó có thể còn đủ thần trí để sống thêm đôi ba năm nữa - cho dù là được sống ở nhà thương, chứ không phải… nhà tù (theo như lệnh xử phạt của tòa án "nhân dân" huyện Quế Sơn). Và đây không phải là lần đầu tiên công luận được nghe nhắc đến tên Quế Sơn.

toquoc2

Căn nhà ba mẹ con chị Quyến ở chỉ là mấy tấm tranh xiêu vẹo trên những cây cọc dựng tạm. Ảnh minh họa

Cách đây chưa lâu, trong mục Sổ Tay của tạp chí Thế Kỷ 21 – số tháng 6 năm 98, xuất bản tại California Hoa Kỳ, với tiểu đề "Những chị Quyến ở nông thôn Việt Nam" – cũng có ghi lại trường hợp của hai cư dân khác, ở địa phương này :

"Báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam đã đăng câu chuyện chị Võ Thị Quyến, người phụ nữ sống ở một ngôi làng cách huyện lỵ Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ba cây số. Câu chuyện có thể giúp ta hiểu tại sao ở những thôn làng tỉnh Thái Bình người dân đã nổi dậy.

Chị Quyến là một người nghèo nhất xã Quế Minh, theo lời giới thiệu của ông chủ tịch xã. Căn nhà ba mẹ con chị Quyến ở chỉ là mấy tấm tranh xiêu vẹo trên những cây cọc dựng tạm. Trong lều chỉ có một chõng tre đủ một người nằm, và mấy cái nồi gang sứt quai. Chị Quyến có ba sào ruộng, làm không đủ ăn. Ngoài việc làm ruộng chị chằm nón. Mỗi ngày chị chằm được một cái nón bán được 1 ngàn 900 đồng Việt Nam, trừ 500 đồng mua lá, 300 đồng mua chỉ cước, và 300 đồng mua tre mỗi ngày chị kiếm được 800 đồng (6 cent Mỹ), bằng giá một điếu thuốc lá 555 ở Sài Gòn…

Chị Võ Thị Quyến là người thế nào mà nghèo khổ đến như vậy ? Năm 1972, mới 16 tuổi, chị đã thoát ly gia đình "nhẩy núi" theo bộ đội tỉnh Quảng Nam làm công tác vận tải. Sau năm ‘giải phóng’ 1975, khi cha mẹ anh em đã chết, chị xin ra quân về nhà trông nom bà nội mù loà...

Bài phóng sự viết về xã Quế Minh còn kể đến anh Nguyễn Phước Minh. Mười năm trước đây anh Minh là người được ‘biểu dương kiện tướng lao động’ hàng ngày trên loa truyền thanh của nông trường Đại Thủy Lợi, Phú Ninh, Tam Kỳ - khi đảng cộng sản còn đang ‘xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa’ bằng tay chân. Thành tích của anh là đào đắp cả chục khối đất mỗi ngày. Với sức lực đó, anh trở về xã Quế Minh nhưng không làm gì đủ nuôi vợ con! Nhà anh cũng sơ xác như nhà chị Quyến. Vợ anh bệnh nằm liệt giường.

Xã Quế Minh nổi tiếng vì trận đói năm 1993, dân làng phải đào những củ sắn non lớn bằng chiếc đũa lên ăn. Hiện nay thanh niên trai tráng trong xã hầu hết đã bỏ đi kiếm ăn ở phương xa, đến nỗi có đám tang không tìm được đủ số thanh nhiên khênh quan tài.

Nói chị Quyến là người nghèo nhất xã Quế Minh cũng chưa chắc đúng vì, cũng theo lời ông chủ tịch xã, mức sống trung bình của người dân ở đây là 150 ngàn đồng một năm, tức hơn 12 ngàn một tháng (chưa được một Mỹ kim)… Làm cách nào người ta có thể sống với 12 đô la một năm ? Đó là điều không thể hiểu được khi có những nhóm cán bộ, như ở công ty dệt Nam Định, đã tham nhũng đến vài chục triệu Mỹ Kim… Nhưng chị Quyến không biết những chuyện xẩy ra ở công ty dệt Nam Định vì cả xã chỉ có hai tờ báo của đảng".

Với thành tích "thoát ly gia đình, nhẩy núi theo bộ đội", khi mới 16 tuổi, và "được ‘biểu dương kiện tướng lao động’ hàng ngày trên loa truyền thanh", anh Nguyễn Phước Minh, chị Võ Thị Quyến - hiển nhiên - là những người (vô cùng) cách mạng.

toquoc03

Ông Phạm Quế Dương cũng vậy. Ông ta đi theo cách mạng, từ năm 1945, lúc mới 14 tuổi. Chỉ khác có điều là sau khi xuất ngũ, ông ấy về sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ở thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nơi có đến hơn hai tờ báo Đảng được lưu hành - nên chắc chắn ông Phạm Quế Dương có biết vụ cán bộ tham nhũng mấy chục triệu Mỹ kim ở công ty dệt Nam Định, và rất nhiều vụ tương tự khác nữa.

Có thể vì thế nên ngày 2 tháng 9 năm 2002, ông Phạm Quế Dương - cùng một số người đồng chí hướng - đã làm đơn xin thành lập Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, với những hoạt động đề nghị (nguyên văn) như sau :

- Lên án tệ nạn tham nhũng tác hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

- Tham gia phát hiện, tố giác vụ việc tham nhũng.

- Kiến nghị biện pháp xử lý vụ việc tham nhũng.

Có lẽ, ông Phạm Quế Dương đã tin tưởng rằng Hội Nhân dân Việt Nam chống tham nhũng (nếu được Đảng cho phép hoạt động) sẽ ngăn chận được sự bòn rút hàng tỉ mỹ kim mỗi năm - từ quĩ xóa đói giảm nghèo - do ngoại quốc viện trợ.

Tổ chức này cũng có thể làm cho thuế má, cũng như nhiều nguồn lợi và tài nguyên của quốc gia (đang bị khai thác vô tội vạ) không rơi hết vào túi của những kẻ gian tham. Và nếu việc "tố giác vụ việc tham nhũng" được toàn dân tích cực tham gia, rồi được Đảng xử lý nghiêm minh, rất nhiều tệ nạn xã hội khác nữa sẽ bị ngăn chận hoặc giảm thiểu.

Nhờ thế, rồi ra, sẽ có lúc Nhà Nước đủ tiền để bắc một cây cầu nhỏ - thay cho những chuyến đò ngang - qua bến Cà Tang. Từ đó, những công dân lão hạng (gần đất xa trời) như qúi ông Võ Nghĩnh, Võ Quang Trung … - nếu không được xã hội tích cực trợ giúp - cũng sẽ được yên thân nằm chết tại nhà mình, thay vì ở… nhà tù !

Cứ thế, mai hậu, ở những nơi như xã Quế Minh, xã Quế Trung… rồi cũng sẽ có ngân sách tạo dựng được những nhà máy hay công trường để người dân nơi đây có công ăn việc làm đủ sống. Họ sẽ khỏi phải đi tha phương cầu thực, bỏ lại xóm làng xác sơ hoang vắng ("đến nỗi có đám tang không tìm được đủ số thanh niên khênh quan tài"), và bỏ lại những bến sông hiu quạnh - cùng với lũ bé thơ ngơ ngác - cho những cụ già chèo đò run rẩy.

Tiếc là Đảng đã không chia sẻ với ông Phạm Quế Dương về những viễn ảnh như thế. Chủ trương và chính sách của Đảng, về tương lai đất nước và dân tộc, xem ra, hoàn toàn khác thế. Đảng quả là có (thiết tha) kêu gọi ông Võ Nghĩnh, ông Võ Quang Trung, ông Phạm Quế Dương… chống Pháp. Đảng cũng (tha thiết) kêu gọi thế hệ của anh Minh, chị Quyến… bỏ cửa bỏ nhà thoát ly đi chống Mỹ.

Sau đó, Đảng hô hào mọi người đi giải phóng Cambodia, rồi động viên cả nước chống bọn giặc bá quyền phương Bắc. Nói tóm lại là Đảng ra lệnh cho toàn dân chống tất cả mọi thứ, nhưng chống tham nhũng thì không. Nhất định không.

Sao Đảng kỳ cục vậy cà ? Không lẽ Đảng không nhận ra rằng phần lớn những tệ nạn xã hội đều phát sinh bởi tham nhũng hay sao ? Chuyện rành rành vậy mà. Vấn đề, dường như, không phải do "nhận thức" mà là "động cơ". Dù trận chiến ai thắng ai giữa tư bản và cộng sản đã kết thúc, Đảng vẫn "cố tình nán lại chỉ để cốt nhặt chiến lợi phẩm" - như nhận xét của ông Hà Sĩ Phu, trong bài tiểu luận "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", viết vào tháng 5, năm 1993.

Cứ theo như lời của công dân Hà Sĩ Phu thì sở dĩ Đảng vẫn kiên trì đi theo Chủ nghĩa Xã hội, và vẫn cứ nhất định phải được toàn quyền lãnh đạo chỉ vì Đảng muốn được độc quyền… tham nhũng - thế thôi. Nói cách khác, Đảng đã hiện nguyên hình là… đảng cướp.


Hội Nhân dân chống tham nhũng, với chủ trương "lên án tệ nạn, tham gia phát hiện, tố giác vụ việc tham nhũng…" đã ("vô tình") kêu gọi mọi người chống … cướp. Và đó chính là lý do tại sao ông Trần Khuê, ông Phạm Quế Dương – cũng như những thành viên khác đã (và sẽ tiếp tục) lần luợt bị nhốt tù với cùng một tội danh : gián điệp !

Sau tai nạn thảm khốc ở bến Cà Tang, một nạn nhân may mắn thoát chết đã bị "tòa án nhân dân" của huyện Quế Sơn biến thành… thủ phạm ! Tuy thế, "con dê tế thần Võ Nghĩnh" sợ không làm giảm được sự trầm uất của những oan hồn trẻ thơ dưới đáy sông Thu Bồn. Đã thế, nó còn khiến cho người dân Quảng Nam thấy rõ hơn sự hèn kém, vô lương tâm, và hoàn toàn vô trách nhiệm của những giới chức có thẩm quyền tại địa phương.

Tương tự, những bản cáo trạng mà "tòa án nhân dân" Hà Nội áp đặt cho ông Phạm Quế Dương (cũng như cho những thành viên khác trong Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng) chỉ cho cả nước thấy rõ hơn cái bản chất đạo tặc của nhà nước hiện hành.

(Viết năm 2004)

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : Viễn Đông Daily, 25/02/2022

Published in Văn hóa
lundi, 28 février 2022 23:45

Tưởng nhớ Phạm Quế Dương

Dịch Covid vừa cướp đi của đất nước một con người trân quý. Phạm Quế Dương đã ra đi ngày 21/02/2022. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mất chí hữu niên trưởng mà mọi người đều kính yêu. Anh ra đi ở tuổi 91, môt tuổi rất thọ ở bất cứ nước nào trên thế giới. Dầu vậy mọi người biết anh đều vô cùng thương tiếc bởi vì anh thuộc loại người rất hiếm hoi mà ai cũng muốn giữ mãi.

duong0

Di ảnh Phạm Quế Dương (1931-2022)

Phạm Quế Dương sinh ngày 11/03/1931 tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi Cách Mạng Tháng 8 chuẩn bị, anh đang học lớp 9, một trình độ văn hóa tương đối cao vào lúc đó. Anh tình nguyện tham gia đội Thiếu Niên Tiền Phong và ngay sau đó, tháng 8/1945, nhập ngũ quân đội Việt Minh, sau này đổi tên là Quân Đội Nhân Dân. Năm 1948 anh được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Trong cuộc nội chiến Nam - Bắc, Phạm Quế Dương được gửi vào Nam năm 1965 trong quân chủng Phòng Không nhưng bị tai nạn và được gửi trở lại miền Bắc. Sau đó anh chủ yếu làm công tác chính trị và lên dần tới cấp bậc đại tá. Năm 1979 trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung Phạm Quế Dương là chủ nhiệm chính trị bên cạnh tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh mặt trận. Sau cuộc chiến này, từ năm 1980, anh là tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự cho đến khi về hưu năm 1990. Anh được rất nhiều huân chương kể cả Huân Chương Kháng Chiến hạng nhất và Huân Chương Chiến Sĩ Vẻ Vang hạng nhất trong trận Điện Biên Phủ. Ngày 06/01/1999, hai ngày sau khi Đảng Cộng Sản khai trừ tướng Trần Độ, Phạm Quế Dương trả thẻ đảng và mọi huân chương để phản đối.

Với trình độ học vấn cao so với đa số các cấp lãnh đạo quân đội cộng sản và với kiến thức do tự học liên tục, lại vào Đảng Cộng Sản rất sớm đáng lẽ Phạm Quế Dương phải lên cấp tướng nhưng trở ngại là anh là anh, Phạm Quế Dương, con người luôn luôn đặt sự thực và lẽ phải lên trên hết.

duong2

Tôi gọi Phạm Quế Dương lần đầu khoảng năm 1993 sau khi được Nguyễn Thanh Giang cho số điện thoại của anh. Trước đó tôi đã đọc một bài anh viết về cuộc phản kháng của nhân dân Thái Bình trong đó anh có nhắc đến tên tôi. Phạm Quế Dương hình như chờ cú điện thoại của tôi và làm tôi ngạc nhiên lý thú. Anh nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp một cách rất thông thạo. Anh giải thích là đã biết tiếng Pháp ngay từ khi đang học Thành Chung (lớp 9) và sau đó vẫn tiếp tục học thêm vì rất thích tiếng Pháp dù đi kháng chiến chống Pháp. Anh nói chuyện hồn nhiên và vui vẻ. Ngay sau đó tôi thân với anh hơn cả Nguyễn Thanh Giang. Mọi khoảng cách xã giao giữa chúng tôi biến mất ngay lập tức. Từ đó tôi gọi điên thoại cho anh khá thường xuyên và mỗi lần nói chuyện là một lần thích thú. Chúng tôi nói chuyện với nhau vui nhộn như nói đùa. Phạm Quế Dương là một mẫu người chân thực. Đó gần như là đặc tính chung của hầu hết những người cộng sản lão thành mà tôi đã có dịp tiếp xúc sau năm 1975, dù là Nguyễn Hộ, La Văn Liếm, Nguyễn Văn Trấn, Phùng Quán, Hữu Loan, hay Trần Độ, Trần Xuân Bách. Có lẽ vì thế mà sau cùng họ đều thất sủng, ngay cả Trần Độ và Trần Xuân Bách. Họ theo Đảng Cộng Sản chủ yếu để đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Về chủ nghĩa cộng sản hầu như họ chỉ biết một cách sơ sài rằng đó là một lý tưởng hướng tới thế giới đại đồng, xóa bỏ giầu nghèo. Nhưng Phạm Quế Dương hơi khác họ, anh thực thà một cách kỳ lạ, gần như ngây thơ.

Một thí dụ là trong những năm 1990 nhà anh gần như trở thành một trung tâm dân oan. Đồng bào từ các tỉnh tới Hà Nội khiếu kiện đến nhà anh để nhờ anh chỉ dẫn. Anh không chỉ giúp họ làm đơn mà nhiều khi còn lo cơm cho họ vì đa số rất nghèo, số tiền mang theo chỉ đủ sống vài ngày. Một trong những lý do khiến anh đồng cảm với họ có lẽ là vì chính anh cũng là một dân oan. Anh cũng đang đấu tranh đòi lại tổ đình bị chiếm đoạt. Tôi hỏi anh như thế có nguy hiểm không. Câu trả lời của anh khiến tôi ngạc nhiên. Phạm Quế Dương nói đó là hành động nhân đạo vì lẽ phải nên công an đâu có lý do gì để đàn áp. Nhưng đó chính là một trong những nguyên nhân đã khiến anh bị bỏ tù sau này.

Một thí dụ khác là cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn của tôi. Năm 2000, sau khi ấn hành tại hải ngoại tôi nhờ một người bạn chung gửi được cho ông Trần Độ một cuốn. Trần Độ đọc xong đưa cho Phạm Quế Dương. Phạm Quế Dương rất thích thú. Anh nói với tôi : "Mình đồng ý trên tất cả những gì Kiểng viết". Sau đó anh nhờ các bạn trong quân đội in ra và phân phối. Anh nói mỗi tuần họ in ra vài trăm cuốn và phân phối hết ngay. Một lần khi tôi gọi điện thoại về anh nói : "Anh em trong báo Quân Đội Nhân Dân vừa mới tới lấy 30 cuốn, anh em từ trong Nam ra muốn mang một số vào Sài Gòn nhưng sách đã phân phối hết rồi, họ in không kịp". Anh cũng đem tặng cho các vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Ba Đình, nơi gặp gỡ của các cựu cán bộ cộng sản lão thành. Phạm Quế Dương kể một chuyện vui về cuốn Tổ Quốc Ăn Năn. Một hôm anh hẹn đến thăm ông Trần Xuân Bách để tặng ông một cuốn nhưng đến nơi thì lại gặp cả ông Nguyễn Văn An -chủ tịch quốc hội và cựu trưởng ban tổ chức- cũng đang đến thăm ông Bách. Thấy không tiện tặng sách Phạm Quế Dương nói chuyện một lúc rồi cáo từ ra về. Nhưng chính ông Bách lại hỏi : "Thế cuốn Tổ Quốc Ăn Năn cậu hứa cho tớ đâu?". Phạm Quế Dương đành phải lấy từ túi sách ra một cuốn đưa cho ông Bách. Thấy vậy ông An hăm dọa : "Không cho tôi một cuốn là có chuyện à !". Cả ba người cùng cười và tiếp tục trò chuyện. Nhờ uy tín và bản tính nồng hậu Phạm Quế Dương đã thức tỉnh và tranh thủ được cảm tình của nhiều đảng viên cộng sản cho lập trường dân chủ.

duong3

Một hôm tôi gọi điện thoại về thăm anh thì được anh thông báo đã nhận lời làm đại diện Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng. Anh nói đây là sáng kiến của hai ông Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Hà, ông Chính sẽ là hội trưởng, còn ông Hà thì hoàn cảnh gia đình không cho phép giữ một vai trò đối lập công khai nào cả. Trên thực tế anh Dương sẽ điều khiển hội với sự công tác của một số anh em khác. Tôi giật mình và nói với anh rằng phải rất thận trọng vì đây là một hành động nguy hiểm. Tôi giải thích rằng chống tham nhũng có tổ chức là điều mà Đảng Cộng Sản sợ nhất và không bao giờ dung túng, bởi vì tổ chức sẽ nhanh chóng được toàn dân ủng hộ trong khi chống tham nhũng cũng là chống họ vì tham nhũng chính là họ. Họ bắt buộc phải nói chống tham nhũng nhưng họ cũng phải giành độc quyền chống tham nhũng. Cùng lắm họ chỉ chấp nhận những tiếng nói chống tham những từ những cá nhân đơn độc thôi. Phạm Quế Dương không phản bác nhưng cũng không hoàn toàn đồng ý với tôi bởi vì sau đó anh vẫn tiếp tục lên tiếng nhân danh Hội. Khi anh vào Sài Gòn thăm các anh em hội viên trong Nam thì họ ra tay, anh bị bắt tại nhà ga Sài Gòn ngày 29/12/2002, khi chờ lên tầu về Hà Nội. Tình cờ là ngay trước đó tôi có nói chuyện với anh. Tôi không biết anh vào Nam và chỉ điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Anh cho biết là đang ở Sài Gòn và sắp ra nhà ga để trở về Hà Nội.

Sau 19 tháng giam cầm anh bị đưa ra tòa và xử 19 tháng tù để được trả tự do ngay sau phiên tòa. Có lẽ chính quyền cộng sản đã nhận ra là anh không có âm mưu gì mà chỉ làm những điều mình nghĩ là hợp lẽ phải. Họ vẫn để anh được hưởng trọn vẹn lương hưu. Có một hiểu lầm và một xuyên tạc lớn về vụ án Phạm Quế Dương mà tôi thấy cần phải cải chính. Báo chí nhà nước loan tin rằng Phạm Quế Dương đã thành khẩn nhận tội để được khoan hồng. Quả thật Phạm Quế Dương có nhận gần hết những gì họ cáo buộc anh, như đã sưu tập tài liệu và viết bài chống lại chính quyền cộng sản và cũng có liên lạc với một số người dân chủ ở nước ngoài nhưng đó không phải là nhận tội mà chỉ là những điều anh không hề giấu ai, trước cũng như sau khi bị bắt giam.

Phạm Quế Dương bị đối xử rất tệ ít nhất trong thời gian đầu sau khi bị bắt. Anh không có chăn và cũng không có áo lạnh nên ban đêm rất khổ sở và sức khỏe bị suy sụp nhanh chóng. Sau khi được trả tự do anh yếu hẳn đi, buồn ngủ suốt ngày nhưng không ngủ được lâu, trí nhớ mất dần. Tuy vậy Phạm Quế Dương vẫn là Phạm Quế Dương, vẫn làm tất cả những gì có thể làm. Anh tham gia thành lập, viết bài và phổ biến bán nguyệt san Tổ Quốc trong nước từ năm 2007 và không hề giấu giếm ai, trái lại còn công khai phân phát cho bạn bè. Năm 2010 sau khi Nguyễn Thanh Giang bị làm phiền quá nhiều anh bảo tôi : "Thế thì để mình làm tổng biên tập thay Giang đi !". Tôi ngập ngừng rồi đồng ý vì nghĩ rằng cùng lắm anh chỉ có thể bị công an lâu lâu tới hỏi thăm, không có gì đáng ngại. Tuy vậy sau một thời gian vì thấy sức khỏe anh quá suy sụp, anh em chọn một tổng biên tập ở nước ngoài để tránh cho anh bị quấy nhiễu.

duong4

Bán nguyệt san Tổ Quốc trong nước từ năm 2007

Hai anh em chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý. Việc anh tham gia thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng là một thí dụ. Một thí dụ khác là về ông Võ Nguyên Giáp mà anh rất ái mộ nhưng tôi lại không đánh giá cao, trái lại anh coi ông Đỗ Mười chẳng là gì so với ông Giáp trong khi tôi lại thấy ông Đỗ Mười hơn hẳn ông Giáp. Tuy vậy, trừ trường hợp Hội Nhân Dân Việt Nam Chống Tham Nhũng, chúng tôi chỉ vừa cãi nhau vừa cười. Phạm Quế Dương coi tôi như một thằng em và tôi cũng coi anh như người anh cả. Anh là một người rất khó tìm thấy trên đất nước Việt Nam sau quá nhiều thảm họa khiến sự luồn lách để sống trở thành một phản xạ. Dù trong suốt cuộc đời hoạt động, anh đã trải qua không biết bao nhiêu là hiểm nguy, đã chứng kiến không biết bao nhiêu là gian trá lừa lọc nhưng thực tế hầu như không có ảnh hưởng nào trên anh. Phạm Quế Dương vẫn ngang nhiên nói và làm những gì mình thấy là đúng. Trong hơn hai mươi năm thân quen tôi chưa bao giơ thấy anh thù ghét ai, cũng chưa bao giờ thấy anh tỏ ra quan tâm tới an ninh, địa vị, quyền lợi hay danh tiếng của mình. Phạm Quế Dương hoàn toàn không có khả năng thích nghi với sự dối trá. Anh không biết tính toán và cũng không biết sợ. Tôi kính yêu anh vì thế.

duong5

Có lẽ chính quyền cộng sản cũng phần nào nhận ra con người Phạm Quế Dương. Báo Quân Đội Nhân Dân loan tin "Đồng chí Đại tá Phạm Quế Dương" qua đời với cụm từ "vô cùng thương tiếc". Quá trễ vẫn còn hơn không. Nhưng để mất một con người như Phạm Quế Dương là Đảng Cộng Sản đã chứng tỏ họ mất sức sống và lẽ sống.

Tôi không thấy cần phải chúc anh yên nghỉ. Lương tâm anh lúc nào cũng bình yên. Anh đã nhập Niết Bàn ngay khi còn sống.

Nguyễn Gia Kiểng

(28/02/2022)

Published in Quan điểm

Đại tá Phạm Quế Dương (11/03/1931 – 21/02/2022)

Từ hơn năm nay biết sức khỏe của người Anh, đại tá Phạm Quế Dương mỗi ngày một kém đi, tôi đã nhờ một người thân cũng rất quí trọng Anh Phạm Quế Dương cùng ở phố Lý Nam Đế thường xuyên đến thăm Anh Phạm Quế Dương, thường xuyên cho tôi biết tin về người Anh thân yêu Phạm Quế Dương của tôi. Dù biết sức khỏe của Anh đang tiệm lùi chậm chạp nhưng bền bỉ theo qui luật về số không, tôi vẫn đau đến lặng người khi nghe tin Người Anh Lớn Phạm Quế Dương mất ngày 21/02/2022.

pqd2

Đại tá Phạm Quế Dương (phải) và Phạm Đình Trọng – Ảnh minh họa

Lúc Anh Phạm Quế Dương còn tỉnh táo, tôi đã đưa Anh đọc bài tôi viết về Anh. Anh xác nhận mọi sự việc cuộc đời Anh trong bài đều đúng nhưng Anh không muốn tôi công bố. Nay Anh Phạm Quế Dương đã về thế giới Người Hiền. Những Người Hiền cao cả mà bình dị dù đang sống hay đã khuất bóng đều làm đẹp cuộc sống và có sức nâng đỡ rất nhiều phần Ngưởi ở những người khác. Phạm Quế Dương là một Người Hiền như vậy.

Bài viết Người Hiền - Đại tá Phạm Quế Dương khá dài. Xin được chia thành bốn kì.

1. Giã từ cộng sản

19 tháng mười hai, năm 1946, Hà Nội nổ súng kháng chiến chống Pháp. Vương Thừa Vũ 36 tuổi là tư lệnh và Trần Độ 23 tuổi đời, 6 tuổi cộng sản là chính ủy mặt trận Hà Nội.

Phạm Quế Dương 15 tuổi là liên lạc của chính ủy Trần Độ.

Từ mặt trận Hà Nội đi qua bốn cuộc chiến tranh nối tiếp, chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam – Bắc, chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới phía Nam, chính ủy Trần Độ trở thành vị tướng trận mạc, trở thành nhà cầm quân hàng đầu của quân đội công nông. Liên lạc viên Phạm Quế Dương qua khóa 5 trường sĩ quan Lục quân Trần Quôc Tuấn, qua các chiến dịch Tu Vũ, Hòa Bình, Điện Biên Phủ cũng trở thành sĩ quan chính trị đại đội, trung đoàn, sư đoàn, sĩ quan cục Tư tưởng Văn hóa, Tổng cục Chính trị, rồi Đại tá, Tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự.

Tướng của cuộc chiến tranh cách mạng được người dân biết đến, sau Võ Nguyên Giáp là Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn, Trần Độ…

Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn... chỉ là tướng cầm quân, tướng của những chiến dịch, tướng quân sự. Là tướng quân sự, Trần Độ còn là vị tướng trên trận địa tư tưởng văn hóa.

Tướng quân sự, tướng chiến dịch, tướng tư lệnh, dù là đại tướng, tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vẫn chỉ là công cụ của chính trị, chỉ là Thiên Lôi, chỉ đâu đánh đấy. Phải phục tùng chính trị, răm rắp chấp hành sự sai bảo, điều khiển của chính trị, phải nhẫn nhục chịu đựng cả sự xúc phạm của chính trị như tướng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phải chịu đựng sự xúc phạm của thủ lĩnh chính trị Lê Duẩn. Tướng tư tưởng thì không. Tướng tư tưởng không thể là công cụ của chính trị mà là nhà tư tưởng, đối thoại với chính trị.

Trần Độ đối thoại với chính trị :

Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.

...Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần cuả nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều. Nó đang làm hại cả một nòi giống.

Trần Độ xác định vị trí, tư thế nhà tư tưởng Trần Độ :

Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ. Tôi không tán thành cái thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên thế giới và đã gây nên nghèo đói ở Việt Nam. Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hóa, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể đảng nữa.

Trần Độ ở tư thế đối thoại :

Đảng cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức đảng, trừ bỏ "hiệp thương" mà thực chất là gò ép. Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp

Đảng cộng sản kiên trì mớ lí luận Mác Lê nin, kiên trì chủ nghĩa xã hội chỉ để kiên trì độc quyền quyền lực nhà nước, độc quyền cai trị xã hội đương nhiên không thể chấp nhận đối thoại tư tưởng, không thể chấp nhận tư tưởng Trần Độ. Không chấp nhận tư tưởng Trần Độ nhưng đảng độc quyền không dám công khai loại bỏ Trần Độ vì lí do tư tưởng mà phải gài bẫy bôi nhọ Trần Độ về nhân cách để có cớ kỉ luật, loại bỏ Trần Độ về sinh hoạt cá nhân.

Ngày 4/1/1999, Trần Độ, Trung tướng, nguyên Ủy viên trung ương đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chính ủy quân Giải phóng miền Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, 76 tuổi đời, 59 tuổi cộng sản bị kỉ luật khai trừ đảng.

Ngày 6/1/1999, Phạm Quế Dương, Đại tá, nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự, 68 tuổi đời, 51 tuổi cộng sản vào văn phòng Tổng cục Chính trị trong thành cổ Cột Cờ, Hà Nội trả lại thẻ đảng, trả lại huy hiệu 40 tuổi đảng và trả lại hơn hai chục huân chương, huy chương các loại để phản đối việc khai trừ đảng với tướng Trần Độ, vị tướng có công lớn với cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Năm 1999, người cộng sản có 51 tuổi đảng Phạm Quế Dương trả lại thẻ đảng, từ bỏ đảng cộng sản thì 45 năm trước, năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người cộng sản đó là chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ.

Trận địa của đại đội Phạm Quế Dương bị máy bay Pháp phát hiện, tập trung dội bom, bắn phá. Bốn khẩu pháo cao xạ 37 li thì ba khẩu bị máy bay Pháp phá hủy. Đại đội trưởng và chính trị viên trưởng hi sinh. Đại đội phó bị đạn bắn gãy xương và phá nát đùi trái. Chính trị viên phó đại đội Phạm Quế Dương đứng vào vị trí đại đội trưởng, cầm lá cờ chỉ huy thét trong tiếng bom đạn : Các đồng chí đảng viên cộng sản theo tôi về vị trí chiến đấu, giữ vững trận địa.

Tiếng thét, lời kêu gọi từ trái tim đảng viên cộng sản Phạm Quế Dương đã xốc lại ý chí chiến đấu, truyền sức mạnh cho những người lính. Những người lính còn sức chiến đấu dù là đảng viên hay quần chúng lại chia nhau các vị trí ở khẩu pháo còn lành lặn. Trận địa đang lặng ngắt không một chớp lửa, không một đường đạn đánh trả. Được dịp, máy bay Pháp càng lồng lộn quyết xóa trắng một mối đe doạ với chúng. Bỗng những loạt đạn 37 li từ trận địa đột ngột quất lên tốp Hellcat F6F nối tiếp bổ nhào bắn phá trận địa. Một chiếc Hellcat lãnh trọn một đường đạn thẳng căng, bùng cháy lao xuống cánh rừng phía Bắc thung lũng Mường Thanh.

Mừng công tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ Phạm Quế Dương được đề bạt lên chính trị viên trưởng, được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất.

Ngày 6/1/1999, cùng với việc trả lại thẻ đảng, từ bỏ cộng sản, Đại tá Phạm Quế Dương đã trả lại cả tấm huân chương chiến công hạng nhất Điện Biên Phủ cùng tất cả huân chương các loại mà ông đã được trao tặng trong suốt 45 năm mặc áo lính đi qua bốn cuộc chiến tranh như một thái độ dứt khoát từ bỏ quãng đời đi cùng đường với những người cộng sản.

Phạm Đình Trọng

(25/02/2022)

Published in Quan điểm