Những con cóc vàng
Sau khi nhai nghiến ngấu máu, xương, da, thịt, hạnh phúc, tâm hồn và lương tâm của hàng triệu sinh linh, da con cóc chúa từ màu vàng chuyển sang màu đỏ hồng và cuối cùng thành màu đen tuyền vĩnh cửu, đen hơn cả bóng tối của bốn ngàn năm dồn lại.
Con cóc đen chết, xác được đặt trong hang đen, sâu thẳm, và nồng nặc ngất trời mùi tử khí oan khuất lưu cửu. Nó chết nhưng vẫn ngự trị qua hình ảnh, khẩu hiệu, màu cờ, và qua mùi cóc chết vẫn lan tỏa ra khắp nơi và liệm kín từ từ cảnh vật và con người.
Con cóc đen chết, xác được đặt trong hang đen, sâu thẳm, và nồng nặc ngất trời mùi tử khí oan khuất lưu cửu.
Những con cóc đen, dòng giống của con cóc chúa, sinh sôi khắp nơi. Chúng ngồi chồm hổm trên cả nước, chúng phóng uế vào chốn thâm nghiêm, vào góc riêng tư, vào nơi trong sáng thơ ngây. Chúng ngồi ngự trị trong tù, chúng ngồi núp trên đường, chúng nhảy lên bàn Quốc hội, lên ghế quan tòa, lên ngòi bút. Chúng bôi đen trẻ thơ. Chúng nhảy ào ào vào đất dân để ngồi chiếm cứ để lập hang, dựng lãnh địa. Chúng rao giảng đạo đức Cóc, chúng ngồi trên lịch sử để sáng tác ra lịch sử Cóc, chúng tung hô dòng họ Cóc vốn đã bị đào thải khắp nơi bên ngoài nước Cóc lẻ loi của chúng.
Hôm nay, chúng tiến hóa không phải qua hàng triệu năm mà qua hàng triệu số phận con người mà chúng đã nhảy lên và bám chặc không rời vào người họ để hút máu và nhai xương họ. Qua thời gian bóc lột hóa ngắn này, chúng hóa thành những con cóc vàng bụng phệ, sống phè phỡn ghê tởm và đú đởn trong những lâu đài vàng, ngồi chễm chệ chồm hổm trên những chiếc ghế vàng chạm đầu rồng ngậm ngọc.
Dưới lớp vàng ấy là muôn vàn lớp máu, lớp đau khổ, lớp thở dài, lớp lo âu, lớp oan ức triền miên của bao kiếp người.
Những con cóc vàng này sẽ thụ hưởng để chờ ngày nhân dân đứng dậy dẹp tan chúng, đuổi chúng trở lại vào hang rậm đầm lầy quê cũ của chúng. Trước, trong và sau thời gian đứng dậy ấy, đám người cóc vàng này sẽ xếp hàng trước cửa địa ngục nhân quả để chờ mang lông đội sừng cho kiếp sau.
Thời người thành cóc và cóc nhảy lên thành người là thời của tôi và bạn. Hãy hành động trước khi cóc nhiều hơn người và trước khi con cháu ta biết đâu sẽ trở thành những con cóc đen, vàng, đỏ ngồi phóng uế lên tương lai của quê hương.
Những con thú trong con người
Sau khi làm "cách mạng" cướp chính quyền, họ bắt đầu tàn sát hàng triệu người qua chiến tranh và khủng bố. Người dân sợ họ vô cùng và gọi họ là những con cọp.
Người dân ghê tởm họ và gọi họ là những con cóc.
Nắm quyền lực và thống trị tuyệt đối nhân dân rồi, họ bắt đầu ăn không từ một thứ gì để vơ vét và làm giàu. Người dân nguyền rủa họ không tiếc lời và gọi họ là những con lợn.
Tích lũy của cải khổng lồ xong, họ bắt đầu khoe nhà vàng, lầu ngọc một cách kệch cỡm của những kẻ vô học. Người dân ghê tởm họ và gọi họ là những con cóc.
Họ bắt đầu no cơm ấm cật rồi sướng quá hóa cuồng, tối ngày chỉ mơ chuyện chăn gối. Người dân cười họ và gọi họ là những con dê.
Còn họ coi nhân dân là những con cừu gọi dạ bảo vâng. Và họ nghĩ những con cừu này là tầng lớp trâu bò nai sức ra cày để nuôi béo họ và gia đình.
Họ từng tuyên bố : "Không con bò hay con lừa nào có thể ngăn cản tiến bộ của chủ nghĩa xã hội" (1).
Dưới mắt ta họ là những người hóa thú. Dưới mắt họ ta cũng là người thành thú. Cho nên xã hội ngày nay trở thành rừng rú nơi những con thú quyền thế cai trị và bóc lột những con thú nô lệ, và những con thú nô lệ cùng quẩn quay ra cắn xé lẫn nhau.
Trách họ một thì trách ta mười. Mình phải như thế nào những con thú này mới coi mình là những con thú nô lệ được chúng chăn dắt để đi tìm chủ nghĩa xã hội hoàn thiện trên con đường hóa thú trăm năm chứ.
Nhân quả
Tội ác của cộng sản là một đại dương sâu thẳm và vô bờ bến. Đại dương ấy sẽ không còn sâu thêm và rộng hơn chỉ khi các bóng ma cộng sản cuối cùng biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất.
Tội ác của cộng sản là một đại dương sâu thẳm và vô bờ bến.
Một giọt nước mà mới rơi xuống đại dương ấy là tội ác mới được phơi bày của chế độ cộng sản Việt Nam đối với cựu tù lương tâm Huỳnh Anh Trí. Do phải dùng chung dao lam cạo râu hay do bị cùm trong các cùm còn rướm máu của những tù nhân bị nhiễm HIV đã bị cùm trước đó nên anh Trí hiện mắc bệnh AIDS ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế kể ông chứng kiến một tu sĩ công giáo rất trẻ hấp hối bị bỏ mặc cả ngày dưới ánh nắng gay gắt. Thêm một giọt nước nữa đã rơi tự lâu xuống đại dương ấy giờ mới vang vọng đến lương tâm chúng ta. Gần một trăm năm qua muôn vàn triệu giọt nước tội ác như thế và hơn thế đã tích tụ lại trong đại dương vô cùng tận ấy mà khởi đi từ ý thức hệ vô nhân đạo nhất và tàn ác nhất trong lịch sử loài người.
Người cộng sản tàn ác vì họ không có khái niệm về thiện và ác mà nuôi dưỡng và hình thành nền văn minh nhân bản và tinh thần của con người. Cho nên chống cộng không chỉ đơn thuần là hành động chính trị mà còn là một hành động khôi phục khái niệm cơ bản thiện và ác đã mờ nhạt trong xã hội-nhà tù toàn trị.
Tội ác của các chế độ cộng sản là vô cùng tận vì những người gián tiếp và trực tiếp gây ra tội ác không còn lương tâm hướng thiện của con người. Thay vào lương tâm đã bị tẩy trắng ấy là dùi cui, báng súng, gông cùm, thủ đoạn, pháp trường, gian dối, và bản năng hoang sơ. Nơi ánh sáng lương tri và thương yêu đã tắt con thú trỗi dậy trong tim người để điều khiển hành động của họ.
Cho nên cộng sản căm ghét tôn giáo vì tôn giáo, qua hành động gieo mầm thiện trong lòng con người, đã cản trở quá trình thú hóa con người của cộng sản.
Cho nên cộng sản căm ghét những nhà bất đồng chính kiến và những tù nhân lương tâm vì họ là tiếng nói đạo đức cho xã hội bị áp bức, là hình ảnh nhân phẩm cho xã hội bị tước đoạt nhân phẩm, là tương lai cho xã hội chỉ có quá khứ, là niềm hy vọng cho xã hội tuyệt vọng về chính trị.
Đức Phật dạy nếu con người nói hay hành động với tâm ác thì đau khổ sẽ theo họ như bánh xe theo chân của con bò kéo xe và nếu con người nói hay hành động với tâm thiện, hạnh phúc sẽ theo họ như hình với bóng. Nhân quả ấy hiển hiện trong nhà tù cộng sản nơi cuộc đấu tranh giữa những người tù lương tâm và chế độ là cuộc đấu tranh giữa tâm thiện và tâm ác.
Người tù lương tâm vào tù với trái tim trong sáng vì họ đấu tranh cho chính nghĩa, công lý, tự do và nhân phẩm. Họ không ký giấy nhận tội để ra tù, họ không khuất phục, họ thương yêu và bênh vực những người tù đồng cảnh. Thể xác của họ có thể bị hủy diệt nhưng lương tâm, tâm hồn, và ý chí của họ càng trong sáng và mạnh mẽ. Ra tù họ vẫn tiếp tục đấu tranh bằng nhiều cách trong khả năng của mình để góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Niềm hạnh phúc tâm hồn này theo họ như hình với bóng dù trong xà lim tù hay ở xã hội bên ngoài. Nhà tù là nơi tâm hồn họ trở nên cao thượng hơn và nhân ái hơn. Hãy nghe và nhìn chị Đỗ thị Minh Hạnh hát những bài hát chị sáng tác trong tù hay hãy đọc những bài thơ trong tù của anh Lê Công Định. Tâm hồn họ tỏa sáng hạnh phúc nội tâm mà không một chế độ phi nhân nào có thể dập tắt được.
Những công an, cai tù, quản giáo - những khuôn mặt hiện thân của chế độ trong nhà tù - là những người đã trao lương tâm họ cho chế độ. Vì thế họ là công cụ không hơn không kém. Tính người ở họ đã không còn khi họ xuống tay hay ra lệnh đánh đập, tra tấn hay hành hạ những người tù lương tâm bằng mọi cách không lương thiện. Bên ngoài họ có vẻ thỏa mãn với địa vị và quyền hành sinh sát với tù nhân. Nhưng họ là con người ở ngoài xã hội và là con thú ở trong tù nơi niềm vui và sự thành đạt của họ tỷ lệ với mức độ đau đớn về thể chất của những người tù.
"Nhưng tại sao số phận không trừng phạt họ mà họ còn giàu có lên ?" Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn hỏi như thế và trả lời như sau :
"Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này là ý nghĩa của sự tồn tại trên trần thế này không ở sự thành đạt như chúng ta quen suy nghĩ, mà ở sự phát triển tâm hồn. Từ quan điểm này, những kẻ tra tấn chúng tôi đã bị trừng phạt một cách khủng khiếp nhất : họ đang rơi xuống và biến thành những con lợn, ngày càng xa dần con người".
Trần Quốc Việt
(09/03/2022)
------------------------
(1) Lời của Erich Honecker, Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Đức vào ngày 7 tháng 10, 1989.
********************
Trăm năm cuộc đời
Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
Tại sao con người nên sống trăm năm ? Chuyện như thế này. Thánh Allah ban cho tất cả các loài vật mỗi loài năm mươi năm, và thấy như thế là đủ. Nhưng con người đến sau cùng, song Thánh Allah chỉ còn lại vỏn vẹn hai mươi lăm năm.
Hai mươi năm cuối cùng thiên hạ sẽ cười nhạo ngươi như cười nhạo con khỉ…".
Con người liền bắt đầu than van như thế không đủ. Thánh Allah nói, "Đủ rồi !". Con người đáp, "Không, chưa đủ". Thánh Allah nói, "Được rồi, ngươi hãy đi hỏi xem có ai dư năm thì cho bớt ngươi".
Con người đi gặp con ngựa. "Ngựa ơi, nghe đây", con người nói, "Đời tôi sao ngắn quá. Hãy cho tôi một số năm của bạn".
"Được rồi", con ngựa nói, "hãy lấy hai mươi lăm năm của ta".
Con người đi thêm một đoạn đường thì gặp con chó. "Chó ơi, nghe đây, hãy cho tôi một phần tuổi thọ của bạn".
"Được rồi, hãy lấy hai mươi lăm năm của ta".
Con người tiếp tục đi. Trên đường con người gặp con khỉ, và xin thêm được hai mươi lăm năm nữa từ con khỉ.
Rồi con người quay trở lại gặp Thánh Allah.
Thánh Allah nói, "Ngươi muốn sao thì được vậy. Hai mươi năm đầu tiên ngươi sống ra con người. Hai mươi năm thứ hai người sẽ cày như ngựa. Hai mươi năm thứ ba ngươi sẽ gầm gừ như chó. Còn hai mươi năm cuối cùng thiên hạ sẽ cười nhạo ngươi như cười nhạo con khỉ…".
Alexander Solzhenitsyn
Nguyên tác : Trích từ tác phẩm "Khu ung thư" (Cancer Ward), bản dịch tiếng Anh của Nicolas Bethell và David Burg, nhà xuất bản Bantam Books, tháng Hai 1969, chương 2, trang 23-24. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
(09/03/2022)