Chưa tàn cơn say cuối đường đau khổ
Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
Hồi chuông báo tử đã gọi hồn chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kiến trúc xi măng ấy chưa sụp đổ, và thay vì tìm được tự do chúng ta có nguy cơ bị đè bẹp dưới đống đổ nát ấy.
Hồi chuông báo tử đã gọi hồn chủ nghĩa cộng sản.
Ai trong chúng ta lại không biết đến các vấn nạn của chúng ta dù chúng được che đậy bằng những thống kê gian dối ? Trong suốt 70 năm lê bước đi tìm thiên đường Mác-Lê không tưởng mù quáng và độc ác, chúng ta đã đặt cả một phần ba dân số trên thớt của đao phủ thủ trong "cuộc chiến tranh vệ quốc" tự hủy diệt dưới sự lãnh đạo bất tài. Chúng ta đã mất thịnh vượng và tiêu diệt giai cấp nông dân cùng với làng mạc của họ. Chúng ta đã giết đi chính bản năng trồng lúa để ăn.
Chúng ta đã làm ô uế các thành phố từ trong ra ngoài, nhiễm độc sông hồ và cá với chất thải của công nghiệp thô sơ. Hôm nay thêm vào cái chết hạt nhân và việc mua về chất thải phóng xạ ở Phương Tây chúng ta cuối cùng làm ô uế nốt nguồn nước, không khí, đất đai còn sót lại cuối cùng. Tự hại mình vì những cuộc xâm lược hoành tráng dưới sự lãnh đạo điên cuồng, chúng ta đã phá rừng vàng của chúng ta, cướp đi những tài nguyên vô giá, tài sản không thể nào thay thế được của bao đời con cháu chúng ta. Chúng ta đã nhẫn tâm bán hết tất cả mọi thứ ra nước ngoài.
Chúng ta đã vắt kiệt sức phụ nữ chúng ta khi bắt họ làm công việc nặng nhọc. Chúng ta đã cướp họ ra khỏi vòng tay con cái. Trẻ thơ bị phó mặc cho bệnh hoạn, hư hỏng, và giáo dục suy đồi. Sức khỏe hoàn toàn không được chăm lo, đã thế chúng ta lại không có thuốc men. Thậm chí chúng ta còn quên đi cả thực phẩm sạch, và hàng triệu người không có nơi ở. Vô luật pháp ngự trị trên khắp cả nước. Thế mà trước bao cảnh này chúng ta chỉ bám vào một điều : chúng ta không bị tước đoạt thú say sưa đến mê muội.
Aleksandr Solzhenitsyn
Nguyên tác : "Làm thế nào hồi sinh nước Nga", Komsomoskaya Pravda, 18/09/1990. Bản dịch tiếng Anh của báo The New York Times. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
(29/03/2022)
**************************
Cộng sản chống con người
Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
Chủ nghĩa cộng sản là một cố gắng thô thiển nhằm giải thích xã hội và cá nhân như thể bác sĩ giải phẫu thực hiện những ca mổ phức tạp bằng dao chặt thịt. Tất cả những gì tinh tế trong tâm lý con người và trong cấu trúc xã hội (mà thậm chí càng phức tạp hơn nhiều), tất cả những điều này rốt cuộc chỉ còn lại là những quá trình kinh tế thô thiển. Toàn bộ hữu thể được sáng tạo này - con người - rốt cuộc chỉ còn lại là vật chất. Điều đặc biệt là cộng sản hoàn toàn thiếu lý lẽ đến nỗi nó không đưa ra được lý lẽ nào chống lại những người bất đồng với nó tại các nước cộng sản chúng tôi. Cộng sản thiếu lý lẽ nhưng bù lại có dùi cui, lao tù, trại tập trung, và các bệnh viện tâm thần với chế độ giam cầm cưỡng bức.
Sự phản kháng của tâm hồn chúng ta chống lại những kẻ khiến chúng ta quên đi những khái niệm thiện và ác.
Chủ nghĩa Marx luôn luôn chống lại tự do. Tôi sẽ trích dẫn đôi lời từ những người khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản, Marx và Engels (tôi trích từ bản in Xô Viết đầu tiên vào năm 1929) : "Cải cách là dấu hiệu của sự yếu đuối" (tập 23, trang 339) ; "Dân chủ còn đáng sợ hơn quân chủ và quý tộc" (tập 2, trang 369) ; "Tự do chính trị là tự do giả dối, còn tệ hơn tình cảnh nô lệ cùng khổ nhất" (tập 2, trang 394). Trong thư từ qua lại Marx và Engels thường xuyên khẳng định rằng khủng bố sẽ là tuyệt đối cần thiết sau khi nắm quyền lực, rằng "sẽ cần thiết lập lại năm 1793. Sau khi nắm quyền lực, chúng ta sẽ bị coi là những kẻ rất tàn ác, nhưng chúng ta chẳng thèm quan tâm gì đến" (tập 25, trang 187).
Cộng sản đã không bao giờ che giấu sự thật rằng cộng sản bác bỏ tất cả những khái niệm đạo đức tuyệt đối. Cộng sản chế giễu bất kỳ suy tưởng nào về "thiện" và "ác" như những phạm trù rất cần thiết. Cộng sản coi đạo đức là tương đối, là vấn đề giai cấp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình huống chính trị, bất kỳ hành vi nào, kể cả giết người, thậm chí sát hại hàng ngàn người, có thể tốt hay có thể xấu. Tất cả điều này phụ thuộc vào ý thức hệ giai cấp. Nhưng ai định nghĩa ý thức hệ này ? Toàn bộ giai cấp không thể nào tập trung lại để xét xử. Một số ít người quyết định điều gì tốt và điều gì xấu. Nhưng tôi phải nói rằng về chính phương diện này cộng sản thành công nhất. Cộng sản đã nhiễm độc cả thế giới bằng niềm tin về sự tương đối của thiện và ác. Ngày nay, ngoài những người cộng sản ra, nhiều người khác cũng bị tư tưởng này mê hoặc. Giữa những người tiến bộ với nhau, người ta thấy hơi ngượng ngùng khi ang một cách nghiêm túc những từ như "thiện" và "ác". Cộng sản đã thuyết phục được tất cả chúng ta những khái niệm này là lạc hậu và đáng cười. Nhưng nếu chúng ta bị tước mất những khái niệm thiện và ác ấy, chúng ta còn sót lại gì ? Chẳng còn gì ngoại trừ lừa lọc lẫn nhau. Chúng ta sẽ chìm xuống thành thú vật.
Cả lý thuyết và thực tiễn của cộng sản là hoàn toàn vô nhân đạo vì lý do ấy. Thời nay có một từ được dùng rất phổ biến : "chống cộng". Đó là một từ không hay và vô vị. Từ này khiến người ta tưởng rằng cộng sản là cái gì đấy độc đáo, căn bản. Vì thế, người ta xem nó như là điểm xuất phát, và chống cộng được định nghĩa liên quan đến cộng sản. Tôi nói người ta chọn từ này không hay, những người ghép từ này là những người không hiểu về từ nguyên học. Khái niệm quan trọng nhất, khái niệm bất tử là nhân tính, và cộng sản là chống nhân tính. Những ai nói "chống cộng" thật ra nói chống-chống-nhân tính. Một cách dùng từ không hay. Vì thế chúng ta nên nói : Phàm điều gì chống lại cộng sản là cổ vũ cho nhân tính. Không chấp nhận, mà hãy loại bỏ ý thức hệ cộng sản vô nhân đạo này rõ ràng mới là con người. Sự loại bỏ như thế không chỉ là hành động chính trị. Nó còn là sự phản kháng của tâm hồn chúng ta chống lại những kẻ khiến chúng ta quên đi những khái niệm thiện và ác.
Alexander Solzhenitsyn
Nguyên tác : Trích dịch bài diễn văn nhà văn Alexander Solzhenitsyn đọc ngày 9/7/1975 ở New York, Hoa Kỳ, từ tác phẩm "Warning To The West" của Alexander Solzenitsyn, nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux, New York, 1976, trang 56-59. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
*******************
Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất
Chingiz Aitmatov, Trần Quốc Việt dịch
Liệu chúng ta có thể thật sự nói rằng nhân dân ta bây giờ tốt bụng hơn, hiền hậu hơn ? Không, tôi không thể nói như thế. Ngay cả từ những gì tôi nhìn thấy trong đời thì thực trạng ngược lại mới đúng, còn theo như nếp nghĩ của dân chúng thì mọi sự càng ngày càng suy đồi. Tôi nhớ lại hồi nhỏ, thuở thiếu thời và thanh niên, rồi cố gắng so sánh những người hôm nay với những người tôi biết vào thời ấy ; và sự so sánh ấy không có lợi cho những thế hệ hiện nay. Người thời nay có thể có học hơn- chứ không phải có giáo dục, chỉ có học : họ đều biết đọc biết viết, họ đều biết ngồi thoải mái trước máy truyền hình và thành thạo chọn cảnh giải trí, tiêu khiển, thú vị. Ai cũng biết lái xe, vân vân. Nhưng đấy không phải là văn hóa và cũng không chứng tỏ được gì. Người máy cũng có thể làm chính xác như vậy. Thiện căn cao quý sâu kín trong lòng người đã bị mất, thiện căn ấy đã bị mất mát quá nhiều.
Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất
Chúng ta lúc nào cũng nói ở khắp mọi nơi rằng đạo đức nên là một trong những mối quan tâm lớn của chúng ta, cùng với sinh thái. Sinh thái là thảm họa đầu tiên, còn thảm họa thứ hai là thảm họa đạo đức. Tôi nghĩ thầm : tại sao chúng ta lại không thành công trên con đường này sau khi đã vất bỏ bao thần thánh cùng tất cả giáo huấn thần học ? Nói gì thì nói, tất cả giáo huấn tôn giáo đều buộc người ta xét những hành vi của họ-không chỉ hành vi mà còn cả ý nghĩ của họ-theo tiêu chuẩn là những hành vi hay ý nghĩ ấy liệu có làm Chúa hài lòng.
"Hài lòng" nghĩa là gì ? Nếu ta theo quan điểm hiện thực và thực tế thì mọi sự đều có thể chấp nhận được ; vì dù người ta làm bất kỳ chuyện gì chăng nữa cũng chưa từng có ai đã nếm trải bất kỳ sự trừng phạt nào từ trời cao. Nhưng khi ta hỏi thẳng ai đấy có nhận thức liệu điều nào đấy có làm hài lòng Chúa, điều ấy có nghĩa : điều ấy có làm hài lòng lương tâm ta, điều ấy có làm hài lòng đạo đức đích thực và cao quý nhất ?
Mọi người dù sao cũng phải tự vấn tâm mình và xem xét lại những suy nghĩ và hành vi của họ, hay ít ra cũng kiểm tra và giám sát chúng, và cân nhắc, rồi hiểu ra chúng đúng hay sai. Và nếu những suy nghĩ và hành vi này không phải, thì ít ra trong lòng họ phải có ít nhiều sám hối. Đây chính là điều chúng ta đã hoàn toàn tước đoạt từ nhân dân Xô viết chúng ta-ý thức sám hối. Chẳng ai từng bao giờ sám hối về bất kỳ điều gì.
Là đại biểu Xô Viết tối cao, tôi tiếp rất nhiều người. Họ đến về nhiều chuyện khác nhau- từ phàn nàn, yêu cầu, đến góp ý đủ loại. Tôi đôi khi có cảm tưởng rằng những người phạm tội về sau tìm mọi cách giảm nhẹ sự dính líu của họ. Họ không sám hối. Cho nên điều này khiến tôi nghi ngờ. Điều tôi muốn nói ở đây là sự tôn thờ sám hối đã hoàn toàn không còn nữa. Sám hối phải được hồi phục, vì sám hối là một trong những đặc trưng của con người, được hình thành trên con đường tiến hóa lịch sử bao la của nhân loại.
Theo tôi thời kỳ chúng ta hiện nay đang sống, thời kỳ tái cấu trúc và glasnost, thời kỳ hồi sinh, mặc khải, và khai sáng chưa từng có -đặt tên gì cũng được- thật sự là phục hưng cho chúng ta. Giống như chúng ta nói về thế kỷ thứ 15 ở Châu Âu là thời kỳ Phục Hưng, con cháu chúng ta có thể cũng nói như thế về chúng ta. Họ có thể nói rằng có nhiều sự phục hưng khác nhau, còn đây là sự phục hưng, sự tái sinh toàn bộ lĩnh vực tôn giáo của chúng ta.
Chingiz Aitmatov
Nguyên tác : The Age of Repentance (Thời đại sám hối), trích dịch từ tạp chí Mỹ Encounter, tháng 6/1989. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Chingiz Aitmatov (1928-2008) là nhà văn người Kyrgyzstan nổi tiếng với những tác phẩm như Một Ngày Dài Hơn Thế Kỷ, Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên, Đoạn Đầu Đài.
*********************
Tan mộng đường dài
Alexander Tsipko, Trần Quốc Việt dịch
Trong lịch sử nhân loại không dân tộc nào từng bị nô lệ bởi bao huyền thoại như dân tộc ta trong thế kỷ hai mươi.
Chúng ta tưởng chúng ta gắn bó đời mình cho một sự thật cao quý, chỉ để nhận thức rằng chúng ta phó thác mình cho một huyễn tưởng trí tuệ mà không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
Chúng ta tưởng chúng ta là những người tiên phong đưa toàn thể nhân loại đến bến bờ tự do và hạnh phúc tinh thần, nhưng nhận ra rằng con đường chúng ta đi là con đường không đi đến đâu.
Chúng ta tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô là kỳ tích vĩ đại nhất của dân tộc ta, ngờ đâu chúng ta cố tâm tự hủy diệt mình.
Chúng ta tưởng chủ nghĩa tư bản là một lão già bệnh hoạn bị kết án tử hình, nhưng hóa ra chủ nghĩa tư bản vẫn khỏe mạnh, cường thịnh.
Chúng ta tưởng những người cùng lý tưởng sát cánh bên chúng ta biết ơn chúng ta đã giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ tư bản, nhưng hóa ra bạn hữu và láng giềng chúng ta chỉ chờ cơ hội để trở lại nếp sống cũ của họ.
Chúng ta tưởng nền công nghiệp quốc gia của chúng ta, được tổ chức như một nhà máy lớn, là thành tựu cao nhất của kho tàng kiến thức nhân loại, nhưng tất cả hóa ra chỉ toàn là sự xuẩn ngốc về kinh tế mà đã quàng ách nô lệ lên bao năng lực tinh thần và kinh tế của nước Nga.
Alexander Tsipko
Nguyên tác : Trích dịch bài viết từ tạp chí Novy Mir số 4 (1990), trang 173-204, dựa theo tác phẩm "The Soviet System : From Crisis to Collapse" , của Alexander Dallin và Gail Warshofsky Lapidus, Nhà xuất bản Westview Press, 1995. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Alexander Tsipko là nhà triết học chính trị Xô Viết
Biển dâu
Ngày hôm qua có một người chết thực vật từ năm 1974 chợt bất ngờ sống lại. Ông tìm về ngôi nhà mình ở vườn rau Lộc Hưng. Ông nhận ra một vài người thân nhưng không nhận ra được ngôi nhà mình dưới đống đổ nát hoang tàn trải dài trước mặt.
Ông chỉ nói một câu : "Trời, cộng sản pháo kích hồi nào vậy ?"
Mọi người mới cập nhật hết tình hình đất nước kể từ khi ông nằm hôn mê trong bệnh viện cho đến nay. Rồi họ hỏi ông có hiểu những gì họ nói không.
Ông đáp : "Tôi hiểu chứ. Thời thế đã thay đổi, cho nên bây giờ con người thì chết thực vật còn thú vật giống người thì sống".
Ta là ai ?
Con người có nhà, con thú có hang. Nhà có thể là biệt thự hay túp lều. Nhưng nhà không thể nào chỉ là tấm giấy để ta nằm co ro ngủ qua đêm. Nhưng so ra người nguyên thủy còn sướng hơn ta rất nhiều. Họ ngủ trong hang gần đống lửa lớn, bên cạnh những người khác, và không phải lo dầm mưa hay dầm sương. Con thú cũng sướng hơn ta nhiều. Nó còn có nơi tránh mưa gió và khí lạnh khi đêm xuống.
Một nạn nhân vụ phá nhà ở vườn rau Lộc Hưng.
Còn ta chỉ có nhúm lửa nhỏ nhoi bên cạnh. Chỉ con người mới biết dùng lửa. Ta có lửa mà không có nhà hay thậm chí có hang, vậy thì ta là ai ? Là thú hay là người ? Hay ta là giống phi nhân phi thú.
Ta là kết tinh sau cùng của tội ác mà được thai nghén từ trong những căn phòng có máy lạnh, trên những chiếc ghế bành êm ái, và được truyền đi qua những chiếc điện thoại đắt tiền, được vạch ra trên bản đồ dưới những bàn tay trắng mập, được chúc mừng qua những ly rượu ngoại, được thầm thì bên tai những người đẹp trên giường, được quy ra bao vàng và kim cương và đô la.
Ngày ta chào đời ta nằm bên mẹ giữa chăn gối ấm cúng. Lúc ấy ai cũng biết ta là người. Bây giờ tội ác ấy tước đi ở ta quyền là con người nhưng cũng không cho ta quyền là con thú. Vậy thì ta là ai ?
Thôi thì bắt đầu ngày mai ta sẽ tập đi bằng bốn chân để may ra ta đủ tiêu chuẩn để cho họ-những kẻ trong phòng máy lạnh đã và đang can thiệp vào cuộc tiến hóa hàng triệu năm của con người - may ra xét và cấp cho ta một cái hang để ta bò vào mỗi đêm.
Bao giờ nắng lên ?
Bãi Tư Chính mất là một phần trách nhiệm của tôi.
Người phụ nữ oằn mình đau đớn dưới cơn mưa đấm đá của công an là một phần trách nhiệm của tôi.
Em bé bán hàng rong đứng ngoài cổng trường nhìn vào sân trường trong ngày khai giảng với ánh mắt thèm thuồng là một phần trách nhiệm của tôi.
Cụ già cuối chiều lê la hàng quán van nài khách mua vé số là một phần trách nhiệm của tôi.
Người dân bất lực nhìn nhà bị tà quyền đập phá tan tành là một phần trách nhiệm của tôi.
Thiếu nữ bán thân bên lề đường hay trong khách sạn hay phòng trà là một phần trách nhiệm của tôi.
Người bị đụng xe nằm trên đường dưới tấm chiếu đắp tạm bên mấy cây nhang cắm vội xiêu vẹo dưới cái nhìn dửng dưng của dòng người qua lại là một phần ttrách nhiệm của tôi.
Em bé bán hàng rong đứng ngoài cổng trường nhìn vào sân trường trong ngày khai giảng
.....
Tôi là tôi, tôi là anh, tôi là chị, tôi là em, tôi là người Việt. Tôi là giọt nước đời tan dưới ánh nắng thời gian. Một giọt nước lẻ loi của muôn triệu giọt nước lẻ loi mà nếu tụ lại sẽ thành sóng đại dương cuốn tan bao bất công oan trái hay chặn đứng lại quá trình ngoại xâm đang diễn ra thầm lặng không ngừng dưới sự im lặng của tà quyền.
Tôi chịu trách nhiệm không hẳn vì tôi là người xấu gây ra cái ác mà vì tôi là người tốt im lặng để được yên thân được ngày nào hay ngày đó. Tôi chịu trách nhiệm vì dù sao tôi vẫn còn có lương tâm để mà đôi lúc phán xét tôi giữa đêm trường về những gì tôi thấy trong ngày.
Bên ngoài mưa gió gào thét. Bên trong lòng tôi là thêm một ngày bình yên và ấm cúng bên gia đình, và từ đấy tôi mỗi ngày chờ ngày mai nắng lên. Bao giờ nắng lên ?
Trần Quốc Việt
(12/03/2022)
**********************
Chúng ta xứng đáng với số phận chúng ta
Aleksandr Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
"...Nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu đặt niềm hy vọng của họ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tôi thấy đó là một sai lầm hoàn toàn và tai hại. Những gì bản "Quốc tế ca" nói không phải là hoàn toàn ngu ngốc. Chúng ta không tìm sự giải thoát ở đâu khác ; chúng ta hãy đạt được tự do bằng chính đôi tay mình ! Anh phải hiểu rằng cuộc sống ở Phương Tây càng trở nên thịnh vượng, càng trở nên tự do và thanh nhàn thì người Phương Tây lại càng không sẵn lòng đấu tranh cho những kẻ ngu đã tự cho phép mình bị áp bức. Họ đúng thôi ; họ đã không mở cổng nhà họ cho bọn cướp vào. Chúng ta xứng đáng với chế độ và những kẻ lãnh đạo của chúng ta ; chúng ta đã gây ra tình cảnh đầy khó khăn này thì chúng ta phải tự mình thoát ra.
Cái hại của việc chúng ta đặt hy vọng vào người Mỹ là nó làm cho lương tâm chúng ta bớt cắn rứt và làm cho chúng ta nhụt chí ; qua đấy chúng ta đạt được quyền không đấu tranh, quyền đầu hàng, và theo đuổi đường lối kháng cự tối thiểu để rồi dần dần suy đồi. Tôi không đồng ý với những ai tuyên bố trong nhiều năm qua rằng nhân dân ta đã bắt đầu sáng mắt ra hơn, rằng họ đang trở nên chín chắn. Nhiều người còn nói không thể nào áp bức cả một dân tộc vô thời hạn. Nói như thế là nói láo. Có thể lắm chứ ! Chúng ta tự mình có thế thấy nhân dân ta đã suy đồi, họ đã trở nên thô tục, họ vô cảm không chỉ với số phận của quốc gia, không chỉ với số phận của người khác, mà còn cả với số phận của chính mình và số phận của con cái. Vô cảm, phản ứng tự vệ cuối cùng của cơ thể, đã trở thành đặc trưng điển hình của chúng ta. Rượu vodka phổ biến chưa từng có ngay cả theo tiêu chuần Nga cũng vì lẽ ấy. Đây là sự vô cảm khủng khiếp của người thấy đời mình không chỉ rạn nứt mà còn bị tan vỡ, bị hư hỏng đến mức chỉ quên lãng trong men rượu mới thấy đời còn đáng sống. Nếu vodka bị cấm, Cách mạng sẽ bùng nổ ngay tức khắc..".
Aleksandr Solzhenitsyn
Nguyên tác : Đoạn trích dịch này lấy từ trang 667, chương 90, bản dịch tiếng Anh "In The First Circle" do Harry T. Willetts dịch, nhà xuất bản Harper Collins, New York, Mỹ, 1968. Tựa đề tiếng Việt do người dịch đặt.
Trần Quốc Việt dịch (12/03/2022)
Ghi chú :
Tác phẩm "In the First Circle" ("Trong Tầng đầu Địa Ngục") - dịch từ tiếng Nga : В круге первом (phiên âm la tinh hóa : V kruge pervom) của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn - bị cắt bỏ một phần và xuất bản tại Mỹ vào năm 1968.
Truyện phim The First Circle về cuộc đời nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, 1991
Bản dịch lần thứ hai, trọn vẹn hơn, không bị cắt bỏ, mang tên "The First Circle" ("Tầng đầu Địa Ngục") được xuất bản lần đầu tại Nga năm 2009.
Những con cóc vàng
Sau khi nhai nghiến ngấu máu, xương, da, thịt, hạnh phúc, tâm hồn và lương tâm của hàng triệu sinh linh, da con cóc chúa từ màu vàng chuyển sang màu đỏ hồng và cuối cùng thành màu đen tuyền vĩnh cửu, đen hơn cả bóng tối của bốn ngàn năm dồn lại.
Con cóc đen chết, xác được đặt trong hang đen, sâu thẳm, và nồng nặc ngất trời mùi tử khí oan khuất lưu cửu. Nó chết nhưng vẫn ngự trị qua hình ảnh, khẩu hiệu, màu cờ, và qua mùi cóc chết vẫn lan tỏa ra khắp nơi và liệm kín từ từ cảnh vật và con người.
Con cóc đen chết, xác được đặt trong hang đen, sâu thẳm, và nồng nặc ngất trời mùi tử khí oan khuất lưu cửu.
Những con cóc đen, dòng giống của con cóc chúa, sinh sôi khắp nơi. Chúng ngồi chồm hổm trên cả nước, chúng phóng uế vào chốn thâm nghiêm, vào góc riêng tư, vào nơi trong sáng thơ ngây. Chúng ngồi ngự trị trong tù, chúng ngồi núp trên đường, chúng nhảy lên bàn Quốc hội, lên ghế quan tòa, lên ngòi bút. Chúng bôi đen trẻ thơ. Chúng nhảy ào ào vào đất dân để ngồi chiếm cứ để lập hang, dựng lãnh địa. Chúng rao giảng đạo đức Cóc, chúng ngồi trên lịch sử để sáng tác ra lịch sử Cóc, chúng tung hô dòng họ Cóc vốn đã bị đào thải khắp nơi bên ngoài nước Cóc lẻ loi của chúng.
Hôm nay, chúng tiến hóa không phải qua hàng triệu năm mà qua hàng triệu số phận con người mà chúng đã nhảy lên và bám chặc không rời vào người họ để hút máu và nhai xương họ. Qua thời gian bóc lột hóa ngắn này, chúng hóa thành những con cóc vàng bụng phệ, sống phè phỡn ghê tởm và đú đởn trong những lâu đài vàng, ngồi chễm chệ chồm hổm trên những chiếc ghế vàng chạm đầu rồng ngậm ngọc.
Dưới lớp vàng ấy là muôn vàn lớp máu, lớp đau khổ, lớp thở dài, lớp lo âu, lớp oan ức triền miên của bao kiếp người.
Những con cóc vàng này sẽ thụ hưởng để chờ ngày nhân dân đứng dậy dẹp tan chúng, đuổi chúng trở lại vào hang rậm đầm lầy quê cũ của chúng. Trước, trong và sau thời gian đứng dậy ấy, đám người cóc vàng này sẽ xếp hàng trước cửa địa ngục nhân quả để chờ mang lông đội sừng cho kiếp sau.
Thời người thành cóc và cóc nhảy lên thành người là thời của tôi và bạn. Hãy hành động trước khi cóc nhiều hơn người và trước khi con cháu ta biết đâu sẽ trở thành những con cóc đen, vàng, đỏ ngồi phóng uế lên tương lai của quê hương.
Những con thú trong con người
Sau khi làm "cách mạng" cướp chính quyền, họ bắt đầu tàn sát hàng triệu người qua chiến tranh và khủng bố. Người dân sợ họ vô cùng và gọi họ là những con cọp.
Người dân ghê tởm họ và gọi họ là những con cóc.
Nắm quyền lực và thống trị tuyệt đối nhân dân rồi, họ bắt đầu ăn không từ một thứ gì để vơ vét và làm giàu. Người dân nguyền rủa họ không tiếc lời và gọi họ là những con lợn.
Tích lũy của cải khổng lồ xong, họ bắt đầu khoe nhà vàng, lầu ngọc một cách kệch cỡm của những kẻ vô học. Người dân ghê tởm họ và gọi họ là những con cóc.
Họ bắt đầu no cơm ấm cật rồi sướng quá hóa cuồng, tối ngày chỉ mơ chuyện chăn gối. Người dân cười họ và gọi họ là những con dê.
Còn họ coi nhân dân là những con cừu gọi dạ bảo vâng. Và họ nghĩ những con cừu này là tầng lớp trâu bò nai sức ra cày để nuôi béo họ và gia đình.
Họ từng tuyên bố : "Không con bò hay con lừa nào có thể ngăn cản tiến bộ của chủ nghĩa xã hội" (1).
Dưới mắt ta họ là những người hóa thú. Dưới mắt họ ta cũng là người thành thú. Cho nên xã hội ngày nay trở thành rừng rú nơi những con thú quyền thế cai trị và bóc lột những con thú nô lệ, và những con thú nô lệ cùng quẩn quay ra cắn xé lẫn nhau.
Trách họ một thì trách ta mười. Mình phải như thế nào những con thú này mới coi mình là những con thú nô lệ được chúng chăn dắt để đi tìm chủ nghĩa xã hội hoàn thiện trên con đường hóa thú trăm năm chứ.
Nhân quả
Tội ác của cộng sản là một đại dương sâu thẳm và vô bờ bến. Đại dương ấy sẽ không còn sâu thêm và rộng hơn chỉ khi các bóng ma cộng sản cuối cùng biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất.
Tội ác của cộng sản là một đại dương sâu thẳm và vô bờ bến.
Một giọt nước mà mới rơi xuống đại dương ấy là tội ác mới được phơi bày của chế độ cộng sản Việt Nam đối với cựu tù lương tâm Huỳnh Anh Trí. Do phải dùng chung dao lam cạo râu hay do bị cùm trong các cùm còn rướm máu của những tù nhân bị nhiễm HIV đã bị cùm trước đó nên anh Trí hiện mắc bệnh AIDS ở giai đoạn cuối.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế kể ông chứng kiến một tu sĩ công giáo rất trẻ hấp hối bị bỏ mặc cả ngày dưới ánh nắng gay gắt. Thêm một giọt nước nữa đã rơi tự lâu xuống đại dương ấy giờ mới vang vọng đến lương tâm chúng ta. Gần một trăm năm qua muôn vàn triệu giọt nước tội ác như thế và hơn thế đã tích tụ lại trong đại dương vô cùng tận ấy mà khởi đi từ ý thức hệ vô nhân đạo nhất và tàn ác nhất trong lịch sử loài người.
Người cộng sản tàn ác vì họ không có khái niệm về thiện và ác mà nuôi dưỡng và hình thành nền văn minh nhân bản và tinh thần của con người. Cho nên chống cộng không chỉ đơn thuần là hành động chính trị mà còn là một hành động khôi phục khái niệm cơ bản thiện và ác đã mờ nhạt trong xã hội-nhà tù toàn trị.
Tội ác của các chế độ cộng sản là vô cùng tận vì những người gián tiếp và trực tiếp gây ra tội ác không còn lương tâm hướng thiện của con người. Thay vào lương tâm đã bị tẩy trắng ấy là dùi cui, báng súng, gông cùm, thủ đoạn, pháp trường, gian dối, và bản năng hoang sơ. Nơi ánh sáng lương tri và thương yêu đã tắt con thú trỗi dậy trong tim người để điều khiển hành động của họ.
Cho nên cộng sản căm ghét tôn giáo vì tôn giáo, qua hành động gieo mầm thiện trong lòng con người, đã cản trở quá trình thú hóa con người của cộng sản.
Cho nên cộng sản căm ghét những nhà bất đồng chính kiến và những tù nhân lương tâm vì họ là tiếng nói đạo đức cho xã hội bị áp bức, là hình ảnh nhân phẩm cho xã hội bị tước đoạt nhân phẩm, là tương lai cho xã hội chỉ có quá khứ, là niềm hy vọng cho xã hội tuyệt vọng về chính trị.
Đức Phật dạy nếu con người nói hay hành động với tâm ác thì đau khổ sẽ theo họ như bánh xe theo chân của con bò kéo xe và nếu con người nói hay hành động với tâm thiện, hạnh phúc sẽ theo họ như hình với bóng. Nhân quả ấy hiển hiện trong nhà tù cộng sản nơi cuộc đấu tranh giữa những người tù lương tâm và chế độ là cuộc đấu tranh giữa tâm thiện và tâm ác.
Người tù lương tâm vào tù với trái tim trong sáng vì họ đấu tranh cho chính nghĩa, công lý, tự do và nhân phẩm. Họ không ký giấy nhận tội để ra tù, họ không khuất phục, họ thương yêu và bênh vực những người tù đồng cảnh. Thể xác của họ có thể bị hủy diệt nhưng lương tâm, tâm hồn, và ý chí của họ càng trong sáng và mạnh mẽ. Ra tù họ vẫn tiếp tục đấu tranh bằng nhiều cách trong khả năng của mình để góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Niềm hạnh phúc tâm hồn này theo họ như hình với bóng dù trong xà lim tù hay ở xã hội bên ngoài. Nhà tù là nơi tâm hồn họ trở nên cao thượng hơn và nhân ái hơn. Hãy nghe và nhìn chị Đỗ thị Minh Hạnh hát những bài hát chị sáng tác trong tù hay hãy đọc những bài thơ trong tù của anh Lê Công Định. Tâm hồn họ tỏa sáng hạnh phúc nội tâm mà không một chế độ phi nhân nào có thể dập tắt được.
Những công an, cai tù, quản giáo - những khuôn mặt hiện thân của chế độ trong nhà tù - là những người đã trao lương tâm họ cho chế độ. Vì thế họ là công cụ không hơn không kém. Tính người ở họ đã không còn khi họ xuống tay hay ra lệnh đánh đập, tra tấn hay hành hạ những người tù lương tâm bằng mọi cách không lương thiện. Bên ngoài họ có vẻ thỏa mãn với địa vị và quyền hành sinh sát với tù nhân. Nhưng họ là con người ở ngoài xã hội và là con thú ở trong tù nơi niềm vui và sự thành đạt của họ tỷ lệ với mức độ đau đớn về thể chất của những người tù.
"Nhưng tại sao số phận không trừng phạt họ mà họ còn giàu có lên ?" Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn hỏi như thế và trả lời như sau :
"Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này là ý nghĩa của sự tồn tại trên trần thế này không ở sự thành đạt như chúng ta quen suy nghĩ, mà ở sự phát triển tâm hồn. Từ quan điểm này, những kẻ tra tấn chúng tôi đã bị trừng phạt một cách khủng khiếp nhất : họ đang rơi xuống và biến thành những con lợn, ngày càng xa dần con người".
Trần Quốc Việt
(09/03/2022)
------------------------
(1) Lời của Erich Honecker, Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Đức vào ngày 7 tháng 10, 1989.
********************
Trăm năm cuộc đời
Alexander Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
Tại sao con người nên sống trăm năm ? Chuyện như thế này. Thánh Allah ban cho tất cả các loài vật mỗi loài năm mươi năm, và thấy như thế là đủ. Nhưng con người đến sau cùng, song Thánh Allah chỉ còn lại vỏn vẹn hai mươi lăm năm.
Hai mươi năm cuối cùng thiên hạ sẽ cười nhạo ngươi như cười nhạo con khỉ…".
Con người liền bắt đầu than van như thế không đủ. Thánh Allah nói, "Đủ rồi !". Con người đáp, "Không, chưa đủ". Thánh Allah nói, "Được rồi, ngươi hãy đi hỏi xem có ai dư năm thì cho bớt ngươi".
Con người đi gặp con ngựa. "Ngựa ơi, nghe đây", con người nói, "Đời tôi sao ngắn quá. Hãy cho tôi một số năm của bạn".
"Được rồi", con ngựa nói, "hãy lấy hai mươi lăm năm của ta".
Con người đi thêm một đoạn đường thì gặp con chó. "Chó ơi, nghe đây, hãy cho tôi một phần tuổi thọ của bạn".
"Được rồi, hãy lấy hai mươi lăm năm của ta".
Con người tiếp tục đi. Trên đường con người gặp con khỉ, và xin thêm được hai mươi lăm năm nữa từ con khỉ.
Rồi con người quay trở lại gặp Thánh Allah.
Thánh Allah nói, "Ngươi muốn sao thì được vậy. Hai mươi năm đầu tiên ngươi sống ra con người. Hai mươi năm thứ hai người sẽ cày như ngựa. Hai mươi năm thứ ba ngươi sẽ gầm gừ như chó. Còn hai mươi năm cuối cùng thiên hạ sẽ cười nhạo ngươi như cười nhạo con khỉ…".
Alexander Solzhenitsyn
Nguyên tác : Trích từ tác phẩm "Khu ung thư" (Cancer Ward), bản dịch tiếng Anh của Nicolas Bethell và David Burg, nhà xuất bản Bantam Books, tháng Hai 1969, chương 2, trang 23-24. Tựa đề của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
(09/03/2022)