Biển dâu
Ngày hôm qua có một người chết thực vật từ năm 1974 chợt bất ngờ sống lại. Ông tìm về ngôi nhà mình ở vườn rau Lộc Hưng. Ông nhận ra một vài người thân nhưng không nhận ra được ngôi nhà mình dưới đống đổ nát hoang tàn trải dài trước mặt.
Ông chỉ nói một câu : "Trời, cộng sản pháo kích hồi nào vậy ?"
Mọi người mới cập nhật hết tình hình đất nước kể từ khi ông nằm hôn mê trong bệnh viện cho đến nay. Rồi họ hỏi ông có hiểu những gì họ nói không.
Ông đáp : "Tôi hiểu chứ. Thời thế đã thay đổi, cho nên bây giờ con người thì chết thực vật còn thú vật giống người thì sống".
Ta là ai ?
Con người có nhà, con thú có hang. Nhà có thể là biệt thự hay túp lều. Nhưng nhà không thể nào chỉ là tấm giấy để ta nằm co ro ngủ qua đêm. Nhưng so ra người nguyên thủy còn sướng hơn ta rất nhiều. Họ ngủ trong hang gần đống lửa lớn, bên cạnh những người khác, và không phải lo dầm mưa hay dầm sương. Con thú cũng sướng hơn ta nhiều. Nó còn có nơi tránh mưa gió và khí lạnh khi đêm xuống.
Một nạn nhân vụ phá nhà ở vườn rau Lộc Hưng.
Còn ta chỉ có nhúm lửa nhỏ nhoi bên cạnh. Chỉ con người mới biết dùng lửa. Ta có lửa mà không có nhà hay thậm chí có hang, vậy thì ta là ai ? Là thú hay là người ? Hay ta là giống phi nhân phi thú.
Ta là kết tinh sau cùng của tội ác mà được thai nghén từ trong những căn phòng có máy lạnh, trên những chiếc ghế bành êm ái, và được truyền đi qua những chiếc điện thoại đắt tiền, được vạch ra trên bản đồ dưới những bàn tay trắng mập, được chúc mừng qua những ly rượu ngoại, được thầm thì bên tai những người đẹp trên giường, được quy ra bao vàng và kim cương và đô la.
Ngày ta chào đời ta nằm bên mẹ giữa chăn gối ấm cúng. Lúc ấy ai cũng biết ta là người. Bây giờ tội ác ấy tước đi ở ta quyền là con người nhưng cũng không cho ta quyền là con thú. Vậy thì ta là ai ?
Thôi thì bắt đầu ngày mai ta sẽ tập đi bằng bốn chân để may ra ta đủ tiêu chuẩn để cho họ-những kẻ trong phòng máy lạnh đã và đang can thiệp vào cuộc tiến hóa hàng triệu năm của con người - may ra xét và cấp cho ta một cái hang để ta bò vào mỗi đêm.
Bao giờ nắng lên ?
Bãi Tư Chính mất là một phần trách nhiệm của tôi.
Người phụ nữ oằn mình đau đớn dưới cơn mưa đấm đá của công an là một phần trách nhiệm của tôi.
Em bé bán hàng rong đứng ngoài cổng trường nhìn vào sân trường trong ngày khai giảng với ánh mắt thèm thuồng là một phần trách nhiệm của tôi.
Cụ già cuối chiều lê la hàng quán van nài khách mua vé số là một phần trách nhiệm của tôi.
Người dân bất lực nhìn nhà bị tà quyền đập phá tan tành là một phần trách nhiệm của tôi.
Thiếu nữ bán thân bên lề đường hay trong khách sạn hay phòng trà là một phần trách nhiệm của tôi.
Người bị đụng xe nằm trên đường dưới tấm chiếu đắp tạm bên mấy cây nhang cắm vội xiêu vẹo dưới cái nhìn dửng dưng của dòng người qua lại là một phần ttrách nhiệm của tôi.
Em bé bán hàng rong đứng ngoài cổng trường nhìn vào sân trường trong ngày khai giảng
.....
Tôi là tôi, tôi là anh, tôi là chị, tôi là em, tôi là người Việt. Tôi là giọt nước đời tan dưới ánh nắng thời gian. Một giọt nước lẻ loi của muôn triệu giọt nước lẻ loi mà nếu tụ lại sẽ thành sóng đại dương cuốn tan bao bất công oan trái hay chặn đứng lại quá trình ngoại xâm đang diễn ra thầm lặng không ngừng dưới sự im lặng của tà quyền.
Tôi chịu trách nhiệm không hẳn vì tôi là người xấu gây ra cái ác mà vì tôi là người tốt im lặng để được yên thân được ngày nào hay ngày đó. Tôi chịu trách nhiệm vì dù sao tôi vẫn còn có lương tâm để mà đôi lúc phán xét tôi giữa đêm trường về những gì tôi thấy trong ngày.
Bên ngoài mưa gió gào thét. Bên trong lòng tôi là thêm một ngày bình yên và ấm cúng bên gia đình, và từ đấy tôi mỗi ngày chờ ngày mai nắng lên. Bao giờ nắng lên ?
Trần Quốc Việt
(12/03/2022)
**********************
Chúng ta xứng đáng với số phận chúng ta
Aleksandr Solzhenitsyn, Trần Quốc Việt dịch
"...Nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu đặt niềm hy vọng của họ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tôi thấy đó là một sai lầm hoàn toàn và tai hại. Những gì bản "Quốc tế ca" nói không phải là hoàn toàn ngu ngốc. Chúng ta không tìm sự giải thoát ở đâu khác ; chúng ta hãy đạt được tự do bằng chính đôi tay mình ! Anh phải hiểu rằng cuộc sống ở Phương Tây càng trở nên thịnh vượng, càng trở nên tự do và thanh nhàn thì người Phương Tây lại càng không sẵn lòng đấu tranh cho những kẻ ngu đã tự cho phép mình bị áp bức. Họ đúng thôi ; họ đã không mở cổng nhà họ cho bọn cướp vào. Chúng ta xứng đáng với chế độ và những kẻ lãnh đạo của chúng ta ; chúng ta đã gây ra tình cảnh đầy khó khăn này thì chúng ta phải tự mình thoát ra.
Cái hại của việc chúng ta đặt hy vọng vào người Mỹ là nó làm cho lương tâm chúng ta bớt cắn rứt và làm cho chúng ta nhụt chí ; qua đấy chúng ta đạt được quyền không đấu tranh, quyền đầu hàng, và theo đuổi đường lối kháng cự tối thiểu để rồi dần dần suy đồi. Tôi không đồng ý với những ai tuyên bố trong nhiều năm qua rằng nhân dân ta đã bắt đầu sáng mắt ra hơn, rằng họ đang trở nên chín chắn. Nhiều người còn nói không thể nào áp bức cả một dân tộc vô thời hạn. Nói như thế là nói láo. Có thể lắm chứ ! Chúng ta tự mình có thế thấy nhân dân ta đã suy đồi, họ đã trở nên thô tục, họ vô cảm không chỉ với số phận của quốc gia, không chỉ với số phận của người khác, mà còn cả với số phận của chính mình và số phận của con cái. Vô cảm, phản ứng tự vệ cuối cùng của cơ thể, đã trở thành đặc trưng điển hình của chúng ta. Rượu vodka phổ biến chưa từng có ngay cả theo tiêu chuần Nga cũng vì lẽ ấy. Đây là sự vô cảm khủng khiếp của người thấy đời mình không chỉ rạn nứt mà còn bị tan vỡ, bị hư hỏng đến mức chỉ quên lãng trong men rượu mới thấy đời còn đáng sống. Nếu vodka bị cấm, Cách mạng sẽ bùng nổ ngay tức khắc..".
Aleksandr Solzhenitsyn
Nguyên tác : Đoạn trích dịch này lấy từ trang 667, chương 90, bản dịch tiếng Anh "In The First Circle" do Harry T. Willetts dịch, nhà xuất bản Harper Collins, New York, Mỹ, 1968. Tựa đề tiếng Việt do người dịch đặt.
Trần Quốc Việt dịch (12/03/2022)
Ghi chú :
Tác phẩm "In the First Circle" ("Trong Tầng đầu Địa Ngục") - dịch từ tiếng Nga : В круге первом (phiên âm la tinh hóa : V kruge pervom) của nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn - bị cắt bỏ một phần và xuất bản tại Mỹ vào năm 1968.
Truyện phim The First Circle về cuộc đời nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, 1991
Bản dịch lần thứ hai, trọn vẹn hơn, không bị cắt bỏ, mang tên "The First Circle" ("Tầng đầu Địa Ngục") được xuất bản lần đầu tại Nga năm 2009.